Phát thanh xúc cảm của bạn !

Ký ức Hà Nội mùa thu

2019-08-25 01:30

Tác giả: Hạc Giấy


blogradio.vn - Có rất nhiều người mơ về Hà Nội là những khu nhà tập thể, những góc phố trầm ngâm khuất sau những ô cửa gỗ hay đơn thuần chỉ là những hàng cây gọi mùa về. Còn với tôi, trong mắt một người con của miền Nam, tôi yêu Hà Nội từ những phút đầu gặp gỡ.

***

Năm chín tuổi là lần đầu tiên tôi đến Hà Nội để tận hưởng đích thực “mùa thu”. Với một người sống quanh năm trong tiết trời bốn mùa nắng ráo, tôi không sao hiểu được gió lạnh hay lá vàng mà trong sách vẫn hay nói, càng không hiểu được hình ảnh cây gạo vào thu là gì nói chi biết đến “mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng”. Ấy vậy mà chuyến đi ấy đã cho tôi tất cả những xúc cảm về mùa thu Hà Nội. Ký ức về Hà Nội năm đó đã theo tôi suốt tuổi thơ đẹp đẽ, cho tôi những cảm nhận mới mẻ và những trải nghiệm thú vị trong đời.

Ba tôi thường nói với tôi rằng: “Con người muốn hiểu biết phải đi nhiều nơi, có như vậy tầm nhìn mới cao và xa được”. Điều này có lẽ đúng, ba tôi là một người thích đi đây đi đó và cũng thích mang tôi đi đó đi đây. Vì theo ông nội tôi tập kết ra Bắc mà bà nội tôi đã mang ba tôi lúc ấy vừa chào đời đi theo ra Hà Nội. Suốt bao nhiêu năm hai miền chia cắt là bấy nhiêu năm ông bà nội tôi sống ở Hà Nội. Có lẽ vì vậy mà ba tôi xem Hà Nội như là quê hương của mình. Thật ra ý niệm về quê hương rất đơn giản, chỉ đơn thuần nơi nào gắn bó với tuổi thơ thì nơi ấy sẽ thấm vào máu và tự lúc nào trở thành quê hương.

thu hà nội

Ấn tượng đầu tiên của tôi về Hà Nội là hàng đê dài suốt dọc đường từ sân bay vào thủ đô. Mùi của gió se lạnh thổi qua những cánh đồng lúa xanh mướt của đồng bằng Bắc Bộ từ trong sách đã hiện ra trước mắt tôi. Hương thơm ấy nhiều năm sau vẫn luôn đọng lại trong lòng tôi như một phần trong trẻo giữa cuộc sống xô bồ sau này. 

Tôi nhớ như in nơi gia đình tôi ở khi đó là Nhà Khách Chính Phủ trên phố Ngô Quyền. Hà Nội rất lạ, những khái niệm đầu tiên của cô bé 9 tuổi khi đó về Hà Nội là cách gọi của người Hà Nội khác với người Sài Gòn. Họ không gọi tên đường mà gọi là phố. Họ không gọi hẻm mà gọi là ngõ rồi trong ngõ thì là ngách. Hà Nội khi đó rất thanh bình, yên ả. Mặc dù cũng có xe máy nhưng không nhiều. Có nhà phố nhưng không có nhà cao tầng chọc trời. Đường phố dài nhưng không rộng. Nhiều nhà hàng nhưng không xô bồ mà chỉ nép mình khiêm tốn sau những cánh cửa gỗ. Thậm chí trong mắt tôi khi đó thủ đô Hà Nội khá nhỏ và khiêm nhường hơn tôi nghĩ. Ấy vậy mà từ khi nào đã đi vào lòng tôi những cảm xúc khó phai mờ.

Lần đầu tiên tôi nhìn thấy lá vàng rơi theo gió cũng là từ chuyến đi năm đó, để tôi biết được đấy là mùa thu. Mùa thu Hà Nội lúc đấy với tôi mà nói là cảm giác lạnh run người. Lạnh đến mức ngồi sau xe máy mà tay run không cử động được. Người anh chở tôi lúc đó quay mặt ra sau nói lớn trong tiếng gió rít rằng: “Cho tay vào túi áo khoác của anh”. Tôi bán tín bán nghi làm theo. Quả thật ấm hơn rất nhiều! Người bản xứ vẫn là có kinh nghiệm nhất.

Thu Hà Nội

Anh ấy còn chở tôi đến rất nhiều nơi, băng qua những con phố xinh đẹp của Hà Nội, nói cho tôi nghe đó là “Bốt Hàng Đậu nơi Phan Bội Châu bị thực dân Pháp giam cầm”, chở tôi qua Hàng Đào, Hàng Đường, Hàng Dầu... rồi nói đây là “ba mươi sáu phố phường”. Tôi đếm qua đếm lại rồi giơ mười ngón tay nhỏ lên nói là: “Mới chỉ hơn mười hàng thôi mà anh”. Anh cười phì ừ ừ cho qua chuyện chứ sao mà đi đủ ba mươi sáu phố phường đây?

Người ta thường bảo nhau rằng: “Phở Hà Nội là ngon số một” còn tôi cho rằng ở Hà Nội chỉ có mỗi phở Bát Đàn là tuyệt đỉnh. Chưa bao giờ ở thành phố Hồ Chí Minh mua phở mà phải đứng xếp hàng nhưng lần đó ba tôi đã cho tôi một trải nghiệm mới. Giữa cái buổi sáng lạnh như băng, khí trời u uất, tôi đã bị gọi dậy sớm xếp hàng mua phở. Cảm giác vừa đói vừa mệt mà cầm được tô phở nóng thật là khác biệt. Phải nói như thế nào nhỉ? Đó là một cảm giác ấm áp giữa mùa đông với mùi thơm của bát phở quyện vào hơi sương. Đó cũng có thể là cảm giác đợi chờ và nhận lấy món quà tinh hoa làm ấm lòng thực khách. Hay chỉ nguyên căn nhất là bản chất đói bụng chờ ăn một miếng ngon.

Tất cả mọi cảm giác xáo động trong lòng tôi lúc đó tích lại dồn vào đầu lưỡi và nếm trải cái hương vị thanh khiết mà lại đậm đà của phở Bát Đàn khi xưa. Nhiều khi tôi cứ nghĩ, vì sao chỉ một món ăn thôi mà lại mang đến cho con người nhiều cảm xúc như vậy? Vâng, món ăn ấy là hồn quê dân tộc, là tất cả những hương vị tinh tế được kết hợp khéo léo qua nhiều đời của người Hà Nội và hơn hết là được ăn vào buổi sáng mùa thu năm ấy. Với tôi, hương vị ấy đã mãi nằm lại trong những ký ức về Hà Nội bởi giữa nhịp sống nhanh vội như thế này, tôi đã không còn tìm được hương vị ấy lần nữa.

thu Hà nội

Tôi vẫn nhớ người anh đó của tôi - người đã mua cho tôi rất nhiều ô mai, người anh siêng năng đưa tôi đi khắp Hà Nội. Người đầu tiên cho tôi biết nhiều từ địa phương nghe rất lạ tai. Tôi còn nhớ khi ấy anh đến tìm tôi và nói rằng: “Để anh đèo em và mẹ đi ăn bánh gối”. Cái từ “đèo” này với tôi vừa xa lạ và cũng mới mẻ làm sao? Chưa kể cái giọng của người Hà Nội lại cũng đặc biệt hay và ấm áp biết bao. Tôi còn nhớ khi đó anh ấy chở tôi đi mua ô mai. Lúc bước vào hàng bán ô mai cũ kỹ với những cái hủ thủy tinh lớn trên tủ mà nhìn qua tôi không sao phân định được loại nào với loại nào. Anh tôi đã chỉ vài loại rồi nói với người bán mỗi loại hai lạng. Lúc ấy tôi không biết “lạng” này là cái gì. Cả dọc đường về nhà cứ thắc mắc như vậy nhưng cũng không hỏi bởi vì lúc đó miệng bận nhai ô mai. Cái vị ô mai chua chua ngọt ngọt nhưng vẫn thơm mùi hoa quả ấy cứ đọng trong cổ họng tôi rồi tự lúc nào lại thấm vào lòng tôi.

Hà Nội khi ấy khiến tôi ấn tượng là tiết trời se lạnh, chỉ mới tháng chín mà đã phải mặc quần len và đắp chăn bông. Nhà cô tôi khi đó ở ngay phố, nhưng tôi không mấy khi cảm thấy ồn đến chói tai dù người buôn bán qua lại chợ búa rất đông nhưng âm thanh vẫn cứ đều đều như nhịp sống thường nhật của người dân khi đó. Lúc đấy, về đêm trời trở lạnh, cô đưa tôi ra ngoài ngõ mua ngay một cái quần len, mặc vào thấy ấm hẳn ra. Nhà cô tôi nuôi trên dưới vài chục thợ làm bánh oản. Các bạn có biết bánh oản là gì không? Mải đến khi đó tôi mới biết bánh oản là gì đấy. Đó là loại bánh làm bằng bột màu trắng như bánh in nhưng được đóng nhô cao như ngọn tháp, bên ngoài bọc giấy kiếng đủ màu nhìn rất đẹp. Người ta thường mua xếp vào mâm để cúng nhân dịp lễ Tết. 

hà Nội

Nếp sống người Hà Nội không giống với người Sài Gòn, từ trong bữa ăn và cách cư xử cũng khác. Khi ăn cơm phải dọn đến hai mâm cho người lớn và trẻ con. Có nhiều nhà còn phải có mâm riêng cho đàn ông và phụ nữ. Trong những ngôi nhà ở Hà Nội, mùi hương trầm thấm vào thớ gỗ những ngày trời đổi gió là hương thơm đặc trưng khiến người ta xao xuyến bồi hồi và mang nỗi nhớ đến quay quắt trong tim. Hầu như gia đình nào ở Hà Nội cũng vậy, họ luôn sống nề nếp và nền nã để lưu giữ phong vị xứ kinh kỳ và hồn quê dân tộc mà tôi cho rằng đó là nét đẹp văn hóa đặc trưng của người Hà Nội.

Ký ức về Hà Nội của tôi có khi chỉ đơn giản là giành lấy cái chăn bông màu đỏ rực hình con phụng vừa mới vừa đẹp và nói: “Cái này là của em”. Chị tôi lúc đấy đã nói rằng: “Không được, cái chăn này là của bố mẹ chị” nhưng chú tôi đã nói rằng: “Thích thì cho nó”. Vậy là đêm đó hai chị em lại được rúc vào cái chăn mới rồi cười khúc khích cả đêm. Niềm vui tuổi thơ cứ đơn giản như vậy, những cứ ký ức về thủ đô Hà Nội, con người Hà Nội cũng đơn giản như thế cho đến lúc tôi rời đi.

cốm

Lúc tôi rời Hà Nội, cầm gói cốm trên tay, ngửi lấy mùi lá sen bọc quanh những hạt cốm non ngậm sữa, không hiểu sao tôi lại rơi nước mắt. Vậy là cũng đến lúc tạm biệt Hà Nội, thành phố của những giấc mơ trong trẻo yên bình. Hình ảnh thủ đô Hà Nội mát mẻ yên ắng dưới ánh nắng sớm mai bên ô cửa nhỏ nhìn ra phố cổ thân yêu là hình ảnh lưu luyến thu vào tầm mắt tôi khi đó. Với Hà Nội, nếu chỉ dùng một từ yêu thôi thì chưa đủ, mà bên cạnh yêu còn có những nỗi nhớ, những ôm ấp đẹp đẽ, những lưu luyến bồi hồi khi được bước đi giữa lòng thủ đô đẹp đến say lòng. Ký ức tuổi thơ tôi vì nơi đó mà đẹp hơn, ký ức về mùa thu của tôi cũng vì nơi đó mà bớt đơn điệu.

Hà Nội bây giờ đã rộng hơn, lớn hơn, hiện đại hơn và tấp nập hơn. Đó chính là sự phát triển tự nhiên, là dòng chảy của cuộc sống. Hà Nội sẽ không vì những mảng màu ký ức của tôi hay bất kỳ ai mà dừng lại ở những ôn hoà xưa cũ, nó phải bắt kịp và tiến nhanh với thời đại để vươn lên xứng tầm làm thủ đô của một quốc gia. Biết vậy mà sao trong lòng tôi mãi cứ nuối tiếc về những gam màu khi đó, những trong trẻo của cuộc sống Hà Nội lúc đó, những hàng cây xáo động, những tiếng chim lao xao hay hương vị của cốm ủ trong lá sen năm nào. Tất cả đã tạo cho tôi những ký ức đẹp đẽ về mùa thu Hà Nội suốt quãng thời gian dài thơ ấu mà đến nay vẫn không sao tìm lại được. 

Con người sẽ chẳng thể sống mãi trong ký ức với những tiếc nuối đã qua nhưng tôi yêu ký ức đó của tôi. Yêu những con người tôi gặp trên đất Bắc, yêu những mái nhà cổ kính rêu phong, yêu thời tiết lạnh lẽo để cảm nhận hơi ấm của con người. Yêu một Hà Nội không xa hoa, chỉ giản dị yên bình trong màu áo nâu và thấm đượm tình cảm chân thành của đất kinh đô ngàn năm văn hiến.

© Hạc Giấy – blogradio.vn

Mời xem thêm chương trình:

Này em, Tháng 8 gọi mùa thu về rồi đấy

Hạc Giấy

“Hãy nhìn cuộc sống qua lăng kính của những người yêu nhau. Bạn sẽ thấy nó thú vị hơn mình nghĩ.” --- Hạc Giấy ---

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Mùa hè

Mùa hè

Sự khởi đầu hay kết thúc không phản ánh bằng thời gian, điều đó không cần phản ánh hay suy xét. Định nghĩ về thì giờ giữa chúng tôi chẳng còn là một khái niệm, chúng tôi chỉ đơn giản muốn bên nhau chẳng thể tách rời...

Cuộc sống: hành trình suy ngẫm và học hỏi

Cuộc sống: hành trình suy ngẫm và học hỏi

Chúng ta có quyền tự do để tạo ra những chương mới, viết nên những câu chuyện mới, và xây dựng những ý nghĩa mới. Mỗi ngày là một trang mới, và mỗi bước đi là một câu chuyện mới đang được viết.

Nhớ

Nhớ

Em ngồi đây bỏng cháy Tim thành bụi mất rồi

Đại lộ của những giấc mơ tan vỡ

Đại lộ của những giấc mơ tan vỡ

Vật chất mình tìm được không đuổi kịp trái tim mình đang loạn. Bằng cấp mình đang có không chạy đuổi kịp suy tâm. Công việc mình hiện đang làm chưa hẳn là việc mình yêu thích. Cuối cùng bản thân mình thích gì mình cũng không rõ. Nhưng lại rất vội.

Định mệnh là gì?

Định mệnh là gì?

Chúng tôi vẫn giữ thói quen buổi tối trò chuyện với nhau, nhưng cũng chỉ là những câu hỏi xã giao như một thói quen khó bỏ. Tôi cảm nhận được điều gì đó giữa hai đứa nhưng lại chẳng thể gọi tên, vì tôi tin anh và yêu anh.

Mãi sau này...

Mãi sau này...

Quá khứ dạy ta cách đi qua những vấp ngã, rèn giũa sự mạnh mẽ, điềm tĩnh khi đương đầu với khó khăn, cho ta sự thấu hiểu, bao dung, chia sẻ yêu thương hơn để chúng ta trân trọng từng khoảnh khắc ở hiện tại và hi vọng về một tương lai tốt đẹp ở phía trước.

Khoảnh khắc

Khoảnh khắc

Hỏi tôi đã bỏ lại điều gì của mình vào những ngày hè năm ấy, tôi chỉ có thể trả lời rằng tôi đã bỏ lại chính bản thân mình. Một tôi hòa đồng vui vẻ nhiệt huyết, vô ưu vô lo, đổi lấy một tôi giờ đây đã khác, trầm lặng, giấu tất cả ở trong lòng mình

Tuổi ấu thơ ai bỏ lại trên đồng

Tuổi ấu thơ ai bỏ lại trên đồng

Cũng chẳng còn hay tết những vòng hoa Thành vương miện giả chơi trò công chúa Hoa đồng nội thơm dịu dàng một thuở

Nếu chúng ta còn duyên, mình chờ cậu trong hộp thư thoại…

Nếu chúng ta còn duyên, mình chờ cậu trong hộp thư thoại…

Cậu thấy thời gian có tàn nhẫn không? Nó chưa từng dừng một giây, để suy nghĩ về việc phủ bụi trần lên những mảnh ký ức của chúng mình. Cũng như chúng mình cũng chưa từng dừng một giây nào để ngừng nghĩ về nhau.

Gửi em

Gửi em

Mong gặp em và mong được nhìn ngắm Trái tim này cất giữ tạo nên thơ

back to top