Phát thanh xúc cảm của bạn !

Khát vọng

2024-09-22 09:20

Tác giả: Thái Thái


 

blogradio.vn - Nó cũng chưa từng nghĩ sẽ hận hay ghét bố, bởi trong suy nghĩ non nớt của nó. Bố sẽ không vô cớ ghét bỏ mà chắc chắn do nó chưa đủ ngoan, hay có khi đúng như lời bố tại nó đã hại chết mẹ nên bố mới ghét nó như thế. Nó cực kỳ sợ hãi cũng chán ghét bản thân vô cùng.

***

Em mong muốn tình mẹ tình cha, khao khát một gia đình nhỏ. Em thèm lắm hơi ấm nơi nhà, muốn được yêu thương, chăm sóc từng tí một. Đứa trẻ thơ chẳng suy nghĩ nhiều nhưng thấu hiểu mọi sự thế nhân. Bao cảnh người trong cõi luân hồi, vùng vẫy, lăn lội sao kể hết.

Từng trận gió đêm rít gào, đập rầm rầm vào phên cửa mái nhà tranh. Mấy con ếch, con nhái kêu inh ỏi ngoài đồng ruộng. Trời đã khuya chẳng còn mấy nhà ai thức cả. Ở cái nơi nông thôn này ấy mà, sáng thì làm việc quần quật cả ngày rồi, tối đến tắm rửa ăn cơm ngả lưng cái là ngủ ngay. Nếu nghe tiếng chó sủa thì cũng chẳng phải lấy làm lạ vì không có người nó vẫn sủa có lệ vậy thôi. Quanh đây, nhà ai cũng ngủ hết rồi, ấy vậy mà nhà nó ở cuối thôn vẫn còn nghe ầm ĩ.

Người ngoài thì không biết chứ người trong cái thôn này chẳng lạ gì nữa. Đứng xa xa đã nghe thấy tiếng chửi bới của một người đàn ông trung niên cùng tiếng bát đĩa vỡ loảng xoảng. Hàng xóm bên cạnh có con nhỏ chắc hẳn nghe tiếng động lớn làm đứa nhỏ sợ quá mà khóc ré lên. Bà mẹ nằm cạnh khẽ vỗ về vào tã lót bọc con khẽ thủ thỉ: “Con ngoan, nín đi con, nín đi con đừng khóc nữa, có mẹ đây rồi”. Vừa giỗ con, bà mẹ vừa lo lắng nghe tiếng chửi bới phát ra từ nhà bên cạnh. Trên giường, người đàn ông hết quay người bên này lại lật người sang kia. Nghe tiếng đứa con khóc lại càng thêm não nề. Hàng mày rậm nhíu chặt rồi bật dậy xỏ dép đi ra cái bàn nhỏ rót chén trà, uống xong chép chép miệng. Trông có vẻ sốt ruột lắm. Người phụ nữ dỗ con thấy chồng trăn trở cũng ngồi dậy ngoái đầu nhìn theo: “Anh làm gì đấy? Khuya rồi không ngủ còn ngồi đấy làm gì?”

Người đàn ông nhìn qua vợ mình rồi khó chịu rót thêm chén trà nữa: “Còn không nghe à? Ngủ kiểu gì. Mẹ thằng cha dở hơi tối ngày cứ hành hạ người khác”. Ông ta than thở. Cũng không biết đang bực thay ông ta hay đứa nhỏ nhà bên đang bị đánh. Ngoài sân, con chó như vẻ không thích tiếng ồn ào đó nên nó sủa kịch liệt lắm. Đêm hôm khuya khoắt nghe tiếng chó sủa, tiếng trẻ con khóc, tiếng ếch nhái kêu, tiếng chửi bới mà làm lòng con người ta càng thêm não nề. Kẻ có tâm sự vẫn chưa hề chợp mắt cứ thế vắt tay lên trán mà suy nghĩ.

Lại nói người làng cho hay nó năm nay mới 12 tuổi, mẹ nó vì khó sinh cứ thế mà rời khỏi thế gian này để lại nó. Nên từ khi sinh ra đã chẳng biết tình mẹ thế nào, thông qua bức ảnh thờ mới thấy mẹ nó thật đẹp. Một tay bà nội chăm bẵm đến giờ mà nghe đâu bà nó vừa mất hồi đầu năm ngoái do bệnh miết mà không qua khỏi. Bây giờ, còn mỗi nó với cha nương tựa nhau mà sống. Cơ mà chớ có nghĩ nhà còn hai cha con thì ông ta sẽ thương con. Từ khi vợ lão mất, người làng hễ gặp là thấy ông trong tình trạng say khướt. Mà mỗi lần say về nhà lại quát tháo đánh đập đứa nhỏ kia. Hồi trước thì không thế, còn có tiếng hiền lành nữa cơ nhưng từ khi xảy ra cơ sự đó, lão bắt đầu nhậu nhẹt rồi nói đứa con là kẻ giết người đã giết chết vợ lão. Lão hận, lão ghét đứa nhỏ lắm nên cứ say là đánh là chửi, trước còn có bà nội che chở giờ thì thôi rồi. Mỗi nhà mỗi cảnh làng cũng chỉ là làng nào ai quan tâm được mãi.

Mười hai giờ đêm rồi mà lão ta vẫn không để cho ai ngủ yên. Tiếng mắng rủa cứ thế dai dẳng còn nghe được cả tiếng khóc thút thít tỉ tê: “Đ*t m* con chó khốn kiếp. Tại mày mà vợ tao chết rồi. Nếu không sinh mày ra thì vợ tao cũng không ra nông nỗi này. Sao lúc đấy mày không chết quách đi hả.” Cứ mỗi lần lão dỏng cái họng đầy hơi rượu chửi thì lại túm đầu nó ra đánh. Coi nó như cái bao cát hình người rồi hành hạ. Từng cú tát giáng xuống khuôn mặt nhỏ làm cho nó choáng váng, da mặt tê rần đầu nó ong ong đau điếng người. “Mày có nghe tao nói không, cái thứ xui xẻo nhà mày. Là tại mày tất cả là tại mày. Mày phá nát gia đình tao rồi. Mày hài lòng chưa”.

Ông ta là người trưởng thành ra tay còn không biết nặng nhẹ cứ thế mà dần nó. Lực của lão lớn cứ vả cái nào nó lại loạng choạng ngã ra đất. Thấy nó ngã lại xách cổ lên đánh tiếp. Nó sợ, sợ lắm vừa sợ vừa đau. Nó cật lực van xin cha: “Cha ơi cha, con xin cha đừng đánh con. Con van cha đừng đánh con nữa mà. Cha ơi…” Nó chắp hai tay xoa xoa mà cầu xin lão, tiếng nấc xen lẫn với tiếng van xin. Nó muốn chạy nhưng sức của một đứa con nít làm sao thoát được bàn tay đáng sợ kia. Nó cứ thế chịu trận và nghe những lời thóa mạ.

Mãi đến khi những tia sáng lắt léo qua khe nhà chiếu xuống cơ thể co ro chỗ góc bếp. Nó khẽ cựa mình nhưng toàn thân đau quá, từng đốt xương đau đến rã rời. Nó cố gắng mở đôi mắt sưng húp hít thở một cách nặng nề. Tiếng thở dài, đôi mắt trống rỗng nhìn vào khoảng không vô định. Không biết trong tâm trí non nớt đó đang suy nghĩ về điều gì. Trong một chốc tự nhiên thấy lòng yên bình đến lạ. Đôi mắt như biết nói lên tâm sự từ từ nhắm lại. Hẳn giờ này đã đến độ quá trưa, ba nó không còn ở nhà nữa chắc lại ở đâu đó uống rượu rồi. Các bà các cô cũng đã đi làm ruộng về, vừa đi họ vừa ríu rít buôn chuyện suốt cả dọc đường. Trên cành cây ngoài góc sân vài ba con chim hót lảnh lót như biểu thị sự tự do vốn có. Con bé nghe bản nhạc miễn phí đó mà thầm nghĩ làm người còn khổ hơn cả chim, nó cũng muốn trở thành một con chim dang rộng đôi cánh bay về phương xa, cất tiếng hót để nói lên tâm tình. Chỉ vậy thôi là đủ. Không muốn màng đến thế sự nữa. Nhân sinh vô thường ai mà biết được phía trước là phúc hay là họa.

Nhìn cái thân thể gầy gò đó mà xem chẳng có chỗ nào là không bầm tím cả, vết thương cũ chưa lành lại có vết thương mới. Đợi khi người đỡ đau một chút nó mới từ từ ngồi dậy. Lết thân mình đau nhức ra đến cái chum sau hè rồi rửa mặt, nước trong chum lành lạnh dội lên khuôn mặt sưng tấy làm nó xuýt xoa. Vì đau mà mỗi động tác đều rất khó khăn. Nó không quan tâm lắm bởi may sao vẫn còn sống là tốt rồi. Mỗi lần bị đánh nó đều nghĩ vậy. Soi mặt mình qua bóng nước trong chum bỗng lại thẫn thờ như có điều suy tư. Ít lúc sau cái bụng trống rỗng kêu cồn cào, cũng phải giờ đã quá trưa không đói mới lạ rồi chợt nhớ đến nhà có còn cái gì ăn được nữa đâu. Cứ thế múc một gáo nước uống lấy uống để cho qua cơn đói.

Trước nhà, giọng một người phụ nữ gọi với vào kèm theo chút lo lắng. Nghe có người gọi nó sững lại. Nghe một lúc nó nhận ra là giọng của dì Lương hàng xóm nên đáp: “Dạ con đây dì.” vừa đáp nó vừa lê thê ra sân trước. Một người phụ nữ độ ba mươi ba lăm, tay cầm nón tay kia bưng một đĩa bánh là đứng trước sân trong cái nắng đang ngóng vào. Thấy bóng dáng gầy gò đi ra người đàn bà sốt sắng vội đi đến:

- Dì có làm chút bánh mang sang cho mày ăn này, đi, đi vào trong nhà, ngoài này nắng quá.

Dì Lương chạy lại dìu nó vào trong, để nó ngồi xuống cái phản gỗ giữa nhà rồi bóc một cái bánh dúi vào tay nó:

- Này cầm lấy, nhanh ăn đi cho nóng, dì để phần cho mày đấy nhanh ăn đi. Mày đói lắm rồi chứ gì? Mau ăn đi con.

Nó còn hơi chần chừ dì năm giục nó mới nhận:

- Con cảm ơn dì.

Người đàn bà nhìn nó với ánh mắt trìu mến rồi cười cười, nhưng nụ cười đó nhìn chua xót làm sao. Từ trong túi áo đã bạc màu lấy ra một lọ cao dì năm bôi lên những vết bầm trên người nó mà lẩm bẩm: “Tiên sư nhà nó cái loại ác độc. Đánh thế này còn gì là người nữa”. Vì đói quá chưa gì nó đã ngốn gần hết cái bánh nghe dì năm nói thế nó cười xòa, trong miệng vẫn còn miếng bánh mà nói: - Con quen rồi, đừng có đánh chết con là được.

Nghe vậy dì Lương trợn trắng mắt tay ấn mạnh vào vết thương:

- Bậy bậy bậy, mày nói dại cái gì chết với không chết thế hả con. Đánh mày thành thế này lão không còn là con người nữa, cái loại này còn hơn cả súc sinh.

Nó vội che chỗ bầm tím lại, mắt rưng rưng nhìn dì Lương:

- Ui da đau, đau con.

Dì Lương lấy tay chỉ chỉ lên đầu lại lấy cao xoa cho nó:

- Phải cho mày đau để khôn ra đừng nói mấy từ xui xẻo như thế biết chưa. Mà nói cũng lạ thằng cha mày càng ngày càng đánh mày ác thế, sao mày không trốn đi, chạy lên thành phố mà sống có khi còn khá hơn.

Thấy nó ăn hết dì năm lấy thêm cái nữa đưa qua. Nó nhận lấy bánh, ánh mắt nó trở nên ảm đạm không biết nên trả lời dì năm như nào chỉ có thể cúi đầu. Nhìn nó như vậy người đàn bà phúc hậu cũng ngầm hiểu nên cũng không hỏi thêm gì nữa. Chắc nó có nỗi khổ tâm nào đấy mới thành ra như vậy.

Chạy trốn? Nó chưa từng nghĩ đến rằng có ngày chạy trốn khỏi đây. Nó cũng không nghĩ xa được đến thế. Vì đây là nhà nó, đấy là bố nó. Nào có chỗ nào chứa chấp nó ngoài nơi này đâu. Nó cũng chưa từng nghĩ sẽ hận hay ghét bố, bởi trong suy nghĩ non nớt của nó. Bố sẽ không vô cớ ghét bỏ mà chắc chắn do nó chưa đủ ngoan, hay có khi đúng như lời bố tại nó đã hại chết mẹ nên bố mới ghét nó như thế. Nó cực kỳ sợ hãi cũng chán ghét bản thân vô cùng. Nhớ có hôm, đi làm mướn cho nhà người ta về muộn, vừa về đến cổng nhà đã thấy cha nó ngồi trước cửa tay cầm chai rượu. Thấy nó, lửa trong lòng lại ngứa ngáy muốn bộc phát. Biết mình xong rồi, nó liên tục lắc đầu xin lỗi lia lịa. Lão liền với tay túm tóc nó vào nhà. Sự tàn nhẫn không một lời nào có thể diễn tả, những lằn roi này đau đớn gấp ngàn lần ngày thường. Trận đòn đó làm nó tưởng bản thân chết chắc rồi nhưng lúc nó lấy lại ý thức thì thấy mình đang nằm dưới góc nhà. Toàn thân ê ẩm vừa đói, vừa đau, vừa lạnh. Lại cảm giác dưới cổ chân nằng nặng, cúi xuống nhìn thân thể truyền đến từng đợt run rẩy. Trên cổ chân nhỏ gầy bị một dây xích to quấn chặt lại. Từng giọt nước mắt chảy dài trên má, tủi thân cùng sợ hãi biến nó không thành dạng gì nữa. May sao hôm đấy cha nó không về nhà, không biết lão chìm ở xó nào mấy ngày liền. Lão thường xuyên không ở nhà nhưng hễ về thì lại lấy con ra phát tiết.

Phải mất hơn một ngày nữa nó mới nhấc được người dậy. Bị dây xích giữ chân cũng chẳng đi được xa nó loay hoay tìm xem có cái gì ăn được không, cũng may trong cái rổ tre còn vài củ khoai lang mà ăn tạm cho qua bữa. Sau khi lão về thì thả con bé ra rồi cảnh cáo, hễ còn lần sau thì không chỉ đơn giản xích lại mà chờ nó chính là mồ chôn. Lời nói của một người cha đối với con mình lại có thể nghiệt ngã đến vậy.

Nghĩ đến nó lại thấy rùng mình, miếng bánh trong miệng suýt nghẹn đến không thở được. Dì Lương hốt hoảng lấy ca nước đưa đến. Đợi nuốt trôi nó mới thở gấp. Dì Lương lại gõ vào đầu:

- Đấy chết chửa, ăn từ từ có ai giành của mày đâu.

Xoa bóp cho nó một lúc nữa thì nghe tiếng em bé khóc rõ to. Dì năm vội để hộp cao xuống rồi cầm cái nón lên rời đi:

- Thằng cu con lại khóc rồi, dì về đây, mày gắng khỏe lại. Lúc nào rảnh sang dì chơi.

Nó thấy vậy cũng không giữ lại mà cười đáp:

- Vâng, dì về ạ lúc nào con mang cao sang trả.

Dì Lương xua xua tay bảo nó không cần trả giữ lấy mà dùng. Người phụ nữ đi rồi còn một mình nó trong ngôi nhà xập xệ. Sự cô tịnh bao trùm lấy thân thể nhỏ bé, không biết mẹ nó có tốt như dì Lương không nhỉ? Nếu mẹ nó ở đây chắc cũng yêu thương chăm sóc nó lắm? Rồi cũng được gọi tiếng mẹ như bao người khác ngoài kia. Nó muốn có mẹ nhưng mẹ nó đã không còn, là tại nó nên mẹ mới mất. Vừa ăn miếng cuối cùng vừa sụt sùi lau đi vệt nước mắt trên má. Nó ngẩng mặt lên để cố gắng không khóc, mà nước mắt cứ chảy ra mãi thôi, lau cỡ nào cũng không hết nó bực lắm. Nhưng biết làm sao đây cũng là một cách giải tỏa để buồn đau theo đó mà chảy hết đi.

Khóc lóc đủ rồi nó lọ mọ dậy cất đĩa bánh, đói lúc nào mới lấy ra ăn. Cất xong lại quay lại phản nằm sõng soài ra đấy, nó nhìn lên trần nhà một thôi một hồi rồi nhắm mắt lại. Công nhận cao dì Lương tốt thật, tuy hơi nóng với rát nhưng thấy đỡ hẳn. Bấy giờ thật yên ắng và cũng thật bình yên. Hơi nóng bốc lên ngột ngạt, lâu lâu có trận gió nhẹ thổi qua giúp dịu lại, hơi thở dần đều đều…

Có đợt có người hỏi rằng bị bố đánh đập thế có ghét không? Nó cũng chỉ cười cười cho qua. Nào biết trả lời sao cho phải, cái tâm tư đấy nó còn chẳng từng nghĩ đến, hẳn là cái sợ đã lấn át hết thảy. Bình thường lão cũng chẳng làm gì nó nhưng cũng không cho sắc mặt tốt, lão không quản nó làm gì nhưng hễ rượu vào là như thành người khác. Như một kẻ điên mắng rủa hành hung. Lão cứ dăm bữa lại uống, chẳng biết cái đấy bổ béo gì mà cứ uống. Mỗi chiều đi làm việc về nó lại thấp thỏm sợ hôm nay bố say rượu. Hôm nào không say thì được ngủ ngon mà say vào là tối đó chỉ có chịu đòn.

Nó nhắm mắt một mạch đến chiều tối. Lúc dậy cổ họng khô khốc ra chum uống hớp nước cho mát. Nhìn sắc trời nó mới vào nhà nhóm lửa. Sợ bố về nên bắc lên bếp một nồi cháo nhỏ, nó nhìn hũ gạo đã chạm đáy mà thở dài. Nó ngồi bên mép bếp tay ôm hai đầu gối co lại. Nhìn ánh lửa bập bùng, củi cháy lách tách cứ thế vẩn vơ. Chờ cháo chín củi lụi, nó ăn một cái bánh dì năm cho rồi húp một bát cháo loãng thế là xong bữa. Lúi húi dưới bếp đến khi than đỏ dần tắt mà bố chưa về làm nó thấp thỏm hơn. Trời chẳng còn sớm nó chui vào ổ chăn rồi run rẩy, muốn ngủ nhưng chẳng tài nào ngủ được sự sợ hãi cứ bủa vây trong tâm trí non nớt này. Mãi lúc sau, nó không trụ được mà lịm đi trong nỗi sợ.

Chờ khi mở mắt đã là sáng hôm sau. Nhấc mí mắt lên theo tiếng gà gáy nó mới từ trong chăn đi ra. May quá tối qua gã không về, làm nó sợ chết khiếp. Rửa mặt xong húp bát cháo nguội, nó cầm một chai nước ra khỏi nhà. Đầu đội cái nón rách, người vừa gầy vừa đen nhẻm, đôi chân trần đạp trên đất làng quê.

Buổi trưa, trời nắng gắt. Nó chăn trâu thuê cho người ta đến chiều mới về. Thân hình nhỏ gầy ngồi bên lũy tre làng giữa trời nắng chang chang. Xung quanh, đàn trâu đang gặm cỏ. Còn có một vài ông bác vừa chăn trâu vừa tranh thủ thời gian vót đũa. Ngồi cạnh con bé là một ông lão tóc đã bạc, cái miệng móm mém nhưng trông ông vẫn cứng lắm. Nó nhìn sang ông lão:

- Ông Mạnh không về nghỉ trưa ạ. Trời nắng lắm, khéo đổ bệnh.

Trong hội chăn trâu này, ông ba là người mà nó thân nhất, ông dạy nó nhiều thứ, còn kể chuyện cổ tích cho nghe. Ông lão đang nhìn mấy con trâu gặm cỏ nghe con bé nói thế liền đáp:

- Ông còn khỏe chán mày khỏi lo. Về cũng có cái gì ở nhà đâu, người ta về chăm gà chăm lợn chứ ông về bỏ mình mày ở đây thấy cũng tội.

Con bé không nói gì nữa chỉ lẳng lặng nhìn mấy con trâu nhưng nét mặt không giấu nổi vui sướng. Nhất thời khoảng trống trong lòng nó như được lấp đầy. Một chút ấm áp cũng đủ mãn nguyện rồi.

Chiều chiều đến lúc lùa trâu về. Trên tay cầm một cây roi nhỏ, hai ống quần nhàu nát đã bạc màu được kéo đến đầu gối. Cứ thế mà đuổi đàn trâu trở về. Trên đường, có khi gặp cảnh mấy đứa nhỏ trong làng đi chơi đến quên giờ về bị mẹ cầm roi kéo áo lôi về. Những lúc thế nó lại ngẩn người ra. Ánh mắt rực lên sự ngưỡng mộ cùng tủi thân. Nó cũng muốn. Nó ao ước được có mẹ như thế, cũng muốn nghịch ngợm cho mẹ nó. Muốn mẹ quan tâm lo lắng như vậy. Nhìn một lúc mắt nó lại nhòe đi không biết từ khi nào nước mắt đã trực trào ra. Nó quệt cánh tay lau đi nước mắt rồi tiếp tục lùa trâu về. Đi một lúc lại không kìm được ngoái đầu nhìn lần nữa. Tại nó nên mẹ mới mất vì vậy bố mới ghét bỏ. Nó tự trách, tự dằn vặt nó nghĩ tất cả là lỗi bản thân.

Về đến nhà trời cũng đã tối. Trên tay nó cầm một chiếc bánh bọc trong lớp giấy. Nó thích lắm, mới được ăn một lần từ hồi bà nội nó kiếm được nên nhớ mãi. Lần này tự nó kiếm tiền rồi mua. Nhưng bánh còn chưa kịp ăn đã bị đánh rơi xuống đất, vừa về đến cửa bố nó đã lao ra túm tóc lôi vào nhà. Người lão nồng nặc mùi rượu, ánh mắt lão long sòng sọc như con thú hoang khát máu. Từng trận đánh đập lại giã lên người nó. Đánh chưa đã gã còn đá vào bụng đứa nhỏ. Nó nằm sõng soài trên nền đất lạnh lẽo, một tay ôm đầu một tay ôm bụng chịu đau đớn. Gã đạp mấy phát lên người nó. Vẫn chưa đủ, gã vớ được cây gậy rồi cứ thế vụt xuống. Những lời nói rắn rết như hàng vạn con dao đâm vào thân thể nhỏ bé. Gã không ngừng chửi bới rủa nó chết đi, tại sao không chết quách đi cho khuất mắt gã. Lời nói đó như giọt nước tràn ly. Cả thân thể con bé mềm nhũn ra mặc gã đánh đập. Dường như nó cũng nghĩ vậy. Nó chết đi chắc bố sẽ không ghét nó nữa. Trong đôi mắt đã nhuốm đủ tạp chất chẳng còn trong sáng, nước mắt nó không rơi chỉ nhìn ra trước cửa nơi gói bánh rơi xuống. Nó vươn tay về phía đó, miệng mấp máy: “Bà ơi, đưa con theo với.” Nó còn mơ hồ nhìn thấy người bên cạnh chắc đó là mẹ nó. Tốt quá rồi cả bà và mẹ nó cùng đến đón nó đi. Khóe miệng nó cong lên giọt nước mắt cuối cùng rơi xuống.

Rồi bỗng dưng gã như phát điên đụng trúng ngọn đèn dầu. Ngọn đèn rơi xuống chỗ quần áo rồi bén lên căn nhà. Một ngọn lửa lớn, cả ngôi nhà bốc cháy phừng phừng. Trước khi bị ngọn lửa nhấn chìm, lão như nhìn thấy người vợ đã quá cố. Vợ gã vẫn xinh như ngày nào, nhưng dường như đang rất tức giận. Gã nghe thấy vợ gã đang chửi. Mắt cay cay chất chứa đầy nỗi niềm nhìn vợ trong ngọn lửa. Gã như người mù tìm lại được ánh sáng. Miệng nở một nụ cười khổ sở, hai hàng nước mắt rơi lã chã. Không biết do quá sung sướng khi nhìn thấy vợ hay trước cửa tử mới hối hận nhận ra lỗi lầm. Đứa con gái bé bỏng là món quà cuối cùng mà vợ gã để lại vậy mà chính tay gã đã hủy hoại nó. Hủy đi tuổi thơ đầy trong sáng, hủy cả tương lai tươi đẹp của con bé. Ông ta ôm đầu khóc cứ thế chôn vùi trong ngọn lửa. Bấy giờ người dân mới hô hoán nhau dập lửa. Chó sủa vang trời, trong màn đêm một khoảng sáng rực. Mọi thứ đã kết thúc rồi.

© Thái Thái - blogradio.vn

Mời xem thêm chương trình:

Sau Tất Cả, Nỗi Đau Nào Cũng Qua Thôi | Radio Tâm Sự

 

Thái Thái

Gió vi vu thì thầm trong kẽ lá, nói với ta những chuyện đời đen bạc.

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Nỗi đau cuối cùng

Nỗi đau cuối cùng

Cô sợ rằng nếu có thêm bất cứ một nỗi đau nào khác dù chỉ là nhỏ nhất thì cô cũng sẽ không thể chịu đựng nổi, không thể chịu đựng thêm được.

Là vì em yêu anh

Là vì em yêu anh

Em đã từng nghĩ rằng anh chỉ đến với em do cảm xúc nhất thời mà thôi. Chỉ sau vài tháng, anh sẽ nhận ra em không như những gì anh mong đợi thì anh sẽ tự rời xa em nhanh thôi. Vậy mà đã bao năm trôi qua, anh vẫn bên cạnh em như ngày nào.

Chuyện ngày mưa

Chuyện ngày mưa

Sau này lớn hơn chút thì tôi mới biết rằng, ai cũng có cuộc sống của riêng mình và người ta cũng không có quá nhiều thời gian để bận tâm đến bạn đâu; hơn hết bạn phải sống vì bạn chứ đâu thể để ý ánh mắt người ta nhìn mình được.

Đất và nước

Đất và nước

Nhưng nước ở đây, nước ở cái giếng nhà ông lại có thêm điều này nữa, đó là nước còn cho ông còn cho gia đình ông sự quyện chặt của tình thân của tình thương con người với nhau.

Mùa thu vắng em

Mùa thu vắng em

Vắng em rồi khung trời cũ quạnh hiu Anh thẫn thờ nhìn mùa thu vừa tới Nơi em đi là nơi xa vời vợi Nhớ em nhiều anh biết phải làm sao.

Người thầy đầu tiên

Người thầy đầu tiên

Khi nhận ra một đứa trẻ phát triển hành vi bị lệch lạc người ta sẽ tìm thấy nguyên nhân đầu tiên chính là bố mẹ đã không theo dõi, quan tâm sát sao và đúng thời điểm với con cái mình.

Hành trình cô độc của một bộ máy trên sao hỏa

Hành trình cô độc của một bộ máy trên sao hỏa

Chỉ có âm thanh của chính nó – tiếng bánh xe lăn trên cát, tiếng động cơ hoạt động – là những âm thanh duy nhất robot có thể nghe thấy. Trên hành tinh không sự sống này, robot trở thành kẻ độc hành trong vũ trụ rộng lớn.

Anh yêu Đất nước, anh yêu em

Anh yêu Đất nước, anh yêu em

Từ lời nói ngọt, từ nụ cười ánh mắt hay cả những cái nhíu mày khó coi của em đều khiến chàng trai trẻ bồi hồi, xao xuyến. Tình yêu anh dành cho cô ấy ngày càng lớn lên, chỉ đứng sau tình yêu anh dành cho tổ quốc.

Tự hào và yêu thương: những suy nghĩ về cộng đồng LGBT+

Tự hào và yêu thương: những suy nghĩ về cộng đồng LGBT+

Tại sao chúng ta không thể mở rộng lòng mình, chấp nhận sự đa dạng và yêu thương mọi người như họ vốn là? Nếu bạn đã từng yêu, bạn sẽ hiểu rằng tình yêu không có giới hạn, không có ranh giới. Vậy tại sao chúng ta lại đặt giới hạn lên tình yêu của người khác?

Đừng xấu hổ vì hoàn cảnh sinh ra ta

Đừng xấu hổ vì hoàn cảnh sinh ra ta

Bà không biết con có nhìn lại rồi dõi theo từng bước chân đi của bà không? Nhưng bà chỉ biết rằng bà vẫn âm thầm dõi nhìn theo con bước vào lớp học cùng với các bạn.

back to top