Từ khi còn rất nhỏ, tôi thầm cảm ơn ba mẹ đã sinh ra chị em tôi, cho chúng tôi được sống trong một gia đình ấm áp tình yêu thương. Và cũng từ lúc lớn hơn và biết nhận thức đầy đủ hơn về thế giới xung quanh mình, tôi cũng hiểu ra rằng đâu phải ai cũng được may mắn như thế. Xung quanh chúng ta còn biết bao nhiêu hoàn cảnh cần được sẻ chia và kết nối yêu thương. Ý nghĩ "khi nào lớn lên mình sẽ đi làm từ thiện" cũng đến với tôi từ đấy. Còn nhỏ nên cũng chỉ suy nghĩ đơn giản là muốn làm từ thiện là phải có thiệt là nhiều tiền. Bây giờ đã có gia đình nhỏ của mình và đã làm mẹ của những đứa con thì suy nghĩ ngày xưa càng thôi thúc tôi với công việc đầy ý nghĩa và mang lại nhiều hạnh phúc này.
Bây giờ thì tôi đã có thể cảm nhận được niềm hạnh phúc, niềm vui sống thật sự cho bản thân mình khi có công việc để làm, có ai đó để quan tâm, để trao đi yêu thương và để tìm thấy mục đích sống của chính mình. Như một lẽ tự nhiên, tôi đến với công việc từ thiện.
Trước giờ tôi làm công việc này theo kiểu “giấu mặt” nhưng bây giờ tôi muốn đi, muốn chứng kiến, muốn cảm nhận tất cả bằng trái tim của tôi, trái tim của một người mẹ cũng có những đứa con để cảm thông đầy đủ hơn, sâu sắc hơn và để chia sẻ tích cực hơn với những số phận trẻ em không may mắn.
Nhớ lại những trường hợp đầu tiên tôi đến, những trường hợp mà vừa nghe tới hay nhìn hình ảnh là tôi đã run lên vì thương và pha lẫn nỗi sợ - những số phận trẻ thơ bất hạnh với nhiều các hoàn cảnh khác nhau. Có những trường hợp sau khi đi thăm về, ngồi yên vị ở phòng làm việc, hay ở ngôi nhà ấm áp của mình mà trong lòng không bình yên được.
Như trường hợp một cháu bé 9 tuổi ở trong một ngôi nhà nhỏ không số trong căn hẻm sâu. Một buổi chiều mưa gần Tết, tôi cùng vài người bạn đi và dò hỏi mãi mới tìm ra ngôi nhà này. Chúng tôi gọi cửa, thấy mẹ bé bế (thật ra là vác chứ không phải bế) con ra mở mà thiệt mắt tôi đã nhòa đi. Trên vai chị là một cậu bé chỉ có da bọc xương, bụng cháu được đặt trên vai chị, hai tay quơ quơ vô thức, đờm dãi chảy dài từ mũi và miệng cháu xuống đất. Vào nhà, chị đặt con lên cái giường xếp rồi lấy khăn lau đờm dãi cho con. Chúng tôi nhìn cháu mà đau lòng, mắt ai cũng ngân ngấn nước và không thể nói được gì để an ủi nữa. Cháu nằm đó, thở rất khó khăn và liên tục oằn mình lên với từng cơn thở khó. Cháu không biết gì cả và tiểu tiện cũng không tự chủ. Một lúc chị lại phải vào trong lấy quần thay cho con. Người cháu co rút nên mặc quần chị cũng phải vác lên. Nhìn cháu mà tôi thấy mình như đứt từng khúc ruột thì ba mẹ cháu phải đau đớn biết nhường nào nữa. Ngước lên trên tường là tấm ảnh cưới của anh chị. Ngày đó, chị là cô gái đôi mươi xinh đẹp, có duyên e ấp bên cạnh anh. Bây giờ, ngồi bên con vẫn là chị với nụ cười hiền lành, dễ thương trên gương mặt ưa nhìn nhưng tôi không thể tưởng tượng và hình dung ra những vất vả, khổ đau vì con mà chị đã trải qua trong 9 năm nuôi cháu. Trong nhà chẳng còn gì ngoài những vật dụng sơ sài và cái quán bán đồ tạp hóa cũng chỉ để vài chai dầu, vài hộp sữa và những thứ đồ linh tinh. Thời gian dành cho cháu đã chiếm hết quỹ thời gian của chị, kể cả việc ngủ. Hai vợ chồng chị hầu như phải thức suốt đêm từ 9 năm qua vì ban đêm cháu càng đau đớn và không thể ngủ được.
Tôi thầm nghĩ chỉ khi nào làm mẹ, bằng trái tim người mẹ thì mới cảm nhận sâu sắc được tận cùng nỗi đau trong trái tim của những người mẹ không may có đứa con tật nguyền như thế này.Mọi thứ giúp đỡ cho anh chị lúc này là để phần nào an ủi cho gia đình vì cháu sẽ không bao giờ khỏe mạnh như một đứa trẻ bình thường được mà phép màu thì không thể xảy ra lúc này. Xót xa quá và đau lòng quá số phận con người.
Rồi trường hợp một cháu trai 12 tuổi bị bệnh loạn dưỡng cơ, căn bệnh chỉ cho phép cháu kéo dài sự sống nhiều nhất là đến năm cháu 18 tuổi. Cậu bé với khuôn mặt khôi ngô, nhìn cháu như bao người bình thường khác nhưng càng ngày các cơ càng yếu dần, bây giờ cháu chỉ ngồi một chỗ và còn nhiều nhất là 6 năm nữa cháu sẽ chia tay cuộc sống, chia tay gia đình ở lứa tuổi đẹp nhất của đời người. Cháu cũng biết về bệnh mình và nếu nghe cháu nói chuyện thì ai cũng sẽ cảm nhận nỗi buồn hiện hữu trong mắt cháu. Cháu còn quá nhỏ để hiểu sâu xa về cái chết ở tuổi 18.
Rồi cháu bé bị bệnh bạch cầu, em gái của cháu đã chết cũng vì bệnh này. Cô bé nhỏ nhắn mang cặp kính to đùng, dày cộm, ngoan ngoãn và lễ phép. Rồi bé gái khác, bị phỏng do những bất cẩn của người lớn mà em phải giã từ cuộc sống ở cái tuổi còn quá nhỏ. Em đã ra đi rồi mà ánh mắt ngây thơ khi em còn trên giường bệnh cứ làm tôi nhớ mãi. Em xinh xắn và ngây thơ quá.
Bây giờ thì không còn nữa, không còn cảm giác phải chuẩn bị tinh thần thật lâu thì mới đến để gặp các em nhỏ nữa. Bây giờ, tôi có thể đến gần hơn, cảm nhận nhiều hơn và từ đó tôi cũng muốn cho đi nhiều hơn. Tôi muốn cho đi yêu thương và cảm nhận mình đang hạnh phúc. Còn rất nhiều, rất nhiều thứ phải làm, rất nhiều những chuyến đi, rất nhiều những trái tim trẻ thơ đang cần hơi ấm tình thương và cần sự chia sẻ cả về tinh thần và vật chất.
Có tham gia, có tận mắt chứng kiến từng hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật và khổ sở tận cùng đến vậy mới thấy mình thiệt hạnh phúc và may mắn biết bao. Dù đôi lúc có những điều không mong muốn xảy ra trong cuộc sống làm chúng ta buồn phiền và than vãn nhưng khi đến với công việc thiện nguyện này rồi tôi mới thấy rằng đó chỉ như là những đợt sóng nhỏ, những điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống này và nó chẳng là gì cả so với những số phận bất hạnh kia.
Tôi thật may mắn vì khi tôi làm những công việc này có sự động viên và chia sẻ từ phía gia đình. Và tôi cũng luôn tạo điều kiện cho các con được cùng trải nghiệm với mình và mong muốn con mình sống biết yêu thương, biết sẻ chia. Biết yêu thương bản thân nhưng không ích kỷ trong xã hội ngày càng phát triển này và biết suy nghĩ đến những người xung quanh mình bắt đầu từ những việc rất nhỏ. Bất cứ khi nào có dịp và với những hoạt động thiện nguyện phù hợp với con trẻ tôi đều cho con theo. Có thể bây giờ các con chưa nhận thức hết được những điều con trãi qua khi cùng mẹ nhưng mỗi ngày mỗi lớn mẹ tin con sẽ hiểu được ý nghĩa của những gì mẹ muốn trao cho con – mẹ muốn con tận hưởng hạnh phúc khi con có ai đó để quan tâm, để con được trao đi yêu thương và tìm thấy mục đích của cuộc đời mình.
Sống biết yêu thương thì sau này không có gì phải hối tiếc cả. Làm những công việc ý nghĩa, tham gia những hoạt động xã hội cũng sẽ giúp các con năng động, tự tin và yêu đời hơn. Mỗi phút giây trong cuộc sống trôi qua đều có ý nghĩa riêng của nó và tôi không muốn phí hoài một phút nào để cùng các con đi san sẻ yêu thương cho những mảnh đời kém may mắn.
Tôi thấy cuộc sống tươi đẹp hơn khi được có thêm công việc ý nghĩa để làm, sẽ thêm những hoàn cảnh được sẻ chia và niềm hạnh phúc được trọn vẹn hơn khi có thời gian quý báu để cùng với các con trãi nghiệm cuộc sống cùng công việc này.
Vì tất cả những điều đó, tôi đã, đang và sẽ đi làm công việc kết nối yêu thương. Với trái tim của một người phụ nữ - một người mẹ. Bạn cũng sẽ nghĩ như tôi nếu bạn được đi, được chứng kiến. Hãy học cách cho đi yêu thương và bạn sẽ nhận lại yêu thương và hạnh phúc. Cuộc sống có ý nghĩa khi ta biết sẻ chia.