Hàng xóm và hàng quán
2022-03-21 01:20
Tác giả:
blogradio.vn - Tiếng lóc cóc của những chiếc xe được đẩy đi trong hẻm, tiếng nói chuyện gọi nhau í ới, tiếng xe máy xe ba gác chở hàng có lúc bị va vào nhau rồi cãi nhau inh ỏi, tiếng trẻ con khóc, rồi tiếng quát mắng của người lớn
***
Đó là một xóm lao dộng nhỏ trong cái thành phố đông đúc và chật chội này, với những ngôi nhà cùng vách cùng tường, mà cứ vừa sáng tinh mơ mọi người luôn nghe những âm thanh quen thuộc cất lên, cho dù là ngày hôm đó mưa hay nắng.
Tôi là vị khách bất đắc dĩ của cái xóm đó, khi phải đến tá túc khoảng hơn hai tháng để chăm sóc một người cô trong họ hàng khi con trai cô đang bận công tác ở xa.
Cô bị tai biến nhẹ, bác sĩ bảo cứ uống thuốc và làm đúng theo hướng dẫn mỗi ngày là sẽ khỏe lại.
Ba mẹ tôi dặn dò đủ thứ khi đồng ý cho tôi đến đó, vả lại thời gian cũng ngắn.
Ngày đầu tiên ở đó
Một tiếng bùm rất lớn làm tôi giật mình, cứ như tiếng bom nổ vậy đó.
“Con đừng sợ, cái thằng Tí nhà bên cạnh, sáng nào nó cũng làm vậy, nó nói để nhắc mọi người ăn bún bò rồi đi làm”
Tôi nghe mắc cười quá.
“Sao phải ăn bún bò mới được hả cô?”
“Vì mẹ nó bán bún bò, nó nói hôm nào nó không làm vậy thì mẹ nó bán không hết hàng, không có đủ tiền mua gạo mua mắm cho hai mẹ con nó”
Lần đầu tiên tôi nghe có kiểu quảng cáo bán hàng lạ lùng vậy.
“Vậy sáng nay hai cô cháu mình ăn bún bò nha cô”
“Con ăn trước đi rồi đi làm, để đó lát nữa cô ăn sau, cô tự làm được. Cái hàng ở ngay đầu xóm, được cái bún bò ngon lắm mà giá bình dân nữa, ở đây thức ăn sáng vừa ngon vừa rẻ, vì toàn bán cho người lao động có thu nhập thấp”
“Con cho cô ăn sáng uống thuốc rồi mới yên tâm đi làm, khoảng gần hai tháng là cô bình phục, tự túc được mọi chuyện như lúc trước, bác sĩ nói vậy”
Ngày tiếp theo, rồi nhiều ngày tiếp theo nữa.
Tôi lần lượt biết hết cả xóm, một phần qua lời kể của cô, một phần là tự tôi nghe được, thấy được, nhất là vào chủ nhật hàng tuần khi tôi được nghỉ làm.
Chuyện của bác Ba
Bác là người định cư lâu nhất ở đây và gánh xôi của bác cũng nổi tiếng cả một vùng rộng lớn xung quanh đó. Buổi sáng người ta cứ thuận tiện tạt xe vào mua một gói rồi chạy thẳng đi làm hoặc đi học, vậy là vừa no bụng vừa chẳng mất nhiều thời gian. Bác còn được mọi người tặng cho danh hiệu chuyên viên hòa giải, vì có ai cãi cọ bất bình gì đó là bác lên tiếng là xong ngay, mọi chuyện êm ru, người ta nói vậy.
Vì là xóm lao động nên đa số những người lớn tuổi nơi đây sống bằng nghề tự do, mà họ bán thức ăn sáng là chủ yếu.
Tôi gặp bác Ba để cảm ơn vì gói xôi bác gởi cho cô, bác nói từ lúc cô bệnh bác chẳng có gì thăm cô nên cô ăn tạm gói xôi, vì hôm đó tôi bận việc bất ngờ không về được buổi trưa để nấu cơm nên cô loay hoay xuống bếp, cũng may bác đi ngang thấy được bèn ngăn lại.
“Không có gì đâu cháu, hàng xóm với nhau mà”
Tôi biết hoàn cảnh bác rất tội, bác đang phải nuôi một mẹ già, vợ bác mất lâu rồi, các con bác cũng tự đứa nào lo đứa nấy chẳng đỡ đần được gì, nhưng bác nói bác chỉ cần khỏe mạnh là được, để sớm hôm còn chăm sóc mẹ già, vì chữ hiếu rất nặng mà bổn phận làm con suốt đời phải nhớ.
Sáng hôm sau tôi ăn hủ tiếu của cô Chín.
Đang ăn nữa chừng thì cô Lài bán bánh mì bên kia nói vọng sang.
“Chị Chín, chị đừng đổ nước ra đường nữa, ướt như vậy rồi ai thèm mua bánh mì của em”
“Ơ hay cái cô này, ướt dưới đường chứ có ướt lên tủ bánh của cô đâu, mà bao lâu nay vẫn thế, có ai nói gì đâu”
“Nhưng nhìn bẩn lắm, toàn là nước như vậy không ai thèm ghé xe vào mua hết, mà người ta cả nể không dám nói ra nên chị cứ đổ nước bẩn ào ào”
“Tôi không đụng chạm đến cô, hàng ai nấy bán, sao hôm nay cô muốn kiếm chuyện hả?”
“Em không có, vì chị làm bẩn con đường rồi sẽ bẩn cả xóm, người ta chạy xe ra vào liên tục đó”
Bác Ba phải ra mặt
“Cô Lài nói đúng rồi, từ hôm nay cháu chịu khó đổ gọn vào bên trong, có hầm rút, mà sử dụng nước ít thôi, hôm rồi tổ dân phố đã nhắc nhở”
Dường như biết mình sai nên cô Chín không trả lời, nhưng nhìn cô có vẻ hậm hực.
Bác Ba nói thêm:
“Cháu đừng giận, mỗi người ý thức một chút để giữ vệ sinh chung cho cả xóm”
“Chứ không phải nó bán ế rồi ganh với cháu, cháu bán hủ tiếu kia mà”
“Không phải vậy đâu, Lài nó thật thà tốt bụng lắm, nó không có ý đó, cháu cứ đổ bên trong này là nó không nói nữa, mà do cháu phí phạm nước quá nên mới tràn ra nhiều như vậy”
Ai cũng công nhận bác Ba nói đúng.
Tôi trả tiền, mua thêm một tô mang vào cho cô.
Chuyện của bác Sáu
Cả xóm đều gọi bác là loa truyền thông tin, vì cứ hễ có tin tức gì mới nhất, nóng nhất là bác thông báo cho cả xóm biết, có người còn ví bác là cái ti vi di động nữa. Bác Sáu không mua bán như mọi người, bác chỉ ở nhà trông coi nhà cửa cơm nước, mọi chi tiêu trong nhà đã có cô con gái lo hết.
Nhưng bác là người nổi tiếng mát tay, cứ trong xóm có ai cảm mạo trúng gió hay bệnh gì đó là cứ gọi bác một tiếng, bác cạo gió rồi bắt uống nước gừng nóng hay ăn cháo gì đó tùy theo mỗi người là khỏe liền.
Tôi được bác mát xa cho một lần vào một ngày chủ nhật.
“Ủa, hôm nay nhìn em khỏe nhiều rồi đó, bác nói với cô khi sang nhà chơi, còn con nhỏ này sao nhìn ỉu xìu vậy”
“Không hiểu sao con thấy đau đầu quá, mà con rất ghét uống thuốc “
“Để bác làm cho, một lát là hết đau ngay, nghề của bác đó nhen”
Hai bàn tay bác Sáu cứ vuốt nhẹ nhàng quanh đầu làm tôi thấy dễ chịu hẳn, sau đó bác còn bắt tôi ăn một cái bánh ngọt và uống một ly nước ấm, bác nói bị đau đầu có thể là do thiếu nước và thiếu ngọt trong cơ thể.
Tôi ấn tượng với bác Sáu lần đó.
Chuyện của chú Tỉ
Cái quán hớt tóc của chú nhìn sơ sài vậy mà lúc nào cũng đông khách, không phải chỉ có khách trong xóm mà còn nhiều người ở nhiều nơi khác đến nữa, vì chú Tỉ hớt rất đẹp làm mọi người rất vừa ý. Chú mở cửa từ tám giờ sáng đến hơn năm giờ chiều là đóng tiệm, chú nói còn phải lo cơm nước và bài vở học hành cho hai đứa nhỏ, là các con của chú.
“Vợ chú đâu hả cô?”
Tôi hỏi.
“Vợ chú bỏ đi mấy năm nay rồi, không biết vì sao, chỉ thấy chú cần mẫn làm việc nuôi con, cả xóm ai cũng thương”
“Hôm trước chú mua cam và sữa qua cho cô rồi về liền, mà con chỉ kịp cảm ơn chứ có biết là ai đâu, để hôm nào con tặng mấy em bên đó mấy tập vở, con còn nhiều vở mới tinh chưa sử dụng”
“Vì hôm đó con mới đến, mà chú cứ lật đật vậy đó, vì chú sợ để khách chờ”
Tôi qua nhà chú ngay tối hôm sau, hai con của chú đúng là rất ngoan, phía dưới căn nhà là tiệm, còn bên trên là chỗ ăn uống ngủ nghỉ của cả nhà. Ngôi nhà thiếu vắng người vợ và người mẹ mà vẫn sạch tinh tươm đâu đó.
Tôi thấy cảm động, chỉ có mấy quyển vở thôi mà hai đứa reo mừng hồ hởi.
Chuyện của cô Hai bán tạp hóa
Có lẽ ngôi nhà của cô là nhỏ nhất trong xóm, vậy mà cô cũng tận dụng nguyên diện tích phía dưới để buôn bán, nghe tên thì mọi người hiểu rồi, quán của cô bán không thiếu thứ gì, nhưng mọi người đến mua thì chịu khó chờ tí vì có lúc đông người mua, có lúc cô phải tìm lấy hàng.
Cô Hai không thuê người phụ bán, cô nói mình cô xoay sở là được rồi.
Cô làm tôi bất ngờ khi tôi ra quán mua bột ngọt.
“Con ở đây có lâu không, có thấy khó chịu không, vì xóm này là vậy đó, suốt ngày ồn ào tấp nập”
“Dạ vì con đi làm cả ngày, nhưng con cũng quen rồi vì chắc buổi tối đỡ ồn hơn, hết tuần này là anh con về thì con sẽ đi”
“Vậy hen, khi nào tiện đường có mua gì thì ghé mua cho cô với”
“Dạ vâng”
Cô Hai nói cứ như biết rõ về tôi vậy, đúng là tôi thấy mệt vì cái xóm này chẳng yên tĩnh tí nào, cứ sáng mở mắt ra là muôn vàn âm thanh đủ loại thi nhau réo lên, như một bản hòa tấu không lời được định sẵn. Tiếng lóc cóc của những chiếc xe được đẩy đi trong hẻm, tiếng nói chuyện gọi nhau í ới, tiếng xe máy xe ba gác chở hàng có lúc bị va vào nhau rồi cãi nhau inh ỏi, tiếng trẻ con khóc, rồi tiếng quát mắng của người lớn.
Vân vân và vân vân...
Vậy mà càng tiếp xúc với họ, tôi thấy quý mến họ ở cái tính chân thật và thẳng thắn. Họ không được học nhiều học cao, họ nghĩ gì thì nói đó, họ chỉ biết quanh năm tính toán với những con số lời lãi nhỏ nhoi với cách mưu sinh của họ, nhưng họ làm tôi phải thán phục ở nghị lực sống và niềm tin vào cuộc sống của họ, nó được thể hiện qua tất cả những gì họ làm mỗi ngày, từ những việc bé nhỏ đơn giản nhất.
Kiên trì, bền bỉ và mạnh mẽ, là những gì tôi nhớ về họ, sau khi tôi chào cô tôi và không ở đó nữa, mà cô tôi cũng đã khỏe lại.
Tôi có quay lại đó mấy lần sau đó, để xem cô tôi ra sao, thấy họ vẫn buôn bán ồn ào, rôm rả cười nói, có điều lạ là tôi chưa hề thấy họ buồn, hay do thời gian tôi ở đó ít quá chưa kịp thân nhau.
Câu nói của chú Tỉ hớt tóc làm tôi nhớ mãi:
"Mọi người ở đây không có ai được học quá lớp chín đâu cháu, nhưng ai cũng chuyên tâm với công việc của mình, quyết tâm mong muốn các con mình được học tới nơi tới chốn để có cuộc sống mai sau tốt hơn"
© HẢI ANH - blogradio.vn
Mời xem thêm chương trình:
Blog Radio 448: Chuyện tình xế ôm
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Hành trình đi đến tự do
“Dám bị ghét” không bênh vực cho tôi, không đứng về phía tôi, ngược lại, nó giải thích một cách hợp lý tất cả nguyên nhân khiến tôi chọn sống một cuộc đời tệ bạc như vậy.
Hãy trao yêu thương khi còn có thể
Tôi nhận ra từ trước giờ tôi luôn mong người khác phải hiểu và thông cảm cho tôi mà tôi quên đi rằng tôi chưa đặt mình vào vị trí của bất cứ ai để hiểu cho họ.
3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa
Trong tương lai, 3 năm tới hứa hẹn sẽ là quãng thời gian vô cùng rực rỡ và thịnh vượng cho 5 con giáp may mắn dưới đây.
Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em
Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.
Lá thư gửi đến thiên đường
Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.
Đắng cay
Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân
Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi
Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.
Đơn phương yêu một người
Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.
Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?
Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?
Câu chuyện về một nhà thơ…!
Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.