Phát thanh xúc cảm của bạn !

Em nhất định sẽ trở về vào mùa xuân

2021-02-12 01:26

Tác giả: Lê Thị Thuỳ Linh


blogradio.vn - Trúc để lại cho Quang vài dòng thư viết tay “Quang ơi, cảm ơn anh đã đón em về giữa mùa xuân. Em đã vui và hạnh phúc rất nhiều. Em phải trở lại Chicago. Nhưng anh tin em không, em sẽ quay lại Hà Nội. Nhưng không phải chỉ vì anh, mà vì chúng ta. Vì mẹ và Peter nên chờ em nhé”. Khi mùa xuân đến thì chỉ cần lòng người đón nhận thôi thì ở đâu rồi chắc chắn đất trời cũng nở hoa. Trúc tin là như vậy.

***

Trúc lại ngồi trên gác nhỏ của một quán cà phê cũng rất nhỏ. Bài nhạc xuân vang lên vừa đủ trong quán “Xuân đã đến rồi, reo rắc ngàn hồn hoa xuống đời”. Hướng tầm nhìn ra phía cầu Thê Húc, đỏ rực đầy vui mắt. Cô trở về Hà nội trong một sáng mùa xuân, khi cái lạnh của mùa đông vẫn còn len lỏi trong từng lớp áo lạnh trên một chuyến bay dài. Tâm trạng vẫn còn đầy những ngổn ngang không gọi tên. 

Khi vừa đáp xuống sân bay Nội Bài hít cái không khí lành lạnh lẫn hơi sương ấy. Trúc bỗng thấy lòng ấm áp đến lạ. Nghĩ miên man Trúc nhấp một ngụm cà phê sữa nóng, hương vị thơm nồng xộc vào mũi, đánh thức mọi giác quan còn mụ mị trong đầu cô.

Hà Nội những ngày gần Tết, hơi xuân nhẹ nhàng về trên khắp các con đường, trên mỗi bước chân Trúc dạo chơi từ hôm cô về nước đến giờ. Vẫn cái không khí se lạnh mà hanh hao, mưa bụi lất phất bay còn vương lại trên tóc Trúc khi cô bước từ taxi vào quán cà phê.

Tầm mắt Trúc lãng đãng bởi lớp màn sương bàng bạc của mưa bụi giăng mắc. “Mưa chẳng làm ướt tóc ai, nhưng lại làm ướt trái tim khách bộ hành”. Đúng thật là như vậy. Nên tự nhiên cô thấy mình hiền đến lạ. Muốn e ấp kéo chiếc khăn lụa mỏng nhẹ trên cổ như cái ngày cô 16 tuổi, rời bỏ Hà nội ra đi. Để bây giờ sau 20 năm trở về, thành một người đàn bà đầy những gai góc nơi xứ người. Hà Nội giờ với cô vốn chỉ còn là chốn dừng chân. Đâu còn là nhà để cô quay về nữa.

hoa-dao

Ngày đó gia đình Trúc cũng ở trong một căn ngõ nhỏ, đúng kiểu “ngõ nhỏ, phố nhỏ nhà tôi ở đó” như giai điệu da diết ngân nga của nhạc sĩ Lê Vinh mà mỗi lần nhớ Hà Nội mẹ lại bật nho nhỏ.  

Trúc nhớ mỗi lần Tết đến xuân về cả phố cứ rạo rực cả lên. Nào quét dọn, nào trang trí, sơn lại từng bức tường rêu phủ bụi cả một năm dài. Và hoa nữa, hoa cứ ngút ngát tầm nhìn. 

Cái hồn của Hà Nội là nhờ hoa, có ai đã từng nói với Trúc như vậy. Trúc nhớ ngày xưa chỉ có đào, cúc, quất, đồng tiền, thược dược. Bây giờ xã hội phát triển nên nhiều loại hoa thơm cỏ lạ hơn nữa. Hoa được bày ra khắp phố, hình ảnh những gánh hoa, hay những chiếc xe đạp chở nặng trĩu hoa trên phố Hàng Lược sau mấy chục năm vẫn không thay đổi. 

Trúc bật cười với phát hiện đó của mình như chút hình ảnh còn sót lại trong tâm trí của cô. Từng ngôi nhà, dù lớn hay nhỏ đều có hình ảnh của hoa. Mưa xuân vẫn lất phất nhè nhẹ, gió thì mơn man hững hờ. 

Ôi sao Hà Nội lại yên bình đến thế, lại đẹp đến nhường này. Đẹp đến như vậy mà bố vẫn vội vàng dắt cả nhà sang Mỹ. Bởi giấc mơ của một người đàn ông đầy tham vọng mà mẹ không cản nổi. Để rồi trong đêm nhà Trúc đi, căn nhà nhỏ cửa đóng then cài, chưa một lần Trúc quay trở lại. Vài năm sau này Trúc có nghe nói bố mẹ đã bán nó rồi. Và cái duyên với Hà Nội có lẽ cũng “đứt” luôn từ đó.

Những năm bên Mỹ, tết ở Chicago chỉ toàn tuyết trắng xóa. Gia đình Trúc cũng hòa nhập nhanh với cuộc sống bên này nên mỗi lần đón Tết Việt mọi người ai cũng hào hứng lắm. Nào mai, nào đào, cũng bánh chưng mứt gừng chứ có thiếu gì đâu. Mọi người trao tặng nhau cho không khí tết thêm rộn rã. Cơ mà thật ra thì cho có vị vậy thôi, chứ Tết nhất gì nơi xa xứ này chứ. 

banh-chung

Tết Việt bên Mỹ mọi người gặp nhau chỉ để nhắc lại những cái Tết của nhau khi còn ở Việt Nam. Với những kỷ niệm cứ khắc khoải hoài theo thời gian cũng phai phôi đi ít nhiều. 

20 năm quăng quật nơi đất Mỹ. Tóc bố bạc nhanh từng ngày, mẹ ít nói, ít cười hơn. Còn Trúc từ 16 tuổi đã đắm mình trong cái không khí Mỹ. Có lúc còn đầy hiếu kỳ quên ngay đi mình là cô gái Việt Nam 16 tuổi, mang theo chất giọng Hà Nội nhẹ như gió bập bẹ nói tiếng Mỹ đầy tự tin. 

Trúc thả mình vào những cuộc vui, kết quả cô mang thai khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Một đứa con trai lai Mỹ và cậu bạn nhanh chóng chối bỏ. Trúc điên dại nhưng vẫn quyết tâm giữ lại tất cả những nông nổi tuổi trẻ. May mắn cho cô là bố mẹ chưa bao giờ từng từ bỏ cô, yêu thương bao bọc cô vô điều kiện. Cứ vậy cuộc sống cuốn Trúc đi và xóa nhòa dần những ký ức 16 tuổi về Việt Nam.

Qua Mỹ được 15 năm thì bố Trúc mất. Ông đi nhanh như một cơn gió, cũng trong một chiều tuyết trắng xóa bên Mỹ và là một ngày cận Tết của Việt Nam.  Tiếng gọi tên bố của mẹ lạc giữa tuyết. Hình như mẹ có thì thầm với bố “Anh đi rồi, ai đưa em về Việt Nam đây”. 

Phải mất 3 năm sau mẹ mới cân bằng lại được cuộc sống. Cũng nhờ có Peter, con trai cô. Nên cuộc sống của mẹ con cô mới bớt những đau đớn tổn thương. Có lý do để bấu víu, để hy vọng và vươn lên.  

Perter 15 tuổi, cao lớn và thương mẹ. Cậu nhóc chỉ hay nghe bà kể về Việt Nam, chứ mẹ cậu lại ít kể. Thi thoảng  Peter lại nói tiếng Việt lơ lớ “Mommy cho bà ngoại và con về Việt Nam đi”. Và Trúc đương nhiên sẽ luôn đưa ra vài lời hứa, nhưng trong đầu cô chưa từng một lần nghĩ quay về Việt Nam.

co-gai-nhin-ve-ban-than-riki-ramdani

Người đàn bà hơn 35 tuổi đã quen với cuộc sống ồn ào nhưng yên bình trong lòng nơi xứ người. Một vài cuộc tình đến rồi đi không đọng lại gì bỗng một ngày trái tim bùng cháy bởi dòng tin nhắn của một người bạn học xưa đã xưa lắm rồi. 

Người bạn cũ tên Quang, đã thật lâu Trúc mới có cảm giác được nói chuyện với nhau bằng vốn tiếng Việt nhiều đến vậy. Quang nói hiện anh là một kiến trúc sư cũng có chút tiếng tăm ở Việt Nam, và anh có công ty riêng. Anh cũng có đi công tác nước ngoài nhưng chưa bao giờ anh đủ can đảm tìm cô.

Facebook thật đúng là kỳ diệu thật. Khi thì qua những dòng tin nhắn, khi lại facetime. Câu chuyện của cậu bạn về 20 năm với bóng hình của cô bạn mới ngày hôm nay còn gặp nhau nơi lớp học. Ngày mai bỗng bặt tin nhau vì chút thông tin ít ỏi “Cô ấy đã theo gia đình sang Mỹ”. Thế là cậu bạn đơn phương.

Những câu chuyện không đầu không cuối, đan xen giữa quá khứ và thực tại khiến Trúc cứ nôn nao mãi không thôi. Dần dần Quang nói những lời yêu thương với Trúc không còn chút dè dặt nữa. Nó khuấy động lên tất thảy tâm hồn Trúc, Trúc đón nhận hừng hực và đầy khát khao.

Trái tim và lý trí của Trúc như sống gấp sống vội. Trong cơn say tình đó cô đặt vé bay về Việt Nam. Trên suốt chuyến bay dài chỉ thổn thức được nằm gọn vào vòng tay người yêu.

Lần về Hà Nội sau 20 năm của Trúc chỉ có mình Quang biết, thậm chí cô còn nhắc đi nhắc lại là cô về vì anh. Khi ngồi tựa đầu vào vai Quang, anh nắm lấy bàn tay lành lạnh hơi xuân của cô nói thủ thỉ:

“Em về với anh đi”.

25865082731_621d265091_k

Trúc vẫn chếnh choáng, không biết do sự hưng phấn Quang mang lại hay là dư âm của chuyến bay dài. Cô im lặng.

“Về với anh, anh lo được cho em”.

“Không đơn giản như vậy đâu Quang. Còn mẹ, còn Peter”.

Quang dứt khoát:

“Hay em đưa mẹ về luôn cả Peter nữa”.

“Để em tính. Hôm nay đưa em đi vườn hoa đi. Phải thấm hết chút xuân Hà Nội vào người chứ. Em nhớ cái cảm giác này lắm”.

Đương nhiên rồi, Quang sẽ vứt bỏ hết công việc đưa Trúc đi hết những nơi mà cô muốn đi. Anh muốn dắt cô đi khắp Hà Nội, ghé vào tất thảy những quán cà phê êm dịu và đầy thơ mộng nhất của những cặp đôi yêu nhau. Vậy nên vườn hoa với Quang bây giờ cũng chỉ là chuyện nhỏ. 

Từ làng hoa Tây Tựu đến làng đào Nhật Tân, cả không gian quanh Trúc cứ như bừng sáng lên với những sắc màu sặc sỡ nhất. Những ngày bên Quang, đêm nào anh cũng đợi cô bước ra từ nhà tắm, vòng tay ôm sau lưng cô.

cach-bao-quan-banh-mut-keo-ngot-khong-bi-kien-bu-trong-ngay-tet-760x367

Trúc rúc vào ngực anh để hít hà từng kỷ niệm, từng chút yêu thương ấm áp. Trúc cứ ngỡ như thời gian đã ngưng đọng tại nơi đây. Cô quên đi Chicago tuyết trắng, quên Peter, quên luôn cả mẹ với nụ cười buồn. 

Hà nội đẹp đến thế này cơ mà, Quang cũng tuyệt vời đến thế này cơ mà. Có thể bỏ hết để ở lại được không Trúc ơi.

26 tết rồi. Hà Nội lúc này đã là Tết rồi đấy. Cứ từ sau ngày 23 tiễn ông Công ông Táo thì với người Việt đã là tết rồi. Tết thật nhanh thật gấp, Tết rõ ràng trong từng ánh mắt từng nụ cười người Hà Nội. 

Trúc đã mua rất nhiều hoa và trưng khắp căn hộ của Quang. Về Việt Nam cô quyết định tạm ngưng sử dụng mạng xã hội, chỉ để lại một tin nhắn ngắn cho mẹ và Peter “Con đi công tác, có gì con sẽ liên lạc lại, mẹ và Peter đừng lo cho con” rồi xách vali lên đường. 

Tự nhiên sáng nay cô quyết định mở trang cá nhân lên. Hàng loạt tin nhắn và cuộc gọi của mẹ, của Peter và một số bạn bè đồng nghiệp bên đó. Chưa kịp kiểm tra hết tất cả các thông tin, thì cuộc gọi của mẹ đổ tới. Lưỡng lự đôi chút rồi Trúc bấm nhận cuộc gọi với nụ cười thật tươi:

“Mẹ yêu. Con nghe đây”.

“Con đi đâu mà mất liên lạc hoài vậy. Mẹ và Peter đã rất lo lắng cho con”.

Mẹ nghiêm sắc mặt đầy vẻ lo lắng. Trúc quay màn hình điện thoại ra hướng cửa sổ để mẹ có thể nhìn thấy ngoài trời.

“Con ổn mà mẹ”.

“Con không ở Mỹ. Con ở đâu?”.

Trúc ngập ngừng đôi chút rồi cô nói nhẹ nhàng.

“Con ở Việt Nam, Hà Nội mẹ ạ”.

pasted_image_0_(1)

Phía đầu dây bên kia mẹ Trúc im lặng, bà không nói gì. Có thể những nhớ nhung đang ùa về trong tâm trí bà bởi hai tiếng “Hà Nội”. Hoặc chỉ đơn giản bà đang quá ngạc nhiên với điều Trúc nói. Xong bất chợt bà chớp mắt rồi hỏi Trúc ngắn gọn.

“Khi nào con quay lại Mỹ? Nên về sớm kẻo Peter nó mong. Tết rồi. Mẹ sẽ nhắn là con có gọi”.

“Con biết rồi, mẹ đừng lo cho con. Con cúp máy đây”.

Và Trúc cúp máy. Đưa mình trở về với thực tại, như cơn gió lạnh lạc loài nào đó vừa ùa vào khung cửa sổ làm Trúc rùng mình. Một tuần ở Hà Nội, đắm chìm trong vòng tay của Quang, lặn ngụp trong quá khứ và hiện tại êm đềm của Hà Nội. Đã đến lúc Trúc phải đối diện thôi. 

Trở về theo lời đề nghị của Quang và rời bỏ Mỹ. Rời bỏ nơi mà cô nghĩ nó đã như một mảnh đất rộng lớn và cô là cái cây mọc những chiếc rễ cọc vững chắc không dễ gì nhổ lên và đi đâu nữa. Nếu ở lại Việt Nam thì còn mẹ và Peter sẽ ra sao và những công việc còn dang dở của cô bên đó nữa. Hay về bên Quang để rồi cô lại bắt đầu lại từ đầu, từ cách để làm sao nấu được một bữa cơm Hà Nội. Và ngồi đợi Quang về. Nếu chỉ là như vậy, thì không phải là Trúc đâu. Tiếng Quang vang lên khiến cô giật mình.

“Em chuẩn bị đi. Anh sẽ đưa em đến một nơi”.

Trúc bật cười nũng nịu.

“Chứ chẳng phải em đã đi hết Hà Nội của chúng ta rồi sao. Anh vẫn còn chỗ dẫn em đi cơ à?”.

“Còn chứ, nhanh nào”.

yeu-xa

Quang nháy mắt với cô đầy thú vị. Lại khiến Trúc tạm quên ngay những đắn đo trong lòng, cùng Quang ào ngay ra phố. Quang chở cô đến trước một căn nhà theo kiểu kiến trúc cũ. Chiếc cổng màu xanh lá đậm đã được mở sẵn. Trúc còn đang ngơ ngác thì Quang nói:

“Đây là nhà bố mẹ anh. Ngày còn đi học em có đến nhà anh 1-2 lần cùng bạn bè, nhưng chắc sẽ không nhớ. Vì thật ra, 20 năm mà, nó cũng có thay đổi đôi chút”.

“Quang, em nghĩ là sẽ không tiện”.

Trúc lập tức phản đối theo phản xạ ngại ngùng. Nhưng Quang vẫn nắm tay cô và dắt vào.

“Không sao, bố mẹ anh biết em mà”.

Vậy là Trúc bước vào nhà Quang với tư cách một người bạn từ phương xa ghé về. Cô chậm rãi từng bước, nhà anh cũng đang trong giai đoạn hoàn tất những ngày chuẩn bị đón Tết. Hoa cũng đã được trưng từ đầu cổng vào đến nhà. Cành đào đỏ rực. Trúc còn đã ngửi thấy mùi trầm hương thoang thoảng nhẹ nhàng. Đúng cái mùi mà ngày trước khi còn ở Việt Nam, mỗi lần Tết đến xuân về là bố Trúc lại thắp lên mùi hương trầm ấy. 

Một không khí rất Hà Nội của những con người Hà Nội, nhẹ nhàng và thanh lịch. Lắng sâu mà quyến luyến. Quả thực bất ngờ mà Quang mang đến khiến cô không thể cưỡng cầu. Cô cũng đón nhận bằng tất cả tấm chân tình của người con xa xứ lâu ngày.

hoa_sen

Lại một ngày nữa tại Hà Nội trôi qua trong những phút giây tuyệt vời nhất. Trái tim và cảm xúc của Trúc cứ như được uống những giọt mật đầy ngọt ngào, dư âm và dịu êm.Trở về căn hộ của Quang khi Hà Nội đã về đêm, khi Quang lại vòng tay ôm Trúc từ sau lưng cô nói.

“Em sẽ về lại Mỹ”.

“Em không tin anh?”.

Quang không buông tay chỉ thì thầm hỏi cô.

“Em không biết, em cần thêm chút thời gian”.

Trúc nhún vai và thoát khỏi vòng tay Quang. Lẩn trốn ánh mắt của anh, và cả câu trả lời của mình. Cô kiếm cớ uống một ly vang nhỏ cho dễ ngủ và kể cho Quang nghe về loại rượu vang mà cô thích thưởng thức”.

28 Tết. Khi Quang vừa rời khỏi căn hộ vì chút công việc. Trúc cũng nhẹ nhàng kéo chiếc vali màu hồng cháy của mình rời khỏi. Trên tay là tấm vé ngược về Mỹ. Trong lúc đợi taxi, Trúc ngẩn ngơ ngắm những chiếc xe lướt nhanh trên đường, chở đầy những chậu hoa đầy màu sắc. 

Đôi vợ chồng nhà bên cạnh đang thong dong chăng những chiếc bóng đèn nhấp nháy và gắn nốt vài bông hoa mai vàng lên khung cửa kính. Đứa trẻ khoảng 7-8 tuổi cũng lăng xăng phụ bố mẹ. Lại là tiếng nhạc xuân vọng ra đầy vồn vã “Xuân xuân ơi xuân đến rồi”.

Và 28 tết, Trúc lại ngồi trên chuyến bay ngược về Mỹ. Theo tin nhắn ngắn gọn của mẹ “Con về nhà đi, Tết rồi”. Tin nhắn của mẹ đã làm Trúc khóc òa trong đêm mà Quang không hay biết. Nên cô quyết định về lại Mỹ, về lại bên mẹ và con trai cô. 

pexels-photo-326650_(1)

Trên máy bay nhìn xuống, Trúc biết mình đã lại bỏ lại sau lưng một Hà nội bàng bạc sương trắng, giăng mắc mưa phùn vẫn còn đọng lại nơi khung cửa sổ bé nhỏ của máy bay. Bỏ lại một dòng sông Hồng vẫn uốn lượn ngàn đời như miền ký ức đầy ngổn ngang của Trúc. 

Cô đã trở về giữa mùa xuân và giờ ra đi lặng lẽ như đã kết thúc một chuyến dạo chơi của khách lãng du. Sao lại chẳng có gì khác nhau giữa lần ra đi năm 16 tuổi của cô thế này.

Cô cũng sẽ về với cái Tết xa xứ, tất cả những người thân đang đợi cô cơ mà. Chicago mùa xuân sẽ ngập tràn sắc hoa anh đào. Cũng sẽ đẹp lắm, cũng sẽ ấm áp lắm tình thân. 

Trúc để lại cho Quang vài dòng thư viết tay “Quang ơi, cảm ơn anh đã đón em về giữa mùa xuân. Em đã vui và hạnh phúc rất nhiều. Em phải trở lại Chicago. Nhưng anh tin em không, em sẽ quay lại Hà Nội. Nhưng không phải chỉ vì anh, mà vì chúng ta. Vì mẹ và Peter nên chờ em nhé”. Khi mùa xuân đến thì chỉ cần lòng người đón nhận thôi thì ở đâu rồi chắc chắn đất trời cũng nở hoa. Trúc tin là như vậy.

© Lê Thị Thuỳ Linh - blogradio.vn

Xem thêm: Lạc bước nhưng gặp được đúng người

Lê Thị Thuỳ Linh

Tôi muốn tắt nắng đi cho màu đừng nhạt mất. Tôi muốn buộc gió lại cho hương đừng bay đi.

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Định mệnh là gì?

Định mệnh là gì?

Chúng tôi vẫn giữ thói quen buổi tối trò chuyện với nhau, nhưng cũng chỉ là những câu hỏi xã giao như một thói quen khó bỏ. Tôi cảm nhận được điều gì đó giữa hai đứa nhưng lại chẳng thể gọi tên, vì tôi tin anh và yêu anh.

Mãi sau này...

Mãi sau này...

Quá khứ dạy ta cách đi qua những vấp ngã, rèn giũa sự mạnh mẽ, điềm tĩnh khi đương đầu với khó khăn, cho ta sự thấu hiểu, bao dung, chia sẻ yêu thương hơn để chúng ta trân trọng từng khoảnh khắc ở hiện tại và hi vọng về một tương lai tốt đẹp ở phía trước.

Khoảnh khắc

Khoảnh khắc

Hỏi tôi đã bỏ lại điều gì của mình vào những ngày hè năm ấy, tôi chỉ có thể trả lời rằng tôi đã bỏ lại chính bản thân mình. Một tôi hòa đồng vui vẻ nhiệt huyết, vô ưu vô lo, đổi lấy một tôi giờ đây đã khác, trầm lặng, giấu tất cả ở trong lòng mình

Tuổi ấu thơ ai bỏ lại trên đồng

Tuổi ấu thơ ai bỏ lại trên đồng

Cũng chẳng còn hay tết những vòng hoa Thành vương miện giả chơi trò công chúa Hoa đồng nội thơm dịu dàng một thuở

Nếu chúng ta còn duyên, mình chờ cậu trong hộp thư thoại…

Nếu chúng ta còn duyên, mình chờ cậu trong hộp thư thoại…

Cậu thấy thời gian có tàn nhẫn không? Nó chưa từng dừng một giây, để suy nghĩ về việc phủ bụi trần lên những mảnh ký ức của chúng mình. Cũng như chúng mình cũng chưa từng dừng một giây nào để ngừng nghĩ về nhau.

Gửi em

Gửi em

Mong gặp em và mong được nhìn ngắm Trái tim này cất giữ tạo nên thơ

Dạy con ngưng hi sinh, dạy con biết thương mình!

Dạy con ngưng hi sinh, dạy con biết thương mình!

Cha mẹ có thương con hay không? Chắc chắn là có. Nhưng nó không lớn đến nỗi cứ hi sinh và không mong nhận lại như mọi người hay lầm tưởng hoặc lảng tránh sự thật. Thực chất thứ họ cho đi là một tình thương có điều kiện chứ không hẳn là hi sinh.

Quan họ không lấy nhau

Quan họ không lấy nhau

"Giới trẻ bây giờ lạ thật, mới gặp người ta vài lần đã nghĩ tới chuyện đặt tên cho con luôn rồi"

Nốt trầm tuổi 30!

Nốt trầm tuổi 30!

Trưởng thành là đánh đổi của rất nhiều những vấp ngã, thất bại và biến cố xảy đến. Chúng ta có lẽ đã từng khóc thầm trong đêm bởi bất lực, bởi mệt mỏi, bởi mọi thứ dường như đều sụp đổ. Nhưng chính là khi đi qua mọi chuyện, chúng ta đã mạnh mẽ như hiện giờ.

Tuổi thơ và Ngoại

Tuổi thơ và Ngoại

Tôi yêu những món đồ chơi ngoại làm cho tôi, vì lúc đó ngoại cũng nghèo không thể cho tôi được những món đồ chơi đẹp đẽ như các bạn, nhưng những món đồ chơi ngoại làm cho tôi thì tôi chắc rằng các bạn không thể mua được.

back to top