Đừng bao giờ tôn thờ ai đó mà hãy tìm cuộc sống riêng của chính mình
2019-01-07 01:28
Tác giả:
Hôm qua, ngày chủ nhật cuối tuần, rảnh rỗi tôi sắp xếp lại kệ sách. Những quyển đã đọc xong từ lâu được xếp lên các ngăn trên cao, quyển đang đọc dở ở các kệ ngang tầm với cùng với một vài quyển chưa đọc, dưới cùng là một vài quyển tạp chí đã cũ, loại đọc một lần trong lúc rảnh rỗi để biết thêm thông tin. Xong xuôi, nhìn lại một lượt, nghĩ ngợi một hồi, tôi gom đa phần các quyển ở ngăn trên cùng vào một chiếc thùng giấy, xếp lại gọn gàng và đẩy vào góc phòng. Tạm thời chẳng biết sẽ làm gì với chúng, có lẽ sẽ quyên góp cho thư viện hay một hội từ thiện nào đang cần chẳng hạn. Tôi quyết định nhường chỗ trống của cái kệ sách bé xíu ấy cho một vài quyển dự định sẽ mua, và nếu còn trống sẽ đặt thêm một số món đồ trang trí, một lọ hoa hand-made là một ý tưởng không tồi. Nghe có vẻ như tôi đang lên kế hoạch “tống khứ” đống sách kia ra khỏi đây, có chăng là theo một cách “thanh thản” nhất.
Câu chuyện bâng quơ về ngày chủ nhật nhàn rỗi của tôi thật ra cũng chẳng có gì thú vị. Mục đích kể ra việc vừa rồi cũng chỉ để có cái cớ cho những dòng sau này. Tại sao tôi lại dọn dẹp phần lớn sách của mình, mà trong đó đa số là thể loại self-help? Vì đọc xong rồi? Đúng. Vì không thích nữa? Cũng đúng. Nhưng có lẽ là vì đầu óc đã quá chật chội để có thể nhồi nhét tư duy của người khác mất rồi.
Vài năm trước đây, khi chập chững đặt chân vào khoảng thời gian có thể nói là “bất ổn” nhất của cuộc đời - ở tuổi ngấp nghé giữa bồng bột và trưởng thành, tôi lo sợ nhưng cũng đầy hào khởi. Vì bởi những cỗ vũ, khích lệ từ người khác bằng nhiều hình thức, từ sách, từ các bài diễn thuyết, tự truyện của những nhân vật nổi tiếng đi liền với những quan niệm tích cực về tuổi trẻ, về các giai đoạn của cuộc đời và cách vượt qua trở ngại bằng một thứ năng lượng tuyệt vời nhất. Đa phần họ đều có một điểm chung chính là số phận đầy nghiệt ngã, bao lần thất bại và cuối cùng thành công bằng nỗ lực phi thường. Tôi không biết chắc quá trình thành công của họ như thế nào vì hầu hết đều kể lại theo một trình tự hoàn hảo nhất. Nhưng một thời gian dài tôi đã mang một tinh thần tích cực được thổi bùng lên bằng câu chuyện của người khác như vậy. Làm theo mọi việc họ cho là nên, như việc đọc sách hay chạy bộ mỗi ngày dù là trong vô thức như một con robot, nên có ước mơ và nỗ lực ra sao để đạt được, hay đơn giản là việc tự tin vào năng lực của bản thân trong bất kì hoàn cảnh nào. Nếu có ai chê bai tôi xấu xí, tôi sẽ cười và bảo họ rằng hãy nhìn Jack Ma đi, ông ấy là một minh chứng cho việc nhan sắc tỉ lệ nghịch với sự giàu có đấy. Tôi đã từng quen với việc lí tưởng hóa mọi thứ, từng say mê các triết lí về cuộc đời, từng tôn sùng chủ nghĩa hoàn hảo và quyết tâm sùng sục rằng phải tận dụng mọi sức lực của tuổi trẻ mình có để đạt được ước mơ.
Nhưng từ khi nào, tôi nhận ra động lực trong mình được nhen nhóm và duy trì cũng chỉ bởi nguồn năng lượng của người khác. Và “trẻ” nghĩa là ngày ngày đi tìm chân lí bên những bậc vĩ nhân.
Không. Tôi bắt đầu hành trình tìm kiếm giá trị sống cho riêng mình. Bắt đầu từ việc suy nghĩ thực tế và thôi mộng tưởng. Mớ triết lí trên tường được dọn sạch, thay vào đó là một mảnh note nhỏ ghi những việc cần làm mỗi ngày. Bản kế hoạch ngày, tháng, năm dài đằng đẵng được thay bằng vỏn vẹn ba từ: “Thức dậy sớm”. Và cứ thế, hoàn thành trọn vẹn công việc theo một guồng quay trật tự là bước đầu tiên tôi tạo lập sự trưởng thành và độc lập cho chính mình.
Sống có chủ đích, tôi gọi đó là quá trình hiện thực hoá lí tưởng vất vả nhất của mình. Tìm kiếm một đam mê, thêm chút động lực, cần cả sự chăm chỉ, thế thôi chắc đã đủ để thành công. Nhưng không, so với ngoài kia, những lí thuyết này chỉ đủ để dạy lũ trẻ khi chúng còn non nớt trước cuộc đời. Còn chúng ta, những người đã và đang trưởng thành thì không hẳn vậy. Thực tế khác xa với tưởng tượng, nghe tuy đơn giản nhưng không phải ai cũng có thể đối mặt và chấp nhận sự thật này.
Vài năm trước đây, lúc còn ngồi trên ghế trường phổ thông, tôi đã từng mơ mộng rất nhiều, đã từng thiết kế cho mình một bản vẽ hoàn hảo đến từng chi tiết cho bốn năm đại học, và cả những năm sau này khi ra trường. Nhưng kết quả thì sao? Thời gian viết những dòng này chính là quãng thời gian khá tồi tệ sau khi kết thúc năm nhất đại học. Đúng vậy, chỉ một năm sau đó, tôi cảm thấy mình mất dần sự tự tin với thế giới bên ngoài, và càng tuyệt vọng hơn khi nhận ra mọi thứ chỉ mới ở vạch xuất phát. Tất cả không như mình mong đợi, thậm chí còn tệ hơn rất nhiều. Và tôi biết rằng lỗi thuộc về chính mình chứ không ở ai hay điều gì khác. Có trách nhiệm với việc mình làm và tìm ra hướng giải quyết cho chính mình, điều này khó khăn hơn hẳn so với việc bị chỉ trích ở nơi làm việc. Tất cả các kế hoạch tạm hoãn lại. Điều cần làm bây giờ là vực dậy bản thân và sửa chữa những sai lầm khi còn có thể. Thực tế mà tôi trải qua, những gì mà tôi đã làm, thật khó tưởng tượng. Ngay từ đầu, tôi vốn không nên tưởng tượng và sớm nhận ra rằng làm tốt những việc ở hiện tại đã là một thành công. Tôi đã từng chạy thật xa nhưng bị thực tế đẩy lùi. Ngay lúc đó, tôi nhận ra mình không nên chạy, chỉ cần đi và bám trụ từng bước.
Chẳng ai là vĩ nhân. Con người vốn nhỏ bé. Một khi tôn thờ lối sống của ai đó, chắc hẳn bạn đã lạc đường. Tôi dần lấy lại niềm tin cho chính mình bằng cách sống phù hợp và mang lại nhiều hiệu quả do tôi tự tìm kiếm cho bản thân. Nhưng đó chưa phải là lối sống phù hợp nhất vì tôi biết cuộc sống thay đổi không ngừng, và hiện thực thì luôn khắc nghiệt. Vì vậy tôi sẽ không ngừng hoàn thiện chính mình bằng cách dấn thân và trải nghiệm. “Trẻ” nghĩa là gì? Chính là lúc bạn không còn nhỏ mà đã dần trưởng thành. Bởi vậy hãy nhận thức đủ táo bạo nhưng cũng không thiếu phần chín chắn. Hãy thôi là một đứa trẻ ngoan chỉ biết nghe lời. Tuổi trẻ chưa có gì trong tay, điều duy nhất chúng ta có đó chính là chúng ta có thể làm, có đủ thời gian để làm điều mình muốn.
© An Đình – blogradio.vn
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Kết thúc là bắt đầu...
Phụ nữ lấy chồng, ai cũng mong cầu hạnh phúc, mong cầu một gia đình ấm êm. Có ai mong cầu mình sẽ làm trụ cột gia đình? Kí ức về những tháng ngày tưởng chừng như hạnh phúc, mà không phải hạnh phúc cứ hiện ra...
Có một tôi cô đơn trong đại dương tình yêu
Có những lời muốn bày tỏ cuối cùng lại hoá thành con thuyền, bị ngọn sóng dữ cuốn đi xa, nuốt trọn xuống đáy đại dương. Con thyền ấy không bao giờ còn trở lại được nữa, như cách mà chúng ta đè nén tâm tư chôn chặt xuống đáy lòng.
Cánh cửa tình bạn
Những lúc ở bên Minh, anh cảm thấy như có một sợi dây vô hình kéo anh lại gần hơn, làm anh nhìn Minh bằng một ánh mắt khác. Quân không còn thấy Minh chỉ là người bạn thân thiết từ thuở nhỏ nữa.
Một người giữ lại, một người buông tay
Đó là lần đầu tiên tôi cảm nhận được sự ấm áp kỳ lạ trong lòng, như thể chỉ một câu nói của cô ấy cũng đủ làm tan biến mọi lạnh lẽo của cơn mưa ngày hôm đó.
Quay trở về nhà
Hơn ai hết thì con cũng là người buồn nhất. Bởi ước mơ dường như sắp thực hiện của con phải tạm gác lại. Giờ đây, con lại phải cô đơn và có thể lạc lõng nơi xứ người. Chuyến đi này là lần đầu tiên con xa nhau lâu đến vậy.
Sống ở đời: Bớt can thiệp, bớt nói, bớt lo - Đó mới là khôn ngoan!
Dù mối quan hệ có thân thiết đến đâu, cũng đừng áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác. Dù khó chịu đến đâu, cũng đừng tùy tiện phán xét.
Âm thầm chờ anh quay về
Tất cả kí ức về anh vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí của em như ngày nào nhưng với anh thì nó sẽ là dĩ vãng nhạt nhòa trong quá khứ mà thôi.
Cho đi từ những điều nhỏ bé
Tôi nhìn thấy chính mình trong họ – những lúc tôi gặp khó khăn và nhận được sự giúp đỡ từ người khác. Tôi biết rằng, dù nhỏ bé nhưng sự chia sẻ có thể làm thay đổi cuộc sống của ai đó theo những cách bất ngờ. Và đôi khi, điều đó đủ để khiến tôi cảm thấy hạnh phúc.
Về quê...
Anh đến quê em một ngày xa Cơn gió lao xao tựa đón chào Để nhìn thấy cánh đồng lúa chín Bên rặng tre lũ trẻ thường chơi
Mùa xuân sau cơn giông
Trời đổ mưa, những giọt nước lách tách rơi xuống mái tôn, tiếng mưa át cả những lời bàn tán. Bé Kiệu, trong vòng tay cha, khóc đến nghẹn cả hơi. Bà Mắm đứng lặng, ánh mắt trĩu nặng những đau đớn. Ông Tét ngước nhìn lên bầu trời xám xịt, đôi mắt đầy tuyệt vọng. Trong lòng ông chỉ còn lại một câu hỏi không lời đáp: "Đến bao giờ… cái nghèo mới thôi đè bẹp đời tôi…'"