Phát thanh xúc cảm của bạn !

Đà Lạt gửi em chút nhớ thương

2023-04-21 01:25

Tác giả: Tumo


blogradio.vn - Thụy trải qua rất nhiều cuộc tạm biệt sau mỗi lần phỏng vấn đối tác, nên với Phương cũng không xa lạ gì. Nhưng lần này khác lắm. Tự dưng Thụy cảm thấy có chút lưu luyến mảnh đất dưới chân mình, không khí vờn quanh mình, cả con người đang đứng trước mặt mình. Tất cả như cuộn nam châm níu lấy Thụy, khiến Thụy vương vấn không thôi.

***

Đà Lạt có gì mà khiến người ta háo hức khi đến, rồi mang theo nhớ thương lúc về?

Thụy không biết.

Đây là lần đầu tiên Thụy ghé thăm Đà Lạt, lại còn một mình. Người ta bảo đến thành phố ngàn hoa đừng dắt theo người yêu kẻo dính lời nguyền chia tay, nhưng Thụy đến mối quan hệ mập mờ còn không có, bạn bè thì đếm trên đầu ngón tay. Chuyến đi này cũng xếp vào hàng bất đắc dĩ do sếp đày nhân viên phải lên tuốt nơi sương mù để lấy tư liệu của khách. Nếu không, con sâu lười như Thụy vẫn sẽ mãi là sâu chứ chả đời nào thoát kén, mọc cánh hóa bướm để bay đến mảnh đất này.

Cái lạnh của Đà Lạt là điều đầu tiên Thụy cảm nhận được. Thụy chịu lạnh kém, thành thử ngoài chiếc áo cổ lọ che cả cằm ra thì còn khoác thêm lớp áo gió, quần cũng là quần jean dày. Thụy ốm đến độ tay nổi gân xanh, ước chừng 45 46 kí. Nhưng khối lượng quần áo khiến Thụy tăng thêm hai kí nữa. Thụy nghĩ, phải chi hai kí lô này chuyển thành cân nặng trên người thì thân hình mình có thể đã trở thành một model trong công ty, cuối năm có thể dự thi để giành giải thưởng về, cứu đói cho cái ví đang ngày càng eo hẹp của mình.

Điều thứ hai, Thụy công nhận con gái Đà Lạt rất xinh. Da trắng, mắt to, nụ cười duyên dáng, giọng nói nhẹ nhàng. Chẳng những vậy, con trai ở xứ này cũng đẹp không kém. Điển hình là người ngồi bàn đối diện, mắt đang nhìn Thụy đăm đăm.

Ờ, hình như người ta đang nhìn Thụy thật.

Thụy chớp mắt mấy cái như ra hiệu “tôi biết anh đang nhìn tôi đó”, nhưng ánh nhìn ấy vẫn không dời đi chỗ khác. Thụy chuyển sang chau mày, lại trông thấy người kia cười rồi đưa tay vẫy chào.

Thụy là người hướng nội, không quen giao tiếp với người lạ trừ những lúc đi lấy tư liệu khách. Cho nên gặp mấy tình huống giống vầy, người ta mà không ngại thì Thụy ngại. Thoạt đầu, Thụy nghĩ trên mặt mình có dính gì đó nên lấy gương ra xem. Kết quả không có gì. Vẫn là gương mặt tròn điểm thêm vài nốt tàn nhang, quầng thâm mắt muốn xệ xuống hai má cùng đôi môi tróc nẻ do lạnh nhưng không đánh son.

Chẳng lẽ người ta thấy Thụy xấu quá? Cũng đúng, quanh quán cà phê này ai cũng đẹp cơ mà.

Nghĩ vậy, Thụy quyết định lấy khẩu trang ra đeo.

Thanh niên kia đúng là không nhìn nữa, mà trực tiếp di chuyển chỗ ngồi lại cùng bàn với Thụy.

“Xin chào! Em là khách du lịch hả?”

Chất giọng trầm phát ra từ cổ họng người kia khiến Thụy giật mình, đồng tử theo quán tính mở rộng biên độ. Mùi nước hoa gỗ ấm phảng phất khiến Thụy nhớ đến rừng thông bạt ngàn ở hồ Tuyền Lâm vừa ghé lúc sáng. Tất cả những yếu tố trên tạo cho Thụy một cảm giác rất lạ rằng chàng trai trước mặt mình đây có chút quen thuộc.

“Đúng rồi! Sao anh biết hay vậy?” Thụy gật đầu, quyết định không tháo khẩu trang.

Người đối diện cười cười.

“Tại vì cách em ăn mặc không giống người ở đây. Nãy giờ anh thấy em cứ rụt cổ vô cổ áo miết, chắc là không quen với khí hậu.”

Trai Đà Lạt ngoài đẹp ra còn rất giỏi quan sát và phân tích nữa.

dung-bao-gio-noi-xau-nguoi-yeu-cua-ban-voi-bat-ki-ai-758x512

Quán cà phê Thụy đang ngồi không đông khách lắm, bởi nó nằm sâu trong một con hẻm với cách bày trí cổ điển. Đếm hết những cái đầu ở đây, ước chừng chưa đến hai chục. Bốn bức tường phủ màu nâu cánh gián, trên tường trang trí những đường vân như gỗ cây khiến Thụy cảm giác như quán cà phê được bao quanh bởi một cánh rừng. Rất mộc mạc. Rất giản đơn. 

Đâu đó, Thụy nghe giọng của Hà Anh Tuấn cất lên.

“Phố sương mù, phố chưa lên đèn

Núi quanh đồi, nhớ mùa trăng cũ

Từng dốc phố, quấn quanh núi đồi

Vẫn đi tìm bóng trăng lẻ loi”.

Thụy thích cái không khí xưa cũ và yên tĩnh như này, nó khiến Thụy hoài niệm nhiều thứ. Nhớ lần xem phim “Em và Trịnh”, Thụy không chú ý gì nhiều về nội dung phim mà chỉ toàn tập trung vào quán cà phê nơi nhân vật chính ghé đến. Thụy thích mùi cà phê len lỏi trong từng ngóc ngách của quán, thơm đến dai dẳng; thích gam màu nâu cánh gián phủ khắp bốn bức tường đầy ấm cúng nhưng không kém phần đơn độc; thích cái cách nhân viên quán pha cho mình một ly sữa đá nhưng chẳng có mấy vị ngọt mà đậm đà cái đắng; thích cả bài hát “Phố mùa đông” qua chất giọng của Hà Anh Tuấn vang lên giữa không gian nhỏ bé, cổ kính này.

“Đây là lần đầu tiên em đến Đà Lạt.” Thụy nói.

“Lần đầu mà tìm được chỗ sâu nơi xó hốc này thì cũng hay ghê ta”.

“À không, em có lịch phỏng vấn lấy tư liệu với chủ quán nhưng chưa tới giờ hẹn.”

Thật vậy. Quản lý chỉ gửi cho Thụy đúng duy nhất địa chỉ và số điện thoại của chủ quán để liên lạc, nhưng Thụy gọi xác nhận thì đầu dây bên kia không bắt máy mà chỉ nhắn tin SMS. Tuy còn tận bốn tiếng, nhưng Thụy muốn đến trước để tận hưởng thức uống đặc sản của Ban Mê, và cũng để chụp trước mấy pô ảnh nhằm hỗ trợ đăng bài.

“À, vậy hả? Chủ quán ở đây tính tình ẩm ương, hơi khó chịu. Khi nào em phỏng vấn thì cẩn thận nhé.” Thanh niên gật đầu, tặc lưỡi.

Thụy tròn xoe mắt.

“Anh biết chủ quán hả? Có thể cho em xin tí thông tin không? À, nãy giờ quên chưa hỏi tên anh là gì nữa. Em tên Thụy.”

Tìm hiểu và biết trước về đối tác là một nguyên tắc quan trọng nếu muốn cuộc phỏng vấn diễn ra suôn sẻ. Thật ra khi quản lý đưa thông tin liên lạc về chủ quán, Thụy đã dò thử trên Zalo rồi nhưng không có kết quả. Thông tin về quán cà phê này trên internet cũng không nhiều nên chẳng thu được bao nhiêu dữ liệu. Vừa đúng lúc buồn ngủ thì gặp chiếu manh, Thụy phải tận dụng cơ hội này để khai thác mới được.

“À, Thụy.” Thanh niên đối diện lẩm nhẩm cái tên trong miệng, “Anh tên… Phương. Anh biết sơ sơ về chủ quán thôi chứ không nhiều, tại họ ít khi có mặt ở đây lắm.”

Lúc này, Thụy hoạt ngôn hẳn. Hay nói đúng hơn là mỗi khi dính đến công việc là Thụy bật sang chế độ cởi mở với nhân loại, không ngại lạ-quen.

“Không sao đâu anh. Biết bao nhiêu cứ kể bấy nhiêu. Biết ít vẫn hơn là không biết.”

hoan-hao-nhat

Phương đưa tay che miệng, mắt nhìn vào ly cà phê trên bàn một hồi lâu như đang ngẫm nghĩ điều gì.

Mãi lúc sau, anh mới lên tiếng.

“Muốn anh kể cũng được, nhưng em phải tháo khẩu trang. Thật ra anh vừa hết nhiễm covid, tiêm chủng cũng đầy đủ rồi nên đừng lo. Kỳ thị là không tốt.”

Thụy dự định đính chính rằng mình không hề kỳ thị gì Phương, nhưng sực nhớ đến lý do thật sự còn tệ hơn hai chữ kia nên quyết định im lặng.

“Rồi! Bây giờ anh có thể kể cho em nghe được rồi đúng không?”

Sau khi tháo khẩu trang, Thụy nói.

Phương mỉm cười, đuôi mắt cong lên. Anh hắng giọng vài cái, ngó nghiêng dàn nhân viên vài lần, nhìn xung quanh quán vài lượt để chắc chắn những gì mình sắp nói đây chỉ có hai người nghe được.

“Quán này của một ông chú gần bốn mươi, tên Tường. Nhà hình như có hai bà vợ với bốn đứa con. Tính tình hơi cà chớn, buồn vui thất thường và hay giở quẻ. Nhiều người tới đây giống em rồi mà cuối cùng cũng đi về tay không vì cái tật tùy hứng của ổng đó! Thích thì mới gặp, không thích thì cho đợi vậy à.”

Cứ sau mỗi một lời Phương nói ra thì mặt Thụy lại càng méo đi một chút. Nếu anh còn kể tiếp nữa, da mặt của Thụy rất có khả năng sẽ chảy xệ xuống cổ.

“Chắc… chắc không tới nỗi vậy đâu hả anh? Tại công ty em có hẹn trước cả tháng rồi. Với lại dân kinh doanh, uy tín là hàng đầu mà… phải không?” Thụy lắp bắp.

“Vậy là em không biết, quán này dựng lên để thỏa cái đam mê nghiện cà phê của ổng thôi! Nhà ổng chủ yếu là trồng và buôn cà phê cho mấy tỉnh mà. Quán lỗ mấy tháng rồi mà ổng có quan tâm đâu! Sáng giờ em đã gọi thử người ta chưa? Họ có bắt máy không?”

Tự dưng, Thụy cảm thấy mình không bị cái thời tiết làm cho lạnh nữa. Những lời mà Phương nói xét ra còn lạnh hơn khí hậu Đà Lạt rất nhiều. Nghĩ đến viễn cảnh bản thân bị cho leo cây và quay về tay không như những người trước đó, não Thụy không khác gì bị đông đá.

Mà Phương, lúc này đang đưa tay che lấy nụ cười mỉm đầy kín đáo của mình.

Gương mặt Thụy lúc này rất giống một cái bánh tráng nhúng nước. 

Phương liếc nhìn đồng hồ, giọng nghe như đang lo lắng thay cho người ngồi đối diện.

“Em có lịch hẹn lúc mấy giờ?”

Thụy không giấu tiếng thở dài, ngữ điệu chứa đầy sự ủ rũ.

“Bốn tiếng nữa. Em tính đến đây trước để tìm hiểu, nhưng nghe anh kể về chủ quán xong thì thấy… hơi ớn.”

ai-cung-can-hoc-cach-de-yeu-758x486

Ông chú bốn mươi, cáu kỉnh, khó tính và hay giở quẻ… Những tính cách này làm Thụy nhớ đến một đồng nghiệp ở bộ phận kế toán trong công ty lúc chị ấy mang bầu, nhưng ở nam giới thì Thụy chưa gặp trường hợp này. Thụy muốn gọi điện một lần nữa, nhưng khi nãy chủ quán đã nhắn tin xác nhận rồi nên cũng phiền người ta. Mà cứ im im như vầy, Thụy lại thấy nội tạng mình như có kiến bò, bồn chồn không yên. 

Phương nhìn khuôn mặt đang phơi bày hết cả suy nghĩ của người đối diện, tự dưng lại cảm thấy buồn cười. 

Đột nhiên, anh hỏi.

“Em là người Sài Gòn hả?”

Thụy gật đầu kèm theo tiếng “dạ” phát ra nơi cổ họng.

Câu trả lời khiến Phương cảm thấy hơi ngạc nhiên xen lẫn chút thú vị. Trong những lần tiếp xúc với khách du lịch, anh cứ nghĩ đã là người Sài Gòn thì phải lém lỉnh và hoạt ngôn, hoặc là nghi ngờ người khác dữ lắm. Sài Gòn đất chật người đông, là chốn xô bồ đầy rẫy những toan tính và lọc lừa. Trước khi chọn Đà Lạt làm nơi định cư, anh đã có một khoảng thời gian lăn lộn ở “Hòn ngọc Viễn Đông” và nếm qua không ít thăng trầm. Những bài học và trải nghiệm khó quên khiến anh có một cái nhìn không tốt lắm về người dân nơi đó, cũng là lý do khiến anh rời bỏ Sài Gòn. 

Đó là trước khi Phương gặp và bắt chuyện với cô gái có mái tóc đen xơ, gương mặt thiếu sức sống, dáng vẻ ngại ngùng và vô cùng tin người như Thụy.

“Còn bốn tiếng nữa mới đến giờ hẹn, em tính ngồi ở đây đợi luôn hay sao?” Anh hỏi.

Thụy gật đầu.

“Chắc vậy. Tại vì em không biết đi đâu nữa hết.”

Đây là lần đầu tiên đặt chân lên Đà Lạt, thành thử Thụy bỡ ngỡ nhiều thứ. Mà Thụy cũng chưa có ý định sẽ đi loanh quanh ngắm cảnh như lời mấy anh chị khuyên nhủ (vì sợ tốn tiền). Nếu không ở quán cà phê này, Thụy nghĩ mình sẽ về lại khách sạn nhưng như vậy thì quá mất thời gian.

“Gần đây có vườn dã quỳ rất đẹp. Đang là cuối tháng Mười, vào mùa hoa nở. Em có muốn đi ngắm thử không?”

Phương vừa nói, vừa khoanh tay chờ đợi. Đây là lần đầu tiên anh mời một người khách du lịch xa lạ đến thăm thú như vậy. Có thể do anh thấy cô gái này… tội nghiệp quá vì bị câu chuyện của mình hù đến xanh mặt, hoặc cũng có thể do anh thấy Thụy thành thật đến mức ngây thơ khi tin một người mới gặp lần đầu. Ba mươi tuổi đến nơi, anh tiếp xúc với không ít phụ nữ. Có người là hoa hồng đẹp nhưng đầy gai, có người ví như quỳnh nở và tỏa hương về đêm, có người rực rỡ như hướng dương dưới mặt trời… Còn Thụy, Thụy giống như một bông hoa dại. 

da-quy-8

Khi đã ngắm qua rất nhiều những loài hoa đẹp, Phương thấy bông hoa dại kia tự dưng lại đặc biệt vô cùng. 

Trước lời mời của chàng trai lạ mặt, Thụy có chút e dè. Tuy nghe nói người Đà Lạt cởi mở và hiếu khách, nhưng như vầy Thụy lại thấy không quen. Thụy không thích hoa cỏ mà thích ngắm những tán cây với thân vững chãi, cao lớn hơn. Nó cho Thụy cảm giác mộc mạc và gần gũi. So với việc ngắm dã quỳ, Thụy nghĩ mình sẽ đồng ý nếu Phương mời mình đi ngắm rừng thông.

Thụy dự định từ chối, nhưng còn chưa mở miệng thì bụng đã phát ra âm thanh ọt ọt quen tai, đã thế còn réo rất lớn. Âm thanh này thường đến vào tám giờ sáng, mười hai giờ trưa và sáu giờ chiều. Bây giờ mới chỉ mười hai giờ kém, hẳn là cái lạnh đã làm bao tử Thụy đói sớm hơn thường ngày.

Tự dưng, Thụy lại muốn đeo khẩu trang để che đi biểu cảm ngượng ngùng của mình. 

“À, trưa rồi nhỉ? Anh cũng chưa ăn gì.” Phương đảo mắt nhìn trần nhà, vờ như không nghe thấy âm thanh kia. “Lần đầu em đến Đà Lạt nên chắc chưa biết, ở đây có nhiều quán ăn huyền thoại lắm! Em đã ăn qua bánh ướt lòng gà chưa?”

“Bánh ướt lòng gà?” 

Thụy lặp lại bốn chữ cuối, hai mắt trợn tròn, biểu cảm như nghe tin nhân loại vừa phát minh ra một thứ gì đó rất kỳ dị và chưa được kiểm chứng. Lớn lên ở Sài Gòn, Thụy ăn bánh ướt và bánh cuốn vô số lần, nhưng chỉ thấy người ta để chả lụa và bì làm topping, cùng lắm thì chiên thêm vài miếng bánh tôm. Lòng gà thì để ăn với cháo, làm gỏi. Hai thứ này trộn lại với nhau, Thụy bất giác cảm thấy có chút… kỳ kỳ. 

Trông thấy Thụy sửng sốt khi nghe đến món ăn trứ danh của Đà Lạt, Phương mỉm cười:

“Ừm, bánh ướt lòng gà. Em có muốn đi ăn thử không?” 

Thụy nhìn chằm chằm vào tô bánh ướt trước mặt, săm soi một cách kỹ càng, rất ra dáng nhân viên của Cục An toàn thực phẩm được điều xuống kiểm tra đột xuất. Đưa đũa gắp một miếng lòng gà rồi giơ lên ngang cằm, Thụy cảm thấy sự sáng tạo của con người về ẩm thực đã đạt đến trình độ không thấy đáy. 

Thấy Thụy vẫn miệt mài phân tích về món ăn “lạ mà quen” này (và bà chủ quán cũng đang nhìn hai người đăm đăm), Phương nhỏ giọng.

“Đừng nhìn nữa, ăn thử đi.” 

Với cơn đói đang càn quét khắp bao tử, Thụy đánh chén phần ăn của mình một cách nhanh gọn, miệng tấm tắc khen ngon. Sống hai mươi ba năm trên đời, lần đầu tiên Thụy phải công nhận rằng mình là một con ếch ngồi đáy giếng, quanh quẩn mãi ở Sài Gòn mà chẳng chịu đi đó đây mở mang tầm mắt. 

bach-duong-nhieu-tat-xau-vo-bien-nhung-da-lo-yeu-roi-thi-hay-chap-nhan-nhe-758x505

Chỉ một phần bánh ướt lòng gà đã khiến Thụy thay đổi nhân sinh quan. Mà hiển nhiên, khi một người đang vui và cao hứng, họ có xu hướng huyên thuyên và cởi mở hơn, mạnh dạn hơn. 

Thụy cũng không phải ngoại lệ. Sau khi đã thỏa mãn với món bánh ướt thì quay sang cảm thán:

“Cà phê lẫn đồ ăn ở Đà Lạt, cái nào cũng ngon!”

Phương gật đầu đồng ý.

“Không những vậy, dã quỳ ở Đà Lạt cũng rất đẹp nữa.”

“Em không thích hoa lắm. Em chỉ thích cây lá, rừng rậm thôi.”

“Nói vậy là em không muốn đi ngắm thử dã quỳ rồi?”

Một câu của anh khiến Thụy nhất thời á khẩu không nói được gì. Đúng là Thụy không muốn đi thật.

“Vậy em có muốn đi ngắm rừng thông không?”

Lần này thì Thụy không từ chối.

“Nhưng rừng thông thì nên đi vào lúc sáng sẽ đẹp hơn. Ngày mai em có đi được không?”

Phương mỉm cười vui vẻ, ánh mắt vô tình quét qua con đường đang phủ rợp nắng ngoài cửa quán. Vẫn là màu vàng hanh ấy, những ngôi nhà san sát điểm tô thêm vài đóa hoa trên con đường quen thuộc chẳng có lấy gì đặc biệt ấy. Chỉ riêng hôm nay, anh cảm thấy khung cảnh này như có sức sống hơn, vạt nắng ngoài kia ấm áp hơn, những đóa hoa dại tự dưng lại đẹp hơn. 

Nụ cười trên gương mặt anh xuất hiện khoảng năm giây thì phụt tắt, sau khi nghe câu trả lời từ Thụy.

“Vậy thì chắc không được rồi, phỏng vấn xong tối nay em về lại thành phố. Tiếc quá ha anh! Mà em có đi qua hồ Tuyền Lâm, thấy rừng thông ở đó rất đẹp.”

Một sự tiếc nuối vụt ngang qua lồng ngực Phương. Đó không phải là một cảm giác đậm sâu cho lắm, nếu không muốn nói là rất nhạt. Chỉ là nếu có thể, anh hy vọng cô gái trước mặt mình ở lại mảnh đất này lâu hơn một chút. Anh sẽ dẫn cô ngắm rừng thông bạt ngàn vào bình minh, đi săn mây ở đồi chè Cầu Đất, cho cô biết chợ đêm Đà Lạt có sữa đậu nành rất thơm và nổi tiếng… 

Đà Lạt thật ra rộng lắm, một ngày vẫn là không đủ đâu.

“Ừm, vậy thì tiếc thật!” 

Phương nói. Nụ cười tươi lúc nãy bây giờ đã hạ xuống thành một vòng cung rất nhẹ.

hay-lam-tat-ca-nhung-gi-ban-yeu-thich-khi-con-co-the-758x506

***

Thụy nghe người ta bảo nhau rằng Đà Lạt trong đôi mắt của những người dân phố núi chỉ có hai mùa nắng và mưa. Đà Lạt không có lá vàng xao xác khi trời vào thu của những ngày tháng Mười, không có hương hoa sữa đậm nồng và gió heo may như Sài Gòn.

Đó là những gì Thụy nhớ, trước khi tản bộ quanh hồ Xuân Hương cùng Phương và được anh phổ cập thêm kinh nghiệm sống ở đây.

“Thật ra thì người dân ở đây không xem mùa theo thời gian, mà tính mùa theo hoa nở.”

“Họ tính mùa bằng cách nhìn hoa nở như thế nào vậy anh?” Thụy thắc mắc.

“Khi Mai Anh Đào hé nụ nghĩa là mùa xuân đến, dã quỳ vàng là đông đã về, phượng tím nở là hè sắp sang.” Phương vừa nói, vừa ngước nhìn những cành Mai Anh Đào đang dần vàng lá. Vài cành đã trơ trọi và khẳng khiu, chuẩn bị bước vào kỳ ngủ đông. “Nhưng cho dù là mùa nào, Đà Lạt vẫn luôn dịu dàng và lãng mạn với những người ghé đến.”

Thụy gật đầu, cảm thấy mảnh đất này có nhiều điều đặc biệt hơn mình nghĩ. Nếu có điều kiện, Thụy sẽ mua một căn nhà ở đây để dưỡng già, mở một homestay kiếm sống qua ngày. 

Lắm lúc, Thụy thấy mình ngột ngạt và lạc lõng giữa Sài Gòn khói bụi, mỗi ngày đều phải chạy đua với thời gian vì cơm-áo-gạo-tiền. Thụy tốt nghiệp Đại học mới một năm, nhưng một năm đó đem lại cho Thụy biết bao nhiêu trải nghiệm sáng mắt. Thụy hướng nội, không giỏi nắm bắt tâm lý người khác, không biết nói lời hay để thăng tiến trong công việc, cũng chưa học được cách phân biệt lòng người đen hay trắng, chỉ biết cố gắng hết sức vào những việc được giao. Nên khi đặt chân đến Đà Lạt và trải qua mấy tiếng cùng một chàng trai vừa mới quen (cũng chưa biết là tốt hay xấu), Thụy cảm thấy tâm trạng mình cũng hệt như khung cảnh nơi đây, bình yên một cách lạ lùng.

Chợt, Thụy buột miệng.

“Nếu biết Đà Lạt thú vị như vậy, em đã đến đây sớm hơn.”

Phương nhìn những áng mây lững lờ phản chiếu xuống mặt hồ, lòng cũng vô thức rơi vào trạng thái lửng lơ. Anh bước chậm lại, như sợ mình đi nhanh quá sẽ bỏ lỡ nhiều thứ. Mà đó là gì, đến anh cũng không sao biết được. 

“Nếu em thích Đà Lạt thì có thể ở lại vài hôm rồi về cũng được.”

Phương trầm giọng, mắt vẫn dõi theo những áng mây rọi xuống mặt hồ. 

Thụy mỉm cười, trên mặt hiện vẻ tiếc nuối.

“Em cũng muốn lắm, nhưng công ty chỉ hỗ trợ chi phí trong một ngày thôi.”

Sau đó là một khoảng lặng kéo dài, chỉ có những bước chân vẫn tiến về phía trước. 

dung-ao-tuong-nua-the-gian-nay-lam-gi-co-thu-tinh-yeu-bat-diet-758x531

Tự dưng, Thụy thấy Đà Lạt có lẽ quá đỗi dịu dàng với tất cả mọi người, giống như Phương đã nói. 

Khi Thụy trở lại quán cà phê, thời gian vẫn còn cách giờ hẹn mười lăm phút.

Vẫn là chỗ ngồi cũ và gọi lại thức uống cũ, Thụy thoa thêm son để không giống một xác chết. Nhìn vào màn hình điện thoại rồi lại ngước nhìn người đối diện, Thụy đột nhiên cảm thấy có gì đó kỳ lạ.

Thụy quay trở lại đây là điều bắt buộc, nhưng người nào đó cũng đi theo thì không bình thường chút nào. 

“Anh hay đến quán này hả?” Thụy hỏi.

Nếu tinh tế hơn và có thời gian hơn, Thụy hẳn đã lựa chọn một câu hỏi khác để tìm hiểu lý do quay lại đây của Phương. Nhưng Thụy không giỏi mảng đó, nhất là khi không liên quan đến công việc thì EQ Thụy như sắp chạm đất. 

Câu hỏi này không khác gì múa rìu qua mắt thợ đối với người từng trải như Phương. Anh nhìn về phía chiếc đồng hồ treo tường ở quầy phục vụ, gật đầu:

“À, anh cũng có hẹn ở đây giống em. Sắp đến giờ rồi.”

Lần này thì Thụy không ý kiến gì nữa.

Mười lăm phút theo như diễn viên vẫn hay nói trong những bộ phim kiếm hiệp là trôi qua nhanh như một cái chớp mắt. 

Thụy chỉnh lại trang phục, ngó nghiêng phía cửa ra vào của quán. Sự khẩn trương hiện rõ trên gương mặt, rồi đột ngột chuyển sang hết hồn khi nghe tiếng điện thoại reo. 

Mà Phương, hình như cũng đang áp điện thoại sát tai.

Thụy không sở hữu giác quan thứ sáu, nhưng cũng ít nhiều nhận thấy có sự trùng hợp nào đó đang diễn ra. Tuy nhiên, suy nghĩ ấy cũng thoáng qua rất nhanh khi Thụy nhìn vào màn hình điện thoại. 

Thụy hít một hơi sâu, ước chừng phải mấy giây sau mới dám nhận cuộc gọi, giọng lí nhí.

“Alo.”

“Chào em, tới giờ phỏng vấn rồi nhỉ?”

Đầu dây bên kia vang lên một giọng nam trầm rất quen. Thụy nghe xong, nhất thời ú ớ, mắt nhìn trân trối người đối diện đang vẫy tay chào mình hệt như cách đây mấy tiếng trước. 

hoan-hao-nhat

Tự dưng, Thụy cảm giác mình như một con cừu ngơ ngác lạc giữa cánh đồng lạ, may mắn gặp được một chú cừu khác tốt bụng, thay vì ăn cỏ lại dẫn mình đi ăn bánh ướt lòng gà. Rồi đùng một cái, bản thân liền phát hiện ra chú cừu kia thực chất là một con sói vô hại nhưng ranh mãnh và thích chơi trò cướp hà.  

Ông chú bốn mươi tuổi, hai vợ, bốn con, tính tình cáu kỉnh…

“Vậy anh là… chủ quán hả?” Thụy dè dặt hỏi.

Phương (hay bây giờ có thể gọi là Tường) chọn cách không trả lời câu hỏi trên. Anh giơ tay lên cao, hướng về phía nhân viên phục vụ, gọi to.

“Tuấn ơi, nhờ em đưa xấp hồ sơ lúc sáng lại đây giúp anh.”

Thụy tự hiểu hành động vừa rồi của “ông chú bốn mươi” được xem như câu trả lời dành cho mình. Khi nhân viên đưa tài liệu đến tay người kia và đặt trên bàn thêm hai ly nước lọc, Thụy bất giác đâm ra lúng túng, đầu óc như một cuộn len rối, sợi này chồng chéo sợi kia. Tất cả những gì Thụy quan tâm nhất lúc này là khi nãy bản thân có nói gì không đúng hay quá lời với chủ quán không, có ảnh hưởng đến việc phỏng vấn lấy thông tin sắp diễn ra không. 

“Giờ em gọi anh là anh Tường nhỉ?”

“Em cứ gọi Phương cũng được. Đó là tên người nhà dùng để gọi anh.” Phương vừa lật tài liệu, vừa nói. “Đừng căng thẳng, cứ thoải mái như nãy giờ là được.”

Thụy gật đầu, cảm thấy tảng đá đè nặng nơi lồng ngực như vừa được đặt xuống dưới chân, trở nên nhẹ nhõm hẳn đi. 

“Vậy những gì anh nói về chủ quán lúc nãy, là giỡn đúng không anh?”

“Không, có một nửa ở trong đấy là anh nói đùa thôi. Còn tính tình anh cáu kỉnh và ẩm ương, kinh doanh quán cà phê này vì đam mê là thật, nhưng cũng chưa đến mức giở quẻ để cho đối tác leo cây bỏ về.” Phương mỉm cười, đưa tay day trán. “Anh có thấy qua hình em trên Zalo lúc em nhắn tin rồi.”

Thụy tròn xoe mắt, chớp chớp hàng mi ngắn và thưa của mình, sau đó “A” lên một tiếng như phát hiện được điều gì.

“Vậy là anh nhận ra em từ trước rồi cho nên mới chủ động bắt chuyện với em lúc đó đúng không?” 

Ra là vậy. Thụy cứ thắc mắc mãi tại sao Phương cứ nhìn mình đăm đăm trong khi đã đeo khẩu trang kín cả nửa mặt, cả việc anh chủ động bắt chuyện rồi dẫn cô đi thăm thú một vòng quanh đây nữa chứ. Dù người ta cởi mở khi thấy khách du lịch ghé đến, nhưng nhiệt tình đến vậy thì đúng là có hơi kỳ lạ thật. 

“Xin lỗi vì đã gạt em câu chuyện về ông chú bốn mươi tuổi, hai vợ, bốn con.” Phương nói. “Chắc lúc đó em hoang mang lắm.”

Đúng là lúc đó Thụy hoang mang thật. Nhưng khi biết đối tác là người đã cùng mình ngồi chung bàn ở quán ăn vỉa hè, tản bộ dọc hồ Xuân Hương, Thụy cảm thấy trải nghiệm này cũng không tệ. Sau khi về lại Sài Gòn và kể cho mấy anh chị trong công ty nghe, biết đâu chừng còn là một tin động trời nữa ấy chứ.

Mà thôi, Thụy thấy chuyện này không nên kể thì hơn, một mình mình biết là đủ rồi.

chi-con-cach-co-gang-vi-chang-danh-long-tha-troi-chinh-minh-758x573

Sau vài câu, Thụy và Phương bắt đầu cuộc phỏng vấn. Những câu hỏi xoay quanh vấn đề kinh doanh từ con số 0 và câu chuyện thương hiệu là mô-típ chung trong mỗi cuộc hẹn lấy thông tin từ khách hàng. Phương trả lời chi tiết, chậm rãi, cố ý để Thụy có thời gian ghi lại những gì mình nói. 

Khi danh sách câu hỏi đã hết đồng nghĩa với việc phỏng vấn hoàn tất, chợt Thụy đảo mắt một vòng như đang ngẫm nghĩ chuyện gì. 

“Vậy ngoài chuyện kinh doanh, sắp tới anh có dự định gì cho bản thân không?”

Giọng Thụy nhỏ hẳn, chỉ lớn hơn tiếng muỗi kêu một tẹo. Thụy hỏi nhưng không nhìn vào người đối diện, tầm mắt cứ bâng quơ dính lấy một góc nào đó gần cửa ra vào. Mà vốn đã lấy hết thông tin những gì cần lấy rồi, Thụy cũng chẳng hiểu mình nghĩ gì mà lại đột nhiên mạnh dạn hỏi một câu ngoài lề như vậy. 

Phương nhìn Thụy, rồi lại nhìn xuống xấp tài liệu trong tay về bảng câu hỏi đã được sếp Thụy gửi qua email trước đó vài ngày, im lặng khá lâu. Tâm trí anh như vẫn còn đang văng vẳng giọng hát của Hà Anh Tuấn cách đây mấy tiếng.

“Mai tôi sẽ rời xa núi đồi

Sẽ mang theo hương đêm ngày cũ

Lời tôi hát đồi núi trập trùng

Có đôi khi nhớ thiên đường xưa”.

Thụy không thấy người kia trả lời, bản thân có chút hơi ngượng, theo thói quen bèn lấy tay vuốt tóc. Tóc Thụy đen và ngắn, xơ như rễ tre vì không buồn chăm sóc. Bình thường Thụy không để ý lắm vụ này. Nhưng bây giờ, Thụy đột nhiên nảy sinh ý nghĩ khi về lại Sài Gòn nhất định sẽ dưỡng tóc cẩn thận, chăm chút bản thân cho thật đàng hoàng. 

“Dự định trước mắt của anh là muốn làm hướng dẫn viên du lịch cho một người khách vừa đến đây, nhưng trong hôm nay họ phải về lại Sài Gòn rồi.”

Phương nói chậm rãi, rõ ràng từng chữ, mắt vẫn nhìn vào xấp tài liệu nhưng tâm hồn thì đã sớm đặt nơi người đối diện. Anh chẳng biết liệu Thụy có hiểu được câu trả lời của mình không, mà hiểu rồi thì có suy nghĩ thế nào vẫn còn là một dấu chấm hỏi to tướng trong tâm trí. 

Thụy không quá ngu ngốc, đương nhiên hiểu được ý anh. Nhưng có những thứ không phải cứ muốn là được mà phải tùy thuộc vào thời điểm, chẳng hạn như thời điểm không cho phép Thụy nán lại thêm một ngày nào nữa ở mảnh đất này vì vé xe đã đặt. 

Chợt, Thụy và Phương đều đồng loạt nghĩ, giá như cái gọi là thời gian, là hai mươi tư tiếng ấy, kéo dài thêm chút nữa trong một ngày thì đã tốt. 

Tối đó, Thụy bắt xe về lại Sài Gòn. Phương đến tiễn, tiện thể dúi vào tay Thụy một phong thư nhỏ và một túi hạt cà phê (vì nghe Thụy nói mình rất nghiện món này). Riêng phong thư, anh dặn Thụy về đến nơi hẳn mở ra xem. 

Thụy trải qua rất nhiều cuộc tạm biệt sau mỗi lần phỏng vấn đối tác, nên với Phương cũng không xa lạ gì. Nhưng lần này khác lắm. Tự dưng Thụy cảm thấy có chút lưu luyến mảnh đất dưới chân mình, không khí vờn quanh mình, cả con người đang đứng trước mặt mình. Tất cả như cuộn nam châm níu lấy Thụy, khiến Thụy vương vấn không thôi. 

phu-nu-co-the-nhin-1-lan-nhung-dung-nhin-mot-doi-758x506

***

Thụy về đến nhà, việc đầu tiên là mở lấy phong thư của Phương, rồi bất ngờ khi thấy bên trong là một cành thông nhỏ cùng bức thư với nét chữ cứng cáp:

“Không có dịp đưa em đi xem rừng thông bạt ngàn nên gửi em chút hoài niệm của Đà Lạt. Sẽ rất vui nếu ngày nào đó, anh lại được thấy em xuất hiện trong quán cà phê nơi con hẻm nhỏ ấy lần nữa” 

Phương,

© Tiếu Tiếu Nguyễn - blogradio.vn 

Xem thêm: Thương Màu Điên Điển | Blog Radio Bản Full

 

Tumo

Người đi gom nhặt những điều lặt vặt

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Hè còn đến

Hè còn đến

Con đường mùa hè của đứa trẻ còn quê là xuống bếp, lên nhà rồi ra vườn, chạy ra đồng rồi lấm lem ra về. Quãng đường này tôi đã đi mòn mấy mùa hè trước và thêm mùa này nữa cũng coi như trọn vẹn thời học sinh.

Em ra phố

Em ra phố

Sáng nay cô ra phố, Bích Loan thấy nhớ nôn nao chiếc xe bánh mì và câu nói của mẹ, mình chuẩn bị ra phố thôi con, dậy đi. Bây giờ cô cũng đang ra phố đây, cũng con hẻm quen thuộc cũng những ngôi nhà những gương mặt quen thuộc của biết bao người, cũng con phố đã bên cô bao năm tháng ngày xưa, mà sao hôm nay cô thấy thân thương lạ.

Mẹ dạy con

Mẹ dạy con

Mẹ dạy con, dạy biết bao điều Mẹ dạy nhiều, con nhớ bao nhiêu? Lời mẹ dạy, con chẳng thèm giữ Vì lời mẹ cũng chẳng dễ nghe.

Trong 3 tháng tới, 4 con giáp này lội ngược dòng thành công, thu về nhiều tiền bạc lẫn chuyện vui, đặc biệt là chuyện tình cảm ngọt ngào

Trong 3 tháng tới, 4 con giáp này lội ngược dòng thành công, thu về nhiều tiền bạc lẫn chuyện vui, đặc biệt là chuyện tình cảm ngọt ngào

Ai cũng mong vận may của mình sẽ thuận buồm xuôi gió trong cuộc đời, đặc biệt là về mặt sự nghiệp, tài lộc. Ba tháng tới sẽ là khoảng thời gian may mắn đối với bốn con giáp này. Họ sẽ có những chuyển biến tốt hơn, sự nghiệp thăng tiến và họ cũng có thể đạt được sự giàu có bất ngờ. Hãy cùng xem 4 con giáp này sẽ tận hưởng vận may như thế nào trong những ngày tới nhé.

Vượt qua niềm đau

Vượt qua niềm đau

Tôi nhận ra anh cũng thích tôi giống như tôi đã thích anh vậy. Phải chi tôi đủ dũng cảm để nói ra hết mọi chuyện với anh thì giờ đây tôi không phải hối hận nhiều đến vậy.

Viết về tuổi 22 của chúng ta

Viết về tuổi 22 của chúng ta

Tuổi 22, nơi mà một người trẻ cảm thấy mình nhỏ bé giữa vũ trụ bao la của ước mơ và khát vọng, nhưng cũng không thể tránh khỏi áp lực thời gian và nỗi đau của sự thất bại.

Mơ

Chẳng hiểu sao những ngày đó cô có thể mơ những cái mơ lạ lùng như vậy, toàn là mơ những chuyện quá sức mình, vậy mà cũng mơ được. Vậy là thêm một lần mơ nữa vẫn cứ là mơ chứ cô không biến mơ thành thực được.

Top 5 dòng sách chữa lành đang được ưa chuộng

Top 5 dòng sách chữa lành đang được ưa chuộng

Hiện nay, 5 thể loại sách chữa lành được độc giả ưa chuộng gồm sách khám phá bản thân, phân tích hành vi, kỹ thuật giảm căng thẳng, phát triển kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp.

Lỡ như ta yêu nhau thật nhiều (Phần 4)

Lỡ như ta yêu nhau thật nhiều (Phần 4)

Mỗi người một nơi, không ở cạnh nhưng luôn nghĩ về nhau, trái tim của hai đứa trẻ ấy vẫn luôn hướng về đối phương. Người ta hay nói “Xa mặt cách lòng”, giá như nó đúng với câu chuyện này thì hay biết mấy, sẽ không có hai người yêu nhau mà ôm nỗi tương tư như thế.

Gia đình tôi có một thành viên mắt màu hổ phách

Gia đình tôi có một thành viên mắt màu hổ phách

Tôi nhớ mỗi tối nằm trong chăn ấm đều thiếp đi khi ngắm nhìn nó cuộn tròn ấm áp bên cạnh cái đèn ngủ bể cá giả sủi khí đưa đẩy những con cá nhựa lên xuống trong ánh sáng mờ màu xanh lam. Có lẽ đó là những năm tháng bình yên, vui vẻ nhất trong tuổi thơ của tôi và nó, cũng là những năm tháng mà tình bạn của chúng tôi gắn bó keo sơn nhất.

back to top