Phát thanh xúc cảm của bạn !

Cô gái mù

2024-03-23 16:10

Tác giả:


blogradio.vn - Nhưng cô thấy bắt đầu từ đó, bắt đầu từ những công việc rất bình thường và rất nhỏ như vậy, bắt đầu từ tình thương của những người thân của cô mà Mộng Ly đã có thể cười được, đã có thể tự tin hơn với cuộc sống.

***

Nếu ai đi lại trên con đường đó, một con đường rất dài và rất lớn của vùng ngoại ô thành phố, nếu họ nhìn kỹ về một bên đường thì sẽ thấy có một cửa tiệm chuyên bán các loại mũ bảo hiểm. Mà lúc trước người thanh niên ngồi bán không phải trong tiệm như vậy đâu, anh ấy trải một tấm nhựa lớn ngay trước tiệm là nhà của anh ấy rồi bày hết tất cả các loại mũ lên đó. Anh ấy nói vậy mới bán nhanh hơn, vì nhiều người cứ ngồi trên xe rồi thuận tay thuận chân ghé vào xem mũ rồi mua nên bán được nhiều lắm. Nhưng từ ngày có xe đô thị thì anh buộc phải dọn vào trong nhà nên nguyên cả căn phòng nhỏ của ngôi nhà biến thành một tiệm bán mũ bảo hiểm. Mà anh nói từ đó anh bán bị chậm hơn, nhưng lại không lo nhìn ngược nhìn xuôi vì ai biết được xe đô thị xuất hiện lúc nào, rồi họ hốt luôn cả đống mũ thì xem như công toi.

Anh ấy, người bán mũ bảo hiểm nói với Trân như vậy.

Nhưng Trân đến đó không phải để nói chuyện với anh ấy, mà là để được gặp và trò chuyện với cô gái luôn ngồi sát bên anh mỗi lúc bán mua. Đó là một cô gái khá gầy có nước da trắng xanh và mái tóc buông lững lờ ngang vai rất đẹp. Trân chú ý và muốn nói chuyện với cô gái vì đó là một cô gái bị mù cả hai mắt, là chị ruột của người thanh niên đó, người bán mũ.

Cô gái tên là Mộng Ly.

Mộng Ly kể cho Trân nghe nhiều câu chuyện về cô ấy, nhưng Trân ấn tượng và nhớ nhất câu chuyện khi cô ấy ngồi bán mũ cùng với em trai mình. Trân đã rất khâm phục khi cô ấy có thể ngồi nướng thịt giúp mẹ cô ấy bán cơm tấm, và nhất là khi cô ấy có thể rất tự tin đứng trước các em học sinh cấp một để dạy hát cho các em trong một lớp học về thanh nhạc tại nhà văn hóa thiếu nhi của thành phố này.

Mộng Ly nói với Trân là cô ấy bị như vậy trong một tai nạn giao thông kinh hoàng khi cô ấy mới lên sáu tuổi. Tai nạn đó không cướp mất tính mạng, không cướp mất cuộc đời của cô ấy nhưng đôi chân của cô ấy bị thương rất nặng và đôi mắt bị mù vĩnh viễn không thể cứu chữa được. Các bác sĩ đã cố gắng hết sức để cứu đôi chân của Mộng Ly nhưng đôi mắt thì họ bó tay, họ nói nếu gia đình có đủ điều kiện về kinh tế thì nên mang Mộng Ly ra nước ngoài may ra còn có cơ hội. Nhưng gia đình Mộng Ly thì làm gì có đủ khả năng như vậy, ba Mộng Ly mất sớm để lại cho mẹ cô hai đứa con thơ, rồi mẹ cô đã nuôi hai chị em và sinh sống bằng nghề may. Mẹ cô may đồ và bỏ mối cho các sạp hàng trong các chợ, và còn buôn bán thêm bằng việc bán thức ăn sáng ngay tại mái hiên nhỏ trước nhà là món cơm tấm, để tảo tần nuôi hai chị em cô học hành nên người.

Sau tai nạn năm đó Mộng Ly dừng hẳn việc đến trường, cuộc sống lúc đó với cô chỉ có một màu sắc duy nhất là màu đen. Đen cả về nghĩa bóng và nghĩa đen nữa, là đôi mắt cô không còn nhìn thấy, như một điều kinh khủng nhất, như tất cả mọi con đường đã khép chặt cánh cửa lại với cô.

Mộng Ly nói phải rất lâu sau đó cô mới lấy lại được thăng bằng về cuộc sống. Rồi em trai cô mở một góc nhỏ buôn bán và mang cô theo ngồi cùng với nhiệm vụ giữ tiền. Là em cô muốn cô được có niềm vui, muốn cô được khuây khỏa chứ suốt ngày ngồi trong nhà nên mọi người lo sẽ có lúc cô bị trầm cảm rồi sẽ còn nhiều căn bệnh khác nữa về tình thần. Mà mẹ cô cũng suốt ngày bận bịu với công việc mua bán với mưu sinh nên cứ để cô một mình như vậy.

Mộng Ly ngồi bán mũ cùng em trai mình được khoảng hơn mấy tháng thì được mẹ rèn cho việc nướng thịt. Vì mẹ cô nói công việc nhiều quá mẹ cô không làm nổi một mình, mà nếu thuê người thì phải trả tiền công mỗi tháng nên mẹ cô quyết định dạy cô cách nướng thịt. Mộng Ly nói mới đầu cô cứ làm đổ tung mọi thứ vì cô đâu nhìn thấy gì, chỉ là mẹ đã bọc một lớp thép rất dày xung quanh cái bếp lửa bằng than nên rất an toàn cho Mộng Ly không sợ bị bỏng, rồi dần dần cô cũng làm được việc. Mà Trân rất ấn tượng và rất thích thú khi nghe Mộng Ly kể cô ấy nướng thịt bằng cách đếm trong miệng. Cứ một hai ba bốn rồi đến một tiếng đếm nhất định là cô ấy tự trở miếng thịt qua bên khác, vậy là miếng thịt được chín và còn rất ngon rất thơm nữa. Ai đến ăn cũng khen Mộng Ly nức nở, họ không thể tưởng tượng được một cô gái mù mà có thể thành thạo việc nướng thịt như vậy, còn Mộng Ly rất vui vì đã giúp được mẹ mình trong công việc dù chỉ là rất nhỏ. Nhưng cô thấy bắt đầu từ đó, bắt đầu từ những công việc rất bình thường và rất nhỏ như vậy, bắt đầu từ tình thương của những người thân của cô mà Mộng Ly đã có thể cười được, đã có thể tự tin hơn với cuộc sống. Cô cũng nói chuyện nhiều hơn với mọi người, có lúc còn nói đùa còn chọc ghẹo còn nói tếu làm mọi người đều cười vui.

Có lẽ cuộc sống của Mộng Ly đã dần chuyển sang một trang mới khi cô gặp được người phụ nữ ấy. Đó là một phụ nữ rất mê món cơm tấm của mẹ cô làm và gần như sáng nào cũng ghé ăn, có lúc ăn xong lại mua thêm một hộp nữa để dành ăn trưa. Rồi tình cờ một hôm chị ấy nghe Mộng Ly hát, cô vừa ngồi nướng thịt vừa hát nhỏ nhỏ trong miệng những bài hát cô vẫn thích. Vậy là chị ấy đề nghị Mộng Ly tham gia dạy hát cho học sinh cấp tiểu học ở nhà văn hóa nơi chị ấy làm việc, vì chị ấy nói Mộng Ly hát rất hay và rất cảm xúc, có thể tham gia dạy được. Vậy là cả Mông Ly cả mẹ cả em trai cô đều rất mừng rỡ, từ đó cứ một tuần ba buổi tối Mộng Ly đến nhà văn hóa để dạy hát cho học sinh, em trai cô kiêm luôn việc đưa đón chị mình.

Mộng Ly nói nới với Trân những buổi dạy ban đầu là vô cùng khó với cô vì cô chẳng có chút kiến thức nào về giảng dạy nhưng chị ấy đã động viên và hướng dẫn cô rất nhiều. Mà Mộng Ly nói bây giờ cô mới thấm thía câu nói là người ta chỉ có thể sống được là nhờ lòng tốt của người khác, với Mộng Ly thì câu nói đó quá đúng luôn và cô còn nói suốt đời cô biết ơn chị ấy. Người phụ nữ ấy, một người rất xa lạ với cô nhưng đã đến với cô bằng cả tấm chân tình bằng cả tình thương của con người dành cho nhau, cô nói chính nhờ vậy mà cô có được lại lòng tin với cuộc đời này. Vì đã có rất nhiều lần cô đã oán trách ông trời sao quá bất công và tàn nhẫn với cô, vì ánh sáng của đôi mắt của một con người gần như là tất cả cuộc sống, cuộc đời là cả tương lai ước mơ và rất nhiều điều tốt đẹp ở phía trước. Tất cả đã tối sầm lại đã vụt tắt mất trong trái tim Mộng Ly ngày nào khi cô biết mình vĩnh viễn không bao giờ được nhìn thấy mặt trời nữa, một cú giáng quá lớn, một cái tát khổng lồ còn hơn cả ngàn vạn cơn đau đã ập đến với Mộng Ly khi cô đang còn rất ít tuổi như thế. Và mãi đến nhiều năm sau cô mới có thể cười được, trái tim cô mới có thể ấm lên được nhờ những công việc rất nhỏ mà tự tay cô có thể làm chứ không đợi chờ sự giúp đỡ của người khác. Cái mặc cảm là gánh nặng của người thân làm cô thấy cuộc sống chỉ là con số không mà thôi, chẳng còn thiết tha gì nữa đến sống. Là Mộng Ly của những năm tháng đó của những năm tháng bị tai nạn và chìm đắm trong nỗi đau của một màu đen và của một suy nghĩ khủng khiếp trong cô là cô là một cô gái mù.

Mộng Ly nói với Trân là cô thích nhất việc dạy hát cho các em học sinh, cô thích được nghe các em gọi cô bằng cô. Cô thích không khí của lớp học, có nhiều tiếng cười nói xôn xao, cô lại được nghe các em nói chuyện những câu chuyện về việc học, về ba mẹ, về những gì các em thắc mắc và các em cũng hay hỏi cô vì sao cô bị như thế, Mộng Ly cũng thật tình kể cho các em nghe. Rồi cứ hết mỗi buổi học là các em thay nhau dắt tay cô xuống thang lầu, có em còn kể cho cô nghe lớp học mình có màu gì, hôm nay các bạn mặc áo quần màu gì rồi ánh đèn màu gì rồi nhìn cô hôm nay xinh như nào, nhiều nhiều lắm. Và Mộng Ly nói cô rất muốn được duy trì mãi công việc đó, một công việc chỉ làm về buổi tối vừa mang lại cho cô niềm vui, ý nghĩa sống vừa mang lại thu nhập cho cô, và xóa đi trong cô suy nghĩ cô là một người sống mòn sống ăn bám vào người khác.

Cô gái mù ấy, là Mộng Ly đã để lại trong Trân bao nhiêu cảm xúc lớn nhỏ khác nhau, cứ như muốn thay nhau chạy ra khỏi trái tim cô trước để trút xuống những trang giấy rất lặng lẽ trắng tinh đang trước mặt cô. Trân nghĩ đúng là cuộc đời luôn rất công bằng với mọi người, người ta nói khi một cánh cửa này đóng lại trước mặt bạn thì ngay lập tức sẽ có một cánh cửa khác mở ra, vấn đề là bạn phải nhìn thấy cánh cửa đó ở đâu. Nhưng ở trường hợp của Mộng Ly thì Trân lại rất phục ở bản lĩnh và nghị lực sống của cô ấy. Thật sự là khủng khiếp nếu người ta mất đi đôi mắt mất đi ánh sáng của đôi mắt, nhưng tận sâu trong cõi lòng người ta lại có một đôi mắt khác, đôi mắt của sự bất khuất của niềm tin trước cuộc đời, chỉ là đôi mắt đó sẽ là tổng hợp của nhiều tình thương của nhiều nguồn sáng khác nữa luôn bên cạnh và tiếp thêm sức cho cô ấy, là Mộng Ly, để cô ấy luôn được sống vui vẻ như vậy. Luôn được cất cao tiếng hát như vậy cho chính mình cho nhiều học sinh cho cả cuộc đời này nữa.

Trân mang theo tiếng hát của Mộng Ly về đến nhà và mang vào cả trang viết của cô. Mộng Ly đã hát cho Trân nghe một bài hát là một bản tình ca thật sâu lắng nồng nàn, Trân sẽ nhớ và nhớ mãi, giọng hát ấy, cái tên ấy và cả ngôi nhà ấy nữa. Ngôi nhà có một người mẹ tảo tần hết lòng thương con, có một người em trai hết lòng yêu thương chị và có một cô gái mù với khát khao được sống có ích cho đời.

© HẢI ANH - blogradio.vn

Mời xem thêm chương trình:

Thế Gian Rộng Lớn, Em Vẫn Yêu Anh Thêm Lần Nữa (Phần 2) | Radio Tình Yêu

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

'Biến thể của cô đơn' trong thời đại công nghệ

'Biến thể của cô đơn' trong thời đại công nghệ

“Biến thể của cô đơn” là tác phẩm nói về sự mất kết nối với chính mình. Đây là thời đại chúng ta sống quá nhanh, bị nhiều thứ chi phối, từ đó mất khả năng hiểu về tâm hồn mình.

Thanh xuân ấy chúng ta đã bỏ lỡ nhau

Thanh xuân ấy chúng ta đã bỏ lỡ nhau

Chúng ta kết thúc trong sự tiếc nuối của mọi người xung quanh, trong sự tiếc nuối của cô gái đã yêu cậu bằng cả sự chân thành. Còn cậu, cậu có tiếc nuối cô gái đã dạy cậu cách yêu, có tiếc nuối cô gái mà cậu đã từng làm tổn thương đến đau lòng không?

Em và hạ

Em và hạ

Mùa hè em là nắng, Là gió và là em Là khi trong em đó Còn sống khi hạ về

Hồi ức mùa lúa chín

Hồi ức mùa lúa chín

Con đường xưa, cánh đồng xưa vẫn còn đó, nhưng cô gái của anh đã không còn nữa. Nỗi buồn không thể nói thành lời, chỉ còn lại trong tim anh, như một bản tình ca không trọn vẹn.

Yêu nhau từ thưở mười hai

Yêu nhau từ thưở mười hai

Vậy đó, đã được gặp người ấy, đã vào tiết học của người ấy là anh cứ bị cuốn đi như đang say giấc nồng vậy, và anh cứ mang theo hết những gì của người ấy trao đến anh trong ngày hôm ấy để cùng vui, cùng hớn hở và cùng bên nhau thiết tha hơn nữa cho những tiết học tiếp theo.

Chuyện của mùa Hè

Chuyện của mùa Hè

Mùa hè xứng đáng là một khoảng thời gian tuyệt vời dành riêng cho một đứa kì dị như tôi vậy. Khi chẳng có gì làm thì có thể nghĩ ra hàng tá kế hoạch riêng cho bản thân.

Tự giận dỗi

Tự giận dỗi

Anh vẫn nhớ chút trần gian vụng dại Anh vẫn nhớ mùa yêu tình sang trang Anh phải yêu và phải vẽ dung nhan Cho tim chết cho hồn không đọng lại

Cung đàn vang khúc tình ca

Cung đàn vang khúc tình ca

Cũng như bản tỉnh ca thiết tha nhất, như muốn được gởi đến khắp nơi một ước mơ to lớn nhất và cũng đơn giản nhất của thầy và của toàn trường về một ngôi trường mới. Ước mơ đó đã được bày tỏ đã được bay xa trong lời ca tiếng hát trong tiếng đàn da diết của chính trái tim thầy

'Thiền' của Osho hay câu chuyện không thể lý giải bằng lời

'Thiền' của Osho hay câu chuyện không thể lý giải bằng lời

Cuốn sách "Thiền" của Osho đã đưa ra một cái nhìn sâu sắc về thiền định, một con đường mà không phải lúc nào cũng dễ dàng để lý giải bằng lời nói.

back to top