Chỉ mong những người tôi yêu thương sống một đời bình an
2020-06-26 01:20
Tác giả:
blogradio.vn - Với những người yêu thương tôi có tiếc gì đâu, tiền bạc, thời gian, khó khổ, vốn chẳng phải vấn đề, tôi chỉ cần họ sống bình an vui vẻ.
***
Sau chuyến nghỉ lễ, tôi trở về chỗ làm. Mọi người đều hỏi tôi, về nhà có vui không. Tôi chỉ cười không đáp, chẳng cách nào nói rằng chuyến về này thật tệ.
Thực ra, tôi trở về chẳng phải để nghỉ ngơi, mà vì cuộc gọi của mẹ, nói rằng gia đình đã không thể chống đỡ thêm nữa, đành bán nhà. Họ báo cho tôi biết lúc đã xong xuôi thủ tục chuyển nhượng, nhà cũng đã giao cho người ta. Cũng giống như lần trước, đột ngột không lời từ biệt, tôi phải chấp nhận rằng nơi đó đã không còn thuộc về tôi nữa, đã không phải là nơi có thể trở về nữa. Buồn làm sao, cả hai lần họ đều chẳng cho tôi một cơ hội nói lời từ biệt nào, có chăng chỉ là lời phân trần lúc chuyện đã rồi. Có lẽ họ chưa bao giờ hiểu được sự gắn bó máu thịt và những tình cảm dữ dội tôi dành cho nơi đó. Đó không chỉ là một căn nhà, mà là một mái ấm, chốn nương náu của linh hồn, nơi cất giữ thời gian. Không ai từng nghĩ đến tôi sẽ đau lòng đến thế. Không ai từng biết có những nỗi đau không bao giờ bùng phát, nhưng cũng chẳng bao giờ lành lại.
Tôi không nhớ chính xác mình đã trải qua những gì trong ngôi nhà ấy. Gần hai mươi năm ròng. Đã có rất nhiều sự thay đổi. Ngôi nhà đã thay áo qua biết bao mùa, nhưng mỗi dáng vẻ của nó đều khắc dấu mạnh mẽ trong lòng tôi, cũng như từng hồi ức của tôi đều chạm trổ trên từng bức tường chồng chất bao nhiêu vết sơn, trên từng khung cửa mòn hao cũ kĩ. Toàn ngôi nhà là một cuốn sách ký ức, nơi tôi tìm thấy mỗi ngõ ngách biết bao phiên bản ấu thơ của chính mình, nơi mỗi cái chạm là một cú hích gợi nhắc về hành trình trưởng thành đằng đẵng đã đưa tôi đến thời khắc hiện tại. Cứ mỗi lần tôi tự nhắc ngôi nhà đã không còn thuộc về gia đình mình, đã không thể trở về nữa, trong lồng ngực lại như bị khoét sâu hơn. Vết thương nơi ấy không rách miệng, không chảy máu, nhưng bưng mủ bên trong, âm thầm quấy quá, từng chút một, ăn lần ăn mòn tâm hồn.
Thế nhưng tôi cũng biết rõ, bán nhà là con đường cùng chẳng ai thực sự mong muốn. Thực ra, cha mẹ tôi đã sống rất khổ để chống đỡ. Mỗi ngày đều bốn, năm giờ sáng đã thức dậy, làm quần quật đến tám, chín giờ tối mới được nghỉ ngơi, cũng vì như vậy mà hục hặc nhau mãi. Vài ngày lại phải làm pa tê, xíu mại, dăm bông một lần, mỗi lần làm là hì hục hết nguyên một ngày, chỉ nhìn thôi cũng thấy mệt mỏi. Vậy mà, cũng chẳng lời lãi được bao nhiêu, cực nhọc bấy nhiêu cũng chỉ đủ ăn, hoàn toàn không đủ khả năng tự chủ kinh tế, nói gì đến tiền đóng lãi suất ngân hàng. Thậm chí có những ngày trong nhà không còn chút tiền mua thịt, phải ăn rau góc vườn mà sống qua ngày, không có tiền cắt tóc, cực chẳng đã mới ra khỏi nhà mà nơm nớp lo sợ xe hết xăng hoặc hỏng giữa đường.
Có một lần, vì muốn giảm chi phí, ba tôi liền giã luôn bánh mì lẫn vào xíu mại. Không ngờ, đến khi nấu bán cho khách, xíu mại không đủ rắn chắc liền rã ra cả súp. Mẹ vì vậy mà vừa tiếc vừa tức, khóc rấm rứt suốt cả ngày trời. Ba cũng vừa tiếc vừa hối vừa thương mà chẳng biết nói gì hơn.
Một lần khác, mẹ tôi vì tiếc năm trăm ngàn làm rơi mà mắt đỏ chực khóc, đổ bệnh mấy ngày trời. Ba tôi vì chạy vạy đóng tiền trả góp mà mặt mày xanh tái, cùng quẫn đến độ đi hỏi từng đứa cháu, tóc cũng muốn bạc hết. Tôi biết cái nghèo dai dẳng, dày vò đó chẳng phải đều tại hoàn cảnh, mà còn vì lối sống thiếu suy nghĩ của họ nữa. Nhưng tôi cũng biết, họ đã khổ sở suốt cả cuộc đời, mỗi ngày đều là một cuộc chật vật mưu sinh chẳng thấy chút hi vọng. Mỗi lần nhìn vào ánh mắt rệu rã lo âu của bọn họ lại thấy sự bất lực, yếu mềm của bản thân. Chỉ mười ngày trở về cũng đủ để tôi thấy căn nhà thuê xập xệ ra sao, cuộc sống của họ khốn đốn thế nào. Mười ngày trở về để đối mặt với hàng đống nợ nần, chi phí, bệnh tật. Buồn lo, khổ sở trở thành thứ gánh nặng vô hình mà khủng khiếp ép người ta thở không thông, muốn phát điên. Cho nên tôi đã trở lại làm việc sớm hơn dự định. Thực ra là tôi trốn chạy.
Hôm nay, mẹ đã gọi điện thoại cho tôi, giọng nói thật mỏi mệt. Bà thậm chí còn không thể tiếp tục nói những lời lạc quan tốt đẹp – dù chỉ là gắng gượng nữa. Mẹ hỏi tôi, con học tiếng Trung đến đâu rồi, như một cách hỏi khéo, khi nào tôi mới có thể thuyên chuyển vị trí, mới có thể có mức lương cao hơn. Tôi chợt nhớ đến một lần khi tôi còn học cấp hai, có lần ba nói với tôi, đừng cứ hỏi ba hôm nay làm có đắt khách không mãi. Lúc đó tôi không hiểu vì sao ông lại nói thế, câu hỏi đó vốn chỉ là một câu thăm hỏi, quan tâm của đứa con nhỏ mà thôi. Đến sau này đi làm rồi tôi mới hiểu, kiểu câu hỏi này áp lực đến như thế nào. Chẳng có ai lại muốn đáp lại ánh mắt trong veo bằng một ngày làm ăn vắng vẻ, hoặc bằng một lời nói dối, rằng mọi thứ đều suôn sẻ.
Sau đó, tôi muốn nói chuyện với ba, ông mới chậm chạp đến bắt máy. Hôm nay ông lại say. Trong cơn say ông nói, chính vì làm ăn bết bát, để tôi phải oằn lưng lo liệu quá nhiều thứ, nên mới hổ thẹn đến mức chẳng dám nhận cuộc gọi của tôi. Mẹ tôi thì suốt ngày muốn tìm việc làm để chẳng phải gây thêm gánh nặng. Đột nhiên tôi phát hiện ra, ba mẹ đã yêu thương và nuôi nấng tôi hai mươi mấy năm, nhưng lại không hiểu được tôi.
Có lẽ vì tính cách tôi lúc nhỏ để lại ấn tượng quá mạnh mẽ, nên cứ luôn cho rằng tôi vẫn là cô bé con cường ngạnh, ích kỉ, và khư khư giữ mình năm xưa. Giống như họ vẫn cứ luôn cho rằng tôi ở ngoài đường ăn mặc xuề xòa, lầm lầm lì lì, chẳng dám hay thích giao thiệp với ai, cũng chẳng ai thích giao thiệp với tôi vậy. Trong lòng họ tôi mãi là một đứa trẻ không hiểu chuyện cần được chở che, tự làm ra tiền thì nên tự mình tiêu dùng và tiết kiệm; cho nên để tôi đảm đương cả gia đình, để tôi phải lo nghĩ rầu rĩ, đối với họ là cực hình tinh thần. Nhưng mà họ không hiểu, với những người yêu thương tôi có tiếc gì đâu, tiền bạc, thời gian, khó khổ, vốn chẳng phải vấn đề, tôi chỉ cần họ sống bình an vui vẻ. Đáng tiếc là tôi có cố gắng bao nhiêu vẫn không đủ, càng vắt kiệt sức mình chỉ càng làm họ đau lòng tự trách mà thôi.
Suốt buổi nói chuyện tôi đã rất chật vật, để họ không biết rằng tôi đang khóc. Lúc nhỏ tôi rất mạnh mẽ, không biết đau, cũng chẳng biết sợ, ghét nhất là khóc lóc ủy mị, kiêu ngạo như một con công suốt ngày khoe mẽ chiếc đuôi sặc sỡ. Lớn lên rồi mới phát hiện mình rất thích khóc. Thực ra tôi cũng chẳng muốn, chỉ là nước mắt cứ như chiếc vòi nước hỏng van, cứ trào ra không ngừng. Đôn đáo nhắn tin vay mượn bạn bè chuyển khoản xong, toàn thân đều như một chiếc bong bóng không hơi, lép kẹp kiệt quẫn. Sao cuộc sống lại có những chuyện buồn khổ đến thế, bức người đến thế? Là do tôi quá tham lam, mơ ước quá nhiều, cho nên những nguyện ước của tôi đều không thành hay sao? Thực ra, tôi không nhớ mình đã từng có mong ước gì quá cao xa. Lúc nào cũng chỉ quanh quẩn ở cơm áo gạo tiền. Chỉ vì mong có một cuộc sống đừng thiếu thốn, bọn họ được bình an mà bằng lòng bỏ xuống hết thứ này đến thứ khác, bằng lòng giả vờ không quan tâm, không tranh giành, bằng lòng sống như một kẻ ngốc hoặc giả chấp nhận bản thân là một kẻ ngốc. Nhưng rốt cuộc, nhận được vẫn là từng chuyện lại từng chuyện thử thách sức chịu đựng của tôi.
Trước đây tôi từng cho rằng mình học hành không tệ, đợi đến khi trưởng thành, nhất định có thể rất nhanh tìm được một công việc tốt, kiếm nhiều tiền, dễ dàng chăm sóc cho gia đình; từng tin rằng chỉ cần thật lòng tin tưởng, chắc chắn sẽ có được thứ mình muốn. Đáng tiếc, đến khi bản thân vì tiền mà khổ sở đến phát điên, mới nhận ra cuộc đời này đâu có đơn giản như vậy, có rất nhiều sự tình khó nói, cũng có rất nhiều thời gian khó khăn, còn mình cũng chỉ là một con người tầm thường, bất lực mà thôi. Bao nhiêu năm tôi tất tả nỗ lực làm lụng cũng là ngần ấy năm tôi chứng kiến cha mẹ già đi từng ngày, chứng kiến những mộng tưởng lẫn lý tưởng vỡ vụn. Cho nên tôi đối với sự yếu đuối của bản thân đã sớm gom đầy thất vọng và cay đắng.
Thế nhưng, những năm này cũng khiến tôi hiểu ra, sở dĩ tôi của trước đây có thể sống trong một thế giới màu hồng đẹp đẽ và đầy ước vọng như thế, là bởi vì có cha mẹ dùng mồ hôi và nước mắt mà chắn đỡ hết những điều xấu xa tối tăm ở bên ngoài. Nhìn vào tờ lịch trên bàn, hóa ra cũng chỉ có bốn năm. Tôi chỉ vừa trải qua bốn năm khổ sở, còn cha mẹ tôi thì đã nếm trải cả mấy chục năm trời, hiện tại mái tóc đã nhuốm bạc rồi. Bỗng nhiên tôi thấy rằng con đường đời dài dằng dặc này tôi vẫn còn có thể đi tiếp, không phải vì không sợ nản, mà là vì còn có những người quan trọng phải bảo vệ, mà là vì ngày tôi còn bé dại đã có người bảo bọc bầu trời của tôi, nay tôi khôn lớn muốn dang rộng đôi cánh để che mưa chắn gió, mong họ một kiếp bình an.
© Tri Ức - blogradio.vn
Mời xem thêm chương trình:
Với con, mẹ quan trọng nhất! (Radio Giờ của gia đình)
Bài tham dự cuộc thi viết. Để bình chọn cho bài viết này, bạn hãy nhấn like, share và để lại bình luận cảm nhận của mình. Thông tin chi tiết về cuộc thi, mời bạn tham khảo tại đây.
Phản hồi của độc giả
Xem thêm

Tuổi 18 - Những điều đặc biệt
Tuổi 18 là tuổi của những ước mơ lớn. Ai cũng có một đích đến, một khát khao, một con đường riêng để theo đuổi. Có người ước mơ trở thành bác sĩ, có người muốn làm nhà báo, có người chỉ đơn giản muốn tìm kiếm một cuộc sống bình yên. Dù là gì đi nữa, tuổi 18 luôn tràn đầy nhiệt huyết và sự quyết tâm.

Trở về với đúng nghĩa của chữ YÊU
Chúng mình yêu nhau nhẹ nhàng, cho đi tình yêu và đặt hạnh phúc của đối phương lên trên. Chúng mình làm những thứ mà chúng mình nghĩ đối phương sẽ hạnh phúc mà chẳng bao giờ nghĩ đến việc người kia có làm lại đối với mình không, nên chúng mình không bao giờ phải suy nghĩ nhiều.

Tháng Ba đã đến rồi…
Buổi chiều hôm đó, họ nói với nhau nhiều chuyện không đầu không cuối. Những câu chuyện đan xen giữa hương cà phê, màu đỏ rực của hoa gạo, và ánh mắt anh trầm tĩnh mà sâu xa.

Phố cũ lặng thinh, ta lạc mất nhau rồi
Có một ngày phố cũ có đôi ta Bước chân quen cũng ngại ngùng bỏ lỡ Người qua vội, chẳng ai còn bỡ ngỡ Ta với ta giữa khoảng trống không người.

Lời chưa nói
Tớ với cậu bắt đầu nói chuyện với nhau nhiều hơn rồi không biết từ lúc nào mà tớ đã thầm cảm thấy hơi thích cậu. Đã nhiều lần tớ thấy tớ thật ngu ngốc, sao lại có suy nghĩ kì quặc ấy, nhưng rồi những cử chỉ quan tâm tớ của cậu làm tớ bị nhầm tưởng.

Chấn động lợi ích của việc đọc sách thường xuyên: Ngoại hình thăng hạng, da dẻ hồng hào, khí chất ngút ngàn!
Không chỉ giúp nâng cao kiến thức, việc đọc nhiều sách còn có thể mang lại nhiều lợi ích đặc biệt mà không phải ai cũng biết.

Những ngày chênh vênh
Những buổi chuyện trò với nhỏ bạn tuy ít nhưng luôn khiến mình suy nghĩ nhiều. Mình thấy chênh vênh ghê gớm, nhưng rồi thì lòng mình cũng chững lại, để biết rằng mình cần phải làm gì.

Lời hẹn của con
Cho con được thêm lần nữa tự hào con là con của mẹ, con của một bác sĩ tận tậm tận lòng với mọi người. Con là con của ba, một chiến sĩ bộ đội đang canh gác ngoài biên cương xa xôi.

Tình yêu của mẹ
Đến bây giờ tóc của mẹ đã điểm bạc sương pha Các vết chân chim hằn đầy đôi mắt mẹ Năm ngón tay run không còn như thời son trẻ Vai mẹ gầy con bỗng thấy xót xa

Lời yêu
Tôi vẫn thường nghe một câu nói như này tuổi 17,18 ấy cái gì cũng có chỉ không có đủ dũng khí để nói thích một người. Đúng vậy, mãi cho đến khi sắp tốt nghiệp tôi vẫn không bày tỏ lòng mình với cậu ấy. Khi đó vào bữa tiệc chia tay cuối năm tôi ngồi cách cậu ấy không xa chỉ biết lặng lẽ ngắm nhìn cậu.