Chỉ cần anh luôn nắm tay em là đủ
2013-06-04 08:23
Tác giả:
Bà ngừng nói, đưa tay cầm chén trà trên mặt bàn. Cách cầm chén trà thôi cũng đủ để thấy sự quý phái và sang trọng. Sự quý phái và sang trọng ấy, không phải là sự học đòi, gia trưởng của mấy bà nhà giàu sổi bây giờ. Mà ở đó, ẩn chứa vẻ giàu có và nề nếp gia giáo lâu đời. Tôi vẫn cúi gằm mặt, không dám ngẩng đầu lên. Bởi ngay từ khi bước vào đến cửa thôi, bắt gặp ánh mặt sắc lạnh của bà, tôi đã có cảm giác bất an, và cảm thấy dường như tất cả sự tự tin mình chuẩn bị trước đã không cánh mà bay. Trước khi đến đây, anh đã chuẩn bị tâm lý cho tôi về sự khắt khe và khó tính của mẹ. Mẹ anh, người đàn bà xuất thân trong một gia đình quyền quý, từ khi sinh ra cho đến khi trưởng thành, luôn được sống trong một khuôn phép bất định và sự gia phong trong lễ giáo. Bài học đầu tiên và cũng là căn bản khắc cốt ghi tâm của bà, đó là về chất quý tộc và những nét công – dung – ngôn - hạnh của một người phụ nữ. Rồi khi kết hôn, sự môn đăng hộ đối lại được đặt lên hàng đầu. Cứ như thế, mẹ anh, thuần khiết trong con người bà đã là một tổng thể của những điều cao sang, quyền quý, mà một kẻ bình thường và “ngoại đạo” như tôi, không gì thấu hiểu và chạm tay vào được.
- Thật ra khi lấy thằng Phong nhà bác, về đây cháu sẽ không phải động tay động chân làm những việc nặng nhọc, chỉ là sự vun vén chăm lo cho chồng con mà thôi. Nhưng nhìn cháu, bác thấy lo ngại về việc sinh nở. Đàn bà, vai trò thiêng liêng và quan trọng nhất là sinh con cho nhà chồng. Một người sức khỏe yếu như cháu, liệu có đủ sức để chịu đựng nổi. Người ta lấy vợ cho con trai, không phải để làm cảnh, không phải để bóc lột sức lao động, mà để chờ đợi những đứa cháu được sinh ra trên đời. Ngực nhỏ, hông thấp, nghe đâu cháu còn có tiền sử bệnh tim. Những điều ấy, thật khó để bác không lo lắng.
Tôi ngồi bất động, im lặng lắng nghe từng lời mẹ anh nói như rót vào tai mình. Bên cạnh, anh cũng không nói gì trong suốt cả câu chuyện, chỉ lặng lẽ nắm tay tôi thật chặt.
- Không phải bác ghét bỏ gì cháu. Vì qua lời kể của thằng Phong, bác biết cháu là một đứa con gái có học hành đầy đủ, gia đình nề nếp dù hoàn cảnh kinh tế không bằng nhà bác. Nhưng vấn đề đấy chỉ là yếu tố phụ thôi, ý bác đang nói về sự môn đăng hộ đối. Điều bác lo ngại và thấy không thể đồng ý cho hai đứa cưới nhau, là vì sức khỏe cháu không tốt. Vì thế hôm nay gặp cháu ở đây, bác cũng nói luôn để cháu đỡ phải suy nghĩ nhiều. Cháu và thằng Phong nhà bác chia tay đi.
Tôi giật mình, định rút tay khỏi tay anh như một phản xạ tự nhiên. Nhưng anh nắm chặt, và ghì lại. Lúc này đây, tôi mới đủ can đảm để ngẩng đầu lên nhìn người đàn bà đang ngồi trước mặt mình. Những đường nét cơ thể hài hòa, bộ trang phục đắt tiền và dáng ngồi thư thái. Mọi thứ, dường như quá hoàn hảo, hoàn hảo đến mức không thể tìm ra một tì vết nào. Và điều đó, dường như phù hợp với tất cả những gì bà vừa nói ra. Tôi không biết nói gì nữa, dù rằng trước khi đến đây, đã được anh chuẩn bị tâm lý và tôi đã vẽ ra trong đầu mình rất nhiều điều để nói với mẹ anh khi rơi vào tình huống như thế này. Nhưng trớ trêu thay, mẹ anh, bà là người xuất thân trong một gia đình gia phong, nên cách nói của bà, nhẹ nhàng, tinh tế mà uyên thâm quá. Bà khiến tôi có cảm giác những gì vừa nói ra hoàn toàn đúng, và nghiễm nhiên, trở thành một mệnh lệnh mà thiếu chút nữa tôi đã phục tùng theo, nếu không có cái nắm tay đầy cương quyết của anh.
- Con xin phép đưa Ngân về luôn, chiều Ngân còn phải đi làm mẹ ạ. – Anh đứng dậy, tay trái vẫn nắm chặt tay tôi, kéo đi.
- Dạ cháu xin phép về ạ. – Tôi luống cuống vơ vội áo khoác và túi xách, nói như một cái máy, rồi lập cập đi theo anh ra cửa. Thế mà lúc trước ở nhà, tôi đã vẽ ra cho mình một viễn cảnh tươi sáng của lời chào tạm biệt khi về. Mẹ anh sẽ tiễn chúng tôi ra tận cửa, tôi sẽ cúi đầu thật thấp để chào và nói bằng chất giọng đoan trang nhất của mình, rằng bác hãy vào nhà nghỉ đi ạ, khi khác cháu sẽ qua nhà thăm bác, giờ cháu xin phép về để chiều đi làm kẻo muộn ạ.
Từ trước đến giờ tôi vẫn biết anh là một đứa con trai nghe lời bố mẹ răm rắp. Nhưng lần này, dường như tôi nhận thấy ở anh dấu hiệu của sự phản kháng. Bằng chứng đầu tiên là việc anh vẫn qua lại với tôi mà không chịu chia tay như lời mẹ anh nói. Anh cũng tránh nhắc đến buổi ra mắt hôm trước của tôi, và vẫn dành cho tôi sự quan tâm lo lắng như trước kia, thậm chí có lúc, tôi còn có cảm giác là anh chiều chuộng tôi nhiều hơn trước.
Về phía bản thân mình, nếu nói không lo lắng và không buồn thì đó là lời nói dối trắng trợn. Sau khi ở nhà anh về, bước ra khỏi cánh cổng sắt to đùng với màu sơn xanh thẫm, tôi đã rất muốn khóc và lo sợ anh sẽ nghe lời mẹ mà rời bỏ tôi. Nỗi buồn và sự lo lắng ấy còn được tăng lên gấp bội, biến thành sự bất an khi suốt một tuần liền, liên tiếp đêm nào tôi cũng nằm mơ thấy mẹ anh đến tìm gặp tôi, và kéo anh ra khỏi tôi, mãi mãi. Thế cho nên, như một đứa trẻ con sợ bị giật mất món đồ chơi mà nó yêu thích, tôi giữ anh khư khư, vì bất cứ khi nào rời anh, dù chỉ một lúc ngắn ngủi thôi, tôi cũng có thể nghĩ rằng anh sẽ không bao giờ quay trở lại căn phòng trọ mười sáu mét vuông, bề bộn và lộn xộn của tôi. Còn anh, trước sự thay đổi đột ngột và có phần bị chấn động tâm lí của tôi, anh càng quan tâm và dịu dàng hơn trước. Ngoài thời gian đi làm, anh đều ở bên tôi, ngay cả khi tôi ngủ, anh cũng nằm ôm tôi và kê tay cho tôi gối đầu. Bấy nhiêu thứ, những điều mà trước kia tôi thấy là đủ, và đôi lúc hơi thừa, thì nay, tôi luôn thấy thiếu, và thấy mình cần nhiều hơn trước, nhiều hơn nữa hơn nữa hơn nữa.
Mẹ anh, sau lần đấy bà không có bất kì sự liên hệ hay tìm đến tôi, hoặc yêu cầu tôi đến gặp bà, những điều mà tôi nghĩ rằng bà có quyền để làm thế và hơn thế. Không cần hỏi anh, tôi cũng biết rằng bà vẫn biết rõ về mối quan hệ của chúng tôi, về sự qua lại thường xuyên thậm chí nhiều hơn trước của anh đối với tôi. Đó không hề là sự vui mừng, mà thậm chí là nỗi lo lắng luôn hiển hiện trong tôi. Tôi sợ nếu phải gặp lại bà một lần nữa, sợ phải đối diện với những cử chỉ, lời nói rất mực đoan trang và có tính thuyết phục của bà. Sự sơ hãi mơ hồ ấy cứ lớn dần lên trong suy nghĩ của tôi, mặc dù trong thời gian khá dài sau đó, tôi không thấy bà có động tĩnh gì nhằm chia rẽ chúng tôi như lời bà yêu cầu. Những khi nằm một mình trong phòng, vắng anh, tôi luôn tự hỏi có lẽ nào sự im lặng đáng sợ ấy không phải là điềm lành, cũng không phải là một sự bình thường như những gì nó đang diễn ra trước mắt tôi, mà đúng hơn, là giống như một cơn sóng thần, mặt biển luôn hiền hòa hết mực trước khi nước dâng nhanh và dữ dội, cuốn phăng đi tất cả. Có lẽ nào giờ phút anh rời xa tôi mãi mãi, sắp đến gần, và được giấu dưới lớp vỏ bọc bình yên?
Thời gian trôi nhanh hơn tôi tưởng và cảm nhận, mới đó mà đã Tháng Chạp âm lịch, chẳng còn mấy thời gian nữa là đến Tết. Trời đã bắt đầu vào cuối đông, mưa đã ít dần đi, nhưng vẫn lạnh. Khắp phố phường, đâu đâu cũng chìm trong màu xám ảm đạm của mùa, và bị bao phủ hoàn toàn bởi kiểu thời tiết lạnh khô. Những ngày này đi ra phố, cứ thấy gió lùa sâu vào trong cơ thể, và thấy cái lạnh nhưng nhức ở sống lưng. Ở trong nhà, dù có bịt bọc thế nào, các ô gió đã được dán kín lại, nhưng vẫn thấy cái lạnh có trong từng ngóc ngách. Đêm nằm ngủ, cuốn hai cái chăn bông to sụ, túi sưởi để dưới chân, mà vẫn tưởng rằng mình đang chìm trong bể nước đá. Nước đá ngấm dần qua từng lớp tế bào, và đang toát dần ra bên ngoài. Những lúc ấy, nghe tiếng mưa rơi lộp bộp trên mái tôn, nghe tiếng gió gầm rú, gào thét trên gác mái, tiếng những ngọn cây va đập vào nhau tạo ra thứ âm thanh kinh hoàng, tôi lại thấy nhớ anh quay quắt, dù rằng cách đấy mấy giờ đồng hồ thôi, tôi đã ở bên cạnh anh, làm tình với anh, ôm hôn anh say đắm. Bàn chân rúc trong chăn ấm, rồi được đội thêm lên một cái túi sưởi sáu bảy mươi độ, nhưng chạm vào vẫn có cảm giác đang đóng băng. Khi ấy, thèm được có anh ở bên, ủ ấm đôi chân trần lạnh giá của mình trong cơ thể anh nóng rực.
Rồi cuộc gặp gỡ không mong muốn và đầy lo sợ của tôi cũng đến. Tôi nhận được điện thoại của mẹ anh, hẹn gặp tôi ở một quán hoa trà gần công ty tôi. Từ lúc nhận được điện thoại của bà, tôi như người mất hồn. Ngồi thừ ra một lúc mà quên cả tắt máy, rồi lại luýnh quýnh bật máy gọi cho anh, nghe giọng anh an ủi thì yên tâm phần nào. Nhưng khi kết thúc cuộc nói chuyện với anh, quay lại nhìn bộ trang phục lộn xộn trên người mình, rồi liên tưởng đến không gian, địa điểm và người mình sẽ gặp trong ít phút nữa, tôi lại hoảng hốt như chưa từng nghe lời động viên của anh khi nãy.
Nhủ thầm là phải đến sớm để có thời gian chỉnh đốn lại trang phục và chuẩn bị tâm lý trước khi bước vào cuộc đối thoại chưa đựng nhiều điềm gỡ với mẹ anh. Nhưng chính vì lo lắng quá nhiều nên tôi đã đến muộn mười phút so với thời gian cuộc hẹn. Khi tôi xuất hiện, đã thấy mẹ anh ngồi đấy, đang nhấm nháp tách trà nóng trong tay. Thấy tôi đến và cất tiếng chào, bà chỉ gật đầu đáp lại và ra hiệu cho tôi ngồi xuống, rồi nhẹ nhàng hỏi tôi muốn uống thứ gì. Là một đứa con gái yếu đuối, lại quá mất bình tĩnh trước mẹ anh, nên tôi cứ luống ca luống cuồng và nói đứt quẵng từng câu một. Mẹ anh, sau một vài phút quan sát tôi, vẫn bằng chất giọng ôn tồn mà đầy ma lực, nhìn thẳng vào người đối diện – là tôi, ân cần hỏi:
- Trời lạnh như này sao cháu ăn mặc phong phanh thế? Bác mới nghe thằng Phong nói cháu vừa ốm dậy phải không?
Mượn tạm cái cớ đón tách trà từ tay người phục vụ, tôi tránh được mấy giây không nhìn vào mắt bà, trong đầu sắp xếp sơ bộ những ý chính mình định nói, rồi dè dặt trả lời bà:
- Cháu ốm qua loa thôi ạ. Công ty cháu gần đấy, nên cháu đi bộ đến, cũng không lạnh lắm bác ạ.
- Ừ. Thanh niên bây giờ khỏe hơn người già mà. Nhưng cũng đừng chủ quan với sức khỏe của mình. Không gì khổ bằng bệnh tật đâu cháu ạ.
- Dạ vâng. Cháu cảm ơn bác đã hỏi thăm ạ.
Một khoảng im lặng kéo dài. Tôi nghe rõ tiếng tim mình đang đập rất nhanh và hỗn loạn. Nhưng bà không nói gì thêm, đôi mắt nhìn xa xăm, diệu vợi. Lúc này đây, tôi thấy bà giống những quý phi, hoàng hậu của thời xưa, mang một vẻ đẹp đài các, sang trọng, quyền quý và phảng phất nét buồn. Tôi chỉ dám len lén thở, còn phần lớn là đang chờ đợi những gì sắp diễn ra. Chắc hẳn sẽ là những lời cảnh báo tôi hãy rời xa Phong, hãy kết thúc mối tình mà đã có một bên gia đình phản đối, không dữ dội nhưng rất quyết liệt.
Nhưng trái với những gì tôi dự đoán, bà không đề cập gì đến chuyện đấy trong suốt buổi nói chuyện, mà chỉ hỏi han về công việc và cuộc sống của tôi, về mối quan hệ giữa tôi và anh. Đứng trước bà, tôi không giấu nổi sự run rẩy, điều đó rõ ràng đang thể hiện ngay trong đôi mắt và lời nói của tôi, nhưng bằng chút sức lực ít ỏi của mình, tôi vẫn cố gắng trả lời từ tốn và đầy đủ nhất, hi vọng bà vừa lòng.
Sang đến tách trà thứ hai, thì bà liếc nhìn đồng hồ, và ra hiệu kết thúc buổi nói chuyện. Tôi khẽ thở phào nhẹ nhõm, và quàng lại chiếc khăn trên cổ để chuẩn bị ra về. Bất giác, bà đặt lên mặt bàn một túi nhỏ, bảo tôi là mật gấu, cầm về dùng đề phòng khi trở trời đau khớp. Đón lấy chiếc túi từ tay bà, tôi lí nhí cảm ơn và thầm đặt câu hỏi cho chính mình, món quà này có ý nghĩa như thế nào đây. Sự mua chuộc? Hay sự quan tâm thật lòng? Hay đây là cách những người ở thế giới quý tộc như bà vẫn thường dùng thay cho lời đe nẹt.
Cơn gió cuối năm thốc thẳng vào những người đi trên phố. Chiếc áo khoác của tôi dường như quá nhỏ bé so với mùa đông năm nay. Bất giác, quay người sang bên trái, tôi vô tình bắt gặp hình ảnh người tài xế riêng lúi húi mở cửa xe, bà từ tốn bước vào, chỉ tay gì đó về phía tôi, và chiếc xe từ từ lăn bánh. Không hiểu sao, tôi có linh cảm về mối quan hệ của tôi và anh, sẽ vượt qua được sự ngăn cản nghiệt ngã của bà.
Tôi không nhớ là mình quên uống thuốc khi nào. Chỉ đến khi thấy người có những biểu hiện khó chịu và tắt kinh hơn một tháng tôi mới tá hỏa và đi mua que thử về kiểm tra. Kết quả hai vạch cho thấy tôi đã có thai.
Hoảng hốt và lo sợ, tôi gọi điện cho anh và khóc nức nở trong điện thoại, nói không thành câu. Thấy tôi khóc, lại hỏi gì cũng không trả lời, anh vội vã tắt máy, dặn tôi ngồi đợi anh về luôn.
Vừa nhìn thấy anh bước vào, chưa kịp gỡ mũ bảo hiểm ra khỏi đầu, tôi đã ôm chầm lấy anh, giọng khản đặc vì ho và khóc, mếu máo:
- Anh ơi, em có thai rồi. Hu hu.
Tôi cứ tưởng anh sẽ giật mình, hoặc giận dữ, hoặc những biểu hiện gì đó chứng tỏ việc này ngoài sức tưởng tượng của anh. Nhưng trái lại, anh bật cười, rồi hôn nhẹ nhàng lên đôi môi nẻ nứt nẻ toác của tôi, giọng dịu dàng:
- Thế mà anh cứ tưởng em bị đau ở đâu nữa.
- Chuyện này còn nghiêm trọng hơn việc em bị đau mà. Làm thế nào bây giờ hả anh? Em sợ lắm.
- Ơ hay, thì chúng mình làm đám cưới, rồi em sinh em bé ấy, ngốc ạ. – Anh vừa nói vừa vòng tay ôm tôi, và hôn lên trán, lên mắt tôi. Cảm giác dịu yên nhanh chóng ùa đến xoa dịu những lo lắng trong tôi. Nhưng cảm giác ấy chẳng tồn tại được lâu, hay nói đúng hơn nó chỉ là vẻ giả tạo bên ngoài, còn thực sự bên trong lại là những ồn ào giằng xé khi tôi nghĩ đến gia đình anh, đến sự phản đối của mẹ anh đối với mình. Lách người khỏi vòng tay ấm áp của anh, tôi ngồi phịch xuống giường, chẳng rõ là giọng mình đang tủi thân hay trách cứ:
- Nhưng gia đình anh không chấp nhận em, mẹ không đồng ý em. Làm sao mà chúng ta cưới nhau được.
- Mẹ là chuyện của mẹ chứ. Anh lấy em, anh là bố của con anh. Em không phải lo quá đâu, anh sẽ giải quyết ổn thỏa mà.
- Hay là… hay là… em đi bỏ nhé. Chắc cái thai chưa lâu. – Tôi ngập ngừng, ngước nhìn anh.
- Không được. Anh không đồng ý để em bỏ con chúng mình đâu. Con chúng mình, em hiểu không? - Giọng anh giận dữ, tôi vội vàng co mình lại, chui tọt lên giường, đôi mắt nhìn anh đầy vẻ biết lỗi, và cái đầu gật gật liên tục, những hành động biểu hiện của sự nghe lời anh vô điều kiện.
Lần gặp gỡ này khá đông người. Gia đình anh, không phải chỉ có mẹ mà còn có cả bố anh cùng các dì, các cô. Tôi không hiểu sao lại cần phải có nhiều người như thế để giải quyết một câu chuyện cỏn con như thế này. Vì dù sao tôi cũng đã chuẩn bị sẵn tâm lý là nếu gia đình anh yêu cầu phá bỏ cái thai, tôi sẽ làm theo lời họ ngay mà không phản kháng gì, dù rằng, tôi biết mình sẽ xót xa, sẽ dằn vặt và đau đớn rất nhiều, rất lâu sau nữa. Nhưng lúc này đối với tôi, chỉ cần giữ lại được anh bên cạnh mình là đủ.
Thắc mắc là thế, nhưng tôi không dám kéo tay anh lại để hỏi. Lúc này đây, tôi nhận thấy rõ sự căng thẳng đang tồn tại trong con người anh. Đôi mắt hơi nheo lại, và tim đập nhanh hơn. Chắc hẳn anh đã hình dung ra những khó khăn mà chúng tôi phải đối diện khi đề cập đến chuyện này. Dĩ nhiên, sự phản đối của gia đình là điều sẽ xảy ra. Chỉ là, mức độ dữ dội ra sao, cả tôi và anh đều không lường trước được. Hay nói đúng hơn là chúng tôi không dám lường trước điều gì sắp chờ đón mình.
Mẹ anh vẫn ngồi đúng chiều ghế lần đầu tiên bà ngồi khi gặp tôi. Vẫn phong thái ấy, vẫn ánh nhìn sắc lẹm ấy. Mọi thứ về bà, dường như đã trở thành khuân mẫu, không tì vết dù mưa nắng đi qua, và cũng không thay đổi dù thời gian phai nhạt theo năm tháng. Ngồi bên tay phải của bà, trong chiếc ghế sofa đơn còn lại, là bố anh. Ở ông, thoạt tiên trong lần tiếp xúc đầu tiên, dễ gây cho con người ta cảm giác dễ chịu bởi sự hiền lành và đầy vẻ kính trọng, nhất là trong đôi mắt. Ở chiếc sofa dài, là hai người đàn bà, đẹp và sang trọng, mà tôi đoán là một người cô và một người dì của anh – theo như những gì anh nói trước với tôi. Ngầm quan sát cả hai người phụ nữ lạ lẫm (điều mà đến lần thứ hai gặp mẹ anh, tôi đã bắt đầu đủ can đảm để làm), cố gắng tìm tòi những đường nét giống nhau tuyệt đối hoặc na ná giống nhau với mẹ anh để đoán xem ai là bà cô, ai là bà dì, nhưng tuyệt nhiên không thể. Cả ba người phụ nữ, ngoài vẻ thanh lịch, đài các ra thì không còn bất cứ điểm gì chung, dù rằng họ đều rất đẹp và quý phái, một vẻ đẹp mà qua thời gian không phải người đàn bà nào cũng còn giữ lại được.
Tôi và anh vừa ngồi xuống ghế, chưa kịp làm quen với cảm giác chạm vào sofa, người đàn bà ngồi gần chúng tôi nhất, đã cất tiếng hỏi. Giọng bà trầm ấm và có chút vội vàng, chứ không hề lạnh lùng và ôn tồn như giọng của mẹ anh :
- Cháu là Ngân phải không ? Ngoài đời cháu không khác những tấm ảnh trong phòng thằng Phong là mấy.
Tôi không hiểu là bà đang khen hay chê, nên chỉ dám cúi đầu vâng dạ. Rồi bỗng nhiên tôi thấy bà cười, một nụ cười chứa đầy vẻ dữ dội và giận dữ. Nó giống như tiếng những cơn gió mùa đông bắc vẫn thường rít qua gác mái của căn phòng trọ nơi tôi thường ở. Nếu là người lạ, nghe lần đầu, thấy sao mà bất an.
- Nhìn ảnh thấy hiền lành, mà sao tính cách không hiền lành chút nào vậy. Đã biết gia đình này phải đối, sao còn cố tình để xảy ra chuyện có thai ? Là sao hả ?
Những tiếng cuối cùng như lưỡi dao đâm thẳng vào tôi, nhức buốt. Tôi không biết trả lời sao, chỉ dám cúi gằm mặt, cố gắng giấu những giọt nước mắt đang chảy ra. Nếu là ở nhà, khi tôi gây chuyện, khi bị bố mắng, tôi sẽ khóc òa lên ngay. Hoặc giả dụ chỉ có mình anh thôi, thì ắt hẳn khi ở vào tình huống này, tôi đã khóc nức nở cho thỏa sự nghẹn ngào đang bị kìm hãm nơi ngực trái, một sự kìm hãm khó chịu vô cùng.
- Cô không biết cháu yêu thằng Phong như thế nào, sẵn sàng chết vì nó ra sao, và thằng Phong nhà này có hứa hẹn những gì với cháu, thì điều đó cũng không thể mang ra làm lá chắn cho việc cháu có thai. Một đứa con gái chưa được sự đồng ý của hai gia đình, đã ngủ với một thằng đàn ông, và để xảy ra chuyện như thế, có chấp nhận được không ? Cô nghe nói gia đình cháu nề nếp lắm cơ mà, vậy nên hiểu như thế nào đây ? Cháu không nghe lời bố mẹ, hay bố mẹ cháu dạy dỗ con không đến nơi đến chốn ?
Chao ôi ! Những lời lẽ ấy như đang đâm thẳng vào tim tôi, nhức buốt. Nếu họ cứ xúc phạm tôi, dè bỉu, chê bai tôi thì thế nào tôi cũng cam chịu. Đằng này, họ lại lôi bố mẹ tôi ra để mà chê trách, liệu như thế có quá đáng quá hay không ? Hành động của tôi, đúng là không phải với luân thường đạo lý, nhưng có đến mức đến mang cả gia đình tôi ra mà đay nghiến thế hay không. Tôi ngẩng mặt lên, cố nén lại sự tức giận đang sục sôi trong con người mình, giữ giọng ôn hòa và lễ phép nhất có thể :
- Thưa hai bác và các cô, đúng là…
- Ai cho cháu xen ngang khi người lớn đang nói, hả ?
- Cháu đừng nghĩ rằng việc cháu có thai với thằng Phong là sẽ khiến cả gia đình này chấp nhận cháu. Điều đó là không bao giờ xảy ra. Ngay từ đầu cả nhà cô đã phản đối, bác gái đã cho cháu thời gian để cháu và thằng Phong chấm dứt mối quan hệ, nhưng hai đứa vẫn tiếp tục duy trì. Như thế, cô đã thấy cháu là một người không coi trọng gia đình cô, và không biết nghe lời.
Người phụ nữ thứ hai nãy giờ ngồi im, giờ đã lên tiếng. Giọng bà không gay gắt, nhưng cũng chẳng dễ chịu gì. Tôi có cảm tưởng cách nói chuyện của tất cả những người đàn bà trong gia đình anh đều giống nhau ở sự áp đặt và đổ lỗi hoàn toàn cho người khác, mà không hề nghĩ xem lí do vì sao.
- Hơn nữa, cô đoán là đây không phải lần đầu cháu ngủ với thằng Phong. Vì thế, đừng nói rằng cái thai kia là của cháu cô. Ngủ được với người đàn ông này thì cũng lên giường được với người đàn ông khác. Cô nói có phải không ?
Đến nước này, khi lòng tự trọng bị xúc phạm quá lớn, tôi nghĩ mình không thể cam chịu và im lặng được nữa. Dù tôi có mất anh thì tôi cũng phải nói, để bảo vệ danh dự cho mình và cho gia đình mình.
- Mọi người thôi đi. Không thấy như thế là đang xúc phạm Ngân à ?
Tôi chưa kịp nói gì thì Phong đã đứng bật dậy, giọng giận dữ. Qua hành động của anh, tôi biết là anh rất tức giận, điều đó được biểu hiện ngay ra bên ngoài, trên gương mặt anh.
- Con ngồi xuống và im lặng cho mẹ. - Mẹ anh nhìn xoáy sâu vào tôi, và cất tiếng ra lệnh cho anh.
- Cái gì cũng có giới hạn của nó. Sức chịu đựng của con và Ngân cũng thế. Cả nhà mình quá đáng vừa thôi. – Anh vẫn chưa chịu dừng lại, tiếp tục đối đầu với cả gia đình. Tôi không biết mình nên vui hay nên buồn, khi người đàn ông mình yêu thương đang chống lại cả gia đình để bảo vệ mình.
Trong khi anh vẫn đang định nói gì đó tiếp theo, thì mẹ anh, rất nhanh, cầm tách trà trong tay mình, hất mạnh vào mặt anh, và gằn từng tiếng một :
- Ngồi xuống và im lặng, Phong !
Anh không nói gì, đưa tay vuốt những giọt nước đang chảy trên mặt mình, và cười ha hả như một kẻ say. Rồi kéo mạnh tay tôi đứng bật dậy, anh nhìn thẳng vào bố mẹ, nói như gào lên :
- Con hai mươi tám tuổi rồi, không phải là đứa trẻ nhu nhược chỉ biết nghe lời mẹ và các cô, các dì. Con có hạnh phúc, và sẽ tự bảo vệ hạnh phúc của mình. Mọi người đừng tìm cách ngăn cản, con sẽ không từ bỏ đâu.
- Mình đi thôi em.
Anh kéo tay tôi, lôi ra cửa, và đi nhanh qua dãy hành lang rộng và sâu hun hút. Tôi không nói gì, lũn cũn đi theo anh, bước chân cũng vội vã. Phía sau, rơi rớt lại trong không khí, là những tiếng gọi " Phong ! Phong" , " Con dám cư xử như vậy sao "… của mẹ và các cô, các dì anh, xen lẫn trong tiếng thét như ra lệnh của bố anh « để cho nó đi, mặc kệ nó ».
Ngoài phố, vắng hoe hoắt. Lác đác những chiếc xe chạy vội vã trên đường. Có lẽ do thời tiết hôm nay quá lạnh, nghe đâu đài báo dưới mười độ thì phải.
Một vài chiếc lá tội nghiệp lay lắt bay nghiêng trong gió lạnh trước khi rơi xuống vỉa hè, dưới chân chúng tôi. Anh vòng tay ôm, rồi hôn nhẹ lên trán tôi, trước khi nắm tay tôi thật chặt, dắt qua đường. Nghe đâu đó giọng anh thủ thỉ về những vất vả của tháng ngày phía trước mà chúng tôi sẽ phải trải qua. Tôi cũng thấy giọng mình nhẹ bẫng, trôi tuột trên môi và tan vào gió lạnh " chỉ cần anh luôn nắm tay em là đủ". Cuối năm, mùa đông với những ngày lạnh giá, nhưng tôi thấy trái tim mình bình yên và ấm áp vô cùng.
- Gửi từ Nguyen Minh Hien
minhhien0601@
Để những câu chuyện và tâm sự, phản hồi của bạn đến với các thính giả của Blog Radio cũng như các chuyên mục đặc sắc khác của Blog Việt và Nhạc Việt Plus bạn đừng quên duy nhất địa chỉ email blogviet@dalink.vn và trên website blogviet.com.vn - nhacvietplus.com.vn.
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Mây đợi ai nơi ấy
Không còn một Pha Lê áo thun trắng quần jin xanh đóng thùng hăm hở với bao nhiêu công việc xã hội, bây giờ chỉ còn một cô giáo Pha Lê dịu dàng nữ tính trong tà áo dài mỗi ngày đến lớp đến trường.
Giá như...
Hành trình của mỗi người là khác nhau, đoạn đường người ghi dấu vì thế cũng muôn vàng khác biệt. Nhành diên vĩ um tùm nhưng lại dễ gãy đổ trong gió, những cảm xúc cả buổi ban đầu có chắc gì nguyên vẹn đến mai sau.
Hồi ức chuyến tàu cuối về Sài Gòn – 1985
Tối hôm đó, Ngọc Lan trở về nhà với bao suy nghĩ. Câu hát “I don't know why, you said goodbye…” cứ vang mãi trong đầu cô. Cô cười thầm, tự hỏi liệu có phải mình đã rung động trước chàng trai tốt bụng ấy không.
Crush
Bất cứ khi nào mà thấy chúng tôi đi cùng nhau là y như rằng đám bạn đó hú hét dữ dội. Nhưng chúng tôi không quan tâm, vẫn làm bạn với nhau như bình thường, nói chuyện và đi học chung. Tôi vẫn thế, chôn cất cái tình yêu ấy vào trong lòng, chờ đến khi chúng tôi 18 tuổi thì chúng tôi sẽ yêu nhau.
Người thầm lặng 20/10
Mỗi bước đường tôi đi đều in dấu sự dạy bảo, lo lắng và yêu thương vô điều kiện của mẹ. Sự hi sinh âm thầm của mẹ khiến tôi thấu hiểu rằng, dù có bao nhiêu thử thách trong cuộc sống, tôi vẫn luôn có một người để dựa vào.
Yêu anh, yêu đến điên rồ để rồi nhận lại là điều gì?
Nhiều lúc tôi khuyên bạn của mình về chuyện yêu đương. Chẳng hạn như người ta lạnh nhạt là người ta hết yêu bạn, đừng cố chấp theo đuổi làm gì. Thế mà bản thân tôi lại trong hoàn cảnh ấy.
Lá thư tình không gửi
Mỗi khi mở ngăn kéo, nhìn thấy chồng thư cũ kỹ, anh lại nhớ về những ngày tháng sinh viên đầy kỷ niệm. Có những lúc anh tự trách mình vì đã không đủ can đảm để nói ra cảm xúc thật của mình với Linh.
Tình yêu: Một bản giao hưởng của tâm hồn
Khi ta yêu, ta học cách chấp nhận không chỉ những điều tốt đẹp mà cả những điều chưa hoàn hảo ở đối phương. Tình yêu không yêu cầu chúng ta phải hoàn hảo; nó chỉ cần ta chân thành. Sự chân thành chính là nốt nhạc chính, là nhịp đập của bản giao hưởng ấy.
Theo bạn, như thế nào là ổn định?
Cuộc sống đôi lúc yêu cầu chúng ta ổn định, không chỉ vì bản thân, mà còn vì trách nhiệm và những người ta yêu thương. Đôi khi, ổn định giống như một bến đỗ, nơi ta tạm nghỉ ngơi sau những sóng gió.
Mùa đông – 2017
Sunny là niềm an ủi duy nhất trong cuộc sống đầy khó khăn của cô. Mỗi tối, cô cùng con trai chơi đùa, kể chuyện, rồi khi Sunny ngủ say, cô lại ngồi một mình bên cửa sổ, nhìn ra ngoài trời tuyết rơi và nhớ về quá khứ.