Phát thanh xúc cảm của bạn !

Bông gáo vàng (Phần 1/2)

2022-08-27 01:10

Tác giả: Quang Nguyễn


blogradio.vn - Giờ chẳng còn nữa, mọi thứ của ngày xưa đã thay thế bằng những cây cột điện, con đường cũng đổ nhựa láng êm, đâu còn những trận mưa quê hương mà tuổi thơ của hai đứa cùng đi tắm nằm lăn lóc trong đầy ắp tiếng cười. Ngày ấy đã qua rồi, nó qua như chẳng có một lời từ biệt.

***

Ngồi trên chuyến bay hơn 20 giờ đồng hồ từ Mỹ để trở về Việt Nam. Cả đêm ấy Dương không sao chợp mắt được chỉ mong thời gian trôi qua thật nhanh, mắt cứ nhìn đồng hồ rồi thở dài thở ngắn trên gương mặt nôn nao bồi hồi của một kẻ tha phương vời vợi suốt 40 năm chưa một lần trở lại nơi cánh võng đầu đời. Cái nỗi xa ấy nó tạc lên mái đầu trổ ra màu muối tiêu dày đặc phong sương sắp sửa bước vào tuổi xế chiều.

Xa quê hương khi Dương còn là một chàng trai 17 tuổi. Đó cũng là độ tuổi mới bước vào đời mang theo một mùi hương trinh nguyên với những niềm hoa mộng thơm ngát cả một trời thanh tân. Ngày tạm biệt quê hương để gia đình sang phương trời tây mà an cư lạc nghiệp. Dương buồn lắm! Cứ ra trước ngõ mắt hướng về phía cánh đồng nơi ráng chiều đã trải xuống bao la, lòng dạ bịn rịn mà trông ngóng mỏi mòn. Dương chờ Thắm đi cấy lúa về ngang chỉ để nói lời từ biệt. Chờ mãi… chờ mãi! Cái chiều chạng vạng đã giăng xuống kín xóm nhỏ, mà dáng của Thắm ở đâu vẫn chưa thấy trở về.

Dương được những người đi cấy lúa về ngang báo tin rằng “Thắm hôm nay bị bệnh nên không thể ra đồng”. Dương đang buồn trong bụng nghe xong càng buồn thêm. Thắm bệnh mà Dương không thể nào đi thăm hỏi được. Giá mà không có sự thù oán của hai gia đình từ thế hệ trước thì có lẽ ngay bây giờ Dương đã đến nhà Thắm thăm hỏi và nói lời biệt để ngày mai lên đường. Cũng do chiến tranh mà ra, giá như không có chiến tranh thì sẽ không có những cái chết tàn khốc đau thương lại xảy ra trên mảnh đất quê nghèo. Nếu ai cũng bỏ thù hằn mà chọn cách hòa giải êm xuôi thì chắc chắn con cháu không bị ảnh hưởng bởi tương lai sau này. Phải nhắc đến thế hệ trước! Thời ấy chiến tranh loạn lạc của hai chế độ đang diễn ra dữ dội, ông nội của Dương đã bắn chết ông ngoại của Thắm, bởi người theo chế độ này, người theo chế độ kia. Ấy vậy mà đất nước đã độc lập thống nhất, nhưng nỗi đau lẫn sự mất mát còn để lại chưa nguôi ngoai bao giờ.

Từ đó gia đình của Thắm thù ghét gia đình anh lắm, mặc dù hai người lính đã mất trước giải phóng mà cả hai đều là nạn nhân của cuộc chiến tranh này. Việc Dương và Thắm lén lút yêu nhau mà chẳng dám cho ai biết cũng chính vì lý do liên quan đến vấn đề của thế hệ trước. Dương nhớ có một lần hẹn hò với Thắm ngoài Gò Gáo bị người khác bắt gặp rồi về mách lại, thế là Thắm bị một trận đòn nhừ tử, tay chân bầm tím nhìn thấy mà đứt từng đoạn ruột. Từ đó họ đi qua nhau chỉ dám len lén liếc nhìn rồi vội vàng đi nhanh! Họ thương thầm nhớ trộm cứ thế đến cho hết tháng hết ngày. Mãi thời gian sau này gia đình của Dương sang Mỹ theo diện HO, và định cư tại tiểu bang California cho đến hôm nay Dương trở về Việt Nam.

Bốn mươi năm xa lắc xa lơ có ngờ đâu hôm nay được trở lại. Mọi sự ấp ủ mấy chục năm, nay đã thành hiện thực! Nó hoàn toàn không phải giấc mơ mà nó hiện thực, một sự thật mà luôn mong chờ với nỗi khát khao được trở về miền quê xưa sống hết nửa quãng đời còn lại! Nay có thật, nó hiện trong cái nôn nao niềm vui sướng dâng trào. Đó cũng là tâm nguyện của cha mẹ anh trước khi còn sống muốn tro cốt được chôn cất ở nơi mình chào đời. Quê hương ơi, sao mà thiêng liêng quá! Dù ai có đi ngược về xuôi, quê cha đất tổ là gốc gác thiên thu máu mủ của con người tìm về. Đến sân bay khi trời còn khá sớm, thay vì ở lại Sài Gòn để nghỉ ngơi sau một hành trình kéo dài đầy mệt mỏi như bao người về nước khác! Nhưng không, Dương quyết định đón xe khách để trở về luôn quê nhà. Chuyến xe chỉ có vài hành khách, vì ở tận miệt thứ và là điểm dừng cuối cùng nên chuyến xe chỉ còn lại Dương và người tài xế khoảng độ tuổi năm mươi. Anh tiến lại gần ngồi cạnh tài xế để trò chuyện cho đoạn đường bớt dài.

“Phải công nhận quê hương bây giờ đổi mới phát triển quá anh nhỉ. Tôi trở lại nhưng chẳng nhận ra đâu là ở đâu. Cứ như mình đang đến một nơi nào xa lạ”.

Người tài xế nghe xong gật đầu cười, và hiểu ra rằng Dương xa nơi này đã lâu và nay mới có dịp trở về.

“Hình như anh không phải là người xứ này đúng không? Anh đi thăm bà con họ hàng hay sao?

“Đây là quê hương của tôi. Tôi sinh ra trên mảnh đất này nhưng đi lâu quá, hôm nay mới dịp được trở về ôm quê hương mà ngủ với giấc mơ yên bình”.

“Vậy thì anh đã xa quê bao nhiêu lâu rồi”?

“Tôi ra đi từ lúc 17 tuổi mà nay đã 58 tuổi rồi. Tính tới tính lui thì cũng đã ngót 41 năm trời”

“Ôi vậy thì đi lâu quá. Thế lần này anh trở lại quê hương là sống luôn hay về thăm chơi rồi lại tiếp tục ra đi”?

“Tôi về sống luôn! Tuổi này mà còn đi đâu được nữa”

“Anh nói tôi mới để ý! Tôi thấy anh còn trẻ lắm, nếu anh không nói thì tôi nghĩ chỉ hơn tầm 40 thôi. Thôi anh đi về đâu để tôi đưa đến tận nơi, khỏi phải kêu người thân ra đón cho phiền”.

“Tôi không có người thân ở đây, họ sang định cư hết ở nước ngoài. Giờ chỉ có một mình tôi về thôi”

“Ủa nói vậy anh là Việt Kiều về nước?”

“Đúng vậy”

“Ôi thảo nào nhìn cách ăn mặc tôi đoán ra ngay lúc ban đầu vừa lên xe. Người dân ở đây mà nghe tin Việt Kiều về nước là họ mừng dữ lắm. Mà anh về tới đâu để tôi đưa đến tận nơi, dù gì xe tôi cũng đi tới cuối xóm rồi mới quay đầu lại”

“Tôi về ngay xứ Gò Gáo, anh đưa tôi tới đó nhé”

Người tài xế gãi đầu trông khó hiểu, rồi quay sang trả lời.

“Ủa! Có tên này sao ta, tôi chưa nghe qua bao giờ. Cũng có thể anh đi lâu quá nên nó đã đổi thành tên khác. Cũng có thể tôi là người trong thị trấn nên chưa biết hết những cái thôn xóm nằm hẻo lánh hun hút phía cánh đồng”

“Vậy anh có biết xóm Gò Dưa không?”

“Xóm Gò Dưa là tên của ngày xưa, bây giờ nó thuộc xã Minh Thuận. Vậy anh đến đâu của xã Minh Thuận?”

Dương suy nghĩ một lát, vì những địa điểm của 40 năm trước nay đã thay đổi hoàn toàn. Cứ gọi tên cũ thì người tài xế sẽ không hề biết vì họ không phải là người của xóm này.

“Anh cứ đưa tôi đến chợ xã Minh Thuận nhé”

Người tài xế gật đầu rồi im thin thít tập trung vào việc lái xe. Xe đi được một đoạn người tài xế dừng lại đưa tay chỉ về phía trước.

“Đó là chợ xã Minh Thuận đấy anh”

Dương không tin vào mắt mình, vì trước đây chợ Gò Dưa có bé tí, xung quanh trũng thấp như hố ao làng, bên trái là cái trạm y tế và phía trước là con sông có cây cầu khỉ bắt qua đến cái trường tiểu học. Vậy mà bây giờ nó đổi mới hoàn toàn. Nếu không có tên chợ được khắc lên phía trên thì Dương cũng không tin đây mới thật sự cái chợ của xóm mình ngày nào. Dương chào tạm biệt người tài xế rồi lặng lẽ đứng bơ vơ cố hồi tưởng những gì còn sót lại trong ký ức của mình. Dù có thay đổi như thế nào nhưng Dương vẫn nhận ra cái hướng dưới chợ xã chính là nơi thôn xóm nơi anh đã chào đời.

Lặng lẽ đi về phía đường ấy, nơi này ngày xưa hai bên cây cối mọc um tùm, những cây gòn và me nước đứng san sát xen nhau. Mỗi độ quả me nước chín đỏ, Dương cùng Thắm ra đây hái ăn, rồi những hạt me nước đen mun ấy anh kết thành dây chuỗi đeo cổ bằng sợi chỉ may để tặng cho Thắm thuở lên năm lên sáu. Mấy mùa trái gòn già nứt nẻ, bông bay lất phất trong gió trắng phau, trắng luôn cả trong mơ giấc ngủ nơi xứ người mát rượi nỗi nhớ quê. Mỗi khi đi ngang qua con đường này nó rộ lên tiếng chim nghe vui tai nhộn nhịp.

Giờ chẳng còn nữa, mọi thứ của ngày xưa đã thay thế bằng những cây cột điện, con đường cũng đổ nhựa láng êm, đâu còn những trận mưa quê hương mà tuổi thơ của hai đứa cùng đi tắm nằm lăn lóc trong đầy ắp tiếng cười. Ngày ấy đã qua rồi, nó qua như chẳng có một lời từ biệt. Thời gian quá đỗi vô tình! Thì có khác gì Dương! Lúc anh chuẩn bị đi Mỹ cũng có kịp nói lời từ biệt hoặc được nhìn Thắm rồi hứa hẹn một ngày tái ngộ đâu.

Đi tới ngã ba Dương đứng khựng lại, vì đây chính là cái giếng của xóm làng mà mỗi chiều chiều Thắm hay ra gánh nước về dùng. Nhớ hồi đó, mỗi lần muốn được nói chuyện với Thắm, anh phải giả vờ đổ sạch hết các lu nước trong nhà xuống ao rồi vác đòn gánh lấy thùng mà chạy ra đầu xóm để lấy nước gánh về. Đó cũng là mục đích được gặp Thắm và cũng là một cuộc hẹn hò bí mật mà chỉ có hai người họ biết rõ. Chỉ có đôi thùng nước mà lâu lắc lâu lơ, hay nói đúng hơn là kéo dài thời gian để nói chuyện được lâu, cứ thế chạng vạng mới gánh về. Có một lần Thắm gánh nước đến đầu ngõ rồi trượt chân té ngã hai thùng nước đổ sạch. Dương thấy nhưng chẳng biết phải làm gì vì đó là trước nhà của Thắm, ra đỡ thì sợ gia đình cô thấy nên đành phải bóp bụng mà đau lòng đứng nhìn.

Nghĩ đến cái ngày ấy mà thấy lòng dạ thẹn đỏ cả tâm hồn. Dương khe khẽ đứng nhìn hồi lâu rồi tự cười một mình. Lần này trở về anh nhất định sẽ ghé nhà thăm cô! Chắc bây giờ Thắm đã có gia đình và cũng không chừng có thông gia rồi cũng nên. Thắm nhỏ hơn Dương một tuổi, tính ra đến nay cũng đã 57 tuổi đời còn trẻ gì nữa đâu. Bên Mỹ anh cũng từng có lập gia đình, cuộc hôn nhân ấy không được bao lâu thì vội vàng tan vỡ, từ đó Dương sống độc thân cho tới tận bây giờ. Hơn bốn mươi năm đã trải qua êm ái như giấc mộng dài, những gì của cuộc đời mà ta có được chính là những hoài niệm cứ trôi lềnh bềnh trong dòng tiềm thức ký ức của thời gian. Nó quẫy đạp trong tâm hồn, nó không cho phép cho ta được quên. Nó nhắc đi nhắc lại như một cuốn phim chậm làm nổi bật những khoảnh khắc tuyệt vời về chuyện nơi làng quê, dưới xóm nhỏ có hai đứa trẻ đang thầm thương trộm nhớ.

Nếu quê hương không là màu nắng nhuộm lên da màu rám! Không là hơi thở của hương đồng cỏ nội, đôi mắt không cay khói lam chiều! Không là bài đồng dao ê a cùng chắp nối thành một. Thành nó sẽ là con sông của tuổi nhỏ chảy tràn lên trí nhớ, với câu hát mẹ ru kẽo kẹt bên cánh võng đi vào sâu giấc ngủ quê nhẹ nhàng. Những con sóng vỗ vào tâm hồn, đó là những tiếng gọi trở về trong niềm nhớ thiết tha. Bây giờ cuộc sống đã hiện đại nó trực tiếp tác động lên quan điểm sống con người, không còn nhìn nhận những lạc hậu đầy phương hướng tiêu cực! Giờ xã hội hóa đã dẫn theo và làm thay đổi tư duy làm con người văn minh hơn. Chắc bây giờ gia đình của Thắm không còn mang mối hận thù như bốn mươi năm trước nữa, dù gì cũng chuyện cũ từ đời trước đã qua lâu lắm rồi! Nên việc dự định đến nhà Thắm để thăm hỏi sẽ không có chuyện làm khó dễ có thể sẽ xảy ra. Dương đảo mắt nhìn quanh nhằm tìm người lớn tuổi để hỏi thăm một số nhà người quen mà năm xưa anh biết. Thấy có một bà cụ đang ngồi chặt củi bên hàng rào, anh lên tiếng hỏi khẽ:

“Cô ơi cho cháu hỏi! Nhà của ông giáo Hai là ở đâu ạ?”

Nhắc đến ông giáo Hai thì người ở trong xóm này ai cũng biết, nhất là những bậc cao niên. Thầy giáo Hai là người uy tín có tiếng trong vùng, đã dạy qua bao nhiêu thế hệ học trò! Từ khi mái trường còn lợp lá dột trước dột sau mà tuổi thơ Dương đã từng ngồi học. Bà cụ môi đỏ chót miệng còn đang nhai trầu, nghe qua bà không ngạc nhiên mà vội vàng biết ngay.

“Nhà giáo Hai thì cách đây bảy cái nhà, cháu cứ đi thẳng rồi quẹo trái, căn nhà có cổng rào màu xanh phía trước có hai cây hoa giấy. Đó là của thầy giáo Thiệp con của thầy Hai đang sống ở đó, còn thầy Hai đã mất từ lâu lắm rồi”

Nghe qua tên Thiệp thì Dương nhận ra ngay vì đó cũng là người bạn thời ấu thơ thuở ngồi mái trường lá. Nhà gần nhau cũng thường quay gụ, tắm mưa, đi chăn trâu cùng với anh và có luôn cả Thắm. Thấy có người lạ hỏi thăm, một số người bu lại với những đôi mắt nghiêng về phía anh như đặt một dấu hỏi, người đàn ông này là ai?

“Dạ cháu nhớ ra cậu Thiệp ấy rồi. Thiệp có cô em gái Hà phải không cô?”

“Cháu là ai mà lại hỏi gia đình của thầy giáo Hai?”

“Dạ, cháu không phải người lạ đâu, cháu nói ra là cô biết ngay thôi mà vì cháu cũng là người xóm này. Cháu là thằng Dương con của ông Năm Dừa, nhà gần với thầy giáo Hai”

Bà cụ cố nghĩ ngợi ra điều gì đó, rồi đập tay vào đùi như nhớ ra mọi chuyện của ngày tháng xa lắc.

“Ý mèn đất ơi thằng Dương đó hả bây. Cả nhà mày đi Mỹ từ rất lâu rồi mà”.

Bà la thất thanh trong nỗi vui mừng, như nói cho bà con lối xóm cùng nghe.

“Bà Chín, bà Bảy ơi. Thằng Dương con của anh Năm Dừa nó trở về xóm rồi đây”

Có nhiều người trẻ không biết Dương là ai, nhưng những người tầm tuổi anh hoặc cao hơn thì họ rõ mồn một. Dương tiếp tục hỏi bà cụ.

“Còn cô tên gì, để xem con còn nhớ không?”

“Tao là bà Hai Thương đây”

Dương nhớ ra rồi mừng quýnh reo lên.

“Thì ra là cô Hai Thương ngày xưa đi buôn hàng xáo cùng với má con. Con nhớ ra rồi! Cô Hai khỏe không?”

“Mèn đất ơi, đi đâu mà bỏ quê đi biệt tăm biệt tích vậy con. Cô Hai khỏe! Rồi ba má mày có cùng về không?”

“Ba má cháu mất ở Mỹ, bây giờ cháu đem tro cốt của ba má về cùng. Cháu về đây để sống luôn”

“Vào nhà chơi con, một lát Hai nấu cơm rồi ở lại cùng ăn”

“Khỏi Hai ơi, con ở đây đến chết mà, có đi nữa đâu mà Hai sợ không gặp lại con. Con lo về làm lại cái nhà rồi còn mồ mả cho song thân con nữa, hôm nào đó con sẽ đến thăm Hai”

Người ta đến nheo nhóc và hỏi thăm đủ thứ chuyện, ai ai cũng muốn mời vào nhà chơi cho biết. Dương định hỏi thăm đến gia đình của Thắm nhưng nghĩ đi nghĩ lại rồi thôi. Anh tạm biệt bà con lối xóm để tìm đến nhà của Thiệp để nhờ giúp đỡ một số việc cần thiết.

© Quang Nguyễn - blogradio.vn

Mời xem thêm chương trình:

Hãy vịn vào nhau đi hết cuộc đời | Family Radio

Quang Nguyễn

Người kể chuyện

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Mười sáu - Ba sáu tuổi

Mười sáu - Ba sáu tuổi

Tôi đúng là một cô ngốc. Làm gì có đứa con trai nào dành cả thanh xuân bên cạnh tôi mà không có tình cảm. Và từ đó, chúng tôi chính thức yêu nhau.

Hành trình đi đến tự do

Hành trình đi đến tự do

“Dám bị ghét” không bênh vực cho tôi, không đứng về phía tôi, ngược lại, nó giải thích một cách hợp lý tất cả nguyên nhân khiến tôi chọn sống một cuộc đời tệ bạc như vậy.

Hãy trao yêu thương khi còn có thể

Hãy trao yêu thương khi còn có thể

Tôi nhận ra từ trước giờ tôi luôn mong người khác phải hiểu và thông cảm cho tôi mà tôi quên đi rằng tôi chưa đặt mình vào vị trí của bất cứ ai để hiểu cho họ.

3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa

3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa

Trong tương lai, 3 năm tới hứa hẹn sẽ là quãng thời gian vô cùng rực rỡ và thịnh vượng cho 5 con giáp may mắn dưới đây.

Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em

Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em

Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.

Lá thư gửi đến thiên đường

Lá thư gửi đến thiên đường

Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.

Đắng cay

Đắng cay

Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân

Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi

Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi

Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.

Đơn phương yêu một người

Đơn phương yêu một người

Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.

Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?

Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?

Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?

back to top