Phát thanh xúc cảm của bạn !

'Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa' (Đới Tư Kiệt): Sức mạnh của giáo dục và tình thương

2022-05-25 01:20

Tác giả: Thiện Trà


blogradio.vn - Sách vở hay văn học sẽ không bao giờ chết, một khi con người còn chủ động tìm kiếm, học hỏi và tích lũy tri thức như “tôi”, như Lạc, như cô bé thợ may.

***

Năm 2000, Đới Tư Kiệt cho ra mắt cuốn tiểu thuyết “Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa”, lấy bối cảnh Trung Quốc trong thời kì Cách mạng Văn hóa. Trọng tâm cuốn tiểu thuyết xoay quanh câu chuyện của hai nhân vật “tôi” và cậu bạn thân Lạc. Hai thiếu niên xuất thân từ gia đình tri thức, và bị coi là tư sản, là kẻ thù của nhân dân, và họ phải đến vùng núi Phụng Hoàng hẻo lánh để thi hành cái “án” cải tạo. Tại đây, đôi bạn làm quen với con gái ông thợ may, giữa cô bé và Lạc nảy sinh tình cảm và họ làm tình với nhau, dẫn đến việc cô gái mang thai sau này. Trong suốt khoảng thời gian đi cải tạo đầy đen tối đó, thứ ánh sáng đã soi rọi cho “tôi” và Lạc lẫn cô bé thợ may chính là những cuốn sách văn học phương Tây mà hai cậu bé lấy được từ một người bạn khác - Bốn Mắt. Câu chuyện kết thúc bằng sự việc cô bé thợ may rời nhà lên thành phố.

Chủ đề chính của tác phẩm, có thể nói gọn qua năm chữ: Sức mạnh của văn minh. Phải, trong sự tù túng ở vùng núi nghèo nàn, xơ xác này, văn minh như một thứ ánh sáng soi rọi những tâm hồn tối tăm, cũ kĩ, dẫn dắt họ rời thoát khỏi sự mụ mẫm. Mở đầu tác cây đàn của “tôi” bị đem ra “phán xử”. Trong mắt vị trưởng làng cũng như người dân ở đó, cây vĩ cầm “là món duy nhất toát vẻ ngoại lai, vẻ văn minh, và do đó đáng ngờ”, gọi đó là “đồ chơi tư sản” và đòi đem đốt cây đàn đi. Nhưng ngay sau khi bài nhạc “Mozart Tưởng Nhớ Mao Chủ Tịch” được vang lên, những con người mới lúc nãy còn hô hào tiêu hủy cây đàn ngay lập tức “như mặt đất khô nẻ dưới cơn mưa”. Có lẽ rằng dân làng ở đây chẳng biết gì về cái hay của âm nhạc hay sonata là gì đâu, họ nghe vì cho rằng đây là bài nhạc ca ngợi lãnh tụ của họ thôi, nhưng bằng một sự vô tình, âm nhạc phương Tây hay chính là văn minh đang bắt đầu từ từ thâm nhập vào ngôi làng này, phá vỡ cái u tối, lạc hậu, đánh thức những tâm hồn trong sáng đang ngủ quên do sự áp chế từ những chính sách khắc nghiệt.

Sức mạnh của văn minh thể hiện rõ nhất là qua sự thay đổi của cô con gái bác thợ may.  Ban đầu, cô bé thợ may chưa bao giờ biết qua mấy cuốn sách, cũng không biết đọc hay viết gì mấy, và như Lạc nhận xét: “Cô ta không văn minh, ít nhất là không đủ văn minh đối với tao!”. Nhưng cô bé có tinh thần cầu tiến, thích trò chuyện với những người có tri thức (ở đây là “tôi” và Lạc) thay vì đả kích và xem họ là “thối tha” như những người khác. Việc cô bé say mê đọc lại toàn bộ những dòng văn của Balzac được “tôi” viết trên áo và mặc chiếc áo ấy vào, và cho rằng “chữ của Balzac sát da thịt làm cô nàng cảm thấy thích, và cũng thông minh hơn” đã cho thấy rằng, cô gái hoàn toàn vượt trội so với phần còn lại trong làng, và nét tính cách tích cực này sẽ đưa cô bé thoát khỏi ý thức bần nông sớm hơn những người khác, giúp cô bé tìm thấy chân lí cuộc đời mình ở giai đoạn sau này. Quả đúng như tên tác phẩm, nhà văn Balzac và cô bé thợ may đã gặp gỡ nhau, nhưng không phải đối diện ngoài đời thực bằng xương bằng thịt, mà họ gặp gỡ nhau qua những trang sách. Balzac đã cứu rỗi cô gái nhỏ, để cô thức tỉnh chính mình và đi đến hành động rời khỏi cái nơi u tối để đi tìm đến tự do, tìm đến một cuộc sống mà cô bé xứng đáng được nhận.

Thời kì đen tối trong lịch sử văn hóa văn nghệ của Trung Quốc - Cách mạng văn hóa cũng được tái hiện lại trong tác phẩm. Với xuất thân từ một gia đình trí thức, “tôi” và Lạc cũng như bố mẹ của cả hai không thoát khỏi việc bị kết tội là “kẻ thù trong nhân dân" và bị đi cải tạo dưới sự quản lí của những nông dân nghèo, thất học. Những kí ức của “tôi” và Lạc được gợi lại trong tác phẩm khiến cho chúng ta mỗi khi lướt đến không thể rùng mình: toàn bộ trường học bị đóng cửa; sách vở trừ “những cuốn do Mao hay thân cận của ông viết, và các tác phẩm thuần khoa học” thì những đầu sách còn lại kể cả những tinh hoa văn học Trung Quốc như Hồng Lâu mộng, Tam Quốc chí đều bị tịch thu và đốt trụi. Những trí thức như cha mẹ “tôi” và Lạc bây giờ trở thành chẳng khác nào tội phạm trong mắt nhà cầm quyền, họ bị đem ra đấu tố, bị kết tội “phản động” mà người kết án họ là những kẻ “ngày xưa trồng thuốc phiện, nay được chế độ cộng sản cải sang "bần nông”. Trí thức - tầng lớp tinh hoa của đất nước, tầng lớp góp nhiều công sức trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, giờ đây lại bị đẩy xuống tận đáy của xã hội, tiếng nói của họ không còn giá trị. Một đất nước vùi dập trí thức thì đất nước đó sẽ ra sao? Nghèo đói, ngu dốt, lạc hậu? Thật khó có thể tưởng tượng đời sống tinh thần của con người ta trở nên rệu rã đến mức nào trong ngần ấy năm như thế. Những chính sách mị dân của chính quyền Trung Hoa trong thời kì đó đã biến bao nhiêu con người trở nên mù mịt, mê muội và tàn bạo. Đồng thời nó khiến cho dòng chảy văn hóa Trung Quốc bị đứt gãy, thụt lùi mà sau khi cuộc Cách mạng qua đi phải mất rất nhiều thời gian và công sức để khôi phục, phát triển lại.

Những cuốn sách văn học phương Tây trong tác phẩm trở thành một hình tượng văn học, hàm chứa nhiều ý nghĩa. Trước hết, những cuốn sách cho thấy sự khao khát tri thức mãnh liệt của con người. “Tôi” và Lạc khi nhìn thấy chiếc va li bí mật của Bốn Mắt, ý nghĩ đầu tiên của cả hai là trong đó chứa sách cấm. Và hai thiếu niên tìm mọi cách để lấy được những cuốn sách đó, từ việc giúp Bốn Mắt vác những sọt gạo, tới Vực Ngàn Thước để sưu tầm những bài ca dân gian đến hành động liều lĩnh là đánh cắp va li sách trong buổi tiệc mừng Bốn Mắt kết thúc thời gian cải tạo. Nhờ tri thức, con người không còn u tối; nhờ Balzac, Victor Hugo, Dumas, Tolstoy, Dickens,… những ngày tháng cải tạo chán chường của “tôi” và Lạc như được sáng sủa hơn, cô bé thợ may cũng trở nên văn minh hơn.

Ngoài ra, thông qua nhân vật “sách”, ta thấy được giá trị muôn đời của sách vở hay nói rộng hơn là văn học là khai mở trí tuệ và thanh lọc tâm hồn con người. Cô bé thợ may như lột xác thành một người khác sau khi biết đến Balzac, bác thợ may nảy ra những ý tưởng thiết kế mới được nhiều người tán thưởng sau khi được “tôi” kể về Bá tước Monte Cristo. Bất chấp mọi định kiến, bất chấp những cơn sóng dập gió dồi do cường quyền tạo ra để vùi dập, hủy diệt nó, văn học vẫn ở đó, vẫn sống và mang lại cho con người một đời sống tốt đẹp hơn. Sách vở hay văn học sẽ không bao giờ chết, một khi con người biết khao khát tri thức như cách những người dân núi Phụng Hoàng say sưa lắng nghe những câu chuyện của Lạc. Sách vở hay văn học sẽ không bao giờ chết, một khi con người còn chủ động tìm kiếm, học hỏi và tích lũy tri thức như “tôi”, như Lạc, như cô bé thợ may.

Một chi tiết gây ấn tượng mạnh cho cá nhân tôi trong tác phẩm đó là thái độ trái ngược của nhân vật “tôi” và Bốn Mắt với những bài hát dân gian bị cho là “thứ dâm ô” của ông lão thợ xay. Nếu như Bốn Mắt cảm thấy tức giận với thành quả mà hai người bạn đã mang về cho mình, gọi đó là “thứ rác rưởi vô dụng” và đòi sửa đi: “Hãy kể cho tôi: Lũ chí rận tư sản, chúng sợ gì? Chúng sợ làn sóng vô sản sục sôi”, thì “tôi” lại ghê tởm với những bài cải biên ấy của Bốn Mắt, sự phẫn nộ sục sôi khiến “tôi” không thể kìm chế bản thân mà lao vào đánh Bốn Mắt. Chi tiết này đặt ra hai vấn đề đáng suy ngẫm. Một là, trí thức hay người nghệ sĩ chân chính phải là người biết tôn trọng sự thật. Hai là, văn học chỉ thực sự là văn học, văn học chỉ thực sự có giá trị khi nó mang cái dáng vẻ nguyên thủy, thuần túy của nó chứ không phải cái vẻ đã bị làm cho méo mó nhằm một mục đích chính trị nào đó.

Màu sắc chính trị trong “Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa” tương đối đậm nét, song chính nhờ vậy ta hiểu hơn về một giai đoạn quan trọng trong lịch sử Trung Quốc. Màu sắc chính trị trong tác phẩm còn giúp ta đồng cảm sâu sắc hơn với những thân phận con người trong thời đại ấy, khiến chúng ta càng thêm cảm phục những con người không khuất phục số phận mà luôn biết vững tin và phấn đấu cho một tương lai tươi sáng hơn.

© Thiện Trà - blogradio.vn

Mời xem thêm chương trình:

Người ta chỉ cố chạy trốn khi lòng chưa bình yên | Radio Tâm Sự

Thiện Trà

"...đừng thờ ơ hoặc phá hoại cuộc sống yên vui của mình"

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Những mảnh ký ức (Phần 6)

Những mảnh ký ức (Phần 6)

Tiếng bù lu bù loa láo loạn cả giấc trưa. Bà Bình sang từng nhà gọi, kết quả là băng đảng tan rã, tình cảm sứt mẻ, cả hôm sau đó chúng tôi phải ở trong nhà cấm không được đi đâu chơi. Tôi và con Nguyệt đáng nhẽ thoát, nhưng Thọ đen lại khai ra có cả tôi trong vụ đó nữa. Thật đáng buồn!

Những mảnh ký ức (Phần 5)

Những mảnh ký ức (Phần 5)

Chính vì bọn nhỏ trong xóm đông đúc thế, cùng với đám đàn anh vô cùng láu cá, nghịch ngợm, mà mùa hè nào đối với chúng tôi cũng đều là một khoảng thời gian tuyệt vời, đầy ắp những chuyến phiêu lưu đáng nhớ.

Em còn rất nhiều ngày hạnh phúc

Em còn rất nhiều ngày hạnh phúc

Em gật đầu, vậy là từ đó em thân với lũ trẻ đó nhiều hơn, và không hiểu sao em càng tin lời của dì em nói, em còn nhỏ lắm em sẽ còn có rất nhiều ngày hạnh phúc ở phía trước, rất nhiều ngày hạnh phúc đang chờ em.

Mừng Đảng quang vinh - mừng xuân đất nước

Mừng Đảng quang vinh - mừng xuân đất nước

Từ những nỗi đau mất mát, chúng ta đã đứng dậy, mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chính những khó khăn, thử thách đó lại càng làm cho mỗi người dân chúng ta thêm phần gắn kết, yêu thương và sẻ chia.

Những mảnh ký ức (Phần 4)

Những mảnh ký ức (Phần 4)

Một cách duy nhất để được ăn phở đó là “bị ốm”, phải được ốm, không ăn được gì thì sẽ được ăn phở. Thế là trưa nắng thay vì trông thóc, bọn tôi lăn ra phơi người để được ốm và cũng được ốm thật!

Bữa cơm gia đình

Bữa cơm gia đình

Câu hỏi ấy đặt ra với tất cả chúng ta chứ không phải riêng một bất kỳ ai. Xa nhà để phát triển bản thân, ở gần người thân gia đình nhưng vì mối quan hệ xã hội mà ta níu kéo giữ gìn rồi quên đi bữa cơm gia đình, có đáng hay không?

Tết xa quê

Tết xa quê

Nhớ cha nhớ mẹ mấy lần Mái tranh cũ rích lắm phần xác xơ Giao thừa pháo nổ hững hờ Bếp hồng nơi đó bơ vơ một mình

Những ngày giáp tết

Những ngày giáp tết

Người quê tôi, vốn hiền hòa, chấc phác trong cuộc sống đời thường, khi xuân về lại càng trở nên dịu dàng và thân thương đến lạ. Từ trẻ tới già lúc này với vẻ mặt thật hân hoan, nụ cười trên môi thì luôn tươi như hoa nở. Tay bắt, mặt mừng đón chào thăm hỏi khi thấy người đi xa mới về.

Lặng lẽ chiều xuân

Lặng lẽ chiều xuân

Chiều nay lặng lẽ bên thềm Ngàn hoa hé nở êm đềm tỏa hương Bếp chiều quyện khói hay sương Chút gì như vấn như vương lòng người.

Những mảnh ký ức (Phần 3)

Những mảnh ký ức (Phần 3)

Mà trời ơi sao cái cơm ý nó ngon không cưỡng lại được, tôi ăn nhiều đến nỗi mà bố tôi còn phải hãm lại không cho ăn nữa. Xong thêm cái món thịt lợn rang cháy cạnh bỏ hành lá, lấy miếng cháy chấm với cái nước mỡ đấy thì đúng miếng ngon nhớ nhất trên đời này.

back to top