Vị chiến binh già
2021-11-17 01:15
Tác giả: Ngư Đồng
blogradio.vn - Một vết sẹo xấu xí như con rết kéo dài từ má đến cằm, mỗi lần ông cười tít mắt, cái sẹo lại hiện lên dữ tợn, trong khu đứa trẻ nào cũng sợ ông, ngoại trừ tôi.
***
Có kỉ niệm thuở nhỏ nào mà bạn khó có thể quên được không?
Đối với tôi mà nói, có lẽ là những kí ức vụn vặt về một vị chiến binh già, kỉ niệm về ông đã để lại dấu ấn khó phai trong tâm hồn non nớt của tôi lúc bấy giờ…
Ông Chín tên thật là gì, không một ai biết. Chỉ biết là là ông đã sống rất lâu, rất lâu ở khu phố này. Khu phố nghèo của những người dân lao động cực khổ, khu phố với tiếng xe lửa xập xình không bao giờ dứt.
Trong cái xóm nghèo ở cuối những năm 80, một gánh hàng rong cũng là cả gia tài, một công việc với đồng lương đều đặn hàng tháng là điều mà ai cũng phải ước mơ hâm mộ.
Ông Chín xóm tôi cũng có một gánh hàng rong như thế. Cứ mỗi chiều hôm là ông lại đi khắp hang cùng ngõ hẻm, đẩy chiếc xe đạp cũ kĩ với quầy kem nho nhỏ mà rao lớn:
”Kem tươi, kem ốc quế đây!”
Ngoài tiếng còi xe lửa kêu suốt ngày suốt đêm, tiếng rao bán kem của ông là âm thanh quen thuộc nhất đối với tôi. Ngày còn nhỏ chỉ cần hai ngàn đồng đã có một cây kem ốc quế, vỏ bánh giòn ngọt, nhân kem sữa béo thơm ngon, chút đậu phộng rang rắc lên. Đó thực là một thức ăn vặt xa xỉ đối với tụi trẻ con tụi tôi thời ấy.
Nhà ông Chín cách nhà tôi một căn, nên ông rất thân với gia đình tôi, thỉnh thoảng bán ế, ông lại đưa cho tôi một cây kem ốc quế. Nhiều lúc ăn xong một cây, tôi lại tòm tèm chưa đã, muốn được ăn thêm nữa, ông xoa nhẹ đầu rồi cười mắng:
”Mày ăn nhiều lại sâu răng đấy, Khải à, ba mày lại mắng tao nữa!”
Tôi giải thích với ông rằng vì hay đánh răng sạch sẽ nên tôi sẽ không bị sâu răng. Nhưng người lớn thì chẳng bao giờ nghe trẻ con giải thích cả.
Tôi không biết ông Chín bao nhiêu tuổi, trong ấn tượng mơ hồ của tôi, ông trông khá già với mái tóc hoa râm cùng khuôn mặt khắc khổ. Một vết sẹo xấu xí như con rết kéo dài từ má đến cằm, mỗi lần ông cười tít mắt, cái sẹo lại hiện lên dữ tợn, trong khu đứa trẻ nào cũng sợ ông, ngoại trừ tôi.
Có lẽ là vì đôi bàn tay ấm áp mỗi khi ông xoa đầu tôi…
Tôi rất thích nghe ba kể chuyện trước khi ngủ, nhưng suốt bốn năm, ông ấy chỉ kể đúng một câu truyện cổ tích “Trí khôn của ta đây”. Đến khi vào lớp một, tôi đã trở thành người biết đọc nhanh nhất lớp, thế là tôi có thể đọc bất cứ truyện nào mình muốn. Nếu không có ba, có lẽ tôi cũng chẳng có động lực to lớn đến vậy để học tập.
Rồi một hôm nọ, ba kể với tôi về ông Chín, nói rằng ông đã từng đi chiến trường từ cuối thời kì chống Pháp, tới chống Mĩ và cả chiến trường phía Tây. Hầu như cả đời ông đều ở trên chiến trường.
Nhưng chiến tranh là thứ gì đó thật xa vời đối với tôi, khi đó tôi thậm chí còn chẳng phân biệt được phía Tây và miền Tây nữa là. Tôi từng hỏi ông Chín rằng:
“Thế ông đã ăn dừa sáp bao giờ chưa?”
Và tất nhiên là ông đã ăn rồi. Đến lúc được ông giải thích, tôi cũng biết chiến trường phía Tây là cái gì.
Thời đó nhà tôi không có tivi và tất nhiên là cũng không có Internet, niềm vui nhỏ nhoi của tôi là nằm trên chiếc giường ấm áp nghe tiếng mưa rơi ngoài hiên, ngắm nhìn ngọn đèn đường le lói cùng những con thiêu thân…
Đang mơ màng sắp tiến vào giấc ngủ, tôi nghe tiếng hét lớn từ nhà bên. Tiếng hét dữ tợn mà đầy ám ảnh, tiếng đồ vật rơi vỡ làm tôi hoảng sợ.
”Tao chém chết mày! Tao chém chết mày!”
Hồi đó nhà ở cách âm không tốt, tường chỉ là một cái vách dựng tạm mà thôi. Tôi tò mò nhìn ra khung cửa sổ, ba nói là ông Chín kêu, bảo tôi ngủ tiếp đi.
”Sao ổng kêu dữ vậy ba?”
Ba tôi trầm mặc rồi thì thầm:
”Bệnh cũ của ổng, ổng nói mớ thôi. Đi chiến tranh về ai cũng vậy.”
Khi tôi lên lớp bốn, gia đình điều kiện lại khá hơn chút, ba tôi được nhận vào làm trong một xưởng gỗ lớn tại Nha Trang. Lúc đó tôi không phải kì kèo từng đồng tiền ăn sáng để để dành mua một cây kem mỗi tuần nữa.
Giờ thì hàng ngày tôi đều có thể ăn kem, nhưng ông Chín không lấy tiền tôi, ông cười nhe răng:
”Mày để dành tiền đó mua sách vở, ăn nhiều kem bị sâu răng bi giờ!”
Bởi vì nhà ở phía sau con hẻm nơi tàu lửa đi ngang qua, trường lại ở mặt tiền, nên tôi luôn tự đi bộ một mình về nhà. Cũng như mọi lần, trên con đường quen thuộc về nhà, tôi bị chặn đường.
Là năm thanh niên xanh xao ốm yếu nhưng thần sắc lại vô cùng dữ tợn, tôi biết năm người này .
Ba tôi luôn dặn mãi thấy những người này đều phải tránh xa, tụi xì ke nơi đây đói thuốc là cái gì cũng làm. Một tên trong đó đe dọa:
”Mày cho tao xin ít đồng đi!”
Thời đó, ở trường tôi được thầy cô dạy rằng xì ke ma tuý là cái gì rất ghê gớm, rất đáng sợ, chân tôi nhũn cả ra.
“Nghe gì không mày!”
Thấy tôi không đáp lời, hắn quơ quơ trong tay kim tiêm. Đang lúc tôi lọ mọ lấy tiền trong túi, bỗng nghe một tiếng hét lớn:
”Tụi mày làm cái gì vậy! Muốn tao chém chết không!!”
Ông Chín cầm cái gậy sắt từ trong thùng kem vung vẩy, lúc này mặt ông đà hồng, khuôn mặt dữ tợn trông như sát thần. Năm thanh niên kia vừa thấy ông xách cây gậy sắt đã lo chạy co vòi, còn đâu uy phong như lúc trước, ông hầm hè:
”Lúc tao ở trên chiến trường bắn súng, tụi mày còn không có sinh ra đâu!”
Thế mà chỉ mấy tháng sau, ông Chín bị ốm, lão già khỏe mạnh ngày nào lúc này lại rên rỉ trên giường bệnh, chiếc xe bán kem của ông cũng phủ đầy bụi trần. Cứ chiều chiều tôi đều sang thăm ông, cầm theo sách vở mà đọc cho ông nghe.
Rồi một hôm, ông Chín thức dậy mà khuôn mặt tươi tỉnh dị thường, mặt hồng nhuận, hai mắt có thần, nhìn không ra mấy hôm trước ốm o bệnh tật. Ông lại đẩy xe kem, đi một vòng phân phát hết thùng kem. Lại đi mua mấy tập vở, viết, sách cho tôi, ông nói:
”Hồi xưa tao không biết chữ nhiều, tao chỉ nghe người bán nói cuốn này hay lắm, mày xem rồi sau này đọc tao nghe!”
Ba tôi lắc lắc đầu, sắc mặt buồn bã, tôi ngây thơ nhìn ông Chín, trịnh trọng nắm trong tay quyển sách ”Đắc nhân tâm” hứa sẽ đọc cho ông nghe.
Ngày hôm sau, ông mất, hôm đó mưa rơi tầm tã. Rõ ràng hôm qua ông còn cười với tôi, vậy mà hôm nay… lại nằm yên trong chiếc hòm đen kịt ấy.
Lần đầu tiên tôi biết, cái gì là mất đi. Tôi nghẹn ngào hỏi ba vì sao ông Chín khỏe mạnh là thế mà nay đã đi rồi, ba chỉ xoa đầu tôi rồi bảo:
“Đó là hồi quang phản chiếu con à.“
Tay ba cũng ấm áp yêu thương như thế, nhưng lại không phải đôi bàn tay tràn đầy vết sẹo kia….
Ông Chín không có họ hàng, không có người thân, nhà tôi thay ông xử lí tang sự, nhạc sư thổi một bài rất buồn, rất buồn mà giờ tôi mới biết tên:
”Hạt bụi nào, hoá kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi...”
(“Cát bụi” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn)
…
Vô Trần
Này này, có gì đâu
Để mất.
Khi ta giáng sinh kiếp người,
Chỉ có thân xác
Và linh hồn.
Có gì thuộc về ta đâu,
Được đến rồi lại mất đi.
Trong sự mất lại có cái được.
Tuổi thơ ta mất đi ngây dại,
Để biết được lẽ đúng sai.
Thiếu niên ta được thiên chân rực rỡ,
Lại mất đi trái tim nhiệt thành.
Thanh niên dốc cạn sức lực,
Để được tri thức mà hiểu lẽ đời.
Trung niên có lòng bao dung,
Vì thời gian để lại những vết chân chim.
Và khi sức khỏe trôi đi...
Ta đã biết
Già rồi, già rồi!
Ngay cả thân xác cũng dần lìa bỏ,
Còn lại gì nữa đâu?
Ngoài linh hồn,
Biết quý trọng sự sống trên thế gian này…
Trần về trần, thổ về thổ
Còn gì nữa đâu,
Vô trần, vô... được mất.
© Ngư Đồng - blogradio.vn
Mời xem thêm chương trình:
Blog Radio 522: Gác trọ mùa đông
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Mười sáu - Ba sáu tuổi
Tôi đúng là một cô ngốc. Làm gì có đứa con trai nào dành cả thanh xuân bên cạnh tôi mà không có tình cảm. Và từ đó, chúng tôi chính thức yêu nhau.
Hành trình đi đến tự do
“Dám bị ghét” không bênh vực cho tôi, không đứng về phía tôi, ngược lại, nó giải thích một cách hợp lý tất cả nguyên nhân khiến tôi chọn sống một cuộc đời tệ bạc như vậy.
Hãy trao yêu thương khi còn có thể
Tôi nhận ra từ trước giờ tôi luôn mong người khác phải hiểu và thông cảm cho tôi mà tôi quên đi rằng tôi chưa đặt mình vào vị trí của bất cứ ai để hiểu cho họ.
3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa
Trong tương lai, 3 năm tới hứa hẹn sẽ là quãng thời gian vô cùng rực rỡ và thịnh vượng cho 5 con giáp may mắn dưới đây.
Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em
Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.
Lá thư gửi đến thiên đường
Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.
Đắng cay
Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân
Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi
Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.
Đơn phương yêu một người
Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.
Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?
Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?