Về dưới mái hiên xưa
2022-08-29 01:15
Tác giả:
Quang Nguyễn
blogradio.vn - Sài Gòn là vậy, luôn có tiếng cười rộ lên các góc quán trong yến tiệc rộn ràng với niềm vui hân hoan. Nhưng nó còn lại một tiếng thở dài nặng nề của một khoảng lặng nào đó trong đêm khuya của một nỗi niềm rất riêng, mà hai tâm hồn tôi và em đều hướng về quê xa.
***
Đêm hôm ấy Sài Gòn có mưa. Cơn mưa bất chợt vừa ghé ngang qua thành phố, những con người vội vã dưới ngả đường mù mịt. Mặt phố ướt im lìm phảng phất hơi lạnh gặm nhấm vào thịt da. Mưa tầm tã dai dẳng khoảng ba tiếng đồng hồ, phố rưng buồn hiu hắt dưới những ánh đèn côi. Những dãy nhà vốn dĩ rất náo nhiệt! Nay tĩnh lặng, cửa khép, tắt đèn nhẹ nhàng, chìm vào giấc ngủ say. Tôi vẫn đi bên cạnh giữa cuộc đời, thong dong một dáng bước qua các ngõ xưa. Một giờ sáng tiếng mưa còn gõ nhịp, mưa trắng trời Sài Gòn, mưa hiu hắt ướt nhèm nỗi nhớ nhung. Người mang hành trang đi về nơi cuối phố, những bước chân liên tiếp nối nhau, thả rơi xuống lòng đường, trong âm vang vừa vọng nơi góc phố, là cơn giá lạnh bên vỉa hè chơ vơ.
Tôi đến chân cầu ngồi co ro mà nghĩ đến phận người, rồi nghĩ đến phận mình đã trao thân cho mảnh đất này đã hơn mười năm xa ngái của thanh xuân. Giờ này tôi có khác gì những người vô gia cư, hoặc những gã bụi đời thấp thoáng như những bóng ma ẩn hiện ở nơi các góc phố. Tôi nhớ lại quãng thời gian bụi trần của chính mình. Với ai thì Sài Gòn vẫn là nơi ồn ào náo nhiệt với những tiếng còi xe inh ỏi, những đoàn người đi xuôi ngược như cơn sóng lượn lờ nhấp nhô ở ngoài phía biển. Với tôi Sài Gòn vẫn lặng lẽ, vẫn là cái không gian u tịch, chìm nổi ngâm mình trong góc vắng suy tư. Tay chống cằm rót suy nghĩ vào đêm nghe đậm đặc những nỗi nhớ đi hoang, trong tiếng thở dài rất lặng bên ban công trống vắng.
Tôi còn nhớ năm ấy chiếc cầu của quốc lộ còn chưa xây dựng như bây giờ. Nơi này còn là một tuyến đường rộng mênh mông, những đêm tôi về trong cơn mưa ướt đầm, thế mà giờ chẳng còn một hạt mưa nào rơi xuống. Thời gian cứ như lặng lẽ đi ngang qua cuộc đời, trở lại thoáng giật mình bỗng thấy quá xa xôi. Bên kia đường là cái hẻm nhỏ vào nhà của một ông làm báo già, những lần tôi đến thăm, ông nở nụ cười tay chân run run, chậm chạp đi nấu nước pha trà. Cái không gian chật hẹp vì những kệ sách đã chiếm hết chỗ. Lần đầu tiên tôi bước chân vào, tủ sách mục cái mùi sách cũ nó xông vào tận mũi, những trang ẩm mốc bị mọt ăn mòn theo ngày tháng nhưng ông vẫn giữ như một báu vật tích góp từ thuở còn niên thiếu. Trong đêm lạnh lẽo đầy im ắng của tiếng mưa Sài Gòn, bên ly trà nóng hổi ông nói về chuyện viết, rồi gật gù miệng ngáp châm liên tục những điếu thuốc suốt cả đêm hàn huyên. Lần nào đến Sài Gòn tôi cũng ghé thăm ông, những năm sau này ông đãng trí và sức khỏe yếu dần rồi qua đời chôn cất tại nghĩa trang. Từ đó những lần trở lại tôi đều đến viếng mộ thắp nén nhang cho ông, lần này cũng thế, sáng mai tôi sẽ đi.
Tôi sẽ ngồi đây chờ đến trời sáng. Đây không phải là lần đầu tiên giữa miền đất Sài Gòn mà tôi thức trắng, có thể nói đã quá nhiều lần tôi chẳng còn nhớ nổi nữa. Tôi chỉ nhớ mỗi quán cà phê vỉa hè, và góc ban công những khi về khuya tôi hay ngồi và cảm nhận Sài Gòn rất lặng lẽ. Năm ấy tôi thường lang thang ra các quán vỉa hè để chờ em về ngang. Có nhiều quán mọc lên um tùm, tôi chỉ nhớ nhất là cái quán cà phê vợt. Tôi thường ngồi góc vắng trầm tư bên hương cà phê vợt nhìn những phận người xuôi ngược đi ngang giữa cuộc đời. Vẫn là những bản tình ca trong góc quán vắng vang lên đồng điệu với tâm hồn, vẫn là hương cà phê nồng nàn thơm lừng kín con phố, vẫn là nỗi hồi hộp chờ đợi cái dáng thân quen hiện diện giữa một đám đông ở chung quanh ngược xuôi. Em về trong ngần áo trắng tinh khôi, mái tóc đuôi gà với cái dáng mỏng manh, biết tôi hàng ngày hay chờ ở nơi cuối góc vắng. Cùng em trên chiếc xe đạp ra về giã biệt những âm thanh ồn ào.
Em là cô sinh viên năm nhất của trường giao thông vận tải quê mùa giỏi giang mà tôi đã vô tình được biết. Ngày đi học tối làm thêm ở các nhà hàng mới mở nằm tít ở quận trên. Em ở cùng dãy trọ với tôi, em thấy tôi sống chỉ một mình đi làm vất vả mà cơm nước bữa ăn bữa không, khi đói khi no chẳng cần bận tâm gì đến sức khỏe. Vậy là từ đó em bảo tôi sang ăn cùng, thế là tôi không còn phải lê la ra các quán cơm, hoặc các quán hủ tiếu lề đường để ăn qua loa cho qua ngày. Tôi và em chẳng có người thân thiết nào giữa đất Sài Gòn nên nương tựa và quý nhau lắm.
Cuộc đời đẹp biết bao, tôi tan ca về luôn có em đợi thui thủi bên mâm cơm ấm nóng. Ngày ngày tháng tháng, hình như Sài Gòn chỉ có hai chúng mình. Dưới mái hiên xưa, một góc ban công, những lời thỏ thẻ suốt đêm trong mấy độ nhớ quê. Em nhớ nhà rồi em khóc, vì con gái xưa nay đâu có đi học xa nhà như bây giờ. Nếu không là tương lai với những hoài bão ấp ôm dành cả thanh xuân để đạt được như mong muốn, thì em cũng chẳng bao giờ tìm đến rồi trở mình lặng lẽ chẳng trọn một giấc ngủ của nỗi lòng người tha phương. Nhưng tôi lại khẽ cười và cảm ơn cuộc đời, nếu dòng đời không là những xuôi ngược thì có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ gặp được em tại mảnh đất đầy hứa hẹn này.
Thì ai lại xa quê mà chẳng mang hành trang một bóng hình quê trong ba lô nặng trĩu, rồi lấy ra ôm hôn, nâng niu trong nỗi nhớ trào dâng với hai hàng nước mắt đang rưng rưng lặng lẽ rơi xuống đất Sài Gòn. Em thường ngồi ngó mắt về phía chân trời xa xôi, mà kể quê hương bằng nét đẹp bình dị chứa đựng cả vùng trời ấu thơ. Em buồn như hàng cây hiu quạnh đứng ngơ ngác trong chiều, phe phẩy trước gió, và bóng hoàng hôn đã ngập tận tâm hồn thật bình yên biết bao. Có con sông nào đã chảy qua miền trí nhớ, lời nói ngập ngừng nhưng lại mát lòng mỗi khi em kể tôi chăm chú lắng tai nghe. Sài Gòn là vậy, luôn có tiếng cười rộ lên các góc quán trong yến tiệc rộn ràng với niềm vui hân hoan. Nhưng nó còn lại một tiếng thở dài nặng nề của một khoảng lặng nào đó trong đêm khuya của một nỗi niềm rất riêng, mà hai tâm hồn tôi và em đều hướng về quê xa.
Em cười rồi tự an ủi chính mình, phải cố gắng để vượt qua mọi sự khó khăn lẫn thử thách để được có một tương lai rạng ngời. Em nói huống chi “còn có tôi ở đây” lúc buồn có thể nghe em than thở, đó cũng là một điểm tựa giúp em mạnh mẽ, thêm ý chí để vươn tới nhẹ nhàng. Tôi cười, vì hiểu em rất mong ngày ấy sẽ đến sớm! Mà ngày ấy chính là ngày em ra trường, cũng có nghĩa là em sẽ rời khỏi Sài Gòn và trở về quê hương. Ngày vui của em - ngày buồn của tôi.
Rồi ngày ấy cũng đến, mọi sự cố gắng của em đã được đền đáp thật xứng đáng. Em hồn nhiên tươi cười, nói chào tạm biệt với những người còn ở lại trong trọ. Thời gian mà, nó có bao giờ chịu đứng yên một chỗ, dù có muốn nắm chặt ghì lại cũng chẳng thể nào được để nó quay trở lại như những ngày xa xưa. Cuộc đời thì luôn có hợp với tan, bữa tiệc nào rồi cũng sẽ tàn. Tôi ở lại với Sài Gòn với những niềm riêng dưới mái hiên xưa, nhật ký của người ở lại còn dày thêm bao nhiêu trang nữa, bút mực nào mà viết câu than thở cho vơi hết những tháng ngày ở lại chỉ một mình với một góc ban công. Dưới mái hiên nơi góc ban công, em nhìn tôi đăm chiêu rồi dặn dò đủ thứ chuyện, em chúc tôi ở lại có thật nhiều sức khỏe. Tôi ngồi cùng em cho tới sáng, vì ba giờ sáng em sẽ lên xe xa rời mảnh đất này. Đêm cuối cùng những khoảng lặng chìm vào ánh trăng non phía dãy nhà cao tầng. Khoảng lặng mênh mông của riêng tôi như Sài Gòn chìm vào đêm và say sưa bên giấc ngủ yên bình. Em vui nên nói rất nhiều! Tôi chống cằm trong nỗi buồn hiu quạnh vời vợi như những ngôi sao xa xôi.
Sài Gòn chưa kịp sáng tôi tiễn em lên đường, mưa bay bắt đầu nặng hạt mịt mù qua ngõ vắng lao xao. Em bước lên xe đưa tay vẫy chào, tôi đứng bơ vơ bên lề đường ngó chuyến xe xa tắp rồi mất dần dưới màn mưa mờ ảo. Từ đó em chẳng còn trở lại nữa. Tôi cũng từ biệt Sài Gòn tiếp tục cuộc sống của riêng mình, cũng như cánh lục bình trôi nổi trên dòng sông cứ theo con nước mà xuôi về cuối nguồn. Có phải cuộc đời cho chúng ta gặp nhau trong niềm thân thiết đầy kỷ niệm rồi tách đôi trong sự thương nhớ luyến tiếc không ngờ. Em đang ở đâu? Cuộc sống em thế nào? Em còn nhớ tôi không? Đó là một dấu hỏi lớn từ một người mà chẳng được lấy một câu trả lời. Người hiện diện đi qua cuộc đời mình, dù chỉ là một thời gian tích tắc, nhưng cũng đủ trọn đời để mình nhớ, rồi ôm những kỷ niệm năm tháng ấy mà treo cây tiềm thức rung cảm! Loài cây ấy sẽ nở ra những quả mơ, hương thơm của hoa mộng mà đêm đêm cứ tìm về giấc ngủ lặng lẽ.
Từ khi em đi Sài Gòn bỗng nhiên trở nên rộng mênh mông, không còn nhỏ hẹp như ngày em còn ở đây nữa. Cuộc đời thì có hàng trăm, hàng tỉ, hàng vạn nẻo đường, nhưng đi quãng đường nào để chúng ta gặp lại rồi kể nhau những gì đã xảy ra từ lúc vừa từ biệt xa nhau. Lần này tôi trở lại thức trắng đêm với cơn mưa hối hả ướt hết cái Sài Gòn thân quen. Khuya đó trước khi tạm biệt Sài Gòn tôi trở lại nơi trọ cũ, giờ này phòng em và phòng tôi đã có người khác ở từ bao giờ và qua bao nhiêu người chẳng còn ai nhớ. Riêng mái hiên xưa với cái góc ban công còn y nguyên ở đó, vẫn hương ngọc lan ngan ngát như đưa tôi trở về những tháng ngày. Tôi ngồi bơ vơ dưới mái hiên xưa, một góc ban công thật lặng lẽ. Mắt hướng về phía trời xa xôi trong phút chốc ngẫm nghĩ “chẳng biết bây giờ em sống như thế nào” một nỗi buồn dìu dịu ghé lại tâm hồn rồi rung lên những nỗi nhớ da diết “Mái hiên xưa và góc ban công đây, nhưng người con gái của năm ấy đâu rồi”.
© Quang Nguyễn - blogradio.vn
Mời xem thêm chương trình:
Hôm nay tôi có một nỗi niềm không tên | Radio Tâm sự
Phản hồi của độc giả
Xem thêm

Phố cũ lặng thinh, ta lạc mất nhau rồi
Có một ngày phố cũ có đôi ta Bước chân quen cũng ngại ngùng bỏ lỡ Người qua vội, chẳng ai còn bỡ ngỡ Ta với ta giữa khoảng trống không người.

Lời chưa nói
Tớ với cậu bắt đầu nói chuyện với nhau nhiều hơn rồi không biết từ lúc nào mà tớ đã thầm cảm thấy hơi thích cậu. Đã nhiều lần tớ thấy tớ thật ngu ngốc, sao lại có suy nghĩ kì quặc ấy, nhưng rồi những cử chỉ quan tâm tớ của cậu làm tớ bị nhầm tưởng.

Chấn động lợi ích của việc đọc sách thường xuyên: Ngoại hình thăng hạng, da dẻ hồng hào, khí chất ngút ngàn!
Không chỉ giúp nâng cao kiến thức, việc đọc nhiều sách còn có thể mang lại nhiều lợi ích đặc biệt mà không phải ai cũng biết.

Những ngày chênh vênh
Những buổi chuyện trò với nhỏ bạn tuy ít nhưng luôn khiến mình suy nghĩ nhiều. Mình thấy chênh vênh ghê gớm, nhưng rồi thì lòng mình cũng chững lại, để biết rằng mình cần phải làm gì.

Lời hẹn của con
Cho con được thêm lần nữa tự hào con là con của mẹ, con của một bác sĩ tận tậm tận lòng với mọi người. Con là con của ba, một chiến sĩ bộ đội đang canh gác ngoài biên cương xa xôi.

Tình yêu của mẹ
Đến bây giờ tóc của mẹ đã điểm bạc sương pha Các vết chân chim hằn đầy đôi mắt mẹ Năm ngón tay run không còn như thời son trẻ Vai mẹ gầy con bỗng thấy xót xa

Lời yêu
Tôi vẫn thường nghe một câu nói như này tuổi 17,18 ấy cái gì cũng có chỉ không có đủ dũng khí để nói thích một người. Đúng vậy, mãi cho đến khi sắp tốt nghiệp tôi vẫn không bày tỏ lòng mình với cậu ấy. Khi đó vào bữa tiệc chia tay cuối năm tôi ngồi cách cậu ấy không xa chỉ biết lặng lẽ ngắm nhìn cậu.

Bước tiếp sau một mối tình tan vỡ
Kết thúc một mối tình là một vết thương chưa lành lại bị xẻ thêm một vết rách. Tôi nhận thức được rằng bản thân ngay lúc này cần phải chữa lành và yêu thương mình nhiều hơn. Giây phút này, tôi chưa thể sẵn sàng để yêu.

Cây sung cụt của đại đội tôi
Như thể cảm nhận được sự ưu ái đó, cây sung càng tươi tốt, vươn cao, tán xòe rộng rợp mát cả khoảng sân. Đại đội trưởng thích lắm, kê hẳn một ghế đá dưới gốc, chiều chiều ngồi uống trà ngắm nó.

Khi cánh cửa mở ra, tôi thấy chính mình ở đó
Tôi cố gắng nhớ lại. Sáng nay, tôi rời khỏi căn hộ, như mọi ngày. Tôi pha một tách cà phê, lật giở vài trang báo, mặc bộ đồ quen thuộc rồi đi làm. Nhưng… tôi có nhớ lúc quay về không? Có nhớ khoảnh khắc đặt tay lên nắm cửa, tra chìa khóa vào ổ, xoay nhẹ cổ tay và bước vào không?