Thanh xuân có một nỗi buồn mang tên hạnh phúc
2020-12-02 01:27
Tác giả:
blogradio.vn - “Anh à, đối với em, anh mãi là một điều tuyệt vời nhất. Ngủ ngon, anh nha. Và thanh xuân này, chúng ta ai cũng có thật nhiều nỗi buồn nhưng nhất định sẽ có một nỗi buồn mang tên hạnh phúc”.
***
12 tháng 10 năm 2020,
Hôm nay là một ngày như bao ngày khác, tôi lặng lẽ đi làm, lặng lẽ trở về trong căn phòng nhỏ, nép mình vào một góc tường, lặng lẽ khóc.
Mỗi năm, vào ngày này, tôi luôn muốn để bản thân mình bận rộn vì nếu chân tay ở yên, đầu óc sẽ không ngừng nghĩ, và chỉ cần có một khoảng trống thôi, kí ức xưa cũ sẽ tràn về, trói chặt tôi không buông.
Tôi thật sự là một đứa rất tệ, tệ đến nỗi cảm thấy tự bản thân thật đáng ghét, mình còn không thương nỗi mình thì lấy ai yêu thương đây. Tôi cười nhạt, nhặt lại những mảnh ghép tưởng chừng như đã vỡ vụn từ rất lâu, cố gắng vá víu lại.
Mỗi khi tôi thấy vui hoặc cố vui, tôi đều cố gắng để quên nhẹm đi chuyện đau lòng đó, quên nhẹm đi người đó. Nhưng dù cố gắng đến đâu thì mỗi khi mọi chuyện trở nên quá tải hay ai đó khiến mình bị tổn thương, ngoài gia đình ra, người duy nhất tôi cần lại là cậu ấy, là người trong suốt nhiều năm qua, là niềm đau đồng thời cũng là điểm tựa để tôi vượt qua tất cả.
12 tháng 10 năm 2010,
Năm ấy, ở tuổi mười bốn rực rỡ thanh xuân, tôi có cậu ấy làm bạn. Dù trường học không cách xa nhà là mấy nhưng tôi không muốn tự đi bộ đến trường hoặc chạy trên chiếc xe đạp điện.
Mỗi ngày, vào sáng sớm, cậu ấy sẽ chờ ở con hẻm dẫn vào nhà tôi, tôi sẽ đi bộ ra và ngồi sau yên xe, nhẹ nhàng nắm lấy hai vạt áo để cậu chở đến trường. Việc đó là niềm vui của tôi, cũng là của cậu ấy.
Nhà cậu và nhà tôi đối ngược nhau mà trung tâm là trường học, mỗi ngày cậu ấy sẽ đều đặn đến đón tôi đi học và chở tôi về nhà, trong suốt một năm ròng.
Tôi biết rất rõ cậu ấy thích mình đến nhường nào, tôi cũng có những cảm tình tương tự. Nhưng tôi còn khá nhỏ, mẹ lại là giáo viên, tôi chưa thể cho phép mình vượt qua những rào cản để đường đường chính chính chấp nhận cậu.
Chúng tôi ở bên nhau với danh nghĩa là “bạn bè”, cùng đi học, cùng ăn, cùng uống và cùng học, cùng làm bài. Trước khi gặp tôi, cậu là một người mà “hồ sơ cá nhân” được liệt vào dạng cá biệt.
Ba mẹ bài bạc, sống không hạnh phúc, thường hay cãi cọ. Cậu không lo học, tối ngày lại hay đi đánh nhau, thành tích xếp vào nhóm cuối trường. Tôi thì ngược lại, so với người anh trai gen trội, tôi rõ ràng không xứng để làm đối thủ, nhưng so với mặt bằng chung và thành tích trong lớp, tôi thuộc tốp đầu.
Tôi chưa bao giờ lấy làm danh dự với thành tích đó, mà hơn ai hết, tôi hiểu được cảm giác của những người bị đem ra so sánh, cảm giác đó khó chịu đến thế nào.
Cô giáo lớp tôi lập danh sách cho kế hoạch mà cô cho là tốt nhất trong thời điểm hiện tại, đó là kế hoạch “đôi bạn cùng tiến”.
Cậu ấy được xếp ngồi gần tôi, và tất nhiên, tôi có nhiệm vụ giúp đỡ cậu ấy trong học tập. Mà người lớn cũng lạ thật, lúc chúng tôi là người xa lạ, chỉ với tư cách là những người bạn chung lớp, chung trường, không hơn không kém thì họ muốn chúng tôi gần nhau, học tập, giúp đỡ lẫn nhau. Đến khi chúng tôi đã thân thiết, trở thành “đôi bạn cùng tiến” thật sự thì họ lại muốn tách chúng tôi ra.
Hôm ấy là một ngày học bình thường, tuy nhiên vào giờ ra chơi, tôi thấy có một nhóm hỗn độn ngoài hành lang, có vẻ như đang đánh nhau.
Tôi là một con bé có thể chất yếu đuối từ nhỏ, dĩ nhiên, tôi không muốn xen vào. Nhưng, có một nỗi lo lắng nào đó len lỏi vào trong suy nghĩ của tôi khiến tôi bước vào nơi hỗn độn đó. Với hồ sơ được đóng khung vào suy nghĩ của mọi người, kể cả tôi, cậu ấy nằm trong danh sách bị nghi ngờ đang góp mặt trong nhóm đánh nhau kia.
Cố gắng chen chút qua đám người càng lúc càng đông nghẹt, tôi nín thở lo lắng. Thật may cho cậu ấy nhưng thật xui cho tôi, cô giáo chủ nhiệm và thầy giám thị đã bắt “trọn ổ” vào văn phòng. Và tôi, là một người trong số đó, đã được nhà trường ưu ái cho mời phụ huynh.
Mẹ vô cùng giận dữ khi biết chuyện tôi đang làm bạn với cậu, một người theo như mẹ và mọi người nói “chẳng có gì tốt đẹp” cả. Mà cũng phải thôi, ai lại muốn con cái mình chơi cùng một người tính tình nóng nảy, quậy phá, cha mẹ thì mang nhiều tai tiếng.
Trước mọi sự ngăn cản và cấm đoán của thầy cô, ba mẹ, chúng tôi chưa từng chùn bước. Thay vì đợi tôi ở đầu con hẻm như mọi khi, chúng tôi lại hẹn nhau ở một con hẻm khác, khá vòng vèo. Để đánh lừa được mẹ, tôi lại vắt óc suy nghĩ ra bao nhiêu câu chuyện để mẹ không biết chúng tôi vẫn còn “qua lại” với nhau.
Hồi đó, tôi thường hay bắt cậu ấy hát bài Those years – Những năm tháng ấy, cứ đến đoạn “muốn nói anh chưa quên và sẽ không quên những năm tháng ấy” cậu ấy sẽ hét lên thật to.
Cũng là hồi đó, cứ nghĩ là sẽ chia xa nhau vì tôi có dự định lên thành phố học trường Nguyễn Khuyến, còn cậu sẽ dừng hẳn việc học mà phụ anh Nam – một người anh kết nghĩa thân thiết với cậu, làm nghề sửa xe.
Tôi chưa từng chê cậu mà còn bảo cậu ấy, đừng có suy nghĩ lung tung, tết về sẽ mua cho cậu ấy đôi bao tay da thật xịn để cậu ấy sửa xe. Ai ngờ tôi không phải là người đi, mà chính là người bị bỏ lại, mãi mãi.
Lỗi ở chúng tôi là một đứa quá nhanh, một đứa lại quá chậm. Bên nhau một năm, cậu đã tỏ tình hai lần, cả hai lần ấy, tôi đều ỡm ờ không nhận lời cũng không hẳn từ chối.
Khi quyết định đi học xa, tôi đã nghĩ rằng lên cấp ba rồi, lớn rồi, chắc yêu đương sẽ không bị cấm. Lúc đó, chúng tôi sẽ yêu xa như trong phim, tôi sẽ kể cho cậu ấy nghe vẻ đẹp, sự ồn ào của thành phố, rồi sẽ luôn có một người đợi tôi trở về, sẽ cố gắng hơn, rồi đường hoàng nắm tay nhau đi ngoài đường.
Ý định đi học một kỳ trở về sẽ nhận lời yêu cậu, ý định đó chưa và sẽ không bao giờ được thực hiện. Mọi thứ đã kết thúc khi tôi còn chưa tiến đến vạch xuất phát.
Thời gian cuối học kì, đứng trước một cánh cửa mới và sự lựa chọn mang tính quyết định tương lai, chúng tôi cãi nhau nhiều, như chưa từng, trong suốt một năm.
Tôi bướng bỉnh không nói chuyện với cậu ấy một tuần liền, lặng im và giận dỗi. Cậu không còn đưa đón tôi đi học nữa, mà thay vào đó, là ba tôi. Hôm ở lớp học thêm, lớp kết thúc, tôi ra trước hiên nhà thầy để đợi ba đến đón.
Trời mưa rồi, không quá to nhưng cũng không nhỏ, hơi nặng hạt. Sợ ba vất vả, tôi gọi điện cho ba bảo ba từ từ đến. Vì lớp học mới đã bắt đầu, tôi đành đứng đó nhìn mưa rơi từng đợt, trong đầu không có bất kì suy nghĩ nào khác.
Tôi không biết rằng một người bạn của chúng tôi đã nhìn thấy và báo cho cậu ấy. Cậu gọi điện cho tôi, bảo tôi đứng chờ, tôi đồng ý và tắt máy. Mười phút sau, cách xa chỗ tôi đứng khoảng chừng một trăm mét, có một tiếng động lớn và một đám đông.
Tôi đoán có thể là tai nạn giao thông, nhưng tôi vẫn luôn sợ những cảnh tượng ấy sẽ ám ảnh mình, chưa bao giờ đến gần. Hai mươi phút sau, tôi vẫn chưa hề biết, người nằm trong đám đông ấy, chính là cậu.
Người bạn của chúng tôi đã gọi điện báo tin, cậu đã gặp tai nạn trên đường đến đón tôi, cậu mất rồi. Tôi điếng người, lặng thinh, nước mắt rơi xuống và rơi vào trạng thái bất tỉnh, mọi chuyện sau đó, tôi không hề nhớ hay nói đúng hơn tôi không hề hay biết.
Ngày hôm sau, tôi tỉnh dậy, xung quanh là ba mẹ và gia đình tôi. Mọi chuyện đã không thể cứu vãn, nhưng điều vẫn dai dẳng ám ảnh tôi hằng đêm đó chính là việc sau khi ba cậu ấy mất, mẹ cậu ấy cũng bỏ nhà mà đi.
Suốt một năm trời, cậu đã tự vật lộn một mình, tự chăm sóc bản thân, tự trang trải tiền học và sinh hoạt phí.
Như một con người vô tâm, vô tình, tôi không hề hay biết. Cho đến lúc mất, cậu không có nỗi một người thân bên cạnh và một chốn để về. Đó chính là lý do mọi người quyết định hỏa táng. Cậu nằm đó, cô độc. Tôi đến, nắm lấy tay cậu, nước mắt lặng lẽ rơi.
Gặp nhau ở quán cà phê gần nhà, Nam đẩy chiếc bình sang phía tôi.
“Nó chỉ có mỗi anh và em, lúc trước nó nói với anh, em là một người rất quan trọng đối với nó nên anh sẽ để cho em quyết định hết mọi thứ” Nam nói.
Tôi nghe mà tựa hồ như không nghe, bởi vì, sự ân hận và tự trách đang giày vò tôi mỗi phút, mỗi giây. Mười bốn tuổi, tôi nên làm gì đây, tôi nên làm gì cho cậu ấy.
Cuối cùng, tôi quyết định sẽ gửi cậu ấy vào chùa, đó có thể là nơi mang lại sự ấm áp, dù tôi không chắc nhưng tôi hy vọng như thế. Tôi ước gì thời gian có thể quay lại, chắc hẳn kết cục này vẫn sẽ xảy ra nhưng tôi có thể đã không giận cậu ấy một tuần, không im lặng một tuần.
Nếu có thể quay lại lúc đó lần nữa, tôi mong rằng tôi sẽ nhiều chuyện hơn, trân trọng hơn lần nói chuyện ấy, mà nói nhiều hơn với cậu ấy một hai câu.
Tôi ước gì mình có thể chạy đến bên cậu ấy vào giờ khắc đó, nắm lấy tay của cậu ấy để cậu ấy có thể cảm nhận được sự ấm áp từ tôi, để cậu biết rằng sẽ luôn có tôi bên cạnh nên đừng sợ hãi. Hay, chỉ là cho cậu ấy nhìn thấy tôi, lần cuối thôi.
Nghĩ đến cậu ấy lúc đó, nằm trên nền đất lạnh lẽo, giữa cơn mưa nặng hạt, xung quanh không cha mẹ, không người thân và không cả tôi. Chắc cậu đã sợ hãi lắm, đã cô đơn rất nhiều, buồn tủi và tuyệt vọng rất nhiều, phải không?
Trong suốt thời gian sau khi cậu ấy rời đi, tôi chưa từng tha thứ cho bản thân. Tôi quyết định học tại trường làng, để được gần bên cậu. Trong một lần chuẩn bị sang đường để vào trường, tôi đã bị chiếc xe tải từ đằng sau hút mạnh lên, chiếc xe đạp văng lên không trung rồi rớt xuống, những mảnh vỡ văng tung tóe rồi nằm nát bét dưới bánh xe tải.
Người dân xung quanh hốt hoảng chạy ra, tìm kiếm cô bé trên chiếc xe đạp đó. “Đâu rồi?”, “Con bé đâu rồi?”, “Không phải có chuyện gì rồi đó chứ?” bao nhiêu câu nói, câu hỏi dồn dập của mọi người loáng thoáng, ẩn hiện trong đầu, tôi đưa tay ôm đầu.
Không phải họ không nhìn thấy tôi mà chỉ vì họ không thể tin với lực hút mạnh từ phía sau như vậy, tôi vẫn bình an ngồi bên vệ đường, như một người ngoài cuộc nhìn thấy cảnh tượng hãi hùng vừa xảy ra.
Nếu tôi nói rằng, trong tình huống nguy hiểm lúc nãy, tôi cảm nhận có một thế lực nào đó đã đỡ cho tôi, tôi có cảm giác như ai đó đã ẵm tôi vào vệ đường, đặt tôi ngồi xuống một cách bình an vô sự, mọi người có ai tin không?
Sự việc tôi gặp tai nạn nhanh chóng được thông báo cho mẹ tôi, mẹ cũng dạy trường gần chỗ đó. Nghe tin, mẹ hốt hoảng chạy tới, ôm lấy tôi ra sức hỏi han, mặc dù tôi hờ hững đáp rằng con không bị làm sao, con rất bình thường, nhưng nhìn chiếc xe chỉ còn là những mảnh vỡ, mẹ đã đưa tôi đến bệnh viện.
Tôi làm vô số kiểm tra, nhưng kết quả chỉ có một, tôi bình thường, chỉ bị sốc tâm lý nhẹ. Tôi trở về nhà, lòng trống rỗng. Hình ảnh cậu chạy dọc tâm trí tôi, nhẹ nhàng nhưng đầy ám ảnh, tôi mơ hồ cảm nhận được một người nào đó vẫn luôn bên cạnh mình, luôn tìm cách bảo vệ cho tôi cũng giống như cậu ngày đó.
Mẹ tôi bảo đã đi xem thầy, thầy nói “có một cậu thanh niên vẫn luôn đi theo và bảo vệ cho con bé”. Tôi khóc.
Tôi vẫn đều đặn đến thăm cậu vào mỗi năm. Như một sự ăn năn cho tội lỗi của mình, tôi chưa từng dám trao tình cảm cho ai khác. Tôi sợ, tôi sẽ quên đi cậu, quên đi tội lỗi của mình.
Sau khi cậu ấy ra đi, tôi vẫn luôn nhớ cậu, vào mỗi ngày. Tôi thường nghe lời bài hát này văng vẳng bên tai và tôi cũng từng nhâm nhẩm theo suốt một thời gian dài “chỉ cần em cho anh một lần thôi, cơ hội” (Hãy cho anh cơ hội).
Hồi đó, có lần ngồi sau yên xe đạp của cậu, cậu ấy từng nói sau này dù tôi có đi học xa, cũng sớm về, có yêu ai thì cũng để dành cho cậu ấy một cơ hội.
Vậy rốt cuộc, cơ hội là cái gì, tại sao đòi cho cơ hội rồi lại bỏ đi. Rồi tôi cũng đã bao lần định trao cho ai đó cơ hội, nhưng chỉ nhận lại những sự thất vọng thảm thương, cơ hội đó tôi chưa trao tận tay, đã bị người ta vô tình ném xuống đất. Có lẽ mọi thứ, đáng với tôi.
Ba năm sau ngày cậu ấy rời xa tôi, mẹ cậu ấy trở về. Cũng tại góc quán đó, tôi, anh Nam và bà ấy ngồi đối diện nhau. Nhìn thấy người phụ nữ đã sinh ra cậu ấy, giờ đã thay đổi khá nhiều, xinh đẹp và quý phái, bên cạnh là cậu con trai bụ bẫm, trắng trẻo, sạch sẽ, chẳng hiểu sao nước mắt tôi tuôn trào, không thể kiềm chế được.
Dựa vào cái gì chứ? Dựa vào cái gì cùng là con mà một đứa không có tình thương của mẹ, cha cũng không còn. Một đứa thì sống trong nhung lụa, đầy đủ vật chất và cả tình thương.
Tại sao bà ta lại không dành cho cậu ấy chút tình thương, tại sao bà ấy không trở về sớm hơn, tìm cậu ấy sớm hơn, thì có thể cậu đã không cô đơn đến như vậy, cho đến lúc mất, cũng chỉ một mình.
Tôi tức giận thay cậu ấy, dù chẳng biết bản thân có quyền gì, lấy tư cách gì để phẫn nộ, để tức giận, để khóc lóc thảm thiết như vậy. Nhưng tôi vẫn đang khóc.
Cho đến khi tiếng của người phụ nữ đó vang lên, phải chi là câu khác hay đơn giản là một câu cảm ơn thôi, tôi cũng sẽ bỏ qua tất cả. Nhưng, người phụ nữ đó đã nói “Cô trở về là muốn đưa con trai của cô đi”.
Bốn chữ “con trai của cô” đã làm tôi bộc phát tất cả, tôi gần như hét toáng vào mặt người phụ nữ đó, trong cảm xúc nghẹn ngào, uất hận “Con trai của cô ư?
“Cô nghĩ mình là ai mà nói câu đó, trong suốt thời gian mà cậu ấy cần cô nhất thì cô đang ở đâu?”, “ Cô sống như thế nào, có bao giờ cô nghĩ về cậu ấy, dù chỉ là một chút không?”, “ Có bao giờ cô nghĩ cho cậu ấy, xót thương cho cậu ấy cô độc ở lại căn nhà đó, cha mất, mẹ bỏ đi, gia đình nợ nần, tai tiếng”
“Có bao giờ cô nghĩ cho tâm trạng của cậu ấy không? Rồi cho đến lúc mất, có bao giờ cô nghĩ cậu ấy đã cô đơn, đã tuyệt vọng, đã tiếc nuối như thế nào không? Muốn đưa cậu ấy đi à? Cô không có tư cách”.
Tôi đứng lên, vùng chạy ra ngoài một cách vô định. Tôi cứ chạy như vậy, trước mắt tôi là màn nước mờ ảo, cho đến khi tôi định thần lại thì đã thấy bản thân đứng trước chùa. Tôi gạt nước mắt bước vào.
“Mẹ cậu đã trở về, cậu có vui không?”.
Tôi cố chấp không cho người phụ nữ ấy mang cậu đi, cũng chỉ vì chỉ còn có cậu là nơi duy nhất tôi tìm về, mỗi khi nhớ đến. Tôi vô cùng hối hận khi đã đốt hết tất cả vật kỉ niệm mà tôi và cậu ấy có với nhau.
Tôi sợ một lúc nào đó tôi nhận ra mình không sao nhớ rõ từng đường nét trên gương mặt của cậu nữa, mọi thứ trở nên mơ hồ và rỗng tuếch. Mặc dù, tôi cũng rất sợ cảm giác nhớ cậu.
Nam hẹn tôi vào một buổi chiều, anh khuyên tôi nên buông bỏ vì tuổi tôi còn rất trẻ, còn tương lai dài phía trước.
“Anh tin rằng cậu ấy cũng không muốn nhìn thấy em buồn như thế này đâu, hãy buông tay cho cậu ấy về với gia đình, về với hơi ấm tình thân đi em. Dẫu sao, đó cũng là gia đình, chúng ta dù gì cũng chỉ là…”.
Anh dừng nói, ánh mắt nhìn về nơi xa xa, tôi hiểu điều anh đang bỏ lửng đó. Một thời gian sau, tôi đồng ý từ bỏ để cậu ấy về bên mẹ.
Mỗi năm, vào ngày sinh nhật của cậu ấy, tôi vẫn cố tỏ ra mình ổn, cố gắng bận rộn thật nhiều nhưng hình ảnh của cậu vẫn quanh quẩn trong tim của tôi.
Tôi đau xót khi nghĩ đến ngày hôm đó, tôi đã không thể ở bên cạnh cậu ấy. Giày vò, tự trách cũng đâu giảm được phần nào tội lỗi của mình nhưng tôi vẫn không ngăn được bản thân thôi như thế.
Tôi biết nói như thế này trông tôi thật thảm hại và đáng thương, nhưng hãy để tôi buồn vào ngày này mỗi năm. Rồi tôi sẽ vui hoặc cố vui, ổn hoặc cố ổn.
“Hôm nay, là sinh nhật 24 tuổi của anh rồi, em đã cố gắng quên đi, vì em đang ở một nơi khác không phải là nhà, một nơi dễ khiến em yếu lòng lắm. Nhanh thật, chàng trai 15 tuổi năm đó dốc lòng vì em nay đã 24 , em của năm 14 tuổi giờ cũng sắp lên 23”.
“Anh làm bạn với em một năm, đem lòng thương em hai năm, em dành lại 8 năm thanh xuân để đền cho anh, chỉ có anh trong lòng, chưa hề chạm tay bất cứ ai. Ít nhất trong suốt ngần ấy năm, bàn tay ấm áp này của em, chỉ dành để nắm tay anh hôm đó mà thôi”.
“Em mong rằng người ta nói đúng, anh đã uống chén nước gì đó, và quên em rồi. Cứ để em sống, biết ơn anh và nhớ về tất cả như một món quà, cũng như một hình phạt, nha anh. Hãy tha thứ cho sự ngốc nghếch năm đó của em, và bình yên ở một nơi nào đó, tuổi mới hạnh phúc nhé! Em xin lỗi”.
“Anh à, đối với em, anh mãi là một điều tuyệt vời nhất. Ngủ ngon, anh nha. Và thanh xuân này, chúng ta ai cũng có thật nhiều nỗi buồn nhưng nhất định sẽ có một nỗi buồn mang tên hạnh phúc”.
© Tác giả ẩn danh - blogradio.vn
Xem thêm: Tuổi 18 và rung động đầu đời
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Dịu dàng trong đời (Phần 1)
Cô vì sao không buông được ngay cả chính cô cũng không biết, nếu nói là còn yêu thì cũng không phải, nếu nói là không còn yêu thì cũng không đúng. Chỉ là không thể buông, nó cứ day dứt giày xéo trái tim cô, muốn quên đi nhưng lại chẳng thể quên, muốn buông bỏ nhưng lại chẳng nỡ.
Ngôi nhà tiền kiếp
Trong giấc mơ, cô thấy mình đang ở một ngôi nhà quen thuộc với những con người quen thuộc nhưng lại không phải là những người thân hiện tại mà cô đang sống cùng. Phải chăng đây là gia đình cô, nhà của cô từ kiếp trước?
Giấc mộng và hiện thực
Bài học đầu tiên khi tôi bước chân vào xã hội rộng lớn này là ước mơ thì luôn đẹp như vậy đẹp đến nỗi ta quên đi giữa kẽ những giấc mơ đó là hiện thực tàn nhẫn ra sao.
Những điều chưa kịp nói
"Tớ không biết phải làm thế nào để nói với cậu rằng tớ thích cậu. Mỗi ngày nhìn cậu cười, nghe giọng nói của cậu, tớ thấy lòng mình vui đến lạ. Tớ muốn bảo vệ cậu, muốn ở bên cậu mãi mãi, nhưng tớ không đủ can đảm để nói ra. Tớ sợ nếu cậu biết, chúng ta sẽ không thể tiếp tục như bây giờ nữa. Vậy nên, tớ chọn cách im lặng, dõi theo cậu từ xa. Có lẽ như vậy là đủ rồi."
Cảm ơn mẹ vì tất cả
Dù mẹ tôi có thể không hoàn hảo nhưng luôn yêu thương tôi theo cách hoàn hảo nhất. Việc tôi có được tất cả những điều tốt đẹp nhất trên đời đều nhờ có mẹ.
Những kẻ mộng mơ
Anh đổ thừa cho cà phê làm anh mất ngủ, anh quy trách nhiệm cho thời tiết khó chịu khiến anh không thể chợp mắt nhưng thực lòng anh chỉ suy nghĩ về em, về những nguyên do hai ta không còn hợp, về những gì anh đã làm, đã sai.
Thanh xuân của tôi
Cảm giác nghẹn ngào dâng lên, khiến tất cả chúng tôi đều biết rằng, dù có trải qua bao nhiêu năm tháng, thì những ký ức này sẽ mãi in đậm trong trái tim.
Mây đợi ai nơi ấy
Không còn một Pha Lê áo thun trắng quần jin xanh đóng thùng hăm hở với bao nhiêu công việc xã hội, bây giờ chỉ còn một cô giáo Pha Lê dịu dàng nữ tính trong tà áo dài mỗi ngày đến lớp đến trường.
Giá như...
Hành trình của mỗi người là khác nhau, đoạn đường người ghi dấu vì thế cũng muôn vàng khác biệt. Nhành diên vĩ um tùm nhưng lại dễ gãy đổ trong gió, những cảm xúc cả buổi ban đầu có chắc gì nguyên vẹn đến mai sau.
Hồi ức chuyến tàu cuối về Sài Gòn – 1985
Tối hôm đó, Ngọc Lan trở về nhà với bao suy nghĩ. Câu hát “I don't know why, you said goodbye…” cứ vang mãi trong đầu cô. Cô cười thầm, tự hỏi liệu có phải mình đã rung động trước chàng trai tốt bụng ấy không.