Phát thanh xúc cảm của bạn !

Tết đoàn viên, trọn vẹn tình thân

2024-01-04 05:25

Tác giả: hạt cát ngoài xa


blogradio.vn - Ủ rũ mãi như thế cũng chẳng phải cách hay, mấy năm trước Thiên Vân đã bỏ lỡ quá nhiều. Thế nên kì này cô muốn mình sẽ đón Tết giống hệt như ở quê.

***

Mỗi khi ngày Tết gần kề chắc hẳn cái hương vị náo nức rộn ràng của bà con chòm xóm gần xa. Tất bật dọn dẹp nhà cửa, đua nhau sắm sửa đồ mới cho gia đình. Từ bé cho đến lớn đều được trải qua rất chi là thân thương, không năm nào giống với năm nào. Nhưng khi trưởng thành và phải lập gia đình ở nơi đất khách quê người, thì dù cho bao nhiêu năm trôi qua vẫn không bao giờ quên được cái Tết truyền thống ở nơi chôn rau cắt rốn.

Tháng giêng ở quê nhà vào buổi sáng sớm. Có mây trắng lượn lờ giữa trời xanh trong, đến ban trưa thì lên nắng nhẹ, gió trời thổi hiu hiu, mát mẻ. Còn tháng giêng ở nơi xa xứ lại là một mùa đông dài dằng dẵng, lạnh từ da thịt cho đến lòng người.

Ngồi ở trong nhà, trước lò sưởi, nhìn qua ô cửa kính to lớn. Toàn bộ chỉ thấy một màu trắng xoá của tuyết che phủ hết khắp mặt đường. Cầm ly cà phê nóng trên tay, Thiên Vân đăm chiêu về phía xa xa nơi mái nhà lớp tuyết dày đặc, trải đều theo thứ tự từ lớn đến nhỏ dần, rồi biến mất hút. Cô thầm nhủ rằng: “Nếu bây giờ ở Việt Nam chắc sẽ vui lắm!”

Bỗng dưng giọng nói cất lên gọi Thiên Vân quay về với thực tại.

“Bà xã, anh đi làm đây. Chắc là tối nay anh sẽ về muộn đó, có gì em cứ ăn tối trước đi nha!” Chồng của Thiên Vân, một nhân viên bất động sản thường xuyên đi nhiều nơi để gặp gỡ khách hàng, lịch làm dày đặc cộng thêm thời gian làm việc không cố định. Do vậy, không năm nào Thiên Vân được ăn Tết trọn vẹn cùng chồng.

“Mấy ngày nữa là tết Nguyên Đán, anh đã xin nghỉ phép để đón giao thừa với em chưa?” Đôi mắt Thiên Vân hằn lên sự tha thiết, chờ mong.

Anh chồng không trả lời ngay, mang giày xong xuôi rồi nhìn sang vợ mình. Có lẽ anh cũng hiểu mấy năm trước bản thân anh đã hứa suông quá nhiều. Nhưng vì công việc, mất một ngày làm sẽ bị hụt tiền ngày đó. Đã vậy còn bị ảnh hưởng đến việc thăng chức. Muốn nghỉ một ngày, cũng phải mất cả tháng trời lưỡng lự.

“Không được. Ngày mai anh phải bay đi công tác rồi, chắc tuần sau mới về. Đợi đến năm sau anh được làm quản lý, lúc đó sẽ đưa em về Việt Nam để ăn Tết nha, bà xã!”

Thiên Vân đặt mạnh ly cà phê xuống bàn, đổ ra vài giọt. Giọng điệu giận dỗi cất lên.

“Anh đã hứa với em rồi, sao bây giờ tự nhiên lại đi công tác? Ngay cả em cũng đã xin nghỉ phép để tụi mình có dịp ăn bữa cơm giao thừa với nhau mà.”

Anh chồng lại gần chỗ Thiên Vân đang ngồi, quàng tay qua đôi vai thon gầy rồi thỏ thẻ năn nỉ.

“Năm nào cũng có Tết mà có mất đi đâu mà sợ. Công việc lần này quan trọng lắm. Anh không thể không đi được, cho anh xin lỗi!” Anh chồng dứt câu, rồi vội vã ra xe đi làm.

Thiên Vân nghe vậy trong lòng còn buồn tủi hơn. Từ khi cưới nhau, anh chồng đã thất hứa bao nhiêu lần. Lần nào cũng là một mình Thiên Vân lẻ loi đón Tết. Đã thế còn phải nói dối với mẹ mình là ở đây năm nào cũng được ăn Tết vui vẻ, để mẹ ở xa khỏi phải lo lắng.

Ở xứ đồng không mông quạnh này, nếu được ăn mâm cơm giao thừa với người thân. Dù lạnh đến mức nào cũng đều cảm thấy ấm lòng vô cùng cực. Ủ rũ mãi như thế cũng chẳng phải cách hay, mấy năm trước Thiên Vân đã bỏ lỡ quá nhiều. Thế nên kì này cô muốn mình sẽ đón Tết giống hệt như ở quê.

Ngoài trời âm gần hai mươi độ hơn, Thiên Vân mặc rất nhiều lớp áo để giữ ấm cho cơ thể. Tiếng bước chân lộp độp trên đống tuyết dày làm cho Thiên Vân nhớ lại thời gian trước đây cùng với mẹ xách giỏ đi chợ. Hai hình ảnh khác xa nhau một vực, nơi cô đang đi chẳng thấy một bóng người nào, chỉ có hàng cây khô đọng băng tuyết lạnh giá. Còn khi đi với mẹ, người người đông đúc ngoài chợ. Các cô các chú trải tấm phủ xanh ở dưới cái nắng vàng ươm, bày toàn là rau củ xanh rờn, đủ các loại trái cây tươi ngon bắt mắt.

Còn khi nhìn vào đống dưa hấu ở siêu thị, giá cả đắt đỏ lại còn quả to quả nhỏ không được đều màu. Bỗng có tiếng nói vọng ra từ trong đầu Thiên Vân, ký ức lại ùa về.

“Con gái lớn rồi, có biết lựa một quả dưa tốt là như thế nào không?”

“Con có mẹ rồi thì cần gì biết nữa!” Thiên Vân nắm lấy tay của mẹ rồi tựa đầu vào vai bà nũng nịu.

“Hay quá hả, mai mốt đi lấy chồng mà không biết thì người ta đánh giá nha con.” Nói xong, bà cầm trái dưa lên chỉ bảo cho con gái. Búng vào vỏ dưa mà phát ra tiếng bịch bịch giòn giã. Đó mới là quả ngon, ngọt và nhiều nước.

Thiên Vân cũng làm theo, nhưng sao cô nghe trái nào cũng y hệt như nhau. Ròng rã mấy phút đành phải bỏ cuộc, cô chọn bừa một trái bỏ vào trong xe đẩy. Đi loanh quanh trong siêu thị, Thiên Vân cũng chọn mua thức ăn và đồ lễ cúng bái cho đêm ba mươi, xem như khá đầy đủ và kỹ lưỡng.

Về đến nhà, Thiên Vân bắt tay vào làm ngay. Cô treo lên trước cửa hai cái đèn lồng đỏ, ở cửa sổ là dây pháo, còn ở phòng khách thì treo hai câu đối đặc trưng cho ngày Tết. Trang trí khắp nhà làm tăng thêm không khí rộn ràng, tạm rũ bỏ đi nỗi nhớ quê nhà. Xong, Thiên Vân đem cái bàn nhỏ ra đặt ở ngay gần cầu thang, trên đó chưng mâm ngũ quả, dưa hấu hai bên cùng với bánh mứt thơm ngọt. Nhìn sơ qua một lượt tự dưng vài kỷ niệm lại hiện ra trong vô thức. Tự cười một mình nhớ lại. Hồi đó Thiên Vân cũng phụ mẹ bày bánh trái lên bàn thờ gia tiên, còn cùng với cô dì chú bác gói bánh chưng, bánh tét. Đã vậy còn được trò chuyện với mấy anh chị họ hàng thâu đêm, trong lúc chờ bánh chín. Mải mê tám đến quên trời quên đất rồi cả đám bị rầy vì vớt bánh trễ, nhưng có đứa nào sợ đâu còn chụm đầu lại cười khúc kha khúc khích.

Thiên Vân nhớ tới tự bật cười thành tiếng, mắt ngấn lệ nhưng cố đẩy ngược vào trong.

Ký ức tạm dừng ở đó. Tiếp theo, cô bắt tay vào bếp nấu nướng. Lần đầu tiên làm món thịt kho, Thiên Vân bỡ ngỡ dữ lắm. Không biết bắt đầu từ bước nào, cô bèn vào điện thoại lên mạng xem hướng dẫn. Thoạt qua có vẻ trông thì dễ lắm. Nhưng đến phiên mình làm Thiên Vân mới thấy nó khó hơn là cô tưởng. Vậy mà cái cảnh một mình mẹ già cặm cụi trong bếp nấu tận mấy món, cô còn không thèm ngó tới mà học. Giờ hối hận thì đã muộn. Mấy tiếng đồng hồ trôi qua cũng chẳng đâu vào đâu. Nồi thịt biến thành than đen, mùi khét nồng nặc khắp nhà. Thiên Vân ngồi sụp xuống đất khóc to trong sự cô đơn của chính mình.

Cảm thấy bí bách không còn chịu đựng được nữa. Thiên Vân đưa ra một quyết định ngay trong tích tắc.

Bấy giờ ở quê, bà Nhàn đang ngồi lụi cụi với mấy cái rổ củ kiệu ở trước hiên nhà. Nhìn hàng xóm đi qua đi lại, người này có con cháu về thăm, người kia nườm nượp về lại xứ quê sông nước để kịp đón giao thừa. Nghĩ lại do con mình ở xa quá, cách nửa vòng trái đất. Cũng may tụi nhỏ có chỉ cách bà Nhàn gọi điện thoại theo công nghệ hiện đại, có thể thấy mặt mũi qua cái màn hình bé tí. Có điều, gầy ốm thế nào cũng không chạm vào được. Chợt, ông Tư kế bên nhà vọng tiếng sang hỏi lớn.

- Năm nay con Thiên Vân nó có dìa thăm chị không đó?

Bà Nhàn đang cắt củ kiệu, cũng trả lời lại:

- Trời ơi, nó ở nước ngoài bận việc suốt ông anh ơi. Vợ chồng nó muốn về cũng khó với lại tốn kém lắm. Có gọi về cho tui là vui rồi.

- Nói vậy cũng đâu được đâu bà chị, mấy năm rồi chứ ít ỏi gì. Ít ra phải tranh thủ dìa, đặng ăn Tết với mẹ nó chứ. Bỏ mình ênh chị sao mà được. - Ông Tư phản ứng thẳng thắn.

Bà Nhàn nghe vậy cũng chạnh lòng, trong tâm thương nhớ con mình da diết lắm chứ, nhưng đâu thể trách được. Con gái lớn là phải theo chồng, phải lo toan chu đáo cho gia đình của tụi nó. Còn mình già rồi, ở một mình riết cũng quen. Bà Nhàn đứng dậy, âm thanh răng rắc hai bên đầu gối, gắng gượng bưng thau củ kiệu vừa cắt xong vào nhà trong. Sắp tới giao thừa, bà lo không biết Thiên Vân có chuẩn bị xong hết mọi thứ ở bên đó hay chưa? Bà biết con mình suốt ngày đầu tắt mặt tối, nhưng mong rằng nó không quên truyền thống của ông bà dù ở nơi đất lạ.

Chuyến xe khách từ sân bay lăn bánh tầm khoảng sáu tiếng đồng hồ cũng đã dừng lại ở làng quê hàng dừa xanh mướt. Mùi hương lúa chín ngào ngạt, dễ chịu đến lạ.

- Dạ, con cám ơn!

Thiên Vân cúi đầu với ông bác khuân hành lý xuống xe giúp mình. Đúng là quê hương nơi mình sinh ra, sự ấm áp xung quanh khiến tâm hồn thư thái hẳn ra rất nhiều. Mới vài năm đó thôi tất cả đều thay đổi không ít. Riêng mùi hương của đất mẹ là không bao giờ biến mất. Kéo hành lý từ đầu ngõ vào trong nhà, lòng cô bồi hồi xốn xao lạ kỳ. Vài người hàng xóm nhận ra Thiên Vân, chạy tới chào hỏi mừng rỡ và không quên nhắc đến bà Nhàn cứ luôn miệng khen cô hiếu thảo, giỏi giang như thế nào!

Cô nhanh chân về tới trước cổng, ngôi nhà vẫn nguyên xi như trước, khác đi một chút là sự hiu quạnh và trống trải. Thiên Vân tự mở cửa đi vào, không thấy mẹ đâu. Lúc đó cô lấy điện thoại từ trong túi áo rồi gọi cho mẹ để tạo sự bất ngờ. Mới có đổ vài tiếng chuông thôi là bà Nhàn bắt máy lên liền.

Lúc thấy bà Nhàn cười tít mắt, hỏi tới tấp. Trong lòng đã xúc động nhưng cô vẫn kịp nén lại.

“Sao bây giờ mới gọi hả con? Vợ chồng có khỏe không? Tết nhất tới nơi có sắm sửa gì cho chồng con chưa?”

Thiên Vân bước vào bên trong nhà sau, hình dáng người phụ nữ quan trọng nhất của cuộc đời mình vừa mới quay lưng thắp nhang cho ông bà tổ tiên. Thấy mẹ gầy đi và già hơn nhiều quá, cô không giữ được hai hàng nước mắt. Mặc nhiên để nó tuôn ra, giọng điệu run run ngân lên.

“Mẹ ơi, con về với mẹ nè.”

Bà Nhàn với chiếc điện thoại trên tay, bỗng nhiên nghe thấy vang lên hai giọng nói, quay ngoắt người lại về phía sau. Mắt tuy có kém đi, nhưng vẫn thấy rõ mồn một con gái của mình đang đứng ở trước mặt. Bà Nhàn vỡ oà, chạy lại ôm con thắm thiết. Miệng trách mắng Thiên Vân, về lại không báo trước để bà ra đón.

Quá đỗi xúc động khiến Thiên Vân không nói được gì. Cô chỉ biết xin lỗi mẹ thật nhiều vì đôi lúc tham công tiếc việc, bỏ quên luôn khoảnh khắc thiêng liêng với gia đình. Cô để lại lá thư cho chồng rồi tự thân về nước. Tiền bạc dù có làm ra nhiều đến mấy cũng đâu mua được mâm cơm giao thừa thiêng liêng. Bản thân Thiên Vân nhận ra giờ đây không gì quan trọng hơn việc về nhà ăn Tết, dẫu cho khoảng cách địa lý có xa. Hay dù bận bịu cách mấy xin hãy nhớ rằng.

“Tết là sum vầy, là đoàn viên, là tình thân.”

© hạt cát ngoài xa - blogradio.vn

Mời xem thêm chương trình:

Giá Như Anh Hiểu Em Sớm Hơn Phần 2 | Blog Radio 896

hạt cát ngoài xa

Chúng ta chỉ là những hạt cát bé nhỏ ở giữa thế gian này thôi.

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Yêu nhau từ thưở mười hai

Yêu nhau từ thưở mười hai

Vậy đó, đã được gặp người ấy, đã vào tiết học của người ấy là anh cứ bị cuốn đi như đang say giấc nồng vậy, và anh cứ mang theo hết những gì của người ấy trao đến anh trong ngày hôm ấy để cùng vui, cùng hớn hở và cùng bên nhau thiết tha hơn nữa cho những tiết học tiếp theo.

Chuyện của mùa Hè

Chuyện của mùa Hè

Mùa hè xứng đáng là một khoảng thời gian tuyệt vời dành riêng cho một đứa kì dị như tôi vậy. Khi chẳng có gì làm thì có thể nghĩ ra hàng tá kế hoạch riêng cho bản thân.

Tự giận dỗi

Tự giận dỗi

Anh vẫn nhớ chút trần gian vụng dại Anh vẫn nhớ mùa yêu tình sang trang Anh phải yêu và phải vẽ dung nhan Cho tim chết cho hồn không đọng lại

Cung đàn vang khúc tình ca

Cung đàn vang khúc tình ca

Cũng như bản tỉnh ca thiết tha nhất, như muốn được gởi đến khắp nơi một ước mơ to lớn nhất và cũng đơn giản nhất của thầy và của toàn trường về một ngôi trường mới. Ước mơ đó đã được bày tỏ đã được bay xa trong lời ca tiếng hát trong tiếng đàn da diết của chính trái tim thầy

'Thiền' của Osho hay câu chuyện không thể lý giải bằng lời

'Thiền' của Osho hay câu chuyện không thể lý giải bằng lời

Cuốn sách "Thiền" của Osho đã đưa ra một cái nhìn sâu sắc về thiền định, một con đường mà không phải lúc nào cũng dễ dàng để lý giải bằng lời nói.

Yêu xa

Yêu xa

Dù chỉ là một cuộc hẹn ngắn ngủi, nhưng mỗi lần được ở bên nhau, chúng tôi đều tận hưởng từng khoảnh khắc và tận dụng thời gian để tận hưởng hạnh phúc. Những kỷ niệm đẹp và những giây phút ngọt ngào ấy đã giúp chúng tôi cảm thấy động viên và tiếp tục bước đi trên con đường yêu xa.

Người có đáng kết giao hay không, chỉ cần nhìn vào thái độ của họ đối với 4 ĐIỀU này thì tỏ tường ngay

Người có đáng kết giao hay không, chỉ cần nhìn vào thái độ của họ đối với 4 ĐIỀU này thì tỏ tường ngay

Cổ nhân có câu: “Hổ báo không thể cưỡi, lòng người cách một tầng da bụng”.

Lũ trẻ của rừng núi

Lũ trẻ của rừng núi

Nhưng tôi chưa bao giờ hỏi mẹ tôi tại sao học sinh lại quý mẹ như thế, tôi chỉ nhìn chăm chăm vào khung cảnh viễn tưởng mà mình tạo ra, mà quên mất mẹ tôi đã cống hiến biết bao nhiêu năm tháng ròng rã cho những búp măng non trẻ ấy.

Rồi một ngày...

Rồi một ngày...

Không một ai trong chúng ta có thể chấp nhận nổi người thân ra đi ngay trước mắt mình, và bây giờ thì tôi cũng vậy! Tôi cũng sợ mất bố, tôi cũng sợ mất mẹ và tôi cũng sợ một ngày nào đó, mình trở thành mồ côi...

back to top