Ta có lạc nhau lần nữa không?
2021-05-19 01:24
Tác giả: Ommani
blogradio.vn - “Anh chẳng khi nào đủ tư cách để hỏi em có thể đến với anh không. Nhưng nếu một lúc nào đó, em muốn quay lại đây, hãy nói với anh, căn nhà này luôn chào đón em. Đó sẽ là món quà vô giá nhất mà anh có trong đời này”.
***
Tôi dạo bước trong khu chợ phố núi vùng cao mà không biết mình đang tìm kiếm điều gì. Phố núi mù sương, người với người chỉ cách nhau vài ba mét là đã không nhìn rõ mặt nhau. Sương kéo đến dày đặc che khuất tầm nhìn rồi lại tan tác trong thoáng chốc, rồi lại rủ nhau ùa về bất ngờ. Nhịp sương dìu dặt đến rồi đi làm tôi nhớ lại một huyện miền núi khác cũng nhiều sương như thế.
Ngày ấy tôi là một sinh viên xa nhà, xuôi phương Nam trong hành trình đi tìm kiến thức. Anh trai tôi xa nhà làm việc tại một huyện miền núi phía Bắc. Trong tâm thức của tôi, anh là người đàn ông tốt nhất. Trong suy nghĩ của anh thì anh có thể khổ thế nào cũng được nhưng nhất định không để em gái chịu khổ. Sau hai mươi năm sống chung với bố mẹ, chúng tôi đều phải rời mái ấm để đi theo cuộc sống riêng của mình, lại ở hai nơi cách xa nhau cả nghìn cây số. Không yên tâm vì em gái đi xa một mình, không người thân, không bạn bè nên anh thường xuyên gọi điện cho tôi. Trong câu chuyện của anh với mọi người cũng luôn xuất hiện hình bóng tôi. Những người bạn của anh khi hỏi về gia đình tôi thì điều sâu đậm nhất mà anh kể cũng lại là tôi, đứa em út lúc nào cũng bé bỏng trong suy nghĩ của anh.
Mùa hè nào anh cũng bảo tôi ra Bắc và về đơn vị của anh. Những người bạn của anh còn hồi hộp chờ đón tôi hơn cả anh, để xem cô em gái thế nào mà chiếm hết tâm trí anh. Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên tôi ra thăm anh. Xe bus thả tôi xuống điểm mà anh đã dặn. Từ đó đi vào nơi anh ở mất thêm sáu chục cây số nữa nhưng là đường núi, lên lên xuống xuống, quẹo qua quẹo lại, một bên là vực, một bên là núi sẵn sàng lở đất khi mưa xuống. Lúc đó con đường dẫn vào chỗ anh vẫn là đường đất và nhỏ nên ô tô không chạy qua. Anh và những người bạn đã chạy xe máy ra đón tôi. Tôi cứ nghĩ chỉ mình anh ra đón thôi, thế mà sau anh còn bốn năm người nữa, mỗi người chạy một xe máy ra chỉ để đón mình tôi.
“Sao họ chạy theo anh ra đây làm gì cho khổ” – tôi nói nhỏ với anh mình
“Giờ em thích ngồi xe ai thì ngồi” – Anh tôi nói trong tư thế rất tự hào.
Tất nhiên là tôi sẽ ngồi sau xe anh trai tôi rồi, chứ ai lại chọn ngồi xe người lạ. Nhưng anh tôi bảo họ không đồng ý đâu, và anh đã đồng ý là để em ngồi xe họ rồi, anh bảo tôi tự chọn đi. Tôi bắt đầu thấy các anh có khả năng tấu hài trong im lặng. Các anh ấy không nói gì nhiều mà chỉ đứng nghiêm chờ đợi. Tôi liền tung chùm chìa khóa trong tay lên không trung. Mọi người nhào ra tóm lấy chìa khóa, chỉ riêng Đông lại giơ tay ra phía sau đỡ lấy tôi, vì lúc tung chìa khóa tôi đã nhún chân và trượt vào hòn sỏi. Anh tôi thấy thế liền bảo rằng:
“Kết quả đã rõ rồi nhé. Đông chở nó về cho tôi”.
Lần đầu tiên tôi được trải nghiệm cảm giác nguy hiểm khi đi trên cung đường miền núi. Tôi cảm thấy sợ hãi và căng thẳng, hình dung như đất đá trên núi có thể ầm ầm lao tới phủ kín chúng tôi. Giá như người ngồi phía trước là anh trai tôi thì tôi đã ôm chầm lấy anh. Đông vừa chạy xe từ từ vừa nói với tôi về những cơn mưa đất từ trên núi lở xuống, về những dòng suối vắt ngang đường đi có thể dâng nước cao ngập người, về những đám mây và sương trắng ở dưới thung lũng. Tôi không tập trung nghe được vì cảm giác sợ mỗi khi anh phải đổ dốc. Anh bảo tôi cứ ôm lấy anh nhưng tôi vẫn giữ chặt tay vào yên xe chứ không chạm vào người anh.
Đến giữa đường, chúng tôi vào nghỉ trong một lều trại bán nước bên đường. Anh tôi gọi bảy bát chè trong khi chúng tôi có tất cả tám người. Mọi người lẫn chị chủ quán đều ngạc nhiên, trong khi tôi nói chị nhớ cho tám chiếc thìa ăn. Tới khi chị mang ra đầy đủ, mọi người ồ lên vì tôi và anh trai ăn chung một bát. Sau khi ăn xong bát chè ấy, anh tôi gọi thêm một tô tào phớ và lại hai cái thìa. Lúc trên đường về, Đông hỏi tôi tại sao lại như thế, tôi chỉ cười, đơn giản đó là thói quen thôi.
Sau bữa tối các anh dẫn tôi vào trong khu dân cư, đó là nơi tập hợp cả người Kinh và người Dao nên mô hình sinh sống không giống bản, cũng không hoàn toàn giống làng dưới xuôi. Tôi thấy có một số người nhìn chằm chằm rất kỹ vào tôi. Lúc ấy tôi ăn mặc khá kỳ quặc, một chiếc quần kaki rộng có nhiều túi dọc ống quần, một chiếc áo thun lại cột xéo một bên. Tôi nghe thấy trong nhóm người đang nướng khoai, nướng ngô, một chị nói “Hình như đó là bé Quyên, em anh Tùng đó”. Tôi đoán rằng các anh rất hay vào đây chơi thì họ mới biết về tôi như thế. Tôi chủ động tiến tới chỗ chị rồi nói chuyện. Chị ấy kể rằng vào những lúc rảnh rỗi các anh thường tới đó chơi, uống nước rồi mua ngô, khoai nướng. Nhưng đôi khi việc mua ngô khoai chỉ là phụ, còn tìm bạn gái là chính. Nghe thế, tôi chợt nhìn quanh một vòng, đúng là những người bán hàng tối ở quanh đó đều là các chị em tầm đôi mươi. Tôi nhận thấy có một chị trông rất xinh cứ len lén nhìn về phía anh Đông. Anh trai tôi bảo chị ấy tên là Minh, chị ấy thích anh Đông. Nghe thấy anh trai xui vào tai như thế, tôi liền kéo ghé ngồi tránh xa anh Đông một đoạn. Không ngờ anh Đông liền giữ tôi lại và bảo:
“Con bé này, sao thế?”
“Nóng, nóng quá, các anh chắn hết gió của em, nên em phải lùi lại để thở”
Đông liền chạy tới gần bếp nướng, mượn cái quạt tay rồi quạt cho tôi. Thật là thêm dầu vào lửa mà. Khi ngô chín, Đông nói tôi và anh ăn chung một bắp, để anh vẽ hạt cho tôi ăn. Anh trai tôi bảo không được. Đôi co một lúc thì cả ba chúng tôi ăn chung một bắp ngô. Mọi người nhìn cảnh tượng đó y như nhìn thấy người ngoài hành tinh vậy. Tôi nói chị nướng ngô cho tôi một bắp riêng nhưng hai anh đã ngăn lại.
Ban ngày khi các anh bận công việc, tôi thường theo mấy cô công nhân xuống chợ và phụ bếp. Tôi không biết rằng trong số những người nấu bếp ở đó có cô Lan là mẹ chị Minh. Hôm ấy cô tự nói cho tôi biết. Cô còn kể lại lần anh Đông đi đám cưới, bị say rượu rồi ngủ lại nhà cô. Xong cô lại hỏi tôi sau này có dự định trở về Bắc không, và tôi chưa kịp trả lời thì cô tự khẳng định rằng chắc tôi sẽ không trở về. Cô còn nói thêm rằng các anh ở đó đều xem tôi như em gái.
Mùa hè sắp hết, tôi muốn về nhà nhưng hôm đó anh tôi lại bận công việc. Anh Đông nói sẽ chở tôi về tận nhà, còn anh trai tôi bảo Đông là bạn tốt nhất của anh nên tôi có thể đi bất cứ đâu cùng anh ấy. Trên đường từ đơn vị anh về tới nhà tôi nếu ngoặt thêm khoảng mười kilomet thì có thể qua nhà anh Đông. Thế là trước khi về nhà tôi, anh đã rủ tôi qua nhà anh. Anh nói đi thêm mười cây số, nghỉ ở nhà anh hai tiếng, rồi anh sẽ đưa tôi về. Anh nói rằng em gái anh rất muốn được gặp tôi. Cô bé Nhung năm đó đang học lớp mười. Tôi đã đồng ý.
Khi xe máy vừa dừng ở cổng, Nhung đã chạy ra hớn hở:
“Chị Quyên, chị Quyên đúng không anh, em và mẹ đã nấu cơm xong rồi, chỉ chờ anh chị về là ăn”
“Mừng gì mà mừng thế, dẫn chị đi rửa mặt đi”
Tôi quay sang tròn mắt với anh “Thế là anh đã nói với mọi người trước rằng chúng ta sẽ về nhà anh rồi mới xuống nhà em đúng không?”
Anh đẩy tôi đi vào và bảo “Anh đã hỏi ý kiến anh trai em rồi, nói trước thì chắc em đâu chịu”.
Mẹ anh giống như mẹ tôi và cũng như bao người phụ nữ quê khác, trông giản dị, hiền lành, đôi tay sần sùi, gương mặt sạm nám. Còn Nhung thì cứ quấn quýt thân thiện y như một đứa em đã gần gũi từ bé. Cả bữa cơm, mẹ anh cứ liên tục gắp thức ăn vào bát tôi. Còn Nhung thì hỏi tôi rất nhiều điều về cuộc sống sinh viên. Nhung bảo nghe anh Đông kể về tôi lâu rồi trong khi tôi cũng lần đầu gặp anh. Có nghĩa là anh trai tôi kể gì về tôi thì anh kể lại như thế.
Trước khi về nhà tôi, mẹ còn bắt anh chở theo rất nhiều hoa quả mà bác hái từ vườn nhà. Bác nói mang xuống biếu bố mẹ tôi. Trên đường đi anh cứ hỏi tôi có thấy mẹ anh hiền không, có thấy em Nhung dễ thương không. Anh còn nói lần sau tôi về, anh lại đưa tôi về nhà anh.
Những ngày sau, mỗi khi anh trai gọi điện cho tôi, anh thường nói “Anh Đông muốn nói chuyện với em này”. Sau đó tôi còn thấy số lạ gọi vào máy tôi. Chính là anh Đông. Anh nói với tôi rất nhiều về dự định của anh dù tôi không hỏi và cũng đâu biết gì để hỏi. Anh cứ tự nói rằng anh sẽ không cùng đám bạn chơi bài nữa, rằng anh đã tiết kiệm được một số tiền để xây lại nhà cho mẹ và em Nhung, rằng em Nhung học rất giỏi, rằng Nhung luôn hỏi về tôi, rằng Nhung rất thích đọc sách về đạo Phật. Rồi anh hỏi khi học xong tôi muốn sống ở đâu, làm việc ở đâu. Thực ra tôi chủ yếu nghe anh nói hơn là trả lời, bởi anh cứ kể đủ thứ dự định của anh. Mỗi khi có chuyện gì ở cơ quan, anh ấy đều kể cho tôi nghe, rồi kể luôn về anh trai tôi xem anh ấy đang làm gì, ra sao, có bạn gái chưa, ai đang thích anh ấy... Anh trai tôi từng bảo “Chắc Đông nó kể hết cho em nghe rồi, anh chẳng có gì để nói nữa đâu, anh gọi chỉ để hỏi xem em có thiếu tiền không, có khỏe không thôi”.
Một lần Đông gọi khi tôi đang bận trong hội thảo nên cậu bạn cùng lớp đã nghe. Tối đó Đông gọi lại, giọng rất buồn:
“Em có bạn trai à?”
“Không, bạn học cùng lớp em đấy”
“Vậy thì tốt, thì tốt”.
Trong một lần đi thực tế, tới một làng làm tượng đá, ngắm nhìn những bức tượng Phật tôi liền nhớ tới Nhung. Tôi đã mua một bức tượng Quan âm gửi về cho Nhung. Sau đó Đông đã gọi điện cho tôi, anh kể rằng Nhung vui lắm. Nhung còn nói sau này muốn thi vào trường đại học của tôi. Mấy người bạn ở chung phòng trọ bảo rằng “Không chỉ anh Đông mà cả nhà anh Đông đều đổ cậu rồi đấy”. Tôi chỉ cười! Tôi cũng không biết tình cảm tôi dành cho anh nên gọi là gì, chỉ biết rằng cảm giác rất thân thuộc và gần gũi.
Trước khi đến kỳ nghỉ năm thứ hai, Đông đã gọi cho tôi, anh nói anh đợi tôi về, anh có điều vô cùng quan trọng cần cho tôi biết. Anh đã viết nó ra giấy, cho vào lọ thủy tinh, đã cất giấu nó trên núi từ rất lâu rồi, anh bảo anh không thể cất giấu lâu nữa, anh cần cho tôi biết. Tôi cũng có những điều muốn nói với anh, tôi cũng không muốn giữ nó cho riêng mình nữa.
Rồi mùa hè thứ hai cũng tới, tôi lại ra đơn vị của anh trai. Nhưng hôm ấy chỉ có mình anh trai tôi ra đón. Trên đường đi anh dặn tôi là đừng hỏi gì anh Đông nhé. Anh nghĩ tôi sẽ hỏi anh ấy điều gì chứ, tại sao lại không được hỏi gì. Khi hai em về tới nơi, tôi thấy anh Đông đang ở cổng, dường như anh định đi đâu đó nhưng vừa thấy chúng tôi anh lại quay vào. Tôi xuống xe định chạy theo Đông nhưng anh trai đã giữ tôi lại. Anh bảo tôi xuống nhà ăn rửa mặt rồi ăn cơm đã. Ở trong nhà bếp tôi đã nghe mấy người xì xầm rằng chị Minh có bầu rồi, rồi họ còn hỏi cô Lan rằng “thế anh Đông đã dẫn bố mẹ lên chưa”. Tôi dừng đũa không ăn nữa nhưng anh tôi đã nhìn sang và nói “Ăn đi, chuyện gì diễn ra thì cũng phải ăn đi, phải tỏ ra bình thường”. Tối hôm đó khi anh tôi đi làm ca tối, anh Đông gõ cửa phòng bước vào:
“Anh xin lỗi!”
“Anh có lỗi gì đâu, chúng ta có gì đâu để mà anh có lỗi”
Anh không giải thích gì về việc chị Minh đã có bầu, về việc họ sắp làm đám cưới. Tôi cũng tuyệt nhiên không hỏi thêm bất cứ lời nào. Tôi sẽ tỏ ra bình thường như anh tôi dặn. Ba ngày sau, tôi rời đơn vị anh. Lúc anh trai chở tôi đi, tôi quay lưng nhìn thấy Đông đang đứng trên núi nhìn xuống.
Tôi không còn nhận được bất cứ cuộc điện nào từ Đông nữa, cũng không bao giờ được biết thêm thông tin gì về gia đình anh, về Nhung nữa. Một khoảng trống len vào nhưng cũng nhanh chóng được lấp đầy bằng những buổi học tập thực tế dày đặc. Tết năm đó, anh trai nói tôi cùng đi chúc Tết Đội trưởng của anh ấy. Tôi nghe anh trai tôi kể về anh Đội trưởng ấy rất ấn tượng, rất nhân hậu, rất thân thiện. Không ngờ chúng tôi gặp anh Đông cũng đang ở đó. Nhà anh Đông lại chỉ cách nhà Đội trưởng hai cây số. Đã gặp rồi thì anh tôi cũng không thể không ghé qua chúc tết mẹ anh Đông. Hôm đó mùng hai Tết nhưng một bầu không khí ảm đạm bao trùm nhà anh. Tôi thấy họ đều buồn. Nhung không còn hồ hởi với tôi nữa mà em ấy đứng cạnh tôi và nói “Tết này nhà em buồn quá, anh chị ấy vừa cãi nhau”. Anh có vào phòng nói với chị Minh là anh em tôi tới, nhưng chị ấy không ra với lý do bầu đã lớn nên mệt. Chúng tôi cũng nhanh chóng ra về. Đó là lần cuối cùng tôi gặp Đông.
Mùa hè thứ ba, con đường dẫn về đơn vị của anh đã được làm xong, ô tô có thể vào tận cổng đơn vị. Tôi đã lên xe khách vào tận cổng đơn vị để anh không phải ra đón nữa. Ở đó đã không còn cô Lan, không còn anh Đông, không còn chị Minh. Anh tôi chỉ nói ngắn gọn rằng “Gia đình anh ấy chuyển công việc sang buôn bán nên chuyển đi rồi”.
Đã mười lăm năm kể từ lần gặp cuối cùng đó. Thỉnh thoảng tôi vẫn tự hỏi giờ này anh ra sao. Nhưng tôi không biết hỏi ai. Anh trai tôi tuyệt nhiên không một lần nhắc lại về Đông. Bố tôi có một lần nói :
“Bố thấy Đông chín chắn nhất trong số những người bạn của con, sao lại đùng cái để con gái họ có bầu, rồi kết hôn như thế được chứ”.
Anh trai tôi liền bảo “Thôi đừng nhắc về cậu ấy nữa”
Trong hành trình trưởng thành của mình, thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ lại những mùa hè ấy. Hình ảnh anh cứ gần rồi xa, không biết nên định nghĩa anh là gì trong trái tim tôi. Tôi cũng cứ phiêu bạt trên đường đời mà không biết bến đỗ cuộc đời mình ở đâu. Anh trai tôi đã có gia đình và hai đứa con. Tôi đã không còn là cô gái trẻ của năm đó nữa. Giờ tôi đã là một người phụ nữ ngoài ba mươi hằn trong tim nhiều chai sạn của cuộc đời, của những lần gặp gỡ rồi chia ly. Những mùa hè của huyện miền núi đã ngủ lại trong thanh xuân xa lắc. Đông và những điều chưa nói đã mãi mãi nằm quên trong ký ức đôi mươi, đã được chôn chặt mãi mãi trong núi.
Hôm nay, đứng giữa chợ phố núi sương giăng này, ký ức ấy lại ùa về. Tôi lang thang một vòng trong chợ và thấy mái tóc xoăn của mình không còn bồng bềnh nữa vì ướt sương. Trời đã sang trưa, người dân đã thu dọn dần mà tôi vẫn chưa muốn về. Tôi vào một cái lán dựng tạm, ở đó họ bán bánh rán nhân đậu đỏ. Tôi gọi năm chiếc, chẳng thể ăn hết đâu nhưng họ bán chỉ hai nghìn đồng một chiếc, cứ mua rồi mang ra cho đám trẻ ngoài ngõ chợ. Khi tôi còn chưa kịp ăn thì có hai đứa trẻ cũng dắt nhau vào nhưng chị chủ quán bảo chúng phải đợi, bánh chưa kịp rán. Một đứa trẻ đang tuổi thiếu nữ, còn đứa nhỏ chỉ tầm mười tuổi. Tôi đẩy đĩa bánh của mình về phía chúng khi nhìn thấy đôi mắt của đứa bé đầy khao khát:
“Hai cháu ăn cùng với cô đi, ăn nóng cho ngon”
Đứa bé nhìn vào đĩa bánh, liếm môi. Đứa chị thì nhìn tôi một lúc. Tôi lại đẩy đĩa bánh về phía chúng nó thêm chút nữa. Đứa chị từ từ cầm tờ giấy kẹp bánh lại đưa sang cho em và nhìn tôi:
“Cám ơn cô. Cô ở dưới xuôi lên à?”.
Tôi gật đầu trả lời của hỏi của nó. Khi tôi vừa cảm nhận được vị ngọt và thơm của nhân đậu đỏ thì nghe tiếng một người đàn ông đang dần tới gần:
“Hoa, Hùng, đợi bố một lúc nữa rồi về nhé”.
v
Hai đứa trẻ cùng đồng thanh “vâng”. Tôi nhìn ra, người đàn ông ấy chạy từ phía chợ lên rồi lướt qua túp lều của chúng tôi và đi về phía hàng quán khang trang bên trong. Qua lớp sương mù, tôi vẫn ngờ ngợ nhận ra anh. Là Đông. Dẫu thời gian đã lướt qua ghi hằn lên dáng vẻ và gương mặt ấy, dẫu chỉ là một hình ảnh xém qua nhưng tôi vẫn có thể nhận ra đó chính là Đông. Tôi quay sang nhìn hai đứa trẻ rồi hỏi:
“Bố cháu tên gì?”
“Bố cháu tên Đông”
Chiếc bánh rán trên tay tôi rơi xuống. Sao chúng tôi lại gặp nhau ở phố núi này, có nên để anh thấy tôi ở đây không. Hãy để lớp sương mù phủ che quá khứ, tôi nghĩ thế và đứng lên. Tôi vội trả tiền cho cô bán bánh, trả cả phần mà bọn trẻ đã gọi rồi tôi bước đi. Tôi vừa bước đi thì nghe tiếng đứa trẻ lảnh lót:
“Bánh rán ngon lắm, bố ăn đi. Cô kia trả tiền cho chúng con rồi”
“Sao lại để người lạ trả tiền”
Tiếng người đàn ông ấy giữ chân tôi lại, khiến tôi không muốn bước tiếp. Nhưng khi nghe anh gọi “Này cô gì ơi” thì tôi lại cố bước đi thật nhanh. Anh đã đứng cạnh tôi và nói:
“Này cô, cô là người dưới xuôi lên đây à, cảm ơn cô nhé”.
Lúc ấy, tôi quyết định quay đầu nhìn lại. Trong khoảnh khắc ấy, cả tôi và anh đều chỉ biết nhìn nhau, không nói được câu nào. Một lớp sương dày đặc lại ào ào kéo tới rồi bao trùm lên chúng tôi. Lúc ấy tôi và anh chỉ cách nhau một khoảng nhưng lớp sương ấy vẫn đủ làm mờ đi gương mặt của chúng tôi.
“Là Quyên sao, là em đúng không?” – Đông cất lời trước
“Vâng, là em” – Tôi chỉ nói được rất nhỏ
Đông đưa tay lên vuốt nước sương trên tóc tôi nhưng anh đã kịp thu tay lại khi nó vừa chạm vào những sợi tóc trên trán tôi. Tôi cúi xuống. Hai đứa trẻ chạy lại.
“Cô là người quen của bố cháu à? Cô về nhà cháu chơi nhé” – đứa lớn vừa nói vừa lắc lắc tay bố.
“Bố con anh ở gần đây. Về nhà anh nhé?”
Tôi không trả lời mà cứ thế đi theo họ ra khỏi chợ và đi bộ xuống dốc. Từng đợt sương cứ bay tới rồi bay đi. Hai đứa trẻ không đợi chúng tôi mà chúng tung tăng chạy trước. Tôi và Đông đi cạnh nhau, từng bước thật chậm và không ai nói gì. Thỉnh thoảng anh quay sang nhìn tôi rồi lại nhìn về phía trước. Cổng vào nhà anh, hoa phủ đầy trên mái và bên dưới thì từng đám cỏ hoa vàng li ti mọc lên ở kẽ hở của những tảng đá. Thoáng nhìn qua tôi biết đó không chỉ là nhà ở của gia đình anh, mà đó là homestay cho du khách. Đó là những ngôi nhà đất làm theo kiểu nhà trình tường của đồng bào Hà Nhì. Anh chỉ ngôi nhà gần cổng vào và nói đó là nơi cho du khách ở, rồi anh dẫn tôi về phía ngôi nhà bên cạnh. Tôi giật mình ngay khi bước vào vì nhìn thấy ảnh chị Minh treo trên ban thờ giữa nhà. Khi tôi còn đứng trân trân ở đó, hai đứa trẻ chạy ra mang cho tôi cốc nước. Anh bảo tôi ngồi xuống, rồi anh nói chị ấy mất cũng nhiều năm rồi, trong một lần ngã xuống núi.
Trầm ngâm một lúc, anh quay sang hỏi tôi:
“Em lên đây du lịch à, đi một mình à? Chồng con đâu?”
“Em vẫn một mình thôi”
Câu trả lời của tôi đã khiến anh sững người lại. Bỗng đứa trẻ từ trong nhà chạy lại mách bố:
“Bố ơi, em Hùng lại đánh rơi, làm tượng sứt một ít này, bố phạt em đi” – Đứa bé cầm trên tay bức tượng Quan âm làm bằng đá rồi dỗi hờn với bố. Bức tượng ấy đã thu hút toàn bộ ánh nhìn của tôi.
Anh cầm bức tượng rồi nói:
“Là tượng em tặng cô Nhung đấy. Con gái anh thích nên nó cứ đòi xin cô Nhung cho nó”.
Trong khoảnh khắc ấy, bao nhiêu ký ức lại ùa về. Tôi hỏi Nhung giờ thế nào. Anh kể Nhung đã kết hôn, cũng đã có hai đứa con nhưng vợ chồng Nhung đã ly hôn. Nhung đã mang hai đứa trẻ về ở với mẹ.
Hôm đó, khi hai đứa trẻ đã đi ngủ, anh và tôi vẫn ngồi bên bếp lửa. Anh hỏi:
“Sao em vẫn chưa kết hôn?”
“Em cũng không biết nữa, chắc duyên chưa tới”
“Ngày ấy, nếu không phải anh có lỗi, nếu anh nói anh yêu em thì em có đồng ý ở bên anh không?”
“Em cũng không biết nữa, mọi chuyện đều chỉ là giả định thì có hay không cũng đâu có ý nghĩa gì”.
Anh hỏi tôi ngày ấy tôi bảo rằng có chuyện muốn với với anh, đó là chuyện gì. Tôi nghĩ có lẽ những lời tôi muốn nói cũng giống như những gì anh viết trên giấy và cất trên núi. Nhắc lại làm gì nữa, nó đã theo thời gian đi vào quên lãng rồi.
Ba ngày tiếp sau, anh nói anh sẽ đưa tôi đi thăm thú những bản làng và những điểm du lịch quanh đó. Tôi từ chối nhưng hai đứa trẻ nói rằng từ lâu rồi anh không nghỉ ngơi, chỉ làm việc và làm việc, nên chúng rất muốn tôi nhận lời, để bố đưa cả chúng đi chơi cùng. Hoa có ngoại hình giống y như chị Minh, còn Hùng thì giống bố. Hoa nói với tôi rằng ở trên này nhiều bạn gái bằng tuổi nó đã có chồng có con rồi nhưng nó nhất định sẽ không lấy chồng sớm thế được. Nó bảo nhiều lần muốn về quê nội sống nhưng về quê nội rồi lại không quen, không biết phải làm gì thế là mấy bố con lại lên đây. Trong những ngày đi chơi cùng nhau, Hoa cứ luyên thuyên kể về những thói quen của bố, những món ăn bố thích. Nó còn đòi cả bốn chúng tôi chụp ảnh chung.
Trước khi tôi về, Hoa đã hỏi nhỏ:
“Cô ơi, có phải ngày trước cô là người mà bố cháu yêu đúng không?”
“Không phải đâu, ngày đó cô và bố cháu chỉ như anh em thôi”
“Cô có thể ở lại đây với bố con cháu không, cháu biết là bố cháu vẫn nhớ cô lắm, cô Nhung cũng từng nói với cháu thế. Cháu nói cho cô biết một bí mật nhé, bức tượng đó không hẳn vì cháu thích đâu, mà cháu biết bố cháu hay ngắm nhìn bức tượng đó mỗi khi về nội, nên cháu đã xin cô Nhung cho mang đi đấy”
Trước khi tôi lên xe, Đông nói:
“Anh chẳng khi nào đủ tư cách để hỏi em có thể đến với anh không. Nhưng nếu một lúc nào đó, em muốn quay lại đây, hãy nói với anh, căn nhà này luôn chào đón em. Đó sẽ là món quà vô giá nhất mà anh có trong đời này”.
Tôi lên xe và thấy nước mắt mình ứa ra. Tôi cũng không biết tôi đang khóc vì điều gì. Tại sao tôi lại khóc. Tôi vẫn nhớ buổi trưa của mùa hè năm đó khi Đông chở tôi về nhà. Tôi vẫn nhớ những cuộc điện thoại anh tự thú với tôi rất nhiều lỗi lầm anh đã gây ra cho gia đình và tự hứa sẽ thay đổi dù tôi chẳng biết tí gì về những lỗi lầm ấy, rồi anh hân hoan nói với tôi về những dự định của anh. Tôi vẫn nhớ có lần tôi thực tập, bận quá không nghe điện thoại của anh mà đến mười hai giờ đêm anh nhắn bảo nghe đi, chỉ nói một phút thôi, nghe thấy giọng tôi anh mới ngủ được. Tôi vẫn nhớ cảm giác tê tái khi tôi biết chị Minh có bầu. Và bây giờ, hình ảnh chị Minh trên ban thờ lại khiến tôi cảm giác không thể bước tiếp nữa. Tôi làm sao có thể chiếm mất hai đứa con của chị ấy, tôi làm sao có thể lấy lại người đàn ông mà chị ấy cả đời giành giật, làm sao có thể tranh giành với người đã khuất chứ!
Tôi về nhà và kể với anh trai về cuộc gặp gỡ với bố con Đông. Anh sững sờ rồi bỏ vào nhà trong. Sau đó, anh gọi tôi vào và kể lại chuyện ngày ấy. Anh nói rằng khi biết Đông yêu tôi chứ không chỉ xem tôi là em gái thì anh đã nói “Tao muốn mày là bạn thân nhưng tao thật sự không nghĩ mày sẽ là em rể tao. Tao không muốn em gái tao khổ”. Công việc của các anh là những việc nguy hiểm, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào và tính mạng cũng có thể mất bất cứ lúc nào nên anh tôi lo sợ. Nghe anh tôi nói thế, Đông đã sang bên khu dân cư và đã uống rượu trong quán nhà chị Minh. Rồi sau đó thì nghe tin chị Minh có bầu. Khi đứng lên, anh tôi nói:
“Anh xin lỗi, là tại anh đã can dự vào chuyện của hai đứa”
“Lỗi đâu phải của anh, là số kiếp đã định thế, là do tụi em thôi”.
Tôi trở lại phố và lại dồn hết tâm sức vào công việc. Thỉnh thoảng tôi nhận được tin nhắn của Đông, anh chỉ hỏi có khỏe không. Nhưng đôi lúc lại thấy Hoa dùng máy của bố gọi cho tôi. Cô bé cứ luyên thuyên kể chuyện y như anh ngày xưa. Nó bảo đã kể với cô Nhung, cô Nhung muốn gặp tôi lắm. Lần nào nó cũng hỏi bao giờ tôi trở lại phố núi, tôi có trở lại không. Tôi không biết mình lấy năng lượng từ đâu để trở lại phố núi ấy và cũng không biết mình có nên trở lại không nữa.
Một hôm khi tôi vào bệnh viện thăm một người bạn thì nghe tiếng gọi phía sau:
“Cô Quyên, cô Quyên ơi”
Là Hoa. Sao cô bé lại ở đây. Nó bảo em Hùng bị ốm nên nó và bố đưa em xuống Hà Nội điều trị. Tôi theo nó về phòng bệnh thăm Hùng. Lúc ấy Đông đang thay đồ cho thằng bé. Nhìn thấy tôi, thằng bé lém lỉnh “Cháu thấy cô không quay lại nên cháu giả vờ ốm, để bố đưa về đây”. Đông quay sang chỉ cười không nói gì. Chúng tôi ngồi đó một lúc thì thấy Nhung dắt theo đứa con đi vào. Vừa thấy tôi, Nhung đã tiến tới ôm tôi rồi ngậm ngùi:
“Chị Quyên, lâu quá rồi không gặp chị. Em vẫn nhớ chị lắm”
Chúng tôi ôm nhau như những người phải trải qua bao cách trở mới lại được gặp nhau. Hôm ấy trước mặt Đông, Nhung trách anh ấy:
“Anh ấy, muốn chị ấy về sống cùng nhưng không dám nói, cũng không chịu đi tìm. Hai đứa trẻ nó gọi điện cho em đấy, nó kể anh hôm nào cũng ngắm bức tượng Quan âm, nhưng bảo về Hà Nội tìm chị là lại không dám đi…”
“Nhung, đừng nói nữa, anh đâu còn là chàng trai năm xưa mà có thể tùy tiện làm khó chị ấy”
Đúng, chúng tôi đều đã không còn là người của năm xưa nữa. Mái tóc anh đã có nhiều sợi bạc. Anh còn hai đứa con, còn di ảnh chị Minh ở đó. Tôi đã trải qua những mối tình mà không bao giờ tìm được bình an. Nhung đưa con lên Hà Nội thăm cháu, rồi lại vội vã bắt xe về quê. Trước khi đi, Nhung lại nói với tôi rằng:
“Nuối tiếc nhất của anh ấy là đã để lỡ mất chị”
Khi Hùng khỏi bệnh, tôi dẫn họ về chỗ tôi đang sống. Hai đứa trẻ thích thú khi được tôi đưa đi vòng quanh Hà Nội. Lúc ở công viên, khi tôi và Đông đang đi cạnh nhau thì Hoa xen vào giữa rồi nó cầm tay tôi và tay bố đặt vào nhau:
“Hai người đừng đi tách rời như thế, phải cầm tay thế này này”.
Tôi ngại ngần thu tay lại. Nó liền bảo bố tự xử lý đi rồi nó dẫn Hùng chạy về phía trước. Đông cúi xuống, đặt tay tôi vào giữa hai bàn tay anh:
“Anh đã để lại cho em quá nhiều gánh nặng nên anh thật sự không dám nói là anh sẽ bù đắp được cho em. Nhưng nếu em đồng ý, anh hứa sẽ bù đắp cho em tốt nhất. Và anh tin Minh ở nơi xa đã hiểu chuyện của ba chúng ta. Anh chờ câu trả lời của em”.
Tôi cứ để yên tay mình trong tay anh rồi khóc. Cuối cùng chúng tôi cũng tìm thấy nhau sau bao ngày lạc mất nhưng đúng là đã có bao nhiêu gánh nặng đè lên, và điều khó nhất với tôi là làm sao để đối diện với di ảnh chị Minh. Chị Minh ơi, em phải làm gì trong câu chuyện của chúng ta?!
© Ommani - blogradio.vn
Mời xem thêm chương trình:
Blog Radio: Cửa Tiệm Lãng Quên | Bản Full
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Tại sao không?
Những thứ bình thường hiện diện xung quanh chẳng khiến mình chú ý, quan tâm, cứ coi đó là điều hiển nhiên mà vô tư phớt lờ. Để rồi một ngày không biết nắng hay mưa, vô tình hay cố ý, ta sẽ đánh mất nó, lúc đó muốn quay lại thì đã quá trễ.
Mười sáu - Ba sáu tuổi
Tôi đúng là một cô ngốc. Làm gì có đứa con trai nào dành cả thanh xuân bên cạnh tôi mà không có tình cảm. Và từ đó, chúng tôi chính thức yêu nhau.
Hành trình đi đến tự do
“Dám bị ghét” không bênh vực cho tôi, không đứng về phía tôi, ngược lại, nó giải thích một cách hợp lý tất cả nguyên nhân khiến tôi chọn sống một cuộc đời tệ bạc như vậy.
Hãy trao yêu thương khi còn có thể
Tôi nhận ra từ trước giờ tôi luôn mong người khác phải hiểu và thông cảm cho tôi mà tôi quên đi rằng tôi chưa đặt mình vào vị trí của bất cứ ai để hiểu cho họ.
3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa
Trong tương lai, 3 năm tới hứa hẹn sẽ là quãng thời gian vô cùng rực rỡ và thịnh vượng cho 5 con giáp may mắn dưới đây.
Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em
Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.
Lá thư gửi đến thiên đường
Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.
Đắng cay
Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân
Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi
Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.