Quỳnh hương độ ấy
2021-08-19 01:20
Tác giả: Nguyễn Thị Tuyết Nhung
blogradio.vn - Câu chuyện của anh, tôi không viết ra. Sau đó, tôi chỉ phỏng vấn anh vài câu khuôn mẫu như tòa soạn yêu cầu để hoàn thành nhiệm vụ, có bài báo lên trang. Từ độ ấy, thoáng Quỳnh Hương từ anh dường như đã lan tỏa sang tôi. Bởi vậy, tôi vẫn còn bám trụ lại được ở thành phố này, bám trụ với nghề viết để lắng nghe những điều chân thực của cuộc sống.
***
Tòa soạn một ngày cuối tuần, tôi vừa nhấm nháp ly trà nóng vừa tưởng tượng ra khuôn mặt Duyên sẽ thế nào khi tôi lỡ hẹn. Nghề báo của tôi là thế, thời gian không cố định, nay đây mai đó, thu nhập từ việc viết lách chả đáng là bao. Duyên cũng đã lường trước được những khó khăn nếu lấy tôi, vì thế, em bắt tôi lựa chọn giữa em và nghề nghiệp. Điều này khiến tôi thực sự đau khổ. Bởi vì tôi yêu nghề và yêu em vô cùng. Câu trả lời cho em, tôi cứ trốn tránh mãi.
Hôm nay, tôi có cuộc hẹn cực kỳ quan trọng với một doanh nhân thành đạt và là tấm gương sáng về khởi nghiệp cho tuổi trẻ. Anh được biết đến như một người sinh ra trong gia cảnh nghèo khó ở nông thôn, dám ra thành phố lập nghiệp, dám đương đầu với khó khăn, thất bại để vươn tới đỉnh cao.
Hiện nay, anh đứng đầu một tập đoàn lớn, rất nhiều người ngưỡng mộ, được gặp và phỏng vấn anh không phải dễ. Vậy mà, anh lại ưu ái cho một phóng viên trẻ mới vào nghề như tôi. Tôi coi đó là đặc ân mà mình không thể bỏ lỡ.
Trái với hình dung của tôi về một vị sếp tổng uy nghi mà tôi mới chỉ thấy hình ảnh qua báo chí, anh gần gũi, thân thiện vô cùng. Sau khi chào hỏi, thấy tôi có chút bối rối, anh mở đầu
“Khoan phỏng vấn tôi, nhà báo trẻ. Tôi biết, cậu sẽ bắt đầu bằng câu hỏi về việc khởi nghiệp của tôi chứ gì, vậy thì, cậu hãy để tôi kể cho cậu nghe câu chuyện của tôi, rồi cậu hỏi tôi sau cũng chưa muộn. Chuyện này tôi chưa chia sẻ với ai, nhưng khi gặp cậu, bỗng dưng tôi thấy có sự đồng cảm, nên tôi mong cậu lắng nghe tôi trước”.
Tôi định bật máy ghi âm thì anh xua tay.
“Không cần ghi âm đâu, vì đây không phải một cuộc trao đổi, mà là chia sẻ, cậu hiểu chứ?”.
Tôi làm theo lời anh, tắt máy ghi âm và chăm chú lắng nghe. Anh kể theo cảm xúc chứ không theo diễn biến của thời gian và những gì đọng lại trong tôi cũng vẹn nguyên như vậy.
“Độ ấy, một đêm trăng sáng, hương quỳnh ngào ngạt, Quỳnh Hương của tôi đã nói với tôi rằng.
““Anh hứa với em là anh sẽ mang em ra phố cùng anh đi”. Em bất ngờ vòng tay ôm lấy tôi từ phía sau, rồi úp mặt vào lưng tôi thì thầm “Mặc kệ người ta nói em chạy theo anh, ai bảo gì cũng được, chỉ cần anh thương em là đủ, phải không anh?””.
Tôi đã định nói với em.
"Nhất định rồi, anh sẽ đưa em đi, chúng mình là một đôi, anh cần phải có Quỳnh Hương bên cạnh".
Nhưng ánh trăng khuya loang loáng, muôn ngàn vì sao nhấp nháy trên dải ngân hà kỳ vĩ, thoáng hương đồng nội từ đâu ùa tới bỗng chốc cùng nhau hiện hữu như níu kéo em.
"Quỳnh Hương, Quỳnh Hương".
Tôi bỗng thấy rằng, em thuộc về nơi đây chứ không thuộc về tôi. Tôi cứ để yên bàn tay bé bỏng của em trong tay tôi như vậy mà không nói lời nào. Nhưng Quỳnh Hương quá nhạy cảm. Thấy tôi im lặng, em bỗng buông xuôi, nghẹn giọng.
“Thôi khuya rồi em về… nếu em có nói vô duyên thì anh cho em xin lỗi”.
Quỳnh Hương quay lưng bước đi, tôi như sực tỉnh sau cơn mê, liền gọi với theo.
“Quỳnh Hương, chờ anh đã”.
Quỳnh Hương cố tình không nghe thấy. Em rảo bước, tôi nhìn theo bóng em trải dài dưới ánh trăng. Đến khi em khẽ kéo cánh cổng tre lách vào trong ngõ và khuất dần, một cảm giác hụt hẫng dâng trào như muốn xô tôi ngã. Hơi ấm bàn tay em cũng theo gió bay đi mất, chỉ còn lại mình tôi trong khu vườn tĩnh mịch. Sương đêm xuống mỗi lúc một dày làm tôi thấm lạnh. Chỉ có ngọn gió đi hoang từ đâu phiêu dạt tới hình như còn có chút đồng cảm với tôi.
Cũng một đêm hoa quỳnh nở như thế này, em được sinh ra, bác Thức vì yêu mến hoa quỳnh mà đặt tên cho em theo loài hoa kì lạ đó. Chẳng biết có phải cái tên đặc biệt đã vận vào em hay không, nhưng tôi nhận thấy ở em một vẻ đẹp tinh khiết. Vẻ đẹp của em có sức cuốn hút kì lạ.
Ở tuổi đôi mươi, em là báu vật của làng quê mà rất nhiều trai tráng mong muốn sở hữu. Kể từ độ gặp em, tôi như trở thành một con người khác. Em không chỉ gợi lên một tình cảm quyến luyến đặc biệt, mà em còn đánh thức trong tôi những cảm thức lâu nay tưởng chừng đã ngủ quên. Ký ức thời thơ ấu đầy thương yêu, thánh thiện trỗi dậy.
Khi tôi ngóng em, lòng chợt bình yên như khung trời ban mai nơi ô cửa sổ. Vậy mà, tôi không dám tiến gần Quỳnh Hương thêm nữa. Đối với tôi, em như một đóa hoa, chỉ thuộc về khu vườn, chứ không thuộc về một kẻ như tôi. Ý nghĩ đó làm tôi khổ sở vô cùng.
Tôi tự hỏi rằng phố thị của tôi có gì cho em? Đêm với những ngọn đèn màu giả tạo và bao nhiêu trò đỏ đen, ngày tấp nập dòng người xe hờ hững lướt qua nhau, chưa gặp được tình người đã vấp phải lòng gian dối. Tôi có gì cho em? Một gã trai bị cuộc sống quăng vào tận đáy vực. Món nợ ăn học chưa trả xong, món nợ khởi nghiệp đã chồng chất. Mỗi lần tôi cố tình chạm vào tay Quỳnh Hương, cái nỗi mặc cảm, hồ nghi lẫn với lo sợ kia như một thứ bóng đêm bỗng kéo về phủ kín trái tim, khiến tôi không nói được lời nào.
Chắc cậu cũng thắc mắc tại sao tôi lại trở nên như thế phải không? Độ ấy, tôi chỉ là một thằng không sự nghiệp, tương lai chả biết đi về đâu. Gác lại thuở học trò thơ dại, tôi ra phố thị với biết bao mộng tưởng ở cái sự học hành. Đỗ vào một trường đại học danh tiếng, tôi nghĩ rằng, mình phải cố học thật giỏi, sau này tương lai sẽ rộng mở. Nhưng đồng tiền bố mẹ gửi hàng tháng chả bõ cho cuộc sống thuê trọ và bao nhiêu chi phí khác, tôi lao đi làm thêm, chả thiết gì học hành nữa.
Thành quả mà tôi đạt được sau quãng thời gian ngồi trên ghế giảng đường chỉ là ra trường đúng thời hạn với tấm bằng trung bình. Những nơi tôi xin vào làm việc đều trả tôi mức lương không đủ sống. Cuối cùng, do thằng bạn thân rủ rê, tôi đã vay mượn một số tiền lớn đầu tư làm ăn chung với nó. Thế nhưng, do chưa có kinh nghiệm, chúng tôi bị người ta lừa hết tiền. Việc làm ăn thất bát, nó biến mất không lý do, mình tôi ở lại gánh nợ cho cả hai. Tôi đã lao đi tìm nó nhiều nơi nhưng việc đó chỉ làm tôi tốn kém thêm. Chán nản, tôi bỏ về nhà, mặc kệ các chủ nợ cũng đang tìm kiếm tôi. Mấy hôm mới về tôi chả đi chơi đâu, không tâm sự câu chuyện của mình với ai, cứ nằm bẹp trên cái phản ở gian ngoài mặc kệ sự đời.
Tôi gặp Quỳnh Hương trong ngày nắng đẹp. Qua ô cửa sổ, tôi nhìn thấy một cô gái mặc áo trắng, dáng thanh, tóc đuôi gà búi cao đang mải mê hái bông mướp. Sắc trắng từ chiếc áo của em mặc nổi bật giữa một trời hoa vàng rực làm tôi thích thú vô cùng. Cô gái hái đầy một rổ và vừa đi vừa khe khẽ hát. Đến bậc cửa, thấy người lạ, em không vào ngay mà đứng thập thò nhìn vào.
“Quỳnh Hương, vào đây con, có anh Khoa vừa từ thành phố về”.
Cô gái lén nhìn tôi, đỏ mặt. Tôi nhoẻn cười thân thiện, có phần ngạc nhiên vì trông em khác hẳn với những cô gái phố thị mà tôi từng quen biết. Cô gái có chút bối rối, khi tôi bắt chuyện.
“Em mang hoa mướp sang cho mẹ anh phải không?”.
“Dạ”.
Mẹ tôi từ trong bếp vọng ra:
“Nó là Quỳnh Hương, con bác Thức hàng xóm, hồi nhỏ hai đứa vẫn hay chơi với nhau đấy, con quên rồi sao?”.
À, ra là Quỳnh Hương, mấy năm không gặp mà em thay đổi nhanh quá. Hồi nhỏ, Quỳnh Hương và tôi hay chơi với nhau. Em kém tôi 4 tuổi, cứ lẽo đẽo theo tôi suốt ngày. Nhà Quỳnh Hương nghèo lại đông con. Khi Quỳnh Hương 15 tuổi, do cuộc sống khó khăn nên em phải nghỉ học, từ dạo đó, chúng tôi ít chơi với nhau. Rồi tôi lên thành phố, ký ức về Quỳnh Hương cũng nhạt phai giữa bộn bề cuộc sống.
Hàng năm, tôi về quê vài lần vào các dịp nghỉ hè hay lễ tết, nhưng chẳng bao giờ tôi để ý đến em, thậm chí, nếu không có cuộc gặp tình cờ này, tôi còn không nhớ có Quỳnh Hương ở bên cạnh mình.
Trong những ngày chán nản nhất, tôi chỉ có Quỳnh Hương là bạn. Quỳnh Hương không đẹp sắc sảo như những cô nàng ở phố thị, nhưng vẻ trong sáng, thánh thiện của em làm tôi ngây ngất. Lạ thật, những cô gái ở phố thị tôi có thể làm quen rất nhanh, yêu rất nhanh nhưng cũng kết thúc rất nhanh, đến nỗi tôi còn chả nhớ kỉ niệm nào đã trải qua. Ngay cả Dạ Yến, một cô nàng đang say mê tôi như điếu đổ nhưng cũng chẳng mang lại cho tôi chút rung động nào.
Dạ Yến sinh ra ở thành phố, bố mẹ nàng giàu có nên nàng đã quen với cuộc sống gấm vóc, nhung lụa. Đối với nàng, mọi thứ đều đơn giản là quy về vật chất. Nàng nhìn cuộc sống bằng ánh mắt lạnh lùng và sòng phẳng vô cùng. Nàng chủ động tìm đến tôi và muốn quyến rũ tôi bằng những lời hứa hẹn về một tương lai ngạo nghễ nếu lấy nàng.
Tôi lại nghĩ rằng nàng muốn có tôi bởi vì tính hiếu thắng của người trước giờ muốn gì có nấy chứ chả phải yêu tôi. Bởi vì nàng ít khi quan tâm đến suy nghĩ của tôi mà chỉ muốn tôi phải chiều theo ý của nàng. Nàng chỉ thích đến những chỗ sang trọng, hẹn hò theo cách mà nàng tự nghĩ ra chứ không cần biết suy nghĩ của tôi thế nào, những điều đó, hoàn toàn không phù hợp với tôi.
Khác với sự dễ dãi nơi phố thị, ở chốn quê này, con trai với con gái chơi với nhau phải giữ khoảng cách ghê lắm. Nhà tôi với nhà Quỳnh Hương chỉ cách nhau cái bờ rào dâm bụt, vậy mà tôi chả dám sang. Nhiều lúc, tôi chỉ ước mình còn thơ dại, chỉ cần vạch mấy cái cây, là có thể chui tọt qua bên kia, húyt sáo ra hiệu gọi Quỳnh Hương và hai đứa sẽ trốn đi chơi.
Giờ đây, mỗi buổi sáng, tôi thường giả vờ ra vườn ngắm cỏ cây, hoa lá để nhìn thấy em, còn Quỳnh Hương cũng giả vờ đi qua để thấy tôi. Buổi chiều, sau khi việc nhà đã xong, Quỳnh Hương vẫn sang giúp bố mẹ tôi những thứ lặt vặt, nhưng chủ ý để được gặp và nói chuyện với tôi. Mấy việc cỏn con đã xong nhưng tôi biết em còn nấn ná mãi.
Tôi thường kể cho em nghe về phố thị, về những tòa nhà cao tầng và siêu thị hiện đại, về sự tử tế của người ta với nhau, tuyệt đối không có chút bon chen nào. Quỳnh Hương lắng nghe rất say mê. Dạo có Quỳnh Hương sang, tôi đã thôi việc nằm bẹp ở phản để theo em ra vườn hái bông mướp, trồng cây hay làm việc gì cũng được, miễn là gần em.
Mỗi lần ở cạnh nhau, chúng tôi như được sống trong một thế giới đầy hoa mộng. Nhiều lần, tôi lặng nhìn em thật lâu, chỉ muốn nói cho em biết rằng, tôi yêu quý em và muốn có em trong cuộc sống, chỉ có Quỳnh Hương hiền lành, thánh thiện mới có thể giúp tôi hàn gắn những vết thương lòng. Vậy mà, cái nỗi lo sợ lẫn hồ nghi kia cứ dày vò tôi. Quỳnh Hương cũng cảm nhận điều đó, nên tôi đã đọc được trong mắt em một thoáng buồn khi em gần tôi.
Cũng từ dạo tôi về, trai làng đi qua nhà Quỳnh Hương thường nhìn tôi với vẻ ngờ vực, nhất là thằng cu Bắc ở đầu làng, người vốn thích Quỳnh Hương nhất trong đám trai làng có tình cảm với Quỳnh Hương. Nhà nó có nghề làm đồ thủ công mỹ nghệ, nó hay làm tặng Quỳnh Hương những chiếc nón lá xinh xắn hay những món đồ lưu niệm dễ thương mà Quỳnh Hương vẫn rất thích thú.
Mỗi lần mang đồ sang cho Quỳnh Hương, nếu nhìn thấy tôi, nó liền giấu biệt rồi quay ngoắt đi. Có lúc, tôi thấy buồn cười cho thái độ của nó và muốn nói cho nó biết rằng Quỳnh Hương có tình cảm với tôi chứ không phải nó. Nhưng lúc khác, thấy Quỳnh Hương đội nón lá xinh tươi, đeo chiếc vòng tay vừa vặn do thằng cu Bắc tặng, tôi lại thấy Quỳnh Hương phù hợp với nó và người nên dừng lại là tôi.
Có lẽ tình cảm con người đến một lúc nào đó cũng cần phải được nói ra, chứ không thể giữ mãi trong lòng cậu ạ. Vậy mà, người chủ động hẹn gặp tôi trong buổi tối hôm đó lại là Quỳnh Hương. Tự nhiên, tôi lại trở thành người bối rối. Cái khoảnh khắc bên em ấy cũng mong manh như một thoáng hương quỳnh. Tôi có, rồi lại để vuột mất.
Khi những bông hoa quỳnh héo tàn, cũng là lúc tôi quay về và hiểu rằng, mình không thể níu kéo một lần nữa. Những hôm sau, Quỳnh Hương giận tôi. Em vẫn đi qua bờ rào, nhưng thản nhiên không để ý đến tôi. Buổi chiều, em không sang nhà tôi nữa. Lòng tôi đau khổ vô cùng. Tôi biết, chỉ cần tôi có can đảm vượt qua cái bờ rào ấy, bên kia là em, tôi có thể ôm em và nói hết nỗi lòng mình, chỉ cần nói một lần như vậy, rồi kể cả em từ chối đi cùng tôi, tôi vẫn thấy thanh thản. Thế nhưng, nỗi mặc cảm trong lòng tôi quá lớn, trong khi tôi thì không thể bé lại như xưa.
Tôi đang sống những ngày dài đằng đẵng vì không có Quỳnh Hương thì bỗng cô nàng Dạ Yến gọi điện.
“Gì thế? Anh không có hứng thú đi chơi đâu nhé”.
Cô nàng cất giọng vừa như lả lơi, vừa như đắc thắng.
“Chơi gì anh, anh có biết thời gian qua em đã phải khổ sở thế nào để năn nỉ bố mẹ em trả nợ cho anh không?. Bố mẹ em đồng ý rồi. Em cần anh lên thành phố để ra mắt gia đình em, sau đó mình sẽ đi đăng ký kết hôn và tổ chức đám cưới, anh yêu nhé. Anh cứ suy nghĩ đi”.
Tôi hơi bàng hoàng, nên chỉ đáp lại cô nàng cụt lủn.
“Cảm ơn, để anh suy nghĩ”.
Rồi tôi tắt máy. Một thoáng Quỳnh Hương đêm ấy ùa về trong tâm hồn tôi khiến tôi không muốn rời xa, nhưng cậu thấy đấy, tôi còn con đường nào khác. Phố thị là vậy, mọi thứ được mất đều rõ ràng, sòng phẳng. Phố thị của tôi, nơi đó thuộc về tôi, nhưng tôi không thể có Quỳnh Hương. Một thằng con trai như tôi buộc phải lựa chọn, nhưng sự lựa chọn dường như đã được an bài.
Hôm sau, tôi sắp xếp đồ đạc, quyết định về thành phố với Dạ Yến. Nhưng không hiểu sao tâm trí lại đưa bước tôi qua ngõ nhà Quỳnh Hương. Một không gian an lành bao trùm lấy tôi. Giờ này, cả xóm còn chưa ai thức giấc, chỉ có mẹ tôi biết trước chuyến đi của tôi nên bà đã dậy sớm chuẩn bị cho tôi bữa sáng và gói cho tôi nắm xôi còn nóng hổi, bỏ vào balo để tôi mang đi.
Ngoài sân, những cây râm bụt chúm chím nụ đang chuẩn bị xòe cánh đón chào ngày mới. Tôi đứng đầu ngõ nhìn vào. Trời tối mờ, tấm rèm che nắng vẫn buông, sân rêu đẫm sương chưa có dấu chân người. Tôi lặng yên để suy tư đắm chìm trong nỗi nhớ thương da diết. Bất chợt những cành tre khô gãy tanh tách gây ra tiếng động đánh thức tôi. Tôi thì thầm như đang nói với Quỳnh Hương.
“Ngủ ngon em nhé, cảm ơn em đã cho anh một chút hương quỳnh, anh xin lỗi vì làm em buồn, xin lỗi em rất nhiều, Quỳnh Hương”.
Tôi quay gót, cỏ bên vệ đường cọ vào chân nghe ram ráp. Những giọt sương đêm đậu trên vòm cây rơi vào áo tôi, rơi đầu môi tôi, nhưng tôi chả thích nhấm nháp như thời thơ bé. Vị ngọt lịm thuở nào giờ chỉ làm tôi cảm thấy chát đắng. Chợt gặp cu Bắc, nó lúc nào cũng đi làm sớm, dạo qua nhà Quỳnh Hương rồi mới ra đồng.
“Anh đi đâu?”
Nó hỏi.
“Tôi lên thành phố”.
“Vậy còn Quỳnh Hương? Anh nỡ bỏ rơi cô ấy sao?”.
“Quỳnh Hương không thuộc về tôi, xin lỗi cậu vì thời gian qua tôi đã làm cậu buồn”.
Tôi im lặng một lúc để suy nghĩ xem mình có nên nói tiếp hay không, vì tôi sợ là tôi có nói thêm chắc gì nó đã hiểu, tính nó vốn chân chất, thật thà.
“Giờ tôi trả cô ấy lại cho cậu. Quỳnh Hương đích thực là một đóa hoa đẹp, nếu cô ấy thuộc về cậu, cậu phải nhớ không bao giờ được làm cô ấy buồn”.
Tôi vỗ vai nó và bước đi, không kịp để cho nó đáp lại. Chuyến xe sớm đã chờ đợi tôi đầu làng. Tôi bước lên xe, gói xôi mẹ cho nãy giờ đã tỏa hơi sưởi ấm lưng tôi. Bỏ ba lô xuống, tôi ngồi dựa vào ghế, khẽ hít thật sâu chút hương đồng gió nội còn phảng phất.
Tôi trở thành con người của phố thị từ độ ấy. Cậu biết không, dù phố thị có tàn nhẫn, khắc nghiệt đến chừng nào thì tôi nghĩ mình vẫn là người may mắn, vì trong trái tim tôi vẫn còn một thoáng Quỳnh Hương.
Câu chuyện của anh, tôi không viết ra. Sau đó, tôi chỉ phỏng vấn anh vài câu khuôn mẫu như tòa soạn yêu cầu để hoàn thành nhiệm vụ, có bài báo lên trang. Từ độ ấy, thoáng Quỳnh Hương từ anh dường như đã lan tỏa sang tôi. Bởi vậy, tôi vẫn còn bám trụ lại được ở thành phố này, bám trụ với nghề viết để lắng nghe những điều chân thực của cuộc sống.
© Nguyễn Thị Tuyết Nhung - blogradio.vn
Xem thêm: Mảnh ghép cuối cùng của bình yên
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Một tình yêu kéo dài suốt một đời
Tình yêu của họ ngọt ngào, đáng yêu và chân thành, nhưng họ không còn là những con người như khi họ mới gặp nhau. Cô yêu Alex hết lòng, nhưng cô không thể phủ nhận rằng con đường của họ đang rẽ hướng.
Mong tình ta bắt đầu khi mùa thu còn trở lại…
Khi thu một lần nữa quay về, cô đã mười tám, lứa tuổi dễ bị rung động trước những điều nhỏ nhặt nhất. Lúc này cô nhận ra mình đã yêu anh từ lúc nào.
Viết cho tuổi mười tám
Khủng hoảng tuổi đôi mươi đến thật nhanh, nhiều khi, việc giao tiếp với người khác mỗi ngày cũng làm chúng thấy cạn kiệt năng lượng, lạc lõng. Thì ra, cái giá phải trả cho ước mơ cũng rất đắt, những thứ tốt đẹp, lung linh thì chưa bao giờ " miễn phí".
Đôi tay người bạn
Bạn hiền ơi! Cho tôi mượn đôi tay Để tôi nắm đôi bàn tay người bạn Dẫu mai đây có xa thì vẫn nhớ Nhớ đến lúc này, tay xiết chặt lấy tay…
Chưa từng bỏ lỡ nhân duyên
Chuyện của gia đình anh hoàn toàn không phải lỗi của cô ấy, nhưng đâu đó cái bóng của toàn bộ câu chuyện vẫn bao phủ lấy cả anh và cô. Họ sẽ làm gì để bước qua cái bóng của quá khứ kia?
Mùa hoa cải năm ấy
Câu chuyện kể về cảm xúc của nhân vật Tôi nhớ về ký ức tuổi thơ bên triền đê, nơi cô đã lớn lên cùng một cậu bạn. Họ cùng chơi đùa, thả diều và học tập bên nhau. Khi cậu bạn đỗ đại học và rời quê, mối liên hệ giữa họ dần phai nhạt. Sau một thời gian, cậu trở về quê cùng một cô gái mới, khiến cô gái cảm thấy hụt hẫng và nỗi buồn lấn át kỷ niệm đẹp. Dù thời gian trôi đi, hình ảnh mùa hoa cải vẫn gợi nhớ về tình yêu thầm kín mà cô không thể quên. Cô chấp nhận rằng tình cảm đó sẽ mãi ở lại với cô, giống như những mùa hoa cải vẫn nở rực rỡ.
Viết cho người đã cũ
Đã cũ khiến ta bất giác hồi tưởng lại những ngày đầu làm quen để rồi tự gượng cười nhìn lại những gì đã cũ, cảm giác đó, rung cảm đó tưởng như sẽ trở nên sợi dây kết nối với nhau dài lâu; ấy thế lại vội vàng đến, rồi vội vàng lướt qua cuộc đời của nhau tựa như gió thoảng, tựa đám mây ghé qua rồi vội bay về phía cuối chân trời
Mưa nào mà không tạnh?
Mưa tầm tã, rào rạt. Mãi khi bình minh ló rạng cũng là lúc em nhận ra mình đã khóc lâu đến nhường nào. Chín mươi chín cuộc gọi nhỡ từ mẹ.
Ai bán
Ai bán cho tôi nửa trò đời Tôi về ủ thành rượu uống chơi Nhăm nhi từng chút hồn tản mạn Trở lại tuổi thơ thấy mẹ cười
Tía là quê hương
Năm đó nếu không có tía, nếu tía không ôm con về thì con đâu được như hôm nay. Tía vừa là ba vừa là mẹ của con, tía là những gì yêu thương thân thuộc nhất của quê mình mà con chỉ có thể nói tía là quê hương. Tía là cả vùng quê của mình đã thấm vào con đã thành máu chảy trong con ba