Phát thanh xúc cảm của bạn !

Ở lại với thương yêu

2021-01-07 01:25

Tác giả: Akimizu


blogradio.vn - Ngày đông năm nay rét buốt hơn các năm trước. Tôi phải bọc kín hết người rồi mới dám mang giá vẽ ra ngoài. Đây có lẽ là bức tranh cuối cùng của tôi trong năm, một bức tranh quan trọng tôi từng nghĩ mình sẽ không bao giờ vẽ nó. Trong tranh, người con gái mặc bộ váy trắng muốt như tuyết đầu đông nắm tay người con trai chạy mãi trên cánh đồng hoa. Tôi đặt tên bức tranh đó là “Ở lại”.

*** 

Đầu tháng 12, tôi nhận được một phong thiếp nhỏ và điện thoại của cái Thư, dặn đi dặn lại tôi phải về nước trước Noel. Tôi ừ hử bỏ bánh mì vào máy nướng, chuẩn bị bơ, thầm thắc mắc sao nó phải gửi thiệp làm gì.

Thư gần như gào lên trong điện thoại.

“Thiệp cưới của em đấy, chị có thể để tâm một chút được không?”.

“Biết chứ, chị vẫn để tâm đây. Vậy mày nghĩ không gửi thiệp chị sẽ không quan tâm đến mày nữa à?”.

“Không phải thế. Thôi bỏ đi, chị đúng là khô khan mà. Nhớ về sớm đấy”.

Cưới. Tôi bỗng tần ngần vuốt ve chiếc thiệp hồng xinh xắn. Cô bé từng hứa đời này sẽ không lấy chồng cuối cùng cũng lên xe hoa rồi.

Thư là em gái tôi. Em gái ruột. Tôi có thói quen giới thiệu như thế với mọi người, bởi nhìn qua không ai nghĩ chúng tôi là hai chị em.

Tôi cao, nó nhỏ bé. Tôi giống bố, nó giống mẹ. Tôi hướng nội, nó hướng ngoại. Tôi u ám và cũ kỹ, nó rạng rỡ, xinh đẹp như nắng mai.

Bố tôi từng phàn nàn suốt một thời tuổi thơ tôi “Sao con cứ ủ rũ mãi vậy. Ít nói quá”. Ông nói như vậy mãi cho đến khi ông rời nhà đi mãi mãi, cũng lầm lũi như cái phong cách của con gái lớn nhà ông vậy.

Bố thương tôi, nhưng có lẽ chưa từng thương mẹ tôi. Hai chị em tôi lớn lên trong những trận cãi vã không hồi kết của hai người. Ngày bố đi, trời mưa tầm tã, tôi ôm chặt cái Thư không cho nó chạy theo bố. Nước mưa hoà lẫn nước mắt chảy dọc khuôn mặt hai đứa, chảy mãi, chảy mãi, chảy suốt cả năm tháng tuổi thơ mà cả hai không ai muốn nhớ lại.

Nhưng tôi lại nhớ mãi về buổi sáng năm 13 tuổi ấy, bà ngoại còng lưng ngồi xe đò 10 tiếng liên tục để lên thành phố đón chúng tôi về chăm. Bạn bè đưa tiễn chúng tôi rất nhiều. Có ánh mắt buồn của chàng trai năm ấy, dịu dàng, kiên nhẫn nhìn thôi. Tôi không đủ sức nói câu tiễn biệt, cậu bỗng cười hiền, bước đến ôm ghì lấy tôi.

“Đi mạnh giỏi nhé. Mình sẽ nhớ về Mai nhiều lắm”.

“Tạm biệt Minh”.

chuyenbay

Ngày ấy tôi 13, nhưng năm 31 tuổi nhìn lại, tôi biết cả tôi và cậu đều chẳng phải 13 nữa rồi.

Duyên phận là thứ rất kỳ lạ. Giống như bố mẹ tôi, như Thư và chồng chưa cưới của con bé, hay như tôi và Minh.

Mẹ tôi kể rằng bà yêu thầm bố tôi từ ngày cắp sách, nhưng bố tôi khi ấy còn chẳng biết bà là ai. Có lẽ bởi yêu nhiều hơn, hy sinh nhiều hơn, nên ngày bố đi mẹ tôi không chịu nổi. 

Một ngày đông lạnh giá và có mưa, giống y với ngày bố tôi bỏ nhà ấy, mẹ cũng đi biền biệt. Trên một chiếc xe bán tải mẹ thuê, mẹ bỏ lại hai đứa con gái bơ vơ gào khóc giữa góc phố phía sau.

Tôi giật mình thổn thức giữa những ký ức vừa mơ hồ vừa rõ ràng trong ngày mưa ấy. Rút áo măng-tô trên giá, tôi vội vã rời đi cho kịp chuyến bus lúc 7 giờ sáng. Căn phòng xám trắng sáng lên, rồi tối lại theo nhịp đóng cửa.

Dù thế nào, cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. Dù cho có bao nhiêu người bước qua đời ta đi chăng nữa, dù bị bỏ lại phía sau bao nhiêu lần đi nữa, tuyết vẫn rơi, mưa vẫn đổ, và đôi bốt cao gót đen của tôi vẫn giậm mạnh lên mặt đường như những ngày năm 17 - ngày đầu tôi đi giày cao gót.

Cơn mưa nhỏ táp vào ô kính xe bus. Không có tuyết, nhưng vẫn rét, và lạnh buốt. Tôi bỗng nhớ nhiều về cái buổi tối nơi góc phố xưa cũ ấy, Thư ôm chặt lấy tôi, thật chặt, thật chặt. Đến giờ tôi vẫn luôn thắc mắc nó lấy đâu nhiều sức lực thế?

Tôi nấc nghẹn trong cơn gió.

“Sao mày không khóc?”

“Em không khóc”.

Thư nuốt ngược nước mắt.

“Chị Mai khóc rồi, em không khóc nữa!”

“Sao lại không khóc hả? Khóc đi chứ, khóc đi, mày khóc mẹ sẽ sẽ quay lại dỗ đó”.

em_gai

Tôi hét lên như điên dại, vùng ra khỏi vòng ôm, cào cấu cho con bé khóc. Nhưng nó không khóc, cũng không buông tôi ra, lì lợm đến đáng sợ.

Những cơn gió ngày càng mạnh. Tôi tỉnh táo, nín luôn khóc.

“Chị sẽ nuôi em”.

Bốn chữ đó như rút hết sinh lực của một cô bé 13, nhưng tôi vẫn nói. Và tôi cũng rõ hơn ai hết tôi chẳng nuôi Thư được ngày nào cả.

Khắp nơi đều là những thứ xinh đẹp chuẩn cho lễ Giáng Sinh. Ai cũng nghĩ tôi khô khan, thật ra tôi lại rất thích những thứ nhỏ nhắn xinh xắn như đồ trang trí. Thấy tôi nhìn mãi, anh chàng làm việc ở Nhà ga Trung tâm đùa rằng cần anh cắp cho vài con tuần lộc bông không.

Tôi lắc đầu, bảo anh ai lại làm thế.

Cuối cùng thì anh tặng tôi một ông già Noel bằng xốp lấy trong nhà ga. 

“Mùa đông rồi cũng qua thôi, em định giữ nỗi buồn ấy ở lại mãi đến sang xuân hay sao?”. 

Anh hỏi tôi như thế khi đưa vật trang trí xinh đẹp kia. Tôi hơi lúng túng, anh cũng có vẻ ngại. May mắn thay, tiếng loa thông báo ồn ào át đi suy nghĩ của cả hai. Tôi ngước nhìn bầu trời xám xịt của ngày rét, thấy không đẹp gì cả.

namtay1

Gặp lại

Tôi gặp lại Minh cũng vào một ngày đông có gió lạnh. Ngày ấy ở quê không gần trường cấp ba, một mình tôi tạm biệt ông bà và cái Thư về lại thành phố.

Những kỷ niệm bé nhỏ đứt quãng ấy tồn tại lâu hơn là tôi nghĩ. Chúng tôi không nói nhiều, rụt rè, nhưng tôi nghĩ tình cảm khi ấy rất rõ ràng.

Chúng tôi đã bên nhau như thế, kể cả khi chữ yêu không bao giờ được nói ra. Tôi luôn mang tâm lý sợ bị bỏ rơi, sợ chỉ còn lại một mình. Vì vậy tôi không nói, tôi lơ đi, như một cách bảo vệ bản thân khỏi những vết thương sâu hoắm của tình cảm. Về phần cậu, tôi cũng không hỏi. 

Chúng tôi đã từng thân nhau rất nhiều, chia sẻ mọi thứ vui vẻ cho nhau nghe. Nhưng chúng tôi chưa từng kể về nỗi buồn, về những nỗi sợ hãi hay mất mát.

Có nhiều người sẽ tiếc tuổi trẻ đâu được bao nhiêu, tại sao không thử nói một lần. Nhưng tôi biết cái gọi là nhiệt huyết tuổi trẻ vốn chưa từng tồn tại trong tôi. Chỉ có mùa đông, gió lạnh và những câu nói nửa vời đi cùng tôi qua những tháng năm ấy.

Tôi tập vẽ tranh vào năm 16. Đến năm 18, cậu đi. Tôi vẽ một bức tranh nắng hạ gửi tặng. Ở sân bay, cậu không mở bức tranh ra xem, chỉ nhìn tôi thật lâu.

“Vậy Minh đi, Mai ở lại mạnh giỏi.”

“Tạm biệt Minh.”

noel

Kịch bản cũ của những câu nói khô khan lặp lại. Đó là lần thứ hai trong đời cậu ôm tôi, cũng là vào một ngày chia ly. Lúc ấy tôi bỗng nghĩ, chàng trai ấy, cái ôm ấm áp ấy có phải cả cuộc đời đằng đẵng này tôi không thể gặp lại nữa đúng không.

“Tôi sẽ đợi!”.

Câu nói ấy như rút cạn sinh lực một đời của tôi. Không kịp để cậu quay đầu lại, tôi nhanh chóng lao ra khỏi sân bay. Mưa mùa đông rả rích, ướt sũng lướt nhanh theo bước chân. Thanh xuân của tôi, tôi gửi đi sứ người mất rồi.

Ấy thế mà cũng có ngày tôi bỏ người khác ở lại mà đi. Lúc biết tôi đi xa thế, bà ngoại chỉ buồn mà không biết làm sao. Bà ngậm ngùi bảo tôi:

“Thôi ở đây buồn quá thì đi cũng được cháu ạ. Đi đi học hành cho tốt. Đi cho khuây khỏa.”

Nói rồi bà vào thắp nhang cho ông. Ông tôi mất năm tôi 17. Ông đi mà không kịp nhìn mặt đứa con gái duy nhất là mẹ tôi lần cuối. Mà mẹ tôi cũng chưa từng quay về.

Nhưng có lẽ bà tôi không biết rằng nỗi buồn ở trong tim chứ vốn dĩ nó không liên quan đến cảnh vật. Và quãng thời gian ở cùng ông bà và cái Thư là những ngày vui nhất của tôi rồi.

Suốt những ngày thu của năm 20 ấy, tôi ôm sách Tiếng Anh ngồi đong đưa trên chiếc ghế mây trước sân, nghe Thư nó kể lể về mọi thứ. Chuyện học hành, chuyện ở trọ, chuyện làm thêm, và cả mối tình dở dang của nó. Tôi không kể Thư nghe về tình yêu cũ của tôi, tôi cũng chưa từng kể với ai.

dong

Bởi tình yêu ấy chưa bao giờ là cũ cả. Tôi không quên, không cố tình quên. Nó như cái gai mảnh ăn sâu vào da thịt vậy, nhức buốt nhưng chẳng thể lấy ra, âm ỉ suốt năm năm tháng tháng. Từ năm 13 đến năm 20, cũng có thể là mãi về sau này, cái gai ấy vẫn nằm đó, im lặng mà cười nhạo những suy nghĩ kì lạ của tôi.

Tôi bay vào một ngày nắng đẹp. Thư, bà ngoại và một chú hàng xóm nữa tới đưa chân tôi. Thư nhịn khóc đến đỏ hoe mắt, dặn dò tôi đi nhớ chụp hình và video call cho nó xem cảnh vật trời Âu. Bà dặn tôi chăm sóc bản thân nhiều một chút, ráng tìm một anh chàng đẹp trai nào đó mà yêu đương, đừng để bị người lớn ảnh hưởng mà sợ yêu. Tôi cười khổ, bà không biết rằng tôi đã từng yêu, từng mơ mộng suốt một thời thiếu nữ rồi đó.

Đến cuối cùng, Thư quay sang tôi ngập ngừng:

“Em vẫn không hiểu. Tại sao chị phải đi xa thế?”. 

Hai hàng nước mắt lăn nhanh, nó đã không nhịn nổi nữa.

Tôi ngơ ngẩn. Tại sao nhỉ?

Tôi cũng không biết nữa, nhưng tôi chợt nhận ra rằng tôi không phải người cuối cùng bị bỏ lại phía sau. Em gái tôi, bà ngoại tôi, họ đã ở đây nhìn bóng lưng của rất nhiều người rồi. Và lần này lại là tôi.

Tôi sợ bị bỏ rơi, nhưng tôi không nhớ rằng em tôi cũng bị bỏ lại như vậy. Từng người, từng người một rời xa, đi lệch khỏi cuộc đời con bé.

Tôi lúng túng dỗ dành.

“Đừng khóc, đừng khóc. Chị sẽ về, nhất định sẽ về mà”.

“Chị hứa nhé?”.

Đứa em 18 tuổi của tôi khóc nấc lên như trẻ con.

“Ừ”.

ba_ngoai

Phía xa, bà tôi nhìn chăm chú hai đứa cháu, lặng lẽ đưa tay lên lau mắt. Nhưng rồi tôi chẳng về, cũng chẳng kiếm anh bạn trai nào đó như bà nói. 6 năm nơi xứ người, 6 năm tôi vật lộn với bài vở, công việc, và sự cô đơn.

“Anh trai tóc vàng đó được kìa, hôm qua ảnh có hỏi em về SNS của Mai đó”.– Ella - trợ lý của tôi, vừa thỏ thẻ, vừa ra vẻ bất lực nhìn tôi từ chối các lời mời xem mắt.

“Em gái chị sắp cưới, chị không có thời gian đâu. Mà đơn xin nghỉ việc của chị có lẽ sẽ duyệt trước 20 đó”. 

Tôi ngước mắt lên.

“Em tìm được nhà mới chưa, hay để chị giới thiệu?”

“Tháng 1 em đi Texas rồi, có lẽ không cần. Rồi chị sẽ làm ở đâu?”

“Chị về nước”.

Tôi nói như thở ra mấy chữ đó. Bên ngoài, những cột đèn, cửa tiệm hay cây cối đều đã được trang trí đủ màu sặc sỡ cho lễ Giáng Sinh. Càng về gần cuối năm, tuyết rơi càng nhiều, gió mạnh hơn và bầu trời u ám đi.

Ella nhìn theo tầm mắt tôi, bâng quơ

“Rồi chúng ta cũng đều bỏ lại thành phố này mà đi cả thôi.”

đông

Tôi gặp lại Minh một lần nữa trong ngày cuối cùng trước khi rời thành phố, khi đang đi mua quà cưới một mình.

Lúc ấy tôi vẫn không hiểu tại sao, không biết diễn tả như thế nào, không nhận thức được chuyện gì đang xảy ra. Bỗng nhiên cậu xuất hiện trước mắt tôi như thế, trong cái màn mưa tuyết trắng lạnh giá nơi xứ người. 

Cả hai đứa không nói được gì. Lần đầu tiên trong đời tôi biết rằng đôi mắt tĩnh lặng ấy cũng có lúc hoảng loạn đến thế.

“Mai … Mai phải không?”

Mắt tôi cay xè, cả người tê dại trong lạnh giá. Không nói được, tôi chỉ khe khẽ gật đầu.

Minh bước lại ôm ghì lấy tôi. Lần thứ ba. Lần thứ ba tôi được cậu ôm, nhưng tôi chưa từng đáp lại.

“Minh đây, không phải Mai quên rồi đó chứ?”.

“Không quên”.

“Không quên, chưa bao giờ quên, cũng không quên nổi. Từ năm 18 đến năm 26, à không, phải là từ năm 13 đến năm 26, cậu vẫn luôn là cái dằm đau đớn trong tim tôi”. Tôi thì thầm nghĩ.

muadong

Có một bà cụ làm nghề bói toán ở vùng ngoại ô từng nói rằng tôi là một đứa lì lợm, trong mọi chuyện, kể cả tình cảm. Tôi biết chứ, tôi biết hết, rõ hơn bất cứ ai. Tại sao mỗi lần bà ngoại tôi nói về chuyện yêu đương tôi luôn trốn tránh. Tại sao tôi không thể mở lòng cho bất kỳ ai đã vô tình hay cố ý lướt qua cuộc đời tôi. Bởi tôi luôn chờ đợi.

Dù cậu có quay lại hay không, tôi vẫn luôn chờ đợi. Tôi không nghĩ là Minh sẽ quay lại, vì thế, tôi làm mọi thứ để chuẩn bị cho cuộc sống đằng đẵng sau này của mình.

Tôi chưa từng nghĩ là mình cô độc, nhưng giây phút này, trước mặt người ấy, tôi mới nhận ra mình đã cô đơn như thế nào. Và rằng tôi vẫn luôn khao khát được yêu.

Thư kết hôn vào một ngày tháng 1 ngập nắng của năm nó 25 tuổi. Nhìn nụ cười rạng rỡ ấy trong tấm ảnh treo ở nhà bà, tôi bỗng thấy mọi hạnh phúc trên thế gian này con bé đều xứng đáng. 

Nó xứng đáng hơn bố, mẹ và tôi rất rất nhiều. Hy vọng cái cảnh tôi quay lưng 6 năm trước là lần cuối cùng con bé bị bỏ lại phía sau.

Tháng 3, tôi quay lại trường Đại học một lần cuối cùng để nhận bằng Thạc sĩ. Thành phố u buồn nâng đỡ tôi bao năm, cuối cùng cũng có một ngày nắng dịu dàng và xinh đẹp đến thế. Hoặc là đến bây giờ tôi mới nhận ra nó xinh đẹp.

Ngôi trường sang trọng và cổ kính này, sau này muốn đến thăm cũng khó. Tôi hơi buồn, dù nỗi buồn ấy khác xa với vẻ u ám ngày đông năm tôi 20 ngày ấy. Có lẽ vì lần này tôi không phải đi một mình, cũng không ai phải khóc khi đón tôi nữa.

mùa_đông

27 tuổi, tôi từ bỏ việc vẽ tranh trên máy. Không còn bị công việc ràng buộc, giờ đây, tôi chỉ thích mang canvas đến một bờ hồ nhỏ và múa cọ thôi. Không có nhiều công cụ hỗ trợ khiến việc vẽ vời khó khăn hơn nhiều. Nhưng tôi rất thích.

Ngày đông năm nay rét buốt hơn các năm trước. Tôi phải bọc kín hết người rồi mới dám mang giá vẽ ra ngoài. Đây có lẽ là bức tranh cuối cùng của tôi trong năm, một bức tranh quan trọng tôi từng nghĩ mình sẽ không bao giờ vẽ nó. Trong tranh, người con gái mặc bộ váy trắng muốt như tuyết đầu đông nắm tay người con trai chạy mãi trên cánh đồng hoa. Tôi đặt tên bức tranh đó là “Ở lại”.

© Akimizu - blogradio.vn

Xem thêm: Vị của thích yêu và thương l Radio Tình Yêu

Akimizu

Thanh xuân chưa từng hối tiếc

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Mùa đông dang dở

Mùa đông dang dở

Em nhớ hoài mùa đông năm ấy Mùa đông có anh một mùa đông có anh Em nhớ hoài mùa đông năm ấy Anh bên cạnh em và bên em suốt con đường

Lời ước hẹn

Lời ước hẹn

Anh có còn nhớ lời ước hẹn cùng em Lời ước hẹn năm xưa anh đã nói Lời ước hẹn trong một ngày đông cũ Khi cơn gió đông về cứ buốt lạnh tim em

Cho con cả bầu trời

Cho con cả bầu trời

Chị nói là mẹ sẽ cho con cả bầu trời này trong đó có vô vàn tình thương của mẹ gởi theo con, để ở một nơi thật xa con sẽ luôn có mẹ, luôn có tình thương của mẹ bên cạnh, và con sẽ được ấm áp được bình yên dù không có mẹ bên cạnh.

Ngày ta gặp nhau

Ngày ta gặp nhau

Anh có đếm những ngày xuân lặng lẽ Khi cả anh cả em đều cùng ngóng trông nhau Khi bao xuân qua ta cứ mãi đợi chờ Vì những niềm vui vẫn cứ còn dang dở

Nhân vật

Nhân vật "thức tỉnh" và thể loại bi kịch

Việc các tác giả xây dựng những nhân vật "thức tỉnh" có lẽ giúp người xem nhìn nhận khái quát về nhân vật sớm hơn, cũng tạo nhiều cảm xúc hơn khi xem, đọc kịch. Nhưng đồng thời cũng giúp bi kịch đi sâu hơn, khi những nhân vật đó đã hoàn thành "sứ mệnh" của mình.

Ngày toàn thắng

Ngày toàn thắng

Rồi một buổi sáng chị mở bừng mắt khi tiếng cô phát thanh viên trên đài liên tiếp đưa tin về những cuộc rút quân của giặc Mỹ, chị Nhành thấy vui như mở cờ trong bụng. Chị cứ ôm chặt con vào lòng và gọi tên anh, nhưng chị không thể biết được ngày nào là chính xác anh quay về bên chị.

Lòng tự kiêu

Lòng tự kiêu

Rồi cuối cùng khi anh ta giật mình quay lại sau một khoảng thời gian dài bỏ mặc người mình yêu như thế thì cô gái đã hạnh phúc bên một người khác. Điều mà anh ta không thể ngờ tới, vì anh ta rất tự tin là cô gái đã yêu anh ta sâu nặng như vậy thì chỉ chờ đợi mỗi anh ta mà thôi cho dù là có chờ đến bao lâu.

Tình điên dại

Tình điên dại

Tiếng tình yêu nghe sao mà da diết Nửa hồn tình anh biết gửi tặng ai Nửa mây mù chia cắt đốt hình hài Mà đau quá anh gọi mây bất diệt

Xã giao

Xã giao

Đàn ông quả nhiên không thể tin Trêu đùa xong xuôi rồi vô hình Xã giao vài câu thì biến mất Vậy nói câu đó để làm chi.

Nợ chàng trai thanh xuân một lời cảm ơn và xin lỗi!

Nợ chàng trai thanh xuân một lời cảm ơn và xin lỗi!

Có nghĩa là tôi không hề thật sự thích con người cậu ấy như cách mà cậu ấy thích tôi, cái tôi thích ở cậu chỉ đơn giản là vẻ bề ngoài của cậu. Tôi nhẹ nhõm khi cuối cùng cậu đã có thể từ bỏ một chút rung cảm đó với tôi để tìm được người đáp lại được tình cảm của cậu.

back to top