Nơi chốn bình yên (Phần 2)
2022-09-14 01:05
Tác giả:
blogradio.vn - Ông Thắng quyết định về lại thành phố sớm hôm sau dù Lợi và Lộc có cố níu giữ, ông để lại cho gia đình em thêm mấy lời động viên nhưng chẳng có lời hứa hẹn nào về một sự giúp đỡ, ông Thắng về rồi nhưng mối lo còn ở lại với vợ chồng Lợi Lộc, để họ phải chấp nhận rằng thằng Hạ sẽ tự lo lấy việc của nó thay vì trông chờ, dựa dẫm vào quyền lực người khác.
***
Bữa cơm chiều muộn cứ thế diễn ra với những câu chuyện lời trò chẳng mấy đồng điệu, nói với nhau mà mỗi người theo đuổi những tâm tư riêng. Dự định sẽ giấu những tâm sự của bản thân cho riêng mình nhưng hoàn cảnh khiến ông lỡ chia sẻ phần nào. Tuy vậy, vợ chồng Lợi không thấy được nỗi lòng của ông Thắng bởi trong lòng họ cũng ngập mối ưu phiền của riêng mình để mà phải lo nghĩ. Lợi tiếp chuyện bằng cái thở dài.
- Thế kể như là bác tốt số quá, cứ trông cuộc đời bác mà xem chả mình một lần may bằng người ngàn lần cố, gặp quý nhân liền phận đổi thay. Chứ đâu như thời buổi bây giờ, bác trông hai đứa con em học hành tử tế mà giờ ra xin việc vào chỗ nào chả phải tiền. Cứ nói việc ít mà người đông, em thấy chả phải, cái xã hội bây giờ ấy mà ông to đến ông nhỏ làm đến hói cả đầu rụng cả tóc mà có chịu nghỉ đâu cứ bo bo cái ghế ấy thế thì lớp trẻ có đâu chỗ mà ngồi. Chúng nó rời ghế nhà trường thì mấy ông cũng nên rời ghế quan quyền đi chứ. Ai đời cử nhân tương lai mà toàn mài đũng quần trên ghế dự bị thì còn làm ăn quái gì. Thôi cũng đành chịu, xã hội nó đã thế rồi mà. Đây em có hai đứa con chả biết bao giờ mới hết được cái lo cho chúng nó, nào con dại cái mang đã đành, đây huống chi chúng nó ngoan ngoãn còn đáng để mà vợ chồng em nhọc lòng. Cơ mà sức vợ chồng em có lấy bao nhiêu đâu. Đấy thế bác xem thế nào.
Lại chưa nói dứt câu Lợi đã phải dừng lời, sự ấy làm Lợi bực tức bởi cứ đến hồi sắp mở được miệng thì lại bị hẫng; lần này là vì thấy hai đứa con đã về nhưng chúng định chuồn thẳng ra gian nhà sau. Là người cha trong một gia đình có nề nếp thì việc con đi về chẳng chào cha thì cha lại phải chào trước.
- Hai đứa về rồi đấy hả... lại định đi đâu đấy, nhà có người lớn mà đi về cứ lẳng lặng thế hả?
- Cháu chào bác Thắng, con chào bố mẹ - hai đứa đồng thanh mà chỉ nhìn ông Thắng chứ không nhìn mặt bố mẹ chúng rồi toan quay đi sau tiếng chào gọn lỏn.
- Hai đứa quay lại đây, có bác về mà còn định đi đâu - Lợi nghiêm khắc nạt hai đứa con. Vì có mình trong ấy nên ông Thắng mới can.
- Chú cứ để chúng nó làm gì thì làm, đi đâu thì đi. Đừng miễn cưỡng chúng nó, đang tuổi này có nhiều hoạt động mà cánh già như mình không hiểu rõ được nên cũng là thông cảm cho bọn trẻ.
Hai đứa kia còn lần khân, tưởng được câu nói đỡ của người bác thì sẽ được đi, nhưng Lợi đã sẵn nén bực dọc trong mình sẵn nên không khoan nhượng:
- Hai đứa nó lớn cả rồi bác cứ để em.
- Con Nhàn, thằng Hạ đi vào đây ngồi.
Hai đứa sinh đôi cũng chịu làm theo mệnh lệnh chỉ bởi nghĩ tới lúc đi còn cần xin tiền bố mẹ nhưng còn ngúng nguẩy, mặt mày cau có và đồng thanh phàn nàn.
- Giờ này mới sắp cơm, chúng con ăn rồi.
- Bố có bảo chúng mày ăn cơm đâu, ngồi lên ghế kia. Ô hay, mẹ nó còn ngồi đực ra đó làm gì nữa... quên à? Dọn mâm bát đi rồi pha trà mới cho anh em tôi nói chuyện
- Lợi nói như thể đã lên kịch bản trước và cứ vậy hành sự theo, hoặc giả mọi thứ vẫn diễn ra đúng trình tự của cái nếp nhà ngày thường chỉ do Lộc quên mất vì mải hóng theo câu chuyện mọi người đang nói, sau rồi cũng tất bật dọn dẹp.
Sau sự sắp đặt của Lợi, mọi người đều đứng dậy ra bàn ghế uống nước để bắt đầu một cuộc chuyện có vẻ nghiêm trọng, chỉ trừ có Trực vẫn ngồi dưới chiếu ngả lưng vào tường ngủ ngon lành và Lộc thì đã lo phần "hậu phương" khiến Lợi liên tưởng tới chuyện bàn bạc nghị sự cần tránh kẻ say và sự nhiều chuyện của đàn bà dễ là hỏng việc. Chỉ riêng cái Nhàn thì Lợi phải để ngồi đấy vì chỉ sợ thằng con trai tị nạnh. Thấy mọi sự đã đâu vào đấy Lợi lại giữ vẻ niềm nở quay sang ông Thắng tiếp chuyện.
- Nãy em đang nói đến chỗ nào ấy nhỉ... à đấy, đang nói về hai đứa cháu bác. Cháu Nhàn thì nó là con gái, rồi cũng thế thôi, xong là đi lấy chồng.
- Ai bảo bố là con đi lấy chồng, con còn phải đi làm kiếm tiền, ai thèm lấy chồng sớm, muốn thì bố đi mà lấy - Nhàn cắt lời ông bố thể hiện sự phản đối quyết liệt như bao thiếu nữ của thời hiện đại.
- Gớm, mấy nữa chả lấy chồng thì mày tính mày làm nên cái trò trống gì nào, đúng là đồ vịt giời.
- Bố bảo vịt giời thì đã sao - cái Nhàn lại gân cổ lên.
- Sinh ra là giống vịt giời bé thì ăn hại lớn thì bay đi, chứ còn sao nữa... đã chả nói được câu nào ra hồn thì ngồi im đi cho người lớn nói chuyện. Không thôi mày biến đi chỗ khác cho khuất mắt.
Nhàn giận dỗi ra mặt, vùng vằng đứng lên bỏ đi thật. Ông Thắng suýt chút nữa bật cười khi nghe mấy câu nói tưởng như tếu cho vui của Lợi nhưng kịp kìm lại vì thấy cô cháu gái đang trải qua thứ cảm xúc khó chịu một cách đáng được cảm thông, còn người làm bố như Lợi trong hoàn cảnh ấy không thấy có gì là quá đáng với cô con gái.
- Thôi bác cứ kệ nó đi đâu thì đi. Chả biết tại người làm cha này vì lo cho con gái quá hay sao mà bị nó ghét; chẳng biết tại bố hay con hễ cứ mở miệng chưa được mấy câu là nó lại dỗi đùng đùng như thế, đâu nghe người ta nói về tâm lý là cha với con gái thì hợp nhau, thế mà nhà em thì chả phải - Lợi kêu ca cùng với vẻ tỏ ra hiểu biết.
- Ừ, nhưng mà có lo thì cố mà lo đều cho chúng nó, đừng để đứa nào thiệt thòi. Chú thím đừng nghĩ thương đứa cái này rồi bù cho đứa kia thứ khác. Sau này đứa đi lấy chồng theo chồng, đứa cưới vợ về làm dâu con chú thím nhưng phận làm cha mẹ chú thím cũng nên nghĩ sao cho chu tất, có miếng bánh cũng nên chia cho đều. Tuổi này chúng nó cần là cần sự quan tâm yêu thương của cha mẹ qua từng cử chỉ nhỏ nhặt nhất ấy.
- Thì vợ chồng em vẫn quan tâm cả chứ có chừa đứa nào, chúng nó từ nhỏ đến lớn vẫn luôn được vợ chồng em bao bọc, có bao giờ để chúng nó bị bắt nạt hay thua kém bạn bè; mà sau này chúng nó có sao cũng phải đặt dưới sự điều khiển kiểm soát của em cả - Lợi phân trần, rồi chợt thấp giọng hỏi ông Thắng.
- Anh Thắng này, để ý mới thấy anh có vẻ gầy đi so với trước ấy, mà dạo này công việc của anh ra sao rồi?
- Bố cứ nói thế nào ấy, cả năm bố mới gặp bác Thắng có một lần mà biết bác ấy gầy đi hay là không. Thằng Hạ nói chen vào với vẻ nghi ngờ làm giọng nó dài mãi ra như một sự mỉa mai, rồi quay sang ông Thắng lộ rõ vẻ quan tâm: - Chuyện nhà dưới ấy sao rồi hả bác, bác gái Hòa có còn giận bác, rồi cả anh chị cháu nữa có còn nhiếc móc bác không?
Lợi nghe vậy không hiểu gì cả, cho là có biến cố gì đó với ông Thắng nên vội hỏi dồn:
- Sao sao, chuyện là thế nào ạ?
- Chuyện thì tôi cũng kể cho cháu Hạ nghe qua, định bụng không kể ra mà lại lỡ, chán cho tôi thật đấy.
- Ôi giời, thế mà cái thằng này về nó chả bảo gì với em chứ, Lợi quay qua lườm thằng con một cái.
- Tôi chỉ chia sẻ với cháu nó một chút lúc hai bác cháu nói chuyện qua mạng xã hội thôi, lại cũng không muốn phiền vợ chồng chú thím nên tôi không nói...
- Chẳng có phiền gì đâu, nhà mình có xảy ra chuyện gì anh kể ra ngay em nghe xem nào.
Trước thái độ sốt ruột của Lợi ông Thắng bối rối, rồi ông hơi thu mình cẩn trọng lựa ý định nói như những lần ở trước hội họp để phát biểu những vấn đề hệ trọng. Giây lát, ông Thắng mở đầu câu chuyện bằng cái thở dài.
- Tôi nghỉ việc rồi. Đáng lẽ ra không phải chuyện gì lớn nhưng nó là nguồn cơn nảy sinh những mâu thuẫn trong gia đình tôi, vợ con tôi không hiểu cho tôi đã đành, đây còn trở ra trách móc tôi bằng những lời lẽ chẳng ra sao; từ câu chuyện này mà tôi ngẫm ra nhiều điều
- Sao anh nghỉ việc? Tưởng là còn vài năm nữa anh mới đến tuổi về hưu cơ mà.
- Đúng là thế, đây là tôi nghỉ hưu trước tuổi.
- Thôi chết, anh làm gì mà ra nông nỗi này? Không lẽ anh làm sai quy định nhà nước gây hậu quả, tham ô hối lộ, rồi là làm trái ý phật lòng cấp trên hay là vì gì mà bị nhà nước cho về hưu sớm?
- Không phải vì tôi làm sai điều gì, cũng không phải tôi bị gì cả mà tự tôi muốn vậy, tôi xin nhà nước cho nghỉ chế độ sớm. Bởi lẽ tôi cảm thấy sức khỏe đã yếu không cáng đáng tốt công việc, lại lo đối nội đối ngoại với những bữa tiệc tùng rượu bia mệt lắm. Thôi thì đủ thứ mà có những điều không biết phải nói sao, diễn đạt thế nào để chú hiểu, tóm lại chỉ là bản thân tôi muốn được nghỉ ngơi thôi.
- Ôi giời ơi là giời, anh ơi là anh! Công tác bao nhiêu năm rồi giờ chỉ còn có dăm năm nữa là là "hạ cánh" an toàn mà anh cũng không cố được à. Lợi kêu như ăn vạ cái khổ của chính mình.
Suốt câu chuyện Lộc cũng nghe ngóng ở bên ngoài, đến đây thì chạy xồng xộc vào với vẻ ủ dột như nhà mới bị mất cắp, Lộc thả mình xuống ghế cái "phịch" rồi than thở.
- Sao anh dại dột thế hả anh? Anh làm vậy chẳng ra làm sao cả, như thế chị Hòa với các cháu em trách anh vài câu cũng phải thôi, có đáng gì đâu.
Ông Thắng cũng đang buồn phiền nghĩ ngợi về những chuyện xảy đã ra khi nghe thấy vợ chồng Lợi Lộc nói vậy mặt ông sa sầm cả lại và đầy nghiêm khắc, ông nói.
- Tôi dại dột ư? Sống đến bằng này tuổi đầu mỗi quyết định của tôi vì công việc vì gia đình và bản thân đều thêm mỗi nếp nhăn, mỗi sợi tóc bạc; chỉ có điều nghĩ sao cho trọn vẹn hài lòng mọi người và cả mình là không thể. Thím nói chị dâu và các cháu thím trách tôi vài lời chẳng đáng gì phải không? Bà ấy nói thế này này: "ông không làm nổi việc nước nữa thì thôi luôn việc nhà đi, nghỉ làm cái chức giám đốc ấy thì bỏ luôn chức vụ làm chồng làm cha ở cái gia đình này đi" và hai cháu của thím nó cũng hùa theo mẹ nó đấy.
- Ối, chị Hòa bằng ấy tuổi rồi mà bỏ anh thì còn theo ai được nhỉ? Lộc lỡ buột miệng hỏi một câu vô duyên.
- Bà ấy theo kẻ sẽ lên ngồi cái ghế giám đốc Sở Nội vụ mà tôi để lại đấy chứ còn ai vào đây nữa.
Câu đáp tức thời của ông Thắng khiến cho Lộc im như thóc vì vừa xấu hổ vừa e ngại trước cái uy nghiêm của ông lúc này. Lợi bèn cố chữa thẹn cho vợ vừa muốn lái câu chuyện qua đúng chủ đề mà Lợi muốn bàn đến bị gián đoạn từ trước.
- Chả là vợ em nó dốt đường ăn nói, ý là anh tốt như vậy thì chị Hòa làm sao mà còn nghĩ đến ai khác được, cũng tại nhà em sốt ruột chuyện công việc của cháu Hạ muốn nhờ anh giúp thành ra lỡ lời.
- Còn cả chú nữa, chỉ nói mà chú có nghĩ đâu. Chú trách tôi xin nghỉ hưu sớm mà không cố thêm mấy năm chế độ, nhớ mới vừa đây thôi chú kêu xã hội bây giờ toàn người chỉ biết ôm lấy chiếc ghế quyền lực, chăm lo giữ gìn địa vị đến bạc cả tóc hói cả đầu. Chú nói vậy khác gì đặt cả tôi trong ấy. Nói để chú biết, nhiều người tuổi họ đã cao nhưng người ta vẫn làm vì còn năng lực, vẫn cống hiến bởi còn cái tâm huyết và cả còn được người dân tín nhiệm, người ta cũng phải phấn đấu từ điểm thấp đến vị trí cao, còn con của chú đừng nghĩ có trình độ học hành là hơn người, dẫu có giỏi đấy thì cũng phải biết xuất phát điểm mình không hơn người lao động phổ thông là bao, chỉ là hơn người ta cái mình được đào tạo nắm được cái hệ thống thì đó mới chỉ là tiềm năng phát triển về sau mà thôi.
Chú nói tới bất cập của xã hội lớn này, nhưng chú có nghĩ xã hội này là những ai, chính là chú thím và cả chị dâu cùng các cháu của hai người đấy. Các người chỉ mong có ai như tôi làm ông này bà nọ để cậy nhờ nọ kia, muốn tôi làm cây cao bóng cả để tỏa mát cho các người, thì đó cũng là cái cớ để mấy ai nỡ rũ bỏ chức vị cáo lão về quê. Mấy người chỉ tưởng tượng trong đầu về cuộc sống tôi là may mắn sung sướng, nào có ai biết mà nào ai trải cùng tôi những khổ sở; các người chỉ mãi trông lên thấy rằng cành vẫn tốt lá vẫn xanh mà có ai chịu cúi đầu để thấy bộ rễ đã dần dần ruỗng mục. Chú chớ có lấy cái đại chúng để bào chữa che đậy cho sự ích kỷ cá nhân mình.
Ngừng một lát trong bầu không khí im lặng, ngột ngạt ông Thắng tiếp tục với giọng trầm xuống nhưng cương quyết.
- Tôi biết và thương cái trăn trở cũng như sự mong muốn của chú thím muốn cái giúp đỡ của tôi về công ăn việc làm cho cháu Hạ. Tôi cũng có sự băn khoăn người nhà mà, tôi từng chịu ơn từ hai cụ nhà mình nên nghĩ không giúp cũng chẳng đành mà thực là tôi chẳng giúp được như ý muốn của chú thím. Khó nghĩ là thế tôi cũng phải nói thẳng, dù cho có khả năng giúp được chăng nữa tôi cũng sẽ không bao giờ dùng uy tín và chức vị của mình để đặt cháu Hạ vào một công việc nào đâu.
- Nhưng bác ơi, con nhà em nào được như con nhà người ta. Nó chẳng biết làm gì cả để nó tự bươn chải chỉ có mà chết đói thôi bác ạ. Lợi nói trong buồn rầu nhưng thâm tâm vẫn mong chờ, níu kéo một sự cảm thông giúp đỡ từ ông Thắng, Lộc cũng nói thêm vào.
- Phải đấy bác ạ, họ hàng ở quê ai cũng trách vợ chồng em chỉ biết cho nó học hành mà chẳng dạy dỗ đến nơi đến chốn thành ra nó cứ ù lì mà chẳng biết công biết việc gì. Giờ mà nó không có việc gì thì vợ chồng em đến là khổ; mang tiếng con cái học hành này nọ để trước thì mở mày mở mặt giờ không xin được việc làm thì không biết cất mặt vào đâu.
Thằng Hạ liền cắt ngang.
- Con xin bố mẹ hãy thôi bàn về vấn đề này, con biết ơn và thương cho bố mẹ vì sự quan tâm suốt bao nhiêu năm trời dành cho con bao nhiêu thì còn cũng thất vọng về cái cách mà bố mẹ lo toan cho con gấp bội phần. Chính những người thân trong gia đình ta chỉ xem con như một đứa trẻ chẳng biết làm gì, bởi lẽ chẳng có ai biết và ghi nhận sự cố gắng học tập của con suốt bốn năm học đại học. Con học được biết được bao điều ở môi trường sư phạm nhưng chỉ vì chưa xin được việc làm nên mọi thứ về con đều bị phủ nhận, trong khi ấy con chỉ cần sự động viên và mọi người đặt sự tin tưởng ở con.
Nhưng thật là khó, làm sao con được cha mẹ và mọi người tin tưởng đây khi mà con năm nay đã hai mươi hai tuổi đầu rồi nhưng vẫn được cha mẹ đặt trong sự quan tâm theo kiểu kiểm soát điều khiển, khiến cho đôi lúc con ngỡ cha mẹ còn là những người làm quản giáo, từ giờ giấc đi ngủ đến giờ làm việc này việc kia của cá nhân con, có thể đó là những điều có lợi cho con nhưng hoàn toàn là do ý muốn chủ quan của cha mẹ.
Đáng lẽ con và chị Nhàn sẽ vui vẻ làm theo, nhưng chúng con cảm thấy đó hoàn toàn là sự sắp đặt khiên cưỡng, cha mẹ sẽ nói rằng đến tuổi như cha mẹ chúng con mới hiểu nhưng chính chúng con mới là những người đang sống và trải nghiệm tuổi thanh xuân, hãy cho chúng con chấp nhận cả những thiếu sót của tuổi trẻ; vì thế cha mẹ hãy chỉ nên dành cho chúng con sự chỉ bảo, còn ý thức và trách nhiệm hãy để phần chúng con.
Còn một điều nữa, con và chị Nhàn đã trưởng thành hơn còn cha mẹ cũng luống tuổi rồi; vậy nên xin cha mẹ đừng lấy tương lai và hành động của chúng con để đặt thêm vào gánh nặng sĩ diện của mình trước mọi người nữa, nó sẽ khiến cha mẹ gục ngã vì mỏi mệt mất thôi. Hãy để chúng con tự chịu trách nhiệm về mình, giờ đây cha mẹ có cho chúng con điều gì xin hãy là từng chút tin tưởng.
Hạ nói những điều cậu suy ngẫm từ lâu mà cậu giữ trong lòng giờ mới có dịp thổ lộ, nghe vậy ông Thắng mỉm cười nói với vợ chồng Lợi Lộc.
- Chú thím nghe cháu nó nói đấy, cha mẹ thường mong con trưởng thành mà miệng thì luôn câu "là con nên lúc nào tôi cũng xem nó còn là đứa trẻ" thế thì làm sao chúng nó lớn cùng tư tưởng ấy được. Miệng cứ mãi thế, thành ra suy nghĩ cũng thế. Là anh của chú thím, nhưng chẳng hơn chú thím ở cái cũng làm cha làm mẹ nên tôi có mấy lời thế này, có quan tâm con cái thì chú thím cũng cần cân nhắc xem nên làm sao, biết đâu là giới hạn, phân biệt đâu là ranh giới giữa cái tốt cho con và cái chủ quan áp đặt từ phía mình. Luôn phải suy nghĩ làm rõ mọi vấn đề một cách thấu đáo chứ chẳng dễ dàng để có được nhân sinh quan tốt đẹp. Chân lý không phụ thuộc và chưa chắc đúng với sự hiểu biết của con người, đừng lầm tưởng quan điểm của mình là chuẩn mực vậy nên hãy luôn cố gắng để mọi sự được cải thiện theo chiều hướng tốt hơn. Tất cả đó cũng chỉ là quan niệm của tôi mà thôi.
Sau ấy, cả bốn người đều im lặng, dù mỗi người còn những trăn trở riêng nhưng ông Thắng và Hạ cảm thấy nhẹ nhõm vì cảm thấy đã nói thực với lương tâm mình. Còn vợ chồng Lợi Lộc thì nghĩ dù có nói gì đi nữa trong lúc này cũng là hấp tấp và vô ích đành cố gắng bình tâm suy nghĩ về những chuyện đã xảy ra, những điều mà họ chưa hề nghĩ tới; họ nghĩ mãi, nghĩ mãi cũng thấy được vài điều phai phải rồi rốt cuộc vẫn suy về mối lo công việc của cậu con trai. Mối lo lắng của họ dù sao cũng chính đáng lắm, vì dù có bao nhiêu điều họ chưa biết cùng bao thứ lí lẽ họ không hiểu nổi thì chúng cũng không quan trọng bằng duy nhất một điều họ quan tâm lúc này là công việc của con trai họ và thực tế là cậu sắp tốt nghiệp và tương lai công việc còn chưa có một sự đảm bảo. Chỉ mình Trực vẫn ngủ say và trong cơn mê gã cũng đối mặt với những nỗi lo của riêng mình, nhưng chẳng sao cả vì khi thức dậy những gì còn lưu lại trong tâm trí của gã lúc cơn say cơn mê chỉ là thứ mơ hồ. Vậy nên chẳng có thứ lý lẽ mới mẻ nào hắn tiếp thu được để làm lung lạc quan điểm sống bấy lâu của mình thành ra hắn vẫn sẽ an tâm.
Ông Thắng quyết định về lại thành phố sớm hôm sau dù Lợi và Lộc có cố níu giữ, ông để lại cho gia đình em thêm mấy lời động viên nhưng chẳng có lời hứa hẹn nào về một sự giúp đỡ, ông Thắng về rồi nhưng mối lo còn ở lại với vợ chồng Lợi Lộc, để họ phải chấp nhận rằng thằng Hạ sẽ tự lo lấy việc của nó thay vì trông chờ, dựa dẫm vào quyền lực người khác.
Chính ông Thắng nhận ra mình đã tự dối bản thân khi nghĩ chuyến về quê này là để tìm nơi chốn bình yên nhưng sự thực đó là cách trốn chạy những âu lo của riêng mình, do vậy ông quyết tâm lập tức trở về nhà để đối diện với những ngổn ngang gia đình, dù còn đó phía trước là những điều phải vượt qua nhưng lần về này ông thấy thanh thản tận sâu đáy lòng mình.
(Hết)
© Yeuyeu98 - blogradio.vn
Xem thêm: Nhật ký tự do của tôi | Radio Tâm sự
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Mười sáu - Ba sáu tuổi
Tôi đúng là một cô ngốc. Làm gì có đứa con trai nào dành cả thanh xuân bên cạnh tôi mà không có tình cảm. Và từ đó, chúng tôi chính thức yêu nhau.
Hành trình đi đến tự do
“Dám bị ghét” không bênh vực cho tôi, không đứng về phía tôi, ngược lại, nó giải thích một cách hợp lý tất cả nguyên nhân khiến tôi chọn sống một cuộc đời tệ bạc như vậy.
Hãy trao yêu thương khi còn có thể
Tôi nhận ra từ trước giờ tôi luôn mong người khác phải hiểu và thông cảm cho tôi mà tôi quên đi rằng tôi chưa đặt mình vào vị trí của bất cứ ai để hiểu cho họ.
3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa
Trong tương lai, 3 năm tới hứa hẹn sẽ là quãng thời gian vô cùng rực rỡ và thịnh vượng cho 5 con giáp may mắn dưới đây.
Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em
Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.
Lá thư gửi đến thiên đường
Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.
Đắng cay
Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân
Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi
Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.
Đơn phương yêu một người
Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.
Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?
Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?