Những chênh vênh 25 thật hạnh phúc vì luôn có ba mẹ
2022-08-15 01:20
Tác giả:
Kim Le
blogradio.vn - Con mong những lúc chông chênh ba mẹ đừng nhìn thấy nhưng những lúc vinh quang xin hai người hãy quan sát con bằng ánh mắt yêu thương, bởi lẽ chúng ta được sinh ra đời là để bù đắp cho nhau.
***
Ở đây có bạn đọc giả nào đã tốt nghiệp Đại học chưa? Trước tiên xin được phép chúc mừng nhé, hẳn bạn đã nỗ lực rất nhiều đúng không nào? Tôi cũng vậy, tôi rất tự hào về bản thân sau khi kết thúc được 4 năm mà tôi phải gọi là gian khó ở Đại học, nhưng tôi lại ngây thơ không biết rằng nỗi lo sau đó còn khiến tôi chông chênh và mất phương hướng hơn nữa.
Việc sinh trưởng trong một gia đình không mấy khá giả đã thôi thúc tôi phải thực hiện được ước mơ lớn nhất của cuộc đời, đó là đậu Đại học, tôi gọi 4 năm học ở đây là gian khó bởi lẽ tôi đã làm rất nhiều việc làm thêm khác nhau để có thể trang trải cả tiền học và sinh hoạt phí ở chốn Sài thành hoa lệ. Nó khắc nghiệt đến nỗi, trong suốt 4 năm, tôi đã không có bạn chung trường nào, người bạn duy nhất mà tôi có là đứa bạn thân hồi cấp 3 với suy nghĩ phải học cùng trường của tụi tôi. Và sau đó tôi không nhớ đã bao nhiêu lần tôi đi chùa và cầu nguyện, câu thứ 2 luôn luôn là “Xin Người phù hộ cho con có thể học hết được 4 năm Đại học và tốt nghiệp đúng hạn”.
Và thực tế là tôi đã thành công với tấm bằng cử nhân ngoại ngữ trong tay, ngay sau đó tôi trở về vòng tay mẹ cha dù đó chính là nơi tôi muốn bỏ đi nhất từ khi còn tấm bé, có lẽ những suy nghĩ dại khờ thuở nhỏ về việc ba mẹ không được như người này người kia không thể khiến tôi không nhìn thẳng vào thực tại rằng họ đã già.
Tôi không bao giờ trách họ, không bao giờ oán than về những khó khăn tôi đối mặt trong suốt 4 năm học mà không có sự giúp đỡ của phụ huynh ra sao, bởi những nét khắc khổ của thời gian đã hằn sâu lên từng chân tơ kẽ tóc đó và sẽ khiến tôi trực trào nước mắt khi nhìn thấy.
Nhớ lại ngày thứ hai sau khi rời thành phố và về quê, tôi vào làm ở một công ty trong khu công nghiệp gần nhà với vị trí phiên dịch bằng mức lương 6 triệu 5 trăm ngàn vào năm 2019, tôi dành số tiền đó cho ba mẹ, tiền đi xe ôm 6 trăm ngàn đi làm do tôi chưa có xe và cả tiền trả nợ vay nhà nước nữa.
Tôi đã đi làm như vậy suốt 8 tháng ròng cho đến khi trả xong nợ nhà nước tôi mới dám tính đến chuyện mua xe máy và tất nhiên cũng là mua trả góp, chiếc xe ngốn hết của tôi 35 triệu 7 trăm ngàn đồng, lúc này lương của tôi cũng đã được tăng lên thêm 1 triệu nữa.
Hẳn đến đây các bạn sẽ thắc mắc ba mẹ tôi làm nghề gì, nhà có đông anh chị em không mà sao lại túng thiếu như vậy? Tình hình lúc đó dù gì cũng đã khá hơn rất nhiều so với ngày tôi còn bé rồi, ba mẹ tôi rời quê miền Trung trôi dạt vào Nam, họ đã đi và sinh sống ở 8 nơi trước khi quyết định định cư lâu dài ở chỗ ở hiện tại - đã là nơi thứ 9 rồi, ba mẹ tôi cân đủ nghề từ ai thuê gì làm nấy cho đến mua ve chai, bán bánh dạo, cạo hạt điều, làm củi, bán vé số, họ đều cân qua tất, và cả thảy 5 anh chị em tôi đều được trải nghiệm các công việc nêu trên. Nhưng có điều trong tư tưởng của ba mẹ, họ chỉ lo cho chị em tôi đến năm 18 tuổi thôi và việc lo ở đây là lo ăn lo uống, còn việc học mà nói thẳng ra là tiền học thì mạnh ai nấy lo, nên suốt 4 năm ba mẹ không hề hỗ trợ tôi bất kỳ chi phí nào để có thể sinh sống và học tập xa nhà.
Mấy anh chị tôi cũng không khá khẩm hơn, nên bản thân dù là em út, tôi cũng không dám và cũng không có suy nghĩ sẽ dựa dẫm. Tôi đã từng rất rất buồn và tuyệt vọng, nên có thể nói tấm bằng Đại học này tôi đổi lại bằng mồ hôi và nước mắt nên tôi rất trân trọng nó.
Giờ đây khi lương tôi đã lên hai chữ số, tôi đã chuyển qua hai công ty và cũng đã được thăng chức nhưng sao tôi vẫn thấy mông lung quá, như thể đang đi thì bị chùn chân dù biết trước mắt còn bao nhiêu thứ cần tôi cáng đáng. Bởi gia tài sau ba năm tốt nghiệp của tôi là một chiếc xe máy tự sắm, một chiếc điện thoại mới, một chiếc lap và mớ linh tinh đồ gia dụng trả góp đều đều hàng tháng trong nhà, còn lại bản thân tôi trắng tay.
Nếu mà có thì là một công việc văn phòng buồn chán, những cơn đau vai gáy dai dẳng và một tính cách ngày càng cộc cằn cáu gắt. Chắc có lẽ vậy nên tôi đến tuổi này vẫn chưa có người yêu, dù bè bạn xung quanh đã sớm con bồng con bế hết cả.
Nếu cuộc sống này là một trò chơi, hẳn là tôi luôn bị quay vào ô mất lượt rồi, mọi thứ luôn diễn ra không như ý tôi muốn và đỉnh điểm là đợt dịch Covid 19 năm 2021, trong khi đang ở tại công ty theo quy định 3 tại chỗ, ba tôi bị nhiễm trùng đường ruột do ăn phải đồ ăn không tươi trong tủ lạnh.
Thế giới quan tôi như sụp đổ và phủ đầy trước mi bằng những giọt nước mắt, tôi đã nghỉ làm 1 tháng để chăm ba trong bệnh viện, khỏi phải nói chắc hẳn mọi người cũng đủ biết tình hình dịch bệnh việc di chuyển khó khăn đến như thế nào. Tôi đã khẩn thiết nguyện cầu để đổi lại sức khỏe cho ba, điều đó như một gáo nước lạnh tạt thẳng vào khuôn mặt lúc nào cũng oán đời trách người như tôi, để tôi nhận ra ngoài ba mẹ, ngoài gia đình không gì có thể khiến tôi vững bước và cố gắng đến được ngày này.
Giờ đây khi bão tố đã tạm qua đi, dù tôi không phải nhà tiên tri để nhận biết khi nào biến cố sẽ lại đến, tôi lo lắng đôi tay này không đủ vững chắc để có thể gồng gánh nhiều thứ vượt khỏi tầm kiểm soát như quy luật thời gian tuần hoàn, chông chênh đó thì đã sao, mơ hồ thì đã thế nào, ít nhất tôi vẫn còn có người chờ cơm tôi mỗi tối, hay thức đêm trông mỗi khi tôi tăng ca về muộn. Có lẽ với cái tính khí nắng mưa thất thường việc tôi còn độc thân ắt hẳn sẽ còn dài dài cho đến khi ai đó cũng trở thành vấn đề ưu tiên khiến tôi phải bận tâm trong cuộc sống như ba mẹ.
Tôi luôn ước bản thân có thể kiếm được thật nhiều tiền để báo hiếu cho cha mẹ, nghe sao vừa dễ vừa khó, nó khiến tôi tăng ca, dạy thêm vào cuối tuần, thêm cặp kính cận 2 độ rưỡi cho mắt nhưng vẫn chưa thấy đủ, nhìn những bạn có thể kiếm hàng chục triệu mỗi tháng lại cảm thấy bản thân tôi thật nhỏ bé.
Nhớ lại cô bạn thân học chung Đại học, hẳn em ấy cũng chênh vênh và suy nghĩ không kém gì tôi nên mới có quyết định đi Nhật Bản xuất khẩu lao động từ 1 năm rưỡi trước, hẳn nỗi ám ảnh cơm áo gạo tiền khiến bạn cũng thấy như tôi ở cái tuổi 25 - không quá già nhưng cũng không còn trẻ.
Có phải những câu nói vô tình lúc nóng giận của mình đã làm ba mẹ buồn có phải không? Nếu vậy thì sao mà có thể sống thọ vui vẻ hạnh phúc được? Ba mẹ ơi nếu con có sai xin hãy thứ lỗi cho con, con có làm con của ai đó kiếp nào đi nữa nhưng kiếp này con cũng là lần đầu tiên làm con của ba mẹ, những lý thuyết con không được học, những cái thực hành con cũng chả bằng ai, nhưng có lẽ đó là sứ mệnh của con khi đặt chân đến thế giới này, để từ đó trở thành một phiên bản tốt hơn của bản thân không những khiến ba mẹ tự hào mà còn cho con, chính bản thân con của sau này nữa.
Con mong những lúc chông chênh ba mẹ đừng nhìn thấy nhưng những lúc vinh quang xin hai người hãy quan sát con bằng ánh mắt yêu thương, bởi lẽ chúng ta được sinh ra đời là để bù đắp cho nhau.
© Kim Le - blogradio.vn
Xem thêm: Khi hối hận thì đã muộn màng | Family Radio
Phản hồi của độc giả
Xem thêm

Những mảnh ký ức (Phần 6)
Tiếng bù lu bù loa láo loạn cả giấc trưa. Bà Bình sang từng nhà gọi, kết quả là băng đảng tan rã, tình cảm sứt mẻ, cả hôm sau đó chúng tôi phải ở trong nhà cấm không được đi đâu chơi. Tôi và con Nguyệt đáng nhẽ thoát, nhưng Thọ đen lại khai ra có cả tôi trong vụ đó nữa. Thật đáng buồn!

Những mảnh ký ức (Phần 5)
Chính vì bọn nhỏ trong xóm đông đúc thế, cùng với đám đàn anh vô cùng láu cá, nghịch ngợm, mà mùa hè nào đối với chúng tôi cũng đều là một khoảng thời gian tuyệt vời, đầy ắp những chuyến phiêu lưu đáng nhớ.

Em còn rất nhiều ngày hạnh phúc
Em gật đầu, vậy là từ đó em thân với lũ trẻ đó nhiều hơn, và không hiểu sao em càng tin lời của dì em nói, em còn nhỏ lắm em sẽ còn có rất nhiều ngày hạnh phúc ở phía trước, rất nhiều ngày hạnh phúc đang chờ em.

Mừng Đảng quang vinh - mừng xuân đất nước
Từ những nỗi đau mất mát, chúng ta đã đứng dậy, mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chính những khó khăn, thử thách đó lại càng làm cho mỗi người dân chúng ta thêm phần gắn kết, yêu thương và sẻ chia.

Những mảnh ký ức (Phần 4)
Một cách duy nhất để được ăn phở đó là “bị ốm”, phải được ốm, không ăn được gì thì sẽ được ăn phở. Thế là trưa nắng thay vì trông thóc, bọn tôi lăn ra phơi người để được ốm và cũng được ốm thật!

Bữa cơm gia đình
Câu hỏi ấy đặt ra với tất cả chúng ta chứ không phải riêng một bất kỳ ai. Xa nhà để phát triển bản thân, ở gần người thân gia đình nhưng vì mối quan hệ xã hội mà ta níu kéo giữ gìn rồi quên đi bữa cơm gia đình, có đáng hay không?

Tết xa quê
Nhớ cha nhớ mẹ mấy lần Mái tranh cũ rích lắm phần xác xơ Giao thừa pháo nổ hững hờ Bếp hồng nơi đó bơ vơ một mình

Những ngày giáp tết
Người quê tôi, vốn hiền hòa, chấc phác trong cuộc sống đời thường, khi xuân về lại càng trở nên dịu dàng và thân thương đến lạ. Từ trẻ tới già lúc này với vẻ mặt thật hân hoan, nụ cười trên môi thì luôn tươi như hoa nở. Tay bắt, mặt mừng đón chào thăm hỏi khi thấy người đi xa mới về.

Lặng lẽ chiều xuân
Chiều nay lặng lẽ bên thềm Ngàn hoa hé nở êm đềm tỏa hương Bếp chiều quyện khói hay sương Chút gì như vấn như vương lòng người.

Những mảnh ký ức (Phần 3)
Mà trời ơi sao cái cơm ý nó ngon không cưỡng lại được, tôi ăn nhiều đến nỗi mà bố tôi còn phải hãm lại không cho ăn nữa. Xong thêm cái món thịt lợn rang cháy cạnh bỏ hành lá, lấy miếng cháy chấm với cái nước mỡ đấy thì đúng miếng ngon nhớ nhất trên đời này.