Phát thanh xúc cảm của bạn !

Đừng ngại nói yêu thương gia đình

2022-02-01 01:25

Tác giả: Anh Kỳ


blogradio.vn - Hãy chúc cho nhau một ngày tốt lành, hãy yêu thương gia đình mình, trân trọng phút giây bên cạnh họ. Để sau này đừng lẩn thẩn nói như ba tôi “Chúc cha vui vẻ, cũng đã bảy năm rồi cha nhỉ, thiếu cha mọi thứ thật khó khăn”.

***

Tôi ngồi dậy với đôi mắt thẫn thờ và quầng thâm còn hằn sâu dưới mí mắt, hôm qua tôi thức trắng cả đêm. Bước ra khỏi phòng, một làn nắng nhẹ nhàng hất lên khuôn mặt tôi u ám nặng nề màu mệt mỏi, có tiếng bọn chim sẻ ríu rít dưới tầng trời, chúng thấp thoáng phía những cái lá cây xanh mướt to, dài của cây sứ trắng bà tôi trồng đầu cổng chính. 

Cái cây sứ cao, thân loang lổ nốt sần, trông tưởng đâu là ngẫu nhiên, nhưng lại rất ư là huyền bí, như thể có một bàn tay nào lén chạm trổ lên những hình hài quái dị, lúc tựa hồ con rết dài to lớn, con thỏ nhỏ nhút nhát trốn kĩ một nách cành, hay kinh khủng hơn là cái đầu người có hai cặp sừng to làm tôi hốt hoảng tấm bé thơ, mỗi khi nghịch đùa với anh tôi dưới cái cây ấy. 

Tôi đứng dưới mái hiên lặng nhìn trời một chút, bầu trời nay khác với bầu trời mọi khi, nó cao hơn, cao hơn rất nhiều bởi màu trong xanh và cuộn vòng những đám mây, tạo cho người ta cái thu hút lạ kì. Cứ tưởng đâu mình đang đứng trông một cái giếng sâu, nối dài thiên hà bao la vũ trụ rạng ngời những tinh vân, nhưng nó lại gần với tôi hơn, gần hơn một chút thôi, vì bởi lúc tôi nhìn ngắm một bầu trời tương tự thế này, tôi chỉ mới vừa sáu tuổi, thoắt cái đã mười bốn năm.

Hôm nay là một ngày đặc biệt, ngày mà quá nhiều việc khiến mẹ tôi phải lo toan và tần tảo, trước thềm giao thừa một ngày, sáng ba mươi tết. Bà lật bật nấu đủ thứ thức ngon để gọi là tạ ơn trời đất, cùng chuẩn bị đón mừng những điều tốt đẹp cho năm sau. Nhưng tôi đang nghĩ cái gì là tốt đẹp, khi mẹ tôi cứ cằn nhằn mãi về những việc bà cần làm, phải làm và sẽ làm, nói mãi, đến mức tôi như thuộc lòng tất cả những gì bà đã nhắc. 

tet_-891

Mệt mỏi, cáu gắt, cực nhọc đó là điều tốt đẹp mẹ tôi có được hay sao? Tôi ngồi yên nhìn thật sâu vào bức vách mới sơn, màu xanh mềm mại của  bầu trời mùa hạ, rồi tự đắm chìm trong cái khoan khoái tự mình xây, bỗng có tiếng khóc trong tay tôi, tôi giật mình. Con bé Vi, tự nhiên khóc ré lên, mà chắc cũng chẳng phải là tự nhiên gì cả, chỉ là do tôi đã quên mất đi nó nên nó mới gào lên để tìm kiếm chút quan tâm đó thôi, tôi bế xốc nó lên thều thào.

-Vi ngoan, chú ba xin lỗi, chú lỡ quên con.

Con bé mếu máo nhìn tôi, rồi tự nhiên cái cười, hồn nhiên đến lạ, cái cười nhẹ nhàng như một giấc chiêm bao mà chúng ta khi lớn lên ít khi nào mà có được, cái cười này chẳng phải là điều tốt lành đó ư? Đang bâng quơ với con bé, bỗng tôi nghe tiếng mẹ tôi vọng lại chỗ mình ngồi.

- Ông giữ con bé cho tôi làm ít việc, đừng có suốt ngày thơ thẩn, tôi chưa xử lý ông cái tội biết hôm nay là ngày bận rộn, mà đêm qua đi ngồi bàn giấy trắng cả mắt, tới gần trưa trời trưa trật mới mở đầu dậy đấy

Tôi cười cười nhìn con bé Vi, tự nhiên lòng có chút gì buồn buồn nhè nhẹ, tôi hỏi.

- Ủa hôm nay sắp tết nhất rồi, sao con bé này nó còn ở đây vậy mẹ, cha má nó đâu hết rồi, không rước con bé về chơi cho vui cửa vui nhà, mà để nó côi cút bên nhà người dưng vầy, tội quá.

Mẹ tôi lom khom bắc cái nồi thịt kho tàu thơm mùi nước dừa lên trên bếp, ánh lửa đượm nồng dâng lên.

- Cha má nó còn dưới chợ bán hàng bông, kiếm mấy đồng xài cho qua tết nhất, ai như cái nhà này, tết chưa kịp tới hẳn đã ăn chơi luôn miệng rồi.

am_-_cung

Tôi thấy mẹ tôi vừa nói, miệng vừa cười lạt, cái chán nản đượm vào trong câu nói, hệt những khi bà kể về những câu chuyện tầm phào mà mấy cô hàng xóm hay thao thao bất tuyệt cùng nhau. Tôi chép miệng, nhìn con Vi bé nhỏ ngồi trong vòng tay mình, miệng cười toe.

- Nhà ấy có túng thiếu gì đâu mà tết nhất  chạy đôn chạy đáo thế, tiền nhiều để đấy thấy cũng chỉ có cực thân, sao bằng bỏ mấy đồng ra mà nhìn con mình cười nụ cười hồn nhiên vô tội này hả mẹ?

Mẹ tôi quệt mồ hôi trán một cái, nếm một it nước của nồi thịt kho, cười một cái đắc ý, tự khen mình, rồi giọng bà giãn ra nửa đùa mà nửa thật.

 

- Vậy người ta mới giàu, con người mà nhiều tiền ai mà không khoái, má mày cũng khoái, nhưng má mày sợ.

Tôi nhìn mẹ tôi một lượt, ngạc nhiên, như dò được ý tôi, bà dựa người vào thành bếp, nhìn miên man khắp căn nhà.

- Mẹ sợ khi có nhiều tiền rồi thì ta sẽ giàu, giàu thì có thể ba mày sẽ xây nhà mới, nhà rộng hơn to hơn, mùi bếp lửa sẽ loang ra, thoáng đãng và chắc sẽ biến mất trong căn nhà này, làm ta nguội lạnh, buồn phiền, vì thói đời nhiều tiền sẽ sinh ra lắm sự, thế này má mày lại thấy vui.

Tôi nhìn bà, khi câu nói còn đọng lại trong đôi tai tôi, nó như một bản nhạc êm êm nào đó mà tôi vẫn thường hay nghe những chiều cuối tuần yên ả, nó hay lắm, hay và hạnh phúc vạn ngần. Cái nhà nó khác gia đình, gia đình cũng là nhà nhưng mà nó ấm áp. Trong lòng thầm ngưỡng mộ mẹ tôi, người đàn bà của gia đình, tất bật những ngày đáng ra cần ăn chơi và không muốn nhuốm nhiều nghĩ ngợi, thế mà bà, bỏ hết, thay vì ngồi làm tóc làm tai hay đi xăm cái chân mày đen thui nhìn dữ như Trương Phi, giống mấy bà trong xóm. Thì bà ở nhà, cái đầu tóc rối bời, cột vội lên mà cắm xiên chiếc đũa lệch thế là có ngay một kiểu tóc hợp thời để bếp núc. Bà quen với mùi thịt kho, dưa cải, củ kiệu những ngày này cùng cái trán đẫm mồ hôi, tự nhiên bất giác tôi buột miệng.

- Má con đẹp gái quá à.

tet_-89

Tất nhiên là bà bảo tôi dở hơi, rách việc cứ thơ thẩn đâu đâu, bà nói vậy thôi, chứ từ lúc tôi báo với bà mình theo nghiệp ngồi bàn giấy thì bà cũng ưng cái bụng trong lòng, nên nhà có ông con thơ thẩn, bà chỉ biết có việc lắc đầu cho vui. 

Thế rồi, mọi thứ lại về như vậy, bếp lửa vẫn cháy hồng, mẹ tôi vẫn tất bật, tôi ngồi yên với cả ngàn suy nghĩ, bé Vi vẫn không về nhà, miệng vẫn cứ cười toe. Nụ cười của đứa trẻ, khác cái nhếch môi của một tên nhóc hai mươi tuổi rất nhiều, con bé này cười gì mà cười lắm thế, mẹ mày có về với mày đâu.

Rồi mọi thứ cứ trôi qua, nhẹ nhàng nhưng tất bật. Nào là tiếng mẹ nói râm ran, đôi khi có cả tiếng bé Vi nó khóc vì buồn chán, cuồng chân quá độ, lẫn tiếng cha tôi nôn ọe ở sau nhà. Cha đi từ sáng tới giờ, mới vừa về, khi mẹ con tôi mang đủ thức ngon lên mà bày la liệt trên bàn thờ nghi ngút khói, ngoài cái sân con có xác lá rơi nhiều, cha tôi vừa về. Ông nằm lăn ra cái ghế dài mà ngáy khò khò, mê man, lâu lâu còn nói mơ vô thức ợm ờ gì không rõ, hai má con tôi chỉ biết có cười.

Bởi cha tôi có bao giờ mà say xỉn đâu, cả năm trời ông chẳng bao giờ động vào một giọt bia giọt rượu nào cả, ông bảo cái thứ ấy làm người ngu ngơ mu muội và hại sức mình kinh lắm, dẫu ông hút thuốc nhiều, nhiều lắm, nhưng ông bảo cái thức ấy, trốn một góc hút một mình, kéo một cái cho cái đời nó nguôi ngoai tưởng chừng đâu là như đám khói thuốc màu trắng xanh cứ loang ra rồi mất vạn giữa khoảng không vô mực lẫn vô chừng. 

Ông bảo tôi “Đàn ông họ buồn đời nên họ tìm đến những cái thức ấy”, nhưng ông chỉ nghiện hút thôi, bởi cho rượu làm người ta quên mất sự đời, hư hỏng và tàn tệ với vợ con, càng uống càng ngu muội, thì có nghĩa gì.

Còn thuốc thì khác, độc hại thì độc hại, nhưng càng hút con người ta càng tỉnh, tỉnh để hiểu thấu cái sự đời này, chỉ một điếu để quên đi cái mệt nhọc trước mắt mà lo nhiều cho tương lai. Ví như đám khói có loang đi đâu xa, thì cũng ám đọng một chút vào lòng bàn tay, vào khuôn mặt, chứ có mất thật đi đâu. Nhưng nói vậy chứ, cha tôi cấm tiệt anh em tôi những thức ấy, nghĩ lại vẫn thấy buồn cười, chúng tôi cũng là đàn ông, chúng tôi cũng có chuyện buồn mà nhỉ. Nói thế thôi, chứ ghét cay ghét đắng nói gì tới dùng.

nam_-_moi_356

Thế rồi ông lăn đùng ra ngủ, mùi khói nhang lan ra cả căn nhà, tôi vẫn ngồi bế con bé Vi, hai chú cháu nhìn những đĩa đồ ăn bày la liệt, nhìn bức ảnh ông tôi, bà tôi, cố tôi và nhiều người trong họ hàng tôi, đếm không xuể và được gọi với cái tên cung kính, cửu huyền thất tổ, tôi nhớ cái tên ấy từ những lần nghe mẹ lầm bầm khấn khi thắp hương vào ngày lễ tết. Nhìn thật chậm và thật khẽ, bỗng da gà tôi nổi lên từng hồi, sự tâm linh kì dị như bao trùm lấy cả một điện thờ nhỏ cha xây, khói hương tỏa đều đều, tiếng kinh cầu vang vọng từng hồi, âm trầm, nghiêm nghị. Cảm giác mà tôi cảm nhận được đó là sự cung kính, cung kính hết lòng của mẹ tôi, cha tôi và tôi. Điều hạnh phúc nhất không phải được sống lâu trên đời này với cái thân xác già nua bệnh tật, rồi trở thành gánh nặng cho con cháu.

Điều tốt lành tôi vừa thấy được, chính là khi ta sống, hãy sống như thế nào, để lúc thác đi, ta sẽ vẫn còn hiện hữu, bằng đức tin của những người ta đã đối xử thật lòng. Lúc ấy thì làm gì ta phải hoang mang với sự chết hay là mất đi của cái đời vô thường này nữa, bởi có chết rồi, ta vẫn sẽ chẳng mất đi, thà chết mà được nhắc tới nhớ về, còn hơn là tồn tại như một gánh nặng.

Khẽ nhớ về những điều tôi đã viết trong tiểu thuyết “Giấc mơ đi lạc” của mình, tôi ước gì con người ta thật sự có miền kí ức, và những người chết đi sẽ tồn tại mãi bên trong, chẳng phải đó sẽ là một niềm hạnh phúc lớn lao.

Trưa ấy, tôi bắt đầu đặt ngòi bút xuống mấy tờ giấy thế, thứ giấy người ta đốt khi những dịp cần cúng kiến thế này, tôi đang chờ đợi cha tôi và vẫn đang chờ, khi cha cứ ngẩn ngơ nghĩ hoài mà hổng có ra tên của bà cố tôi, bà ngoại của cha, rồi tới tên của ông cố, ừ thì ông ngoại của cha, tôi sợ nhất là mấy cái gia phả này, nhớ không nổi, lưu không đặng chút nào. 

Cha tôi, ông ấy hết vò cái bộ tóc hoa râm của mình đến rối tung,  lại rít một hơi thuốc dài mà lẩm bẩm, khói thuốc bay bay, thấy rõ mặt ông nhăn nhúm lại, cảm tưởng như ông sợ những người khuất mặt khuất mày, trách quở gì ông. Mẹ tôi ẵm con Vi ngồi trên cái võng mắc bên hiên, miệng lèm bèm.

- Trời đất ơi, riết rồi ông còn nhớ cái gì nữa hả? Ông bà mình mà mình không chịu nhớ kĩ là sao.

nam_-_moi_356

Cha tôi bất giác gạt đi đám tro thuốc nặng quằn, nhìn mẹ tôi cười khì một cái.

- Anh biết chứ, nhưng khốn khổ thay, anh cứ nhớ toàn những kỉ niệm về họ thôi, thứ anh đã được nếm trải, rất nhiều lần, rất nhiều lần lúc nhỏ, để bây giờ khi nghĩ đến họ cái tên duy nhất anh nhớ được chỉ là “những người đã rất thương anh”, ai mà không có lần hờ hững hả em? Anh hờ hững với tên của ông bà, vì họ có cái tên khác làm anh nhớ dai hơn.

Mẹ tôi nhìn cha lâu một chút, rồi đôi mắt chùng xuống, bà nằm ngửa trên võng, đưa mặt ngước trời, có một nụ cười e ấp bay bay, tay vỗ vỗ vào mông con Vi ru nó ngủ, con bé khép mắt lịm dần.

Mãi cho đến khi nén nhang gần tàn hơn nửa, cha tôi mới nhớ được hết được tên của ông bà, ông vui lắm, nụ cười không tắt được trên khuôn mặt gió sương. Ông nói vậy thôi, chính ông cũng cảm thấy có lỗi mà, ông vừa cười vừa nói, không mấy chốc, những tờ giấy thế đã không còn nữa sự vô danh, mà thay vào đó là cái tên, sự biểu trưng cuối cùng của những người đã mất.

Tôi với tay vào bọc đồ cúng, còn lại một tờ giấy thế cuối cùng, khuôn mặt người con trai đội mão in hằn trên tờ giấy đỏ thẫm, tôi nhìn quanh những mặt chữ đã ghi, xét xem còn thiếu tên ai không, nhưng bất giác không nhận ra được. Cha tôi lên tiếng gọi

- Nhìn gì đó, còn một tờ cho ông nội của con.

Tôi gãi gãi đầu, à phải rồi, còn ông nội tôi nữa, tôi ngoáy tay hì hục, rồi tên ông được in lên tờ thế, tôi ngắm nghía một hồi xem mình có viết đúng viết sai, viết thiếu gì không. Do mải mê, tôi không để ý rằng, ba tôi chồm tay lên, cầm lấy tờ thế, mắt nheo nheo, tôi chẳng biết ông ấy nhìn ngắm gì ở cái tờ giấy vô tri ấy, chỉ biết rằng ông thở hắt một hơi lẩm bẩm một lời thì thầm nào đó mà tôi có thể nghe thấy được “Chúc cha vui vẻ, cũng đã bảy năm rồi cha nhỉ, thiếu cha mọi thứ thật khó khăn”.

am_-_ap_356

Mọi thứ xong xuôi, ba mẹ tôi ngồi trong nhà giương đôi mắt của cái tuổi ngũ tuần nhìn ra sân, chỗ tôi, một thằng nhóc hai mươi tuổi đang ngồi cạnh bên cái nồi đốt giấy thế nghi ngút khói bay, ngồi kế những con người không còn tuổi, chỉ còn lại những tình yêu thương được lưu trữ trong đôi mắt của những đứa trẻ sẽ già theo năm tháng. 

Mắt tôi nhìn chăm chăm vào ngọn lửa nhớ về những lời thì thầm lúc nãy của ba với ông nội, mắt tôi cay dần, khói của những tờ thế bay vào ám thành tổ bên trong. Đêm nay là giao thừa, tôi cũng phải dành cho gia đình và mọi người một lời chúc, biết nói gì đây chứ, tôi chỉ biết rằng hôm nay là một ngày tốt lành, vì được chứng kiến thật nhiều điều tốt lành đến từ sự yêu thương, một tình thương ấm áp

Tối ấy, bất giác tôi buột miệng thốt ra câu “Chúc một ngày tốt lành” với cha, mẹ tôi, hai người ngơ ngác nhìn tôi rồi cười phá lên, làm tôi ngập ngừng vài giây, con Vi cũng ngơ ngác mà cười, “con nhỏ này biết cười cái gì mà cười”, tôi nói thầm trong trong bụng, nhưng rồi tôi cũng nở một nụ cười.

- Ba, con chúc cha một ngày tốt lành.

Và ngày tốt lành của con là những khi ba gân cổ lên mắng con vì đặt mấy cái chậu cảnh của ba đánh uỳnh xuống đất, là lúc ba gõ đầu con cười chừ khi nghe con kể về chuyến hành trình giông tố của mình với vẻ mặt đầy tự hào cho ba nghe, dù là con đi lạc đường hoặc đi đường vòng cho xa hơn đường chính bởi cái tật mù đường nói hoài mà không bỏ.

- Mẹ, con chúc mẹ một ngày tốt lành.

Rồi đơn giản cái ngày tốt lành của con sẽ là ngày thấy mẹ cằn nhằn vì mấy cái điều nhỏ nhặt nhất trong ngôi nhà bé xíu này, thấy mẹ cười lạt, nhạt thếch khi kể về mấy bà hàng xóm nhiều chuyện lắm sự trong cái xóm đạo chi chít được vài người này.

tet_56

Tôi nói xong, ba mẹ tôi ngơ ngác nhìn nhau, tôi đứng yên ngượng nghịu, cảm thấy không gian xung quanh nặng nề một cách buồn cười, bất chợt con bé Vi nó reo vui bằng những tiếng vô nghĩa “Ba Bi ma mô”, cả nhà đồng loạt nhìn ra thì thấy ba mẹ bé Vi tươi cười sang đón con trở về, ba mẹ tôi ngồi dậy bồng con Vi ra ngoài tiếp chuyện, mọi người gặp nhau bằng một nụ cười trên môi, đêm giao thừa ấy là một đêm đặc biệt, đêm giao thừa năm tôi hai mươi.

- Tôi chúc mọi người một ngày tốt lành.

Mọi người hãy cho tôi xin một điều tốt lành là đủ. Hãy để tôi ngày mai vẫn sẽ thấy được mọi người, và thấy mọi người nở một nụ cười thật tươi

Hãy chúc cho nhau một ngày tốt lành, hãy yêu thương gia đình mình, trân trọng phút giây bên cạnh họ. Để sau này đừng lẩn thẩn nói như ba tôi “Chúc cha vui vẻ, cũng đã bảy năm rồi cha nhỉ, thiếu cha mọi thứ thật khó khăn”.

© Anh Kỳ - blogradio.vn

Xem thêm: Tết nơi thành phố lạ

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Tình yêu - một câu chuyện không có kết thúc

Tình yêu - một câu chuyện không có kết thúc

Tôi đã học được rằng tình yêu không phải là một đích đến, mà là một hành trình liên tục, nơi chúng ta cùng nhau khám phá và trưởng thành.

Đơn phương một người có lẽ rất khó khăn

Đơn phương một người có lẽ rất khó khăn

Bởi mỗi khi cô ngồi yên trong lớp vì thời gian nghỉ giữa tiết không nhiều, cứ mỗi lần nhìn vu vơ ra ngoài lại sẽ bắt gặp ánh mắt của cậu ta. Mặc dù ngay sau đó cậu ta đều đánh mắt đi chỗ khác, nhưng làm sao mà che dấu được sự thật.

Dù có đi đâu cũng sẽ quay về

Dù có đi đâu cũng sẽ quay về

Tôi đã đôi lần hỏi tại sao mẹ không từ bỏ tôi. Nhưng mẹ đều nói mọi người đã từ chối sự ra đời của tôi đến mẹ cũng vậy thì tôi sẽ ra sao. Thế nên, mẹ không đành lòng làm vậy.

Chờ người em thương

Chờ người em thương

Hình như mùa thu lại về rồi phải không anh Em nghe ngoài kia gió vươn mình qua lối Nghe hoang hoải những chiều qua vội Nghe chạnh lòng nắng nhạt màu hanh hao.

Bước chậm lại giữa thế gian vội vã

Bước chậm lại giữa thế gian vội vã

Bởi kì thực, trong mỗi bước đi của cuộc sống đều mang theo những khoảnh khắc ý nghĩa, đôi khi ta chạy quá nhanh để bắt kịp thành tựu, tiền tài, danh vọng để rồi bỏ lỡ nó.

Tương tư

Tương tư

Ơ kìa em sao nỡ để tình anh Chưa bước tới đã muôn phần lận đận Sao chỉ mới nhìn thôi em đã giận Và tiếng yêu thôi em chẳng nhận lời

Bình minh trên phố

Bình minh trên phố

Khi ánh bình minh vừa ló dạng, Phố nhỏ bừng tỉnh trong sương mai. Ánh nắng vàng rơi từng giọt nhẹ, Làm bừng sáng những ước mơ dài.

Lời má dạy trên mảnh đất Miền Tây chất phác

Lời má dạy trên mảnh đất Miền Tây chất phác

Ở vùng quê này, người ta sống với nhau bằng cái tình, cái nghĩa. Họ có thể không giàu có về vật chất, nhưng lòng họ luôn đầy ắp sự chân thành và nghĩa tình. Má dạy con rằng, dù sau này có đi xa, có thành đạt, con vẫn phải giữ lấy tấm lòng chân chất đó.

Hồi tưởng về tuổi thơ tôi

Hồi tưởng về tuổi thơ tôi

Đôi khi tôi tự hỏi bản thân sao giờ lại bỏ mặc người bạn thiên nhiên gắn bó thân thiết thuở nhỏ của mình, từ những cơn mưa rào rạt rơi lộp bộp trên mái tôn làm mát dịu bầu không khí tới những tán lá râm mát đã che chở tôi khỏi cái nắng tháng 6 oi ả.

Tình yêu giữa hai người giống như mảnh ghép

Tình yêu giữa hai người giống như mảnh ghép

Tình yêu giữa hai người giống như mảnh ghép, để ghép được thì cả hai mảnh đó phải hợp nhau chứ không phải giống nhau. Và muốn tìm được cái hợp nhau thì rất khó, muốn ghép lại được với nhau thì cần phải có thời gian.

back to top