Nhỏ bé giữa Sài Gòn rộng lớn
2020-05-03 01:20
Tác giả: Lê Bảo Lâm
blogradio.vn - Sài Gòn thì rộng lớn mà chúng tôi lại bé nhỏ, hai năm rồi chúng tôi vẫn là chúng tôi nhưng cũng chẳng là chúng tôi nữa rồi. Tôi bỗng thèm một cái cười hiền từ trên khuôn mặt khắc khổ của mẹ, một trận đòn roi vì không nghe lời của ba, nhớ đến thương lòng…
***
Sài Gòn quá lớn mà chúng tôi lại bé nhỏ.
Hai năm rồi chúng tôi vẫn là chúng tôi, nhưng cũng chẳng còn là chúng tôi nữa rồi…
1. Tháng 7 /2018, cái nóng oi ả của mùa hè đang chảy thành hạt mồ hôi trên trán tôi, tôi của năm đó 18 tuổi đang làm thêm tại một quán cơm lề đường quốc lộ, không may cho tôi là quán cơm này rất đông khách mà chạy bàn chỉ có tôi, Nhi con bạn thân của tôi và một nhóc cùng trường cấp ba. Mỗi ngày 6h sáng tôi đi chiếc xe cup 50 cũ chạy ì ạch gần 8km ra quán làm chăm chỉ đến 5 giờ chiều. Công việc rất cực, quán lại đông khách, chúng tôi làm không kịp thở, khách đa số là các lái xe đường xa đi ngang qua con đường quốc lộ này.
Khách vào ăn nhiều khi đợi lâu quá liền đứng lên bỏ đi, chúng tôi cũng chẳng có thời gian để nhìn thái độ khó chịu của họ. Có lần, một vị khách vô ngồi đã lâu, chúng tôi làm mỗi đứa một nơi , thằng nhóc thì dưới bếp chính coi lò hấp cơm, Nhi thì bê nồi canh từ dưới bếp sau lên, còn tôi thì chạy bàn trên này, đến lúc tôi bê đĩa cơm đến mời vị khách đó thì ông ta liền chửi vào mặt tôi: “Có mỗi việc bưng cơm thôi cũng lâu, đợi cho khách chết đói rồi mới bưng ra, làm ăn vậy mà coi được hả??” . Tôi sững người lại, trong lòng rất muốn giải thích là bản thân không làm gì sai để đáng bị chửi rủa, cái tôi của bản thân trong con người dường như muốn trỗi dậy, có người đang ăn bên cạnh quay qua nhìn rồi lại tiếp tục ăn, tôi bặm môi rồi cúi đầu xin lỗi cho đến khi thấy vị khách đó dịu đi, tôi lại tiếp tục công việc của mình.
Làm thuê cho người ta là chịu nhẫn, chịu nhục, chịu khổ, khó khăn lắm tôi với Nhi mới kiếm được công việc ở vùng quê vắng vẻ này vì điều kiện còn khó khăn nên rất ít quán ở đây tìm người làm thêm, lương lại trả rất thấp. Năm đó chúng tôi mới thi tốt nghiệp xong đang chờ điểm thi đại học, mong chờ được học đại học mình mong ước, chúng tôi ngây ngô nghĩ về tương lai của mình, nghĩ về một thành phố tấp nập, nhộn nhịp. Lúc đó tôi không có điện thoại, cả nhà tôi chỉ có một chiếc điện thoại bàn phím đời cũ, muốn coi thông tin đều rất khó khăn. Mẹ tôi bảo sẽ gom tiền mua cho tôi nhưng tôi cố gắng đi làm tự mua vì muốn đỡ cho mẹ phần nào, mẹ đã nuôi tôi 18 năm rồi…
Hôm biết điểm thi đại học Nhi với tôi cùng nhau làm từ sáng sớm đến chiều muộn, chân tay tôi vì rửa chén nhiều nên bị nước ăn rất đau, đau đến nỗi mỗi bước chân đi là máu chảy rươm rướm ướt lòng bàn chân, tôi vẫn nhịn đau để chạy bàn, chạy thật nhanh cho hết ngày làm, cố gắng rửa chén thật nhanh, thật nhanh, rồi chạy ra tiệm internet gần đó để dò điểm đại học, cảm giác hồi hộp xen chút lo lắng. Bảng điểm đang hiện trước mắt tôi… rớt rồi, tôi rớt rồi…
Sáng hôm sau, lúc ngồi nhặt rau cùng với Nhi tôi tranh thủ nói chuyện vài câu:
- Nguyện vọng 1… tao rớt rồi.
- Nguyện vọng vào công an ấy à… khó mà, mày đã cố gắng rất nhiều, còn mấy nguyện vọng khác thì sao?
- Ừ! Nếu được học trong đó thì tốt biết mấy, ba mẹ tao sẽ đỡ khổ hơn nhiều. Mấy trường kia tao đều đậu. Mày thì sao? Ổn không?
- Tao đậu cao đẳng, cuối tháng 8 sẽ nhập học.
Tôi biết nó rất muốn lên Sài Gòn học, dù học cao đẳng nhưng nó cũng rất vui trong ánh mắt nó long lanh hi vọng điều gì đó ở thành phố, nó rất muốn được lên Sài Gòn… tôi không đậu ngành công an nhưng đậu nguyện vọng 2 ở một trường đại học, tôi suy nghĩ rất nhiều về chuyện đi học.
Cuối tháng 8 Nhi nghỉ việc ở quán cơm trước nhập học một tuần, tôi dặn nó cẩn thận khi đi đường. Nhi lên Sài Gòn rồi, tôi ở lại làm tiếp công việc của mình, chân tôi vẫn bị nước ăn, rất đau… những chiều ngồi rửa chén một mình, nghĩ về tương lai rồi tôi cũng muốn đi học, muốn lên Sài Gòn, niềm hi vọng trong tôi rạo rực hơn bất cứ lúc nào, tôi chăm chỉ đi làm chờ ngày nhập học.
2. Ngày 14 tháng 2 năm 2019, tôi ở Sài Gòn được gần nửa năm rồi, nhớ ngày đầu lên thành phố tôi mang theo chiếc balo lính xếp chật cứng của anh mình, một thân một mình đi tìm trọ ở rồi bị lạc đường, tôi cuống cuồng tìm lại con đường cũ nhưng mọi thứ trong mắt tôi lúc này đều lạ quá, lòng tôi như bị kiến cắn, lo sợ lỡ như không tìm đường đến trọ thì phải làm sao?
Giọng tôi run run gọi cho Nhi, tôi cẩn thận nói tên địa chỉ của một cửa hàng gần chỗ mình đứng rồi đợi Nhi đến. Gần như òa khóc giữa nơi đông người tấp nập này, khóe mắt cay cay, làn gió thổi nhẹ làm cay xè mắt tôi, trước mặt tôi lúc ấy có con đường ray băng qua một con đường nhựa dài, mấy bông hoa giấy tím đang nhẹ bay theo làn gió, mặt trời lặn chiếu những tia nắng vàng cuối ngày trên con đường.
Đèn đỏ sáng lên, tiếng chuông báo vang lên làm tôi giật mình, các xe đều dừng lại trước đèn báo hiệu một cách nhanh chóng và dồn dập thoáng chốc kín cả một con đường dài. “Rầm rập, rầm rập” từ đâu đó một tiếng động cơ rất lớn vang lên đang mỗi lúc một gần tôi, âm thanh càng lúc càng to, khóe mắt tôi ươn ướt nhìn theo tiếng động, từ xa một con tàu đang đi đến, đầu tàu tỏa nghi ngút khói, vụt ngang qua mặt tôi từng toa, từng toa dài rất dài…
Lần đầu tiên trong cuộc đời tôi nhìn thấy tàu xe, nhưng sự vui mừng này không thể lấp đi sự bất an lúc này trong lòng mình, mắt tôi đã nhòa đi gần như không thấy rõ mọi thứ xung quanh, điện thoại trong tay tôi rung lên, là Nhi gọi, tôi vội gạt nước mắt nghe điện thoại rồi nhìn về phía đuôi toa tàu vừa đi qua, có người đang kéo cái rào chặn ra cho các xe đi tiếp…À..Tôi thấy nó rồi, nó ở bên kia đường ray, cái dáng người nhỏ xíu của nó đang vội vã nhìn xung quanh tìm kiếm tôi, tôi nhìn dáng vẻ tìm kiếm của Nhi rồi bật khóc đến khó hiểu “ may là cuộc đời này tôi có nó là bạn…”. Trọ tôi ở là trọ ghép, tôi ở chung với 3 bạn nữ khác, mọi người đều đối xử với nhau rất tốt và vui vẻ, Nhi ở khác quận của tôi nên phương tiện duy nhất đưa đón chúng tôi gặp nhau là xe bus.
Một, hai tháng sau có một lần tôi bị sốt nặng, lúc đấy đã là gần nửa đêm tôi bị cơn sốt hành đến mức không ngủ được, bên ngoài lại ồn ào đến khó chịu. Trong lòng lại cảm thấy nhớ nhà, nhớ kinh khủng khiếp, tôi nhớ nhà đến phát điên lên, chỉ muốn bật điện thoại lên gọi về nhà, màn hình điện thoại cứ sáng lên rồi lại tắt, tôi không gọi nữa, giờ này chắc mẹ đã ngủ say sau một ngày nắng làm vất vả.
Người tôi lúc nóng lúc lạnh, co ro trong chiếc chăn mỏng tôi nghĩ về bài tập đang chất đống, về công việc mình làm cho qua ngày để kiếm tiền, nghĩ về người quản lí khó tính làm dễ làm khó khiến tôi vô cùng áp lực, tôi nhớ đến những nếp nhăn trên mi mắt mẹ, những chiếc sẹo do bỏng mà mẹ tiếc tiền không dám mua thuốc trị sẹo lồi lõm một mảng trên tay, nhớ những lần ba uống rượu vào lại dặn dò tôi đủ thứ khi bước ra đời, những lần ba đau lưng nằm nghiêng một bên ở góc giường khi trở trời mà không thể làm được việc gì, những cái chai tay của anh tôi sưng thành cục, rồi lại bị tróc phần da cứng ra, rồi lại sưng lên khi làm việc nặng…nhớ nét thơ em tôi ngồi vẽ những nét nguệch ngoạch gia đình mình rồi cười ngô nghê. Tôi muốn mình trốn đi thật xa, thật xa khỏi Sài Gòn ngột ngạt, khó chịu này, tôi muốn mình nhỏ bé mãi trong sự bao bọc của ba mẹ….
Sau một cơn mơ dài thật dài, tôi tỉnh dậy trong phòng cấp cứu . Bệnh viện ở thành phố đúng nghĩa là “thành phố”, cứ một chốc lại một ca cấp cứu, người bị gãy tay, người tông xe, người thì sốc thuốc… ở cửa phòng cấp cứu, tiếng khóc van xin của người một phụ nữ vang vọng trong phòng cấp cứu nghe đến thương lòng “ cầu xin bác sĩ cứu mạng con tôi” “cầu xin bác sĩ, tôi quỳ xuống cầu xin bác sĩ, con ơi!” tiếng khóc nấc lên của bà mẹ đang bế đứa bé sơ sinh. Tôi nhìn thoáng qua gương mặt đứa trẻ, trông có vẻ rất yếu, bác sĩ nhanh chóng đặt ống thở, rồi đứa trẻ được chuyển đi đến phòng khác... Sáng dậy tôi phải mau chóng ra viện, lúc ngang qua phòng hồi sức, tôi thấy đứa trẻ ấy, em đã vượt qua cơn nguy kịch, dáng mẹ hao gầy đang cầu nguyện cho em. Tôi thầm cảm ơn và chúc phúc cho em, nhìn dáng vẻ của người mẹ này khiến tôi thêm phần mạnh mẽ, nhanh chóng thanh toán viện phí tôi chột dạ tháng này lại phải nhịn ăn rồi.
Những năm tháng tiếp theo, tôi vừa học vừa làm, trải qua bao áp lực bao khó khăn, bao trận ốm đau dồn dập. Được nghỉ học tôi lại tranh thủ làm thêm thật nhiều, bạn cùng phòng về quê hết rồi, mỗi lần chúng nó hỏi sao không về nhà đi tôi chỉ biết cười cho qua, trong lòng tôi rõ ràng câu trả lời, nhưng để nói ra tôi lại không biết phải nói thế nào, bắt đầu từ đâu... Tôi ở lại Sài Gòn, ở lại với những chật vật của cuộc đời.
Tết năm 2019, tôi về nhà trong niềm vui ngập tràn, cứ nghĩ đến việc sắp được về nhà là lòng tôi như nở rộ cả vườn hoa, ngồi trên xe chỉ mong mau mau về đến nhà. Mùi quê hương đây rồi! Làn gió mát dịu thổi trên những tán cây cao, dịu dàng hương trà lài thoang thoảng theo gió bay đi từ các nhà máy, bình yên một chiều quê hương. Trở về nhà rồi, căn nhà đã cũ hơn một chút, dáng lưng khom khom của mẹ đang đổ bóng một bên sân, tóc mẹ ngả sang màu nắng màu bụi, ánh mắt mẹ vẫn đọng bao nhiêu cơ cực hàng ngày.
Về nhà ăn Tết, tôi tranh thủ dọn dẹp lại căn nhà cũ,dù chẳng có gì nhưng tôi vẫn cố sắp xếp lại mọi thứ cho thuận tiện nhất, làm đủ các loại mứt quà đón Tết. Vui vẻ thoải mái được ít ngày, mùng 5 Tết tôi trốn lại lên Sài Gòn ngay trong đêm… tôi xếp vài bộ đồ rồi đi, sợ nếu đợi nói với mẹ là tôi lên Sài Gòn làm thêm mẹ sẽ không cho tôi đi, mẹ sẽ buồn lắm… Vì mức lương gấp đôi lại sắp phải đóng học phí nên tôi không chần chừ liền đồng ý lên làm thêm cho một quán ăn. Lần này Nhi cũng đi cùng tôi, chúng tôi lại cùng nhau làm việc, cùng nhau cố gắng, mỗi lần tan ca làm đi bộ về trọ trời cũng đã khuya chân hai đứa đều chồng chéo cao dán. Băng qua cầu đi bộ để về trọ, chúng tôi dừng lại nhìn ngắm con đường Phạm Văn Đồng rộng lớn.
- Hôm nay đường đông nhỉ .?
Tôi quay qua nói với Nhi, nó móc trong túi ra một cây kẹo socola đưa tôi:
- Nay 14-2 mà, ăn đi sắp qua ngày mới rồi, 14-2 không có người yêu thì có bạn thân
Tôi cười vui vẻ bóc thanh kẹo rồi chia cho Nhi một nửa, ngậm thanh kẹo vừa đắng,vừa ngọt trong miệng,tôi gần như muốn khóc, nước mắt tràn về 2 bên khóe mắt, nhìn về phía đường ray trước mặt, tiếng chuông báo hiệu có tàu sắp đến vang từng đợt từng đợt một trong không gian, dòng xe dần dần chậm lại đợi tàu qua. “ Rầm rập, rầm rập…” con tàu mỗi lúc một gần rồi lướt ngang qua mặt chúng tôi:
- Nhi! Còn nhớ ngã tư phía trước không?
- Sao? Ngã tư phía đường ray ấy hả?
- Ừ. Hôm đầu tiên tao lên Sài Gòn mày đã tìm thấy tao ngay chỗ đó
- Ừ.. haha, nhớ rồi! Vậy mà cũng ở được nửa năm trên Sài gòn này rồi.
Nhìn dòng xe tấp nập đi lại, không khí giữa hai chúng tôi trầm hẳn xuống:
- Nhi… Tao nhớ nhà…
- Tao cũng vậy…
- Tự dưng nhớ nhà thế nhỉ?
- Chúng mình… đang làm gì ở nơi này vậy ?
Nhi quay sang nhìn tôi, mắt nó cũng rưng rưng muốn khóc rồi buông ra câu hỏi đó. Câu trả lời rõ ràng trong lòng hai đứa nhưng tôi vẫn không thể mở miệng trả lời được. Tôi quay đi gạt nhẹ giọt nước mắt trên má mình, mỗi lúc càng nhiều, vị socola trở lên đắng lạ thường. Cứ thế hai chúng tôi ngồi khóc một trận lớn trên cầu đi bộ, khóc đến khi nước mắt cũng chẳng thèm rơi nữa chúng tôi lê thê bước về trọ.
3. Nhi chuyển cơ sở học rồi, chúng tôi lại cách xa nhau thêm vài chục km những ngày tháng tiếp theo tôi chỉ là chăm chỉ làm thêm, không biết mình đã thay bao nhiêu công việc, cứ thế chuỗi ngày lặp đi lặp lại đến ngán ngẩm. Có một lần tôi bị đuổi việc, bài vở lại chất chồng, tôi cũng chẳng buồn tìm việc làm thêm nữa, tập chung vào chuyện học. Không đi làm tôi càng phải kiệm tiền hơn, mẹ tôi điện thoại than vài câu ở nhà dạo này hay bị mất trộm vặt, nhà tôi nuôi vài con gà, con vịt mà do không có chuồng mấy bọn thanh niên đi ngang qua thấy thì bắt mất, lòng tôi lại càng trĩu thêm một chút.
Đợt đấy cơm tôi cũng không dám đụng, ngày chỉ ăn một bữa qua loa rồi uống nước cho qua ngày đoạn tháng. Một lần trường tôi học tổ chức tình nguyện hiến máu, tôi nghe nói đi hiến máu sẽ được một ít tiền hỗ trợ, tôi liền nộp thông tin đăng kí, lần hiến máu đấy dù chỉ có một chút tiền cùng mấy lốc sữa cũng khiến tôi thấy vui lạ không biết là lí do chinh xác tôi vui vì điều gì nữa.
Được vài hôm thì người tôi yếu đi hẳn, đi một chút là chóng mặt, khó thở, tôi lại ốm một trận ra trò, tôi không một mình đi bệnh viện như lần trước nữa vì không còn tiền nộp viện phí, chỉ đi mua vài viên thuốc rồi cầu nguyện cho chóng khỏi bệnh. Những năm tháng ấy quả thực không dễ dàng gì với tôi, nhưng càng khó khăn tôi lại càng phải vượt qua, càng phải nỗ lực gấp nhiều lần. Tôi đi cả năm chẳng về nhà, một tối đêm trăng cao của mùa hè tôi vừa kết ca làm thêm về, mẹ tôi gọi điện bảo thấy mấy đứa trên thành phố được nghỉ học về nhà , sao con không về? Lòng tôi có chút chạnh lại, ngước nhìn lên trăng cao, trăng hôm nay sáng thật:
- Mẹ… hôm nay trăng sáng lắm, mẹ thấy không?
Qua đường dây điện thoại chập chờn sóng, tôi nghe được cả tiếng dế kêu qua điện thoại, giọng mẹ cất lên:
- Nay làm gì có trăng? Trời dưới này tối lắm.
Tôi ngập ngừng qua điện thoại, lòng lại càng thắt thêm:
- Dưới không có trăng hả mẹ? tại vì dưới không có trăng sáng nên con không về đấy. Ở trên này trăng sáng hơn mẹ ạ!
- Con lảm nhảm cái gì đấy?
Họng tôi nghẹn đứng lại, nước mắt rơi từ lúc nào không biết, tôi cố lấy giọng bình tĩnh nói chuyện với mẹ:
- Mẹ nghỉ ngơi đi, con còn học trên này nên không về được chứ con muốn về lắm, đợi Tết về rồi con đấm lưng cho mẹ nha.
- Ừ… học cũng phải giữ sức đấy….
Mẹ tôi cup máy rồi, ngước nhìn trăng trên cao, trăng càng sáng lòng tôi càng nặng thêm. Bật khóc giữa thành phố này cũng không còn lạ lẫm gì với tôi nữa rồi, ở cái giai đoạn này của tuổi trẻ không có bất cứ thứ gì trong tay, làm việc phải nhìn sắc mặt của người khác, ăn, uống, mặc, sinh hoạt thì tằn tiện, tất cả những gì tôi làm chỉ có khóc thôi sao? Cuộc sống này vốn chẳng vì buồn, vì khó khăn của ai mà dừng lại cả, cũng không vì ai khóc mà đối xử tốt hơn cả, chỉ có dũng khí là vũ khí duy nhất của tôi … Qua đêm nay, dù phía trước khó khăn thế nào tôi nhất định phải ngẩng cao đầu bước tiếp, ngẩng cao đầu ngắm trăng...
Cuối năm rồi, thoáng chốc lại hết năm tôi chăm chỉ làm việc thật tốt hi vọng sẽ được thưởng thêm chuyên cần. Tôi làm đến ngày 29 Tết mới về nhà, đường thành phố vắng vẻ hẳn. Tết năm nay tôi về nhà được 3 tuần, sau 3 tuần tôi cùng Nhi lên lại Sài Gòn, tôi đi làm lại tiếp tục công việc của mình, Nhi cũng kiếm một công việc gần chỗ học để làm cho tiện. Chúng tôi làm được vài ngày thì các trường thông báo cho nghỉ học vì dịch bệnh, tôi cho rằng chắc cũng chỉ nghỉ học một vài ngày trường sẽ cho học lại, một số người vui vẻ khi thấy thông báo được nghỉ thêm một tuần, nhưng cứ một tuần, lại thêm một tuần nữa đến nay đã kéo dài gần 2 tháng vẫn chưa được đi học lại.
Dịch bệnh vừa dịu được một chút thì lại xuất hiện thêm ca nhiễm mới, càng ngày thêm nghiêm trọng, mỗi ngày mở điện thoại lên đều nhận thông tin y tế. Dịch bệnh khắp nơi thành phố lại trở nên vắng vẻ lạ thường, mọi người đều đi tránh dịch, nhân viên chỗ tôi làm cũng xin nghỉ để về quê tránh dịch. Mẹ tôi gọi điện lo lắng bảo tôi về nhà, tôi cười động viên mẹ yên tâm, thành phố lớn thế này chỗ con ở xa trung tâm nên không sao đâu. Mẹ tôi dịu đi vài phần lo lắng, trong lòng tôi không ngừng hỗn loạn giữa mùa dịch càng lúc càng lây nhiễm nhanh này… Tôi nên ở lại Sài Gòn này hay về nhà đây? Cảm giác an toàn bây giờ trở nên mong manh vỡ vụn như mảnh thủy tinh vậy…
Tôi quyết định ở lại thành phố dẫu biết dịch càng lúc càng biến chuyển xấu, tôi đăng kí thêm ca làm. Về đến nhà cũng gần 11h đêm, mở điện thoại tôi thấy mấy cuộc gọi nhỡ cùng hàng chục tin nhắn từ Nhi. Nó nhắn bảo tôi về quê tránh dịch, trên này bây giờ thực sự không an toàn, tôi gọi điện trấn an nó, nói nó bớt lo lắng lại, qua đầu dây điện thoại giọng nói run run nó hỏi:
- Mày không về quê thật à?
- Quê mà, tất nhiên là muốn về rồi, nhưng mà tao muốn mẹ thấy được trăng trên thành phố cao như thế nào, tao lại càng phải cố gắng
- Về nhà đi, ở đây nguy hiểm lắm, gần chỗ mày cũng có nhà bị cách ly rồi… về đi, tao có mỗi mày là bạn thôi…
- Mày về đi.. giờ về nhìn quê nhà đìu hiu tao buồn lắm, chỉ muốn ở lại kiếm thật nhiều tiền, ba mẹ tao khổ lắm rồi. Buồn lắm mày ơi…
- Tao về mà mày ở trên này, lỡ có gì mày bảo tao phải làm sao, có mỗi mày là bạn à bạn ơi.
- Mày chỉ làm theo bản năng thôi, không sao hết.tao cẩn thận là được mà, an tâm về nhà đi bạn…
Tôi cúp máy, nước mắt tôi nóng hổi trên gò má, cứ lau bên này thì bên kia lại rơi xuống. Tôi ngồi trong phòng trọ tối mịt, dựa người vào một góc khóc đến ướt đẫm gối, dáng vẻ của tôi lúc này đáng thương quá rồi. Một người bình thường mang trong lòng biết bao tâm tư, áp lực chỉ biết tự an ủi bản thân tiếp tục cố gắng. Những lần dường như sắp gục ngã đến nơi chỉ biết òa lên khóc như một đứa trẻ, qua hôm sau lại tiếp tục cố gắng, cứ lặp đi lặp lại đến một lúc đau lòng quá cũng chỉ biết cười cho qua vì biết phía trước tương lai còn mịt mờ hơn không địa vị, không tiền, không có chỗ đứng lại càng phải mạnh mẽ, nỗ lực nhiều hơn nữa.
Tôi nỗ lực nhiều đến vậy không chỉ vì tôi, vì gia đình tôi mà còn vì cuộc sống này thật không công bằng, càng bất công tôi lại càng phải nỗ lực phầm trăm, phần ngàn lần... Một thân một mình vật lộn giữa nơi đất khách quê người, chúng tôi của năm 18 tuổi mang trong mình nhiệt huyết, niềm tin mộng ước về Sài Gòn, về tương lai của chúng tôi, nó không phải là con đường duy nhất nhưng đó là con đường ngắn nhất chúng tôi lựa chọn.
Chúng tôi của năm 20 tuổi, vẫn giữ trong tim mình niềm tin của năm 18 tuổi chỉ là con đường có chút gian nan và đau lòng. Sài Gòn thì rộng lớn mà chúng tôi lại bé nhỏ, hai năm rồi chúng tôi vẫn là chúng tôi nhưng cũng chẳng là chúng tôi nữa rồi. Tôi bỗng thèm một cái cười hiền từ trên khuôn mặt khắc khổ của mẹ, một trận đòn roi vì không nghe lời của ba, nhớ đến thương lòng…
© Lê Bảo Lâm – blogradio.vn
Xem thêm Blog Radio.
Bài tham dự cuộc thi viết. Để bình chọn cho bài viết này, bạn hãy nhấn like, share và để lại bình luận cảm nhận của mình. Thông tin chi tiết về cuộc thi, mời bạn tham khảo tại đây.
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em
Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.
Lá thư gửi đến thiên đường
Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.
Đắng cay
Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân
Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi
Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.
Đơn phương yêu một người
Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.
Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?
Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?
Câu chuyện về một nhà thơ…!
Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.
Vì anh còn thương em
Tất cả khiến anh lặng người, thơ thẩn vì mải mê đắm chìm trong quá khứ, trong nụ cười, ánh mắt em. Anh không muốn trở về với thực tại tàn khốc rằng chuyện tình mình đã kết thúc tự bao giờ, rằng anh đã mất em thật rồi.
Ai là bạn trong cuộc đời?
Hãy để những ước mơ dẫn dắt bạn, vì chúng sẽ giúp bạn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống và cung cấp động lực để bạn tiếp tục tiến bước.
Ánh nắng chiếu
Anh nhớ em một ngày cuối hạ Cho tình yêu gọi giấc mơ về Anh nhớ em một tình yêu lạ Mà sao lòng anh vẫn còn yêu