Ngoại ơi! Con đã lớn rồi
2023-12-03 04:00
Tác giả:
Ngoc Ha
blogradio.vn - Chiếc xe lăn bánh, tôi nhòm ra nhìn, Ngoại vẫn đứng đó với cái nón lá trên đầu mà nhìn theo, rồi Ngoại cứ xa dần xa dần đến khi mất hút trên con đường làng ngập nắng.
***
Tuổi thơ của tôi đã được nuôi lớn bằng những câu chuyện, lời ru và tình yêu thương của Ngoại.
Tiếng chị tôi vừa kéo chăn vừa gọi tôi:
- Nè, em mau dậy đi, Chiến nó tới rồi kìa, đã kêu đi ngủ sớm mà không nghe. Cu Bin nó còn tự giác hơn em nữa, 26 tuổi rồi mà còn thua con nít nữa.
Mơ màng chui ra từ trong chăn, hé mắt nhìn đồng hồ, 3 giờ sáng, tôi dưới sự thúc đẩy của chị gái cũng đã bước vào nhà vệ sinh. Lúc tôi đi xuống thì mọi người đã lục đục lên xe, hôm nay gia đình tôi sẽ về quê ngoại. Ba ngồi cạnh bác tài xế, tiếp sau là mẹ, chị gái và Cu Bin cháu tôi, sau nữa là Hưng và anh rể và cuối cùng là tôi và Chiến. Tôi và anh quen nhau đã được 3 năm rồi, hôm nay là lần đầu tiên anh cùng gia đình tôi về ngoại.
Chiếc xe lăn bánh khởi hành, ba mẹ và mọi người đều đã lim dim vào giấc, Chiến cũng tựa vào vai tôi mà chìm vào giấc ngủ. Khung cảnh bên ngoài cũng đang chìm vào giấc ngủ sâu, nhịp sống hối hả được thay bằng vẻ tĩnh lặng, mát mẻ. Tôi hướng mắt ra đường, tận hưởng từng đợt gió sớm thổi tới làm bay mấy sợi tóc con loà xoà trên trán, bỗng chốc trong lòng nhớ đến những ngày xưa cũ.
Quê Ngoại tôi là một tỉnh thuộc khu vực miền Trung, quanh năm nắng gió và cũng là nơi phải gồng mình chịu nhiều thiệt hại của thiên tai. Chị gái và tôi sinh ra và lớn lên ở miền quê yên bình ấy, có một cuộc sống yên bình và giản dị bên Ngoại. Ông Ngoại mất trong những năm chiến tranh loạn lạc, chỉ còn Ngoại ở lại làm và nuôi 6 đứa con nhỏ, cậu Hai tôi vì là anh lớn trong nhà nên cũng lo toan để phụ Ngoại nuôi em, một tay Ngoại lo lắng cho đến khi tất cả đều yên bề gia thất. Mẹ tôi lấy chồng và sinh ra chị gái và tôi. Từ nhỏ Ngoại đã ôm ấp, bế bồng chăm bẵm cho hai chị em, cho đến khi ba mẹ tôi đưa chị gái tôi lên thành phố khác để lập nghiệp và quay lại đón tôi không lâu sau đó. Ngày đi, tôi ôm Ngoại khóc lớn không buông, Ngoại vuốt mái tóc tôi rồi gạt đi những giọt nước mắt trên gương mặt bầu bĩnh của đứa cháu gái:
- Con ngoan dìa với ba mẹ, cố gắng học cho giỏi, nghe lời ba mẹ rồi hè dìa chơi với Ngọai nghe con.
- Ngoại ơi, con hứa sẽ học thiệt giỏi, Ngoại nhớ lên thăm con nghen.
Và tôi theo ba mẹ lên thành phố, sự vồn vã nhộn nhịp nơi phố thị hoa lệ khiến tôi vừa sợ vừa tò mò vừa phấn khích. Kể từ ngày tôi lên thành phố, lâu lâu Ngoại lại lên thăm gia đình tôi một lần, mỗi lần Ngoại lên là đùm theo bao nhiêu là quà quê, trái cây rồi trứng gà mà Ngoại tự nuôi. Rồi khi tôi vào lớp 3 thì mẹ mang thai và sinh em trai tôi, Ngoại lên và ở nhà tôi 3 tháng ở cữ của mẹ, sáng nào Ngoại cũng đánh thức tôi dậy đi học rồi chiều lại ngóng đợi đón tôi về. Tối thì tôi nằm ôm Ngoại, được Ngoại vỗ lưng, kể chuyện rồi quạt cho tôi bằng cái quạt giấy, tôi cũng dần chìm vào giấc mơ nhẹ nhàng và yên bình.
Thời gian cứ vậy trôi qua, nhanh đến nỗi vừa tỉnh giấc thì đã là một câu chuyện xưa cũ. Tôi bước vào quãng thời gian cuối cấp 3 bồn chồn cho kì thi tốt nghiệp và đại học, em tôi cũng từ một thằng nhóc khóc nhè trở thành một cậu học sinh cấp 2. Ngoại cũng không còn lên thăm tôi nữa, mẹ nói Ngoại đau lưng nên không ngồi xe lâu được, còn tôi thay vì trải qua kì nghỉ hè bên Ngoại thì lại vùi đầu vào những lớp học thêm từ sáng đến tối. Mọi cố gắng của tôi cũng được báo đáp, tôi đã đậu đại học và trúng tuyển vào trường mà tôi thích, ngày nhận được giấy báo, tôi xin mẹ về Ngoại để khoe với bà. Tôi mang theo giấy báo trúng tuyển và lên xe về Ngoại, cảm giác vui vẻ này lâu lắm rồi tôi mới cảm nhận được, sau 5 tiếng trên xe tôi cũng đến nhà Ngoại, tôi chạy ù ra vườn phía sau nhà. Đưa mắt nhìn một lúc, tôi thấy Ngoại đang ngồi dưới bụi tre nơi góc vườn phe phẩy cái nón lá trên tay:
- Ngoại ơi!
- Trời quơi, con dìa hồi nào? Qua đây Ngoại quạt cho mát, nắng quá.
- Ngoại, con đậu đại học rồi nè.
- Cháu Ngoại giỏi quá, vậy là sắp làm cô giáo rồi.
Tôi xà vào lòng Ngoại, Ngoại vừa vuốt mái tóc dài của tôi vừa phe phẩy cái nón lá trên tay, tiếng gà ríu rít gọi nhau nơi vườn rau xanh rờn của Ngoại, tôi yêu nơi này, yêu sự yên bình này và tôi thương Ngoại. Tôi xin mẹ ở lại chơi với Ngoại 1 tuần, loanh quanh và làm việc với Ngoại, giúp Ngoại quét sân, tưới mấy chậu cây kiểng, chăm sóc vườn rau, đi chợ, bắt gà, tôi cứ thế lon ton theo Ngoại như những ngày nhỏ tôi vẫn làm. Rồi cũng đến lúc tôi phải về nhà, Ngoại chuẩn bị cho tôi một túi quà to, rồi dúi vào tay tôi mảnh giấy gấp tư dặn cất kĩ về nhà hẵng mở ra, tôi ôm Ngoại rồi bước lên xe. Chiếc xe lăn bánh, tôi nhòm ra nhìn, Ngoại vẫn đứng đó với cái nón lá trên đầu mà nhìn theo, rồi Ngoại cứ xa dần xa dần đến khi mất hút trên con đường làng ngập nắng. Tôi về nhà và vào phòng, mở mảnh giấy Ngoại đưa, có một ít tiền cùng mấy dòng chữ có chút run run:
“Ngoại cho con ít tiền, đi học thích ăn gì thì ăn. Mới đây mà cháu Ngoại đã lớn rồi, trở thành một cô gái giỏi giang và thông minh. Đi học xa nhà phải cẩn thận, cố gắng học và giữ gìn sức khoẻ nghen con.”
Rồi tôi cũng lên đường bắt đầu hành trình mới của mình, cùng bao nhiêu ước mơ và hoài bão và lời hứa với Ngoại sẽ trở thành một giáo viên. Cuộc sống cứ vậy mà trôi qua, ngày một khác xưa và rồi tôi cũng bị cuốn theo vòng xoay vô định của nó mà vô tình quên đi một thứ rất quan trọng đến khi giật mình nhìn lại thì đã trở thành một cậu chuyện ngày xưa.
Gia đình tôi về đến nơi cũng gần 10 giờ, vì không có chỗ đậu xe nên ba và cậu Hai phải đi gửi ở uỷ ban xã gần đó, còn mọi người thì đi bộ vào. Con đường làng ngày trước nay đã được nâng lên và đổ bê tông rất sạch sẽ, con đập nước ngày trước cũng đã được đắp đê chắc chắn hơn, những căn nhà gỗ ngày xưa cũng đã lột xác thành căn nhà tường bê tông hoành tráng hơn. Gần đến nhà ngoại, tôi nhìn thấy một con ngõ nhỏ nằm giữa một ngôi nhà và hàng tre già cao vút, tôi đưa túi cho em trai tôi rồi rảo bước về phía đó, Chiến cũng xin phép mẹ rồi đi theo tôi. Chúng tôi cứ đi đến khi tôi dừng lại dưới một gốc cây bồ kết già và cao lớn, trước mắt tôi là dòng nước trong xanh ánh lên vì phản xạ lại ánh nắng mặt trời của con đập, Chiến im lặng nhìn tôi, anh luôn như vậy. Một lúc lâu sau tôi mới chầm chậm ngồi xuống và lên tiếng:
- Lúc em biết mình đậu đại học, em có xin phép mẹ về chơi với Ngoại, lúc nào Ngoại cũng ra đây lấy bồ kết già về nướng và pha nước gội đầu cho em. Ngày cuối cùng trước khi em trở về thành phố, Ngoại vừa gội vừa nói với em, em có mái tóc giống mẹ, đôi mắt giống ông Ngoại, tính tình thì nóng nảy nhưng không bảo thủ và là đứa ở với Ngoại lâu nhất. Ngày trước ở đây có con đường mòn đi qua ngõ nhà mình được, nhưng giờ người ta đắp đê ngăn lũ rồi nên không đi được nữa. Lúc nhỏ em hay chạy ra đập chơi và bị mẹ đánh, mỗi lần như vậy em lại chạy ra đây ngồi hờn dỗi và ăn vạ, chỉ có Ngoại ra bảo thì em mới chịu về. Ngoại không trách em, cũng không bênh em Ngoại nói là em đừng dỗi mẹ, vì em không biết bơi mà lại chạy ra đập một mình rất nguy hiểm và mẹ lo nên mới đánh em thôi, rồi Ngoại sẽ dắt em về để xin lỗi mẹ. Bao nhiêu năm rồi, mọi thứ đều đã thay đổi nhưng may quá cái cây này nó vẫn ở đây.
Tôi và Chiến về đến nhà thì ba cùng cậu Hai và bác tài xế cũng đã về, tôi chào cả nhà và giới thiệu Chiến cho mọi người, ai cũng vui vẻ và chào đón anh, họ vẫn vậy, nồng hậu và yêu thương. Tôi đưa Chiến lên căn phòng lớn trên nhà trên, mở cánh cửa ra hình ảnh Ngoại hiền hậu mỉm cười, đôi mắt đã in hằn những dấu vết của thời gian, "Ngoại ơi! Con về rồi!"
Chiến đặt giỏ trái cây lên bàn rồi quỳ xuống bên cạnh tôi, mẹ đưa cho chúng tôi mỗi đứa 2 nén hương đã đốt sẵn rồi đi xuống nhà dưới. Qua làn hương thơm mùi quế mờ ảo, tất cả mọi thứ bỗng chốc như quay về thuở ấu thơ của tôi, nước mắt tôi cứ vậy rơi xuống, mới đây mà đã 5 năm rồi:
- Ngoại ơi! Con dìa rồi, Ngoại cho con xin lỗi vì không thường xuyên về thăm Ngoại được, ông bà Ngoại bên đó vẫn khoẻ chứ ạ? Cu Hưng nó đậu đại học rồi Ngoại ơi, chắt của Ngoại cũng chuẩn bị đi học mẫu giáo rồi, nay con mang cháu rể về ra mắt Ngoại nè. Anh ấy tên Chiến, hơn con 3 tuổi và con sẽ cưới anh ấy đó Ngoại, Ngoại thấy có được không? Anh ấy thương con lắm Ngoại ơi, nhưng không bao giờ bằng Ngoại được ha Ngoại. Con thực hiện được lời hứa với Ngoại rồi, trở thành một giáo viên và con vẫn đang làm việc rất chăm chỉ đó Ngoại. Ngoại ơi, con nhớ Ngoại lắm, Ngoại ở bên đó thì phù hộ cho gia đình mình mạnh khoẻ bình an nha Ngoại.
Tôi thắp nén hương lên cho Ngoại, Chiến nắm lấy tay tôi mỉm cười rồi nhìn ông bà:
- Ông bà Ngoại yên tâm, con sẽ yêu thương và bảo vệ cho cô ấy.
Tôi mỉm cười nhìn anh. Thời gian đúng là khiến cho con người ta hoài niệm, cô bé ngày nào nay đã trưởng thành, Ngoại cũng đã trăm tuổi về trời. Nhưng tôi sẽ mãi mãi không bao giờ quên tình yêu thương đùm bọc của Ngoại những ngày tôi còn thơ bé, câu chuyện lời ru của Ngoại đã nuôi dưỡng cho tuổi thơ của tôi lớn lên trong sự bình yên và tươi đẹp. Tôi nhìn Ngoại, mùi hương thoảng thoảng của chậu hoa nhài nơi góc vườn nhẹ nhàng như bàn tay của Ngoại vậy: Ngoại ơi! Con đã lớn rồi.
© Ngoc Ha - blogradio.vn
Mời xem thêm chương trình:
Trưởng Thành Rồi Đừng Mãi Mông Lung | Radio 885
Phản hồi của độc giả
Xem thêm

7 năm theo chủ nghĩa tối giản đã giúp tôi thoát khỏi hầu hết công việc nhà!
Ý nghĩa lớn nhất của lối sống tối giản là nó có thể giảm bớt gánh nặng công việc nhà và cho chúng ta nhiều thời gian hơn để làm những gì mình thích.

Ngọn nến được thắp lên
Anh nói có lẽ bây giờ người ta quá quen với những công nghệ kỹ thuật hiện đại, đã quá quen với những ánh sáng điện rực rỡ chói lòa và thông dụng nên đã quên mất những cảm xúc trong tim mình khi có ngọn nến được thắp lên. Và anh đã bật lửa châm vào nến ngay sau đó.

Về để thấy tết (Phần 2)
Phải chăng, chuyến này về, suy nghĩ nó đã chín chắn? Nó đã thôi hoài nghi về những người xung quanh nó, xoay quanh ba và cả gia đình của nó. Hay chính sự xô đẩy của xã hội khiến nó trân trọng về tình cảm gia đình của mình hơn?

Tuổi lênh đênh
Con gái ở tuổi đó như con thuyền lênh đênh trên biển khơi vậy, chính nó sẽ tự định hướng cho mình sẽ đi đâu, sẽ trôi vào bến bờ nào. Mà nhiều lúc nó cứ ương bướng tự nghĩ tự quyết chứ chẳng thèm nói cho ba mẹ biết, hay nghe theo ý kiến của ba mẹ của người lớn bao giờ.

Về để thấy tết (Phần 1)
Lúc đó, nhà vẫn là nhà, nhà có Liên, có ba và em trai của nó. Giờ với nó, cái đó không được gọi là nhà. Có thể nó vẫn sẽ về, nhưng về chỉ để nấu cho má bữa cơm, rồi lại đi. Đối với Liên, còn má mới còn gia đình, còn nhà để nó quay trở về. Còn lại, không đáng.

Số cuối ngày sinh Âm lịch tiết lộ sự giàu có, ai sở hữu cả đời gặp may mắn
Mỗi số trong ngày sinh không chỉ là một ký hiệu, mà còn là một biểu tượng của năng lượng vũ trụ, ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời mỗi người.

Ai nói là tôi không thích cậu?
Cũng không hiểu từ khi nào, tôi bắt đầu vô thức tìm kiếm bóng hình cậu ở bất cứ đâu. Tôi tự hỏi, có phải vì tần suất cậu xuất hiện trước mặt tôi quá nhiều, hay vì một cảm xúc lạ lẫm đang dần nảy mầm mà tôi không thể diễn tả?

Bạn có nhìn thấy mình ở những năm tháng sau này
Tôi đã từng suy nghĩ rất nhiều, tưởng tượng bản thân mình của những năm về sau sẽ như thế nào, nếu vẫn duy trì nếp sống như hiện tại, có lẽ thời gian mà tâm hồn tôi héo mòn, kiệt quệ cũng sẽ không còn xa nữa.

Tuổi thơ chung lối, thanh xuân ngược hướng
Tớ không nhớ rõ mình thích anh từ bao giờ. Có thể là từ một lần anh bất ngờ đưa tay ra kéo tớ chạy dưới cơn mưa đầu hạ. Có thể là từ một lần anh lặng lẽ nhường phần quà của mình cho tớ khi tớ khóc vì bị thua trò chơi. Hoặc có thể… tớ đã thích anh từ lâu lắm rồi, chỉ là đến một ngày, tớ mới chịu thừa nhận điều đó với chính mình.

Cậu còn ở Hà Nội chứ?
Khi gió mùa đông bắc về, tôi càng cảm nhận rõ nét sự thiếu vắng của Cậu—như một nhịp điệu không còn vang lên trong bản hòa ca của cuộc sống. Hà Nội, với tất cả vẻ đẹp và nỗi nhớ, đã trở thành một phần tâm hồn tôi, nơi mà mỗi con phố, mỗi tiếng cười đều gợi nhắc về Cậu. Liệu rằng, trong những sớm mai se lạnh hay chiều hoàng hôn rực rỡ, Cậu có còn ở đây, lắng nghe những tâm tư của tôi giữa lòng thành phố này?