Phát thanh xúc cảm của bạn !

Nắng lạnh về đâu?

2017-03-22 01:10

Tác giả:


blogradio.vn - Dẫu biết mỗi người có một số phận riêng, nhưng sao thấy quý thấy yêu những con người như thế. Sống giữa khó nghèo mà tâm sạch, hồn trong, cứ sáng như ánh sao đêm dẫu nhỏ nhoi giữa mùa giông bão.

***

Nắng lên cả sào rồi mà gió vẫn lạnh như giữa mùa đông. Thời tiết xéo xắt nghịch mùa hay thiên nhiên vô tư làm theo những gì mà nó không hề mong muốn? Phải chăng đó là kết quả của bàn tay con người can thiệp vào lẽ tự nhiên? Mọi việc đều có chữ duyên của nó. Duyên có lành, có thiện hay không cũng chính từ cách nghĩ suy ban đầu mà ra cả đó thôi. “Gieo suy nghĩ gặt hành vi, gieo hành vi gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt cuộc đời”. Không biết từ bao giờ câu nói ấy đã gieo duyên.

Xuân đã về vương lộc biếc non tơ
Tháng giêng vẫn giữ nguyên màu của Tết


Phố nhộn nhịp những bước chân, những vòng xe lướt qua vội vã. Nắng rải vàng theo gió mà vẫn chưa xua được không khí lạnh cứa da. Đằng kia, những chiếc áo khoác, áo len được dịp khoe màu sắc cầu vồng, và chiếc lá trên cành dường như cũng cuộn co mình lại.

Ngày đầu năm, trong dòng người du xuân nhộn nhịp, đâu đó những cuộc hành trình vẫn rong ruổi mưu sinh.

Ông dựng xe trước cửa hàng rồi bước vào chìa ra “tờ may mắn” đợi đến lúc hoàng hôn. Tôi lắc đầu theo thói quen thường có. Ba người khách giống tôi, cũng lắc đầu để ông gạt chống xe, quay lưng, bật chống.



Tiếng “rẹt rẹt, ken két” vang lên. Âm thanh của ngày xưa tôi đó! Tôi nghe rõ tiếng dây sên khô mỡ bò, và tiếng dè cọ vành khi bánh đã cong vênh. Tuổi thơ tôi cũng một thời như vậy, dang nắng khét mùi tóc cháy ruổi rong, quán xá gần xa bán mua may mắn ít đồng, để trang trải mơ ước của hành trình đi tìm con chữ. Phải chẳng chữ duyên chạm vào hồn tôi từ tiếng kêu khô khan ấy, để ánh mắt phải nhìn ra nắng chói sắp vào trưa. Tôi nhói lòng khi thấy chân ông khập khiễng, cái áo mỏng tanh, xanh úa bụi đường, lai quần đã xõa những lát cắt, tưa, đang rũ xuống.


“Bác ơi!” Tôi gọi ông khi thấy đôi môi ông đang run lập cập. “Mời bác vào nhà uống chung trà cho ấm với con”. Kéo ghế ông ngồi, rót ly trà vừa pha ban sáng. Câu chuyện đời trong nắng gió cũng lạnh, nghịch mùa theo.

73 tuổi, mất một bàn chân do bị thương trong thời chinh chiến, ông bán vé số mỗi ngày kiếm chưa được 70 ngàn đồng về nuôi bà cũng tròn thất thập bên nhau. Hai đứa con dựng vợ, gả chồng, cháu nội, cháu ngoại đâu có được mấy khi về với ông bà cho được một giờ đoàn viên, đầm ấm. “Thôi kệ nó con. Hai vợ chồng già còn được ngày nào là vui ngày đó. Còn tụi nó thì cầu Trời Phật thương cho mạnh giỏi, đừng có làm gì sai trật là yên bụng rồi, tết hay không tết gì, ông cũng thấy vậy thôi”. Ông cười, nụ cười an yên, thanh thản lạ.

Tôi nghe nhói lên bên trái ngực mình trước câu nói nhẹ hều của ông. “Một giờ đầm ấm” còn không có cho vợ chồng ông, thì các con của ông có hiểu chăng hai từ “báo hiếu”?

Uống cạn ly trà. Gạt cái chống xe cót két lên, tôi thấy trên ghi đông chiếc xe đạp cằn cỗi của ông có hai miếng chuối chiên và chừng đâu ký gạo.

“Bác về nghỉ sớm một bữa đây. Cám ơn con”

Tôi lén chụp sau lưng ông một tấm hình. Thôi thì giữ lại trong lòng mình một hình ảnh, một câu chuyện của đời sống hôm nay. Bao giờ thì nước cũng chảy xuôi từ nguồn ra sông, ra biển. Và muôn đời vẫn vậy, không có người cha mẹ nào trong đời mình ngồi đếm chữ thương con. Bởi tình yêu ấy vốn đã mênh mông như biển rộng núi cao, thì có ai mà xòe tay ra đong đếm được.

Nhìn theo dáng ông quay về qua khuất chiếc cầu treo. Tôi thấy thấp thoáng phía xa một ông cụ dáng thấp hơn trong bộ đồ cũng mỏng tanh, sờn cũ, đang nhích từng bước chân chậm rãi trên đường. Hai vai ông là hai cái bao nilon dài tới gót, lưng cột thêm sợi dây lát với một cái bao nhỏ hơn. Ông ngoái đầu bên trái, bên phải, cúi người xuống, đứng lên, cứ thế mà nhích dần, nhích dần...

Gần 20 phút cho một quãng đường không quá 300m. Cái bao trên vai ông to hơn, nặng hơn nên dáng người cũng bắt đầu oằn trĩu.



Chờ ông đến ngang trước nhà, tôi bước ra thiệt chậm. Cầm hai tay tờ giấy bạc màu xanh, nhỏ nhẹ. “Chú ơi, con tặng chú, chú về nghỉ đi, hôm nay tết mà”. Ông run run đưa hai bàn tay lên nhận mà không nói được một lời nào, nước mắt ông rơi cái độp xuống tờ giấy bạc tôi trao. Phải chăng tờ giấy ấy chở nặng nỗi niềm mà trong đời ông chưa một lần cầm nó trên tay từ một người xa lạ? Tôi lúng túng, chớp mắt liên tục, cố nén lại để ngày đầu năm không khóc, mà sao mũi mình sóng nước cứ nghe cay. Không nói được lời nào thêm, tôi quay vội vào nhà, không dám đối diện với cảm xúc đang chực trào ra.

Một lúc sau, tôi lén nhìn ra đường thì ông đã cách nhà một khoảng ngắn, vẫn cúi người xuống và đứng lên với vỏ lo, vỏ chai, bao xốp. Tôi biết ông sẽ không về nghỉ, vì hôm nay ông nhặt được nhiều lắm những cái người ta thừa, vứt đi, mà ông thì cần, cần lắm cho một cuộc hành trình mưa nắng của vòng quay.

Ước mong gì trong năm mới này? Tôi chỉ thầm chúc cho ông được nhiều sức khỏe và an nhiên với chữ duyên trong cuộc đời mình, dẫu còn nhiều vất vả trong chốn mưu sinh.

Thầm cám ơn hai ông đã gieo duyên lành cho tôi ngày đầu năm mới. Và cứ đến và đi như nắng và mưa trong cuộc sống thường ngày. Chợt nhớ trước tết ít ngày, chữ duyên cũng chạm vào tôi trên một hành trình ngắn ngủi.

Băng qua một cánh đồng với triền đê bát ngát lúa xanh đang mùa ngậm sữa của một xã vùng sâu miệt ruộng vườn sông nước này. Gặp anh giữa cái nắng trưa giao mùa với chút gió le se cuối đông còn sót. Nụ cười hiền như trẻ nít trên môi. Nụ cười tỏa nắng giữa ngôi nhà lụp xụp như vắt kiệt sức bền bĩ chịu đựng của nó để hoàn thành chức trách che nắng, che mưa cho hai phận người “rổ rá cạp nhau”. Vợ anh, xóm giềng quen gọi với cái tên “Vợ thằng Xinh” rồi thôi, không ai biết người đàn bà ấy tên gì, và ngay bản thân chị cũng không biết mình tên gì, từ đâu đến.

Bà con chợ Bình Thành cũng không nhớ năm nào người phụ nữ ấy xuất hiện ở đây. Chỉ biết ai kêu gì làm nấy, từ việc phụ giúp bưng bê hàng quán, đến quét dọn nhà cửa... mà chỉ cần trả công bằng chén cơm hai buổi no lòng. Hiền lành, chơn chất nên ai cũng thương. Chị ruột anh Xinh thấy vậy nên dẫn về nhà rồi gá nghĩa cho anh. “Vợ thằng Xinh” vậy là có cái tên để gọi, chứ tên riêng của chị thì vẫn là con số “0” thiệt tròn, thiệt lớn. Người đàn bà không tên, tâm trí cũng đôi chút đểnh đoảng như chồng, nhưng họ rất mực yêu thương nhau và cùng có chung cái duyên “chay lạc”.

“Vợ thằng Xinh” hôm nào hái được mớ rau, mớ cải mang ra chợ bán, là anh chồng cứ ra đường đứng miết, trông theo. Người đàn ông trông vợ đi chợ về như trẻ con chờ quà của mẹ. Có hôm chị đi đâu mất mấy ngày, anh lại đứng ngồi không yên. Đến khi người ta đưa giùm chị về nhà thì anh chỉ dám “giận” một chút rồi thôi khi nghe chị thỏ thẻ “Mình ơi, em đi lạc mới về nè!”. Nghe sao mà thương quá chừng quá đất. Làm sao mà giận cho được trước lời thật lòng chạm sâu đến tận cùng cảm xúc của tình yêu.



Tiếp chuyện với tôi dẫu chưa tròn câu, tròn ý, nhưng tiếng cười và sự lạc quan luôn hiện diện trên gương mặt của vợ chồng anh. Khi biết mình sẽ được cất lại ngôi nhà mới, thì tiếng cười của anh chị vỡ vụn giữa không gian thanh bình thay cho lời cám ơn của những phận người còn nhiều gian khó.

Nhìn vợ chồng anh vui vẻ, hạnh phúc bên nhau giữa cảnh nghèo đầy “viên mãn” mà chợt nhói lòng trước những cảnh “tan đàn xẻ ghé” của không biết bao nhiêu gia đình đủ đầy vật chất mà thiếu vắng tình thương. Họ không biết trân trọng, nâng niu cái hạnh phúc mà mình đang có, để khi rời khỏi nhau rồi thì tiếc nuối, giá như...

Dẫu biết mỗi người có một số phần riêng, nhưng sao thấy quý thấy yêu những con người như thế. Sống giữa khó nghèo mà tâm sạch, hồn trong, cứ sáng như ánh sao đêm dẫu nhỏ nhoi giữa mùa giông bão.

Chia tay vợ chồng anh Xinh mà tôi tự hỏi mình. Chẳng biết câu danh ngôn ‘Hạnh phúc cũng giống như pha lê, càng lấp lánh bao nhiêu thì càng dễ vỡ bấy nhiêu” có đúng không với gia đình nhỏ bé này?

Ngoái đầu lại nhìn vợ chồng anh ra tiễn, thấy ấm áp nhiều hơn trước nụ cười hồn nhiên, trong veo không vướng chút bụi đời, không toan tính thiệt hơn, chỉ bình yên, hạnh phúc. Mùa xuân rồi anh chị đã có ngôi nhà để treo những tiếng cười trên vách đẹp lung linh.

Nhớ hai tiếng “mình ơi” của “Vợ thằng Xinh” mà mong cho hai ông cụ vừa gặp gỡ sáng nay cũng được người vợ yêu thương của mình đón chồng về bằng những lời chân chất ấy.

Nhìn ra đường, nắng minh mông nắng.
Gió đi đâu rồi trong cái lạnh hôm nay?

© Lê Ngọc Minh Hoàng – blogradio.vn

Bài dự thi cuộc thi viết CẦN LẮM MỘT CHỮ DUYÊN. Để bình chọn cho bài viết này, mời bạn đọc, để lại bình luận, nhất nút "Bình chọn" ở chân bài viết và chia sẻ lên các mạng xã hội. Thông tin chi tiết về cuộc thi viết mời bạn xem tại đây.

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Lũ trẻ của rừng núi

Lũ trẻ của rừng núi

Nhưng tôi chưa bao giờ hỏi mẹ tôi tại sao học sinh lại quý mẹ như thế, tôi chỉ nhìn chăm chăm vào khung cảnh viễn tưởng mà mình tạo ra, mà quên mất mẹ tôi đã cống hiến biết bao nhiêu năm tháng ròng rã cho những búp măng non trẻ ấy.

Rồi một ngày...

Rồi một ngày...

Không một ai trong chúng ta có thể chấp nhận nổi người thân ra đi ngay trước mắt mình, và bây giờ thì tôi cũng vậy! Tôi cũng sợ mất bố, tôi cũng sợ mất mẹ và tôi cũng sợ một ngày nào đó, mình trở thành mồ côi...

Tình khi say

Tình khi say

Tình yêu là gì mà anh nhớ em thế Tình yêu là chi mà lòng say nhanh quá

Lời hứa tháng mười (Phần 5)

Lời hứa tháng mười (Phần 5)

Cô cứ nghĩ mình đã quên được tất cả và có thể sẵn sàng mở lòng với một mối quan hệ mới, nhưng hóa ra tận sâu bên trong, cô đang trốn tránh chứ không phải đối diện và quên được chúng. Cô có thật sự xứng đáng với người con trai này không?!

Người thông minh dùng nguyên tắc

Người thông minh dùng nguyên tắc "7-3" trong đối nhân xử thế, nhờ vậy cuộc đời sóng yên biển lặng

Trong đối nhân xử thế, những bí mật quan trọng vẫn nên được che giấu và không để người khác biết.

Phụ nữ 4 con giáp này được hưởng phúc về đường tình duyên, càng lớn tuổi càng hấp dẫn

Phụ nữ 4 con giáp này được hưởng phúc về đường tình duyên, càng lớn tuổi càng hấp dẫn

Thời gian trôi qua, có những thứ càng trở nên quý giá, giống như rượu càng ủ lâu càng thơm. Vẻ đẹp của 4 con giáp này cũng tựa như vậy.

Một mình trong đêm

Một mình trong đêm

Và cô cũng biết rất rõ cô không thể xa công việc, xa đồng đội, xa ước mơ của cô là đem lại cuộc sống bình yên cho mọi người, như ngày nào cô đã thề và đã hứa rất xúc động rất dũng cảm trước cờ Tổ quốc cờ Đảng thân yêu.

Viết cho em

Viết cho em

Em viết cho em những năm còn vụn vỡ Lúc tình yêu em tìm chẳng thấy đâu Trái tim em găm đầy mảnh dao nhọn Và em ước gì mình chưa từng thương ai

Ngày bố đi

Ngày bố đi

Nó bắt đầu biết giúp mẹ làm việc, cái mảnh sân đầy lá hôm nay đã được bàn tay vụng về nhỏ xíu đó quét gọn, đống chén bát chất đống đó đang dần dần được vơi đi, mấy bộ quần áo hình như mấy ngày chưa giặt cũng đã được nó đem đi sưởi nắng cùng dàn hoa thiên lý. Nó dần hiểu chuyện hơn.

back to top