Phát thanh xúc cảm của bạn !

Mùa đông ấm áp

2023-10-16 04:20

Tác giả: Mọt Sách


blogradio.vn - Những tháng ngày vất vả đã thực sự lùi xa. Thành phố tuy xa lạ nhưng ấm áp, bao dung, luôn dang tay chở che những mảnh đời bất hạnh. Một buổi chiều mùa đông đầu tiên trong cuộc đời, nó cảm thấy hơi ấm nhẹ nhàng lan tỏa. 

***

Tiết trời đã sang thu nhưng ánh nắng giữa trưa vẫn chói chang gay gắt như muốn thiêu đốt tất cả. Sân trường rợp bóng cây, tuy vậy bác bảo vệ đã đóng cổng để ra về. Hai đứa lại dắt nhau ra lề đường, dưới gốc bằng lăng cành lá xơ xác, nép vào chút bóng mát hiếm hoi đợi phụ huynh đến đón. Hai đứa bé mà số phận đã ghép chúng bên nhau suốt mấy năm cấp một. Như hai diễn viên chính diễn mãi một vai trong bộ phim dài tập, chúng cứ lặng lẽ lớn lên cùng nhau. Những ngày nắng cháy da rồi đến chuỗi ngày mưa tầm tã, cây bằng lăng vẫn ân cần, nhẫn nại, lom khom chiếc bóng già lẻ loi che chắn cho hai đứa trẻ bơ vơ đang ngóng chờ người thân đến đón.

Hôm nay thằng Việt có vẻ mệt mỏi, nó ngồi ôm chiếc cặp, nhìn gầy gò như chú chàng hiu. Con Trâm ngồi cạnh lay vai nó:

- Việt, cậu bị sao vậy?

Nó khẽ lắc đầu, không ngẩng lên:

- Tớ thấy hơi mệt, chắc do đói bụng.

Con bé mở cặp loay hoay lục mãi nhưng chẳng tìm được gì, nó buồn bã đóng cặp lại. Chợt mắt nó sáng lên, gương mặt rạng rỡ đưa tay vẫy vẫy. Từ xa, bóng mẹ nó lắc lư trên chiếc xe đạp cũ kĩ với lùm xùm những chiếc giỏ bụôc xung quanh xe. Mẹ nó đi chợ về và hôm nay đã bán hết hàng, nó sẽ có bữa ăn ngon và có đủ tiền đóng học phí.

Mẹ dừng xe tươi cười đưa nó chiếc bánh rán và đỡ chiếc cặp đặt vào giỏ xe. Con bé quay lại vẫy chào bạn trước khi bước lên xe nhưng nó chợt dừng lại, nét mặt hoảng hốt kêu lên:

- Mẹ ơi, thằng Việt bị làm sao kìa!

Mẹ nó buông chiếc xe chạy vào bế xốc Việt lên, ôm ra đường vẫy tất cả những chiếc xe chạy qua:

- Cô bác ơi, làm ơn cứu cháu tôi với!

May quá, có một chú đi xe máy dừng lại. Mẹ đặt Việt lên xe, quay lại bảo nó ăn bánh rồi đứng trông xe đợi mẹ. Nó đứng nhìn theo bóng mẹ mất hút ở cuối đường. Ánh nắng chói lòa làm mặt đường chập chờn như bốc khói.

- Bé Trâm ơi, bạn Việt đâu rồi cháu?

Nó giật mình quay lại. Chú thằng Việt vừa đến, đang chống chiếc xe máy cà tàng dính đầy vôi vữa. Nó hớt hãi chạy lại:

- Chú ơi, bạn Việt bị trúng gió mẹ cháu vừa đưa đi cấp cứu rồi ạ.

Chú đưa bàn tay lấm lem quệt mồ hôi trên trán, lắp bắp hỏi:

- Thế... thế cháu có biết số điện thoại của mẹ không?  

- Có ạ.  

Nó đọc ngay số mẹ vì từ bé sống ở nhà một mình, số điện thoại của mẹ là thứ nó phải thuộc nằm lòng.  

Chú vội vàng phóng xe đi. Chiếc xe như con ngựa già cố chút sức tàn vừa phì khói vừa kêu keng két. Nó lại đứng tựa vào gốc cây bằng lăng khẳng khiu, mắt dõi đăm đăm về phía cuối đường.  

Sau hôm ấy, thằng Việt nghỉ học mất cả tuần. Mẹ mua mấy hộp sữa và bánh ngọt, đạp xe chở nó băng qua vùng đồi cát hoang vu, đến chiều cũng tìm được căn nhà lá lụp xụp dưới bóng vây xoan. Lúc ấy, nó còn quá bé để có thể cảm nhận sự khốn khổ của cảnh nghèo. Bố thằng Việt bị tai nạn mất lúc nó vừa ba tuổi. Mấy năm sau mẹ thằng Việt lại đi lấy chồng. Chú Việt làm thợ xây ngày ngày phải đưa đón nó đi học như con cóc cõng con nhái trên lưng. Trâm cứ thắc mắc: "Mẹ ơi, như thế có được gọi là gà trống nuôi con không?" Mẹ nó bật cười "Chắc phải gọi là gà trống nuôi cháu chứ". Mấy hôm nay chú nghỉ ở nhà để chăm thằng Việt, trông chú gầy gò hốc hác như đã ngoài bốn mươi. Mẹ xót xa nhìn chú hỏi dò:

- Sao chú không cưới vợ để chăm sóc gia đình, vậy mới yên tâm mà lo kiếm tiền.  

Chú khẽ lắc đầu với nụ cười héo hắt:

- Cảnh nhà em thế này thì ai mà chịu lấy hả chị?  

Mẹ nó không hỏi nữa, chào chú rồi lại gò lưng đạp xe nguợc gió chở nó về nhà.

***

Mùa đông năm ấy, những cơn gió bấc hung hãn tràn qua dãy núi phía sau nhà, quét sàn sạt trên vùng đồi cát hoang vu, lưa thưa những lùm cây dại cằn cỗi. Gió len vào những tấm vách lá tạo nên âm thanh te...te như tiếng kèn lá dừa mà chú thằng Việt làm cho bọn nó chơi. Những đêm khuya, nó chợt thức giấc vì gió chui vào tận chiếc chăn mỏng, cứa vào da thịt nó cái lạnh rát buốt đến tận xương. Một buổi chiều tối muộn, nó với mẹ đang lúi húi dọn cơm bên bếp lửa ấm áp thì chú chở thằng Việt ghé qua nhà. Hai chú cháu quần áo chỉnh tề, tay xách nách mang những bao những giỏ. Chú nói với mẹ:

- Em ghé chào chị rồi ra xe luôn. Mai em đưa thằng Việt lên thành phố tìm việc làm.  

Thằng Việt mắt đỏ hoe, giúi vào tay nó chiếc đồng hồ làm bằng lá dừa:

- Tặng cậu đấy, sau này nhất định không được quên tớ.  

Nó lặng lẽ đeo chiếc đồng hồ vào tay rồi nhìn thằng Việt:

- Cậu lên thành phố có học tiếp không?  

Thằng Việt lắc đầu:

- Tớ cũng không biết. Cậu được đi học thì cố mà học giỏi nhé.  

Nó gật đầu trong lúc mẹ nói với theo khi chiếc xe chầm chậm lăn bánh:

- Hai chú cháu đi nhớ giữ gìn sức khỏe, hôm nào có dịp về chơi nhé!  

Nó đứng nhìn theo bóng thằng Việt mất hút nơi cuối đường, trong ánh hoàng hôn tím ngắt. Những buổi tan học, chỉ còn nó với cây bằng lăng bầu bạn. Đứng đợi mẹ dưới gốc cây, nó nhớ lại bóng dáng gầy gò của thằng Việt mang chiếc cặp sách cũ sờn. Nó hình dung rõ ràng như thằng Việt vẫn ngồi bên cạnh, nhìn nó bằng đôi mắt tròn xoe, chiếc mũi thẳng và đôi môi đỏ thắm. Lạ thật, từ lúc ấy đến tận hai mươi năm sau trong những giấc mơ, nó vẫn thấy thằng Việt với hình ảnh ấy, không lớn lên được tí nào.

Năm sau nó chuyển trường lên cấp hai, tự đạp xe đi học không đợi mẹ đưa đón nữa. Cây bằng lăng già khẳng khiu vẫn nhẫn nại đứng bên lề đường, khẽ vẫy vẫy cành lá chào nó mỗi khi đạp xe ngang qua. Rồi mùa đông lại đến, những cơn gió bấc gào rít lại tràn về. Những đêm trăng sáng, nó ngồi trước nhà ngắm sương giăng bàng bạc trên đồng, nghe gió lạnh ngấm vào tận cùng da thịt. Ký ức như một dòng chảy miên man len lỏi vào tận nơi thẳm sâu của tâm hồn nó, làm nhó nó nhớ đến quay quắt thằng bạn đến nay vẫn bặt vô âm tín. Số phận là một kẻ vô hình đầy quyền lực, thường đem đến cho con người những hoàn cảnh thật trớ trêu.

***

Đã hai mươi mùa đông đến rồi lại đi. Cây bằng lăng già lặng lẽ in bóng trong một góc trời ký ức. Con đường đã mở rộng thênh thang với hai làn xe xuôi ngược. Nó ra trường và trở thành cô giáo mầm non. Thỉnh thoảng, thằng Việt lại trở về trong giấc mơ của nó, vẫn gầy gò như xưa nhưng nụ cười luôn rạng rỡ. Mẹ nó thường ngậm ngùi khi nhắc đến thằng Việt:

- Thằng bé thật tội nghiệp, không biết giờ sinh sống ra sao?

Nó lấy chồng cũng vào mùa đông, chiếc xe hoa đưa nó về làm dâu cách nhà chừng năm cây số. Bỗng nhiên, nó biến thành siêu nhân cõng trên vai cả núi công việc mà nó vẫn sống được bốn năm. Khi thằng bé con được ba tuổi, nó viết đơn ly hôn và bế con về nhà mẹ. Giờ đây, mỗi khi ngồi nghĩ lại, nó không hiểu mình lấy đâu ra sức khỏe để làm việc như robot trong suốt mấy năm trời. Để rồi đổi lại kết quả là tấm ảnh chồng đi chung với người đàn bà khác. Một cuộc đầu tư hoàn toàn thất bại. Đúng là lấy chồng chỉ lãi mỗi đứa con. Thế nhưng, chuyện vẫn chưa kết thúc. Chồng nó cứ tới lui viện cớ thăm con rồi gây gổ, nhì nhằn đủ việc. Mùa đông năm ấy, thằng bé không chịu được lạnh nên viêm phổi sốt cao. Bệnh viện chuyển lên thành phố cấp cứu. Khi thằng bé khỏi bệnh, nó quyết định tìm việc làm và ở luôn trên đấy. Làm giáo viên trường mầm non tư thục, công việc rất nhiều nhưng lương thưởng chẳng là bao. Tuy vậy, nó vẫn cảm thấy thanh thản và nhẹ nhàng hơn khi đã rời xa cái mớ hỗn độn của cuộc hôn nhân đổ vỡ.

Một buổi chiều, khi ánh nắng còn vương lại mấy đốm nhợt nhạt trên hàng cây ven đường, nó đưa bọn trẻ ra cổng cho phụ huynh đến đón. Thằng bé tên Minh Nhật có gương mặt "điển trai tiềm năng" thường ngày chỉ thấy mẹ đi SH đến đón. Hôm nay, một người thanh niên lái chiếc xe bảy chỗ màu đen bóng loáng dừng lại, mở cửa định bế thằng bé lên nhưng nó giữ lại, gọi chị quản lí ra xác nhận.

Chị ấy bước ra tươi cười:

- Anh thông cảm nhé, đây là cô giáo mới.

Nó ngượng ngùng, nhìn người thanh niên xin lỗi. Anh ta vui vẻ xua tay:

- Không sao, cô giáo cẩn thận tôi rất yên tâm.

Anh ta vẫy tay chào rồi chiếc xe lướt đi, nhẹ nhàng như cơn gió thoảng. Nó đón con về trong căn phòng trọ tuy nhỏ hẹp nhưng ấm áp. Khi cuộc sống dần ổn định, ký ức lại về và nó lại ray rứt với hình ảnh thằng Việt ra đi trong buổi chiều đông giá buốt. Chợt có tiếng chuông điện thoại reo, nó vội vàng bấm máy vì sợ thằng bé giật mình tỉnh giấc. Đầu dây phía bên kia là giọng đàn ông xa lạ:

- Chào Trâm, có còn nhớ Việt không?

Nó sững sờ trong giây lát rồi nói vội vàng như sợ người kia cúp máy.

- Nhớ chứ, mà Việt đang ở đâu, sao lại có số của Trâm?

Người kia im lặng một lúc rồi nhẹ nhàng:

- Tôi gặp Trâm lúc chiều, vừa nhìn đã nhận ra ngay, chỉ tiếc là Trâm không còn nhớ tôi nữa.

Nó vẫn còn hoang mang, một thứ cảm xúc xáo trộn của ngạc nhiên, vui buồn lẫn lộn nên cứ im lặng.

- Alo Trâm còn đấy không?

Nó như sực tỉnh cơn mê.

- Trâm nghe đây! Chỉ là quá bất ngờ thôi.

Việt cười vui vẻ.

- Sáng mai uống cà phê nhé. Việt chở thằng bé đến trường rồi đón Trâm luôn.

Đầu dây bên kia đã cúp máy, nó vẫn cầm mãi chiếc điện thoại trên tay, không tin đó là sự thật. Sau mấy phút bình tâm, nó chắp nối lại các chi tiết sự việc và tạm dựng nên một câu chuyện theo sự hiểu biết của mình. Rằng Việt giờ đây đã có một gia đình khá giả, vợ Việt là người phụ nữ thường đi SH đến đón con. Thằng bé vừa ngoan lại vừa đẹp. Nó mỉm cười một mình, thì ra chuyện cổ tích là có thật. Đúng là số phận. Mỗi khi con người không giải quyết được việc gì, lại đem hai từ số phận ra đặt lên cái mớ bùng nhùng ấy.

Việt đến sớm hơn các phụ huynh khác. Thằng bé vẫy chào rồi ngoan ngoãn đi vào lớp. Nó xin phép cô quản lý nghỉ một buổi, đầu giờ chiều sẽ quay lại. Bước lên chiếc xe êm ái và mát lạnh, Trâm cứ rụt rè không được tự nhiên. Việt quay lại mỉm cười thân mật như chưa từng xa cách cả không gian lẫn thời gian:

- Trâm cứ tự nhiên. Đừng ngại ngùng với những thứ sang trọng, cũng không nên khinh rẻ những thứ bần hàn.

Trâm đã lấy lại tự nhiên cười vui vẻ:

- Còn ai bần hàn hơn Trâm nữa đâu.

Quán cà phê là một vườn cây rợp bóng được cắt tỉa, bài trí rất nghệ thuật. Việt chậm rãi kể lại những tháng ngày khốn khó khi mới lên thành phố. Chú xin Việt vào học một trường ở ngoại thành. Lớn chút nữa Việt học một buổi rồi theo chú phụ hồ. Tiền tích cóp được chú cho Việt theo đại học ngành xây dựng. Trâm nóng lòng cắt ngang.

- Chú có khỏe không? Giờ chú đang làm gì?

Việt khuấy ly cà phê, vẫn giọng đều đều, chậm rãi

- Chú làm thầu xây dựng. Giờ vợ con nhà cửa khang trang rồi.

Trâm hớn hở:

- Vậy là mừng cho chú. Để tôi sắp xếp rồi ghé thăm. Cả nhà Việt có sống gần chú không?

Việt ngơ ngác:

- Cả nhà nào? Tôi vẫn sống với chú từ trước đến nay.

Giờ đến lượt Trâm ngơ ngác:

- Thì vợ con của Việt cũng sống chung với gia đình chú luôn à?

Việt bật cười ha hả:

- Đấy là vợ con của chú, tôi đã có vợ đâu?

Trâm nhìn Việt đăm đăm.

- Bạn tôi đẹp trai, tài giỏi thế này sao lại ế vợ?

Việt xua tay.

- Chắc là do số... Tôi có về quê mấy lần nghe nói Trâm lấy chồng hạnh phúc lắm sao giờ lại thế này?

Trâm mỉm cười.

- Có lẽ số phận là kẻ gánh tội cho cả thế gian này. Giờ lẽ nào tôi lại đổ cho số phận, chỉ là tại tôi không đủ tài năng để xây dựng hạnh phúc cho mình.

Giọng Việt vẫn trầm ngâm trong ánh nhìn xa vắng:

- Chúng ta không có lỗi vì chúng ta đã rất cố gắng. Chỉ là trên đời này quá ít người tử tế.

Trâm như chợt nhớ ra, quay lại hỏi:

- Giờ Việt làm nghề gì? Đang công tác ở đâu?  

- À lúc nãy tôi chưa nói hết. Ra trường tôi vào làm công ty xây dựng rồi bắt đầu kinh doanh bất động sản. Sinh ra ở gốc tọa độ, tôi chẳng kén chọn việc gì, thưng vàng hạ cám tôi đều cân tất. Mi chạy theo công việc, giờ quay lại đã cán mốc ba mươi rồi.  

Việt nhìn đồng hồ:

- Chiều tôi có hẹn với khách hàng, chúng ta ăn trưa ở đây nhé. Chủ nhật tôi đón Trâm sang nhà thăm chú.  

Sau hôm ấy, Việt thường ghé nhà Trâm, mang quà bánh, thức ăn và chơi đùa với thằng bé. Việt vẫn nhớ cây bằng lăng "huyền thoại" ngày thơ ấu, vẫn nhớ buổi chia tay giá lạnh ngày rời xa quê hương.  

Việt nhìn Trâm, giọng ngậm ngùi:

- Giá mà ngày ấy tôi có thể đón Trâm lên đây, có lẽ cuộc đời Trâm không dang dở thế này.  

Trâm đưa tay quệt giọt nước mắt đang chực lăn xuống:

- Cảm ơn Việt. Nhưng trời sinh Trâm là con gái, làm sao đến sống cùng với Việt, lại còn sống chung với chú?  

Việt gật đầu:

- Vấn đề là ở chỗ đấy. Lúc ấy, tôi mi chạy theo công việc, chưa có ý định cưới vợ thì Trâm đã lấy chồng rồi.  

Trâm tiếp lời:

- Mà thực ra, chúng mình chỉ là bạn chứ có hẹn hò yêu đương gì đâu. Dù sao dư luận và đạo lý là hai thứ chúng ta nên cân nhắc trong cuộc sống.  

Ngày chủ nhật, chú thím Việt ở nhà, mừng rỡ khi Trâm đến. Chú cứ xuýt xoa:

- Nhanh thật, giờ đã có cháu rồi. Lại đây ông bảo. Thằng bé ngoan quá, lại chơi ô tô điện với chú đằng kia nhé!

Trong bữa cơm thịnh soạn, thím cứ luôn tay gắp thức ăn cho Trâm. Chú gật gù bảo:

- Cháu đừng thuê nhà nữa, dọn về đây ở với gia đình chú. Chúng ta no đói có nhau.  

Trâm nhìn ngôi biệt thự ba tầng khang trang, có cả sân vườn rất đẹp, cảm thấy ngại nên trả lời:

- Cháu cảm ơn chú thím. Nhưng thằng bé còn nhỏ sợ phiền gia đình nên cháu hẹn thêm một thời gian nữa ạ.  

Việt nói xen vào:

- Cháu có ý kiến thế này. Nếu trước đây không có mẹ của Trâm cấp cứu kịp thời, chắc cháu không qua khỏi. Giờ giúp đỡ bạn ấy là việc nên làm. Cháu sẽ cho bạn ấy căn nhà của cháu gần trường học Trâm làm, còn giấy tờ để tính sau.  

Thím sửng sốt buông đũa nhìn Việt nhưng không nói lời nào. Chú gật đầu với giọng ôn tồn:

- Chú tôn trọng quyết định của cháu. Nào, ta cùng nâng ly!  

Rồi chú nói tiếp:

- Con người thường rất tham, không ai dễ cho đi những tài sản quá lớn. Nhưng ít ai biết một điều, tài sản đến được thì nó sẽ đi được, chỉ là bằng những cách khác nhau mà thôi.  

Trâm xúc động nhìn chú. Người đàn ông lấm lem vôi vữa năm nào sao có thể nói những lời sâu sắc đến thế. Chú vẫn tiếp tục:

- Vì vậy, khi nhìn một người ở vị trí thấp, thậm chí là trắng tay, đừng mặc định họ sẽ duy trì tình trạng đó mãi mãi.  

Trâm gật đầu:

- Vâng, chú dạy rất đúng ạ. Cháu xin nhận sự giúp đỡ của bạn Việt nhưng chỉ là vay mượn thôi. Cháu sẽ hoàn trả lại khi có thể.  

Việt phản đối:

- Trâm cứ xem như một món quà tặng. Khi có thể, Trâm sẽ tặng cho người cần nó hơn. Vì ngoài căn nhà ấy, tôi vẫn còn nhiều căn nhà khác.  

Trâm tròn xoe mắt nhìn Việt, rồi tự nhủ rằng Việt nói thế chỉ để Trâm yên lòng. Nếu Trâm bảo với ai đó, mình vừa nhặt viên kim cương, người ta sẽ tin ngay. Nhưng bảo rằng có người vừa tặng nguyên căn nhà thì không ai tin cả

Về đến nhà, Trâm rót ly nước lọc, ngồi nhấp từng ngụm nhỏ, cố gắng xâu chuỗi những sự việc đang diễn biến quá nhanh. Những khắc khoải trong lòng về hình ảnh một thằng bạn gầy còm không biết sống chết ra sao, giờ thay vào đó là hình ảnh một cơ ngơi hoành tráng. Tâm tư nó như một con thuyền nhỏ, chỉ quen chở những thứ mong manh, nhẹ nhàng. Giờ bất ngờ đặt vào một kiện hàng quá lớn khiến nó chông chênh, khó kiểm soát và có cảm giác không an toàn. Nó sực nhớ ra còn có mẹ nên bấm gọi mẹ lên có việc gấp cần bàn. Trước giờ, nó vẫn yên tâm về sự sáng suốt của mẹ.  

Chiều hôm sau, mẹ đến khi nó vừa xong việc ở trường. Thằng bé được bà đón vui mừng tíu tít. Nghe xong câu chuyện, bà im lặng suy nghĩ một lúc rồi bảo:

- Trước là mẹ rất mừng vì thằng Việt đã khôn lớn thành đạt. Nhưng điều vui hơn là nó đã nên người tử tế, biết nhớ ơn, biết sẻ chia và biết tôn trọng mọi người. Xem như ta nhặt được một báu vật của thế gian, phải biết trân trọng và gìn giữ.  

Bà về thu xếp việc nhà rồi lên ở hẳn với mẹ con nó. Cả nhà chuyển về căn nhà của Việt gần trường. Mẹ mở cửa hàng tạp hóa vừa bán đỡ buồn vừa kiếm thêm thu nhập. Nó vẫn quyết không nhận giấy tờ sang tên căn nhà của Việt. Trâm ra điều kiện:

- Khi nào Việt cưới vợ, Trâm sẽ làm giấy tờ sang tên.  

Việt nhăn nhó, vẻ đau khổ:

- Trâm làm khó tôi quá.  

Trâm bật cười:

- Cưới vợ mà khó đến thế sao?  

Việt nghiêm mặt:

- Đúng rồi, có phải ra chợ mua hàng đâu mà có ngay được

Mùa đông lại trở về. Thành phố se lạnh trong những ngọn gió heo may. Nó nhìn dòng người xuôi ngược với khăn gió, áo ấm đủ màu, lòng lại miên man nhớ về một mùa đông xa lắm. Nhớ đến tiếng gió bấc thổi vừa vụ qua khe núi, nhớ ánh trăng bàng bạc trong những đêm sương lạnh buốt. Nhớ tiếng kèn lá te...te và... nó chợt bừng tỉnh, vội vàng mở tung va li tìm chiếc hộp nhỏ xíu. Nó nhẹ nhàng mở ra, bên trong vẫn còn nguyên chiếc đồng hồ lá dừa đã ngả màu vàng sẫm.  

Trâm đang xoay xoay chiếc đồng hồ lá thì Việt bước vào. Việt sững sờ nhìn chiếc đồng hồ lá rồi lại nhìn Trâm:

- Thì ra, Trâm vẫn còn giữ nó à?  

Trâm nói khẽ, như tự nói với chính mình:

- Tuổi thơ dù có qua đi, nhưng kỉ niệm vẫn còn, nếu ta cho nó một nơi để ở lại.  

Việt bước đến nắm tay Trâm:

- Số phận đã đưa ta đến với nhau, sao ta không ở lại bên nhau đến hết cuộc đời?  

Trâm vùng vằn hờn dỗi:

- Là tại Việt bỏ đi đấy chứ.  

Giọng Việt nhẹ nhàng nhưng ấm áp:

- Cho Việt xin lỗi đi. Nhưng Trâm hứa là sẽ ở đây mãi mãi nhé!  

- Rồi, Trâm hứa. Nhưng Việt đừng bỏ đi nữa.  

Việt mỉm cười, tia mắt lấp lánh niềm vui:

- Không, Việt sẽ luôn ở bên Trâm.  

Những tháng ngày vất vả đã thực sự lùi xa. Thành phố tuy xa lạ nhưng ấm áp, bao dung, luôn dang tay chở che những mảnh đời bất hạnh. Một buổi chiều mùa đông đầu tiên trong cuộc đời, nó cảm thấy hơi ấm nhẹ nhàng lan tỏa.                        

© Mọt Sách - blogradio.vn

Mời xem thêm chương trình:

Ra Đi Là Để Trở Về | Blog Radio Radio 872

Mọt Sách

Văn học đã nắm lấy bàn tay tôi và dẫn tôi đi, dịu dàng như cách một bông hoa nhỏ bé vừa hé nụ mỉm cười.

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Hạnh phúc khi là chính mình 

Hạnh phúc khi là chính mình 

Hạnh phúc khi là chính mình không phải là một điểm đến, mà là một hành trình dài và ý nghĩa. Khi ta chấp nhận và yêu thương bản thân, ta tìm thấy một nguồn hạnh phúc chân thật, lấp lánh như ánh nắng sớm mai soi sáng tâm hồn.

Ánh Trăng

Ánh Trăng

Trăng nghiêng, trăng ngả, bóng trăng dài Hỡi người, đang ngồi đó đợi chờ ai Nhìn thấy người, ngồi sầu rưng mắt lệ Bóng hình người, đã mờ dần nhạt phai

Người sống hạnh phúc đều không dính vào 10 chuyện ngốc nghếch này, chỉ kẻ khờ mới mù quáng tự hủy niềm vui của mình

Người sống hạnh phúc đều không dính vào 10 chuyện ngốc nghếch này, chỉ kẻ khờ mới mù quáng tự hủy niềm vui của mình

Không ai có thể quay về quá khứ để bắt đầu lại, nhưng mọi người đều có thể làm lại từ đầu ngay bây giờ và tạo dựng tương lai mới. Nhưng trước khi có thể thực hiện sự thay đổi này trong cuộc sống của mình, bạn phải buông bỏ những thứ đang cản trở và vô nghĩa.

Tháng năm hướng về một người

Tháng năm hướng về một người

Tôi biết! Tôi không xinh, không vui tính, không giỏi giang. Tôi là người bình thường nhưng tôi cũng xứng đáng yêu một ai đó mà.

Độc thân có bao lâu, sao không tận hưởng nó?

Độc thân có bao lâu, sao không tận hưởng nó?

Tính ra thì thời gian bạn thực sự dành cho bản thân ít ỏi đến đáng thương, đến nỗi đếm được trên đầu ngón tay. Vậy tại sao lại phải vội vàng đi tìm một người để yêu mà quên mất một người đang cần được bạn yêu thương ở ngay trước mắt - Đó là chính bản thân bạn cơ chứ!

Ánh dương rực rỡ nơi có em (Phần 3)

Ánh dương rực rỡ nơi có em (Phần 3)

Anh không đáp ngay mà nhìn cô, vừa khít ánh nắng bên ngoài lọt qua khe cửa làm cho những hạt bụi trong không khí như phát sáng lấp lánh, chiếu lên khuôn mặt cùng mái tóc Thùy Anh. Cảnh tượng vừa êm dịu vừa ấm áp.

20 điều

20 điều "thô nhưng thật" cần hiểu sớm để đường đời bớt chông gai, thành bại và phúc họa cũng từ đây mà ra

Trưởng thành thật sự là khi hiểu được 20 điều dưới đây. Bạn thấm nhuần được bao nhiêu?

Em đau rồi đấy, anh vừa lòng chưa...

Em đau rồi đấy, anh vừa lòng chưa...

Hỏi cả bản thân em, sau này không có anh thì em phải chống đỡ thế nào đây. Em đã quen ngày nào cũng nhắn tin với anh, có chuyện gì cũng kể với anh, nhìn thấy gì cũng nghĩ tới anh, thấy quán ăn nào cũng ghi lại để sau này đi với anh… Nhưng làm gì có sau này nữa.

Nếu ngày đó em ơi ta có thật

Nếu ngày đó em ơi ta có thật

Nếu ngày đó ta bên nhau xa lạ Không đi chung chuyến ga nhỏ cuối ngày Không nhìn em đôi mắt biết lung lay Đâu cay đắng mảnh hồn anh tuyệt vọng

Ánh dương rực rỡ nơi có em (Phần 2)

Ánh dương rực rỡ nơi có em (Phần 2)

Anh đang chăm chú nghe thì bất chợt lại nhìn trúng đôi mắt cô, lại vô tình bị nó thu hút. Không biết cô có phát hiện ra bản thân mình có đôi mắt rất đẹp hay không, long lanh như chứa đựng ánh sáng của thế giới xung quanh.

back to top