Phát thanh xúc cảm của bạn !

Lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm…

2009-12-01 14:23

Tác giả:


Blog Việt

 

Lúc sáng gặp cô em mới ra Bắc thăm quê, về đúng cái làng mà ngày xưa nhà mình sơ tán. Hỏi thăm, em kể mùa này về quê bẩn quá. Đang mùa gặt, lại gặp mưa, rơm rạ ướt nhoẹt nát mủn lép nhép trên đường. Ở quê bây giờ cũng không ai đun nấu bằng rơm rạ nữa nên rơm khô là họ đốt, tro than hất luôn xuống vệ đường nên càng bẩn. Hình ảnh những đống rơm ở quê bây giờ không còn…

 

Mình thẫn thờ…

 

Nhớ…

 

Mình cứ ngẩn ngơ với đồng lúa, xóm làng là do ký ức của những năm đi sơ tán. Đường đi học giữa những cánh đồng lúa. Nhớ nhất là cánh ruộng lúa nếp gần lớp học giữa vườn ổi xanh mát. Lúa nếp thân khỏe, cao hơn lúa tẻ, cứng cáp. Thích lắm những buổi sáng đến lớp, vệ cỏ còn đẫm sương. Nắng lấp lánh những giọt sương đọng trên mạng nhện giăng ngang những bông hoa cỏ may. Lúa ướt át chạm khẽ vào nhau. Những bông lúa nếp uốn câu, bông trĩu nặng, mỗi hạt lúa có cái đuôi nhọn hơi đỏ.

 

Xạc xào, xạc xào…

 

Bọn mình hay vừa đi vừa tuốt trộm lúa. Chẳng tuốt nhiều, vài bông thôi, để sau đó vừa đi vừa tết những cọng lúa lại sau khi đã chụm bông vào. Tết nhanh thoăn thoắt. Ba cọng thì tết được đũa cả, 5-6 cọng tết được bắp ngô, trái khế. Các bác bảo nông chẳng nỡ bắt mấy đứa bé gái nâng niu mấy bông thóc nếp. Rồi vung vẩy vừa đi vừa cắn chắt. Những hạt thóc sống thơm thơm bùi bùi. Nếu đêm về nướng lên thì thơm dẻo ngọt. Lớp học mùa lúa chín cứ như ổ chuột, trấu phun ra khắp lớp.

 

Mùa đông thủ hai tay vào túi áo, xớn xác đến lớp, trong túi áo bông có thóc nếp rang. Giờ ra chơi, thi nhau phun trấu trong khi chờ các thày cô chạy tất tưởi từ lớp nọ sang lớp kia, vì các lớp học phân tán khắp xóm làng để tránh máy bay.

 

Ngày ấy lúa gặt về đầy sân hợp tác. Những cọng rơm giập rạp loạt xoạt dưới chân người, lép bép dưới vết bánh xe cải tiến chở lúa, bốc hương thơm ngát. Rơm ở khắp nơi, ngập đường làng, bờ đê, ngõ xóm. Bước chân nặng hơn nhấc cao, rơm quấn bánh xe đạp, vương đầy bụi tre, hàng rào... Tối đến, ngoài sân kho các anh chị thanh niên đập lúa dưới trăng. Những lượm rơm đã đập hết lúa được ném ra sau vun vút, điệu nghệ, người đập lại néo tài tình một lượm lúa mới. Buổi trưa, các bà các chị đội nón đi “gẩy rơm”, để rơm chóng khô. Khô rồi thì vơ lại, gánh về nhà, đánh lên đống. Hết mùa gặt, đống rơm vàng tròn cao đầu sân. Đấy là cái đun cho nửa năm, là thức ăn cho trâu bò mùa đông rét mướt không có cỏ. Bọn trẻ con đi “vơ rơm” dùng những cái bồ cào kéo lê sau lưng suốt một đoạn đường làng, ngoảnh cổ lại, sau lưng cũng một đụn rơm nho nhỏ. Bé gái cắp rá đi quét thóc rụng thóc vãi. Chổi quét làm bằng cái gộc tre, những rễ tre cứng làm răng chổi, quét bật những hạt thóc ra khỏi vệ cỏ, vun hót về nuôi gà.

 

Rạ còn lại trên đồng cũng được chia theo khoảnh cho mỗi nhà. Bác chủ nhà tranh thủ ra đồng cắt rạ, liềm sắc cắt xoèn xoẹt sát gốc lúa. Rạ được úp lại thành đon trên đồng như những chiếc nơm để phơi. Đồng mùa đông đã gặt hết lúa buồn hiu hắt, chỉ còn những đon rạ lúp xúp lào xào khi những trận gió mùa hanh hao ùa qua. Rạ khô gánh về, loại dài để đánh gianh lợp nhà, ngắn hơn đánh đống để đun.

 

Thỉnh thoảng, khi nhà mình hết cái đun, bác chủ nhà cho đun rơm rạ cùng. Lửa cháy lem lém, nồi cơm sôi hối hả, cạn nước bà vần xuống cạnh bếp. Tro than nấu thức ăn vun tiếp lên nồi cơm. Cuối cùng là quấn rơm đốt trên nắp nồi gang, tro rơm đỏ hồng lịm lịm dần. Mở vung nồi cơm nghe xèo một tiếng, cơm gạo quê chín dẻo thơm..

 

Chị con gái bác chủ nhà và anh trai làng được nhờ đến giúp đánh đống rơm cười đùa rúc rích. Nhà bác gia đình liệt sỹ, chỉ có một mẹ một con. Anh đứng trên cao đón từng ôm rơm chị tung lên, chị cố tình ném rơm trùm hết người anh, rồi rơm lại rớt xuống vương đầy đầu tóc chị. Đấy cũng là nơi anh chị chia tay mỗi tối đi họp thanh niên, chia tay khi anh lên đường ra trận. Chân đống rơm rúc rích mái gà mới xuống ổ, mẹ gà bươi rơm cho lũ gà con nhặt những hạt thóc lép.

 

Có lần em trai bị bố phạt vì mải chơi, nó chạy ra vườn dong giềng sau đống rơm khóc, chui vào hốc chân đống rơm nằm. Cả nhà cả xóm bổ đi tìm, bố nhào cả xuống ao mò lặn. Rồi con chị lò dò ra thấy em ngủ ngon lành trong đống rơm…

 

Hồi ấy có phong trào học nhóm buổi tối. Bạn anh đến nhà cùng học, lúc về phồng miệng thổi con cúi bằng rơm, lửa hồng bùng đỏ để các anh ấm áp và soi tỏ đường về qua những lùm tre bụi duối, dễ có… ma.

 

Ổ rơm thơm phức ru những giấc ngủ bình yên. Trở mình tưởng như thức giấc giữa cánh đồng lúa vẫn xạc xào giữa nắng và gió.

 

Qua Tết, mưa phùn xuống, vạt đất mùn quanh đống rơm tưởng lũ gà đã bươi nhặt kỹ bỗng thấy xanh xanh: những cây mạ mọc lên từ những hạt thóc lép còn sót lại, mỏng mảnh yếu ớt. Mưa phùn đẫm đìa, làng xóm lép nhép, những cây nấm rơm xòe những chiếc ô trăng trắng nho nhỏ. Khói bếp như đậm đặc hơn, lùa qua mái rơm rạ ẩm, quẩn mãi mái nhà. Những người xa quê vẫn nặng lòng da diết nhớ làn “khói lam chiều” ấy.

 

Rơm để lót ổ cho gà đẻ. Những quả trứng gà hồng xinh xắn nằm gọn trong ổ rơm vàng. Rơm để ủ chín vàng thơm phức những buồng chuối trứng cuốc…

 

Ảnh minh họa: gogreen.com.vn

Rơm nhào với bùn để trát vách. Tường nhà hồi xưa toàn trát bằng rơm bùn thế thôi. Lớp học nơi sơ tán của bọn mình cũng vậy. Bọn mình lao động tự dựng lớp học, cả lũ bê bết bùn dẫm đạp lên để rơm mềm ra, quyện kỹ với bùn ruộng. Rồi hỳ hục luồn, xoa từng lọn bùn rơm qua tấm “dứng” đã xoắn kỹ từng nút lạt giữ chặt những thân lau tươi. Nhà tường đất mùa hè mát lành, mùa đông ấm áp. Giữa tường, thỉnh thoảng rung rinh những cây mạ xanh xao, mọc ra từ những hạt thóc còn sót lại trong rơm.

 

Rơm để nướng khoai giữa cánh đồng cùng các bạn chăn trâu trong xóm. Chẳng có gì nướng cũng “ngồi buồn đốt một đống rơm…” chơi, cả lũ xúm lại hơ những bàn tay nhỏ trên đống lửa rơm vơ đầu bờ, đốt cạnh bụi thầu dầu run rẩy vì gió rét.

 

Rơm nếp được ưu ái hơn. Những đon rơm nếp được phơi cẩn thận, rút sạch, trau chuốt rồi cất lên gác bếp. Khói bếp làm mỗi sợi rơm sắt lại, vàng óng. Ngày mùa đông, gió rét chạy ù ù ngoài đường, lướt ào ào qua ruộng, nhũng đọn rơm nếp được mang xuống tuốt để bện chổi. Mình thích được tuốt rơm lắm: cầm nắm rơm trên tay trái, tay phải lựa lõi rơm, cọng có bông lúa ấy, rút mạnh là cọng rời lá lúa. Nếu cọng nào rút không được là vướng mắt ở đoạn dưới. Chọn cọng rơm đó ra, cắn chặt đoạn mắt, giật mạnh là được. Cọng rơm khi đó chỉ còn lõi vàng ươm, bền dai. Bác chủ nhà vặn nên những “chị Chổi” vàng óng như trong chuyện “Cái Tết của Mèo con” của Nguyễn Đình Thi ấy. Bác vặn cho một cái chổi nhỏ xíu để quét phản. Nhớ bài hát hồi xưa trên đài, giọng bé gái sao mà dễ thương: “Một sợi rơm vàng là hai sợi vàng rơm. Bà bện chổi to, bà làm chổi nhỏ...”

 

Thế hệ bọn mình tự hào đã “khoác mũ rơm đi học đường dài”. Xem phim về thời chiến tranh, thời sơ tán, có cảnh học sinh, dân quân đội mũ rơm, mình tiếc sao những người làm đạo cụ không tết những chiếc mũ rơm cho đẹp hơn. Những ai đã đội, đã tết mũ rơm hồi ấy hẳn chưa quên những chiếc mũ rơm vàng óng, được tết bằng những cọng rơm nếp thơm phức một cách khéo léo xinh xắn mà không kém phần dầy dặn bền chắc. Dụng cụ để tết mũ rơm là những cái cặp ba lá sáng loáng. Phần bông lúa luôn được khéo léo xoay ra ngoài, bao lấy cọng rơm, các nút rơm xoắn dấu vào phía trong, đều đặn… Bài hát ngày xưa: “Nào bạn ơi nhanh tay nhanh tay ta tết mũ rơm. Nào bạn ơi rơm đây rơm đây ta bện chặt tay. Có mũ rơm tránh máy bay để em chống Mỹ…”

 

…Chuyện rơm rạ dông dài. Cũng bởi vì thương rơm rạ quá thôi…

 

Hồi tháng 6, nghe um sùm chuyện ngoại thành đốt đồng để Thủ Đô khói bụi ô nhiễm. Rồi tranh cãi là khói đốt đồng không thể tạo thành sương mù che phố phường được. Có lẽ từ khi có nghề trồng lúa nước ở đồng bằng Bắc Bộ, bây giờ mới có khói đốt đồng. Tưởng rằng chỉ có Nam Bộ mới tha thiết bài hát của Bắc Sơn: “Nắng hạ đi, mây trôi lang thang cho hạ buồn coi khói đốt đồng để ngậm ngùi chim nhớ lá rừng…”

 

Vừa rồi thấy “ Theo thông báo ngày 23/09 của Công an TP Hà Nội, các hành vi phơi lúa trên đường hay đốt rơm rạ tràn lan sẽ bị nghiêm cấm” bởi tình trạng đốt rơm rạ tràn lan, gây nên màn khói đặc bủa vây nhiều khu vực trong thành phố, gây ô nhiễm môi trường, làm giảm tầm quan sát của người điều khiển phương tiện giao thông trên đường. Và thực tế là đã có tai nạn giao thông xảy ra.

 

Rơm rạ vốn lành hiền. “Hiền như cọng rơm cọng rạ” mà. Đâu phải lỗi của rơm rạ khi bếp ga đến từng ngõ xóm, để chị không còn phải ngồi cời lửa rơm. Trâu bò ít dần đi vì lở mồm long móng, vì đã cơ giới hóa, rồi đến lúc bọn nhai lại rơm ấy cũng tuyệt chủng. Thành phần của bê tông không có rơm trộn cùng. Nệm moose êm đẹp hơn ổ rơm. Ờ mà sao không ép rơm vào mũ bảo hiểm nhỉ, bởi mũ rơm xưa chống được bom bi của Mỹ kia mà? Vậy là rơm rạ lành hiền trở thành thừa thãi…

 

Khói đốt đồng trên đồng ruộng Nam Bộ bát ngát trong bài hát của Bắc Sơn nghe ngậm ngùi, buồn nhưng mang lại cảm giác bình yên. Rơm rạ hóa kiếp để lại trở về với đất, lại tiếp tục cuộc hồi sinh. Nhưng khói rơm rạ trên đường miền Bắc, sao thấy thương rạ rơm thế…

 

Cứ trở đi trở lại trong tâm trí mình câu hát: “Lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm…”

 

Gửi từ email Thu Chi

Bài viết của cùng tác giả

Nhớ vườn ổi quê ngoại

Hoa xoan lớp lớp vơi đầy

Cho tôi về quê nội ăn Tết thuở xưa…

Bếp lửa và nồi bánh chưng

Ánh đèn đêm đông

Vì con là của bố mẹ

Nhìn những mùa thu đi

Hương cuối mùa

  • Cảm nhận của bạn đọc:

 

Cảm ơn bạn đã cho tôi được trở về ngày xưa với rơm rạ cùng lấm lem bùn đất!

,
Phan Huong, Quảng Ninh, gửi lúc 26/11/2009 08:40:15

 

Nghĩ về cây rơm
Hầu như làng quê nào của Việt Nam cũng có hình ảnh của những cây rơm, hình ảnh cây rơm đã trở thành đặc trưng cho mỗi làng quê nước ta. Cây rơm thường được dùng để đun nấu, thức ăn cho gia súc, lót ổ cho gia súc, gia cầm trong những ngày đông giá rét. Ngày nay, giá trị sử dụng của cây rơm không chỉ dừng ở đó, có nhiều thương lái đã thu mua rơm, rạ để lót cho các sản phẩm cây trái, đồ mĩ nghệ của mình không bị bầm dập, hư hỏng trong quá trình vận chuyển, mua bán; cây rơm được sử dụng để làm nấm rơm … Ở Thái Lan, Indonesia cây rơm còn được đưa vào nghiên cứu để sản xuất điện năng, không chỉ để đáp ứng nhu cầu điện cho trong nước mà còn có tác động tích cực đến môi trường ... Tro rơm, rạ sau khi đốt cũng được để bán cho các nhà máy xi măng. Các nhà máy này dùng tro để làm chất trộn lẫn với xi măng không gây hại cho môi trường (hay còn gọi là sản phẩm thân thiện với môi trường) với giá rẻ hơn. Trên thế giới, công nghệ chế biến rơm rạ thành ván ép xây nhà đã có từ nhiều thập kỷ.
Ở Việt Nam thì sao?
Năm 2008, trong Hội chợ Phát triển toàn cầu tổ chức tại thủ đô Washington (Hoa Kỳ) từ ngày 24 đến 26 tháng 9 năm 2008, có những dự án khoa học "xanh" của chính người Việt Nam ta đã đạt được thành công lớn, được đánh giá cao và tìm kiếm được quỹ đầu tư nghiên cứu. Những nguyên vật liệu thật dân dã như rơm rạ, phân chuồng bỗng trở thành giá trị qua bàn tay và khối óc của các nhà khoa học Việt Nam. Hai dự án của Việt Nam là “Rơm rạ cho nhà ở” và “Phân vi sinh Biogro” được đánh giá cao và nhận tài trợ 400.000 USD ở Washington (Mỹ)…
Như vậy, khoa học càng phát triển, thì những nguồn nguyên liệu tưởng chừng vô giá trị, “như rơm, như rác”, lại được nghiên cứu và đưa vào ứng dụng trong thực tế, vừa mang lại hiệu quả, vừa có giá trị kinh tế cao; đưa lại những lợi ích khác cho người nông dân như: giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thu nhập cho người nông dân bên cạnh các sản phẩm có giá trị khác.
Nước ta đi lên từ một nước nông nghiệp, hiện đang là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhưng có một thực tế là diện tích đất nông nghiệp đang ngày càng bị thu hẹp, nông dân ta vẫn nghèo. Trong khi đó, dự báo về an ninh lương thực của Việt Nam cũng như của thế giới cho thấy rằng trong tương lai, nhu cầu về lương thực nói chung, gạo nói riêng sẽ rất cao. Như vậy, nếu chúng ta có chính sách để hỗ trợ người nông dân về khoa học- kỹ thuật, giúp bà con tăng hiệu quả năng suất cây trồng, vật nuôi trong đó có cây lúa; hỗ trợ bà con tiêu thụ các sản phẩm, có lúa, gạo, rơm, rạ thì thiết nghĩ, khi đó nông dân của Việt Nam sẽ làm giàu trên chính mảnh đất của mình mà không cần phải ly hương, ly nông, không còn phải chịu cảnh ly tán; đồng thời cũng sẽ làm giàu cho đất của Tổ quốc Việt Nam.

,
Trần Hường, Vinh- Nghệ An, gửi lúc 26/11/2009 07:10:21

 

"Lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm…”

,
Huỳnh Quốc Xi, 32 Y Ngông, tp.Buôn Ma Thuột, ĐăkLăk, gửi lúc 25/11/2009 08:39:20

 

Đọc bài viết của cô cháu nhớ nhà quá.Quê cháu cũng là vùng nông thôn chuyên trồng lúa,giờ vẫn trồng lúa nhưng máy móc đã thay thế nhiều rồi.Tuổi thơ của cháu gắn liền với những ngày chăn trâu chăn bò,nhiều kỉ niệm rất vui có cả những mùa đông trẻ con trong làng tum tụm lại sưởi ấm bên đống lửa ngoài đồng.Thật hạnh phúc khi có quê hương.Cam ơn cô!

,
Duong, gửi lúc 25/11/2009 02:50:43

 

Bài viết rất chân thật và chi tiết đến không ngờ.Nếu không đọc bài viết này thì chắc mình cũng sẻ không còn nhớ tới những đống rơm này nữa. Nhớ cái cảm giác ngứa ngứa khi chơi đùa bên đống rơm,vị ngọt ngọt của những ngọn đằng đằng,mùi thơm của những cọng rơm. Những hình ảnh này ngày bé mình đều đã trải qua,vui thật.Đúng là chỉ có những ai đã từng gắn bó với nghề nông thì mới cảm nhận hết được những thú vui bên rơm rạ.Thanks

,
ongchunho, Ha Noi, gửi lúc 25/11/2009 00:02:08
 

 

Cùng chung tâm trạng cùng bạn, mình ở gần quê, yêu lắm cái mùi rơm rạ khi mùa về, ngày xưa mình làm nông chân lấm tay bùn, sau thoát ly làm việc phòng giấy ( cách ông bà ta hay nói). Nhưng mổi lần mùa về mình thường được chồng đưa về thăm quê, chồng mình thường bảo" Mẹ nó hít cho thoả cái mùi mẹ nố yêu thích đi" cái mùi đó nêu ai không yêu đồng ruộng sẽ không cảm nhận được đâu, nhưng bây giờ khó quá, rơm rạ người ta tuốt lúa ngoài đồng và đốt luôn không gánh nặng gánh nhẹ về làng như ngày xưa nữa. mình buồn vì không tìm thấy cảm giác xưa nơi quê nhà nữa... Cảm ơn bạn.

,
Phạm Xuan Phương, gửi lúc 24/11/2009 11:06:30

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Hãy trao yêu thương khi còn có thể

Hãy trao yêu thương khi còn có thể

Tôi nhận ra từ trước giờ tôi luôn mong người khác phải hiểu và thông cảm cho tôi mà tôi quên đi rằng tôi chưa đặt mình vào vị trí của bất cứ ai để hiểu cho họ.

3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa

3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa

Trong tương lai, 3 năm tới hứa hẹn sẽ là quãng thời gian vô cùng rực rỡ và thịnh vượng cho 5 con giáp may mắn dưới đây.

Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em

Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em

Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.

Lá thư gửi đến thiên đường

Lá thư gửi đến thiên đường

Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.

Đắng cay

Đắng cay

Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân

Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi

Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi

Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.

Đơn phương yêu một người

Đơn phương yêu một người

Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.

Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?

Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?

Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?

Câu chuyện về một nhà thơ…!

Câu chuyện về một nhà thơ…!

Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.

Vì anh còn thương em

Vì anh còn thương em

Tất cả khiến anh lặng người, thơ thẩn vì mải mê đắm chìm trong quá khứ, trong nụ cười, ánh mắt em. Anh không muốn trở về với thực tại tàn khốc rằng chuyện tình mình đã kết thúc tự bao giờ, rằng anh đã mất em thật rồi.

back to top