Khi mùa hoa phượng nở
2023-05-04 01:25
Tác giả: LÊ HUỲNH ANH TUẤN
blogradio.vn - Chị Thủy nói đúng, mùa hoa phượng nở là mùa của chia ly, nhưng cuộc chia ly này đau đớn quá. Phượng lại nở rồi, một mùa nhớ lại đến.
***
“Yeah... được nghỉ hè rồi. Chơi cho thỏa thích, khỏi sợ ba má đánh đòn nhắc nhở phải học bài.”
“Tao còn nhớ hồi thi cuối kỳ, trước hôm thi mày trốn đi chơi với mấy đứa xóm trên bị ba má đánh tét đít.”
“Đi học cũng vui, nghỉ hè vui hơn, thỏa thích mà chơi. Nắng quá thì xuống sông tắm, chiều mò cua, kéo cá với mấy chú trong xóm. Vậy là buổichiều có một nồi cá trắng kho mặn ăn với cơm nóng no một buổi. À sắp giỗ ông nội thằng Tí, bữa đó kéo nhau xuống xuồng chèo tuốt qua xóm trên coi mấy chú mổ heo.”
Ha ha.... Tiếng cười cứ rôm rả, gần rồi xa tít.
Thằng Tèo, thằng Cu Đen, thằng Tí Đô gần xóm tôi đấy. Nhà tụi nó cách nhà tôi chừng đâu ba, bốn bờ ruộng. Tụi nó nhỏ con nên mỗi độ vào mùa, lúa xanh mơn mởn cao muốn qua đầu tụi nhỏ. Trông xa cứ như thế. Tuy nhỏ con thế thôi nhưng quậy nhất xóm, thiếu tụi nó là buồn hiu buồn hỉu.
Mỗi độ vào hè được nghỉ, tụi nó hí hửng lắm, bây giờ thì thế sau này hết cấp hai, cấp ba lại tiếc hùi hụi cái thời đi học. Tôi biết tất, vì lúc đó tôi cũng thế đấy. Tiếng tụi nó vọng qua khung cửa cũng là lúc tôi khép lại quyển nhật ký trên tay.
Đám thằng Tí Đô có ba người là Tí Đô, thằng Tèo, thằng Cu Đen đều tinh quái và lì lợm như nhau. Tụi nó học chung trường, chung lớp từ hồi mẫu giáo. Lúc đó tôi chắc đâu là bước vào gần cuối cấp hai.
Thằng Tí Đô con chú Mười, từ xóm trên đến xóm dưới, ai cũng biết, ai cũng lắc đầu cười mỗi khi nhắc tới. Nó không những là cái thằng hí hửng nhất, hăng hái nhất khi có ngày nghỉ vào dịp lễ, tết hội, nghỉ hè mà còn là đầu xỏ cho các trò chơi phiêu lưu mạo hiểm.Tôi nhớ đâu chừng vài năm về trước, đâu chừng tôi học lớp 7, lớp 8 tôi đã phải mồm chữ A, mắt chữ O nghe câu chuyện của thằng Tý Đô. Năm đó, trường thông báo nghỉ là lòng thằng Tí Đô lại nôn nao, ngồi trong lớp học mà hồn treo tít trên ngọn me, ngọn mít. Nghe bé Hoa con bác Tám kể lại, có lần trường thông báo nghỉ ba hôm thanh tra, nghe thế nó cứ ngơ ngơ, ngáo ngáo. Đến tiết toán, thầy Tuấn gọi nó lên bảng làm bài vậy mà nó lại làm sai một bài đơn giản, thế là bị cả lớp xúm lại cười giòn giã.
Đến lúc thi cuối kỳ, nghe chú Mười kể với ba tôi, nó trốn đi chơi với mấy đứa xóm trên đến gần tối om để chú ba má nó, cùng đám thằng Tèo phải chong đèn đi kiếm. Kỳ đó, mém chút nữa thằng Đô thi rớt môn toán ở lại lớp. Hôm đó, sợ ba má đánh đòn, nó trốn ở ụ rơm khóc ù ụ làm ai cũng tưởng ba má nó tét đít một trận nên thân rồi chứ.
Còn cái thằng đem cái xấu của bạn ra khoe là thằng Tèo, con chú Bảy cùng xóm. Nó hiền lành có tiếng, nhưng phá ngầm, có điều hay bị dụ. Nó còn là kình ngư của xóm, bơi giỏi chẳng khác vận động viên Ánh Viên. Cô Chín tôi hay chọc nó, kêu nó học cho giỏi rồi đi thi “seagame” cho có với người ta. Nghe vậy khoái chí, thằng Tèo nó cứ cười tít mắt rồi bị tụi thằng Tí Đô, thằng Cu Đen chọc quê.
Tôi nhớ hè năm ngoái, độ giữa tháng bảy nắng cháy da đầu, bốc hỏa cả người, đám tụi nó kéo nhau ra sông tắm cách nhà tôi cũng tầm hai, ba bờ ruộng. Con sông nhỏ về chiều ngang nhưng nó dài lắm, nối cả xóm trên lẫn xóm dưới. Hai bên bờ sông trải dài hàng cây dừa nước, đám lục bình lênh đênh theo từng đợt nước ròng, nước lớn. Bờ sông có cây phượng vĩ không biết có tự bao giờ, nhưng tôi biết rằng nó đủ lớn so với tuổi đời của tôi và đám tụi thằng Tí cộng lại.
Từ xa, tôi hì hục đạp chiếc xe đạp thời Mỹ của ông nội tôi về nhà sau giờ học. Tiếng xe đạp cứ cót két cót két, êm tai đến nỗi tôi chẳng nghe thấy tiếng thằng Cu Đen kêu tôi. Khi tôi chợt nhận ra thì thằng Tèo nó đã trèo lên nhánh cây phượng già, chuẩn bị tư thế nhảy ụp xuống sông như mấy anh vận động viên trong các kỳ SeaGame. Tôi liền thắng xe đâu chừng được vài mét, chưa kịp nhắc nhở nó và nó còn chưa kịp nhảy thì cành phượng đã gãy rớt xuống sông, thằng Tèo cũng rớt tủm theo uống một bụng nước, chiều về đau bụng khóc cả ngày hôm sau. Mấy hôm tôi mới nghe thằng Cu Đen nói, thằng Tèo bị chơi, bị thằng Tí Đô chơi một vố, thế là tụi nó giận nhau hết hai ngày.
Con nít mà, giận nhau vài ngày rồi lại hòa thôi.
Tiếng nói cứ thế mất hút trên những cánh đồng chuẩn bị ngả màu cắt.
Đã bao lần tôi tưởng chừng cây phượng già ấy không đủ sức chống chọi với thời gian, ấy vậy sức sống của nó lạ thường, vào mùa nó vẫn nở rộp trời đỏ lòe cả một mặt cắt lòng sông. Phượng đang mùa hoa nở và cũng là lúc tôi kết thúc cấp ba chuẩn bị thi Đại học. Phượng vĩ độ ấy đẹp đến lạ thường. Có lẽ, với tôi, mùa hoa phượng nở năm ấy là mùa hoa phượng đẹp nhất và bây giờ tôi mới hiểu hết lời nói của chị Thủy đã từng nói với tôi.
Cây phượng vĩ ở bờ sông đối diện khung cửa sổ nhà tôi. Gốc phượng to, chắc chắn, rễ ăn sâu vào lòng đất lâu năm. Cây phượng vĩ không đứng thẳng mà ngã ra sông một chút, những chùm phượng vĩ nở rộ in bóng nước trong xanh, ánh lên sắc đỏ mờ nhạt, không rực rỡ, đậm màu như trên những tán cây. Hình ảnh đó đủ sức phản chiếu những hoài niệm trong ký ức mùa hè với tôi.
Tôi hay đưa mắt xa xăm ngắm nhìn, quan sát cây phượng ấy một cách lặng lẽ, lớn lên rồi thay lá, ra hoa để rồi thẫn thờ, bâng khuâng gom lại những kỉ niệm thanh xuân đẹp nhất trong tâm trí của tôi.
“Chị Thủy nhìn kìa! Phượng nở rồi, hái nó xếp hình bươm bướm đi”.
Tôi nắm lấy vạt áo dài của chị, mắt long lanh nhìn những chùm phượng đỏ.
Những cánh phượng đỏ thắm được chị hái xuống, lặt lấy từng cánh hoa xếp thành một con hồ điệp. Nó đẹp lắm. Mơ hồ nó vỗ cánh bay trong không trung, bay mãi, bay mãi, bay đi chỉ còn tiếng vọng trong tiềm thức. Tôi tỉnh giấc trên chiếc bàn đầy bươm bướm được xếp từ một đóa phượng vĩ đã được xếp từ lúc nào chẳng hay và chính tôi cũng chẳng biết mình đã ngủ gục từ lúc nào.
Tôi mơ thấy chị.
Tôi sinh ra và lớn lên trong một xóm nhỏ của một ấp thuộc tỉnh Long An, có một đứa em trai vào cấp ba. Nhà tôi cũng không khá giả gì mấy, vừa đủ điều kiện cho tôi ăn học đến bây giờ. Tôi giờ đây là sinh viên năm cuối của một trường Đại học. Khi nhìn lại mùa phượng năm ấy, tôi dường như nuối tiếc vì đã bỏ lỡ nhiều điều.
Nhìn tụi thằng Tí, tôi chợt nhớ về tuổi thơ tôi cùng với tụi thằng Trung, thằng Nghĩa – là anh em con chú bác, gắn liền với lớp đường đá đỏ đầy bụi hằn in dấu chân lấm lem mỗi khi lặn lội đi học vào mùa mưa; là những con đường đầy đá xanh đi chân không đến lởm chởm từng lỗ trên lòng bàn chân; là cánh diều bay cao tít; là tuổi thơ chơi trò tụt quần nhau, chơi ăn quan, nhảy dây,... cùng chị.
Tất cả lần lượt kéo nhau vào ký ức, chỉ còn là kỉ niệm mà mỗi khi vào hè tôi lại nhớ đến vỡ òa.
Nơi đây chất chứa thật nhiều kỉ niệm tuổi thơ, đặc biệt với một người, người mà tôi không bao giờ quên.
Chị Thủy.
Chị Thủy, con bác Tư - anh của ba tôi, ba tôi thứ sáu. Tôi lớn lên cùng chị, dù Chị cách tôi tận năm tuổi. Tôi còn một người chị nữa, tên Oanh, con của bác Năm - em ba tôi, giờ chị lấy chồng xa tuốt miệt miền Tây. Cả ba chị em chúng tôi thân nhau lắm. Những lúc vui, có buồn, có giận hờn vẫn yêu thương lấy nhau.
Tôi vẫn nhớ như in dáng người mảnh khảnh, ôm ốm của chị. Tôi nhớ tà áo dài trắng được vén lên gọn gàng mỗi khi chị đạp xe đội nắng giữa trưa. Chị Thủy thương anh em tôi lắm. Tôi với thằng Hải, cứ sơ hở một chút là bị chị Thủy, chị Oanh kéo tuột mất quần, có lúc tôi giận đỏ mặt, khóc mếu máo.
Tôi khù khờ mà cũng gan dạ lắm, có một vết sẹo phỏng trên tay là hậu quả của việc gan dạ mà tôi cứ nhớ mãi đến bây giờ.
Tôi vừa được nghỉ hè cuối năm lớp bảy. Hôm đó chị Thủy tập lái xe máy gần bờ sông, nơi có cây phượng, chiếc xe xịn lắm, chị rủ tôi theo cùng.
“Ê, lên tao chở cho vài vòng.”
Giọng nói chị Thủy nhẹ nhàng.
“Thôi nha, Độ còn yêu đời lắm.”
Tôi thật sự không dám trao sinh mệnh của mình cho chiếc xe ấy.
“Lên đi, tao chạy được rồi. Tin tao!”
Phượng nở rộp, đỏ cả một khoảng trời. Ánh trời chiều đang buông mình ngả tím. Chị Thủy chở người gan dạ như tôi, một con người dễ dụ đi hết con sông dài từ xóm dưới lên xóm trên ngắm trọn những cảnh sắc thiên nhiên ban tặng cho làng quê tôi.
Dọc dòng sông quê, tôi và chị thu vào mắt mình cánh đồng xanh đang ngả màu vàng ươm, thơm giọt những giọt mồ hôi của người nông dân bán mặt cho đất, bán lưng cho trời với nghề nông, là màu đỏ pha sắc pha lê cùng chút màu vàng ráng trời chiều.
Những tán hoa phượng vĩ trong ánh chiều nhu mì thu mình đẹp mắt, là những ụ rơm cao, những con cá lóc, cá rô ngoe nguẩy dưới lỗ chỗ, hàng dừa nước mọc đầy xanh mướt bên bờ sông; là bụi tre xanh xanh nghiêng mình trong gió lộng, hàng dăm bụt đua sắc cùng màu phượng vĩ; là đám trẻ hồn nhiên tinh nghịch trèo tít trên ngọn me, là người nông dân đang thăm lưới dưới những con kênh và các mương xanh trổ quả. Tiếng chó sủa, tiếng mèo kêu, tiếng chim hót văng vẳng bên tai, tiếng gió rít gào khi xe chạy, tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên một khung cảnh làng quê Long An đầy sinh động, bình yên và dung dị đến dường nào. Tôi yêu cảm giác thanh bình này. Yêu đến nỗi chẳng muốn thức giấc chút nào.
“Độ, dậy! Chạy qua nhà bác Mười mua cho bác Tư lít rượu đi con.”
Sao tôi lại nghe tiếng nói ấy run rẩy, bỗng thấy đôi mắt cũng đỏ hoe...
“Dạ.”
Tôi lại ngủ quên từ lúc nào chẳng biết, uể oải ngồi dậy lười biếng trả lời, cố gắng lết xuống giường đánh răng, rửa mặt rồi chạy ù đi mua rượu.
“Trưa trời trưa trật còn mớ ngủ hả con.”
Tếng nói hào sảng của bác Mười cách nhà tôi chỉ vài thước, đủ đánh thức hoàn toàn giấc ngủ gục vừa rồi.
“Đâu, con dậy từ sớm rồi chứ. Bác Mười bán cho con lít rượu đi, về cúng giỗ chị Thủy.”
Nói rồi, tôi đưa cho bác cái chai trên tay.
Bác Mười cẩn thận rót cho tôi một lít rượu, mùi rượu thơm xông vào mũi tôi thoang thoảng, đưa tôi du lãng đi đâu chẳng biết.
Hôm đó, sau khi đi hết con sông dài, chị Thủy rẽ hướng lạc vào con đường đang sửa chữa, lầy lội vô cùng. Chạy được một lúc, bánh xe cuốn bùn đá vào vè xe, xe không chạy được nữa. Chị em tôi đành hì hục gỡ bỏ từng chút một. Tôi thì vụng về tự làm mình phỏng hết một lớp da khi nạo hết bùn đỏ trong vè xe. Trời nhá nhem tối, chị em tôi cũng ra khỏi con đường ấy, về nhà trong lấm lem. Chiếc xe ấy cũng không kém gì chị em chúng tôi cả - dơ hườm.
“Độ, con sao thế?”
Tiếng nói hào sảng ấy lại vang lên khiến tôi một lần nữa chợt thức giấc.
“Dạ.”
Tôi có chút nhếch nhác trả lời.
Tôi lại ngủ gật nữa à? Chắc tại dạo này tôi học nhiều. Tôi cảm ơn bác Mười rồi quay về nhà.
Đã chín năm kể từ ngày ấy, cái ngày tôi chưa bao giờ nghĩ đến.
“Độ, tối nay qua ngủ với tao.”
Tôi đang lon ton trên chiếc xe đạp về nhà sau giờ học, vào một buổi chiều thứ tư, ngày mây đen quầng vũ, tưởng chừng đã có một cơn mưa lớn, tôi nghe tiếng thằng Trung nói vọng ra từ trong sân, khó hiểu, tôi hỏi lại.
“Ba mẹ mày đi chạy xe rồi hả.”
Ba thằng Trung làm tài xế, nhiều lúc ba mẹ nó đi xa, tôi hay qua nhà nó ngủ cùng nó một hai hôm. Nói đúng ra là... canh nhà đó.
“Không, chị Thủy bị tai nạn, ba mẹ tao ở trong bệnh viện rồi.”
Nghe xong, tôi thất thần.
“Trung, chị Thủy sao rồi?”
“Mẹ tao nói mổ xong rồi, đang theo dõi, vài hôm nữa khỏe là về thôi.”
Nó ngồi trên cây phượng, tôi ngồi gần bờ sông, mỗi người nhìn một hướng, trông xa xăm như nghĩ ngợi nhưng thật ra cũng chẳng biết tôi và nó đang lo sợ điều gì.
Mặt trời gác mình sau ụ rơm, chú gà trống về ổ cũng là lúc gom hết lo lắng vào giấc ngủ.
“Độ, dậy con, dậy....
Tôi nghe tiếng gọi, chưa kịp xóc mùng đã thấy bà tôi vôi giở một góc mùng kêu tôi. Tôi chẳng biết ất ơ gì cả, tôi lại ngủ quên à? Mới hai mươi hai giờ ba mươi... Tôi chưa kịp định thần, bà Nội tôi nói tiếp, giọng bà có chút run rẩy.
“Kêu thằng Trung, thằng Út dậy đi, ngủ gì nữa, chị Thủy mất rồi.”
Chẳng biết hồn phách của tôi bay đi đâu, nghe một cách nhẹ tênh và nhẹ tênh gọi hai đứa nằm cạnh bên tôi.
“Trung, Út... dậy, chị Thủy mất rồi.”
Một lúc, tôi vừa đủ hiểu câu chuyện chẳng màn xếp lấy mùng mền, cũng chẳng phải gọn gàng hay làm cho mình tươm tất chút nào nữa cả. Tôi kéo bàn, kéo ghế phụ bà tôi, tất bật dọn dẹp nhà cửa trong đêm, xong xuôi mọi thứ. Tôi dường như ngáo ngơ vô cùng dù tôi đã nhận thức được, chị Thủy mất.
Tôi còn mớ ngủ. Không! Tôi đã ngủ được đâu.
Tôi lo cho chị, vậy mà tôi chẳng sốc chút nào sao? Mọi việc làm ngay lúc đó phải chăng tôi chẳng còn ý thức.
Thằng Trung, thằng Nghĩa, thằng Hải cũng thế.
Bình tĩnh đến lạ thường.
“Anh Độ, sao anh ngủ ở đây?”
Là tiếng của thằng Tí, tôi nheo nheo đôi mắt nặng nề chẳng muốn mở, giọng khàn khàn hỏi tụi nó:
“Tụi bây làm gì ở đây thế?”
Tụi thằng Tí ra đây từ lúc nào chẳng biết, tôi lại ngủ nữa à? Tôi đã ngủ bao nhiêu lần rồi, ở nhà, nhà bác Mười, gốc cây phượng.
“Anh không nóng hay sao mà ra gốc phượng ngủ, em ra hái vài chùm phượng cắm hoa cho chị Thủy nè.”
Tếng thằng Tèo văng vẳng bên tay đánh thức chút sức lực của tôi.
“À, để anh hái phụ. Chị Thủy thích hoa phượng lắm.”
Tôi cố gắng đứng dậy, nhìn tụi thằng Tí Đô sẵn sàng hái rồi. Thằng Tèo chắc nó tởn rồi chẳng dám leo nữa. Còn thằng Tí Đô thì chỉ làm trò chọc thằng Tèo đến cọc. Tôi với thằng Cu Đen, cứ thế hái được vài chùm.
Tụi thằng Tí Đô với chị Thủy của tôi chắc xa lạ lắm, ngày ấy vẫn chưa có đám nít ranh này.
“Chắc đủ rồi anh Độ.”
Thằng Téo cầm lấy mớ phượng trong áo, một bụng đầy nói với tôi.
Tôi gật đầu, khom lưng nhặt lấy một đóa hoa phượng rơi trên đất, trong khi đó thằng Cu Đen đã ra lệnh cho thằng Tý, thằng Tèo trở về.
Tụi nó kéo nhau đi để tôi thẫn thờ cùng đóa hoa phượng vĩ.
“Chị Thủy, nhìn kìa, phượng nở rồi, hái nó xếp hình bươm bướm đi.”
Chị Thủy khéo lắm, chị lặt từng cánh phượng đặt xuống một tàu lá chuối, lá đài chị xếp một bên, nhụy hoa nhẹ nhàng bỏ nó gần với những cánh hoa. Đài hoa được chị gỡ một lớp màu xanh, chắp đôi với nhau như thân bướm. Chị xếp tiếp cánh hoa, nhụy hoa, một con hồ điệp tuyệt đẹp trên tay chị.
“Chị khéo tay quá, đẹp thật đó.”
Tôi thích thú khen ngợi.
“Độ thích hoa phượng không?”
Vừa hỏi chị vừa nhìn tôi.
“Thích chứ! Còn chị Thủy thì sao?”
Tôi đáp rồi cầm lấy con bướm xếp từ loài hoa ấy, thấy vui vô cùng hỏi chị. Chị tôi thẫn thờ ngồi bên mép xong, chăm chú nhìn loài bướm xếp từ cánh hoa phượng vĩ rồi đánh mắt nhìn phía bên kia sông một lúc mới trả lời câu hỏi của tôi.
“Thích chứ! Khi nào Độ lớn, độ sẽ còn thích nó nhiều hơn nữa. Mà tại sao Độ lại thích hoa phượng?”
“Vì nó đẹp, đơn giản vậy thôi.”
Chị lại hỏi tôi, tôi đơn giản chỉ vì thích thôi.
Chị lấy chân khua nước, nói tiếp với tôi đầy khó hiểu.
“Không phải mùa phượng nào cũng đẹp đâu Độ.”
Tôi suy nghĩ một chút, chẳng hiểu gì cả, với tôi lúc đó mùa nào phượng cũng đẹp, cũng đầy niềm vui, cũng có nỗi buồn nhưng chẳng bao giờ thấy nó xấu cả.
“Vì nó chỉ đẹp khi là mùa chia ly của tuổi học trò.”
Đôi mắt chị dường như long lanh hơn, có chút luyến tiếc điều gì đó, tôi chẳng biết và chị cũng chưa bao giờ nói với tôi.
“Tuổi học trò”
Tôi khó hiểu mà lặp lại.
Lúc đó tôi thật chẳng hiểu lời nói của chị, tôi còn lặp lại một cách khó hiểu vô cùng, nhưng giờ tôi đã hiểu lời nói ấy một cách tường tận.
Cánh phượng đỏ nhìn vui mắt đấy nhưng nó lại báo hiệu cho những cuộc chia ly cuối cấp của tuổi học trò. Tuổi của hồn nhiên, của ngây thơ và trong trắng; tuổi của bồng bột, của ngông nghênh, nông nỗi. Đến cuối cùng, ai rồi cũng phải trưởng thành, phải lớn và ai cũng có cho mình một bước đi riêng, một cuộc sống riêng.
Nhịp sống càng hiện đại, con người dần xa nhau chỉ duy gốc phượng già không thay đổi, vẫn cắm rễ trong lòng sâu của đất và duy chỉ có chúng ta là đang đổi thay từng ngày.
Gốc phượng vẫn ở đấy, vẫn in sâu những kỉ niệm của tôi và chị Thủy, của một tuổi thơ đầy vui vẻ, hồn nhiên và hạnh phúc.
“Độ, làm gì đó?”
“Ủa, chị Oanh ra đây chi vậy?”
“Thấy mày đứng buồn hiu đây, tao ra hỏi thôi.”
“Chị Oanh, buồn không?”
Không biết vì sao tôi lại hỏi như thế, có những kỷ niệm hóa thành nỗi buồn một cách không chừng mực. Bởi lẽ, ở đâu từng là kỷ niệm ở đó có ký ức về chị. Những gì đẹp đẽ nhất giữa tôi và các chị, đặc biệt là chị Thủy đã không thể quên và nó biến thành nỗi nhớ, qua ngày tháng, tưởng chừng nó sẽ phai đi, mờ dần, nhưng mỗi khi phượng nở lòng lại chất thêm một chút buồn chẳng thể nào gỡ bỏ.
Đêm biết tin chị mất, sau một lúc tỉnh táo nhất thì cũng là lúc vỡ òa. Tôi nấc từng tiếng khóc nức nở, rồi thằng Trung, thằng Nghĩa cũng khóc theo. Sâu trong tôi hoảng loạn lắm. Tôi thích đi chùa với bà, tôi hay nghe câu “cuộc đời vô thường lắm” nhưng chẳng thể tin rằng, cái ngày vốn nó sẽ xảy ra lại đến nhanh như thế.
Ngày chị mất, tán phượng cũng rủ mình, hoa phượng cũng rụng đầy bờ sông.
Ngày chị mất, mưa lất phất trên sông, mưa trong sâu thẩm trái tim tôi.
Chiếc khăn tang lộng gió trên nhành phượng, hình như chị về.
“Độ, mày sao thế? Qua nay mày cứ hay ngủ gật.”
“Chị Oanh, chị Thủy về kìa”.
Nói rồi tôi đưa tay chỉ xa xăm trên một khoảng không nắng hạ, mây như cười nói, nắng như dịu bớt, hoa phượng thêm đỏ sặc sỡ, mặt sông gợn sóng như hớn hở, khuôn mặt tuổi mười lăm hiện lên đầy tinh khôi, áo dài trắng vẫn thướt tha nhìn tôi cười nói.
“Về đi, tao đang ở nhà nè, hai đứa bây đứng đó làm gì?. Độ, về nhà đi”
Tôi thấy mình miên man chạy, chạy qua một, hai cánh đồng và tôi thấy cánh phượng rơi hồng mặt đất, thấy chị vẫy tay chờ tôi ở nhà.
Tôi mở mắt.
“Sốt cao dữ vậy.”
Chẳng có gì cả, tất cả chỉ là mơ sao?
Tôi bị sốt.
Thằng Cu Đen nói tôi bị ngất ngoài gốc phượng, may có chị Oanh ra thấy đưa đi bệnh viện kịp thời. Tôi mệt mỏi ngồi dậy trong trạm xá, đến tối thì hạ sốt. Sáng hôm sau với ba chai nước biển tôi đã được xuất viện trở về nhà, từ xa tôi thấy cây phượng vĩ như cười với tôi, lòng chợt buồn rơi nước mắt từ lúc nào chẳng biết.
Chị Thủy nói đúng, mùa hoa phượng nở là mùa của chia ly, nhưng cuộc chia ly này đau đớn quá. Phượng lại nở rồi, một mùa nhớ lại đến.
© LÊ HUỲNH ANH TUẤN - blogradio.vn
Xem thêm: Nỗi buồn mang tên hạnh phúc l Radio Tâm Sự
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em
Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.
Lá thư gửi đến thiên đường
Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.
Đắng cay
Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân
Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi
Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.
Đơn phương yêu một người
Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.
Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?
Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?
Câu chuyện về một nhà thơ…!
Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.
Vì anh còn thương em
Tất cả khiến anh lặng người, thơ thẩn vì mải mê đắm chìm trong quá khứ, trong nụ cười, ánh mắt em. Anh không muốn trở về với thực tại tàn khốc rằng chuyện tình mình đã kết thúc tự bao giờ, rằng anh đã mất em thật rồi.
Ai là bạn trong cuộc đời?
Hãy để những ước mơ dẫn dắt bạn, vì chúng sẽ giúp bạn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống và cung cấp động lực để bạn tiếp tục tiến bước.
Ánh nắng chiếu
Anh nhớ em một ngày cuối hạ Cho tình yêu gọi giấc mơ về Anh nhớ em một tình yêu lạ Mà sao lòng anh vẫn còn yêu