'Joni mặt tịt và đồng bọn tinh nghịch' là quyển sách đáng yêu dành cho những ai yêu động vật
2022-06-21 01:20
Tác giả:
blogradio.vn - Đây là cuốn sách hay dành cho những người yêu động vật, dành cho trẻ em và những người lớn từng là trẻ em, bởi niềm vui khi đọc những điều dễ thương luôn vượt qua mọi lằn ranh tuổi tác.
***
Con người chăm sóc thú cưng, nhưng ở một khía cạnh nào đó, chính chúng lại “che chở” cho chúng ta bằng năng lực chữa lành và kết nối. Joni mặt tịt và đồng bọn tinh nghịch là quyển sách hay của tác giả Nguyễn Khắc Cường kể về những chú mèo và chú chó trong đô thị, về cuộc sống muôn màu nhưng ẩn sau đó là những mong manh và cô đơn của con người hiện đại.
Tác giả Nguyễn Khắc Cường hiện là Tổng biên tập báo Mực Tím. Câu chuyện của anh diễn ra trong khu chung cư và những con phố phụ cận, được lấy cảm hứng từ chú mèo Ba Tư lông vàng anh đang nuôi. Đối với người dân đô thị, thú cưng nói chung và những chú mèo nói riêng là niềm vui, chỗ dựa tinh thần, thậm chí như người bạn, người thân trong gia đình.
Khi trở về nhà sau một ngày mệt mỏi với cuộc sống và công việc, ta cảm thấy được vỗ về khi có những con vật nhỏ bé chờ đợi, vui vẻ chào đón, không phán xét… Thế nhưng, đối với chúng – những chú thú cưng trong đô thị, bản năng sinh tồn đã bị mất đi và chỉ có chúng ta là nguồn sống lẫn niềm vui của chúng.
Như tác giả Nguyễn Khắc Cường chia sẻ: “Mèo sinh ra không chỉ để bắt chuột, chó không chỉ để giữ nhà, tụi nó có mặt trên đời này còn để bầu bạn với con người. Đôi khi chúng ta đối xử với bạn mình thật tệ…”.
Đây là cuốn sách hay dành cho những người yêu động vật, dành cho trẻ em và những người lớn từng là trẻ em, bởi niềm vui khi đọc những điều dễ thương luôn vượt qua mọi lằn ranh tuổi tác. Đặc biệt, những người trẻ cận Gen Z có thể sẽ cảm thấy đồng cảm với nhiều khía cạnh trong cuốn sách hay này. Họ là một thế hệ lớn lên với những kiến thức và ý thức mạnh mẽ về vấn đề môi trường, về quyền động vật, và đồng thời là thế hệ nhạy cảm với nỗi đau, sự cô đơn.
Joni là tên một chú mèo Ba Tư, chú vốn sống ở Nga, tình cờ theo chủ đến Việt Nam rồi vì một sự cố, chú phải ở lại cũng những người chủ mới ở đây. Chú không thích bắt chuột, chẳng mê cá, lười vận động… nhưng chú đáng yêu, phúng phính và có những người bạn “bản địa” siêu tinh nghịch. Đó là chú chó Công Chúa đỏm dáng của tiệm “Tóc Kiều”, là bạn mèo Xúc Xích bị bỏ rơi từ nhỏ, lập “căn cứ địa” tại hầm xe chung cư và được rất nhiều cư dân cùng… lén cho ăn. Là Xám Vện, mèo hoang chính hiệu, Munchkin chú mèo chân ngắn mộng mơ…
Bằng tấm lòng nhạy cảm và mắt quan sát tinh tế, tác giả Nguyễn Khắc Cường rung động và ghi lại những điều mà chỉ người nuôi thú cưng mới hiểu. Đó là chuyện về một chú mèo được nuôi nhốt trong nhà, chỉ có niềm vui là cô chủ, nhưng cô lại ít khi chơi cùng với chú. Trong một lần buồn chán, chú phải chơi với những chú bồ câu ở ban công và vô tình bị trượt ngã. Là một con mèo nhà, chú không biết làm sao để thích nghi với cuộc sống bên ngoài. Hoặc chuyện về chú mèo của Ông Đãng Trí bị chủ bỏ quên trong xe hơi rồi khóa cửa. Hoặc chuyện Ban quản lý chung cư lạnh lùng cắt điện mọi căn hộ có thú nuôi nếu như chủ hộ không chịu rời xa chúng. Hoặc chuyện làm sao để những chú chó cưng, mèo cưng có cơ hội được gặp bạn tình và “yêu nhau” trong môi trường sống nơi con người ngày càng biệt lập… Kể cả chuyện những người yêu chó mèo trong chung cư nỗ lực tạo group, che giấu thú cưng mỗi khi Ban quản lý kiểm tra dẫu biết đó chỉ là biện pháp tạm thời. Nhưng đáng thương thay cho những chú chó, chú mèo không còn được ra ngoài dạo chơi nữa.
Tác giả đã cho tất cả những chú thú cưng trong cuốn sách một kết thúc có hậu và được sống trong tình thương yêu. Nhưng thực tế đời sống thì không đẹp như thế. Người chủ nuôi không chỉ có chó mèo, nhưng chó mèo đôi khi chỉ có mỗi chúng ta.
Là “Me Rừng” trong bút nhóm Vòm Me Xanh sôi nổi một thời, và hiện đang là Tổng Biên Tập báo Mực Tím, tác giả Nguyễn Khắc Cường đã dựng nên cả một thế giới ngụ ngôn hiện đại nho nhỏ trong Joni mặt tịt và đồng bọn tinh nghịch, một tác phẩm chữa lành và khiến người ta muốn sống tử tế, yêu thương nhiều hơn.
Trích đoạn:
“Khi mẹ kể chuyện, Joni vểnh tai lên nghe. Thường tới đoạn ‘mặt nó tội khủng khiếp’ thì cậu giả bộ mệt, nằm ngửa ra để giấu cái mặt mà mọi người sắp sửa săm soi. Cậu co bốn chân lên, phơi cái bụng có đám lông tơ mềm màu vàng kem khiến mấy đứa nhỏ phấn khích:
– Đẹp chưa kìa, lông Joni nhìn ngon quá, giống… thịt chà bông quá, muốn ngắt một nhúm ăn ghê!
Joni hí mắt, liếc xéo cái đứa ham ăn vừa mới nói. Mấy người này kỳ cục thiệt chứ, hết bình phẩm bộ lông lại bàn tán cái lỗ mũi. Mũi Joni không có sống như mũi mèo Việt Nam làm gương mặt cậu nhíu lại, trông rất buồn cười”.
“Anh bảo vệ hết sức bối rối khi nhận con mèo bất ngờ được giao nộp. Anh không biết làm gì với nó, cho nó chết đói thì ác quá, ai làm vậy. Còn nuôi nó thì vi phạm quy định chung cư. Thấy anh ngồi ủ rũ với con mèo cứ liên tục kêu khóc, một anh thợ điện động lòng:
– Thôi ông ráng nuôi nó vài ngày đi, cuối tuần tôi đem về quê cho má tôi nuôi.
Tối đó con mèo được ngủ ở phòng bảo vệ, bên cạnh một người cực kỳ ghét mèo. Anh miễn cưỡng mua hộp sữa đổ ra đĩa cho nó liếm, nhờ vậy mà nó hết đói và hết kêu, trốn vô góc ngủ một giấc dài.
Đến giữa khuya thì con mèo thức dậy, tìm đường trốn”.
“Tội nghiệp con mèo đó đã sống một cuộc đời thật buồn, ngay cả với chủ, nó cũng chỉ được giao tiếp qua camera là nhiều. Buổi tối, cô Bánh Mật đi làm về bao giờ cũng dắt theo chú Thuốc Lá. Cái chú hôi rình đó quấn quýt bên cô Bánh Mật từ phòng bếp đến bàn ăn, rồi hai người ngồi ghế sofa coi bộ phim dài 168 tập. Lâu lâu cô Bánh mật mới vuốt ve Munchkin vài cái rồi lại lo gọt cam hay xắt táo cho chú Thuốc Lá.
Munchkin cô đơn vậy nên khi có bạn là chim bồ câu, nó không muốn rời xa”.
“Chúng ta luôn muốn người khác hiểu mình nhưng ít khi chúng ta chịu lắng nghe kẻ khác, nhất là lắng nghe loài vật không cùng ngôn ngữ. Tụi nó cũng có trái tim, biết vui, buồn, biểu lộ tình cảm”.
“Cục chà bông vẫn không nhúc nhích. Buổi sáng, cả nhà đánh răng rửa mặt xong, ngồi vào bàn ăn sáng là lúc cậu lẻn vô toilet, nhảy phóc lên lavabo cuộn mình nằm gọn trong đó. Chưa có một nghiên cứu khoa học nào giải thích tại sao mèo Ba Tư lại thích nằm ngủ trong bồn rửa mặt. Ông ngoại nói chắc tại nó mát. Còn dì Chíp nghĩ bồn rửa mặt nhỏ gọn như chiếc nôi, đứa bé nào cũng thích nằm ngủ trong nôi”.
Theo Elle
Mời xem thêm chương trình
Hãy mỉm cười như loài hoa vô ưu! | Góc Suy Ngẫm
Phản hồi của độc giả
Xem thêm

Mình muốn một tình yêu như vậy!
Họ không nói nhiều, không can thiệp quá sâu vào cuộc sống của nhau, không lãng mạn ngọt ngào, không hứa hẹn, không sở hữu, cứ thế hiện diện bên nhau, lắng nghe, an ủi.

Lỡ duyên
Trăng treo lẻ bóng bên đồi Gió ru khúc cũ nghẹn lời chia phôi Người đi để lại bồi hồi Ta ngồi đếm mãi một thời đã xa

Chia ly - khi khoảng cách không thể xoá nhoà ký ức
Cảm giác sắp chia ly ấy cũng thật khó giải thích. Có lẽ chỉ đơn thuần là cảm xúc trống vắng khi bàn ăn trong nhà thiếu đi mất một người thân thuộc, hay sự lạc lõng trong một không gian đã từng đầy đủ,... Chắc đó là sự hụt hẫng khi có những điều vốn tưởng chừng là vậy nhưng nay đã sắp không còn.

Tình khó phai
Em biết anh luôn là người yêu em và nghĩ cho em nhiều nhất. Nhưng anh à, em cần nên biết mọi chuyện đầu tiên chứ không phải giờ đây em là người sau cùng mới biết được.

Khi con muốn được yêu thương nhưng lại sợ mất gia đình
Không có gì đau lòng hơn việc chính những người ta yêu thương nhất lại không thể dang tay ôm lấy ta.

Khi mặt trời mỉm cười
Tôi thấy yêu làm sao mặt trời lúc đó, tôi thấy yêu làm sao những buổi sớm mai thật lắng đọng thật nhiều cảm xúc và những nguồn huyết mạch của cuộc sống cứ cuộn trào mãi trong tôi.

Người ơi
Em thích gọi anh là người ơi, chỉ là một tiếng gọi thật ngắn thật nhanh mà chứa đựng trong đó biết bao ân tình biết bao da diết của những tháng năm mình được quen nhau, mình được yêu nhau thật trọn vẹn.

Kí ức muốn lãng quên
Kí ức về cậu có lẽ là kí ức đời này tớ muốn quên nhất, cậu cũng có lẽ là người tớ muốn quên nhất...

Xem cuộc đối thoại chua chát của 2 mẹ con trong Khi Cuộc Đời Cho Bạn Quả Quýt, tôi thề sẽ không bao giờ nói "Mẹ sống vì con"
Đứa trẻ lớn lên trong “sự hy sinh của mẹ” sẽ không học được cách hỏi mình: “Mình muốn gì?”, mà chỉ biết hỏi: “Mình nên làm gì để cha mẹ vui?”

Yên đơn phương
Em đã cố kìm nén không khóc trước mọi người. Chắc chỉ có mỗi mình anh không nhận ra tình cảm của em dành cho anh mà thôi.