Phát thanh xúc cảm của bạn !

Con đường ước mơ tôi

2014-09-18 01:10

Tác giả:


Café Blog - Tôi dạy các em hãy yêu quê hương mình bắt đầu từ con đường đến trường đầy khó nhọc. Tôi dạy các em hãy biết ước mơ, rằng 10 năm sau hay nhiều hơn nữa, khi chúng đã trở thành kĩ sư, công nhân,…chúng sẽ làm lại con đường này sạch đẹp hơn, có đèn, có chợ. Để con cái chúng không phải ăn một bát mì tôm mỗi ngày hai buổi học, để các giáo viên mỉm cười khi đến lớp, để tiếng cười vang xa hơn. Ước mơ của các em, ước mơ của tôi…

***

Tốt nghiệp đại học, tôi long đong lận đận với nghề. Cả năm trời xin việc, tôi mệt mỏi bởi những chuyến đi, mệt mỏi với tiếng thở dài của cha và những lời vào ra của dì. Tôi thấy mình già đi nhanh chóng, tôi sợ mình sẽ không còn hy vọng. Hạnh phúc giờ như lời thầy giảng cho tôi, đến được với nghề như lấy được người chồng mình yêu thương. Phải có tình yêu con người ta mới có thể vượt qua được những khó khăn gian khổ. Dì tôi lại không nghĩ vậy. Đối với người đàn bà muộn mằn về tình duyên và mang trên vai gánh nặng về những đứa con riêng của chồng thì việc kiếm ra tiền sau bao năm ăn học lại là cả một vấn đề.

Tôi không trách dì, bởi dì cũng đã quá khổ rồi. Kể cả những năm tháng đi học xa nhà, có khi trong túi không hề có một xu, tôi quắt queo với đủ thứ nghề để ăn và để học tôi cũng chưa bao giờ có ý nghĩ trách dì. Trong những giấc mơ, tôi thấy mình lửng lơ, chới với, tôi nghe tiếng thầy giảng về lá cỏ, về hương hoa và những vì sao, tôi nghe tiếng tôi thở dài và…tôi thấy nụ cười chát chúa của dì khi đếm những đồng tiền lẻ cuối ngày. Tôi thấy áo em tôi rách vai, tím đi vì quét chợ. Chợ trưa, thương cho dì còng lưng gánh, thương cho chúng tôi không có tuổi thơ để mơ mộng, thương cho bàn tay chai sạn nắng mưa của bố cứ ngày một yếu đi. Những trang sách thầy giảng cứ mờ dần.

trẻ em miền núi

Rồi tôi cũng xin được việc, chỉ hợp đồng mấy tháng dạy thay cho một người nghỉ sinh nhưng tôi được thực hành những gì tôi được học. Tôi thấy ước mơ của mình gần lại. Hạnh phúc ở ngay trước mắt. Tôi tưởng tượng ra vô số điều. Dì chẳng nói gì nhưng cha mừng ra mặt. Tôi thấy niềm vui trong khóe mắt ông và niềm tự hào trong tiếng cười khúc khích của những đứa em. Ngày mai tôi sẽ làm cô giáo trẻ, tôi sẽ giảng bài thật hay trong sự ngưỡng mộ của học trò. Những đôi mắt tròn xoe mới đáng yêu làm sao. Tôi xúng xính trong tà áo mới may và đôi guốc cao. Tự dưng thấy mình như cô bé Lọ Lem sau một đêm biến thành công chúa.

Trường cách thị trấn chừng 15km rừng núi, sông suối, con đường đất đỏ dốc và trơn trượt, phải vất vả lắm tôi mới theo kịp đoàn giáo viên từ thị trấn vào. Họ bảo với tôi về nghề, về con đường và đôi mắt của tôi cũng như đôi mắt của họ cách đây mười mấy năm vậy. Tôi hiểu. “Cơm áo đâu đùa với khách thơ”.

Ngôi trường giống như một túp lều cũ nát lọp thỏm giữa rừng, tôi thấy sương rơi nhòe trong mắt. Học trò của tôi gầy gò, lem luốc, đứa nào cũng đen nhẻm, bàn tay chai sần, bàn chân rất to vì trèo núi, vì đi chân đất và đôi bàn tay chai sần. Giờ học của tôi không phải là những vì sao, nhưng câu thơ của thầy, tôi còn bận bày cho học sinh tập cách đánh vần, cách nói tiếng Kinh. Học trò cười hồn nhiên, chúng tranh nhau kể cho tôi nghe về mùa nào đi bẻ măng, bãy dúi, bẫy chồn, mùa nào thì đi trỉa ngô, trồng mía, hái cam. Hạnh phúc khi được ở lại ăn trưa với bát mì tôm 5000 và chia nhau một nửa que kem. Buổi trưa, chúng tôi nấu ăn đơn giản, vài cọng rau rừng hái sau trường và một ít thịt luộc mua của dân bản, ăn sao mà ngon đến lạ. Nghỉ trưa là mỗi người một góc nói chuyện hoặc thiếp đi một chút. Tôi không ngủ được vì học sinh ở đây không biết ngủ trưa, chúng ồn ào như một cái chợ huyện với đủ các trò. Chúng còn quá nhỏ để biết tầm quan trọng của sức khỏe, để so sánh, để lo toan và tị nạnh. Nhưng tôi biết chúng cười.

Sau này, chúng tôi vẫn đùa nhau nghe về những lần đi vệ sinh, mùa đông, gió thổi vi vu, lá rừng kêu xào xạc rớt đầy như một tấm thảm mềm, chim kêu vượn hót mà mình lạnh buốt. Buổi chiều học sinh được ôn bài, chúng tôi cho chúng về sớm hơn để về tránh mưa. Mưa xối xả, con đường về trở thành nỗi ám ánh trong tôi trong cả giấc ngủ. Nó nhầy nhầy, nhão nhoẹt và trơn như đổ mỡ. Cái thứ đất đỏ mưa thì trơn, nắng thì bụi này khiến cho các giáo viên ở đấy có cả một kinh nghiệm truyền đời khi đi đường. Bao giờ cũng phải đi cùng nhau, mặc áo mưa và đi ủng. Nếu ai có lỡ may ngã thì khi lên trường sẽ chẳng học sinh nào cười trêu chọc bạn cả. Bởi chúng cũng vậy, lem nhem bùn đất từ đầu đến chân, lem nhem cả trong trang vở trắng.

Thương cho lũ học trò đạp xe chục cây số dốc đèo mà mệt lả đi. Đến tiết 5 cả cô cả trò lả đi vì đói mà con đường về còn xa quá. Thương cho học trò mặc những tấm áo cũ chúng tôi xin về của trẻ con hàng xóm mà vui như Tết. Tháng lương đầu tiên, tôi mua cho đứa bé lớp mình chủ nhiệm một đôi dép thay cho đôi nó đi đã đứt mòn đến không thể đứt. Nó đi rửa chân rồi xỏ vào dép mới, bàn chân đen nhẻm, gầy gò trong màu hồng của dép, màu hồng trong mắt nó. Khi nó gói đôi dép cũ đầy bùn đất trong lá chuối và nhét vào cặp bên những cuốn sách giáo khoa để về đi chăn dê, tôi ngoảnh đầu quẹt tay lau nước mắt.

trẻ em miền núi

Ngày 20 – 11, cả thị trấn ngập trong cả trời hoa, tấp nập xe cộ, học trò đạp xe ra thị trấn ríu rít như chim non, tặng cho cô vài cây mía, củ sắn, một quả đu đủ chín vàng, ăn vội nhà cô bữa cơm đạm bạc rồi vội về kịp tối. Tiếng cười của chúng hồn nhiên như tuổi thơ khó nhọc của tôi, lanh lảnh đưa tôi đi tới bao miền tri thức. Cánh đồng lúa mênh mông là mồ hôi mặn chát người nông dân bấm chân vào bùn đất cấy, cày, gặt, hái. Muối mặn bởi từ ruộng trưa cháy vai, ai phơi lưng cào, xúc. Tôi yêu tiếng cười của chúng cả khi chăn trâu cắt cỏ, cả khi khoe với tôi hôm qua được ăn hai quả vịt lộn, nụ cười khi bỏ học đi chặt mía thuê xin cho cô giáo trẻ hai cây mía. Mía thì ngọt mà sao thấy mặn nơi khóe môi.

Tôi dạy các em hãy yêu quê hương mình bắt đầu từ con đường đến trường đầy khó nhọc. Tôi dạy các em hãy biết ước mơ, rằng 10 năm sau hay nhiều hơn nữa, khi chúng đã trở thành kĩ sư, công nhân,…chúng sẽ làm lại con đường này sạch đẹp hơn, có đèn, có chợ. Để con cái chúng không phải ăn một bát mì tôm mỗi ngày hai buổi học, để các giáo viên mỉm cười khi đến lớp, để tiếng cười vang xa hơn. Ước mơ của các em, ước mơ của tôi…


Hè về, tôi kết thúc hợp đồng, tự nhủ viết cho mình một trang nhật ký mà chẳng biết bắt đầu từ đâu. Bắt đầu từ ước mơ của học trò tôi về những con đường, bắt đầu từ tiếng cười của chúng ngập tràn trong trái tim tôi, để tôi hát bài ca giấc mơ của riêng mình -giấc mơ chắp cánh cho những thiên thần.

Thầy cõng con chữ trên vai,
Con đường lầy khúc khuỷu,
Có rớt không vài con chữ,
Mây, gió, trăng, sao.

Thương trò mình bé nhỏ.
Nách em, nách ngô, nách sắn.
Cõng con chữ về nhà.
Chân bấm bùn, lách đá.
Trèo đèo lội suối,
Có rớt không vài con chữ,
Áo mẹ, cơm cha…

  • Phạm Hiền

Để những câu chuyện và tâm sự, phản hồi của bạn đến với các thính giả của Blog Radio cũng như các chuyên mục đặc sắc khác của Blog Việt và Nhạc Việt Plus bạn đừng quên duy nhất địa chỉ email blogviet@dalink.vn và trên website blogviet.com.vn - nhacvietplus.com.vn.

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Hãy trao yêu thương khi còn có thể

Hãy trao yêu thương khi còn có thể

Tôi nhận ra từ trước giờ tôi luôn mong người khác phải hiểu và thông cảm cho tôi mà tôi quên đi rằng tôi chưa đặt mình vào vị trí của bất cứ ai để hiểu cho họ.

3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa

3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa

Trong tương lai, 3 năm tới hứa hẹn sẽ là quãng thời gian vô cùng rực rỡ và thịnh vượng cho 5 con giáp may mắn dưới đây.

Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em

Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em

Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.

Lá thư gửi đến thiên đường

Lá thư gửi đến thiên đường

Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.

Đắng cay

Đắng cay

Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân

Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi

Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi

Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.

Đơn phương yêu một người

Đơn phương yêu một người

Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.

Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?

Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?

Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?

Câu chuyện về một nhà thơ…!

Câu chuyện về một nhà thơ…!

Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.

Vì anh còn thương em

Vì anh còn thương em

Tất cả khiến anh lặng người, thơ thẩn vì mải mê đắm chìm trong quá khứ, trong nụ cười, ánh mắt em. Anh không muốn trở về với thực tại tàn khốc rằng chuyện tình mình đã kết thúc tự bao giờ, rằng anh đã mất em thật rồi.

back to top