Phát thanh xúc cảm của bạn !

Chúng ta rồi cũng phải trưởng thành

2018-10-09 01:26

Tác giả:


blogradio.vn - Trưởng thành là một khái niệm đáng sợ. Để có thể một mình biểu diễn trên sân khấu lớn, thứ mà ta phải trả giá không đơn thuần chỉ là những giọt nước mắt. Nhưng ta vẫn phải biểu diễn. Tôi đã từng sai lầm tin rằng ở nơi quá khứ kia vẫn có người chấp nhận ở lại chờ tôi. Nhưng tại sao tôi lại có niềm tin mù quáng như vậy khi tôi chẳng thực sự đứng lại chờ một ai?

***

blog radio, Chúng ta rồi cũng phải trưởng thành

1.

Dưới tán cây râm mát, hai cô cậu học trò đang cười nói với nhau. Ánh nắng ban mai chiếu lên gương mặt trẻ trung của họ. Tôi đã từng thấy rất nhiều nụ cười nhưng chưa từng thấy nụ cười nào thuần khiết như thế.

“Hằng.” Cái vỗ vai của Thùy khiến tôi giật nảy người. “Sao mà ngẩn ngơ quá vậy?”

Tôi chỉ vào đôi thanh niên đứng trước cổng trường, đáp:

“Nhìn họ rất quen. Tao cảm giác mình đã từng nhìn thấy cảnh này.”

Nó làm bộ ngẫm nghĩ một lúc rồi hớn hớ kêu lên:

“À biết rồi! Đó là hiện tượng Déjà vu.”

“Là sao?"

Tôi ngước mắt chờ nó giải thích. Nó bảo Déjà vu là một dạng của ảo giác, xảy ra ở hầu hết mọi người trong một khoảnh khắc nào đó. Đó là cảm giác một người đã từng trải qua một chuyện gì đó nhưng thực chất chưa hề xảy ra trong quá khứ. Dương Thùy giải thích cho tôi tỉ mỉ cặn kẽ, ánh mắt sáng ngời như một vị giáo sư đang thể hiện vốn kiến thức uyên thâm của mình trước cô học trò ngốc nghếch. Tôi bật cười, phẩy phẩy tay:

“Trường hợp của tao không phải như vậy.”

Nó nhìn tôi với vẻ khó hiểu như đang chờ đợi một lời giải thích, nhưng tôi lại chỉ mỉm cười mà không nói gì thêm. Tôi biết rõ rằng bản thân đã từng trải qua chuyện này, chỉ là không muốn nghĩ về, không muốn nhớ đến mà thôi.

Tôi dứt ánh mắt ra khỏi cổng trường, vội vàng cùng Dương Thùy về nhà trước khi thành phố bước vào giờ cao điểm. Cứ ngỡ hôm nay làm việc mệt mỏi thì đêm sẽ có được một giấc ngủ ngon, nhưng đáng tiếc rằng, vừa đặt lưng xuống giường, tôi lại chìm vào giấc ngủ chập chờn với những mộng mị mơ hồ.

Chậm rãi mở mắt, trước mặt vẫn chỉ là cái trần nhà dột của phòng trọ cũ kĩ ẩn mình trong đêm đen.

Một chiếc gối nhàu nhĩ từ góc phòng bên kia chợt phi thẳng đến, lực bay không yếu không mạnh, quỹ đạo không cao không thấp, chuẩn xác rơi đúng vào mặt tôi. Trong màn đêm, tiếng nói ngái ngủ của đồng chí chung phòng vang lên:

“Mày có nằm yên không đây? Cái giường cứ kẽo kẹt suốt, làm sao mà tao ngủ được.”

Tôi thở dài thườn thượt:

“Mày thông cảm chút. Tao nay lại nằm mơ.”

“Người đâu nằm mơ suốt thế. Mày phải tìm cách khắc phục đi Long.” Thanh nói. “Chuyện gì còn dang dở thì mau giải quyết, thấy tốt thì giữ lại, thấy không nên thì bỏ đi. Đừng để quá khứ tiếp tục đeo đẳng nữa.”

Ban nãy còn ngủ được, chỉ là giấc ngủ không sâu, hay gặp mộng mị. Còn bây giờ dù cố gắng thế nào cũng không ngủ được nữa. Mở mắt ra rồi lại nhắm mắt lại. Mở, rồi lại nhắm. Mãi đến quá nửa đêm, tôi mới giật mình nhận ra, dù là nhắm mắt hay mở mắt thì phía trước cũng chỉ là một màn đêm đen kịt.

blog radio, Chúng ta rồi cũng phải trưởng thành

2.

Đêm Trung thu.

Phố lên đèn. Mọi người đổ xô ra đường, vô cùng đông vui náo nhiệt. Cứ cách vài bước lại có một đám múa sư tử mừng Trung thu. Mọi người ai cũng hân hoan bên những người thân yêu. Những chiếc đèn lồng tỏa ra thứ ánh sáng rực rỡ khẽ lắc lư trong gió nhẹ, tưởng chừng như sẽ không bao giờ tắt.

Tôi phóng xe lướt qua mọi ngõ ngách của đường phố Hà Nội. Đến tận khuya, những tốp người đi chơi đã vắng dần, tôi vẫn lao mình trong trong gió bụi để tìm kiếm một hi vọng nhỏ nhoi.

Cứ đi mãi, đi mãi cho đến khi một tiệm bánh nhỏ xinh bất ngờ lọt vào tầm mắt. Bên ngoài cửa tiệm đặt một tấm bảng gỗ ghi bảng giá các loại bánh. Mắt tôi thoáng lướt đến dòng: “Bánh trung thu nhân trà xanh” liền vội vàng đỗ xe lại, vỗ vào mặt Thùy mấy cái để đánh thức con bé dậy để bắt nó trông xe. Không chờ đợi thêm một giây phút nào nữa, tôi nhanh chóng đẩy cửa, bước vào tiệm bánh.

Chuông gió trên cửa khẽ đung đưa, vang lên những tiếng leng keng leng keng. Giữa chốn phố sá sầm uất bụi bặm, tiệm bánh xinh xắn này hiện lên như một câu chuyện cổ tích. Cách bày trí của cửa hàng giống như của một quán cà phê. Hai bên dọc tường kê vài chiếc bàn gỗ nho nhỏ, phía trên mỗi bàn đặt một chậu sen đá. Trong tiệm treo rất nhiều chuông gió với nhiều hình thù khác nhau. Mỗi khi có gió lướt qua, chuông gió khẽ khàng ca lên một khúc vui tai, đưa tâm hồn con người du ngoạn đến những miền hạnh phúc rực rỡ sắc màu.

Lúc này đã là hơn mười một giờ đêm. Trong tiệm bánh chỉ có duy nhất một cô bé nhân viên đang bận rộn dọn dẹp trước khi đóng cửa tiệm. Nghe thấy tiếng chuông gió, cô bé ngẩng đầu lên, mỉm cười với tôi – một nụ cười đáng yêu nhưng thấm đẫm sự mỏi mệt sau một ngày làm việc.

“Quý khách cần tìm gì ạ?”

Tôi nhìn hàng bánh đủ loại, đủ kiểu, đủ màu được bày trong tủ kính một cách ngăn nắp, ánh mắt lóe sáng khi nhìn thấy bánh trung thu vị trà xanh. Tôi hớn hở chỉ vào tủ kính, nói với cô bé:

“Gói vào cho chị cái này.”

Trên mặt cô bé hiện lên nét khó xử, cô ngại ngùng đáp:

“Chị ơi, bánh loại này tiệm chúng em bán hết rồi. Cái này là cái cuối, có người đặt mất rồi ạ.”

Tôi nhớ đến công sức cả buổi tối đi đào từng ngóc ngách của Hà Nội để tìm bánh Trung thu vị trà xanh. Chỉ còn rất ít nơi bán bánh đến ngày 15, mà kể cả có cũng toàn là nhân bánh thông thường. Vậy nên, để tìm được bánh vị trà xanh đúng là mò kim đáy bể. Mà trường hợp của tôi còn thảm hại hơn một bậc: tìm thấy nhưng lại không mua nổi.

Tôi dùng ánh mắt khẩn thiết nhìn cô bé bán hàng:

“Giờ đã sắp hết Trung thu rồi, tiệm bánh thì chuẩn bị đóng cửa. Vị khách kia chắc là không cần bánh nữa đâu em ạ. Bán cho chị đi em, chị thực sự rất cần.”

Cô bé lắc đầu nguầy nguậy, nói một cách khảng khái rằng tuy vị khách kia không đặt tiền, nhưng làm ăn phải để chữ tín lên hàng đầu. Tôi dùng đủ mọi lí lẽ thuyết phục đến khô cả họng, mặt dày ngồi lì ở tiệm người ta hơn mười lăm phút. Tới khi chuẩn bị sang ngày mới, cô bé lo rằng người khách kia sẽ không đến lấy bánh mới bán cho tôi một cách không tình nguyện.

Tôi đang hí hửng xách túi bánh thì sau lưng chợt vang lên tiếng gọi:

“Minh Hằng?”

Khi nhìn thấy người kia, một cảm giác giật mình thoáng lướt qua tôi, nhưng rất nhanh tôi đã bình tĩnh lại, nở một nụ cười khách sáo:

“Xin chào, lâu rồi không gặp.”

Đức Thanh cũng sử dụng một nụ cười khách sáo y hệt để chào lại tôi. Điều này làm tôi khá bất ngờ. Đức Thanh trước kia tôi quen là một tên cợt nhả, nói mười câu thì đến tám câu là trêu chọc, không bao giờ nghiêm túc nổi. Nhưng Đức Thanh hôm nay giống như một người khác. Có lẽ không phải là cậu ta thay đổi, mà là mối quan hệ giữa chúng tôi đã thay đổi. Tôi không còn là người của bạn thân cậu ta nữa, cho nên đối với cậu ta tôi chỉ là người dưng nước lã mà thôi.

Mà người dưng nước lã, tặng cho nhau một câu chào đã là quá hào phóng rồi.

“Tôi đến đây để mua bánh.” Tôi giơ túi bánh lên. “Đã muộn rồi, tôi về trước đây.”

Thanh liếc túi bánh trên tay tôi, nói một cách chậm rãi, từng chữ từng chữ nặng tựa đá tảng khiến bước chân tôi sững lại:

“Thằng Long không lúc nào không nhớ cô.”

Tôi nghe thấy tiếng lòng mình trĩu nặng.

“Còn cô, có khi nào nhớ đến nó không?”

Tôi nghe thấy tiếng tim mình đau.

***

blog radio, Chúng ta rồi cũng phải trưởng thành

Tôi chậm chạp bước ra khỏi tiệm bánh với tâm trạng ngổn ngang. Dương Thùy đứng trên vỉa hè, vẻ ngái ngủ ban nãy đã hoàn toàn biến mất. Nó đảo mắt nhìn túi bánh, rồi lại đảo mắt nhìn vẻ mặt khó coi của tôi hiện tại. Dưới ánh đèn vàng vọt, vẻ mặt nó lạnh tanh:

“Sao lại mua bánh Trung thu vị trà xanh? Tao nhớ mày đâu thích loại này.”

Tôi đáp tỉnh bơ:

“Giờ thì tao thích rồi đấy.”

Thùy cười nhạt. Chất giọng của nó lạo xạo như tiếng giấy ráp chà vào nhau.

“Mày đừng tự lừa dối nữa. Người thích không phải mày, mà là Nhật Long. Đến bao giờ mày mới tỉnh hả Hằng? Mày và Long đã chia tay hai năm rồi. Hai năm rồi!”

Câu nói của Thùy như một nhát dao đâm thẳng vào nỗi đau mà tôi giấu kín bao lâu nay. Cánh tay tôi bỗng trở nên vô lực, nhưng bàn tay cầm túi bánh vẫn nắm chặt không buông.

Tôi rảo bước thật nhanh vào tiệm bánh. Hôm nay là Trung thu, sếp tổng nhân hậu ban phát ân huệ cho mọi người tan sớm để ai có gia đình thì đi chơi với gia đình, ai có người yêu thì đi chơi với người yêu. Còn cái đứa không có gia đình cũng không có người yêu như tôi đương nhiên phải ở lại làm việc hộ người ta. Tuy tiền thưởng tăng ca tăng gấp ba lần so với bình thường, nhưng khối lượng công việc nặng nề khiến tôi quên mất phải đi lấy bánh. Suy cho cùng thì cũng không biết là lợi hay thiệt hơn nữa.

Tôi thoáng bất ngờ khi thấy Đức Thanh ở bên trong.

Nó mang vẻ mặt của ông cụ tám mươi tuổi nhìn tôi, lắc đầu nói với vẻ lực bất tòng tâm:

“Thấy mày bận rộn, tao đi chơi cũng không yên, thế nên đã tốt bụng qua đây lấy bánh cho mày. Nhưng đáng tiếc thay, bánh đã bị người khác lấy trước rồi.”

Nói đến cuối, nó còn cố ý liếc cô bé bán hàng một cái đầy hàm ý. Cô bé bị Thanh dọa đến mức hai mắt đỏ lên, luôn miệng nói lời xin lỗi khiến tôi ong cả đầu. Tôi khoát tay bảo không sao. Dù gì tôi cũng quen với việc đánh mất những gì mình yêu thích rồi. Đến trái tim còn bị đánh mất thì mấy cái bánh Trung thu này có là gì.

Đức Thanh chăm chú đánh giá sắc mặt của tôi, sau đó mới buông một câu nửa đùa nửa thật:

“Nãy tao vừa gặp một người, ở ngay đây. Nếu đến sớm một chút thì mày đã được gặp lại người ta ngoài đời thực mà không phải trong mơ nữa rồi.”

Tôi trưng ra vẻ mặt không hiểu mô tê gì.

“Tao đã thay mày hẹn gặp Minh Hằng. Có lẽ hai chúng mày cần nói chuyện thẳng thắn với nhau. Nếu muốn tiếp tục thì cùng nhau dắt tay tới tương lai, nếu muốn dừng lại thì đã đến lúc nói lời tạm biệt với thanh xuân…”

Tôi choáng váng ngẩng đầu lên. Người đã không còn ở đây nhưng giọng nói mơ hồ vẫn văng vẳng bên tai. Cánh cửa phía trước khẽ rung, chuông gió treo bên trên phát ra những âm thanh leng keng, leng keng,…

3.

Bước chân tôi chậm rãi đi trên hành lang dài phủ đầy hoa nắng. Trường cấp ba của tôi rất rộng, kiến trúc lại vô cùng phức tạp với nhiều tòa nhà khác nhau. Tôi cứ rảo bước đi hết dãy hàng lang này đến dãy hành lang kia. Chân bắt đầu mỏi, nhưng tâm hồn lại chẳng mỏi mệt chút nào.

Đi mãi, đi mãi, cuối cùng cũng tìm thấy một góc tường loang lổ những vệt sơn màu. Đây chính là tác phẩm do trò chơi bóng nước cuối năm của khóa chúng tôi tạo nên. Khu vực này bị để lại hậu quả nặng nề nhất, dù có vệ sinh đủ mọi cách vẫn không thể xóa mờ đi dấu vết của một thời nông nổi.

Thanh xuân đi qua để lại rất nhiều cảm xúc. Nhưng nhiều nhất có lẽ là sự hối tiếc. Hồi còn là học sinh dưới mái trường, chúng tôi thường cùng nhau nói về tương lai, về những hoài bão và khát vọng. Chúng tôi giống như chú chim non khao khát mãnh liệt được bay ra khỏi lồng để khám phá những chân trời mới. Nhưng đến khi được bước chân ra cuộc đời như mong muốn rồi, chúng tôi lại tiếc nuối nhớ về thanh xuân.

Thanh xuân là đóa hoa chỉ nở một lần trong đời, cho nên lần bung cánh duy nhất phải thật rực rỡ cho xứng đáng một đời hoa. Hoa đã tàn thì chẳng thể tỏa hương. Thanh xuân đã trôi qua thì chúng ta không thể tiếp tục ẩn mình trong lớp vỏ trẻ con. Chúng ta đều phải trưởng thành.

Trưởng thành là một khái niệm đáng sợ. Để có thể một mình biểu diễn trên sân khấu lớn, thứ mà ta phải trả giá không đơn thuần chỉ là những giọt nước mắt. Nhưng ta vẫn phải biểu diễn. Tôi đã từng sai lầm tin rằng ở nơi quá khứ kia vẫn có người chấp nhận ở lại chờ tôi. Nhưng tại sao tôi lại có niềm tin mù quáng như vậy khi tôi chẳng thực sự đứng lại chờ một ai?

Học sinh có một thói quen xấu là không bao giờ xóa bảng trước khi tan học, luôn để bảng bẩn đến tận sáng hôm sau mới vội vàng lau. Tôi cầm khăn lau lên, làm một việc mà ngày trước đã không kịp làm.

Thầy hiệu trưởng đã nói, nợ thanh xuân thi phải trả lại thanh xuân

“Có khi nào chúng mình sẽ rời xa nhau không?”

“Ngốc này, lại suy nghĩ lung tung.” Anh gõ đầu tôi.

“Nếu có ngày hôm đấy, em sẽ ở lại tiết cuối để lau bảng của tất cả các phòng học. Đó là một việc không thể, cho nên em nhất định sẽ không rời xa anh.”

Tôi chậm rãi lau bảng, chậm rãi xóa đi những kí ức tươi đẹp năm xưa.

Tôi treo bức tranh lên tường. Đó là bức tranh vẽ hình ảnh ngôi trường cấp ba này. Trước khi ra trường, thầy hiệu trưởng biết khả năng hội họa của tôi nên đã nhờ tôi vẽ một bức cho thầy. Tôi đã vẽ bức tranh bằng cả trái tim mình, vẽ trong suốt năm năm. Hôm nay quay trở lại trường cũ đưa tranh, tôi thấy mái tóc thầy đã hoa râm.

Thầy hiệu trưởng đẩy gọng kính vàng lên, vừa ngắm bức tranh vừa tấm tắc khen:

“Tốt lắm, rất xứng đáng với những gì thầy kì vọng. Chỉ là vẽ lâu quá đấy. Con đợi ông già này về hưu mới mang tranh tới à?”

Thấy tôi ngại ngùng gãi đầu gãi tai, thầy cười ha hả:

“Thầy đùa vậy thôi. Con đã có lòng, nhà trường sẽ ghi nhận. Giờ trả nợ tranh xong rồi, con về đi kẻo muộn, lại đúng giờ tan tầm thì khổ ra.””

“Con còn một món nợ chưa trả.” Tôi thở dài.

“Nợ thanh xuân à?” Thầy cười. “Nợ thanh xuân thì không bùng được đâu, mau đi trả đi.”

“Sao thầy biết vậy ạ?”

“Sáng nay có một học sinh cũ về thăm trường, cũng nói hệt như con. Tuổi trẻ thật kì lạ. Lúc còn thì không biết trân trọng, sau lại tiếc nuối. Nói là trả nợ, nhưng biết trả bao nhiêu mới hết…”

Tôi đứng dưới sân trường, ngẩng mặt lên. Bầu trời đã tắt nắng, một màu xanh biếc phủ trùm lên ngôi trường. Nơi này vẫn y hệt như trong trí nhớ của tôi. Cảnh vật vẫn vậy, thứ thay đổi chỉ là con người mà thôi.

Trời đã vào thu. Trường tôi có rất nhiều cây, mỗi lần thu sang là lá vàng lại rụng đầy gốc cây. Đám học sinh chúng tôi thường có thói quen ngồi lên đám lá khô lạo xạo ấy để buôn chuyện về đủ mọi thứ trên đời. Tôi là con trai, đương nhiên không có sở thích buôn dưa lê bán dưa chuột như con gái. Phần lớn thời gian tôi đều dành để ngồi với em. Hai người ngồi bên nhau ngắm nhìn lá vàng rơi.

“Còn anh thì sao, nếu anh rời xa em, anh sẽ làm gì?”

“Anh sẽ nhặt từng chiếc lá vàng khắp sân trường, không bỏ sót một lá nào.”

Dưới một mảng trời trong xanh, tôi chậm rãi nhặt từng chiếc lá. Từng chút, từng chút kí ức được bỏ vào chiếc túi thanh xuân, chôn chặt vào trái tim.

blog radio, Chúng ta rồi cũng phải trưởng thành

4.

Những ngày sau đó, tôi tiếp tục lao mình vào guồng quay của công việc như bình thường. Nếu Dương Thùy không nhắc nhở rằng hôm nay tôi có hẹn với Nhật Long, tôi thật sự cũng quên khuấy luôn.

Tôi nghĩ rằng mình đã hết nợ rồi, cuộc hẹn này không còn lí do để diễn ra nữa.

Tôi đã xóa số di động của Long từ lâu, lục mãi trong danh bạ mới mò được số Đức Thanh. Tôi nhờ cậu ta hủy cuộc hẹn chiều nay. Cậu ta tỏ thái độ không hài lòng với quyết định của tôi. Tôi chả buồn giải thích lằng nhằng với cậu ta. Chuyện của người trong cuộc chỉ cần người trong cuộc hiểu là được rồi.

Cuộc điện thoại ngắn ngủi diễn ra có chục giây. Tôi cúp máy. Con bé Thùy đang gọt táo dở bỗng liếc mắt nhìn tôi một cái:

“Sao rồi, quyết định không gặp mặt nữa à?”

Tôi lắc đầu, với tay thả một miếng táo vào miệng.

“Còn gì chưa làm không? Có điều gì khiến mày còn nuối tiếc?” Nó mím môi. “Với tao, cứ nói, không cần giấu đâu.”

Tôi gãi gãi mũi, chần chừ đáp:

“Thật ra là còn một việc.”

Thế là tôi gục đầu vào vai nó, òa khóc như một đứa trẻ. Những giọt nước mắt thi nhau chảy dài xuống hai bên má. Tôi khóc vì rất nhiều người, rất nhiều chuyện, rất nhiều kỉ niệm, và cuối cùng là khóc cho một đoạn đường thanh xuân tươi đẹp. Tôi không nhớ rõ tôi đã khóc bao lâu, chỉ biết là đã khóc cạn khô nước mắt.

Tối hôm ấy, tôi ngủ rất sâu. Trong suốt hai năm kể từ sau khi chia tay, tôi chưa bao giờ có một giấc ngủ đẹp đến thế.

Cửa phòng bật mở, Đức Thanh vội vã chạy vào phòng. Cây bút trong tay tôi vẫn lướt từng nét mềm mại, hoàn toàn không vì hành động lỗ mãng của vị khách kia mà hỏng bức tranh. Tên này thi thoảng vẫn điên điên khùng khùng như thế, tôi đã quá quen với chuyện này rồi.

“Có chuyện gì?” Tôi ngẫm nghĩ một lát. “Nếu là về cuộc hẹn với Minh Hằng thì không cần đâu, mày từ chối cô ấy giúp tao.”

“Sao vậy?” Nó ngẩn ngơ.

“Những chuyện khúc mắc tao đã nghĩ thông suốt cả rồi.”

Đức Thanh nhe răng cười, cất di động vào túi:

“Thế thì ổn rồi, tao không còn chuyện gì nữa đâu. Mà mày đang vẽ cái gì đấy?”

Tôi đặt bút xuống, tâm đắc nhìn bức tranh mình vừa vẽ. Đó là hình ảnh một chú chim đang sải rộng cánh trên trời cao.

Cái giá đắt nhất mà thanh xuân phải trả chính là trưởng thành. Nhưng chính trưởng thành mới khiến chúng ta hiểu được giá trị của thanh xuân, và cũng nhờ có thanh xuân mà chúng ta hiểu được tầm quan trọng của trưởng thành.

Người ta thường nói: “Thanh xuân giống như một cơn mưa rào.” Mưa rào sảng khoái, nhưng ta đâu thể tắm mưa cả đời được. Nơi chúng ta thực sự thuộc về là bầu trời xanh yên bình kia.

Thanh xuân, đã đến lúc nói lời tạm biệt.

Cho tôi gửi một lời xin lỗi, và thật nhiều lời cảm ơn.

***

Một ngày của nhiều năm sau.

Hôm nay là một ngày bình thường, vẫn đi làm muộn như bao ngày khác. Từ khi Đức Thanh lấy vợ rồi chuyển sang ở riêng, hàng ngày chỉ có mình tôi quanh quẩn trong căn phòng trọ chật hẹp. Không còn ai tạt cả xô nước vào mặt mỗi sáng, báo thức lại không đủ dữ dội để lôi tôi dậy, thế nên đi làm muộn trở thành việc cơm bữa. Mẹ suốt ngày than thở về việc tôi đã ba mươi rồi mà chưa lấy vợ. Nhưng đấy đâu phải lỗi tại tôi. Ngày nào cũng sáng đi làm, tối đi dạo bờ hồ tìm kiếm bạn đời mà mãi duyên vẫn chưa tới. Mà dù gì hôn nhân cũng là chuyện cả đời, cho nên không thể vội vàng được.

Đã đi muộn rồi còn hay gặp đèn đỏ, tôi nhăn nhó dừng xe. Ánh mắt chợt lướt đến ngôi trường ở bên kia con phố. Dưới tán cây râm mát, hai cô cậu học sinh trẻ tuổi đang cười nói với nhau. Tôi cảm thấy hình ảnh này rất quen thuộc, dường như đã từng xuất hiện trong quá khứ. Nhưng dù cố gắng đến đâu cũng không thể nhớ ra.

Tiếng trống trường vang lên giòn giã. Dưới tán cây kia đã không còn ai ở lại, chỉ có những chùm nắng thủy chung phủ lên mái trường một màu vàng lấp lánh.

Tôi thu ánh mắt lại, lắc đầu cười. Nghĩ nhiều làm gì cho đau đầu. Có lẽ, đó chỉ là Déjà vu mà thôi.

© Quỳnh Anh – blogradio.vn

Bài dự thi cuộc thi viết Nợ thanh xuân một lời xin lỗi. Để bình chọn cho bài viết này, mời bạn đọc, để lại bình luận, nhất nút "Bình chọn" ở chân bài viết và chia sẻ lên các mạng xã hội. Thông tin chi tiết về cuộc thi viết mời bạn xem tại đây.

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Định mệnh là gì?

Định mệnh là gì?

Chúng tôi vẫn giữ thói quen buổi tối trò chuyện với nhau, nhưng cũng chỉ là những câu hỏi xã giao như một thói quen khó bỏ. Tôi cảm nhận được điều gì đó giữa hai đứa nhưng lại chẳng thể gọi tên, vì tôi tin anh và yêu anh.

Mãi sau này...

Mãi sau này...

Quá khứ dạy ta cách đi qua những vấp ngã, rèn giũa sự mạnh mẽ, điềm tĩnh khi đương đầu với khó khăn, cho ta sự thấu hiểu, bao dung, chia sẻ yêu thương hơn để chúng ta trân trọng từng khoảnh khắc ở hiện tại và hi vọng về một tương lai tốt đẹp ở phía trước.

Khoảnh khắc

Khoảnh khắc

Hỏi tôi đã bỏ lại điều gì của mình vào những ngày hè năm ấy, tôi chỉ có thể trả lời rằng tôi đã bỏ lại chính bản thân mình. Một tôi hòa đồng vui vẻ nhiệt huyết, vô ưu vô lo, đổi lấy một tôi giờ đây đã khác, trầm lặng, giấu tất cả ở trong lòng mình

Tuổi ấu thơ ai bỏ lại trên đồng

Tuổi ấu thơ ai bỏ lại trên đồng

Cũng chẳng còn hay tết những vòng hoa Thành vương miện giả chơi trò công chúa Hoa đồng nội thơm dịu dàng một thuở

Nếu chúng ta còn duyên, mình chờ cậu trong hộp thư thoại…

Nếu chúng ta còn duyên, mình chờ cậu trong hộp thư thoại…

Cậu thấy thời gian có tàn nhẫn không? Nó chưa từng dừng một giây, để suy nghĩ về việc phủ bụi trần lên những mảnh ký ức của chúng mình. Cũng như chúng mình cũng chưa từng dừng một giây nào để ngừng nghĩ về nhau.

Gửi em

Gửi em

Mong gặp em và mong được nhìn ngắm Trái tim này cất giữ tạo nên thơ

Dạy con ngưng hi sinh, dạy con biết thương mình!

Dạy con ngưng hi sinh, dạy con biết thương mình!

Cha mẹ có thương con hay không? Chắc chắn là có. Nhưng nó không lớn đến nỗi cứ hi sinh và không mong nhận lại như mọi người hay lầm tưởng hoặc lảng tránh sự thật. Thực chất thứ họ cho đi là một tình thương có điều kiện chứ không hẳn là hi sinh.

Quan họ không lấy nhau

Quan họ không lấy nhau

"Giới trẻ bây giờ lạ thật, mới gặp người ta vài lần đã nghĩ tới chuyện đặt tên cho con luôn rồi"

Nốt trầm tuổi 30!

Nốt trầm tuổi 30!

Trưởng thành là đánh đổi của rất nhiều những vấp ngã, thất bại và biến cố xảy đến. Chúng ta có lẽ đã từng khóc thầm trong đêm bởi bất lực, bởi mệt mỏi, bởi mọi thứ dường như đều sụp đổ. Nhưng chính là khi đi qua mọi chuyện, chúng ta đã mạnh mẽ như hiện giờ.

Tuổi thơ và Ngoại

Tuổi thơ và Ngoại

Tôi yêu những món đồ chơi ngoại làm cho tôi, vì lúc đó ngoại cũng nghèo không thể cho tôi được những món đồ chơi đẹp đẽ như các bạn, nhưng những món đồ chơi ngoại làm cho tôi thì tôi chắc rằng các bạn không thể mua được.

back to top