Phát thanh xúc cảm của bạn !

Chôn quá khứ, giấu nỗi đau

2020-10-11 01:25

Tác giả: Lam


blogradio.vn - Họ chọn giữ những nỗi đau cho riêng mình không phải vì sợ phải nói ra, càng không phải để che giấu lỗi lầm của người khác. Chỉ vì họ không muốn để quá khứ quay lại cắn xé hiện tại, giống như ông ngoại cả đời không bao giờ thanh thản được. Người đang sống thì vẫn phải sống tiếp thôi.

***

“À, con Hồng khùng đó hả? Nó dở điên dở dại mười mấy năm nay rồi. Tội nghiệp lắm”.

Đó là phần mở đầu quen thuộc cho câu chuyện bà Tư tạp hóa đã kể đi kể lại không biết bao nhiêu lần mỗi khi có ai đó hỏi về người đàn bà ngồi im lìm đằng sau khung cửa sổ ngôi nhà sân gạch. 

Vẻ xưa cũ bao trùm lấy căn nhà bằng màu rêu phong phủ trên mái ngói, cây cột cái rệu rạ chống đỡ những xà dọc xà ngang tưởng chừng sắp đổ ập xuống bất cứ lúc nào. 

Những vết dấu thời gian làm ngôi nhà trở nên nhỏ nhoi giữa xóm Mã bây giờ đã mọc lên nhiều mái nhà tôn che trên tường gạch. Không nhiều người trong xóm còn nhớ rằng đó từng là tổ ấm khang trang vững chãi nhất vùng của nhà ông Hai Thịnh, ông ngoại tôi. Còn người đàn bà ngồi đóng đinh ánh mắt của mình lên bụi bông trang trổ đỏ rực dưới bàn thiên ngoài sân là dì Hồng, em gái ruột của mẹ tôi.

Tôi không biết dì Hồng bắt đầu ngồi sau cửa sổ từ bao giờ. Bởi từ khi tôi bắt đầu nhận thức được thế giới xung quanh, dì đã ngồi đó, ngày này qua ngày khác, lặng thinh. 

Đám con nít trong xóm sẽ chạy thật nhanh mỗi lần đi ngang nhà tôi vì hình ảnh của dì lởn vởn trong những lời hù dọa lúc tụi nó không chịu ăn cơm hay trốn giấc ngủ trưa. 

Bước chân của người lớn cũng bất giác khẩn trương hơn khi băng qua khoảng sân gạch đỏ. Họ nói cái nhìn của dì Hồng làm cho không khí đặc quánh, lờ đờ. 

con_giap_2

Ở bên trong nhà cũng vậy. Nhưng có lẽ, tôi đã quen với sự trầm mặc bao phủ khắp mọi ngóc ngách trong nhà mình. Đến nỗi tôi không biết rằng trong bữa cơm của một gia đình bình thường, ngoài tiếng đũa khua trong lòng chén còn có vô vàn những thanh âm khác, tiếng đứa trẻ nài nỉ mẹ cho xuống xóm dưới chơi với con Na, tiếng thời sự đưa tin đợt áp thấp nhiệt đới, cuộc đối đáp giữa hai vợ chồng về giá của cặp bò mới bán,... 

Ở nhà tôi, ngoài những lúc mẹ hỏi han tôi về chuyện ở trường, bữa ăn hoàn toàn rơi vào im lặng, thỉnh thoảng có tiếng tằng hắng theo thói quen của cha tôi. 

Ông ngoại chỉ cúi mặt ăn cơm rồi ra trước nhà nằm đung đưa trên võng nghe cải lương từ cái đài cũ kỹ. Không hiểu do bản tính hay bị môi trường sống tác động, tôi lớn lên cũng kiệm lời như cha và ông ngoại.

Tôi chưa bao giờ nghe dì Hồng cất tiếng. Điều duy nhất chứng minh dì còn sống là dì có phản ứng sau mỗi tiếng gọi của mẹ tôi.

“Hồng ơi, ăn cơm”.

“Lại đây chị hai chải đầu cho”.

“Hồng, vô ngủ”.

Chuyển động của dì cũng chậm chạp và vô hồn hệt như ánh mắt. Mỗi lần dì quay người rời khỏi khung cửa sổ, tôi tưởng tượng các khớp xương của dì giống như những bánh răng của một guồng máy bị bỏ quên lâu ngày không tra thêm dầu, khô khốc. 

Mẹ tôi nói dì nghe hiểu hết những gì diễn ra xung quanh, chỉ là cơ thể dì chọn từ chối hồi đáp lại. Sau này tôi mới nghe mẹ kể, ngôn từ rời bỏ dì Hồng từ cái ngày hôm đó.

noi-nho-2

Ông ngoại tôi là con trai duy nhất của gia đình điền chủ giàu có nhất nhì vùng này. Ngày trẻ, ông từng thương một người phụ nữ tên Thanh. Cô Thanh đẹp nhưng nhà cô nghèo tới nỗi ba con người phải chen chúc nhau sống lênh đênh trên chiếc ghe nhỏ xíu. 

Bà cố tôi khóc hết nước mắt ngăn cản chuyện tình không môn đăng hộ đối này. Ông ngoại là một người con có hiếu, cũng là một người đàn ông nặng tình, ông vốn định dùng thời gian để từ từ xoa dịu bà cố, xin phép bà cho ông cưới cô Thanh. Nào ngờ, trong trận bão năm đó, chiếc ghe nhà cô Thanh không chống đỡ nổi, ba người trong nhà đều bỏ mạng. 

Ông ngoại trở nên lầm lì sau biến cố đó. Bà ngoại tôi được gả vào nhà theo ý bà cố để xoa dịu ông. Ông bà ngoại đành thuận ý sống với nhau.

Mẹ tôi và dì Hồng lần lượt ra đời. Ông ngoại cần mẫn ra ngoài làm ăn, bà ngoại trong nhà một tay thu vén gia đình. Họ trở thành ví dụ điển hình của tính từ viên mãn. Ít ai biết rằng, bà ngoại hay ôm lấy mẹ tôi và dì Hồng rồi khóc, ông ngoại vẫn uống say đến không biết gì vào ngày mất của cô Thanh.

Cứ vậy, ông bà ngoại vẫn hằng đêm tự mình ôm lấy những đổ vỡ trong lòng, lay lắt sống qua ngày. Điều đó làm tôi liên tưởng đến những ngôi sao, chúng xa xôi và lấp lánh nhưng ánh sáng mà người ta đang thấy được có thể đã tắt cách đây cả triệu năm.

Dẫu lớn lên trong sứt mẻ, tâm hồn của mẹ và dì vẫn nguyên lành và đầy trông đợi. Năm đó, dì Hồng mười sáu, mẹ tôi mười tám. Lại thêm một ngày giỗ cô Thanh. Ông ngoại lại chìm trong rượu. Gần hai mươi năm chung sống, bà ngoại trở nên bình thản và coi đó là việc bình thường như mỗi tháng có một ngày rằm, mỗi năm có dăm ba ngày giỗ chạp. 

Bắt đầu từ mấy năm trước, mẹ tôi và dì Hồng thay bà ngoại đi tìm ông ngoại về nếu không, ông sẽ lại vạ vật nằm gió phơi sương ở một bụi bờ nào đó.

songviminh

Lần đó, cũng như nhiều khi, mẹ tôi trở về sau khi hỏi thăm một lượt ở xóm trên vẫn không ai thấy ông ngoại. Ông đã ở nhà trước cả khi hai đứa con gái tìm thấy ông. Vừa đặt lưng xuống, ông ngoại ngủ liền một giấc tới sáng hôm sau, không biết rằng đêm hôm đó xảy ra một biến cố làm thay đổi phần đời còn lại của những người ở trong căn nhà đó.

Chập tối, dì Hồng chưa về. Bà ngoại và mẹ thắp đèn đi tìm. Nhiều năm sau người ta vẫn còn sợ hãi nhắc lại bộ dạng dì Hồng chầm chậm đi về từ khu mả ở xóm dưới. Bộ đồ trắng dì mặc lúc chiều giờ không còn nhìn ra được màu nữa, mái tóc dài của dì xổ tung che hết nửa khuôn mặt, dì cắn môi chặt tới chảy máu, ánh mắt trống rỗng. 

Bà ngoại nén run rẩy đưa dì về. Trên đường, bóng của ba người dìu lấy nhau hắt qua ánh đèn leo lét lạ kì. Người trong xóm túa ra thảng thốt, trẻ con khóc ré lên, tiếng chó sủa dọc từ khu mả về gần sân gạch. Bà ngoại thay đồ cho dì Hồng, khóc ngất khi dưới đáy quần dì là vệt máu đã khô. Ông ngoại vẫn không tỉnh dậy.

Một cơn bão đồn đoán dậy lên trong xóm Mã. Họ nghe, họ kể lại, họ đơm đặt, thêm thắt. Ai, là ai đã làm hại cô Hồng? Thằng Tình xì ke lang thang đầu đường xó chợ? Thằng Hải hay chặn đầu xe xin tiền hút thuốc? Những người trong cuộc thì im bặt. Những lời bàn tán râm ran cũng im bặt khi nhác thấy bóng họ ở đằng xa thay vào đó là ánh nhìn chua xót.

Dì Hồng nhốt mình trong phòng, cự tuyệt tất cả. Bà ngoại gần như phát điên. Ông ngoại từ dằn vặt mình bằng rượu, nhiều hơn cả số rượu ông đã uống mười mấy năm qua cộng lại.  Chỉ cách có mấy ngày, ông ngoại như già thêm mười tuổi. Mặt ông cúi gằm, quai hàm lúc nào cũng bạnh ra, đường gân xanh nổi lên giật giật liên hồi. 

Mẹ tôi kể đó là khoảng thời gian tăm tối nhất cuộc đời mẹ. Bà ngoại đổ bệnh rồi không bao giờ dậy nữa. Một mình mẹ tôi phải đứng ra lo chu toàn mọi việc.

anh-co-danh-roi-nhip-nao-9

Dì Hồng có thai. Suốt những tháng đó, dì chỉ quẩn quanh trong nhà như một cái bóng. Hôm dì trở dạ, mưa mịt trời. Đứa nhỏ chết ngay sau khi được sinh ra. 

Mấy năm sau, mẹ tôi lấy một anh làm công lành như cục đất. Cha tôi tới ở rể nhà ông ngoại. Dì Hồng bắt đầu ra ngồi sau cửa sổ. Ông ngoại vẫn cứ cúi mặt bất kể trong nhà hay ngoài đường, chẳng hiểu là xấu hổ vì những lời đàm tiếu hay tự oán bản thân mình bất lực nhìn gia đình tiêu tán. 

Mười mấy năm rồi, năm người chúng tôi vẫn lặng lẽ sống chung dưới một mái nhà. Thời gian phủ bụi lên những vết thương hằn sâu trong tâm thức.

Ông ngoại gần nửa cuộc đời nhìn ngón chân mà sống, lúc chết lại mở trừng đôi mắt trắng dã nhìn mãi lên trần nhà. Mẹ vuốt mắt cho ông.

Giữa lúc chòm xóm xôn xao phụ mẹ việc này việc nọ để lo đám tang ông ngoại, không ai để ý đến dì Hồng đang chậm chạp tiến lại chỗ ông ngoại nằm. Lúc họ nhận ra, dì đã đứng sát bên thi thể đang cứng dần của ông, khó nhọc điều khiển lại dây thanh quản đã lâu không dùng tới. 

Thời khắc người đàn bà thốt lên những từ đầu tiên sau mười mấy năm nín lặng thế giới bỗng trở nên im ắng lạ kì. Từng từ một bật ra từ đôi môi khô khốc của dì, như một mũi dao xé toang không khí.

“Con...con là Hồng… không phải cô Thanh đâu ba”.

Lặng phắc. Như thể chỉ còn dì Hồng là sinh vật sống duy nhất. Không ai dám thở mạnh. Mọi ánh mắt đều đổ dồn về mẹ. Tôi thấy một tia gì ánh lên trong mắt mẹ. Câu nói tiếp theo của mẹ khiến cho tôi không hiểu được đến mãi tận sau này.

“Con Hồng nó bị điên mà, kệ nó, đừng nghe chi mất công”.

co-gai-10

Mẹ kéo dì Hồng ra khỏi giường ông ngoại, nhốt dì trong phòng cho tới hết đám tang. Lúc dì Hồng quay đi, tôi thấy khóe mắt dì rơi xuống một giọt nước. Nước mắt của dì rơi tõm vào tuổi mười lăm của tôi, xuyên qua khoảng không thành một thứ ánh sáng lấp lánh.

Dì Hồng quay trở về ngồi sau cửa sổ. Mẹ vẫn gọi dì Hồng ăn cơm, vệ sinh, đi ngủ. Những bữa cơm gia đình vẫn tĩnh lặng dù đã trống mất một chỗ ngồi. Không ai nhắc đến việc dì Hồng đã nói trong đám tang ông ngoại. Mọi thứ bình thường đến mức khiến tôi nghi hoặc rằng việc tôi chứng kiến ngày hôm đó, câu nói và giọt nước mắt của dì Hồng liệu có thật sự đã diễn ra hay chỉ là ảo giác. 

Tôi không hiểu, cơ hội để biết được sự thật đằng sau sự im lặng của dì Hồng có thể sẽ không bao giờ quay lại nữa, sao mẹ lại bỏ qua. Chẳng lẽ mẹ cho rằng lời của dì Hồng lúc đó thật sự chỉ là lời của một người điên?

Sau này, như đọc được câu hỏi vẫn luôn ám ảnh trong tôi, có lần mẹ nhìn tôi rất lâu rồi nhẹ nhàng nói.

“Sẽ có lúc con hiểu được sự lựa chọn của mẹ. Người đang sống thì vẫn phải sống tiếp thôi”.

con_giap_1

Rất nhiều năm sau tôi trở về, căn nhà cũ giờ chỉ còn lại cha mẹ tôi dựa vào nhau mà sống. Dì Hồng đã mất cách đó không lâu. Tôi thấy mẹ ngồi yên bên khung cửa sổ, chỗ dì Hồng vẫn ngồi, lặng lẽ rơi nước mắt. Khoảnh khắc đó tôi nhận ra mẹ và dì Hồng giống nhau nhiều đến mức nào. 

Họ chọn giữ những nỗi đau cho riêng mình không phải vì sợ phải nói ra, càng không phải để che giấu lỗi lầm của người khác. Chỉ vì họ không muốn để quá khứ quay lại cắn xé hiện tại, giống như ông ngoại cả đời không bao giờ thanh thản được. Người đang sống thì vẫn phải sống tiếp thôi.

© Lam - blogradio.vn

Xem thêm: Tuổi trẻ đừng từ chối cô đơn


 

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Thích cậu là bí mật thầm kín nhất của tớ

Thích cậu là bí mật thầm kín nhất của tớ

Cậu biết không, tớ đã đứng trước gương hàng trăm lần, rồi tự tưởng tượng trước mặt tớ là cậu. Và tớ sẽ nói hết cho cậu biết rằng tớ đã thích cậu nhiều như thế nào. Nhưng khi thực sự bắt gặp ánh mắt cậu, bao lời văn mà tớ đã chuẩn bị như bốc hơi mất chẳng còn lại gì

Tiếng lòng anh

Tiếng lòng anh

Thơ hát nhỏ nhỏ trong miệng, cô nghe như những âm điệu thiết tha nhất từ chính trái tim anh đang truyền từng nhịp từng nốt qua tim cô.

Van Gogh và các danh nhân nổi tiếng đã đọc cuốn sách nào khi trẻ

Van Gogh và các danh nhân nổi tiếng đã đọc cuốn sách nào khi trẻ

Những cuốn sách này ít nhiều làm thay đổi bản thân người nghệ sĩ, giúp họ xoa dịu nỗi đau và là niềm cảm hứng để họ tạo nên những kiệt tác.

Chăm chỉ thời cơ sẽ tới, sau nghỉ lễ 30/4, 4 con giáp này được Thần tài lặng lẽ ban phúc lộc, tiền bạc rủng rỉnh, trả hết nợ nần

Chăm chỉ thời cơ sẽ tới, sau nghỉ lễ 30/4, 4 con giáp này được Thần tài lặng lẽ ban phúc lộc, tiền bạc rủng rỉnh, trả hết nợ nần

Để chờ đón những ngày nghỉ lễ thật tuyệt vời, hãy xem dự báo cuộc sống của 4 con giáp này có gì thay đổi bất ngờ.

Hãy để vũ trụ vận hành, việc của bạn là yêu bản thân mình mà thôi!

Hãy để vũ trụ vận hành, việc của bạn là yêu bản thân mình mà thôi!

Bình tĩnh! Chậm lại thật sâu rồi bản thân sẽ tự phát hiện ra những giá trị cốt lõi, những tài năng và điểm mạnh của mình để vun trồng, bồi đắp và tu dưỡng. Chính những giá trị ấy sẽ đưa chúng ta vào một chu kỳ tuần hoàn mới của cuộc sống

Lời hứa tháng mười (Phần 3)

Lời hứa tháng mười (Phần 3)

Về nhà cô đúng thực là một nàng công chúa, không nhà cao xe sang hay khoác lên người bộ váy lấp lánh. Nơi đây chỉ là một vùng quê với con đường nhỏ rợp hàng cây xanh, căn nhà cây được ba cô giữ gìn từ thời ông nội tới giờ. Nhưng nơi đây có những không khí yên bình và những người quý giá nhất đối với cô.

Tình ban đầu

Tình ban đầu

Nụ cười trong như ánh nắng ban mai Cho hồn em thơ thẩn buổi bình minh

Có một người lạ làm em yêu đến đau lòng

Có một người lạ làm em yêu đến đau lòng

Trái đất hình tròn mà sao mãi em chẳng gặp lại anh. Người ta nói nếu hai người là của nhau thì đi một vòng cũng sẽ quay về bên nhau, có lẽ em và anh mãi chẳng phải là của nhau. Nếu có gặp lại chắc có lẽ cũng như người xa lạ phải không anh?

Big Five - Mô hình tính cách với 5 yếu tố lớn: Bài trắc nghiệm giúp bạn nhận biết bản thân và tận dụng thế mạnh của mình để phát triển mạnh mẽ

Big Five - Mô hình tính cách với 5 yếu tố lớn: Bài trắc nghiệm giúp bạn nhận biết bản thân và tận dụng thế mạnh của mình để phát triển mạnh mẽ

Mô hình tính cách Big Five này nói rằng tính cách có 5 yếu tố cốt lõi: Cởi mở, Tận tâm, Hướng ngoại, Dễ chịu và Bất ổn cảm xúc.

back to top