Nơi đâu là bão tố, nơi nào là bình yên?
2020-06-15 01:27
Tác giả: Tử Dạ
blogradio.vn - Tình yêu với gia đình từ lâu đã hòa chung với tình yêu biển đảo, tình yêu Tổ quốc. Bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng không chỉ dừng lại ở hai chữ “trách nhiệm” mà hơn hết đó là sự “tự nguyện”, tự nguyện yêu, tự nguyện giữ gìn và tự nguyện hy sinh.
***
Tôi đến đảo vào một ngày biển động, mây đen vũ vần cuồn cuộn trên bầu trời, sóng biển thét gào từng hồi lao vun vút vào con tàu đang dập dềnh ngoài xa làm thành những tiếng ầm lớn. Gió biển giằng xé như muốn hất tung chiếc mũ lưỡi chai đã được xiết vào đầu thật chặt. Đây là biển, là đảo, là một nơi rất xa tôi muốn đặt chân đến khi đang chốn chạy những mảnh ký ức thực tại.
Hôm nay sẽ là đám cưới của tôi nếu như chuyện tồi tệ không xảy ra. Cô ấy, một cô giáo miền xuôi xung phong tham gia vào chương trình “Cõng con chữ lên thôn bản” của thành phố. Cô ấy tràn đầy nhiệt huyết và sức trẻ. Cô ấy mãi mãi mỉm cười ở tuổi hai tư và cứa vào tim tôi những vết thương sâu hoắm.
Tôi yếu đuối và hèn nhát khi chẳng thể chấp nhận được sự ra đi của cô ấy. Tôi thu dọn đống quần áo rồi nhét đấy nhét để vào chiếc balo to bự. Tôi rời khỏi mảnh đất Sài Thành để chạy trốn tới vùng đảo xa xôi với danh nghĩa là nhà báo của báo Quân Đội đi tác nghiệp ngoài Trường Sa để viết bài về chủ đề “Trường Sa mùa biển động”.
Tàu lênh đênh trên biển suốt suốt 48 giờ, anh trưởng đoàn thỉnh thoảng lại ghé các phòng hỏi thăm sức khỏe từng thành viên, tiện thể nói vài câu động viên trấn an tinh thần anh em. Tôi nằm trên giường lặng thinh nghe tiếng sóng biển đập vào bong tàu, đó là những tạp âm hỗn độn, không có quy luật và giằng xé. Chuỗi âm thanh kết hợp với cái dập dềnh không theo quy luật ấy chứa đựng một thứ gì đó rất huyền bí, giống như những bí mật của đại dương chưa bao giờ được con người khai phá. Tôi ghét gió, ghét bão lũ, ghét tất cả những thanh âm hiện tại. Bật chiếc radio đã hơi cũ trên đầu giường, tôi ôm gọn đống chăn gối vào trong lòng lặng yên nghe giọng nói của chị phát thanh viên trong chương trình dự báo thời tiết mỗi ngày. Âm thanh phát ra hơi ngắt quãng, xen kẽ giọng nói đặc chất Sài Gòn là những đoạn “è…è” bất thành quy luật, tuy vậy vẫn có thể hiểu trọn vẹn nội dung. Khoảng 24 giờ nữa bão sẽ tiến sát vào quần đảo Trường Sa, tâm bão dự đoán sẽ cách đảo Song Tử Tây 30 hải lý, gió giật cấp 8 cấp 9 trên cấp 10 cấp 11, sức gió gần tâm bão có thể giật cấp 11 cấp 12 biển động mạnh. Thực sự lúc ấy tôi cũng chẳng biết gió cấp 11, 12 là như thế nào bởi lẽ một người sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn sẽ chẳng bao giờ gặp cấp gió mạnh như vậy. Ấy thế mà ngày đầu tiên đến đảo tôi đã được biển xanh đón chào bằng những trận gió thét gào dữ dội như thế đấy.
Con tàu liên tiếp bị những trận sóng cao hơn hai mét đánh ập vào, tiếng rào rào của bọt nước quyện với tiếng gió rít xuyên qua từng lớp quần áo làm thành tiếng “phành phạch”, chiếc mũ như muốn bị hất tung ra cuốn theo cột gió bay lên trời. Sóng biển dập dềnh khiến con tàu bị nhấc bổng lên cao rồi thấp hẳn xuống dưới, khó khăn lắm cả đoàn mới đặt chân được lên đảo.
Sau khi dẫn đoàn đi tham quan một vòng chỗ ăn, chỗ sinh hoạt đồng chí chỉ huy trưởng dẫn chúng tôi đến phòng nghỉ dành cho khách, căn phòng nhỏ với diện tích chưa đầy mười mét vuông nhưng mọi thứ được sắp xếp vô cùng ngăn nắp.
- Các anh em nhà báo thông cảm, hôm nay đơn vị bận rộn triển khai chống bão nên chưa thể tiếp đón mọi người tận tình được. Bây giờ tôi phải đi làm nhiệm vụ, anh em nhà báo có vấn đề gì thì liên hệ đồng chí Thắng. Đồng chí Thắng, đây là anh em nhà báo của báo Quân đội, đồng chí có nhiệm vụ giúp đỡ các anh trong thời gian tôi không có mặt.
Đồng chí hải quân tên Thắng đứng nghiêm người, giơ tay lên ngang trán nhận nhiệm vụ.
- Báo cáo thủ trưởng. Rõ!
Anh chỉ huy trưởng phân phó xong liền rời khỏi. Tuy tướng tá của anh khá cao lớn nhưng bước đi rất nhanh nhẹn. Chớp mắt bóng anh đã khuất dần sau đám cây bàng vuông ngoài ô sân nhỏ. Từ cái cách anh quan tâm đến anh em trong đoàn tôi có thể cảm nhận được anh thực sự là người “anh lớn” chu đáo và tỷ mỉ.
Mưa lất phất râm ran từ lúc chúng tôi lên đảo, đến bây giờ mưa đã to hơn một chút nhưng cũng chưa xem là mưa lớn. Gió không còn thổi mạnh như lúc chiều, thỉnh thoảng có cơn gió rất nhẹ hiu hiu thổi qua nhưng cũng không đủ sức làm những ngọn cây bàng vuông vốn sinh ra và lớn lên trong gió bão bị lung lay. Ngoài kia quân và dân đang miệt mài với công tác chống bão, kiểm tra đi kiểm tra lại vẫn chưa an tâm. Tuy rằng người dân và các chiến sĩ trên Song Tử Tây đã sớm quen rồi với bão táp mưa sa nhưng không có nghĩa họ lơ là cảnh giác. Trời tờ mờ tối, không khí ngày càng yên tĩnh hơn, lòng tôi cũng sớm trầm xuống.
Đồng chí Thắng từ trong nhà bếp mang ra cho tôi một củ khoai vừa luộc chín. Củ khoai nóng hổi nhào lộn từ tay này sang tay kia tỏa ra làn khói trắng nghi ngút. Anh nhét vội củ khoai vào tay tôi rồi cười nhoẻn.
- Anh nhà báo vừa nãy chưa ăn gì, tôi vừa lấy trong bếp được của khoai mới luộc còn nóng nguyên, khoai lang Đà Lạt chính hiệu đấy.
Tôi cầm củ khoai trong tay mà thấy ấm lòng. Cũng chẳng biết nói gì để bày tỏ sự xúc động ngoài câu cảm ơn chân thành.
- Cảm ơn anh Thắng.
Anh Thắng cười, vỗ nhẹ lên vai tôi rồi nói.
- Ông đừng quá khách sáo như vậy, lính đảo chúng tôi gần gũi mà thân thiện lắm, cứ xem chúng tôi như bạn bè là được rồi. Với lại đừng gọi tôi là anh này anh nọ, tôi năm nay hai mươi tư, bằng tuổi ông đấy.
Tôi hơi bất ngờ khi Thắng nói năm nay mới hai mươi tư tuổi. Mới lần đầu gặp mặt tôi ngỡ Thắng năm nay đã ngoài ba mươi bởi nước da sạm đen vì nắng, đuôi mắt có chút vết hằn, thân hình hơi nhỏ và nhanh nhẹn toát lên vẻ trưởng thành khi khoác lên mình bộ quân phục hải quân tôn nghiêm. Một điều nữa khiến tôi bất ngờ là vì sao Thắng lại biết tôi cũng hai mươi tư tuổi nhỉ? Vẻ mặt bất ngờ khó hiểu của tôi khiến Thắng nhoẻn cười lần nữa.
- Hồi chiều tôi nhìn lén trên thẻ công tác của ông. Quả thực nếu đứng cùng nhau sẽ không ai nghĩ tôi và ông cùng tuổi.
Hóa ra anh chàng này cũng lém lỉnh chẳng kém ai, mới gặp lần đầu đã nghĩ đến chuyện nhìn lén tuổi của tôi cơ đấy. Chẳng biết vì sao tôi bỗng nhẹ lòng, không còn giữ khoảng cách khi nói chuyện như lúc vừa mới đến, và trong đầu bỗng nảy ra vài câu nói đùa.
- Ừm, thì ra bằng tuổi lại được nâng chức từ “anh” lên “ông” cơ đấy.
Cả hai cùng bật cười vì câu nói hài hước của tôi.
Nửa đêm gió giật ầm ầm trên nóc nhà, những cành bàng vuông rắn rỏi lảo đảo theo chiều gió thỉnh thoảng lại va chạm vào nhau phành phạch. Mưa ngày một lớn kèm theo tiếng sấm rụng xuống mặt biển đang thét gào dữ dội. Thỉnh thoảng trong đám tạp âm lại nghe thấy tiếng hú lên của con tàu đang thả neo ngoài bến. Cả hòn đảo chơi vơi giữa đại dương rộng lớn tựa như một con thuyền nhỏ đang lạc trong cơn bão đêm của biển cả chỉ có thể gồng mình đón những cơn thịnh nộ từ mẹ thiên nhiên.
Nhóm thành viên chia nhau tác nghiệp, mỗi người chỉ kịp khoác lên mình chiếc áo mưa dù chuẩn bị từ đất liền ra. Anh trưởng đoàn cố gắng dùng những mảnh nilon trùm kín những vị trí dễ bị vào nước trên chiếc máy quay, xiết chặt quai đeo vào mình để chiếc máy không bị rung trước khi lao vào đêm tối rồi mất hút. Tôi đi theo chân Thắng cùng mấy đồng chí hải quân khác đến canh gác tại trạm gần ngọn Hải Đăng. Có lẽ cũng giống như một người lính hải quân dày dặn kinh nghiệm, dù cho đang phải đối mặt với bão tố nhưng ngọn hải đăng vẫn hiên ngang sừng sững nhìn về phía biển, vẫn lao động miệt mài như bao năm qua đã từng. Đây là ngọn hải đăng được xây dựng đầu tiên trên quần đảo Trường Sa, cũng là ngọn cao thứ hai trong số những ngọn được xây dựng trên đảo.
Các đồng chí hải quân chia nhau làm nhiệm vụ, sẽ có hai đồng chí đứng gác tại trạm này và ba đồng chí tuần tra quanh đảo. Mặc dù thời tiết xấu nhưng công tác triển khai không hề chậm trễ. Thắng tháo xích cổ cho chú chó nghiệp vụ rồi hô lớn hiệu lệnh.
- Vàng, mau qua phía bên kia.
Chú chó nghe theo lệnh Thắng chạy vọt về phía ấy, dù bộ lông đã ướt nhèm vì mưa nhưng vẫn xông pha như một chiến sĩ thực thụ. Trước khi đi tuần tra Thắng còn không quên nhắc nhở tôi như một ông cụ non già đời.
- Ông tác nghiệp cẩn thận, chút nữa gió sẽ rất mạnh, mưa cũng lớn. Nếu thời tiết quá xấu ông nên về phòng chờ.
Tôi đấm nhẹ lên vai thằng bạn cùng tuổi, gật đầu đồng ý.
- Được rồi ông tướng, đừng quên tôi cũng là lính xuất thân từ Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội. Tôi và ông cùng là người lính, cùng lao động vì Tổ quốc này.
- Đúng, chúng ta cùng là lính!
Thắng cười rồi quay mặt hướng về biển, tay ôm chắc khẩu súng trường nặng chịch. Bước chân vững chãi đặt lên từng hòn đá, từng bãi cát san hô để tuần tra quanh đảo. Tuy màn đêm đã che khuất đi một phần những thân hình bé nhỏ ấy nhưng tôi có thể cảm nhận được vẻ nghiêm nghị, tinh thần cảnh giác cao độ cùng sự say mê trong ánh mắt. Đứng trước biển cả đang thét gào họ thật nhỏ bé nhưng tinh thần quả cảm, sự hy sinh của họ thì không gì có thể sánh bằng kể cả đại dương rộng lớn kia.
Tờ mờ sáng đài khí tượng thủy văn có thông báo mới, cơn bão đã đột ngột chuyển hướng lên phía bắc nghĩa là bão sẽ không đi ngang qua đảo nữa. Tôi thở phào nhẹ nhõm cất gọn tấm hình của cô gái mãi mãi tuổi hai tư ấy vào trong balo rồi mặc bộ đồ được may theo phong cách quân phục lên người. Qua tấm kính mờ trông tôi như thể một người lính trưởng thành thực thụ vậy.
Tiếng trống đồng từ bia tưởng niệm vang lên hòa quyện với tiếng sóng biển êm dịu. Tất cả sĩ quan trên đảo nghiêm trang nhìn về lá cờ Tổ quốc hát vang những ca từ hùng hồn của dân tộc. “Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc. Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa, cờ in máu cứu quốc mang hồn nước, súng ngoài xa chen khúc quân hành ca…”
Giông bão đi qua trả lại sự bình yên cho đảo. Qua một đêm mưa gió Song Tử Tây lại chan hòa trong ánh mặt trời. Bởi lẽ khi sinh ra đã là hòn đảo xa nhất trong quần đảo Trường Sa nên Song Tử Tây là nơi đứng đầu sóng ngọn gió và cũng là nơi đầu tiên đón ánh nắng mặt trời. Chẳng phải tự dưng người ta gọi là “Đảo Phong Ba”, chẳng phải tự dưng những loài cây ở đây lại được gọi là “cây Phong Ba”, “cây Bão Táp”, mà bởi vì đảo và cây đều phải trải qua nhiều sóng gió mới có thể vươn lên tồn tại. Qua thời gian, gian nan và thử thách sẽ tôi luyện thành bản lĩnh và chỉ khi có bản lĩnh mới có thể trường tồn và không bao giờ bị hủy diệt, cũng giống như Song Tử Tây sau đêm bão vẫn có thể ngông cuồng đón ánh mặt trời.
Tôi đứng nghiêm trang nhìn về lá cờ đỏ sao vàng đã bạc màu đi vì nắng gió, hát vang bài Quốc ca hùng hồn, tiếng hát của chúng tôi và những người lính trẻ như được sóng biển cuộn tròn cuốn đi xa, thấm nhuần vào từng tấc đất, từng con sóng biển, đánh dấu chủ quyền biển đảo thiêng liêng.
Sau buổi chào cờ, tôi nán lại cùng một vài đồng chí trong ban nghi thức hỏi han dăm ba câu, tình cờ biết được trong lúc tuần tra quanh đảo có một đồng chí hải quân bị cành cây lớn gãy rơi vào người, vết thương bên cánh tay chảy rất nhiều máu rất nhiều hiện giờ còn phải nằm lại trạm y tế đảo. Tôi còn nghe nói mặc dù bị thương nhưng đồng chí ấy nhất quyết tự đi về trạm y tế bởi vì không muốn đồng đội vì mình mà rời bỏ vị trí đang làm nhiệm vụ. Tôi theo chân một đồng chí đến trạm y tế Song Tử Tây thăm đồng chí bị thương đêm qua, và người ấy không ai khác chính là Thắng. Trong phòng tiểu phẫu có đến hai cô điều dưỡng trẻ đang chăm sóc vết thương cho cậu ấy, còn nhân vật bị thương thì đang nhắm nghiền hai mắt, cậu ta căng thẳng đến mức toàn thân cứng đờ, hai cô điều dưỡng thỉnh thoảng phải nhắc nhở cậu thả lỏng hai tay ra một chút còn cậu ta mỗi lần như vậy chỉ đáp lại bằng một câu duy nhất “sắp xong chưa đồng chí điều dưỡng ơi”.
- Ông là người bị thương nhưng được lời nhất đấy, có ai bị thương mà có đến hai cô điều dưỡng trẻ đẹp như thế này chăm sóc cho không?
Thắng giật mình mở mắt, dường như không nghĩ rằng tôi sẽ đến vào lúc này. Cậu bạn bối rối nhìn hai cô điều dưỡng xung quanh, có vẻ như đang lo lắng chuyện xảy ra từ lúc nãy đến giờ bị tôi nhìn thấy. Cậu gãi đầu rồi lấy lại vẻ dũng cảm thường ngày.
- Hai đồng chí điều dưỡng làm nhẹ quá, cứ mạnh tay đi tôi sẽ chịu được.
Tôi không nói gì chỉ cười nhỏ. Cậu bạn này trông kiên cường nhưng lại sợ đau, ấy thế mà thích sỹ diện và tôi đương nhiên không muốn làm lòng tự trọng của cậu bị tổn thương chút nào.
Mười lăm phút sau mọi việc hoàn thành. Tổ chăm sóc cho Thắng uống thuốc rồi rời khỏi. Thắng nằm trên giường đặt cánh tay lên bụng khẽ suýt soa.
- Tự dưng bị thương, như thế này lại mất một tuần nghỉ ngơi không được đi tuần đảo.
- Ông nằm đây được hai cô điều dưỡng trẻ đẹp chăm sóc là nhất rồi, còn thiết tha gì nữa.
Tôi nói đùa cốt là để cậu bạn bớt căng thẳng. Dẫu biết rằng tinh thần người lính luôn đặt lên trên hết nhưng sức khỏe của bản thân cũng không thể lơ là.
- Ông đừng nói đùa, tôi đã vợ con đầy đủ rồi không mơ tưởng gì nữa đâu.
- Tôi biết.
- Ông biết? Làm sao ông biết được, đây là lần đầu tiên tôi nói với ông chuyện này mà. Ông lại đùa tôi phải không. Haha.
Tôi rút một lá thư trong túi áo ra. Bao thư bị đất bùn làm lấm lem còn có đôi chỗ bị rách. Mảnh giấy bên trong tuy có vài vệt loang lổ nhưng nội dung bức thư vẫn còn nguyên vẹn. Thực sự tôi đã lén đọc bức thư này trước khi giao trả lại cho chủ nhân của nó. Dẫu biết rằng điều đó không nên nhưng có một thứ gì đó trong nội tâm thúc đẩy tôi phải đọc và tôi biết mình không hề hối hận khi làm điều đó.
Tôi căng thẳng đặt bức thư vào tay Thắng, sợ cậu bạn tức giận khi biết tôi đã lén đọc hết bức thư trước khi giao trả. Cũng có thể cậu ấy sẽ nói vài câu trách móc hoặc là chấm dứt mối quan hệ giữa chúng tôi. Điều ấy tôi không biết được. Thắng cầm bức thư từ tay tôi, bàn tay run run mở ra đọc, ánh mắt gắn chặt vào từng con chữ đã nhòe đi vì nước. Khác với suy nghĩ của tôi, sau khi đọc hết bức thư ấy, Thắng im lặng chẳng nói gì, cậu cẩn thận gấp bức thư nhét vào túi áo bên trái, xoa nhẹ vài cái rồi quay mặt vào tường.
Bầu không khí trùng xuống, nặng đến khó thở. Con người bỗng chốc chìm vào yên lặng. Đâu đó chỉ còn tiếng sóng biển miệt mài xô vào ghềnh đá. Đối với tôi đó là một cảm giác rất kinh khủng.
Tôi rời khỏi trạm ngay sau đó, không phải tôi muốn trốn tránh mà đơn giản tôi chưa biết bắt đầu một câu chuyện mới với Thắng như thế nào. Ngày hôm nay trời rất đẹp nhưng có lẽ không phải để giành cho tôi. Hình ảnh của Thắng ám ảnh tôi suốt ngày hôm ấy, có cái gì đó đau đáu trong lòng mà tôi chưa biết được.
“Nu na nu nống. Đánh trống phất cờ. Biển cả xa mờ. Có hai quần đảo. Hoàng Sa, Trường Sa. Tên gọi thiết tha. Trong lòng dân Việt. Bao nhiêu đời qua. Tàu ai đi qua. Thuyền ai đi lại. Nước Việt mãi gọi. Hoàng Sa, Trường Sa…”
Tiếng lũ trẻ lượn lờ quanh gió biển, âm vang trầm thấp từng hồi theo cơn gió biển mặn chát đánh tạt vào bờ khiến buổi chiều Song Tử Tây vốn yên bình càng trở nên ấm áp. Lũ trẻ chân đất đầu trần đạp lên cái nóng của bờ cát san hô, tay chúng nắm chặt nhau tạo thành một vòng tròn nhỏ hát vang câu đồng dao thân thuộc.
Tôi chỉnh sửa góc độ ống kính, chụp liên tiếp mấy tấm rồi lựa chọn một tấm ánh sáng hài hòa nhất. Trong bức ảnh ấy, tất cả các bé đều nở trên môi nụ cười tinh nghịch, chẳng có chút lo toan hay muộn phiền nào trong đôi mắt. Nụ cười ấy khẽ quyện vào cơn nắng sạm của buổi chiều tà trải đều lên khắp hòn đảo, rải lên mặt biển bao la làm thành những cơn sóng vàng lấp lánh. Giá như cả đời này ai cũng có thể cô ưu vô lo như vậy thì tốt biết mấy.
- Kỹ thuật chụp ảnh của ông tốt đấy nhỉ, có thể cho tôi xin bức ảnh này làm kỷ niệm được không?
Giọng nói từ phía sau khiến tôi giật mình quay người lại. Xuất hiện trước mặt tôi là một anh lính hải quân thân hình hơi nhỏ, làn da đã rám sạm vì gió muối của biển cả, hơn thế nữa còn dành tặng cho tôi một nụ cười nhoẻn thân thuộc.
- Sao ông không nghỉ ngơi thêm mấy ngày nữa.
- Lính biển không quen nằm một chỗ đâu, một ngày không ngửi thấy mùi gió muối chắc chắn ăn cơm sẽ không ngon. Ha ha.
Đúng là người bạn chưa gặp đã thân của tôi rồi. Thích cười và rất kiên cường.
- Chuyện bức thư… ông cho tôi xin lỗi.
Thắng không đáp lại. Cậu bước gần hơn về phía biển, ngẩng cao đầu hít thật sâu dư vị của biển cả giống như một người đã rất lâu rồi chưa được nhìn thấy biển vậy. Cậu chỉ tay về phía chân trời, nơi có những cánh hải âu đang chơi đùa với những con sóng chiều vàng nhuộm.
- Ở đó là đất liền, là một nửa cuộc sống của tôi. Nơi ấy có những người thân thương nhất. Vợ tôi hai tháng nữa sẽ sinh, nhưng tôi không thể ở bên cạnh cô ấy lúc đứa nhỏ trào đời. Ông biết không, cứ mỗi lần nghĩ đến mẹ con cô ấy thì tôi lại thấy bản thân mình cần kiên cường mạnh mẽ hơn bởi vì tôi đang bảo vệ đảo, bảo vệ Tổ quốc cũng nghĩa là đang bảo vệ mẹ con cô ấy được bình an.
Thắng im lặng một lúc lâu, thỉnh thoảng cậu lại tung vài cục san hô nhỏ về phía biển. Tôi cũng chỉ lặng lẽ nhìn cậu bạn, chờ cậu mở lòng mình với biển.
- Vết thương này chỉ ở cánh tay, thật là may mắn…
Tôi nghe thấy giọng cậu hơi rưng rưng và giường như mình đã hiểu ra điều gì đó. Điều mà chỉ những người lính chúng tôi mới có thể hiểu được. Gánh trên vai trách nhiệm lớn lao, chúng tôi - những người chiến sĩ không tiếc thân mình để bảo vệ trọn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Tình yêu với gia đình từ lâu đã hòa chung với tình yêu biển đảo, tình yêu Tổ quốc. Bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng không chỉ dừng lại ở hai chữ “trách nhiệm” mà hơn hết đó là sự “tự nguyện”, tự nguyện yêu, tự nguyện giữ gìn và tự nguyện hy sinh.
Bốn ngày công tác tại đảo ngắn ngủi mà ý nghĩa. Con tàu hú vang từng tiếng báo hiệu sắp đến giờ khởi hành. Hôm nay trời trong xanh lắm, chẳng thấy một cụm mây cao lớn nào trên bầu trời cả. Gió biển rất hiền hòa, thỉnh thoảng thổi vài luồng mặn mặn vào khóe mắt. Tôi dụi mắt và có vài giọt nước mắt rơi xuống. Tôi nhủ mình, có lẽ do gió biển quá mặn nên mới khóc thôi.
Đứng trên boong tàu số hiệu 561, tôi nhìn về phía những người lính hải quân trong bộ quân phục, họ xếp thành hàng vẫy tay chào chúng tôi, gửi đến chúng tôi tình cảm thân thương nhất. Tôi cố gắng dõi tìm hình ảnh cậu bạn thân quen nhau chỉ mới bốn ngày thế nhưng chẳng thấy đâu. Có lẽ giờ này cậu đang ngồi ở dưới gốc cây bàng vuông nào đó với khuôn mặt buồn thỉu buồn thiu rồi.
Những tiếng hú ngắt quãng giờ đã thành chuỗi âm thanh liên tục, tàu sắp nhổ neo trở về đất liền. Tôi vẫn dõi về phía bến cảng mong chờ một điều gì đó.
- Nam, Nam, đợi đã!!!
Một anh lính hải quân xen vào giữa dòng người đông đúc, trên tay cầm một cái bọc khá to được gói ghém cẩn thận. Cái thứ nặng trĩu trong lòng tôi từ đến giờ được đặt xuống, tôi vui mừng chạy về phía bờ.
- Tưởng ông không đến chứ.
- Làm sao không đến cho được. Chỉ là khi nãy nhân lúc thủ trưởng ra ngoài đây tiễn đoàn nên tôi leo trộm lên cây bàng vuông hái xuống mấy quả tặng cho mọi người làm quà. Nói thật ở đây có lệnh cấm không được tự hái cây trên đảo.
Tôi cầm cái túi nhỏ được gói ghém cẩn thận mà nước mắt trực trào, chắc là do có cơn gió muối vừa thổi qua nữa thôi.
- Còn cái này, ông giúp tôi gửi về cho hai mẹ con cô ấy được không. Trong này có bức thư và một quả bàng vuông lớn, hãy nói với cô ấy rằng tôi rất yêu mẹ con họ.
Tôi cầm chiếc hộp trong tay, gật đầu với Thắng như một sự khẳng định rằng chắc chắn tôi sẽ trao đến tận tay người đó, sẽ cho người đó biết rằng có một người lính hải quân đang ngày đêm canh giữ biển đảo và trái tim lúc nào cũng hướng về đất liền, nơi có những người anh ta yêu thương nhất. Một lần nữa tôi lén đọc bức thư của Thắng, tôi nghĩ anh chàng sẽ không giận tôi đâu, chắc chỉ lén quay đi với nụ cười nhoẻn mà thôi.
“Gửi con, thiên thần bé nhỏ của ba - người đã cho ba thêm sức mạnh ôm chắc cây súng trong tay, để những bước chân đạp lên sỏi đá san hô thêm vững chãi. Giây phút biết được sự tồn tại của con trên cõi đời này ba đã vui mừng đến nhường nào, con chính là một thiên thần mà Thượng đế đã mang đến cuộc sống này.
Trường Sa sẽ là cái tên ba đặt cho con. Nó không phải cái tên quá đẹp đối với một người con gái nhưng ba tin khi trưởng thành con sẽ hiểu được cái tên ấy đặc biệt và ý nghĩa đến nhường nào. Đó là nơi mà cả ba, mẹ và tất cả mọi người dân trên đất nước Việt Nam hướng đến. Những gì ba dành cho con là tình yêu, tình thương và trách nhiệm lớn lao giống như những gì ba đã dành cho biển đảo. Con biết không đối với ba Trường Sa là một thứ gì đó rất thiêng liêng và thân thuộc, nó khiến ba có thể hy sinh tất cả để bảo vệ và giữ gìn. Vì vậy con gái à, hãy tin rằng đối với ba con chính là quần đảo Trường Sa thân yêu, là thứ ba dành trọn tình yêu vô hạn.
Sau này con hãy là một cô gái đảm đang, xinh đẹp và giàu đức hy sinh giống mẹ con nhé, bởi vì như vậy ba sẽ có thể giang cả hai tay để bảo vệ cho cả mẹ và con. Con sẽ là biển cả bao la xanh biếc, mẹ sẽ là cánh hải âu bay lượn khắp biển trời rộng lớn, và ba sẽ là người lính hải quân hiên ngang ôm chắc cây súng trong tay để bảo vệ cánh chim và mặt biển bình yên…
Con gái à, sắp đến giờ ba tuần tra trên đảo, vì vậy không thể viết thêm cho con nữa. Nhưng con hãy tin tình cảm ba dành cho con sẽ không bao giờ ngừng nghỉ. Ba yêu hai mẹ con rất nhiều.
Ba Thắng”.
Lại có cơn gió biển thổi qua khiến khóe mắt cay xòe. Một câu chuyện tưởng chừng không liên quan nhưng lại khiến tôi day dứt vô cùng. Cô giáo trên bản ấy cũng đã không tiếc thân mình nhảy xuống dòng nước lũ để cứu học sinh của mình. Cô ấy dũng cảm và gan dạ vậy thì tại sao tôi lại hèn nhát trốn chạy? Vì sao tôi lại ngã gục như thế này? Cô gái hai mươi tư tuổi ấy của tôi có đôi mắt đẹp, nụ cười ấp áp như những tia nắng đầu tiên của Song Tử Tây. Tôi đứng trên boong tàu nhìn hòn đảo ngày càng nhỏ dần cho đến khi mất hút trong đại dương mênh mông, cái cảm giác ấy quen thuộc lắm, giống như những lúc tôi mơ về cô giáo trên bản bị dòng lũ nuốt chửng vậy. Nhưng lần này tôi thấy bản thân mình thật thanh thản.
© Tử Dạ - blogradio.vn
Mời xem thêm chương trình:
Cảm ơn định mệnh đã đưa ta đến bên nhau
Bài tham dự cuộc thi viết. Để bình chọn cho bài viết này, bạn hãy nhấn like, share và để lại bình luận cảm nhận của mình. Thông tin chi tiết về cuộc thi, mời bạn tham khảo tại đây.
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em
Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.
Lá thư gửi đến thiên đường
Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.
Đắng cay
Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân
Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi
Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.
Đơn phương yêu một người
Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.
Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?
Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?
Câu chuyện về một nhà thơ…!
Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.
Vì anh còn thương em
Tất cả khiến anh lặng người, thơ thẩn vì mải mê đắm chìm trong quá khứ, trong nụ cười, ánh mắt em. Anh không muốn trở về với thực tại tàn khốc rằng chuyện tình mình đã kết thúc tự bao giờ, rằng anh đã mất em thật rồi.
Ai là bạn trong cuộc đời?
Hãy để những ước mơ dẫn dắt bạn, vì chúng sẽ giúp bạn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống và cung cấp động lực để bạn tiếp tục tiến bước.
Ánh nắng chiếu
Anh nhớ em một ngày cuối hạ Cho tình yêu gọi giấc mơ về Anh nhớ em một tình yêu lạ Mà sao lòng anh vẫn còn yêu