Chân lý của yêu thương
2016-11-07 01:22
Tác giả:
Khúc sông buồn muôn nẻo chẳng buồn trôi
Má tôi sầu, ngắt nhẹ đọt mồng tơi
Nghe phiến lá ngoài hiên rơi rất khẽ...”
1. Những ngày xưa cũ
Sát mé hông nhà tôi trước đây có một cây mận đỏ, là mận của nhà bà Mai bán sữa đậu nành đầu ngã ba ăn sáng. Tôi không để ý lắm mùa nào nó thay lá, mùa nào nó ra hoa rồi kết trái. Chỉ biết là, mỗi bận sáng sớm đều thấy má khom lưng quét mớ lá vàng rụng, rồi có hôm phải quét mớ bông li ti trắng đục một góc sân, có hôm lại lấy ki hốt gọn mớ mận đỏ chua lét mà thảy đại vào cho mấy con gà. Nếu má chỉ quét không thôi thì có lẽ chẳng có gì để nói, khổ nổi, má tôi lại là người phụ nữ ưa vừa làm vừa nói, tay thì cứ quét mà miệng thì liên tục “ca” điệp khúc: “Chặt cây mận vô tích sự ấy quách đi cho rồi!”. Nói thiệt, nghe riết rồi cũng thành quen!
Con Mận là con gái lớn của bà Mai. Nghe má nói lúc nhỏ nó bị sốt cao, teo một bên giò nên phải nghỉ học, thành ra đúp mất một lớp. Ba nó là ông Sáu Dần chạy xe ôm, mấy năm trước vô tình chở được ông thầy tu đắc đạo trên núi nào đó, ổng mách cho bài thuốc về sắc uống. Thực hư ra sao má tôi cũng không rõ, mà con Mận giờ đã có thể đi học lại bình thường như người ta. Ờ, thiệt ra cũng chẳng có gì để nhắc tới nó dông dài như nãy giờ, chẳng qua ma xui quỷ khiến kiểu gì nó lại học vào trúng lớp tôi với thằng Tần Béo. Mà học chung lớp thôi cũng chẳng có gì để phàn nàn, vấn đề ở chỗ, má nó suốt ngày cứ réo gọi tôi kèm cặp giùm cho nó. Dần dà tôi đã ngộ ra được một chân lý bất di bất dịch là, nếu năm đó con Mận không đúp lớp vì bị teo giò, thì chắc chắn nó sẽ bị đúp lớp vì đần!
“Mận ơi, về tao biểu cái coi!”
“Dạ!”
Con Mận để cây bút lên bàn, chống tay xuống rồi chậm rãi bò ra khỏi cái phản gỗ nhà tôi. Sau khi đường hoàng mang dép rồi đội mũ tươm tất, nó mới ngước mặt lên nhìn vào thằng “thầy giáo” rất tỉnh và đẹp trai, đang ngồi chình ình trên phản là tôi đây, cất cái giọng lí nhí như muỗi kêu.
“Mận về nhà chút xíu rồi qua liền hà!”
Nói xong, chưa kịp xem phản ứng của tôi méo tròn ra sao, nó đã đâm đầu chạy thẳng về nhà. À mà không, nói chạy thì hơi quá, vì làm gì có đứa nào chạy với tốc độ rùa bò như nó chứ!
Tôi liếc nhìn quyển sách trong tay, chỉ biết nuốt ngược trở lại mấy chữ chưa kịp nói ra khỏi miệng. Xem ra, phải điều chỉnh lại tốc độ nói cho nhanh lẹ mới theo kịp được hành động của con Mận này rồi.
Rảnh rang một chút, tâm hồn lại đi hoang một chút.
Bây giờ đã là tháng sáu, chúng tôi vừa mới được nghỉ hè có dăm ba hôm thôi. Chúng tôi ở đây đương nhiên là chỉ tôi với thằng Tần Béo thôi, còn con Mận á, tôi với nó cũng chả thân đến thế. Nếu không phải bà Mai nước mắt ngắn dài, má tôi không lăm le cái roi mây ngay góc bếp thì còn khuya tôi mới chịu ngồi im đây mà giảng bài cho nó. Vừa đen nhẻm không xinh, người gầy như que tăm, lại vừa ngơ ngơ, thẩn thờ, lúc nào đọc bài cũng cứ như đang đi dạo trên mây ấy. Quan trọng nhất là, đứa nào nghỉ hè một cái là được bay ngay ra đồng chơi đánh trận giả, không thì chơi bắn bi ăn ảnh, lớn lớn cỡ tụi tôi thì vác cần đi câu dăm ba con cá rô đồng cũng được bữa cơm chiều ngon lành. Chả có đứa khùng nào như tôi soạn sách soạn vở ra đây ngồi “niệm” lại không công kia chứ? Điên không tài nào chịu được!
Nghĩ đến lại bực mình, tôi quăng đại quyển Số học qua một góc, gác chân lên luôn thành cửa sổ cho mát mẻ. Gió ngoài cửa hiu hiu thổi, mấy bụi sả sát vách phên chuồng gà lâu lâu lại lào xào mấy tiếng. Trong cái nắng dịu nhẹ sau vườn, bất giác tôi lại nhớ tới nụ cười của con Mận – một nụ cười ngờ nghệch mà có chút bình yên quái lạ!
“Điệp, Điệp ơi!”
Tiếng má gọi í ới, ngay sau đó là một loạt tiếng bước chân chạy thình thịch vang vọng ngay đầu ngõ. Trong nhất thời não chưa kịp hoạt động, tôi đơ ra mất mấy giây. Chó sủa vang dội, hình như còn có tiếng la hét. Tôi tỉnh người, bật dậy rồi lao về hướng nhà con Mận.
Hai ba con chó vừa sủa vừa thụt lùi đứng sát bờ rào, mấy dì mấy thím chồm người về phía trước, mặt người nào người nấy đều mang theo vẻ lo lắng nhìn về phía gian bếp. Chưa tới một phút, dưới cái nắng hè hơn ba mươi độ tôi nhìn thấy bác Ba bế bà Mai chạy về hướng cái giếng ngoài trời. Tôi quay đầu, liếc mắt đã thấy con Mận đứng dựa vào cột bếp, mặt tái mét không còn giọt máu, hai chân đang không ngừng run rẩy. Dưới chân nó, ngay sát cái bếp kê ba cục gạch là cái nồi bự chà bá loang lổ đầy cám heo. Nhất thời tôi hiểu được chuyện gì đang xảy ra!
“Điệp, mau mau chạy qua nhà bác Ba dắt cái xe qua đây!”
Má một bên xắn tay áo, một bên xách cái gàu múc nước đổ liên tục vào cái thau đang ngâm chân bà Mai. Tôi hồi hồn, dạ to một tiếng rồi đâm đầu chạy như bay sang nhà bác Ba ở đầu ngõ, bỏ lại phía sau lưng mớ âm thanh hỗn độn người lấy kem đánh răng, người lấy dầu lửa đủ kiểu.
“Trời ơi, mấy bà né ra chút cái coi, không có bôi linh tinh cái gì lên hết trơn hết trọi á. Đợi thằng Điệp chạy cái xe tới đây đưa bả ra trạm xá cho người ta xử lý!”
Trời nắng chói chang, tiếng má the thé vang lên.
Sáu giờ chiều, mặt trời ngả về đằng tây. Tôi đứng đực mặt nhìn con Mận bận rộn luôn tay với cái chân bị bỏng của má nó. Tôi tằng hắng hai tiếng, cầm bọc thuốc bỏ lên cái bàn kế bên rồi nói với cái lưng gầy còm của nó phía trước.
“Chị Vân nói má mày bị bỏng cấp độ hai. Chỗ này có kem kháng sinh để bôi với vi-ta-min E, mỗi ngày uống một viên…” – Mới giữa chừng con Mận quay phắt người lại, tí xíu nữa thôi là tôi bị nó hù chết rồi!
“Sao nữa? Nói tiếp cái coi!” – Khóe mắt nó hồng hồng, liếc liếc hai hàng lông mày còn đang nhíu chặt của bà Mai rồi thở dài một tiếng – “Má mới ngủ có xíu hà, đừng làm ồn, tụi mình ra kia nói cho rõ!”
Tôi ngớ người nhìn nó. Ớ cái con dở người này, tôi làm ồn giờ nào kia chứ? Thiệt tình!
Nghĩ là nghĩ thế thôi, chứ thấy gương mặt mè nheo sắp khóc kia tôi cũng đành bó tay đầu hàng, nuốt gọn mấy lời nham nhở bình thường vẫn hay nói xuống, rồi lẽo đẽo theo sau nó ra sân trước.
“Cái này đợi sau mấy ngày nữa bọng nước xẹp xuống, kéo da non hồng hồng thì mới được bôi vào biết chưa? Nhớ cẩn thận tay chân, chớ mày mà đụng vô một cái làm nó vỡ ra là ăn cho hết đó biết chưa?” – Tôi đành hanh lên giọng kẻ cả, truyền đạt lại y xì đúc mấy lời chị Vân nói lúc chiều trên trạm xá, còn không quên thêm chút mắm, dặm chút muối vô cho hoành tráng. Vừa nói vừa hài lòng nhìn con Mận gật đầu như bổ củi. Bất chợt, cảm giác như mình vừa đạt được thành tựu gì đó to lớn lắm lan tràn khắp cả cõi lòng, ấm áp một cách đầy khó hiểu. Hờ, chắc là vừa mới làm xong việc tốt chứ sao nữa? Chắc luôn!
“Hôm nay cảm ơn Điệp nhiều lắm!”
Ráng chiều in hằn trên má con Mận, vươn cả lên hàng mi dài đen nhánh của nó. Tôi lúng túng gãi đầu, viện cớ chạy ù về nhà, bỏ lại sau lưng con nhỏ đứng ngơ ngác giữa khoảnh sân vắng lặng. Quãng đường từ nhà nó đến nhà tôi, chỉ vỏn vẹn có hơn hai chục bước, mà tích tắc trong buổi chiều hè đó, tôi lại có cảm giác như phải cách mấy chục con đò. Gió trở mình, nghe rõ tán lá mận xào xạc trong không gian. Hoàng hôn nhuộm tím một góc trời, vài ba vệt đỏ còn sót lại xuyên qua từng cánh hoa li ti nơi góc vườn im ắng. Tháng sáu ngày dài hơn đêm, dài đến nỗi lòng tôi cũng lê lết vài ba mớ cảm xúc lạ lẫm của tuổi mười bảy không viết nổi tên này…
2. Những ngày chớm biết nỗi sầu lo
Thời gian thấm thoát trôi đi. Chớp mắt một cái chúng tôi đã phải bước vào năm học cuối cùng. À, lần này chúng tôi ở đây đã bao gồm cả con Mận trong đó! Nguyên do vì sao thì tôi cũng không biết nữa, chỉ biết là mỗi bận vô tình bắt gặp đôi mắt ướt như nhúng nước của nó, tôi lại thấy thương thương chi lạ đời…
Sắc thu nhuộm vàng cả không gian.
Từ xóm chúng tôi đến trường phải đạp xe khoảng hai lăm phút, chạy ngang qua một cái ngã ba ăn sáng. Như sáng hôm nay, tự nhiên được hôm siêng dậy sớm, vừa đạp xe, vừa gặm bánh mỳ, vô tình nhìn thấy cái dáng nhỏ thó gầy còm nhom quen quen đang lúi húi bận rộn ngay gánh sữa. Trong giây lát, đột nhiên có một ý nghĩ điên rồ lướt qua cái đầu “thông thái” của tôi: “Mình với con nhỏ này có duyên ghê gớm!” Vừa nghĩ xong tức thì, cái xe đạp cà tàng của tôi đã đỗ xịch trước gánh sữa đậu nành của nó.
“Mận, cho bịch sữa uống chơi cái coi!”
Tôi nuốt vội cái cùi bánh mỳ xuống, khom lưng với lấy cái ghế nhựa rồi nghiễm nhiên ra lệnh với “bà” bán sữa trẻ măng đang giương mắt ra nhìn.
“À, được…” – Con Mận sau mấy giây giật mình, tiếp đó đã nở nụ cười hiền lành thường ngày – “Đợi Mận chút xíu nghen!”
“Ờ!”
Phải công nhận hiếm khi được dịp tôi dễ tính không móc lại nó mấy câu khó nghe. Chắc tại mới vừa được ăn no, mà hơn nữa, mới sáng sớm nhìn nó bận rộn thế này cũng không nỡ. Xe cộ chạy vèo vèo, nắng đã bắt đầu trải mình trên con đường nhựa thẳng tắp. Khu chợ buổi sáng hỗn tạp nhiều âm thanh, nhiều màu sắc và cả những con người xuôi ngược.
“Bán sắp xong chưa?” – Tôi trả lại nó cái ly không, liếc nhìn hai cái thùng giữ nhiệt đang để sát chân nó. Trưa trờ trưa trật rồi mà sao chẳng thấy má nó ra ta?
“Ờ, cũng sắp!” – Con Mận một bên trả lời tôi, một bên cứ nhìn về phía tay trái.
“Sắp gì mà sắp? Sáng giờ ngoại trừ tao ra, mới thấy có bốn người mua à. Má mày đâu?” – Tôi lật tẩy con nhỏ không thương tiếc. Cái này chẳng phải tôi cố tình làm khó nó, mà tại do sắp trễ học rồi chớ bộ!
“Cũng không biết nữa à!” – Giọng nó đã bắt đầu nghẹn nghẹn nơi cuống cổ.
“Mày không biết chả nhẽ tao biết chắc?” – Tôi vừa dứt lời, mắt nó đã bắt đầu hồng lên.
“Thôi, thôi, để tao chạy về coi thử có chuyện gì. Mày ở yên đấy!” – Tôi hoảng hồn đứng bật dậy, dở khóc dở cười bỏ của chạy lấy người. Sau quãng thời gian làm “thầy giáo” bất đắc dĩ của nó, tôi đã nghiệm ra thêm được một chân lý nữa: Con gái là chúa khóc nhè! Những lúc thế này, chạy là thượng sách!
Từ sau khi lên lớp mười hai, con Mận hiếm khi lôi sách vở sang nhà tôi nhờ giảng bài lại giùm. Đáng lý ra tôi phải vỗ đùi đen đét mà mừng hết lớn, ai dè khi nghe má nó nói cảm ơn xong, thì tôi lại đổ buồn vô cớ. Mà kiểu buồn này dễ khiến người ta rơi vào trạng thái không được bình thường. Ví như có mấy buổi trưa, lúc mở cửa sổ bỗng nhiên nghe thấy tiếng chị em nó cười đùa ở bển, lòng dạ cũng vô duyên ngứa ngấy lạ kì. Ví như có mấy buổi chiều, bình thường thằng Tần Béo vẫn sang rủ đi xóm trên đá banh, tự dưng hôm nay thấy mặt nó không thôi cũng đủ làm tôi đổ phiền. Ví như bình thường có để ý cây mận của nhà nó đâu, hôm rày tự dưng thấy lá rụng thôi cũng muốn lấy cục than mà nguệch ngoạc ít câu thơ (con cóc)!
“Mày làm gì mà cứ thở dài như người ta sắp xuống lỗ thế kia hả con?”
Má vừa xúc lúa trộn với mớ rau muống, vừa liếc thằng con dở người đang ngồi chồm hỗm ngay sát bờ rào.
“Má kệ con đi!” – Tôi rầu rĩ lấy cọng rau chọt chọt lũ gà con, chọc cho chúng chạy bát nháo xung quanh gà mẹ.
“Mày bỏ cái “kệ” trên lưng xuống giùm cái coi! Nói cái gì cũng kệ kệ quen cái mồm, lo mà vào trong nhà nấu cho má nồi cơm đi!”
“Tuân lệnh, thưa mẫu hậu nương nương!” – Tôi trề môi đứng dậy, lủi thủi lê từng bước nặng trịch vào bếp.
Tính khí thất thường như thời tiết tháng ba của tôi không chỉ có mỗi bản thân tôi khó chịu, mà nó còn ảnh hưởng không nhỏ đến thằng Tần Béo. Sau một hồi bới móc đủ thứ, cuối cùng nó cũng vỗ đùi phán một câu: Mày sắp đổ điên như con Mận rồi!
Đương nhiên, tôi lơ nó rồi!
“Ê, Điệp!”
Mới bước vào lớp, thằng Tần Béo đã réo gọi om sòm. Tôi nhướng mày nhìn nó, lộ rõ ý không muốn bước qua.
“Lề mề cái gì? Chạy qua nói cái này hay lắm!” – Nó ra sức dụ dỗ.
“Gì đó?” – Tôi ném cái ba lô lên bàn, ngồi phịch xuống chỗ trống bên cạnh nó.
“Sáng nay mày không chở con Mận đi học à?” – Nó thấp giọng hỏi nhỏ.
“Không, sáng nay ba nó chở hàng cho khách sớm, tiện thể đèo nó đi luôn.” – À quên, cái vụ chở con Mận đi học là bắt nguồn từ cái hôm tôi “nổi hứng” uống sữa đậu nành “chùa” ấy. Sáng đó ba má nó đi bỏ bánh cho người ta ở trung tâm thành phố, báo hại cả hai đứa tôi đều trễ học. Từ cái hôm “định mệnh” đó tới nay, mỗi bận ba má nó xuống dưới là y như rằng, tôi phải hì hục tập thể dục buổi sáng với mấy chục kí “xương” sau yên xe!
“Ba nó đâu mà ba nó! Mày biết ai chở con Mận tới không?” – Thằng Tần Béo vỗ bàn cái bốp rõ to, thu hút kha khá ánh mắt tò mò của lũ con gái.
“Hả?” – Tôi bất ngờ há hốc mồm – “Mày có nhìn nhầm không?”
“Trời, ông Sáu Dần ngày bữa gì mà tao còn nhìn nhầm mày! Nói ra mày hết hồn luôn!” – Nó kề sát miệng vào tai tôi, khẽ phun ra bốn chữ sét đánh – “Hotboy mặt lạnh!”
Khoảnh khắc nghe được bốn chữ đó, ngực tôi bỗng nhói lên một cái. Ngay lúc đó, con Mận lại hớn hở bước vào lớp, sau lưng nó rõ mười mươi là cái thằng được tôn sùng “hột bôi” kia. Cái mặt nó hớn hở hơn bình thường, mà bình thường là những lúc nó ở gần tôi nhất mới đau kia chứ! Không đau sao được? Lớp tôi tổng cộng có năm mươi hai đứa, trai hai hai, gái ba mươi. Trong số ba mươi đứa con gái đó, đã có tới tầm hơn chục đứa mê trai rồi. Mà tội một nỗi, chúng nó đều đồng loạt mê mỗi một đứa như điếu đổ - thằng Trung “hotboy mặt lạnh”!
Tôi ỉu xìu bước về chỗ ngồi. Giây phút vừa rồi giống như tiếng sét giữa trời quang, mà “trời quang” ở đây chính là lòng tôi này. Rốt cuộc tôi cũng hiểu được sự thất thường của mình suốt thời gian vừa qua. Đau không tài nào chịu được!
“Này, cầm lấy cây dù mà về. Coi chừng bị ướt!” – Tôi hất hàm nói, đưa cây dù trong tay cho nó. Tự hỏi như vậy đã đủ độ “lạnh lùng” mà nó thích chưa không biết?
Con Mận ngạc nhiên nhìn tôi, rồi lại nhìn nhìn cây dù trong tay tôi. Nó chớp chớp mắt, sau đó mỉm cười nói khẽ.
“Điệp đưa Mận qua đi. Chỉ có một đoạn ngắn thôi mà!” – Nó cười, mắt híp lại như vành trăng khuyết mà nhìn đống lưới trong tay, ám chỉ mình không thể tự cầm dù về.
Nếu đổi lại là thời gian trước, có lẽ tôi đã mặc kệ để nó tự xoay sở. Nhưng giờ thì, tôi muốn “lấy lòng” nó còn không kịp nữa là!
Nhìn nụ cười tươi tắn của nó, tôi mê muội gật đầu.
Giữa cơn mưa tầm tã, trên là bầu trời tối đen như mực, dưới là những vũng nước to nhỏ lầy lội, tôi một tay cầm dù, một tay bối rối chạm nhẹ vào tấm lưng gầy gò ấy. Trái tim nảy lên từng nhịp vang dội, tựa như những hạt mưa ngoài trời đang rơi lộp bộp trên tán dù. Tôi nhìn nụ cười vẫn treo trên môi của Mận, tự hỏi đó có phải là nụ cười hạnh phúc như của tôi?
Phút giây này tôi chợt ngộ ra thêm một chân lý vĩ đại nữa: Con trai đúng là loại không có chút tiền đồ nào cả. Chỉ cần một nụ cười, một ánh mắt của người mình thương, bảo nó dầm mưa dãi nắng cả đời cũng được!
3. Chân lý của yêu thương
Năm 2010, tôi thi đậu trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh với số điểm vừa đủ. Ngày nhận được giấy báo trúng tuyển, lúc thấy rõ cái tên “cải lương” của mình nằm chình ình trên giấy, tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Bước vội ra ngoài, giương mắt về phía hàng rào, tôi thấy con Mận đang ngẩn người nhìn bờ sông trước nhà.
“Mận!” – Tôi khẽ gọi.
Đôi mắt nó hoe đỏ, lấp lánh trong đó là nỗi buồn man mác. Nó liếc nhìn tờ giấy trong tay tôi, rồi lại cúi thấp đầu nhìn mũi chân mình.
“Con với cái, học với hành. Chỉ giỏi cãi lại người lớn!”
Tiếng đồ đạc bị ném, tiếng con Mận thút thít. Giây phút đó, tôi chợt thấy chán ghét tờ giấy trong tay mình!
Đêm tối bao trùm xóm nhỏ. Ba tôi bắt tréo chân ngồi trước sân vừa hút thuốc vừa nói chuyện với má. Trước là sắp xếp mọi thứ để tôi yên tâm đi học xa, sau là chuyện giải tỏa đền bù.
“Cỡ mấy hôm nữa thôi là có đội dự án đến phường rồi, nghe nói mời bà con mình ra trao đổi. Có chi không hiểu cứ hỏi người ta!” – Ba phì phèo điếu thuốc, nhả từng bụm khói trắng giữa không trung.
Tiếng má thở dài khe khẽ.
Đêm nay không gió, không trăng, chỉ có những tia sáng li ti của hàng vạn ngôi sao lấp lánh, dự ngày mai lại là một ngày nắng nóng không thôi. Tán lá mận im ắng, cửa sổ nhà kế bên đóng chặt. Không có tiếng nói chuyện, cũng chẳng có tiếng đồ đạc bị rơi.
Tháng chín về gió heo mây cuối ngõ. Tôi xốc lại ba lô trên lưng, đứng tần ngần trước mé sông dài, nghe thấp thoáng âm thanh máy xúc, máy ủi ở xa xa vọng lại.
Có tiếng bước chân loạt soạt giẫm trên mớ lá khô.
“Điệp!” – Con Mận đứng sau lưng tôi, gương mặt đỏ bừng ướt đẫm mồ hôi.
“Lại đi tập nữa à?” – Tôi cau mày liếc nhìn cái chân đứng không vững của nó.
“Không nói chuyện này. Cái này cho Điệp!” – Con nhỏ nhe răng cười, đôi mắt lấp lánh sáng như ánh sao, đưa cái túi trong tay tới trước mặt tôi. – “Mới hái đó nha!”
“Cái gì đây?” – Tôi nghi hoặc đón lấy.
Từng chùm mận mướt rượt ngon lành đang túm tụm vào nhau.
“Đi đường buồn thì lấy mà ăn. Ăn không hết thì cho người kế bên ăn cùng với, nhớ bỏ cái tính kì kèo, nói móc họng người ta đi. Nghe nói Sài Gòn đất chật người đông, vô đó lo học hành, đừng có ham chơi như ở đây nữa. Không thì…”
Con Mận bất chợt dừng lại.
Tôi ngước mắt lên nhìn, giật mình thấy giọt nước mắt trong veo lăn dài trên má nó.
“Ơ…”
“Không thì Mận sẽ buồn lắm!” – Giọng nó nghẹn ngào khiến lòng tôi thắt lại.
“Điệp hứa!” – Tôi quýnh quáng kéo vạt áo của mình, rồi lại ngại ngùng bỏ xuống. Môi mấp máy chẳng thành câu.
“Mận ở nhà ôn thi lại, năm sau chắc chắn sẽ gặp Điệp ở Sài Gòn. Chúng mình sẽ lại được học chung trường như trước đây!”
Tôi gật đầu.
“Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Mận vẫn thích múa. Mận sẽ không cãi lời ba má mà thi nghệ thuật, nhưng Mận vẫn sẽ tập múa.”
Tôi gật đầu.
Mận mỉm cười, mắt híp lại như vành trăng khuyết.
Nắng rải rác trên con đường dài. Tôi ngoái đầu lại, dáng người nhỏ bé ấy kéo thành một vệt bóng mờ in hằn trong tim tôi. Tôi tin rằng, dẫu vùng đất này có thay da đổi thịt, thời gian có xoay vần đi chăng nữa, thì lòng tin của chúng tôi dành cho nhau vẫn mãi vững chắc như lúc đầu. Đó chẳng phải là lời hứa nữa, mà là chân lý của yêu thương, là con đường dẫn lối tôi về với tình yêu giản đơn chân thật!
“Mận thích Điệp, Mận thích Điệp rất nhiều!”
Tôi ngước mặt nhìn bầu trời trong xanh, nắm chặt tờ giấy nhỏ nhét vội trong túi mận đỏ. Ôi, nắng hôm nay sao mà đẹp quá trời quá đất!
© Mai Thảo Nguyên – blogradio.vn
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em
Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.
Lá thư gửi đến thiên đường
Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.
Đắng cay
Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân
Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi
Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.
Đơn phương yêu một người
Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.
Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?
Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?
Câu chuyện về một nhà thơ…!
Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.
Vì anh còn thương em
Tất cả khiến anh lặng người, thơ thẩn vì mải mê đắm chìm trong quá khứ, trong nụ cười, ánh mắt em. Anh không muốn trở về với thực tại tàn khốc rằng chuyện tình mình đã kết thúc tự bao giờ, rằng anh đã mất em thật rồi.
Ai là bạn trong cuộc đời?
Hãy để những ước mơ dẫn dắt bạn, vì chúng sẽ giúp bạn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống và cung cấp động lực để bạn tiếp tục tiến bước.
Ánh nắng chiếu
Anh nhớ em một ngày cuối hạ Cho tình yêu gọi giấc mơ về Anh nhớ em một tình yêu lạ Mà sao lòng anh vẫn còn yêu