Bóng cò chiều nhỏ bé
2022-11-05 01:25
Tác giả: Quang Nguyễn
blogradio.vn - Chiều buông xuống rất nhẹ nhàng, phía ngoài đồng xa nắng vàng trải lên hàng cây vút cao, bên kia ao rau muống những con cò trắng với chiếc mỏ nhọn hoắt đang mải mê gắp mồi, và chúng cũng sải cánh bay tìm về nơi tổ ấm, nơi đó có mẹ chúng đang chờ sau một buổi rong chơi. Chỉ còn duy nhất một con cò ở lại, sao nó chẳng chịu bay đi để về tổ ấm ở tít phía chân trời, chắc là nó còn đang đợi mẹ, nên giờ chỉ một bóng côi cút lặng lẽ, nhỏ bé dưới bóng chiều bao la.
***
Cái chuyện nhỏ Hiền, con của bà Tư bánh mì đi lấy chồng có gì lạ lùng mà người ta bàn tán xôn xao lên đến thế. Ở xóm này đâu phải Hiền là mẹ đơn thân duy nhất đi thêm bước nữa, vẫn có vô số người đó thôi. Thì ra cái nguyên nhân mà họ soi mói về đời tư của Hiền chính là thằng Trọng chồng trước của cô, từ lúc ra tòa ly dị cho tới nay nó không thèm quen thêm bất cứ người con gái nào nữa. Lý do là nó còn thương con Hiền nhiều lắm và mong muốn nối lại mối duyên xưa mà chính Hiền đã đang tâm cắt đứt khi vợ chồng đã có với nhau một mặt con và hơn mười năm chung sống.
Những lần uống rượu, trong cơn say ngà ngà những ký ức xưa lại hiện về, thằng Trọng khóc sướt mướt gặp ai cũng kể lể về cái chuyện gia đình mình, mà từ đầu chí cuối là do con nhỏ Hiền gây ra. Ai nấy đều cảm thông và chỉ trích gay gắt sự bạc bẽo của cô dành cho phía nhà chồng.
Ngày họ quyết định ra tòa ly hôn, ai nấy nghe tin cũng đều giật mình sửng sốt, hai vợ chồng rất thương yêu, đi đâu cũng có đôi có cặp trông hạnh phúc vô cùng. Những cử chỉ âu yếm của họ khiến người ta phải thật sự ganh tị, không hề có cãi vã hơn thua nhau trong bất cứ chuyện gì. Thế mà đùng một phát họ đường ai nấy đi, nhà của ai nấy ở, chỉ còn để lại cái chép miệng lắc đầu tiếc ngắn tiếc dài trong mỗi người xung quanh mỗi khi nhắc tới đề tài này.
Có câu "đèn nhà ai nấy sáng" chỉ người trong cuộc mới hiểu vì sao lại có chuyện gia đình tan vỡ, không tiếp tục chung sống hết một quãng đường đời. Thì ai cũng muốn mình có một mái ấm gia đình, một bến bờ hạnh phúc theo chủ nghĩa con người, chẳng ai muốn mình đi trái ngược lại nếu không phải gặp một biến cố rối ren mà cả hai chẳng thể nào tháo gỡ nổi.
Ngần năm ấy, mối tình đã nở hoa tỏa hương thơm thanh ngát, hạnh phúc ấy thật ngọt ngào nó say cành trĩu quả nheo nhóc trong vườn yêu ái tình. Nó thắm đượm tha thiết, tô đẹp trang lương duyên của cặp vợ chồng son trông xứng đôi vừa lứa, đẹp đôi chẳng thể nào chê được. Con dâu được nhà chồng thương lắm, vì cái tánh ngay thẳng, chu toàn mọi việc từ trong ra tới ngoài. Nhỏ Hiền giỏi giang, lại đẹp người đẹp nết, biết làm ăn tính toán chẳng thua một người nào. Dành dụm số tiền cưới lẫn vàng vòng đã có, cũng mở hẳn một đại lý nước ngọt làm ăn với người đời. Nhờ uy tín của gia đình chồng nên công việc làm ăn khá suôn sẻ, dần dần trở thành một đại lý lớn bỏ hàng hết xã này rồi đến cả xã khác. Công việc cứ thế mà phát triển mỗi ngày một lớn mạnh. Thằng Trọng sắm chiếc xe tải để phụ bỏ hàng trong lúc vợ bụng mang dạ chửa, phụ trách hết tất cả thay thế cho vợ trong suốt thời gian này, rồi nguyên nhân mâu thuẫn dẫn đến ly dị cũng xuất phát từ đây.
Từ lúc Hiền sinh ra con bé đầu lòng tất cả công việc làm ăn đều giao cho Trọng quán xuyến. Cô còn đang quá trình phục hồi sức khỏe và nuôi dưỡng con nhỏ nên không thể nào gánh vác mọi chuyện như trước đây được nữa. Cứ tưởng con mới chào đời và nhận ra trách nhiệm của người cha, thằng Trọng sẽ chí thú làm ăn không còn cái máu đỏ đen như thuở còn chưa vợ. Nhưng không, Trọng vẫn tính nào tật nấy dành tất cả số tiền của chuyến hàng ấy vào việc đá gà, bài bạc, rồi thua sạch và trở về tay không, những khi cô đề cập đến số tiền của chuyến hàng trên, Trọng đều nói dối "Người ta chưa đủ tiền trả và hẹn lại trong một chuyến hàng tới".
Trong ánh đèn vàng mờ nơi căn buồng Hiền nằm, Trọng hớn hở chạy vào như báo tin mình đến "Ba đến thăm con gái đây, con gái có ngoan không? Con gái có nhớ ba không? Ba đi giao hàng mà nhớ con gái quá". Đứa bé đã ngủ từ bao giờ, Hiền lấy chiếc khăn đắp lên người của nó, đưa ngón tay lên môi báo hiệu giữ im lặng rồi âu yếm nhìn chồng.
"Sao nay anh tới trễ vậy”.
"Xe bị hết dầu, nên anh về muộn”
"Hôm nay anh giao đủ cho đại lý và cả các quán nước rồi chứ, số tiền ấy bảo họ phải trả sớm, có như thế mình mới tiếp tục lấy hàng được".
"Anh giao đủ hết rồi, ngày mai mình đi giao tiếp rồi họ trả đủ luôn".
"Ráng kêu họ trả đủ vì còn vài ngày là mình phải trả tiền cho nhà phân phối".
"Anh biết rồi, em yên tâm. Có con rồi nên cố gắng làm kiếm tiền để lo cho nó sau này, anh bây giờ vẫn chưa cơm nước tắm rửa gì cả, vừa về là anh chạy lên thăm em và con”.
Nụ cười hạnh phúc của Hiền lại nở tươi trên môi, vì có một người cha, một người chồng hết mực vì gia đình con cái. Biết lo lắng, chịu khó chịu cực mà chẳng một lời than phiền như hồi lúc mới cưới về. Có lẽ mỗi người đàn ông khi đã được làm cha thì họ đều trưởng thành thêm một tí nữa, biết lo lắng chu toàn làm tròn bổn phận trách nhiệm của một người vừa mới lên chức cha.
"Trong thời gian này sẽ rất vất vả cho anh.
Hiền nói với gương mặt tràn đầy niềm vui.
"Có con rồi thì ai mà không vậy. Thôi anh về ngủ để mai còn dậy sớm mà đi chở hàng".
"Còn quá sớm mà chỉ mới có bảy giờ. Anh tới thăm mẹ con em chưa được năm phút mà đã về rồi. Ở lại tí nữa lát con thức rồi chơi cùng nó".
"Thôi để mai, giờ về tắm rửa rồi ngủ để mai còn đi sớm”.
Chẳng thể giữ được Trọng ở lại lâu thêm bất cứ phút giây nào. Trọng đi ra thưa cha mẹ vợ rồi lên xe phóng đi ngay. Hiền đứng nhìn theo nở nụ cười, thì thầm.
“Thấy tội nghiệp ghê, có con rồi mới chịu khó làm ăn, thậm chí thời gian thăm con cũng không có nhiều”.
Hiền ngồi xuống ghế đôi mắt vẫn nhìn ra ngõ và nụ cười luôn còn đó chẳng chịu khép môi lại bao giờ.
"Có con rồi thì khác chớ sao bây, nó không lo thì ai lo đây”.
Ba của Hiền nói.
"Ai làm biếng khi có con rồi cũng thành giỏi cả. Đừng nói thằng Trọng, ngay cả thằng Hùng con ông sáu Quý nó tệ đến mức nào, nhưng khi có con rồi thì nó làm tối tăm mặt mày, có rảnh rang đâu mà đi ăn chơi nhảy múa, hết la cà chỗ này tới chỗ khác.
Mẹ của Hiền nói.
Trong lòng Hiền dâng trào một niềm vui tột cùng, thấy thương chồng rất nhiều. Hiền lặng lẽ vào phòng đóng kín cửa và chìm vào giấc ngủ.
Trọng trở về sớm hơn mọi đêm, lục tìm chìa khóa mở tủ lấy tiền đi gỡ gạc, quyết phải thắng cho bằng được để lấy lại số tiền đã thua trước đó, chỉ có thế mới có thể giải thích được với vợ. Gom sạch tiền trong tủ, vội vàng đến địa điểm, nơi ánh đèn le lói những con bạc đang say sưa sát phạt nhau trên tấm chiếu mỏng manh, những tiếng chửi thề của kẻ thua cuộc và tiếng cười giòn giã của những kẻ thắng cuộc hòa vào đêm vắng lặng. Thôi thúc đôi chân, cái máu cờ bạc đang sôi sục trong người, khiến người ta lao vào như con thiêu thân mịt lối giữa đêm trường.
Lần thứ hai Trọng thua hết sạch, chẳng còn cơ hội nào để gỡ gạc như dự tính ban đầu, tiền ở nhà cũng đã không còn, biết lấy đâu ra để tiếp tục hy vọng vì máu tức vẫn còn. Ngẫm nghĩ mãi hết cách, Trọng đành phải cầm cố luôn chiếc xe máy mà khi cưới hai vợ chồng đã mua, từng chở nhau qua khắp các con đường hạnh phúc. Vẫn tiếp tục thua, đành bán luôn chiếc xe với giá rẻ mạt, miễn có tiền thì bao nhiêu cũng bán, bán hết bán sạch không chừa một thứ gì. Thế là giờ tiền mất mà xe cũng không còn, mai nhà phân phối xuống lấy tiền chẳng biết làm sao đây? Chẳng thể nào xin khất lại, mà cứ quá nhiều lần. Thôi thì mặc kệ cứ tới đâu thì tính tới đó vậy.
Trọng lẳng lặng trở về với gương mặt buồn hiu, những dòng suy nghĩ chồng vào đêm chẳng biết giải thích như thế nào về số tiền trên đã thua, chẳng thể nào mà nói sự thật cho vợ biết vì mới sinh con dễ bị ảnh hưởng tới sức khỏe, và cũng không thể vay mượn từ mẹ ruột của mình, chắc chắn bà sẽ gọi điện hỏi vợ về vấn đề vay tiền, mà có nói cái chuyện đánh bài thua sạch bà cũng sẽ bỏ mặc.
Trước lúc chưa có vợ, cũng cờ bạc nợ nần chồng chất bà đã gánh đứng ra trả nợ không biết bao nhiêu lần, nhưng mãi không chịu làm ăn cứ vướng vào cờ bạc, bà đành phải bỏ mặc cho đến tận bây giờ. Thôi thì cứ hẹn và hứa với nhà phân phối, rồi mọi chuyện sẽ tính sau.
Sáng đó nhà phân phối xuống giao hàng và lấy tiền kỳ trước, Trọng đành phải hẹn lại vài ngày tới với lý do "con bệnh đang nhập viện, vợ mang tiền đi hết chẳng còn một đồng nào ở nhà". Thế là cũng vượt qua một sự rắc rối từ phía nhà phân phối, bước tiếp theo làm sao để kiếm lại số tiền ấy để trả tiền hàng như đã hứa hẹn.
Trọng hiểu rằng trong công việc làm ăn không thể nào thất hứa hay mất uy tín với những đối tác quan trọng được, nếu liên tục trì hoãn như đã thỏa thuận họ sẽ chấm dứt, ngừng ký kết hợp đồng. Không còn cách nào khác, bèn mang số hàng còn lại đi bỏ cho đại lý và tiếp tục lấy tiền đến gỡ gạc, nhưng vẫn thua sạch và trở về tay không. Lần này chẳng còn gì nữa, hàng hết, nhà phân phối cũng không giao hàng tới vì chưa trả số tiền cũ, chỉ còn lại chiếc xe tải chở hàng như mỗi ngày Trọng đem cầm cố để lấy tiền mà cờ bạc, rồi đến lúc thua sạch Trọng bán luôn cả xe.
Như vậy thì từ một đại lý đồ sộ dựng lên bằng mồ hôi nước mắt với sự cố gắng của Hiền, đã trở thành con số 0 trong thời gian ngắn ngủi. Mẹ của Trọng biết chuyện này bà rất giận dữ, nhưng bà cũng là người rất sĩ diện, luôn che giấu sự "phá gia chi tử" của con trai mình với bà con lối xóm.
Chẳng ai biết Trọng là người mê cờ bạc, ngay cả những người nhà rất gần, họ cũng chỉ thấy Trọng là người hiền lành hay cười rất gần gũi thân thiện, và chịu khó làm ăn mặc dù không được nhiều so với những người khác, nhưng dù sao Trọng vẫn là người con trai lý tưởng mẫu mực nghiêm chỉnh trong mắt của mọi người. Không phá hoại, lêu lổng đua đòi ăn chơi, được sự ảnh hưởng giáo dục chỉn chu tuyệt đối từ phía gia đình, vì cha mẹ đều làm công chức và có tiếng nói uy tín trong xã hội, được người người kính nể, từ lớn chí nhỏ, và từ trong ra ngoài.
Biết được tin Trọng cờ bạc thua sạch, Hiền rơm rớm nước, lòng tin và hy vọng đã tan vỡ như cốc nước vừa rơi xuống miểng văng ra khắp sàn. Cô ôm con nhỏ trong sự nghẹn ngào, nghe lòng mình đau đớn như những miểng vụn kia đang găm vào lòng cô.
Cô chới với khi nghĩ đến thời gian sau của đứa con mình, rồi nó sẽ ra sao? Khi tiền bạc không có, sữa, tả, quần áo, thuốc thang và cả một cục nợ to đùng phải trả cho nhà phân phối. Càng nghĩ càng buồn " nếu không thương vợ thì cũng phải thương đứa bé mới chào đời, tại sao có thể làm những điều cay nghiệt ấy, tiếng khóc cô thêm lớn văng vẳng trong căn phòng.
"Có chuyện gì vậy Hiền?”.
Mẹ của Hiền chạy vào khi nghe con khóc.
"Hết rồi mẹ ơi. Con đã hết thật rồi, chẳng còn gì nữa”.
Tiếng khóc không thể nào ngừng lại trong Hiền với niềm ấm ức dâng trào.
"Cái gì hết nói mẹ nghe, mới sinh em bé không được khóc lóc làm tổn hại đến tinh thần".
"Trong những ngày con nằm dưỡng ở đây, anh Trọng đã lấy tiền chơi cờ bạc thua sạch, giờ chẳng còn cái gì, xe máy cũng bán, xe tải cũng bán, còn nợ nhà phân phối một mớ tiền. Họ vừa gọi điện đòi giờ con không biết phải làm sao để trả cho họ".
"Con bình tĩnh, chị sui đã biết chuyện này chưa"?
"Mẹ chồng đã biết, nhưng bà nói chuyện vợ chồng thì tự lo, bà không muốn dính líu gì tới".
"Giờ con tính sao đây Hiền"?
"Con muốn ly hôn".
"Thôi đừng con, đứa bé mới chào đời, cần phải có cha có mẹ. Huống gì đây là lần đầu tiên nó mắc sai lầm, cứ khuyên nó từ bỏ rồi làm lại từ đầu, đồng vợ đồng chồng thì cái gì cũng qua hết. Mẹ không cho con ly hôn, vợ chồng là sống trọn đời với nhau không phải cứ có chuyện gì xảy ra là kéo ùa nhau ra tòa để giải quyết. Con người ai không có lỗi hả con”.
"Chuyện gì mà hai mẹ con ồn ào lên vậy?”.
Cha của Hiền bước vào, thấy gương mặt của con gái đang khóc sướt mướt, trên tay vẫn còn bồng đứa bé.
"Có chuyện gì vậy bà, sao con Hiền nó lại khóc?”.
"Thằng Trọng đem hết tiền đi bài bạc, giờ thua hết sạch rồi”.
Bà trả lời ông, lặng lẽ ngồi cạnh Hiền, vỗ vai an ủi con.
"Có chuyện đó à? Sao nó có thể đối xử với vợ con như vậy. Vợ mới sinh, con vừa chào đời, thế mà lại không chịu làm ăn với người ta. Tôi tưởng đâu nó nghĩ tới gia đình lo làm kiếm tiền không có thời gian thăm vợ con, hóa ra là đi cờ bạc".
"Sao số của con mình nó lại khổ thế này, mới sanh con mà cũng không được yên".
Bà mếu máo như sắp khóc, đôi mắt cảm thông nhìn về đứa cháu ngoại và cô con gái đầy tội nghiệp.
"Thôi đã đến nước này rồi, mình còn một khoản tiền và chút ít vàng cứ đưa cho con nó gây dựng lại từ đầu, có ai muốn thế này đâu cũng do thằng Trọng còn non người trẻ dạ nên chưa suy nghĩ tới, trong đời có ai cờ bạc mà làm giàu bao giờ".
"Đó là tiền dưỡng già của cha mẹ để dành, con làm sao có thể lấy được, lỡ đau ốm bệnh tật cha mẹ chạy đâu ra".
Cô rưng rưng đôi mắt nhìn cha. Cái gì cũng vậy, từ xưa đến giờ cha mẹ luôn dành những gì tốt đẹp nhất cho con cái. Ngay cả lúc Hiền chuyển bụng sắp sinh em bé, chỉ có hai ông bà già túc trực thay phiên nhau bên con, lòng vui mừng khôn xiết khi nghe tiếng khóc của cháu ngoại chào đời. Phía bên nội chẳng có ai đến, chỉ qua ngày họ tới thăm nhưng cũng được chốc lát rồi vội vàng ra về.
"Đừng khóc nữa, cứ lấy mà làm lại từ đầu, khi nào có dư thì trả lại cho tao cũng được, yên tâm, tao với mẹ mày khỏe như trâu, không ốm đau bệnh tật gì đâu, lo chi bây. Nhớ về bên đó kiểm soát tiền bạc cho cẩn thận, và thường xuyên khuyên bảo thằng Trọng từ bỏ".
Ông nói những lời sau cùng và bảo vợ ra ngoài đừng làm phiền tránh đi sự ồn ào để cho cháu ngoại ngủ.
Tối đó hai vợ chồng già không sao ngủ được, ông cứ đi tới đi lui trong căn nhà trên của mình. Ngoài kia những hạt mưa rớt rầm rầm trên nóc nhà, và nỗi buồn của ông cứ như nước mưa đã ngập hết một cái sân. Ông pha bình trà thứ tư, đôi mắt đăm chiêu trong cái kính lão, nhìn ra trước ngõ thấy mịt mù như tương lai con gái của mình.
Cứ tưởng lấy được chồng từ con nhà đàng hoàng sẽ sống trong hạnh phúc êm ái, nào có ngờ khi về làm dâu thấy Hiền càng ngày càng khổ hơn. Nghĩ đi nghĩ lại ông thấy quá mệt mỏi vì chứng bệnh tuổi già, thôi thì cứ nghĩ thoáng để thấy lòng nhẹ nhàng. "Rồi cơn mưa kia cũng tạnh, tất cả mọi cảnh vật sẽ trở lại như trạng thái ban đầu. Rồi Trọng cũng sẽ bỏ cờ bạc chí thú vào làm ăn, cả hai vợ chồng cùng nhau gây dựng lại". Ông tắt đèn bước lên giường nằm, cơn mưa ngoài kia cũng vừa kịp tạnh.
Mỗi lần đến thăm vợ con Trọng hay khóc lóc xin lỗi về những gì mình đã làm. Hứa từ bỏ không bao giờ dính tới cờ bạc thêm một lần nào nữa. Hiền tin, vì cho rằng con người ai cũng có sai lầm, cái quan trọng nhất là biết nhận lỗi và đừng đi lại con đường sai lầm ấy nữa, huống gì đứa bé mới sinh ra cần có cha có mẹ. Ly hôn chính là sự đang trốn chạy mọi khó khăn, tìm cái yên bình êm ấm cho chính bản thân mình, nhưng còn đứa con chẳng khác nào để nó đang đứng giữa mùa đông giá lạnh, làm sao có thể tìm êm ấm cho mỗi cá nhân mà để con thơ phải co ro một mình thiếu hơi ấm từ tình thương cha mẹ. Ích kỷ lắm thay.
Nghĩ thế Hiền bỏ qua lần này, cố làm kiếm tiền để trả nợ cho chồng và lo cho con nhỏ. Cô còn tiếc nuối những gì công sức mình bỏ ra một thời gian quá lâu dài, mà nó tan biến chỉ vài ngày ngắn ngủi. Mỗi lần nghĩ đến thì nước mắt lại rơi, càng mất niềm tin vào người chồng của mình.
Thời gian sau Hiền dành dụm số tiền dưỡng già của cha mẹ để dành, mở tiệm tạp hóa nhỏ buôn bán lác đác cho qua ngày. Vì chẳng còn giao hàng như lúc trước nên Trọng rất rảnh rỗi, thường xuyên cặp bè cặp bạn đi chơi, hết ăn nhậu rồi la cà quán xá, và mỗi khi Hiền nói đến vấn đề này thì vợ chồng lại có chuyện. Đó là điều mẹ chồng cực kỳ ghét, vì bà chỉ muốn cho mọi người nhìn thấy cái mặt phải hạnh phúc của con cái, riêng mặt trái đau khổ cứ giấu vào hoặc tự chịu đựng, miễn sao đừng để lộ ra bên ngoài.
Những lần cô đề cập tới việc ăn chơi của Trọng, bà luôn nói gãy gọn chỉ một câu "chuyện của vợ chồng thì tự tắt đèn khuyên nhủ nhau, nói với mẹ, mẹ chẳng làm được gì, đã quá nhiều lần mẹ khuyên, mẹ có nói nó cũng không nghe". Bất lực Hiền đành im lặng, mặc kệ Trọng muốn làm gì thì làm, miễn đừng đụng chạm gì đến số tiền mà bấy lâu nay cô tích góp để gây dựng lại cái cửa hàng như lúc mới ban đầu.
Hiền quyết lần này sống vì con cái, dù nghe rất nhiều tin từ gia đình chồng báo lại Trọng cặp con này đến con khác, nhưng Hiền vẫn mặc kệ cứ ậm ừ cho qua. Đó là những tin chính xác không phải nhằm chia rẽ gia đình, bởi vì bên gia đình chồng có nhiều bạn dâu thương cảm với số phận cô vô cùng, nhưng họ không dám nói thẳng cho cả gia đình được biết, vì ai cũng hiểu tính sĩ diện lẫn khó khăn quá đỗi của bà mẹ chồng mình.
Cứ như thế đã trải qua bốn năm, Hiền tích góp được một số tiền kha khá từ việc bán tạp hóa, rồi mở lại một đại lý nước ngọt như những gì mình đã mất trước đó. Lần này Trọng đã có việc làm, thuê xe đi bỏ hàng cho những đại lý khác. Hiền tin rằng trong suốt thời gian qua Trọng ăn không ngồi rồi nên sinh ra đủ thói hư tật xấu, chỉ làm những việc nhỏ linh tinh trong nhà cho qua ngày qua tháng.
Lần này thì khác đã có việc hẳn hoi, chắc chắn sẽ không còn có cơ hội la cà ăn chơi cùng chúng bạn. Kể từ đó Trọng rất chịu khó làm, siêng năng thay đổi đến trông thấy, kể cả đi lấy hàng ở xa đến tận khuya mới về. Mỗi khi Trọng đi về chưa kịp tắm rửa, còn nguyên bộ quần áo mồ hôi ướt đẫm chua như giấm, đã chạy vào bế con vui đùa rồi hôn thật thắm thiết, Hiền thấy thật hạnh phúc ở những phút giây này, mỗi khi Trọng lái xe đi con bé chạy lon ton ra đầu ngõ miệng cứ gọi "ba, ba" rồi đành đạch khóc nhảy dựng bên tiếng dỗ của Hiền. Bé thương cha nó lắm, khi nghe tiếng xe Trọng về tới trước cửa nó chạy ra mừng rỡ miệng cười toe toét, dang tay ôm chầm lấy ba chẳng chịu rời khỏi lòng.
Thấy Trọng chăm chỉ làm việc Hiền cũng không còn nhớ đến những năm tháng trước đó, có lẽ nhờ vậy khiến Trọng thay đổi hoàn toàn Hiền cũng cảm thấy yên tâm hơn giao việc và cả tiền bạc cho Trọng quản lý cùng. Vì không thể vợ chồng mà cứ ngờ vực, lo sợ rồi dẫn tới đề phòng, tạo ra một ranh giới có khoảng cách, bất khả xâm phạm giữa tình cảm vợ chồng.
Ngày Hiền nhập viện vì cơn đau ruột thừa phải lên ca mổ gấp, mọi việc ở nhà đều giao cho hết cho Trọng coi. Ai cũng tin tưởng, vì trong suốt thời gian vừa qua Trọng không hề vướng vào cờ bạc, có lẽ Trọng đã bỏ hẳn vì thấy sợ sau những lần quay về tay trắng và nhận ra cờ bạc là một điều sai lầm. Nhưng không, vẫn tính nào tật nấy có tiền trong tay thì ngựa quen đường cũ. Trọng chơi thua sạch chỉ trong ít ngày mà vợ đã nằm viện. Thế là công sức và mọi sự cố gắng của Hiền, lần thứ hai đã tan thành mây khói.
Vừa mới xuất viện về chưa kịp tịnh dưỡng, Hiền lại phải trở vào bệnh viện thêm một lần nữa, vì đón nhận tin chết điếng như tiếng sét bên tai khi sức khỏe còn yếu và vết thương mổ còn đau chưa thể lành . Nằm trong bệnh viện trong vòng tay thương yêu của mẹ cha già, những giọt nước mắt của số phận rơi xuống thật mặn cay, nó cay như chính cuộc đời của cô phải gặm nhấm nỗi đau thương của một người ban tặng. Người đó không ai khác, chính là người cô hết lòng tin tưởng và hết lòng thương yêu, chính là người đầu ấp tai gối suốt gần mười năm dài. Đau đớn hơn, là những gì xảy ra trong hôm nay đều dồn hết về phía cô.
Họ đổ lỗi cho cô, họ cho rằng tất cả tiền bạc cô đều mang về phụng dưỡng cho cha mẹ ruột của mình, nên mới có cớ sự này. Nỗi oan ức, kèm với cơn sốc và vết thương đau âm ỉ, cô nằm khóc, những tiếng khóc ấm ức trút vào đêm lặng thinh.
"Con đừng khóc nữa, chuyện đã đến nước này rồi có buồn thì cũng vô ích, số phận đã sắp xếp như vậy rồi. Thôi thì về sống lại như ban đầu và đừng buôn bán gì nữa".
Mẹ của cô rơi hai hàng nước mắt nhìn con trong bộ dạng tội nghiệp này, chưa bao giờ thấy con gái của mình ra nông nỗi như thế.
Trước lúc Hiền chưa lấy chồng, tuy không phải là tiểu thư đài các con nhà giàu với tài sản đồ sộ, nhưng Hiền chưa một lần khổ sở, khóc lóc thê thảm như khi về làm dâu nhà người.
Khi còn ở nhà của mẹ cha thì Hiền như là một nàng công chúa quá đỗi hồn nhiên sống trong tình yêu thương bao la của đức Vua và mẫu hậu. Đến khi về làm dâu thì Hiền chẳng khác gì một kẻ ăn mày, thân thể gầy gò, ăn mặc xuề xòa gương mặt khô khốc và đôi bàn tay hằn lên những chai sần của sự vất vả gian truân. Phận làm cha mẹ có ai không thương xót khi thấy con mình đang chới với trong bể khổ cuộc đời, và cha mẹ nào không mỉm cười khi con mình sống trong yên vui niềm hạnh phúc viên mãn.
"Mẹ muốn con khổ suốt đời sao?”.
Hiền lấy tay lau nước mắt, nghẹn ngào nói từng lời.
"Vậy bây giờ con tính sao?’.
"Con muốn ly hôn, vì con không thể chịu đau khổ thêm bất cứ lần nào nữa".
"Chuyện ly hôn là chuyện quan trọng, không thể nói là nói. Con đã suy nghĩ kỹ chưa? Chuyện hạnh phúc là chuyện của con cha mẹ không có quyền can thiệp, nhưng con phải suy nghĩ cho thật kỹ trước khi đưa ra quyết định của mình"
"Thưa mẹ con đã suy nghĩ kỹ".
"Hiền ơi! Về nhà đi con! Gia đình mình sẽ sống như những tháng ngày xưa ấy. Cha mẹ sẽ lo đầy đủ cho con và cả cháu ngoại".
Nói vừa dứt tiếng, cha của Hiền òa lên khóc, đây là lần đầu tiên cô thấy cha mình khóc, những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt tội nghiệp của ông.
"Hả, ông đồng ý cho con Hiền nó li dị thằng Trọng sao? - Bà cầm lấy tay ông, vỗ nhẹ vào vai như an ủi ông đừng quá xúc động.
"Phải ".
"Nhưng…"
Bà ấp úng chưa nói hết câu, thì ông tiếp lời.
"Không nhưng nhị gì nữa hết. Đúng là hạnh phúc là của con cái cha mẹ không có quyền xen vào, nhưng hôm nay tôi sẽ xen vào. Tôi không muốn con mình tiếp tục khổ nữa, tôi thất vọng vì gia đình chị sui lắm".
Ông ngồi bệt xuống với gương mặt buồn bã nhìn ra cửa sổ bằng đôi mắt trầm ngâm.
"Sao hôm nay ông bức xúc nhiều đến vậy, ông lại quên mình bị chứng bệnh huyết áp sao. Sẵn ông nói tôi mới nói luôn, tôi không ngờ chị sui lại nói con Hiền mang hết tiền của đem về cho gia đình mình. Thật sự nghe câu đó tôi buồn dữ lắm, từ trước đến bây giờ mình chỉ có cho con, chứ nào có lấy của con bất cứ cái gì đâu"
"Họ quá xem thường mình, rõ ràng là thằng Trọng cờ bạc thua hết sạch, thế mà lại đổ lỗi cho con Hiền. Thôi không nói nhiều, nói tới nói lui mất công người ta dị nghị, và cho rằng sui gia mà mâu thuẫn về tiền bạc thì chẳng khác gì đi làm đề tài để người ta bàn tán. Cứ ly hôn vậy là xong, khi nào con Hiền xuất viện thì về lấy đồ dẫn cháu ngoại về nhà mình sống, rồi đưa đơn ra tòa. Vậy là êm xuôi".
Sau khi xuất viện Hiền đưa đơn ra tòa và chính thức ly hôn. Kể từ đây mỗi người đi một đường riêng chẳng còn ai can thiệp vào cuộc sống cá nhân của riêng ai. Hiền dẫn con về nhà cha mẹ sống, với muôn lời bàn tán từ bà con lối xóm, nào là "đang sống hạnh phúc, tại sao phải ly hôn" hoặc "làm dâu nhà đó sướng như công chúa, có phúc mà không biết hưởng".
Dù thế nào đi chăng nữa Hiền vẫn giữ quan điểm của cá nhân mình "Chẳng do ai cả, sống không hợp nhau thế là ly hôn". Mỗi khi có ai hỏi về nguyên nhân của cuộc ly hôn Hiền đều trả lời như thế. Vì còn phải giữ sĩ diện, uy tín cho gia đình của chồng.
Từ ngày về nhà cha mẹ sống, cô thay đổi trông thấy, có da có thịt, trắng trẻo tươi xinh đẹp hơn xưa rất nhiều. Cái ngày Hiền dọn đồ dắt con ra khỏi nhà, mẹ chồng đứng nhìn đăm chiêu rơi hai hàng nước mắt, bà tiếc hùi hụi vì Hiền là đứa đảm đang, hiếu thảo và sống hòa thuận với mọi người trong nhà.
Trước khi đi Hiền không quên cúi đầu chào bà với câu nói nghe đứt ruột đứt gan "Thưa mẹ con đi " bà nhìn theo chết lặng, nhưng chẳng dám hé miệng gọi con dâu bất cứ một tiếng nào. Bà lấy tay vịn vào lan can, trông theo cái dáng đi của Hiền, mỗi bước đi như một nhát búa đập vào lòng bà đến vỡ nát tâm can. Nhưng vẫn không thay đổi được cái tính sĩ diện của bà đối với những người xung quanh khi hỏi han nguyên nhân gia đình tan vỡ, bà vẫn nói cuộc ly hôn này là do chính lỗi lầm của Hiền gây nên, hoàn toàn không phải từ con bà mà ra. Dù bà vẫn thấy lương tâm bị cắn rứt, nhưng không thể nào mất đi cái sĩ diện quá to lớn từ phía nhà mình.
Từ đó Hiền để con lại cho ông bà ngoại ở nhà săn sóc nuôi dưỡng. Cô rời quê hương lên thành phố làm công ty kiếm tiền, những lần nghĩ tới con, nhớ nó đến khiến cô phải trào dâng nước mắt. Không biết tương lai của nó rồi sẽ trôi về đâu, khi cả cha lẫn mẹ đã không cho nó có được một hạnh phúc với mái ấm gần gũi và tình yêu thương vẹn tròn, nhưng cô luôn hứa sẽ vừa làm cha, vừa làm mẹ nhằm bù đắp lại sự mất mát của con, những nỗi bất hạnh mà nó đang hứng chịu.
Cứ như thế bốn năm đã ròng rã trôi qua, con bé giờ cũng đã lớn ngoại không còn phải cực nhọc trông nôm như lúc còn bé thơ mới về. Bé học rất giỏi, những lần được điểm cao, hoặc được nhà trường khen thưởng, bé hay gọi điện thoại lên khoe với mẹ về thành tích học tập của mình, và chắc chắn những lần như thế, mỗi khi mẹ về quê bé đều có phần thưởng từ những con búp bê, những cái váy, hoặc những cái gì mà nằm trong sở thích của bé.
Bé rất khôn ngoan, nói chuyện và suy nghĩ chẳng khác gì người lớn. Còn nhớ lúc nó mới bảy tuổi có một lần nó chải tóc cho Hiền trước chiếc gương tủ đồ, nó nhìn vào gương rồi nói với Hiền.
"Mẹ đừng để cái môi này, không tươi, trông xấu xí lắm "
"Thế để môi như thế nào cho đẹp đây, nhờ con tư vấn giúp mẹ”.
Hiền cười và nói cùng nó.
"Con thấy các chị trong tivi để môi đỏ đẹp lắm, mẹ để môi đỏ trông sẽ đẹp hơn”.
Nó nói những lời thơ ngây làm Hiền phải bật cười.
"Mẹ già rồi con ơi, đâu còn trẻ như các cô diễn viên trên tivi mà môi son với má hồng".
"Không đâu, mẹ Hiền còn trẻ lắm. Nếu mẹ chịu trang điểm sẽ không thua gì các diễn viên trên tivi "
"Lỡ mẹ trang điểm lên đẹp lộng lẫy, khi ra đường người ta ngỏ lời yêu, lúc đó mẹ làm sao?’.
Nó gãi đầu rồi nhanh nhảu trả lời.
"Thì kệ họ! Mà sao họ lại ngỏ lời yêu vậy mẹ?”.
"Thì mẹ đẹp, lúc đó sẽ có người tán tỉnh, nếu mẹ động lòng sẽ lấy người đó làm chồng. Vậy con có muốn mẹ đẹp nữa không?”
"Con muốn mẹ đẹp, nhưng con không muốn mẹ lấy chồng đâu"
"Sao vậy"?
"Con chỉ muốn mẹ ở vậy nuôi con".
"Vậy thì con đừng bắt mẹ phải đẹp, nếu đẹp là mẹ phải đi lấy chồng, con chọn cái nào"?
Nó im lặng không nói, chẳng biết trong đầu của nó đang suy nghĩ về cái gì. Nó rất sợ mẹ trò chuyện cùng với những người đàn ông khác. Những khi ra đường có ai hỏi thăm cười đùa, nó kéo tay mẹ đi thật nhanh và cho rằng họ đang có ý đồ ve vãn. Trừ khi nào mẹ nói chuyện với phụ nữ.
"Có phải lấy chồng là phải có em bé không mẹ?”.
Nó quay sang bất ngờ hỏi Hiền.
"Đúng rồi. Con muốn có em không?”.
Hiền ôm nó vào lòng, nhìn vào mắt mà nói.
"Không"
Nó, thẳng thừng trả lời, chỉ một từ duy nhất.
"Ủa sao thế, có em vui mà, con không chịu sao?”.
Hiền tiếp tục trêu nó.
"Không, vì có em rồi mẹ sẽ thương em nhiều hơn không còn thương con nữa".
Nó rời vòng tay Hiền bỏ đi, có vẻ như đang giận hờn vì những câu nói ấy.
Mới đó mà đã mấy năm rồi, càng ngày càng lớn bé thêm biết nhiều hơn, những câu nói và dòng suy nghĩ của trẻ nhỏ đôi khi khiến người lớn phải giật mình. Rồi sau này khôn lớn nó sẽ nhận ra vì sao cha mẹ lại phải ly hôn nhau. Nó cũng sẽ hiểu ra nỗi khổ đau của Hiền đã chịu trong suốt khoảng thời gian làm dâu, và việc ly hôn là một cách để giải thoát.
Thời gian đi làm công ty Hiền có yêu đương với một người cũng đã từng đổ vỡ. Họ cảm thông nhau vì số phận vết xe đổ giống hệt, chỉ hai năm tìm hiểu giờ họ muốn gán ghép thành một đôi để sống hết quãng đời còn lại, cùng nối lại sợi tơ hồng, mà trước đó bị cắt đứt của cuộc hôn nhân đã quá đỗi sai lầm. Hiền bắt đầu lấy chồng đi thêm một bước nữa.
Ngày đám cưới của Hiền cùng với chồng mới, người ta cứ bàn tán xôn xao kẻ nói ra người nói vào đầy lời lẽ chỉ trích và ít ai có sự đồng cảm về một người đổ vỡ, vì chồng cũ vẫn còn ở vậy thế mà cô lại nỡ đi lấy chồng. Ngày vui của Hiền khách khứa hân hoan trao nhau lời chúc phúc, vì cô đã thật sự tìm được một nơi bến đỗ đúng nghĩa để nương thân sau này.
Hiền vẫn trong chiếc váy trắng tươi cười cùng bạn bè khách khứa, đâu đó có một nỗi buồn rất lặng lẽ từ phía con bé. Nó nấp mình sau chiếc xe hoa, mắt nhìn theo từng cử chỉ của mẹ đang quàng tay bên chồng chụp ảnh mà hai hàng nước mắt của nó chảy dài. Nó khóc thút thít, mỗi khi thấy có ai đang nhìn, nó giả vờ cúi xuống sửa cái váy, rồi tiếp tục khóc dầm dề chẳng vơi một chút buồn.
Dù biết hôm nay là ngày vui của mẹ mình, nhưng sao chẳng thể nào khiến nó cười nổi trong niềm vui rộn ràng. Nó lấy tay lau nước mắt rồi chạy đi thật nhanh về phía hướng nhà nội, chính nó cũng chẳng biết là vì sao và nó đang làm gì, cảm xúc cứ bị trực quan dẫn đường, tóm lại cứ tránh né không muốn thấy cái cảnh mẹ nó đi lấy chồng. Nó dừng lại, rẽ vào con đường vắng tanh, ngồi xuống gốc cây khóc một trận đã đời, miệng luôn gọi "Ba ơi, mẹ ơi" những tiếng gọi thật lớn, vang xa rồi mất dần giữa không gian quạnh quẽ. Nó lặng lẽ trở về để tiễn mẹ lên xe hoa chuẩn bị bước theo chồng.
Hiền tìm khắp nơi để vào chụp ảnh cùng nhưng chẳng thấy nó đâu. Nó trở về len lén chạy thẳng vào phòng nằm trên giường lấy chăn đắp kín bít. Hiền vào thay đồ thấy nó nằm im đó, hiểu ra rằng " tâm trạng nó đang rất buồn vì cái chuyện cô sắp sửa về nhà chồng".
"Con gái ngoan của mẹ, rồi khi con lớn lên con sẽ hiểu nỗi lòng của người mẹ đơn thân đã tan vỡ và đau thương như thế nào, thật khác xa với những suy nghĩ của con ngay lúc này. Bất cứ người phụ nữ nào cũng cần có một nơi để che chở và bước qua sóng gió của cuộc đời. Khi con lớn thì con cũng không ngoại lệ, hãy thương mẹ mà mừng vì mẹ đã tìm cho con một người cha rất tốt, dù không phải cha ruột nhưng họ cũng rất thương yêu con như chính con ruột rồi”.
Hiền xoa đầu nó, hai hàng nước mắt chảy dài. Nó dỡ chăn ra ôm lấy mẹ, hai mẹ con khóc sướt mướt, lời an ủi vỗ về liên tục Hiền dành riêng cho nó.
Lúc theo Hiền bước lên xe hoa, nó im lặng chẳng nói được lời nào, dù chẳng thiếu những lời dỗ ngon dỗ ngọt hết lòng từ người lớn. Nó vẫn gục đầu nhắm mắt cho đến lúc xe dừng trước cái rạp cưới bên căn nhà cái cổng rào màu xanh và có dây đậu biếc phủ kín, đó là nhà của cha mới. Nó chẳng chịu đi vào, đôi bàn tay cứ nắm chặt lấy tay Hiền, bỗng nhiên nó nói một câu, lại một lần nữa khiến Hiền rơi nước mắt.
"Mình về nhà ngoại đi mẹ, con không muốn mẹ ở đây đâu".
Câu nói nghẹn ngào kèm hai hàng nước mắt chảy dài xuống đôi gò má nhỏ của nó.
"Ngoan đi con gái, hãy thương mẹ, đừng khóc nữa mẹ đau lòng lắm, rồi mẹ sẽ thường về thăm con. Con về nhớ học hành cho giỏi và thường nghe lời ngoại, có như thế mẹ mới thấy an lòng".
Hiền lấy tay lau nước mắt, hôn thật nhiều và gương mặt bé nhỏ.
Đến lúc xe ra về, Hiền đứng trước ngõ nhìn theo thấy lòng mình quằn quại với những cơn đau thắt liên tục bị siết chặt theo bóng con xa dần. Bé vẫn nằm trong vòng tay của ngoại, ông bà kể rất nhiều chuyện vui mà hằng ngày nó vẫn thường ưa thích, nhưng sao chẳng thấm thía để tạo ra cho nó bất cứ tiếng cười nào.
Nó hiểu ra rằng, mẹ đi lấy chồng xa, rồi mẹ cũng sẽ có con, mẹ có cuộc sống riêng bên gia đình của mẹ, rồi mẹ sẽ ít trở về bên nó thường xuyên giống như trước đây nữa.
Ngày ấy mẹ đi làm công ty, vào các ngày lễ hoặc những dịp tết mẹ vẫn hay trở về, hai mẹ con như hai người bạn thân với nhau san sẻ đủ thứ chuyện có trên cuộc đời này, vui như chưa từng vui trong vòng tay của mẹ. Rồi các kỳ nghỉ hè ngoại thường dẫn nó lên để thăm mẹ trong sự háo hức và niềm vui chan chứa, đó là những phút giây yên bình hạnh phúc nhất của nó. Nhưng từ nay và cả về sau này có lẽ những điều ấy sẽ vô cùng hiếm hoi thiếu hơi thở của mẹ. Bỗng nhiên cảm xúc dâng trào, nó khóc rồi gọi to "mẹ ơi...mẹ ơi...mẹ ơi”. Ngoại cũng khóc theo rồi thương cảm dỗ dành, hứa về mua đủ thứ đồ chơi, cả quần áo đẹp và nhiều thức ăn ngon, nhưng nó chẳng cần.
Về đến nhà ngoại, vừa xuống xe nó tức tốc chạy ra phía cánh đồng, đó cũng là nơi mỗi buổi chiều nó phụ mẹ gom rau muống mang lên cho ngoại để sắc cho lợn ăn, có khi ngồi nghe mẹ kể chuyện về những ngày xa xưa mẹ còn nhỏ ở ao rau muống, phải bán từng bó lấy tiền để mua gạo. Có lẽ cái ao rau muống này, từ nay sẽ vắng bóng của mẹ.
Chiều buông xuống rất nhẹ nhàng, phía ngoài đồng xa nắng vàng trải lên hàng cây vút cao, bên kia ao rau muống những con cò trắng với chiếc mỏ nhọn hoắt đang mải mê gắp mồi, và chúng cũng sải cánh bay tìm về nơi tổ ấm, nơi đó có mẹ chúng đang chờ sau một buổi rong chơi. Chỉ còn duy nhất một con cò ở lại, sao nó chẳng chịu bay đi để về tổ ấm ở tít phía chân trời, chắc là nó còn đang đợi mẹ, nên giờ chỉ một bóng côi cút lặng lẽ, nhỏ bé dưới bóng chiều bao la.
© Quang Nguyễn - blogradio.vn
Xem thêm: Cuối cùng em cũng có thể bước qua quá khứ để hạnh phúc rồi
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em
Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.
Lá thư gửi đến thiên đường
Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.
Đắng cay
Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân
Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi
Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.
Đơn phương yêu một người
Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.
Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?
Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?
Câu chuyện về một nhà thơ…!
Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.
Vì anh còn thương em
Tất cả khiến anh lặng người, thơ thẩn vì mải mê đắm chìm trong quá khứ, trong nụ cười, ánh mắt em. Anh không muốn trở về với thực tại tàn khốc rằng chuyện tình mình đã kết thúc tự bao giờ, rằng anh đã mất em thật rồi.
Ai là bạn trong cuộc đời?
Hãy để những ước mơ dẫn dắt bạn, vì chúng sẽ giúp bạn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống và cung cấp động lực để bạn tiếp tục tiến bước.
Ánh nắng chiếu
Anh nhớ em một ngày cuối hạ Cho tình yêu gọi giấc mơ về Anh nhớ em một tình yêu lạ Mà sao lòng anh vẫn còn yêu