Phát thanh xúc cảm của bạn !

Ba mẹ tôi

2018-01-02 01:13

Tác giả:


blogradio.vn - Để chúng tôi no đủ, ba mẹ tôi tằn tiện hết mức có thể. Sự tằn tiện, khổ cực quá lâu nên chẳng dễ dàng thay đổi được. Khi chúng tôi đã đi làm và có điều kiện, mua cho ba cái áo cái quần, ba cất rịt trong góc tủ, bọc cẩn thận. Ba nói sau này sẽ mặc những dịp quan trọng. Còn ba bận những chiếc áo sờn vai bao nhiêu năm nay vẫn mặc.

***
blog radio, Ba mẹ tôi

Ba mẹ tôi ấy, cứ ép tôi phải ngủ trưa nhưng bản thân lại ngồi tranh thủ đan lát kiếm thêm thu nhập. Mẹ bảo ngủ trưa mới tốt, ngủ trưa mới khỏe được. Thế ba mẹ tôi không cần khỏe sao? Hồi đó tôi cứ đinh ninh ba mẹ mình có sức mạnh vô thường, sẽ chẳng biết mỏi mệt là gì. Sau này đi làm rồi tôi mới biết, thèm lắm một giấc ngủ trưa, dù chỉ là 15 phút.

Ba mẹ tôi cứ bắt tôi ăn đủ rau, đủ thịt, bản thân lại nói ăn mãi thịt rồi không còn thấy ngon nữa. Mẹ tôi bảo ăn rau mát ruột, thịt ăn nhiều tức bụng lắm. Thế mà tôi lại thấy ngon vô cùng. Ba mẹ thật tài, ăn mãi rau mà vẫn không chán. Ba mẹ chưa đủ gầy ư? Mãi sau tôi mới nhận ra, ngày đó nhà tôi nghèo lắm, chán thịt có thể sao?

Ba mẹ tôi, để cho chị em tôi ăn học 12 năm đèn sách thật chẳng dễ dàng gì. Ngày chị tôi vào Đại học, ba mẹ tôi phải làm việc gấp đôi. Ngày chị tôi chưa ra trường, tôi đã lại vào đại học. Có lẽ ba mẹ còn phải làm gấp bốn, gấp năm. Thế mà đi đâu cũng cười tự hào khoe hai đứa con học đại học. Ngày nhập học, đóng tiền học phí một năm cả mấy triệu bạc. Mẹ tôi run run lôi ra từ tay nải cũ mèm cả đống tiền, gồm cả những đồng mười nghìn, hai mươi nghìn, thật sự rất xót xa. Khó khăn vất vả là thế nhưng mẹ nhất định không cho chị em tôi làm thêm, sợ ảnh hưởng việc học. Tôi lại cứ vô tư hưởng thụ cuộc đời sinh viên nhàn nhã như bao người khác. Giờ đây nghĩ lại tôi ước mình khi đó sớm trưởng thành hơn để hiểu đồng tiền có được cực nhọc thế nào.

Để chúng tôi no đủ, ba mẹ tôi tằn tiện hết mức có thể. Sự tằn tiện, khổ cực quá lâu nên chẳng dễ dàng thay đổi được. Khi chúng tôi đã đi làm và có điều kiện, mua cho ba cái áo cái quần, ba cất rịt trong góc tủ, bọc cẩn thận. Ba nói sau này sẽ mặc những dịp quan trọng. Còn ba bận những chiếc áo sờn vai bao nhiêu năm nay vẫn mặc. Vậy đến bao giờ ba mặc áo mới vậy ba? Tôi đưa mẹ đi chợ, mẹ vẫn vậy. Mặc cả từng mớ rau, con cá chỉ để được giảm vài đồng lẻ. Tôi hay đi ăn cùng đồng nghiệp, mỗi lần như thế cả vài trăm nghìn. Tôi cũng không mua quần áo quá rẻ. Đôi lúc hơi lãng phí đồ ăn mà quên mất mẹ vẫn tằn tiện thế này. Nỗi xót xa cứ thế dâng lên. Ba mẹ tôi đã từng khổ thế nào…

Ngày đi học, tôi cứ nghĩ ba mẹ rất sẵn tiền. Bởi lần nào cần tiền đóng học, mẹ tôi đều có sẵn đưa cho, hoặc sẽ đưa ngay trong ngày. Khi tôi học năm nhất đại học, chị gái tôi vẫn học năm tư và chưa ra trường. Nghe ba mẹ nói với nhau chị gái tôi sắp ra trường nên tốn kém lắm. Tôi thi điểm kém và phải học lại 2 môn. Lúc tôi gọi điện về xin tiền đóng học. Mẹ ngập ngừng hỏi lại: “Ba ngày nữa mẹ gửi tiền được không?”. Tôi đủ lớn để hiểu mẹ cần thời gian chạy vạy vay tiền cho tôi đóng học. Giờ đi làm, tôi phải làm thêm hai ba tiếng một ngày để đồng lương cuối tháng tăng lên được một chút. Đi làm khi mặt trời mới ló rạng, bước ra khỏi công ty khi đèn đường đã bật sáng. Tôi rã rời rơi nước mắt nghĩ đến ba mẹ. Ngày xưa khó khăn là thế, ba mẹ làm cách nào lo đủ những số tiền đó vậy?

blog radio, Ba mẹ tôi


Mẹ tôi là công nhân trong công ty cầu đường. Có dạo mẹ tôi cả ngày ngoài đường để dãy cỏ. Lớn một chút, mỗi dịp nghỉ hè, tôi xin theo mẹ phụ giúp. Mẹ nhất định không cho. Tôi kiên quyết, mẹ cũng đành mang tôi theo. Theo mẹ một ngày tôi mới biết một ngày của mẹ dài thế nào. Trời nắng như đổ lửa, mẹ cứ khom lưng dãy cỏ không biết mệt mỏi. Mẹ oằn mình gánh những gánh cỏ nặng trĩu cả đất đá và rác. Tôi muốn giúp mẹ, nhận đôi quang gánh từ mẹ, nhưng tôi nhấc lên không nổi… Ngày ấy làm gì có máy cắt cỏ, hai mẹ con cứ dùng cuốc cào, dùng xẻng xúc rác. Nhiều lúc mẹ còn cuốc phải ngón chân đến bật máu. Mẹ cứ làm, thỉnh thoảng lại nhắc tôi ngồi nghỉ. Trưa tháng sáu, cả bầu trời đổ lửa, hai mẹ con rúc trong tấm lều dựng tạm ven cao tốc tránh nắng. Mẹ mua một cái bánh mì và một hộp cơm, một túi nước sấu mát. Mẹ ăn bánh mì và nhấp một ngụm nước, còn lại là phần tôi. Tiền công của một ngày chỉ đủ mua cho tôi cái cặp mới, đau xót vô cùng.

Sau vài năm, mẹ tôi được điều chuyển sang bộ phận soát vé. Công việc nhàn nhã hơn chút nhưng lại phải xa nhà và làm ca đêm. Một dịp nghỉ hè, mẹ đón tôi lên chơi. Tôi ở cùng mẹ trong khu tập thể công nhân viên. Mẹ vì muốn kiếm thêm tiền mà vừa làm soát vé lại vừa làm phụ bếp mỗi khi ca soát vé kết thúc. Tôi nhớ mãi có lần mẹ bất cẩn làm vỡ chiếc bát. Mẹ tôi run rẩy nhặt mảnh vỡ, vừa nhặt vừa luôn miệng xin lỗi người quản lý đáng tuổi con cháu đang cau có mắng nhiếc. Lúc đó tôi không hiểu tại sao mẹ tôi phải nhịn nhục đến vậy? Sao mẹ tôi có thể làm công việc đó bao nhiêu năm nay? Cảnh tượng ấy chẳng bao giờ tôi quên.

Ba tôi từng tham gia vào cách mạng chống Pháp. Sau năm 1975, ba về về một trại quân sự làm hậu cần kiêm lái xe. Vì ba còn mảnh đạn ở vai, nên mất sức khá nhiều. Ba về hưu sớm, tối ngày làm bảo vệ cho một công trường xây dựng gần nhà. Chị gái tôi ngày ngày đi học, vẫn mang cơm trưa cho ba. Bữa cơm có gì ngoài cơm trắng với rau. Chị nói, ba làm bảo vệ ở đó khổ lắm, phải dọn cả rác công trường, bị người ta nhiếc móc. Đến giờ nhắc lại, chúng tôi chẳng khỏi chạnh lòng.

Chị em tôi lao vào học, ra trường lăn lộn kiếm việc, cuối cùng chị tôi làm cho một công việc. Có lần vì bất đồng ngôn ngữ, tôi đã hiểu sai ý sếp nên làm sai. Sếp ném cả tập giấy rồi mắng tôi té tát. Về đến nhà, mắt tôi sưng húp, cáu gắt khi ba mẹ hỏi. Mẹ lại chỉ nhẹ nhàng: “Nếu áp lực quá thì nghỉ thôi, kiếm công ty khác”. Tôi bật khóc, mới vậy mà tôi đã phụng phịu nghĩ bỏ việc. Ngày xưa mẹ đã nhịn nhục nhường nào? Ai cũng có cảm xúc, ba mẹ tôi cũng vậy, chỉ là cảm xúc của ba mẹ luôn xếp sau sau tất cả những thứ vì con cái.

Chị và tôi rồi cũng đến tuổi lấy chồng. Ngày chị cưới, mẹ tôi lén lau nước mắt. Ba không nói gì nhưng mắt cứ ngân ngấn. Chị tôi lấy chồng xa lắm. Mẹ cứ dặn dò tôi: “Nhà mình chẳng có tài sản gì ngoài hai cô con gái. Chị lấy chồng xa. Mày lấy gần gần cho mẹ nhờ. Có hai đứa lại đi hết, tuổi già ba mẹ biết cậy nhờ ai mỗi khi đau ốm”.

Rồi tôi cũng đi lấy chồng, bỏ lại ba mẹ trong mái nhà quạnh quẽ. Tôi lấy chồng cùng tỉnh nhưng cũng cách nhà hai mươi mấy cây số. Ngày đón dâu, mẹ tôi nước mắt ngắn dài. Ba tôi phờ phạc, hốc hác. Tôi không dám khóc, đảo mắt quanh tìm bóng dáng ba. Tôi không thấy ba, đành ôm mẹ rồi rời đi. Vừa bước chân qua cánh cổng, bỗng nghe thoáng tiếng ba trầm buồn trong vô vàn tiếng nhạc xập xình, tiếng hò reo của gia đình bè bạn: “Giờ con gái là con người ta rồi, sau này gặp con mình phải xin phép người ta”. Tôi không nhịn được, nước mắt cứ thế rơi. Giờ khắc ấy, tôi chỉ muốn quay đầu lại. Mái ấm hai mươi mấy năm trời gắn bó máu thịt giờ không còn là nơi đi chốn về thường xuyên nữa.

blog radio, Ba mẹ tôi


Kết hôn 3 tháng, anh để tôi ở lại, một mình sang nước ngoài mang theo giấc mộng giàu sang. Dù nhà chồng tôi khá đủ đầy, nhưng anh vẫn muốn đi. Anh nói còn trẻ còn phấn đấu, sau này vợ con không khổ. Tôi hiểu giấc mộng của anh, tôi hiểu lí tưởng của anh nhưng tôi vẫn không tránh khỏi lạc lõng, tủi hờn. Nhìn tôi khá đủ đầy, hàng xóm xuýt xoa ghen tị. Chỉ có ba mẹ tôi lại thương xót nói: “Khổ thân con tôi, mới chân ướt chân ráo thế mà...”. Vợ chồng những lúc căng thẳng, dù xa nhau nhưnng anh vẫn bỏ mặc tôi ngồi khóc một mình, không một câu an ủi. Tôi gọi cho mẹ, mẹ thương xót khuyên nhủ tôi đủ điều. Có mẹ ở bên, tôi bình tâm hơn, trưởng thành hơn. Tôi tự trách mình bao năm gắn bó lớn lên trong vòng tay ba mẹ mà đôi khi vô tâm quên mất, nhưng lại cứ đau đáu nhớ từng khoảnh khắc bên anh – người chẳng coi tôi là tất cả...

Bao lâu như thế, từ khi còn đi học đến bây giờ, cuối tuần nào mẹ cũng gọi cho tôi hỏi mãi một câu: “Có về không con, ăn gì mẹ nấu?”. Thế mà bao năm xa nhà chưa lần nào tôi gọi cho ba, nhưng mỗi khi tôi nói chuyện với mẹ, đều nghe tiếng ba đứng cạnh mẹ khe khẽ hỏi: “Khỏe không con, bao giờ về thế?”. Nhưng cứ nói mẹ đưa máy cho ba, ba lại gạt phăng đi: “Nói chuyện với mẹ đi, ba đang dở tay”. Tình yêu của ba ấy, dung dị nhưng ấm áp lạ thường. Chẳng cần phải nói ra, nhưng tôi biết chị em tôi là gia tài lớn nhất mà ba nâng niu.

Lại một cuối tuần nữa, tôi về thăm ba mẹ. Gần Tết công việc quá bộn bề, dễ đến gần hai tháng tôi mới về nhà. Chợt nắm tay mẹ, tôi giật mình sao nó lại thô ráp nhường này? Dù tiết trời có hơi hanh khô nhưng sao bàn tay mẹ, rồi cả tay ba nữa, nó thực sự đã nứt nẻ đến rỉ máu rồi. Mẹ cười giải thích:

"Về hưu cũng có làm gì, ba mẹ mấy hôm đi bắt ốc nuôi mấy con vịt, chờ Tết cho mỗi chị em một đôi ăn cho ngon."

Bàn tay nõn nà chưa bao giờ phải làm việc nặng nhọc của tôi siết lấy tay mẹ. Tôi òa lên nức nở...

© Aoyama Keito – blogradio.vn

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Mùa hè

Mùa hè

Sự khởi đầu hay kết thúc không phản ánh bằng thời gian, điều đó không cần phản ánh hay suy xét. Định nghĩ về thì giờ giữa chúng tôi chẳng còn là một khái niệm, chúng tôi chỉ đơn giản muốn bên nhau chẳng thể tách rời...

Cuộc sống: hành trình suy ngẫm và học hỏi

Cuộc sống: hành trình suy ngẫm và học hỏi

Chúng ta có quyền tự do để tạo ra những chương mới, viết nên những câu chuyện mới, và xây dựng những ý nghĩa mới. Mỗi ngày là một trang mới, và mỗi bước đi là một câu chuyện mới đang được viết.

Nhớ

Nhớ

Em ngồi đây bỏng cháy Tim thành bụi mất rồi

Đại lộ của những giấc mơ tan vỡ

Đại lộ của những giấc mơ tan vỡ

Vật chất mình tìm được không đuổi kịp trái tim mình đang loạn. Bằng cấp mình đang có không chạy đuổi kịp suy tâm. Công việc mình hiện đang làm chưa hẳn là việc mình yêu thích. Cuối cùng bản thân mình thích gì mình cũng không rõ. Nhưng lại rất vội.

Định mệnh là gì?

Định mệnh là gì?

Chúng tôi vẫn giữ thói quen buổi tối trò chuyện với nhau, nhưng cũng chỉ là những câu hỏi xã giao như một thói quen khó bỏ. Tôi cảm nhận được điều gì đó giữa hai đứa nhưng lại chẳng thể gọi tên, vì tôi tin anh và yêu anh.

Mãi sau này...

Mãi sau này...

Quá khứ dạy ta cách đi qua những vấp ngã, rèn giũa sự mạnh mẽ, điềm tĩnh khi đương đầu với khó khăn, cho ta sự thấu hiểu, bao dung, chia sẻ yêu thương hơn để chúng ta trân trọng từng khoảnh khắc ở hiện tại và hi vọng về một tương lai tốt đẹp ở phía trước.

Khoảnh khắc

Khoảnh khắc

Hỏi tôi đã bỏ lại điều gì của mình vào những ngày hè năm ấy, tôi chỉ có thể trả lời rằng tôi đã bỏ lại chính bản thân mình. Một tôi hòa đồng vui vẻ nhiệt huyết, vô ưu vô lo, đổi lấy một tôi giờ đây đã khác, trầm lặng, giấu tất cả ở trong lòng mình

Tuổi ấu thơ ai bỏ lại trên đồng

Tuổi ấu thơ ai bỏ lại trên đồng

Cũng chẳng còn hay tết những vòng hoa Thành vương miện giả chơi trò công chúa Hoa đồng nội thơm dịu dàng một thuở

Nếu chúng ta còn duyên, mình chờ cậu trong hộp thư thoại…

Nếu chúng ta còn duyên, mình chờ cậu trong hộp thư thoại…

Cậu thấy thời gian có tàn nhẫn không? Nó chưa từng dừng một giây, để suy nghĩ về việc phủ bụi trần lên những mảnh ký ức của chúng mình. Cũng như chúng mình cũng chưa từng dừng một giây nào để ngừng nghĩ về nhau.

Gửi em

Gửi em

Mong gặp em và mong được nhìn ngắm Trái tim này cất giữ tạo nên thơ

back to top