Ảo vọng
2023-09-08 05:25
Tác giả: Nguyệt Minh
Blogradio.vn - Chị ngồi thẫn thờ, đôi vai buông xuống. Cuộc điện thoại với cậu con trai dường như rút hết sinh lực của chị. Chị lục vấn bản thân gắt gao, ráo riết... Vì đâu nên nỗi, vì đâu...?
***
Đêm đó, chị gần như mất ngủ, chỉ lơ mơ được một lát lúc gần sáng. Cả đêm chị đặt ra liên tục những câu hỏi cho mình, đầu óc quay cuồng trong mớ bòng bong hỏi - trả lời - phản bác - đặt giả thiết - lại hỏi. Đó là đứa con duy nhất của chị, chồng chị chết năm ngoái. Cuộc sống sau đó tưởng sẽ bình yên. Nhưng không, sau cuộc điện thoại với con, chị như chết lặng. Câu hỏi của thằng bé “Mẹ có biết con đã nghĩ đến tự sát bao nhiêu lần rồi không?” khiến chị sụp đổ. Tất nhiên, với bản năng của một người mẹ và bản lĩnh của một phụ nữ từng trải chị không thể hiện cho con biết điều đó. Nhưng trong lòng trống rỗng. Tại sao nó lại có ý nghĩ đó? Nó mới 20 tuổi. Chị nhớ lại khi nghe con nói bằng một giọng chán chường mà bình thản đến lạ lùng, dường như nó đã suy nghĩ nhiều về điều đó. Não chị đã hoạt động khẩn trương để chuyển hướng sang những chủ đề khác một cách khéo léo nhằm phân tán suy nghĩ của con. Tạm thời, chị đã thành công. Nhưng chị hiểu, chuyện không dừng ở đó. Khoa học gọi đó là bệnh trầm cảm. Và chị có thể đoán chắc thằng bé đã là một trong số những bệnh nhân của căn bệnh đó.
Trời vừa sáng, chị gọi xe xuống Hà Nội mà lòng như lửa đốt, vừa muốn gọi cho con nhưng nửa lại không. Cuối cùng, chị chọn cách nhắn tin. Lạy trời! Nó đã trả lời tin nhắn của chị. Nhưng những video nó gửi cho chị qua zalo càng khiến chị lo lắng. Vì đó là video về căn bệnh trầm cảm. Nó đã manh nha biết mình mắc bệnh. Điều đó tốt hay xấu chị cũng chưa rõ. Chị biết đó là một căn bệnh của xã hội hiện đại nhưng không ngờ rằng nó lại rơi vào chính gia đình mình. Mẹ con chị vẫn nói chuyện khá thường xuyên với nhau, chí ít cũng là một vài tin nhắn mỗi ngày nếu như không gọi video call. Và nó cũng vẫn kể với mẹ những điều sâu kín trong lòng, từ chuyện tán tỉnh của thanh niên đến những chuyện vặt vãnh trong sinh hoạt ở khu nhà trọ hay những mong ước về tương lai. Vì thế chị thấy bất ngờ với những ý nghĩ của nó. Vốn dĩ chị vẫn tự tin về việc có thể được nó tin tưởng và hỏi ý kiến trong nhiều vấn đề.
Chuyến xe Lạng Sơn - Hà Nội hôm nay như trêu cợt khi mới chín giờ sáng mà đường nội thành liên tục tắc nghẽn, có ngã tư phải qua ba lần đèn đỏ mới có thể vượt được. Nhìn qua cửa kính, dòng người nghìn nghịt từ các ngả đường đổ về gây cho chị một cảm giác bức bối khó tả. Sao cứ phải là ở đây mới có thể sống được? Rồi chị lại tự giễu mình. Đâu phải ai cũng có mong ước giản đơn như mình. Chị bằng lòng với ngôi nhà cấp bốn của bố mẹ chồng cho, với mức lương mười triệu đồng một tháng sau hơn hai mươi năm làm việc của một giáo viên. Cũng bằng lòng cả với việc để có thể kiếm thêm tiền lo cho gia đình chị phải dạy thêm mấy nhóm học sinh, có ngày đến tận gần mười giờ đêm mới xong việc. Nhiều lúc cũng thấy mình thật nặng gánh nhưng dường như có một niềm tự hào, niềm vui khi có thể lo liệu cho chồng con một cuộc sống tuy không dư dả nhưng cũng không đến nỗi thiếu thốn. Tự hào cả với việc mình không bao giờ chào mời học sinh đến học thêm mà vẫn có thể kiếm được số tiền thậm chí hơn cả lương chính. Để rồi mỗi khi mệt mỏi lại có lí do để tự an ủi bản thân rằng mình vẫn hơn khối người, vẫn có thể sống khá thoải mái tuy không giàu. Và quan trọng là chị thấy lương tâm mình thanh thản, nhẹ nhõm.
Nhưng giờ đây, trước đứa con của mình chị lại thấy hoang mang, bối rối, hoảng sợ. Chị nóng lòng gặp nó biết bao...
Bước xuống từ chiếc xe Ford Transit mát lạnh, ập vào mặt chị là hơi nóng hầm hập của thời tiết cuối tháng Sáu ở Hà Nội. Nhưng chị không hề dừng lại mà sải vội vàng những bước chân vào con ngõ nhỏ, nơi có khu nhà trọ của con. Mặc dù đã đến thăm con vài lần ở đây từ năm đầu tiên nó xuống học, nhưng chị vẫn chẳng hề cảm thấy quen thuộc. Chị hồi hộp đứng trước cánh cổng khóa kín và mở điện thoại ra gọi con. Nó tỏ ra khá ngạc nhiên rồi ra mở cửa. Nhìn thấy vóc dáng cao to ấy thong thả bước ra, lòng chị bỗng cảm thấy nhẹ lâng. Vào đến nhà, đáp lại những câu hỏi của mẹ về mấy cậu bạn cùng phòng đã về quê nghỉ hè, nó trả lời một cách nhát gừng, điềm tĩnh. Chắc nó cũng hiểu đó chỉ là vài câu xã giao còn điều mẹ nó muốn hỏi thì chưa đến. Còn chị, cũng đủ để kiềm chế được những băn khoăn chỉ chực chờ bật khỏi miệng.
Ăn trưa ở quán về, chị bảo con dừng lại để mua về phòng trọ hai cốc chè caramen, món mà nó vẫn thích. Dường như vị ngọt ngào của đường sữa khiến nó trở nên thư giãn, cởi mở hơn khi bắt đầu nói với mẹ những chuyện vụn vặt ở cái nhà trọ mười phòng này với gần 20 con người. Chị quyết định hỏi con điều mình vẫn canh cánh trong lòng:
- Sao con nhận định là mình bị trầm cảm?
- Con thấy mình có suy nghĩ lạ, khác với các bạn. Mà từ lâu rồi chứ không phải mới bây giờ đâu. Nhưng con vẫn cố gắng kiểm soát hành động của bản thân. Con bị suy nghĩ nhiều về tiền quá. Cái con muốn phải là nhiều tiền chứ không chấp nhận cuộc sống bình bình. Nên con dùng tiền làm thêm chơi coin trên các sàn tiền số. Thua lỗ khiến cho con càng chán nản. Con muốn thôi học.
Chị không quá bất ngờ về việc nó chơi coin. Trong những lần về nhà trước đó, nó cũng từng nói về điều này và chị chỉ đưa ra những lời khuyên của một người cẩn trọng trong mọi việc. Nhưng có vẻ như nó chỉ vâng dạ qua loa để nhanh chóng kết thúc câu chuyện rồi chuyển sang chủ đề khác.
- Mẹ hiểu cảm giác tiếc nuối, tự trách mình, cảm thấy mình bất lực của con. Nhưng con thấy đấy, sống như mẹ vẫn ổn, có cần phải qụy lụy ai đâu, cũng không phải là nghèo khổ.
- Nhưng con không muốn một cuộc sống như thế, con muốn phải có nhiều tiền. Không có tiền, tán gái còn khó chứ nói gì đến cuộc sống.
- Mẹ thừa nhận tiền rất quan trọng nhưng mẹ không coi nó là vạn năng. Mẹ muốn con sống hạnh phúc và bình an là đủ.
- Với con, phải có tiền mới hạnh phúc!
Nhìn khuôn mặt và giọng nói lạnh lùng của nó, chị cảm thấy khó thở. Có lẽ đây là một tình huống khó khăn mà chị gặp phải trong cuộc đời làm giáo viên của mình. Vì hơn ai hết chị hiểu con mình. Chị hiểu dòng máu đang chảy trong huyết quản của nó kia là dòng máu của chồng chị. Nó thừa hưởng gần như toàn bộ những đặc điểm về ngoại hình và cả tính cách của chồng chị. Và anh là một người cực đoan đến khủng khiếp. Rồi anh đã gục ngã ngay từ lần thất bại đầu tiên của mình, cho đến khi anh ra đi mãi mãi. Bản thân chị đã chấp nhận con người thiếu bản lĩnh, nghị lực của anh bởi chị đã yêu và sau này là thương. Có đôi lúc chị nghĩ, có lẽ mình đã ôm hết trách nhiệm vào mình, khiến cho mình trở nên cứng cỏi như một người đàn ông nên khiến anh không cảm thấy chị cần giúp đỡ, chở che? Và giờ đây, đứa con duy nhất của anh chị có phải đang rơi vào vết xe đổ của bố nó hay không? Chị hít một hơi thật sâu và nói với con bằng một giọng bình thản:
- Nếu con thực sự muốn thôi học, mẹ cũng không ngăn cản. Vì ngành học của con cũng khó xin việc. Tuy nhiên, con hãy suy nghĩ kĩ rồi sẽ quyết định. Còn về tình trạng của con thì ngày mai hai mẹ con đến bệnh viện để khám sức khỏe tổng quát. Đã lâu rồi mẹ cũng không đi khám. Xong xuôi rồi nói chuyện tiếp. Bây giờ nghỉ một lát đi.
- Vâng!
Thấy con đồng ý một cách dễ dàng chị lại thấy lo lo. Nó vốn dĩ hay tranh luận và có quan điểm riêng, không dễ thỏa hiệp mà giờ đây lại chẳng phản đối lấy một câu. Hay vì nó cảm thấy cần phải đi khám thật? Nó là chúa ngại các thủ tục hành chính, việc chờ đợi khiến nó mất kiên nhẫn. Nhưng thôi, cứ đi khám đã.
Cả buổi chiều hôm ấy hai mẹ con không nhắc lại chuyện đó nữa. Nó lớn rồi và là một người đàn ông. Còn chị là một người vẫn giữ được sự bình thản dù trong lòng đầy bão giông...
Sáng hôm sau, nó chở chị trên chiếc Wawe Tàu mua từ năm ngoái hòa vào dòng người của thủ đô náo nhiệt. Dọc đường, hai mẹ con nói chuyện khá vui vẻ. Có lẽ vì cái mát mẻ của buổi sáng khiến tâm trạng người ta dịu đi. Chị bỗng có cảm giác bình yên. Giá như những giây phút như thế này có thể kéo dài mãi mãi.
Phía trước là bệnh viện Bạch Mai rồi, với đường sắt gần như vây quanh nhưng do đặc thù của một bệnh viện lớn nên mới sáng sớm mà nơi đây đã nườm nượp người đổ về. Vào đến khuôn viên của bệnh viện qua cổng số ba, chị thở phào thật mạnh. Con chị dắt xe vào khu vực trông giữ rồi quay ra chỗ chị đứng chờ. Chị làm thủ tục cho con.
Vì đã xác định phải mất trọn vẹn một ngày cho việc khám bệnh nên buổi trưa hai mẹ con chị ăn trong căng tin của bệnh viện. Nhìn con đi lấy cơm cho cả hai mà chị cứ thấy xót xa trong lòng. Người mẹ nào cũng vậy thôi, làm sao có thể bỏ mặc đứa con của mình dẫu chúng có sai lầm, vấp váp. Nhưng chị quyết định để con tự chịu trách nhiệm về bản thân. Qua việc khám lâm sàng, bác sĩ kết luận con chị bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực, đang có những biểu hiện trầm cảm và chỉ định làm thêm các xét nghiệm vào buổi chiều. Dù đã chuẩn bị tâm lí nhưng lòng chị vẫn thấy bộn bề. Vì chị hiểu về căn bệnh này. Trong họ hàng bên chồng chị cũng từng có người tự sát vì trầm cảm. Còn mọi người đều không tìm ra lí do nào khiến họ bị áp lực tới mức tìm tới cái chết khi có gia đình êm ấm, công việc thuận lợi...
Ngồi nghe bác sĩ nói chuyện với con mà ruột gan chị như thắt lại. Chị đã dặn con có suy nghĩ gì cứ trao đổi với bác sĩ nhưng giờ đây nghe giọng bình thản của con khi kể về chính mình chị vẫn không thể chịu nổi. Điều gì đã khiến cho nó dường như vô cảm với chính nó? Giống như nó đang kể về một người xa lạ. Chị là một người sống tình cảm, đặc biệt là với con. Chị không đòi hỏi sự nồng nhiệt nhưng cũng không chịu được sự thờ ơ, lạnh nhạt. Tại sao nó lại bị ám ảnh về đồng tiền một cách sâu sắc như vậy? Tại sao nó quan niệm một cách cực đoan đến thế? Biết bao câu hỏi luẩn quẩn trong đầu chị. Nhìn vẻ mặt háo hức của con lúc làm bài test IQ chị lại thấy hơi buồn cười. Có lẽ nó vẫn là một đứa trẻ trong cái hình hài một mét bảy mươi lăm ấy. Nó vẫn bị cuốn hút vào những cái mới và luôn muốn được trải nghiệm.
Đã gần năm giờ chiều, nhiều bác sĩ đã thay quần áo để trở về nhà. Bà bác sĩ chị đăng ký khám cho con cũng đã giục cuống lên, còn con chị vẫn đang say mê với bài test trí tuệ...
Dọc đường về, chủ đề mới là kết quả IQ đạt 120/130 trong những câu chuyện của nó. Nó đang phấn khích. Hẳn là bây giờ nó mới có một kết quả công nhận chính thức trí tuệ của mình. Trong suốt mười hai năm học trên ghế nhà trường, nó không có gì nổi bật, không có thành tích gì đáng kể, học lực chỉ là khá. Một phần vì nó chỉ ham thích các hoạt động thể thao, một phần chị cũng không gây áp lực gì cho con. Chị chỉ mong con sống một cuộc đời bình dị, giản đơn, đừng như bố nó để rồi chìm trong những cơn say, những u mê, lầm lạc không thể thoát ra. Tuy nó chưa bao giờ nói ra nhưng có lẽ điều nó muốn chính là được thừa nhận. Nhưng con đường mà nó dấn thân lại quá sai lầm. Chị phải làm gì bây giờ?
Tối đó, sau khi con uống thuốc chị nói với vẻ trầm ngâm:
- Con ạ, bây giờ việc của con là điều trị bệnh cho tốt. Đừng nghĩ đến những chuyện khác. Còn nhiều cơ hội để kiếm tiền, đừng để tâm lí sợ bỏ lỡ làm ảnh hưởng. Và con đừng để bị ám ảnh bởi đồng tiền quá như thế. Mẹ vẫn khỏe mạnh, vẫn đi làm. Lại còn dạy thêm được nên con không cần lo cho mẹ. Về già mẹ cũng có lương hưu, không phiền đến con. Mẹ nghĩ con nên về nhà một thời gian cho thoải mái đầu óc.
- Con biết nhưng phải có nhiều tiền con mới cảm thấy an toàn.
- Mẹ không ngăn cản việc con kiếm tiền, muốn giàu có là chính đáng. Nhưng phương pháp của con không ổn. Rủi ro cao nếu như không muốn nói là bị lùa gà. Và thực chất đấy chính là cờ bạc trá hình. Thua thì ham gỡ, được thì ham ăn. Mà con biết rồi đấy, bọn chủ sàn luôn thắng. Và người thua thì cay cú, tiếc của tiếc công. Thức đến sáng để chơi và kết cục là sạch ví. Để rồi sáng hôm sau đi làm, đi học với tâm trạng ấy thì chắc chắn là mệt mỏi, chán nản cả ngày. Chưa kể đến việc vay mượn bạn bè, người quen, vay nặng lãi. Nếu trong một thời gian dài thì chỉ có loạn trí, suy nghĩ tiêu cực.
- Mẹ là phụ nữ, con là đàn ông. Trong xã hội này, bọn con bị áp lực nặng hơn phụ nữ. Con biết mẹ không cần con kiếm ra nhiều tiền, mẹ là kiểu người an toàn. Nhưng con không thể chấp nhận sống mờ nhạt, tầm thường như số đông. Con thà chết còn hơn.
- Sống như thế không được gọi là tầm thường mà là bình thường. Con có biết là có những người giàu lại chỉ mong muốn được sống như một người bình thường? Con thử nghĩ về những người không may mắn đã luôn nỗ lực để được sống như một người bình thường đi! Con sẽ thấy, một cuộc sống bình thường mới đáng quý biết bao!
Ngừng một lát, chị nghiêm giọng nói tiếp:
- Con nên thoát khỏi các app tiền ảo, cần thiết thì khóa cả facebook. Con cần có biện pháp mạnh với bản thân mới được. Nếu không, con sẽ vẫn nuôi dưỡng những quan niệm sai lệch và chính nó sẽ làm hại con. Còn chuyện học tiếp hay không thì tùy con. Nhưng nếu không học đại học, con phải tính đến việc học nghề gì để kiếm sống. Nếu cần, mẹ sẽ hỗ trợ.
- Mẹ ạ, suy nghĩ về đồng tiền đã bám sâu trong đầu con. Thực sự con nghĩ là không ai có thể làm thay đổi điều đó ở con. Có thể đó chính là chấp niệm của con. Con chưa thoát ra được. Ngay cả việc nói chuyện với bác sĩ cũng không giúp con được nhiều, thậm chí con thấy họ còn không đủ lí lẽ để thuyết phục con.
- Họ có thể không am hiểu hết mọi thứ nhưng đây là lĩnh vực của họ thì chắc chắn phải rành rẽ rồi. Con phải phối hợp và thực hiện theo lời khuyên của bác sĩ, tham gia các hoạt động ngoài trời nhiều hơn, đừng suốt ngày ôm lấy cái điện thoại nữa.
- Thôi được, con sẽ ở lại đây điều trị. Nhưng có thể mẹ chỉ tốn tiền với con!
Chị mệt mỏi khẽ nhắm mắt. Chị biết đấy chỉ là sự thỏa hiệp tạm thời và đành chấp nhận. Nhưng cũng khó có thể đòi hỏi một sự hợp tác thực sự từ nó. Bộ não của con người thực sự là một bí hiểm, không ai có thể kiểm soát được. Chị chỉ có thể ở lại với con một thời gian ngắn, hy vọng thuốc men và thời gian có thể dần dần làm thay đổi những suy nghĩ lầm lạc ấy. Những giấc mộng phù hoa của tuổi trẻ ấy thật điên cuồng và rồ dại! Nó cướp đi của con chị nhiều thứ quá!
Đêm nay hẳn lại là một đêm trắng của chị.
© Nguyệt Minh - blogradio.vn
Mời xem thêm chương trình:
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em
Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.
Lá thư gửi đến thiên đường
Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.
Đắng cay
Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân
Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi
Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.
Đơn phương yêu một người
Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.
Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?
Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?
Câu chuyện về một nhà thơ…!
Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.
Vì anh còn thương em
Tất cả khiến anh lặng người, thơ thẩn vì mải mê đắm chìm trong quá khứ, trong nụ cười, ánh mắt em. Anh không muốn trở về với thực tại tàn khốc rằng chuyện tình mình đã kết thúc tự bao giờ, rằng anh đã mất em thật rồi.
Ai là bạn trong cuộc đời?
Hãy để những ước mơ dẫn dắt bạn, vì chúng sẽ giúp bạn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống và cung cấp động lực để bạn tiếp tục tiến bước.
Ánh nắng chiếu
Anh nhớ em một ngày cuối hạ Cho tình yêu gọi giấc mơ về Anh nhớ em một tình yêu lạ Mà sao lòng anh vẫn còn yêu