Phát thanh xúc cảm của bạn !

Ai cũng có những bước ngoặt cuộc đời

2016-12-12 01:15

Tác giả:


blogradio.vn - Trong cơn mưa tầm tã, Quân lặng lẽ dắt xe trên con đường ngập nước trong tâm trạng đầy áy náy. Hóa ra, chỉ một người phụ nữ mà có thể để lại vết thương sâu cho cả hai người thân của mình. Tình cảm cha con của họ bị ngăn cách bởi hình ảnh người phụ nữ kia, là một sự tổn thất quá lớn!

***

Trong cuộc đời mỗi người, sẽ có một thời khắc, nhờ một ai đó mà làm nên một lịch sử.

- Thủy, dậy đi con. Dậy, trễ giờ lên lớp tới nơi rồi kìa. Dậy...

Dì Lan mở rèm cửa, ngân dài từ “dậy” hòng đánh thức Thủy. Thủy nhăn mắt tránh ánh sáng bên ngoài tràn vào:

- Dì cho con ngủ thêm tí đi mà… ơ dì… đừng… đừng…

Thế là Thủy bị lôi dậy trong trạng thái lơ mơ.

Phòng khách vẫn trống vắng vào mỗi sáng. Đã gần hai mươi năm qua, căn phòng vẫn lặng im như thế. Chỉ có Thủy, dì Lan giúp việc và cơm sáng cho Thủy ở trên bàn. Thủy cầm sấp hồ sơ lí lịch trên bàn: ngoại hình cũng ổn, trình độ IELTS 8.0, tuổi: 26, nghề nghiệp: giảng viên đại học A… Cô ném xấp giấy, quăng đôi đũa xuống bàn, đứng dậy với lấy cái balo rồi đi.

Trường đại học A nằm trong một khuôn viên lớn, cây hai bên đường đến các giảng đường đã được trồng lâu năm, bóng ngả ra xum xuê. Thủy đóng sầm cửa xe lại, đi thẳng đến khu điều hành. Thủy là sinh viên năm ba, trong lớp học vô cùng mờ nhạt trong khoản thành tích, nhưng lại rất nổi tiếng về độ lạnh lùng của mình. Thủy hầu như không có bạn, dù cô có mang ngoại hình xinh xắn nhưng vẫn luôn một mình lên lớp rồi tan học.

Đứng trước cửa phòng hiệu trưởng, Thủy dừng lại giây lát rồi vặn nắm cửa đi thẳng vào, đứng trước mặt ba:

- Ba, con đã nói con không đi du học. Mướn người dạy con làm gì? Ba không thấy những người khác đã thất bại như thế nào à? Con nhắc lại lần cuối: con không đi đâu cả!

- Thủy, con có còn phép lịch sự tối thiểu không hả? Chuyện này tối nay về ba sẽ nói với con sau! – Hiệu trưởng Phan trầm giọng nhìn cô con gái bướng bỉnh của mình, giọng nói có chút nghiêm nghị.

Thủy nhếch mép cười nhạt:

- Tối nay ư? Ba sẽ về nhà lúc con còn thức sao? Ba có quan tâm con sao? Ba còn muốn ngôi nhà này nữa ư? Sao không dọn ra ngoài ở luôn cho rồi!

Thủy hét lên giữa văn phòng của ba. Người cha tóc hoa râm trợn mắt trước lời nói của con gái. Ông đứt bật dậy, giáng một bạt tai vào mặt Thủy tự lúc nào không hay. Từ nhỏ đến lớn ông chưa mạnh tay với con gái như thế bao giờ:

- Hỗn xược, ai dạy con thế hả! Ra ngoài ngay!

Thủy sững sờ ôm mặt giàn giụa nước mắt, chỉ giây lát sau, ánh mắt cô khôi phục vẻ lạnh lẽo:

- Bây giờ thì ba giống ba con rồi đấy! Nhưng – Thủy gằn giọng nói từng chữ một – Ba đừng hòng đưa con rời xa mẹ!

Cánh cửa phòng đóng sầm lại. Hiệu trưởng Phan bất lực thả mình xuống ghế. Ông run rẩy vuốt mặt lấy lại bình ổn.



Thủy đi như một tên lửa dọc hành lang. Cô đưa tay quệt nước mắt không ngừng nghỉ. Thủy chạy nhanh hơn, đâm sầm vào một thầy giáo, khiến bả vai bị chấn động mạnh. Cô ngã xuống, tay ôm lấy vai, mặc cho vị thầy giáo trẻ cúi người xuống hỏi han và dìu cô dậy. Thủy chống tay đứng dậy, dùng ánh mắt căm hờn dành cho ba nhìn người thầy giáo đang nửa bối rối nửa lo lắng trước mặt. Sau đó Thủy đi thẳng một mạch không quay đầu.

- Cái cô này… sinh viên thời nay lạ thật đấy!

Hiệu trưởng Phan thu lại nét mặt đầy ưu phiền khi có tiếng gõ cửa. Quân bước vào:

- Thưa thầy, về chuyện con gái thầy, em vẫn nghĩ rằng em không thể đảm đương được.

- Vẫn là vì hai lí do đấy sao?

- Dạ?

- Nếu bây giờ, là tôi nhờ cậu giúp tôi, bằng thái độ chân thành của một người cha tha thiết muốn con mình thay đổi, cậu có giúp tôi không?

Quân nhìn người thầy đã dìu dắt cậu có được những thành công như ngày hôm nay, ở thầy luôn tỏa ra hào quang của một người đàn ông thành đạt, địa vị, nhưng giờ đây, trong mắt thầy rưng rưng những giọt nước đầy ắp như sắp trào ra ngoài. Anh lúng túng không biết phải từ chối như thế nào cho phải, đành ngậm ngùi im lặng. Hiệu trưởng Phan khẽ thở dài ngả người ra sau ghế, ánh mắt ông vô định nhìn lên bóng đèn trước mặt:

- Con gái tôi không thể để nó giống mẹ nó được! Tôi chỉ còn hi vọng cuối cùng là cậu thôi!

Quân bước ra khỏi phòng mà lòng trầm lại.

Trong nhà vệ sinh, Thủy thu mình lại một góc. Tại sao mẹ lại bỏ cô mà đi? Tại sao mẹ không cần ba con cô nữa? Tại sao mẹ lại cùng người đàn ông khác quyến luyến trong ngôi nhà của mình? Mẹ nếu không yêu ba, tại sao lại sinh ra cô? Sinh ra rồi, sao còn vì người đàn ông khác mà ra đi? Bao năm rồi, mẹ có còn nhớ hay đã quên căn nhà có cô và ba, tại sao suốt gần hai mươi năm mẹ không về? Ba sắp sửa đưa cô đi rồi, cho dù mẹ có quay trở lại, cũng không thể tìm thấy cô nữa.

- Mẹ, xin mẹ hãy quay về, xin mẹ hãy trả lời con, con xin mẹ, huhuhu.

Thủy như đứa trẻ vỡ òa trong nỗi cô độc. Liệu trên đời này, ba mẹ có giành tình yêu cho con cái hay không? Tại sao, ba chưa từng ôm cô vào lòng mà vỗ về? Tại sao họ lại sinh ra cô để cô phải gánh chịu sự cô độc ấy?

- Này, em kia? Sao giờ này mới vào lớp?

Thầy giáo Quân giơ tay nhìn đồng hồ, muộn hơn nửa tiếng. Thủy ung dung ngồi xuống chỗ của mình và gục xuống bàn. Quân nhận ra cô bé này là cô gái ban nãy đụng trúng mình ở hành lang. Có lẽ vai của con bé bị chấn thương nhẹ nên xuống trạm y tế chăng? Nghĩ thế nên thầy thôi không hỏi nữa mà tiếp tục giảng bài.

Khi tiếng chuông hết giờ vang lên, Thủy vẫn ngủ gục trên bàn. Quân xếp giáo án vào cặp rồi đứng dậy tiến về phía cửa lớp. Lúc qua chỗ Thủy, anh dừng lại rồi nói với cô:

- Tôi nghĩ em nên mua miếng cao dán đắp vào vai rồi đi viện kiểm tra một chút. Vai tôi khá cứng, có thể lúc nãy đã làm em bị đau.

Không thấy có tiếng trả lời, Quân cất bước. Thủy bật mở mí mắt khi nghe vị thầy giáo trẻ cất lời. Tuy nhiên, chỉ vài tích tắc sau đó, Thủy cất tiếng nói đầy bông đùa:

- Thầy thích em à?

Quân khựng bước chân lại, quay ngoắt lại nhìn cô bé, ánh mắt trái ngược lại với hành động anh bình thản hỏi lại:

- Em vừa nói gì?

Thủy đứng dậy quén gọn mái tóc, vuốt phẳng quần áo. Cô với lấy ba lô rồi đủng đỉnh đi ra. Thủy ngang nhiên lướt qua Quân, mãi tới khi ra khỏi cửa, Thủy mới cất cao giọng:

- Rất tiếc là em không có hứng thú với mấy người thích làm chân sai vặt cho sếp!

Thủy nhếch mép cười rồi bước thẳng xuống cầu thang ra về, để lại thầy giáo Quân trẻ tuổi đứng ngẩn ngơ giữa phòng học, không hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao.



***

Sáng thứ bảy trời xanh trong, nắng Sài Gòn cũng chỉ mới nhè nhẹ. Con đường vào nhà của hiệu trưởng Phan có bờ giậu hai bên đường của những căn biệt thự cổ kính. Đôi ba chú bướm vàng với vài con chim sẻ lượn quanh những khóm hoa, nhành cây. Quân thong dong đạp chiếc xe thể thao bon bon trên con đường rộng. Vị thầy giáo trẻ nhớ Đà Lạt. Anh là một chàng trai gốc Hà Nội, theo bố mẹ vào Đà Lạt sinh sống từ năm mười tuổi. Sau gần hai mươi năm, giờ đã là chàng trai tuấn tú với giọng nam trầm cuốn hút. Quân nhớ cái lạnh ở Đà Lạt mùa giáp Tết, cung đường này cũng có chút mùi hương thoang thoảng của Đà Lạt, khiến Quân mơ màng.

“Kít…” – Thầy giáo chống chân xuống đất và ngước mắt lên thì thấy cô học trò hôm qua đang quắc mắt nhìn mình. Cô gái trong bộ đồ thể thao khỏe khoắn khoe cặp chân không dài không ngắn, vừa đủ đẹp. Khuôn mặt cô gái tràn đầy năng lượng chứ không ủ dột và đanh đá như ngày hôm qua. Nhưng, sao lại gặp con bé ở đây nhỉ? Quân tự hỏi, ngay sau đó nhìn thấy số nhà. Ra là vậy!

Thủy liếc thầy giáo rồi đạp xe đi thẳng. Quân lóc cóc xách xe chạy theo. Rồi lại ngớ ngẩn nghĩ sao mình phải chạy theo? Ngồi đợi trước cổng là được rồi!

Chín giờ rưỡi sáng, khi mặt trời đã chiếu rát cả mặt, mồ hôi Quân đổ ra như tắm, “con bé” mới thong dong đạp xe về. Thực ra thì… con bé cũng có nhỏ hơn anh là bao! Cửa vừa mở, Quân vội đem theo chiếc xe đạp của mình lẽo đẽo đi vào. Thủy nghiêng đầu hất chiếc cổ cao gầy, ý bảo “Thầy nên về thì hơn!”. Quân thở dài ngán ngẩm, nhưng vẫn cúi xuống sát mặt cô học trò nhỏ, chững chạc nói từng câu:

- Chừng nào chưa học đủ bài, chừng đó chưa tan học!

Rồi thầy giáo ngay lưng đặt xe xuống, cũng hất cổ bảo Thủy mở cửa nhà. Dì Lan bên trong nghe tiếng nói chuyện thì lật đật chạy ra mở.

Cả tiết học, thầy giáo Quân nói tiếng Anh khô cả cổ, sái cả quai hàm, lẹo cả lưỡi, vậy mà Thủy vẫn nhởn nhơ ngồi xem phim và ăn trái cây, bên tai còn đeo phone. Quân đưa tay lên định rút giây phone của Thủy ra, nhanh như cắt cô chặn tay thầy giáo lại và hất cánh tay Quân như quăng một vật thể không sức kháng cự. Mặt cô vênh váo nhìn người thầy trước mặt. Kết thúc buổi học đầu tiên trong thất bại ê chề. Thủy đứng từ tầng lầu vén rèm cửa nhìn thầy giáo đứng trước cổng dưới nhà một lúc mới đạp xe đi, cô không khỏi cười đểu một cái:

- Thầy mau bỏ cuộc sớm thì hơn!

Thế là ngày này qua ngày khác, cứ không có tiết trên giảng đường thì Quân sẽ có tiết dạy cho cô học trò bướng bỉnh nhất quả đất kia.

Các buổi học tại gia cứ trôi qua, thầy nói, trò nghe nhạc ăn trái cây. Thi thoảng cao hứng, trò còn nhảy múa trước mặt thầy, điệu nhảy con hạc của Thủy khiến Quân thở dài thườn thượt, đồng thời cũng bật cười trước sự vô tư của cô trò nhỏ.

Mỗi lần thầy giáo cười, Thủy lại ngưng những động tác ngớ ngẩn của mình rồi dùng ánh mắt lạnh băng nhìn thầy, sau đó lại nhàn nhã ăn trái cây. Quân chỉ còn biết dùng hết khả năng của mình nói ra rả, ngày nào cũng nói vào tai học trò những bài học, lọt được chữ nào hay chữ ấy.

Chiều thứ bảy trời đổ mưa tầm tã, như thường lệ hai giờ chiều Quân sẽ bắt đầu tiết giảng cho Thủy. Cô đã chuẩn bị sẵn phone và ngồi gặm trái cây. Hai rưỡi, ba giờ… chưa bao giờ thầy đến muộn, huống chi là muộn như vậy. Có thể là tắc đường, trời mưa to thế cơ mà!



Thủy bỗng giật mình nhận ra phải chăng bản thân đang chờ thầy? Không không, chỉ là vì thói quen thôi mà. Đang miên man thì có tiếng chuông cửa, Thủy vội vẫy dì Lan ra mở, rồi cuống cuồng đeo phone ngồi sẵn trong tư thế lắc lư theo tiếng nhạc, khôi phục vẻ mặt thờ ơ. Quân bước vào nhà với hai ống quần ướt sũng, hai tay còn xách hai túi đồ ăn. Dì Lan vội lấy khăn để Quân lau khô tóc. Thủy trông thấy bộ dạng ướt mưa của Quân không khỏi thần ra mất một lúc. Quân nhìn thấy Thủy nhìn mình như thế thì không khỏi bật cười:

- Em làm gì nhìn tôi ghê thế!

Thủy giật mình, ánh mắt đảo qua đảo lại:

- Trời mưa thầy không lo đi dạy, mua cái gì thế. Coi chừng ba em trừ lương thầy!

- À… Tôi định hôm nay cho em nghỉ một buổi, định đến đưa em đi đây đó cho thoáng, nhưng trời đổ mưa bất ngờ quá, thấy có quán ăn vặt, nghĩ em thích nên tôi mua một ít.

- Thầy mua cho em?

Thủy trố mắt lên rồi luống cuống cúi xuống, e hèm vài câu lấy lại tinh thần. Quân “Ừm” vẻ thản nhiên, mở hai bịch đồ ăn vặt:

- Bánh khoai chiên, bánh chuối chiên, em thích cái nào?

Thủy bỗng khựng ngón tay đang vẽ linh tinh trên mặt bàn. Nhìn hai túi đồ ăn đang dần tiến lại gần, hai mắt Thủy tròng lên đỏ rực. Hình ảnh túi khoai chiên nằm trên bàn và người mẹ lén lút khẽ nắm tay rồi ôm ấp người đàn ông đằng sau cánh cửa phòng khách hiện lên rõ mồn một trước mắt cô. Trên đời này, món ăn vặt cô thích nhất là bánh khoai chiên, và đó cũng chính là thứ mà cô căm thù nhất. Thủy bặm chặt môi nhìn Quân đang bối rối, Thủy thấy đôi tay mình hất tung hai bịch bánh rơi tung tóe trước sự ngỡ ngàng của Quân:

- Thầy bước ra khỏi đây ngay cho tôi!

Trong cơn mưa tầm tã, Quân lặng lẽ dắt xe trên con đường ngập nước trong tâm trạng đầy áy náy. Hóa ra, chỉ một người phụ nữ mà có thể để lại vết thương sâu cho cả hai người thân của mình. Tình cảm cha con của họ bị ngăn cách bởi hình ảnh người phụ nữ kia, là một sự tổn thất quá lớn!

Thủy lặng lẽ ngồi trong căn phòng tối, nước mắt cô dành cho người mẹ đã khô dần. Cô cần mẹ cho cô một lời giải thích về việc ra đi. Cần ba cho một lời giải thích về sự xa lánh? Cô có tội gì?

***

Ngày hôm sau, anh không đến. Tại sao thầy không đến? Thủy chán nản ngồi bó gối bên cạnh chiếc sô pha, nhớ câu nói của thầy: “I deserve a medal for making it throught this week without stabbing someone with a fork” – “ Tôi xứng đáng nhận một chiếc huân chương vì đã chịu đựng hết tuần này mà không đâm ai đó bằng một cái nĩa”. Đây là một câu nói vui của chú minion, thầy hay dùng để “giảng” mỗi lần cô dửng dưng với bài giảng của thầy. Hoặc có lúc khác thầy nhìn cô rồi bặm môi lại lẩm bẩm gì đó, cô hỏi lại, thì thầy chỉ e hèm đôi cái rồi tuôn một tràng: “When a woman says "What?", it’s not because she didn’t hear you. She’s giving you a chance to change what you said” – Khi người phụ nữ nói "Cái gì", không phải vì cô ấy không nghe rõ bạn nói mà là cô ấy đang cho bạn cơ hội thay đổi điều vừa nói. Cô cũng bật cười vì thực ra cô không nghe thầy nói gì thật.

Không ngờ, cô lại nhớ được nhiều thứ đến vậy. Thực ra, đeo phone chỉ là hình thức, cô cũng có nghe thầy giảng đấy chứ. Chỉ là cô muốn chống đối những gì ba cô đang ép uổng.

Cô nằm áp mặt xuống bàn, nghuệch ngoạc lên tờ giấy những vết chì không tự chủ. Thoáng chốc, bức chân dung thầy hiện lên trên trang giấy. Thủy giật mình không thể tin được mình lại vừa vẽ ra một khuôn mặt vừa xa lạ vừa thân quen kia. Cô nâng cuốn tập lên rồi nhìn bản vẽ và nở một nụ cười đã rất lâu không thể hiện.



***

Hóa ra thầy giáo Quân của cô bị bị đuổi về trong cơn mưa tầm tã nên bị ốm, xin nghỉ mất mấy buổi dạy. Thủy cắn cây bút và lấm lét nhìn anh, tay vô thức lật qua lật lại những trang sách.

- Em làm gì mà nhìn tôi kiểu đấy?

Quân cất giọng Hà Nội của mình, đầu vẫn cúi mở giáo án. Thủy lắp bắp:

- Em… cứ thích nhìn đấy, có vấn đề gì không?

Thủy lẩm bẩm: “Đàn ông con trai mà yếu đuối, hơi tí là ốm!”. Quân ngẩng đầu khỏi giáo án khẽ ngả người ra lưng ghế rồi nhìn Thủy. Cô cũng hất cằm vẻ thách thức:

- Em nói không phải sao?

Quân bất lực bật cười nhìn điệu bộ ngang bướng của cô.

- Hai tuần nữa chúng ta tạm kết thúc giai đoạn một, chắc ba em cũng nói rồi chứ? Tôi sẽ về quê ăn Tết một thời gian. Nếu em thực sự muốn tốt cho cả em và thầy Phan, thì em nên chăm chỉ từ bây giờ!

- Thầy… về quê? Về Đà Lạt á? Khi nào? – Cả một đoạn thoại dài của Quân, cô chỉ đáp lại có vậy.



Quân nhún vai không trả lời.

- Thầy mua vé chưa?

- Rồi thì sao mà chưa thì sao?

- Không có gì… em lo thầy không có vé về thôi.

Quân bĩu môi nhìn Thủy một cái rồi đứng dậy vào nhà vệ sinh. Thủy ngó nghiêng rồi lấm lét lục cặp của Quân và cười đắc ý khi tìm thấy chiếc vé xe nằm trong ví.

***

Quân yên vị trên ghế nằm của mình, anh kéo chăn lên và xem đoạn “Paris by night” mà nhà xe mở trong khi chờ xe chạy. Quân bỗng nhớ đến Thủy, thi thoảng cô cũng hát vài bài nhạc cổ điển kiểu này, dù giọng không được hay lắm. Anh nghiêng người về một bên và cười một mình. Rồi bỗng nhiên:

- Ôi giật cả mình! Em… em… sao… Em đi đâu thế này?

Quân như bị bắt quả tang lúc đang cười tủm tỉm. Thủy vén cái chăn nãy giờ chỉ để lộ một nửa khuôn mặt, chớp mắt nhìn Quân, rồi bỏ hẳn cái chăn xuống xòe ra hàm răng trắng:

- Thế mà thầy cũng nhận ra à.

Thủy vỗ tay đánh đốp một cái, bật cười nghiêng ngả khi trông thấy Quân ngồi thộn mặt ra.

- Thầy, cho em ăn Tết với thầy nhé!

- Gì cơ?

- Thế nhá, xuống xe nhớ gọi em đấy!

Nói rồi Thủy quay người đi, để mặc Quân bất lực. Thành phố về đêm, những cây cột đèn cứ vụt qua tầm mắt. Thực ra, thành phố này cũng không lạnh lẽo như cô nghĩ.

Đà Lạt hai mươi bảy Tết se lạnh. Sáng sớm nơi đây phủ một ít sương mù. Xe dừng lại bên đường. Quân vẫn nghi hoặc:

- Em đến nhà tôi thật á?

- Chứ thầy nghĩ em đùa à? Thôi mau cho em xem nhà thầy đi.

- Nhưng… – Quân bối rối, anh biết phải giải thích thế nào với bố mẹ về cô gái này? Quân thở dài rồi xách balo của mình, kéo cả vali của Thủy bước đi.

Thành phố Đà Lạt gần Tết khác với Sài Gòn, nhộn nhịp người đi mua sắm, nhưng không chen chúc như ở Sài Gòn. Một điều khác nữa là sáng sớm và chiều tối còn se lạnh, hoa đào – đặc trưng của miền Bắc cũng có mặt ở đây. Nhà Quân nằm trên sườn một quả đồi ngoại ô Đà Lạt, đứng từ đây có thể ngắm nhìn cả thành phố nên thơ.

Hai người đứng trước mặt bố mẹ Quân, người khác không biết nhìn vào cứ tưởng là một cặp đang về ra mắt bố mẹ. Nhưng sự thật, bố mẹ Quân nhìn cậu con trai trước mặt, miệng thì cứ khăng khăng cô bé là học trò, thế mà lại để nó lẽo đẽo đòi ở lại ăn Tết. Có học trò nào mà mang cả cái vali to bự chạy theo thầy giáo về quê ăn Tết không cơ chứ!



Đang rơi vào thế bí thì Quân nhận được điện của thầy Phan. Đầu dây bên kia, thầy Phan thở phào nhẹ nhõm. Thầy lặng lẽ rót một ly rượu vang rồi ngồi xuống chiếc ghế salon. Trong phòng khách chỉ có ánh đèn vàng nhạt. Đã bao năm rồi, chỉ vì hận người vợ ngoại tình mà ông lạnh nhạt với cả đứa con gái bé bỏng ông yêu thương nhất. Phải chăng ông đã quá sai?

Nhờ có cuộc điện thoại của thầy Phan mà sự việc bớt căng thẳng hơn. Thủy ở phòng dành cho khách của nhà Quân. Buổi tối, thấy cô thập thò ở cửa bếp, mẹ Quân niềm nở kéo cô gái xinh đẹp nhỏ nhắn vào hỏi han gợi chuyện. Thủy không nhớ được đã nói bao nhiêu chuyện với mẹ của anh, nhưng cô biết đó là cảm giác được chia sẻ, tâm sự mà bao năm qua cô đã không nhận được từ mẹ mình. Căn phòng bếp tỏa ra sự ấm cúng lạ kì. Bố mẹ Quân cũng là nhà giáo như ba cô, nhưng ở họ nồng ấm, nhà họ giống gia đình hơn nhà cô rất nhiều. Thủy chợt nhận ra: cô chưa từng nỗ lực hóa giải bức tường giữa cô và ba.

***

Sáng sớm hai mươi chín Tết, Quân đã lôi Thủy ra khỏi giường. Thủy khẽ kéo vạt áo len lại che đi cái lạnh của vườn tược. Cô vươn tay ra mơn trớn những gân lá xanh non mơn mởn. Những chiếc lá cứng cáp xanh ri, đây là lần đầu tiên cô tận mắt nhìn thấy chúng ngoài đời. Chỉ lát nữa thôi chúng sẽ gói những chiếc bánh chưng, Thủy không khỏi phấn khởi.

- Thầy, tại sao người ta lại gọi lá này là lá dong?

Quân khựng lại ngây ngốc đứng đó, không biết phải trả lời sao. Đành bâng quơ:

- Thế theo em vì sao người ta gọi quả cam là quả cam?

- Vì… vì nó có màu cam!

Câu trả lời của Thủy khiến Quân bật cười thành tiếng lớn. Những câu hỏi kiểu lòng vòng như thế này, mãi sẽ chẳng có câu trả lời.

Gói cả buổi chiều, cuối cùng những chiếc bánh chưng bánh tét cũng được đặt lên bếp lửa nấu sôi. Trong số đó có cả phần công sức của Thủy nữa, cô cũng tập tành gói để sau này… Cô cũng không biết, chỉ là nếu cần thì còn biết đường mà gói thôi. Bên bếp lửa, cả nhà Quân, cộng với mấy đứa em họ cùng nhau cắn hạt dưa và trò chuyện. Những câu chuyện cứ được kể song hành cùng những đốm lửa tí tách, đến khi củi dần tàn, chỉ cô và anh ngồi bên bếp lửa om. Thủy ngồi bó gối lại, khẽ lấy tay đẩy mấy thanh củi. Xa xa, vài tiếng pháo tép lẹt đẹt nổ, trong đêm yên tĩnh thành những tiếng vang. Thủy lặng lẽ chống cằm lên gối ngắm nghía khuôn mặt Quân. Anh cũng thấy ánh mắt tự nhiên đến khiến nhịp tim người ta bối rối của Thủy, hai gò má cô bị lửa sưởi ấm trở nên hồng hào. Quân khẽ nuốt ực một cái rồi lui cui đứng dậy chế nước vào nồi bánh.

- Anh Quân... – Thủy vẫn dùng ánh mắt long lanh hút hồn ấy nhìn Quân – sau này, em gọi thầy là anh nhé!

Quân lúng túng đánh rơi chiếc vung xuống đất, rồi cứ thế cầm chiếc vung chạy thẳng ra sân giếng rửa. Thủy nhìn theo dáng chạy của anh, bật cười: “Xì, đồ nhát cáy!”. Xa xa, đôi ba chỗ bung lên vài cây pháo sáng, chắc có lẽ ai đó tự chế. Thủy bỗng thấy lòng lâng lâng đến lạ. Trong cô tràn ngập sự xúc động không tên. Có thể là vì anh, cũng có thể là vì những việc anh và gia đình làm đã khiến cô nhận ra tình cảm gia đình quý giá đến nhường nào.



***

Sáng hôm sau, Thủy rời đi từ sớm, chỉ để lại mẩu giấy tạm biệt. Tuy cô không nói nhưng Quân biết, cô nhớ ba. Suy nghĩ của Thủy hẳn là đã có chuyển biến lớn. Trong thư, Thủy còn lịch sự xin phép mẹ anh cho cô cắt vài tàu lá dong nữa. Cô bé này, đúng là đáng yêu!

Thủy đứng trước cổng nhà. Ba mươi Tết, ngoài đường nhộn nhịp bao nhiêu thì trước nhà cô, không khí lại lãnh đạm bấy nhiêu. Thủy hít một hơi thật sâu rồi đấy cửa bước vào.

Cô không tin vào mắt mình nữa: ba đang giục dì Lan hối hả cắt cắt dán dán những bông mai vàng, treo thêm mấy chiếc đèn lồng trong phòng khách. Thủy kinh ngạc lấy tay che đạy những hàng nước mắt cứ lăn dài trên hai gò má. Tất cả mọi thứ bị nhòe đi, chỉ còn hình dáng ba trong bộ đồ ở nhà đang nhìn cô mỉm cười âu yếm, trong tay vẫn lủng lẳng hai chiếc đèn lồng.

Buổi chiều ba mươi Tết, suốt gần hai mươi năm, căn phòng khách nhà Thủy mới có không khí ấm áp như vậy.

- Ba, ba gói kì vậy, phải bỏ gạo nếp trước rồi mới bỏ đậu, thịt chớ!

- Thì… ba có biết đâu… khà khà.

Thủy bất lực nhìn cái bánh to như cái chày khổng lồ ba vừa gói xong.

Buổi tối, khi chương trình táo quân đang phát sóng, cô ngồi bên nồi bánh chưng, cầm điện thoại lên. Cô muốn kể cho anh nghe về sự thay đổi lớn lao này. Ba đang nằm trên salon cười khoái chí. Cô mở máy thì thấy anh đã nhắn tin trước: “Qua Tết tôi mang cho em hai cái bánh em làm. Nếu một tháng sau em đạt thành tích tốt thì tôi mới dám đứng trước mặt ba em mà tự hào! Lúc đó tôi mới dám làm anh!”. Cô bật cười vì lần đầu anh và cô nhắn tin cho nhau, anh còn nhí nhảnh kèm theo một mặt cười. Cô trả lời anh: “Ok! Chúc anh năm mới vui vẻ!”.

Bữa cơm giao thừa ấm áp xen lẫn tiếng pháo râm ran. Cô ngồi lại gần ba, giọng đầy khẩn thiết:

- Ba, con… không muốn đi du học, con muốn ở gần ba.

Ba cô gắp cho cô một chiếc đùi gà rồi bất ngờ gật đầu:

- Con đó… thằng Quân thì quá được rồi, nhưngráng học cho xong đã nghe không!

- Dạ? Ba này, ba kì quá à…

Tiếng cười của thầy Phan giòn tan, ông nhìn cô con gái đang đỏ mặt trước mặt. Đứa con gái này của ông, đã lớn thật rồi.

Trong cuộc đời mỗi người, sẽ có một thời khắc, nhờ một ai đó mà làm nên một lịch sử.

© Trần Huệ - blogradio.vn

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Hành trình đi đến tự do

Hành trình đi đến tự do

“Dám bị ghét” không bênh vực cho tôi, không đứng về phía tôi, ngược lại, nó giải thích một cách hợp lý tất cả nguyên nhân khiến tôi chọn sống một cuộc đời tệ bạc như vậy.

Hãy trao yêu thương khi còn có thể

Hãy trao yêu thương khi còn có thể

Tôi nhận ra từ trước giờ tôi luôn mong người khác phải hiểu và thông cảm cho tôi mà tôi quên đi rằng tôi chưa đặt mình vào vị trí của bất cứ ai để hiểu cho họ.

3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa

3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa

Trong tương lai, 3 năm tới hứa hẹn sẽ là quãng thời gian vô cùng rực rỡ và thịnh vượng cho 5 con giáp may mắn dưới đây.

Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em

Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em

Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.

Lá thư gửi đến thiên đường

Lá thư gửi đến thiên đường

Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.

Đắng cay

Đắng cay

Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân

Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi

Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi

Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.

Đơn phương yêu một người

Đơn phương yêu một người

Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.

Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?

Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?

Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?

Câu chuyện về một nhà thơ…!

Câu chuyện về một nhà thơ…!

Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.

back to top