Vết thương chiến tranh
2023-05-05 01:20
Tác giả: Ve Sầu
blogradio.vn - Rời xa gia đình, tình yêu duy nhất và cả thanh xuân, tôi lên đường tiến về những mặt trận ác liệt và đẫm máu nhất trên miền tổ quốc.
***
"Chiến tranh" - hai từ khi nhắc đến gợi cho ta biết bao hình ảnh về sự tàn khốc, ác liệt, đau thương nhất. Và liệu chiến tranh có chỗ cho tình yêu tồn tại hay không?
Tôi giật mình tỉnh giấc sau cơn ác mộng khủng khiếp, người tôi đầy mồ hôi, tim đập dồn dập như muốn bay ra khỏi lòng ngực. Tôi cứ ngồi chết lặng trên giường còn tay chân thì run lẩy bẩy. Tôi chẳng tài nào nhấc chúng lên cứ như thể tứ chi này không còn thuộc về tôi vậy. Từ lúc tôi trở về, cơn ác mộng này cứ mãi bám lấy tôi chẳng buông. Mỗi lần như thế, những cảnh tượng kinh hoàng ngày ấy liên tục ùa về rồi dày vò, cấu xé tâm trí tôi. Đến bây giờ đã hơn ba năm, tôi chẳng thấy mình khá hơn chút nào, tôi ước người ngã xuống ngày hôm ấy là tôi chứ không Trâm.
Những tháng năm còn là học sinh vô tư đến trường có lẽ là những ký ức đẹp nhất trong cuộc đời tôi. Tôi thích đến trường lắm dù tôi học rất tệ. Niềm yêu thích ấy đơn giản là tôi mê những trò quậy phá, nghịch ngợm của bọn con trai và chủ yếu là vì ở trường có Trâm, người con gái tôi thầm mến thương. Thời ấy, tôi mang trong mình một trái tim đầy nhiệt huyết và tâm hồn thuần khiết, chưa biết nếm mùi đau thương của cuộc đời là gì. Dù rằng tôi mồ côi bố mẹ từ nhỏ, nhưng được sống trong tình yêu thương của bà ngoại, dù có ngỗ nghịch cũng chưa từng bị ăn đòn lần nào. Tuy đôi lúc buồn tủi khi thấy lũ bạn vui đùa với bố mẹ, song cảm giác ấy nhanh chóng bay theo gió mà đi, tôi cũng thấy tôi chưa bao giờ buồn vì chuyện gì quá lâu cả. Tôi nghĩ tôi khá lạc quan ấy chứ.
Nhưng lúc ở gần Trâm thì khác, cái gọi là lạc quan ấy nó không cánh mà bay hết cả. Tôi cuống hết cả lưỡi lên mỗi khi Trâm bắt chuyện. Bọn con trai gọi đấy là "yêu", và tôi nghĩ điều đó đúng. Thời gian ấy gia đình Trâm chuyển đến cạnh nhà tôi, cô ấy không thể biết được tôi vui đến thế nào đâu.
Trâm dễ thương, luôn hòa đồng và cũng thường hay bắt chuyện với tôi, nhờ đó mà tôi dần dần tự nhiên, thoải mái với cô hơn trước nhiều lắm. Trâm thích đọc sách, học cũng giỏi lắm, ngoại trừ năm cô ấy mới chuyển đến thì những năm tiếp theo đều đứng đầu lớp tôi cả. Còn tôi vẫn xếp hạng gần cuối lớp, điều này làm tôi có chút tự ti mỗi khi phải nhắc đến chuyện học hành trước mặt Trâm. Sau vài lần như thế tôi cũng quyết tâm nghiêm túc cho chuyện học hơn, không thể để Trâm thấy tôi cứ mãi rong chơi được. Tôi nghĩ việc này có thể ghi điểm trong mắt cô ấy hơn và lấy đó mà phấn đấu. Sau đó, tôi còn biết thêm cách lấy cớ hỏi bài để gần gũi Trâm và phải nói cách này cực kỳ hiệu quả. Tôi nghĩ chính từ lúc ấy mà chúng tôi thân thiết nhau hơn, tôi hay đợi Trâm đi học cùng, lúc về cũng thế, tôi cũng thường đưa cô ấy ra cây đa đầu làng chơi - nơi bọn con trai chúng tôi thích tụ tập. Và tôi nghĩ lần đó là một sai lầm vì có một đứa trong đám ấy dám nói thích Trâm dù nó chỉ mới gặp Trâm lần đầu. Không, tôi không bỏ qua cho nó và thậm chí bây giờ nghĩ lại tôi vẫn muốn đấm nó nhiều hơn lúc ấy.
Thằng ranh con mặt đã sưng húp lên nhưng giọng nó vẫn mỉa mai: "Mày là gì của nó mà đánh tao?"
Ngày hôm ấy nếu Trâm không kéo tôi về, chắc nó cũng no đòn với tôi rồi. Chuyện bọn con trai chơi chung rồi đánh nhau trong xóm tôi cũng không còn lạ gì, và chuyện tôi bị ngoại phạt quỳ gối trước sân cũng đã quá quen thuộc trong mắt mọi người rồi. Tôi không sợ. Ấy là cho tới khi Trâm qua nhà và xin tha cho tôi, lúc ấy tôi chỉ muốn đào một cái lỗ thật sâu rồi chui đầu xuống mà thôi.
Đến cấp ba, chúng tôi vẫn chung trường nhưng đã học khác lớp. Học lực của tôi tuy đã tiến bộ hơn trước nhiều rồi nhưng để theo kịp Trâm thì chắc chỉ có mà mơ, tôi biết trong khi tôi tiến bộ thì cô cũng đâu dậm chân tại chỗ. Trâm vào lớp chuyên toán, cô học nhiều hơn và ít đi chơi với tôi hơn. Tôi lớn rồi nên cũng hiểu chứ, ngoài chuyện học Trâm còn phải phụ việc nhà giúp bố mẹ nữa, con gái lớn cũng đâu ra ngoài thoải mái như trước được nữa. Nhưng không vì vậy mà tình bạn chúng tôi phai nhạt. Ở trường, Trâm vẫn gặp tôi và trò chuyện, tối đến thì tôi thường lén ngoại, trèo qua hàng giậu nhà của Trâm rồi đứng đó mà say mê nhìn lên, ngắm nàng tiên của tôi chăm chú học bài. Tôi không biết những lần như thế Trâm có biết không, cô chưa lúc nào quay xuống nhìn thấy tôi. Có lúc tôi muốn leo lên cả tường nhà, trèo vào cửa sổ phòng Trâm trên tầng nhưng tôi thừa biết đấy là chuyện không nên. Cuộc sống của hai chúng tôi cứ yên bình trôi qua từng ngày như thế mãi cho đến lúc giặc Tây sang xâm lược nước ta, lúc ấy chúng tôi còn một năm nữa mới được tốt nghiệp.
Trường học - nơi tôi có thể gần gũi và trò chuyện cùng Trâm mỗi ngày nay phải đóng cửa để làm trạm trợ cấp quân nhu. Các lớp học được dời vào sâu trong làng, dùng nhà dân để dạy học, Trâm vẫn tiếp tục theo học còn tôi thì không. Ngoại tôi đã già yếu và trong thời điểm căng thẳng này tôi chỉ có thể để bà ở trong nhà, giờ thì đến tôi phải là người chăm sóc bà và tôi có chút tự hào về điều đó. Tôi làm việc khuân vác gạo thóc, quần áo về trạm suốt ngày nên không có thời gian để gặp mặt Trâm. Nghe mấy bạn học cũ bảo rằng Trâm giờ chuyển xuống dạy mấy em nhỏ cấp một, cấp hai vì làng thiếu giáo viên nên tôi biết cô ấy cũng đang rất bận rộn và khó khăn.
Một lần đang kéo xe ngang qua lớp, tôi thấy Trâm đứng nhìn tôi, vẫn khuôn mặt tươi cười như mọi khi nhưng đôi mắt cô sao thấy buồn quá. Lòng tôi bỗng trào dâng một nỗi niềm khó tả, tình cảm chất chứa bao lâu nay ngay chính lúc ấy tôi muốn bộc lộ ra hết, tôi thấy thương Trâm biết bao. Đêm đó về, tôi không tài nào chợp mắt được, trong đầu tôi chỉ toàn hình ảnh của Trâm. Tôi lén mở cửa rồi lại trèo qua hàng giậu như những ngày trước. Đã khuya rồi nhưng phòng Trâm vẫn sáng đèn, qua cửa sổ tôi thấy Trâm còn thức học bài, dường như cô đã gầy đi chút ít. Có lẽ vì mệt nên chỉ một lúc là Trâm nằm gục xuống bàn, tôi đoán cô đã ngủ nhưng vẫn cứ đứng đó nhìn cô rất lâu rồi mới trở về. Chính đêm hôm ấy tôi đã đi đến một quyết định.
Tôi đăng ký tòng quân vào sáng hôm sau, quân lực ta đang thiếu người nên dù gia đình tôi chỉ có hai bà cháu các anh vẫn chấp nhận. Xong cả rồi tôi mới về thưa với ngoại, ngoại không ngạc nhiên nhưng cứ sụt sùi khóc mãi. Sống mười bảy năm trên đời, tôi đã bao giờ thấy ngoại khóc đâu nên cứ thế mà nước mắt tôi cũng rơi theo, tôi vội vã kéo áo lên lau mà cũng không cầm lại được. Tối hôm ấy tôi phải đi, ngoại đích thân nấu cơm để tiễn tôi, cả buổi ngoại chẳng nói được mấy câu và tôi cũng biết do bà đang kiềm chế nỗi xúc động của mình. Ngoại gói ghém đồ đạc cho tôi, vừa lau nước mắt vừa căn dặn:
"Một thân một mình ở chỗ lạ cháu phải tự biết chăm sóc mình, đừng để đau ốm biết không... Ngoại gói nhiều đồ ăn lắm, trên đường có đói thì cứ ăn, xem mấy anh em khác ai đói thì chia cho người ta, phải biết nhường nhịn, chia sẻ với mọi người. Đừng có khóc, lớn rồi mà. Đi đi cháu, khi nào đất nước hết khói lửa thì về, ngoại đợi."
Nói xong ngoại ôm hôn tôi, và đó là lần cuối cùng tôi được ngoại ôm và hôn như thế. Chẳng khác gì lúc nhỏ cả, tình thương ấm áp ấy suốt đời tôi không quên được. Hôn tôi xong ngoại lủi thủi bỏ đi vào bếp, không quay mặt lại mà chỉ xua tay về phía tôi. Lau hết nước mắt, tôi bước khỏi căn nhà xập xệ đã gắn bó mười mấy năm trời. Sẽ còn khó khăn hơn vì dù sao tôi cũng phải từ biệt cả Trâm, tôi phải làm. Trong thoáng chốc tôi nghĩ có thể đây sẽ là lần cuối nhìn thấy cô.
Trâm bàng hoàng trước lời từ biệt và túi hành lý tôi mang theo. Mắt Trâm ngấn lệ đến đỏ hoe, bờ môi cứ mấp máy như rất muốn nói ra gì đó nhưng không thể. Tôi bèn lấy hết can đảm, bước đến và ôm lấy Trâm vào lòng. Lúc đó tôi mới nhận ra mình cao lớn hơn Trâm nhiều và thề với lòng rằng sẽ dùng sức vóc này để bảo vệ tổ quốc cũng như bảo vệ Trâm, mang lại cho cô cuộc sống bình yên như trước đây. Nhưng một lần nữa, tôi lại không dám thổ lộ nỗi lòng của mình. Những gì tôi muốn nói đã viết vào trong một bức thư và trao nó cho Trâm, bởi tôi sợ khi nói ra hết tình yêu của mình dành cho cô, chính tôi sẽ không nỡ rời đi được nữa.
Rời xa gia đình, tình yêu duy nhất và cả thanh xuân, tôi lên đường tiến về những mặt trận ác liệt và đẫm máu nhất trên miền tổ quốc. Những người lính chúng tôi suốt ba năm làm bạn với sông, với núi, với rừng... Mỗi nơi giặc Tây bước qua chúng lại gieo rắc thêm trăm ngàn nỗi đau lên đất nước ta. Đất mẹ ôm ta trong những đêm trường lạnh giá, rừng cây che chắn ta trước bom đạn quân thù, núi sông bao bọc ta trước bao cuộc truy quét của chúng. Tôi và các anh em đồng chí chiến đấu triền miên suốt ba năm trời như thế, vô số vết thương trên người cũng không bằng vết thương tổ quốc đang gánh chịu. Và tôi chưa bao giờ quên Trâm, tôi vẫn viết thư gửi về cô đều đặn. Từ lúc tôi đi thì Trâm chuyển qua sống cùng với ngoại để tiện chăm sóc bà lúc tuổi già.
"Ngoại vẫn nhớ anh và vẫn đợi anh về." - Có lẽ cô đã đọc bức thư tôi đã trao khi rời đi và đã chấp nhận tình cảm của tôi, nên mới có cách xưng hô thế này. Nghĩ đến thế tôi vui mừng khôn xiết. Vì tình hình chiến sự căng thẳng nên hầu hết thư từ đều là Trâm gửi đến cho tôi, tôi cũng có hồi âm nhưng bằng những lá thư viết rất vội. Tôi mong em sẽ hiểu cho tôi.
Tôi nhận được thư của Trâm gửi đến lần thứ chín thì lại nghẹn ngào mà khóc. Ngoại tôi đã mất mà vẫn chưa được gặp mặt đứa cháu lần cuối. Tôi cũng hồi âm về nhưng lạ là từ đó không nhận được thư của Trâm nữa.
Ba tháng từ khi nhận được bức thư thứ chín ấy, tình hình chiến sự khởi sắc hơn rất nhiều. Phần lớn giặc Tây đã bị đẩy lùi nên chúng tôi cũng có lệnh ngừng tiến công và quay về, các sư đoàn khác sẽ tiếp tục thay thế nhiệm vụ của chúng tôi. Tôi được khám và chăm sóc vết thương trong năm ngày rồi xin nghỉ phép một ngày để hỏa tốc về quê nhà thăm Trâm, tôi nhớ em ấy da diết và đã gửi đi ba bức thư mà đến giờ vẫn chưa được hồi âm lại. Tôi thoáng lo sợ, nghĩ rằng có khi nào em đã đi lấy chồng rồi không? Song tâm trí tôi lại tự trấn an rằng làm gì còn gã trai trẻ nào lúc này mà không ở tiền tuyến. Nghĩ thế nhưng tôi vẫn cố gắng về nhanh nhất có thể. Đi tàu hỏa tốc nhưng tôi vẫn thấy quá chậm, chưa từng có chuyến tàu nào chậm như chuyến tàu lần này.
Tôi tìm đến lớp học làng đầu tiên nhưng ở đây người ta không còn dạy học nữa nên tôi vội trở về nhà Trâm. Vẫn hàng giậu thưa đó, vẫn căn nhà xập xệ của ngoại tôi bên cạnh, tôi cất tiếng gọi Trâm mà lòng nôn nao khó tả. Mãi một lúc sau mẹ của Trâm mới bước ra:
"Cháu là... thằng ba Đăng đúng không?"
"Dạ cháu đây." - Tôi mong mỏi đến mức hỏi ngay về Trâm mà bỏ qua mẹ em ấy - "Trâm đâu rồi cô?"
"Cháu chưa nhận được thư của con bé sao?" - Vẻ hoảng hốt hiện rõ trên mặt mẹ của Trâm.
Tôi cũng run rẩy cả người khi nghe mẹ em thuật lại. Sau khi ngoại tôi mất được mấy ngày thì Trâm giao lại tang sự cho mẹ và quyết định đăng ký làm y tá cứu thương, phục vụ tổ quốc. Nhưng bà thừa biết mục đích của Trâm là tìm đến với tôi, tôi cũng chẳng nghĩ khác bà được. Mà Trâm ơi! Cả nước ta khắp nơi đều là khói lửa đau thương, sao em phải liều lĩnh tìm đến anh để anh lại thấy có lỗi với em hơn.
Tôi lại tức tốc trở về chiến khu, dựa vào các mối quan hệ tôi biết mà lần tìm tin tức về Trâm. Từ đó tôi mới biết người giao liên trúng đạn mà chết trong lúc mang bức thư của Trâm đến đây. May mắn là người ta thu được các lá thư lại, tôi cũng tìm được bức thư của Trâm:
"Em sẽ tìm đến anh. Mặt trận B, bệnh viện Đức Hòa."
Tôi xin tìm danh sách các xe vận tải quân nhu đến đó trong thời gian sớm nhất. Vậy là Trâm đã lên đường gần ba tháng nay và bị mất liên lạc với mình trước đó. Tôi tự thấy hổ thẹn vì trước đó đã có ý nghĩ không tốt về em.
"Khẩn cấp! Mặt trận B cần chi viện, địch đang truy quét, mặt trận B cần chi viện gấp..."
Tôi nghe như sấm đánh ngang tai, chạy vội lại vị sĩ quan truyền tin, tôi cố hỏi thêm và cầu mong không phải đúng chỗ ấy, chỗ Trâm đang làm việc.
"Mặt trận B? Bọn nó đánh vào đâu trước?" - Hỏi mà tay chân tôi run hết cả lên.
"Bệnh viện Đức Hòa..."
Tôi hoảng sợ, đốc thúc các anh em chiến sĩ khác mau chóng tập kết đến bệnh viện Đức Hòa để chi viện. Dù biết xe đang cố chạy nhanh hết tốc lực nhưng tôi vẫn hét vào tai người tài xế phải nhanh nữa lên. Hôm đó là lần đầu tiên tôi thấy sợ đến thế, tôi sợ đến nỗi tim tôi đập như muốn nổ tung và thấy sao con đường đến bệnh viện Đức Hòa dài như vô tận.
Khi chúng tôi đến nơi cả bệnh viện chỉ còn lại đống hoang tàn, xác người nằm la liệt. Tôi bước xuống xe mà như đang ngã giữa chín tầng trời. Rõ ràng cuộc tập kích của lũ giặc Tây lần này chúng tôi đã không ngờ tới, bệnh viện Đức Hòa thất thủ và chúng nó cũng vội rút lui trước khi chúng tôi tới nơi. Khi xác người được đưa ra và tôi nhận dạng từng cái xác một, tôi bắt đầu cầu nguyện, điều mà từ lúc bắt đầu có nhận thức cho đến nay tôi chưa bao giờ làm. Lời thỉnh cầu đến ai cũng được bất kể là Trời, Đất, Thần, Phật,... xin rủ lòng thương em Trâm mà để em ấy được bình an.
Và rồi tôi đã gào thét đến tắt cả giọng và ngất đi khi cái xác thứ sáu mươi tám được đưa ra. Sáu viên đạn vào bụng, một viên ở cổ.
Tôi đã mất Trâm mãi mãi.
© Ve Sầu - blogradio.vn
Mời xem thêm chương trình:
Em cần anh những ngày thu se lạnh | Radio Tình Yêu
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Một tình yêu kéo dài suốt một đời
Tình yêu của họ ngọt ngào, đáng yêu và chân thành, nhưng họ không còn là những con người như khi họ mới gặp nhau. Cô yêu Alex hết lòng, nhưng cô không thể phủ nhận rằng con đường của họ đang rẽ hướng.
Mong tình ta bắt đầu khi mùa thu còn trở lại…
Khi thu một lần nữa quay về, cô đã mười tám, lứa tuổi dễ bị rung động trước những điều nhỏ nhặt nhất. Lúc này cô nhận ra mình đã yêu anh từ lúc nào.
Viết cho tuổi mười tám
Khủng hoảng tuổi đôi mươi đến thật nhanh, nhiều khi, việc giao tiếp với người khác mỗi ngày cũng làm chúng thấy cạn kiệt năng lượng, lạc lõng. Thì ra, cái giá phải trả cho ước mơ cũng rất đắt, những thứ tốt đẹp, lung linh thì chưa bao giờ " miễn phí".
Đôi tay người bạn
Bạn hiền ơi! Cho tôi mượn đôi tay Để tôi nắm đôi bàn tay người bạn Dẫu mai đây có xa thì vẫn nhớ Nhớ đến lúc này, tay xiết chặt lấy tay…
Chưa từng bỏ lỡ nhân duyên
Chuyện của gia đình anh hoàn toàn không phải lỗi của cô ấy, nhưng đâu đó cái bóng của toàn bộ câu chuyện vẫn bao phủ lấy cả anh và cô. Họ sẽ làm gì để bước qua cái bóng của quá khứ kia?
Mùa hoa cải năm ấy
Câu chuyện kể về cảm xúc của nhân vật Tôi nhớ về ký ức tuổi thơ bên triền đê, nơi cô đã lớn lên cùng một cậu bạn. Họ cùng chơi đùa, thả diều và học tập bên nhau. Khi cậu bạn đỗ đại học và rời quê, mối liên hệ giữa họ dần phai nhạt. Sau một thời gian, cậu trở về quê cùng một cô gái mới, khiến cô gái cảm thấy hụt hẫng và nỗi buồn lấn át kỷ niệm đẹp. Dù thời gian trôi đi, hình ảnh mùa hoa cải vẫn gợi nhớ về tình yêu thầm kín mà cô không thể quên. Cô chấp nhận rằng tình cảm đó sẽ mãi ở lại với cô, giống như những mùa hoa cải vẫn nở rực rỡ.
Viết cho người đã cũ
Đã cũ khiến ta bất giác hồi tưởng lại những ngày đầu làm quen để rồi tự gượng cười nhìn lại những gì đã cũ, cảm giác đó, rung cảm đó tưởng như sẽ trở nên sợi dây kết nối với nhau dài lâu; ấy thế lại vội vàng đến, rồi vội vàng lướt qua cuộc đời của nhau tựa như gió thoảng, tựa đám mây ghé qua rồi vội bay về phía cuối chân trời
Mưa nào mà không tạnh?
Mưa tầm tã, rào rạt. Mãi khi bình minh ló rạng cũng là lúc em nhận ra mình đã khóc lâu đến nhường nào. Chín mươi chín cuộc gọi nhỡ từ mẹ.
Ai bán
Ai bán cho tôi nửa trò đời Tôi về ủ thành rượu uống chơi Nhăm nhi từng chút hồn tản mạn Trở lại tuổi thơ thấy mẹ cười
Tía là quê hương
Năm đó nếu không có tía, nếu tía không ôm con về thì con đâu được như hôm nay. Tía vừa là ba vừa là mẹ của con, tía là những gì yêu thương thân thuộc nhất của quê mình mà con chỉ có thể nói tía là quê hương. Tía là cả vùng quê của mình đã thấm vào con đã thành máu chảy trong con ba