Trung thu và ký ức tuổi thơ
2014-09-08 01:22
Tác giả:
Giờ này tìm được lồng đèn kiểu xưa
Cho con chút ít ngày xưa
Trung thu truyền thống vẫn chưa nhạt nhòa
Mai này con lớn bay xa
Trong con vẫn nhớ cây đa, xóm làng”
Không biết tự bao giờ mà hình ảnh của những chiếc lồng đèn xanh xanh, đỏ đỏ được làm bằng những thứ vật liệu bình dị của làng quê lại gắn kết chặt chẽ với tuổi thơ chúng tôi như thế. Mỗi năm, cứ vào độ tháng 8 âm lịch là những đứa trẻ ngây thơ như chúng tôi lại nhốn nháo, háo hức, chờ đợi từng ngày và chuẩn bị chu đáo mọi thứ cho Trung Thu sắp tới. Là những đứa con của một vùng quê nghèo nên mỗi dịp Trung Thu về chúng tôi ít khi nào được ba mẹ mua cho chiếc lồng đèn, vì thế để có được một chiếc lồng đèn cho đêm Trung Thu con nít tụi tôi phải tự làm lấy, nhưng cũng không vì thế mà không khí đêm Trung thu ở miền quê tôi lại trầm lắng đi, ngược lại ai cũng náo nức, hớn hở khi cầm trên tay chiếc lồng đèn tự tay mình làm lấy.
Mà phải công nhận một điều là những đứa trẻ ở vùng quê như tụi tôi lại có tài bắt chước, đứa nào không biết làm lồng đèn chỉ cần nhìn các anh chị làm một lần là có thể tự làm cho mình một chiếc lồng đèn theo ý thích. Nói thì cứ tưởng là dễ lắm nhưng khi bắt tay vào làm thì mới thấy sự khó khăn của nó, nào là phải đốn tre rồi chẽ ra và vót cho nhỏ lại để có được những thanh tre nhỏ làm sườn của lồng đèn, sau khi làm được cái sườn là tới công đoạn dán giấy kiến màu, đây là công đoạn đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mĩ mới mong có được một chiếc lồng đèn thật đẹp, để hoàn thành một chiếc lồng đèn tụi tôi phải mất hàng mấy giờ ngồi với nhau nơi sau hè. Coi vậy mà cũng vất vả lắm à nhưng không ai than mệt cả, bởi cả đám cứ xúm nhau lại vừa làm vừa nói chuyện inh ỏi nên cái mệt cũng tan biến đi.
Con nít thì có công việc của con nít còn người lớn thì sao? Người ta thường hay nói Trung Thu là tết của trẻ con nhưng người lớn cũng vất vả không kém bởi phải lo toan nhiều thứ mới mong có được một mùa Trung Thu trọn vẹn và ấm áp. Trước ngày Trung Thu mấy ngày mẹ tôi và nhiều cô bác khác trong xóm phải bàn tán nhau coi Trung Thu này phải mua những thứ bánh gì?. Dù là bánh gì đi nữa thì không thể nào thiếu đi bánh in và bánh pía, đáng lẽ ra phải có thêm bánh Trung Thu nữa mới đúng sách nhưng ở dưới quê cuộc sống hơi khó khăn nên mọi chi tiêu luôn rất hạn hẹp, chỉ có những gia đình nào hơi khá giả một tý mới có thêm vài cái bánh Trung Thu. Mà cũng ngộ tụi con nít tụi tôi chỉ thích nhất là thứ bánh pía có lẽ do sự bình dị và gắn kết lâu đời với người dân ở quê tôi, nên mùa Trung Thu nào mẹ tôi cũng mua cho mấy anh em tôi vài cây bánh pía. Vất vả và khó khăn là thế nhưng mùa Trung Thu nào đối với con nít như tôi cũng tràn trề niềm vui và ấm áp vô cùng.
Ngoài việc chuẩn bị những chiếc lồng đèn những đứa trẻ trong xóm còn súm lại lấy những quyển sách, quyển tập cũ đã học rồi ngồi quanh lại xếp thuyền giấy chuẩn bị để thả vào tối đêm Trung Thu. Nói vụ gì thì con nít như tụi tôi không biết nhưng xếp thuyền thì không chê vào đâu được,không chỉ xếp thuyền chúng tôi còn nghĩ ra nhiều thứ khác như xếp hoa sen, xếp cái thúng…tụi tôi cứ tranh nhau xếp vì sợ không tham gia thì những đứa khác sẽ không cho thả thế thì tiếc lắm.

Sau bao ngày lo toan chuẩn bị thời khắc quan trọng mà tụi tôi chờ đợi đã đến, cái đêm Trung Thu ngọt ngào đã ùa về làm cho tụi con nít như chúng tôi cứ reo hò và chạy khắp xóm đến nhà đứa này kêu réo, đến nhà đứa nọ rủ ghê tập hợp lại để chuẩn bị rước đèn. Có năm thì Trung Thu ngay những ngày không mưa nhưng cũng có năm chúng tôi phải đón Trung thu dưới bầu trời mưa tả tít. Dù trời có mưa nhưng niềm vui vẫn không bị dập tắt đi trên khuôn mặt của bất cứ ai. Ánh sáng lồng đèn lung linh trong đêm tối thế là chúng tôi vây quần lại và bắt đầu ca hát vui đùa. Sau khi rước đèn xong chúng tôi lại nhốn nháo lên chuẩn bị cho công đoạn tiếp theo là chuẩn bị xuồng để đi thả thuyền. Con nít tụi tôi ai cũng thích thả thuyền nên nói thả thuyền là chúng nhảy lên và hoan hô thật to. Từng chiếc thuyền xinh xinh mà chúng tôi đã chuẩn bị nhiều ngày trước đó bây giờ mới được rời bến. Chúng tôi cứ tranh nhau để thả đến nỗi có đứa phải rơi tủm xuống sông và lại lật bật leo lên và tiếp tục thả, chuyện chỉ có thế mà tụi tôi cứ cười ngây ngất. Trên mỗi con thuyền là một ngọn nến với đủ màu sắc cứ trôi bồng bềnh trên mặt nước làm sáng rực lên cả một khúc sông. Khi đã thả hết nhưng vẫn còn đèn cầy tụi tôi lại nghĩ ra cái trò lấy bập bè và bẹ chuối làm thành những chiếc thuyền vừa xinh xắn vừa ngộ nghĩnh để tiêu hết những cây đèn cầy còn dư lại. Giây phút bình yên và ngọt ngào ấy hiện lên trên khuôn mặt lấm tấm mưa của biết bao đứa trẻ.
Tối Trung Thu, con nít thì có công việc của con nít còn trong nhà mẹ tôi cũng có công việc, mẹ tôi phải chuẩn bị những thứ bánh để gọn gàng vào từng dĩa để lên bàn thờ để cúng tổ tiên. Sau khi đã chơi thật mệt tụi tôi chỉ việc chạy ùa về nhà là được mẹ cho ăn bánh. Trung Thu là tết của trẻ con nhưng theo tôi thì nó dành cho tất cả mọi người, bởi khi đó mọi người trong gia đình ai cũng được vây quần bên nhau ăn những thứ bánh dân dã của một miền quê nhưng ngọt ngào và ấm áp biết mấy bởi bên họ còn có biết bao người luôn yêu thương và sát cánh bên nhau, cảnh gia đình sum hợp lúc này chẳng khác nào là ngày tết. Vì thế, nó để lại cho tuổi thơ chúng tôi không biết bao là kỉ niệm ngọt ngào của một thời để nhớ.
Bây giờ xa quê, xa dần những kỉ niệm tuổi thơ nhưng khi bất chợt gặp lại những hình ảnh thân quen ấy lòng tôi lại cảm thấy xốn xang và luôn hướng mắt trông về nơi đó. Cuộc sống ngày càng phát triển nên sự bình dị của những mùa Trung Thu gắn liền với tuổi thơ tôi cũng dần dần không còn nữa. Mùa Trung thu đến những đứa trẻ ở thị thành bây giờ làm sao có thể tự tay làm cho mình chiếc lồng đèn. Những chiếc lồng đèn xanh xanh, đỏ đỏ của tuổi thơ tôi bây giờ đã thay bằng những chiếc đèn lồng bằng điện tử đẹp mắt và khá đắt tiền, nó là những thứ quà mà đối với tuổi thơ tôi là những thứ xa xỉ và thua xa những chiếc lồng đèn của những đứa trẻ ở làng quê như tụi tôi. Riêng về quà bánh cũng thế, rất nhiều và đa dạng chủng loại nhưng làm sao qua được cái vị ngọt ngào của cái bánh in, bánh pía ở miền quê.
Xa quê cũng đã mấy năm cũng là ngần ấy thời gian xa rời với cái hương vị Trung Thu ấy nhưng sự ngọt ngào của tình bạn, sự đầm ấm của một mái gia đình trong những đêm Trung Thu thì làm sao tôi quên cho được. Chỉ có nơi đó tôi mới có được những tối Trung Thu dầm mưa thả thuyển cùng lũ bạn, chỉ có nơi đó tôi mới nếm được từng vị ngọt ngào của từng miếng bánh quê hương. Ôi! mỗi miếng bánh sao lại cho ta cái cảm giác ngọt ngào đến lạ thường như thế, có phải nơi đó đã ghi khắc vào máu xương tôi để mỗi lần nhớ về nơi ấy tôi lại nhói đau và nghẹn ngào tuôn nước mắt.
Kí ức tuổi thơ thì ai cũng có, dù nó có đau thương và đắng cay đến mấy chúng ta cũng không thể nào quên được thậm chí nhớ mãi cho tới ngày về bên kia thế giới. Và bây giờ một mùa Trung Thu nữa sắp về là một lần nữa tôi xa quê, xa hơn với kỉ niệm. Cứ mỗi lần đi ra phố nhìn thấy những gian hành bán bánh Trung Thu và lồng đèn là tôi lại cảm thấy bùi ngùi nhớ về quá khứ. Tôi cứ suy nghĩ và tự hỏi: không biết bây giờ những đứa bạn ngày xưa của tôi tụi nó có còn tụm 5 tụm 7 lại để làm lồng đèn và xếp thuyền giấy hay không? Ba mẹ tôi có chuẩn bị được gì cho mùa Trung Thu sắp đến chưa? Hay đang vất vả lo toan cho cuộc sống nên đã quên mất cái ngày trọng đại ấy rồi. Nghĩ tới đó thôi là tôi chợt tỉnh lại không dám nghĩ thêm gì nữa. Quả thật, cái kí ức Trung Thu của tuổi thơ sao bây giờ xa vời quá.
Ước gì tụi con nít ngày xưa có thể hồn nhiên, vô tư vui đùa trong đêm Trung Thu và bỏ mặc ngoài tay những gì đang đè nặng trên vai. Điều này có lẽ hơi khó. Ừ khó thiệt. Nhưng dù sao sống xa quê nhiều năm tôi cũng đã tìm cho mình những người bạn mới, những con người ở nhiều nơi trên đất nước (hơi xa vời quá nhỉ?). Mùa Trung Thu này tôi hy vọng có thể tìm lại cái cảm giác của ngày xưa bên những người bạn mới để tự bản thân tôi kiểm nghiệm, so sánh, đối chiếu lại cái giả thuyết “Trung Thu tuổi thơ và hiện tại nó khác xa nhau như thế nào?” nó có ấm áp và ngọt ngào như cái Trung thu của tuổi thơ tôi hay không?
- Trần Văn Đấu
Phản hồi của độc giả
Xem thêm

Thêm Một Lần Nữa, Cùng Nhau!
Tôi nắm chặt tay anh, còn anh thì thong thả đi về phía trước, hướng về căn phòng ấm áp của cả hai. Dù có ra sao đi chăng nữa thì sau này, chúng tôi sẽ lại lên kế hoạch cho một chuyến đi ngắm nhìn hoàng hôn trên biển, thêm một lần nữa và cùng với nhau...

Tình đầu của ba không phải mẹ...
Ba kể ngày xưa, thời niên thiếu Hai người nhập ngũ, một người đi Mưa đạn trút xuống, bụi mịt mù Người nằm lặng lẽ, hồn người đi...

Đèn vàng
Mọi người có công nhận không, nếu chúng tôi được bật sáng là những con đường sẽ thêm phần nhộn nhịp đông vui, rồi tôi sẽ yên tâm vì mọi người sẽ an toàn đi đến những nơi cần đến.

Trung thu xưa
Mỗi người một chân một tay, thế là năm cái lồng đèn được ra lò. Cái của bọn con trai là hình ngôi sao còn bọn con gái là hình tròn, được cái Lan khéo tay nên vẽ hoa trên đó trang trí nên đẹp lắm.

Ông ngoại tôi
Câu chuyện của nhân vật tôi kể về chuyến đi sang thăm ông ngoại cùng em gái mình. Nhưng sự xuất hiện của người cậu đã đánh tan khung cảnh bình yên đó.

Duyên nợ
Ngân phải giữ bằng được gia đình cho cu Minh, giờ vẫn phải níu kéo để Phan chăm lo cho vợ con về tài chính bởi Ngân biết hiện tại mình không đủ sức nuôi con, và chính bản thân cũng không biết sống bằng gì.

10 cô gái ngã ba Đồng Lộc
Một huyền thoại ta nhớ mãi không nguôi Nơi Trường Sơn một trời ngập hoa lửa Mười cô gái thanh niên - một lời hứa Hứa trọn đời cho Tổ quốc thân yêu.

Điều buồn hơn cả đơn phương
Rõ ràng tôi rất mừng vì cậu ấy không chấp nhận ai. Nhưng nghĩ lại thì điều này cũng có nghĩa là tôi sẽ không bao giờ có thể tỏ tình với cậu ấy.

Những giọt chiều rơi rơi
Có lần anh về nhà mà cứ đi công việc biền biệt chẳng chở chị chở con đi chơi được một lần. Chị nói chị rơi nước mắt đã nhiều buổi chiều nhiều buổi tối lắm, mà vì con nên chị cố sống cho hạnh phúc gia đình.