Phát thanh xúc cảm của bạn !

Trung thu trong tôi là

2018-09-22 01:30

Tác giả:


blogradio.vn - Cái tết Trung thu năm đó đúng là một ngày hội lớn của tuổi thơ tôi, trở thành ký ức sâu sắc. Giữa những bộn bề của công việc vẫn có những lúc chạnh lòng suy tư… Đứng giữa bạt ngàn của phố đèn lồng muôn hình vạn trạng lại rực rỡ màu sắc tựa như lạc vào chốn của hào quang của ánh sáng, nhưng tôi vẫn muốn tìm kiếm cho riêng mình một đèn ông sao của ngày ấu thơ…

***

blog radio, Trung thu trong tôi là

Ngôi trường cấp hai của tôi nằm lọt thỏm trên một quả đồi rộng, xung quanh bao phủ bởi đồi chè nối tiếp đồi chè, cái cổng dẫn lên trường giống như một cây cầu dài mọc ra từ trục đường chính vắt ngang qua cánh đồng bát ngát, một lối đi màu vàng đất nằm giữa hai bên toàn màu xanh của những thửa ruộng hoa màu. Tôi nhớ về trường, về thầy cô, về bạn bè và nhớ đến người bạn bàn sau thủa ấy…

Tháng tám tôi còn đang mải mê với những bản thảo nhằng nhịt, ngược xuôi cùng dòng người hối hả sáng đi tối về thì bất chợt mùa thu về. Tôi nhận ra mùa thu vào một buổi chiều tan sở, khi thấy nắng tắt trên những cây xà cừ cổ thụ bên đường, một vài chiếc lá se vàng rụng xuống bay bay trong gió, sượt qua vai tôi. Đã qua rất lâu rồi, thời gian có thể khiến tôi già đi nhưng ký ức vẫn giữ được nét thanh xuân của nó, sự việc dường như mới xảy ra ngày hôm qua thôi. Khi đó, trước trung thu khoảng một tuần, từ khối lớp 6 đến lớp 9, sáng nô nức cắp sách tới trường, chiều hồ hởi đứa mang đoạn tre, đứa mang thanh nứa, đứa mang hồ, đứa mang giấy, đứa mang bút màu… chúng tôi đến trường để làm đèn trung thu.

Đèn ông sao to như cái nia phơi quả đậu xanh của bà, lại có cái đèn to như cái sàng của mẹ mỗi lần sẩy lạc rang, cái đèn nhỡ to bằng cái rổ đựng rau được làm nhiều nhất. Đám con trai sẽ chẻ đoạn tre và vót nan dựng khung đèn, cái đèn to nhất đại diện cho lớp do hai bạn trai to cao nhất lớp phụ trách làm dưới sự chỉ đạo của cô giáo, còn những cái đèn to vừa thì cũng vẫn là đám con trai trong lớp phải đảm nhiệm, đám con gái chỉ lăng xăng bên ngoài cắt giấy và làm mấy cái đèn con con nhí nhố cho bản thân mình, vì giấy mầu không có nhiều nên những cây đèn to phải dùng giấy trắng, chúng tôi tỉ mỉ tận dụng ngồi cắt hoa từ giấy màu thừa dán trang trí quanh đèn ông sao màu trắng nên nhìn cũng rất bắt mắt.

Tôi với ba đứa bạn cùng bàn vót mấy cái nan tre bỏ, rồi tha thẩn đi lượm lại giấy mầu trong đám giấy đã bị cắt xé loang lổ vương vãi trên sàn lớp làm thêm mấy cái đèn tí xíu chỉ to bằng cái bát đựng canh, sau đó dùng giây lạt buộc vào để xách cho tiện, tôi cảm thấy đèn xách tay này thú vị hơn đèn có cán cầm, lại thuận tiện hơn trong việc soi đường đi khi trời tối nên khuyến khích các bạn trong lớp làm theo. Mọi người khá hưởng ứng khiến tôi tỏ ra đắc ý vô cùng, tôi nghĩ mình vừa đưa ra một ý tưởng xuất sắc giống như người ta khám phá ra sao Hỏa vậy. Một trong hai cậu bạn to cao nhất lớp quay qua nhìn cái đèn trong tay tôi, không mặn không ngọt lên tiếng:

- Dùng dây lạt buộc thế kia không ổn!

- Không ổn chỗ nào hả bạn ngồi sau? – Tôi cảm thấy bị làm cho mất mặt nên cất giọng trả cheo.

- Khi bạn đốt nến có thể dây sẽ bị cháy.

Tôi hơi hoang mang nhìn cái dây lạt nhưng vẫn cố cãi lại:

- Buộc tít trên đỉnh tre thế này thì cháy làm sao được!

Cậu ta đưa cho mấy bạn khác mỗi người một sợi dây thép để buộc đèn, lại chỉ mọi người cuộn một đầu dây lên đầu một thanh tre, vậy là thành đèn lồng ông sao. Tôi khẽ bĩu môi lầm bầm trong bụng “Cứ làm như Colombo tìm ra Châu Mỹ không bằng!” - nhưng cũng lẳng lặng buộc cái lạt của mình vào một ống nứa dài như cây sáo cho dễ cầm.

blog radio, Trung thu trong tôi là

5 giờ chiều nay học sinh đến trường tập chung, không biết các anh chị lớp trên thế nào chứ đám học sinh lớp 6 chúng tôi đã hồi hộp suốt từ một tuần nay rồi, sáng nay đứa nào cũng mang tâm trạng chạy marathon đến buổi trưa, mong sao nhanh nhanh kết thúc buổi học. Nghe lời thầy cô giáo dặn, tôi tắm gội thật sớm, bố mẹ cũng nấu cơm sớm hơn mọi ngày.

Chúng tôi mặc áo sơ mi trắng đóng thùng gọn gàng trong quần xanh đen, vai mang khăn quàng đỏ, đầu đội mũ ca nô chỉnh tề như trong tiết chào cờ của ngày đầu tuần. Cứ tưởng mình đi sớm, ai dè đến trường đã thấy bao nhiêu học sinh tay cầm đèn ông sao tung đi lại khắp sân trường.

Một tiếng trống dài vang lên, cô phụ trách mặc áo dài màu vàng chanh cầm míc loa

loa nói:

- Các em học sinh mau xếp hàng theo lớp để chuẩn bị đi rước đèn đón trung thu

nào!

Các thầy cô khác từ trên văn phòng bắt đầu đi xuống lớp mình chủ nhiệm để chỉ bảo học sinh chỉnh trang lại quần áo và kiểm tra lại đèn đuốc, cô chủ nhiệm lớp chúng tôi mặc áo dài màu trắng, thướt tha đi từ đầu hàng đến cuối hàng vừa điểm danh vừa phát nến cho từng học sinh. Tôi hí hửng găm cây nến vào trong đèn ông sao của mình, mượn bao diêm của cậu bạn lớp trưởng quyết định thử ánh sáng.

Lại “con kỳ đà” bàn sau quay qua xía vào chuyện của tôi:

- Đốt đèn sớm thế, để dành nến khi nào trời tối cô bảo thắp thì thắp.

Tôi một mắt nguýt một mắt lườm nhưng miệng vẫn cười hì hì nói:

- Tớ chỉ thử một tí thôi rồi sẽ thổi tắt, sẽ không tự làm hết nến của mình.

Tôi quẹt một cây diêm rồi khéo léo đưa đốm lửa hồng qua khoảng trống nơi sườn đèn châm nến. Nến sáng lung linh qua lớp giấy mầu xanh xanh đỏ đỏ thật đẹp. Tôi thích thú vô cùng, các bạn xung quanh cũng thấy hưng phấn như tôi, nhưng tôi cũng sợ hết nến, tôi muốn để dành cho tới tận lúc xách đèn về nhà, cái cây nến nhỏ như ngón tay út này không biết có đủ cháy đến lúc về không nữa.

Tôi hơi cúi người chu miêng qua sườn đèn thổi ngọn nến đang cháy, nó không tắt chỉ phập phù lay động, ánh lửa nhỏ cúi rạp mình xuống trong giây lát lại bùng lên, lửa bén vào phần dây lạt buộc thừa lòng thòng chĩa xuống rồi nhanh chóng cháy sang cánh sao màu xanh. Các bạn học sinh thấy vậy đều bu lại nhìn nó cháy, một bạn cầm cán đèn nhanh chóng đập đập xuống đất để dập lửa.

Tôi ngây ngốc nhìn cái đèn bốc cháy của mình không muốn khóc nhưng nước mắt cứ đong đầy quanh viền mi.

Một cái đèn ông sao khác chìa ra trước mặt tôi:

- Cầm cái đèn này đi!

Cậu bạn bàn sau đưa cái đèn mới cho tôi, cậu ta lượm cây nến đã cháy gần non nửa cắm vào bên trong cái đèn của cậu ta, còn đưa cây nến mới của mình cho tôi.

- Ăn cỗ trung thu xong cô giáo lại phát nến cho chúng ta để về nhà.

Nước mắt đã ráo hoảnh từ lúc nào. Tôi thấy cô giáo chủ nhiệm của mình xách theo cây đèn ông sao to nhất chạy đến quở trách:

- Xếp hàng cuối đúng là toàn bạn nhớn mà “chẳng hiểu chuyện”, cô đã bảo đốt đèn đâu mà tự ý làm để gây mất trật tự.

Tôi ấp a ấp úng lí nhí trong cổ họng:

- Em xin lỗi cô cùng các bạn.

- Được rồi, hôm nay tết trung thu không trách em nữa. – Nói rồi cô quay sang trao cây đèn cho cậu bạn bàn sau của tôi, rồi cầm lại cây đèn ông sao nhỏ trên tay cậu ta, tươi cười dịu dàng nói:

- Em cầm đèn đại diện lớp mình đi lên đầu đi.

Mỗi lớp chia làm hai hàng, một hàng nam và một hàng nữ, đi đầu sẽ là khối lớp 6, tiếp đến là khối lớp 7, 8, các anh chị lớp 9 đi sau cùng. Các cô chủ nhiệm cũng đi bên cạnh lớp của mình. Lớp nào cũng có một cái đèn ông sao to nhất, ở giữa có dán giấy mầu tên lớp nổi bật, lớp tôi là lớp 6A, đèn đại diện của lớp do cậu bạn ngồi bàn sau tôi cầm.

blog radio, Trung thu trong tôi là

Từ hàng dưới tôi đã nhìn thấy ba anh đội thiếu niên tiền phong trong bộ đồng phục trắng, đầu đội mũ ca nô trắng có in hình ngôi sao năm cánh màu đỏ ở giữa, họ đeo trống trước ngực, bên cạnh là thầy giáo dạy thể dục tay cầm cờ đỏ sao vàng dẫn đầu đoàn người, tiếng trống đội vang lên đầy khí thế “1…2…1…2…3…4…5”. Chúng tôi bắt đầu di chuyển. Cô giáo tôi bắt nhịp bài hát “Chiếc đèn ông sao sao năm cánh tươi màu… hai ba…” Cả lớp chúng tôi đồng thanh hát. Tôi nghe thấy cả đoàn đang hát theo chúng tôi, tôi quay đầu lén nhìn về phía sau… cả một đoàn đèn ông sao xanh đỏ tím vàng, ông sao to ông sao bé nhấp nhô trên biển màu xanh của mũ ca nô. Chúng tôi đi thành hai hàng trên đường, không nhanh không chậm, bước chân của chúng tôi từ lớp 6 út ít cho đến các anh chị cả lớp 9 cũng không có sự chênh lệch ngắn dài, không ai vì quá nhanh mà dẫm đạp lên gót chân người khác, mọi người nhìn người trước mà đi, chúng tôi vừa đi vừa hát bài hát rước đèn, bài hát về đội thiếu niên tiền phong, bài hát về Bác Hồ.

Trên phố mọi người từ trong nhà đều chạy ra ngoài nhìn ngắm chúng tôi mỉm cười hoặc vỗ tay khích lệ, các em nhỏ biết đi muốn chạy ra đường hòa vào đội hình của chúng tôi nhưng bị người lớn kéo lại kèm theo lời nhắn nhủ:

- Mai này con lớn con sẽ đi rước đèn như các anh chị!

Những cụ ông cụ bà cũng hát theo chúng tôi bài hát mà chúng tôi hát khi đi ngang qua.

Tôi ước mình có một cây bút thần kỳ để vẽ lại bức tranh của ngày hôm nay, tiếc rằng tôi chỉ có một cây bút chì hai đầu xanh và đỏ, năng khiếu vẽ tranh của tôi cao nhất chỉ đạt được điểm 8 khi vẽ trang trí hình vuông hoặc hình tròn.

Trời nhá nhem tối, cô giáo bảo chúng tôi dừng chân để đốt nến rồi trở về trường phá cỗ trung thu. Chúng tôi vẫn hát, giọng tôi có chút khàn khàn vì lúc khởi hành tôi hát hùng dũng quá, nhưng tôi vẫn sẽ hát “Cùng nhau ta đi lên theo bước đoàn thanh niên đi lên…” Đèn sáng khiến tôi càng thêm hưng phấn, tôi len lén vừa hát vừa quay đầu nhìn về đoàn người phía sau… Một bức tranh đẹp mãi đến giờ tôi vẫn nhớ!

Trăng tròn chênh chếch trên trời cao, không biết chị Hằng có nhìn thấy không dưới trần gian có một dải ngôi sao rơi lạc, những ngôi sao xanh đỏ tím vàng sáng lung linh chạy dài như một con đường ánh sáng… Phố huyện trung du miền núi chưa từng có đèn đường bỗng bừng sáng như ngày thiên thần giáng thế, mùi ngô nếp non đang vào hạt thoang thoảng trong cái se se lạnh của trời thu lúc buông màn. Qua con đường bắc ngang trên cánh đồng hoa màu, đoàn rước đèn của chúng tôi nhanh chóng tiến vào sân trường. Lần đầu tiên tôi đón trung thu ở mái trường này, nên không khỏi có chút bất ngờ lý thú. Trước cửa mỗi lớp đều được trải chiếu hoa hoặc những tấm ni lông vuông to như cái chiếu, ở giữa có bày mâm cỗ trung thu với đủ loại bánh kẹo, bưởi bòng, hồng chuối… Mỗi lớp đều cắt cử mấy bạn gái khéo léo ở lại lớp để bày biện trang trí mâm cỗ trung thu của lớp mình. Khi chúng tôi về các bạn đã gọt sẵn hồng, bưởi bày lên đầy một mâm, chúng tôi vừa về tới liền giúp các bạn bóc từng gói kẹo gói bánh bày thêm một mâm nữa, lại thêm một mâm bánh nướng bánh dẻo hình vuông, hình tròn, hình cá chép, hình thỏ ngọc, đặc biệt xung quanh mâm bánh nướng bánh dẻo này còn thắp đầy nến hồng trông như cái mâm đang đội vương miện ánh sáng vậy. Lớp chúng tôi có 40 học sinh ngồi thành hai hàng dọc được nối liền bởi hai cái chiếu hoa, đèn ông sao lớn đèn ông sao nhỏ dựng đầy phía sau chỗ ngồi lung linh tỏa sáng, cô giáo cùng các bạn nữ lấy bánh nướng bánh dẻo ra cắt đều, chúng tôi vừa ăn vừa cười nói dưới ánh trăng và ánh nến.

Đối với những đứa trẻ miền cao như chúng tôi bấy giờ, bánh dẻo bánh nướng là đặc biệt nhất và cũng là thứ quà vặt xa xỉ nhất mà chúng tôi háo hức mong chờ được ăn mỗi độ tết trung thu về, nhân bánh hấp dẫn bởi nhiều thứ: có bí đao, thịt mỡ béo ngậy trộn lá chanh, có lạc có vừng, lại có cả lạp xưởng đỏ chót và hạt sen… chỉ nhìn thôi đã thấy nuốt nước miếng rồi. Tôi ăn ít quả hồng ngâm giòn ngọt, rồi lại ăn thêm cái kẹo hoa hồng, còn phần bánh nướng cô giáo cắt cho tôi định bụng sẽ để dành đem về nhà khoe bố mẹ rồi mới ăn, cậu bạn bàn sau ngồi đối diện với tôi, thấy tôi cứ cầm miếng bánh trong tay mà không ăn liền đẩy phần bánh của mình sang cho tôi.

blog radio, Trung thu trong tôi là

- Tớ không thích ăn bánh dẻo, bạn ăn đi.

Đứa bên cạnh thấy vậy liền tru chéo cái miệng:

- Không ăn để tao ăn!

Cậu ta vừa thò tay ra định lấy miếng bánh đã bị hụt, tôi nhanh tay hơn đã cầm chặt miếng bánh trong tay mình:

- Là cho tớ không phải cho cậu, cậu ăn thứ khác đi! – Nói rồi tôi cầm một múi bưởi đưa cho cậu ta.

- Bưởi chua lắm tớ không ăn! – Cậu ta nói.

- Không ăn thì nhịn có thế thôi.

Tôi lại quay sang nói với cậu bạn ngồi đối diện:

- Không thích ăn bánh dẻo thì tớ đổi bánh nướng này cho. – Tôi chìa tay cầm bánh nướng về phía cậu ta, nhưng cậu ta lại lắc đầu:

- Tớ không thích ăn bánh kẹo.

- Ừ! Vậy từ sau có bánh kẹo hãy cho tớ.

Quả nhiên cô giáo phát thêm cho mỗi bạn học sinh một cây nến nữa để chưng đèn về nhà cho sáng, bạn nào nhà xa thì được cho hai cây. Khi cô đưa nến cho tôi, tôi “mặt dày” lên tiếng:

- Cô ơi! Nhà em có chút xa em sợ một cây nến không đủ!

Cô giáo khẽ cốc lên trán tôi nói:

- Em không những không được thêm cây nến nào, cô còn phân công em ở lại thu dọn vệ sinh cùng một số bạn nhà gần rồi mới được về.

Nếu biết kết cục là như thế này có lẽ tôi sẽ ngồi im như hến, có cạy miệng cũng không há ra.

Cậu bạn ngồi bàn sau tôi có lẽ cũng nhà gần trường nên cũng bị ở lại làm trực nhật, chúng tôi cầm hai đầu chiếu mạnh, rồi cuộn lại đưa trả cho cô giáo, sau đó lại cùng nhau quét dọn thu rác. Tôi đã gói kỹ hai miếng bánh nướng rồi mới nhét vào trong túi quần cẩn thận thế nào lại không cánh mà bay, tôi lộn tung hai cái túi quần từ trong ra ngoài vẫn chả ra được gói bánh, mặt tôi buồn so, giọng nói có hơi run rẩy:

- Rơi mất hai miếng bánh trung thu rồi!

Cậu bạn ngồi bàn sau thấy tôi như sắp khóc đến nơi vội lên tiếng:

- Bạn đừng khóc, nhà tớ có mai tớ sẽ mang đi cho bạn cả cái bánh nướng!

- Tớ không khóc, chỉ là tớ chưa biết mùi vị nó như thế nào, vậy mai cậu mang cho tớ thì cứ đặt vào trong ngăn bàn tớ nhé.

- Ừ!

Nhiều năm sau này, cậu bạn bàn sau không bao giờ biết được rằng cậu ấy chính là thần tượng trong lòng tôi, tiếc là tôi chỉ học chung với cậu ấy hết lớp 6 thì chuyển trường. Sự ngọt ngào mà cậu ấy dành cho tôi trong khoảnh khắc lại trở thành hình mẫu mà tôi âm thầm vạch ra cho suốt những năm tháng sau này mỗi khi có đối tượng nào đó để ý đến mình. Cái tết Trung thu năm đó đúng là một ngày hội lớn của tuổi thơ tôi, trở thành ký ức sâu sắc. Giữa những bộn bề của công việc vẫn có những lúc chạnh lòng suy tư… Đứng giữa bạt ngàn của phố đèn lồng muôn hình vạn trạng lại rực rỡ màu sắc tựa như lạc vào chốn của hào quang của ánh sáng, nhưng tôi vẫn muốn tìm kiếm cho riêng mình một đèn ông sao của ngày ấu thơ…

© Hong Hai Ngo – blogradio.vn

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Sắc hoa vàng trong nắng

Sắc hoa vàng trong nắng

Chưa bao giờ nó thật hạnh phúc như vậy, tết này sẽ là một cái tết mà nó sẽ ghi nhớ suốt đời, nó cảm nhận được tình thương của ba của mẹ của chị dành cho nó là to còn hơn cả bầu trời nữa.

Để có được hạnh phúc gia đình

Để có được hạnh phúc gia đình

Chúng ta có thể vì gia đình mà sẵn sàng đương đầu với những khó khăn, gian nan ngoài kia chỉ mong sao khi về nhà cái chúng ta được nhìn thấy là những nụ cười hồn nhiên và ngây thơ của những đứa con bé bỏng của mình, và được nghe câu nói đầy ấm lòng: "Cha, mẹ đã về".

Hoa xoan ngày ấy

Hoa xoan ngày ấy

Ngày nhỏ trên lưng trâu Tôi ngửi mùi xoan đâu Cánh hoa phủ quanh đầu Một thời trong kí ức.

20 tuổi và những thay đổi

20 tuổi và những thay đổi

Thay đổi không phải là điều gì quá tồi tệ hay đáng sợ, miễn là mình hài lòng và tự tin với nó. Chúc cho những ai đang loay hoay trên hành trình trở thành người lớn giống mình mỗi ngày đều có lí do để tiếp tục tiến về phía trước.

Trăm năm bên nhau

Trăm năm bên nhau

Đôi mắt, tôi đang nhìn về phía trước và đang nhìn mọi người bằng chính đôi mắt trên trang giấy trắng của tôi ngay lúc này.

Niềm vui trọn tim anh

Niềm vui trọn tim anh

Ai cũng khen anh Cường, họ nói đúng là cha nào con nấy, là họ nói đến cái tâm của hai ba con anh Cường. Ba mất rồi giờ đến lượt con cũng mang hết tâm huyết và công sức để cuộc sống được sống thêm ý nghĩa và cuộc đời có thêm nhiều tình người rộng mở hơn.

Bạn đang che giấu cảm xúc?

Bạn đang che giấu cảm xúc?

Có những khoảng thời gian, chỉ cần chạm nhẹ vào kí ức cũng khiến chúng vụn vỡ. Dù có cố lờ đi thế nào thì vết thương trong tim vẫn ở đó, cảm xúc hỗn loạn ấy khiến bản thân rơi xuống khe vực bóng tối.

Ở lại hay ra đi

Ở lại hay ra đi

Ngắm nhìn anh - người thiếu niên em thương Cất lên khúc ca ấy Cùng hào vào mơ mộng em của em

Lời hứa tháng mười (Phần 2)

Lời hứa tháng mười (Phần 2)

Cuộc hẹn chụp ảnh này, Phong cảm thấy có chút mong chờ. Khi bạn được gặp người tạo ra thứ bạn thích, trong bạn đã tồn tại một sự ngưỡng mộ về tài năng con người đó. Phong nghĩ mình nên kết bạn với anh chàng thú vị này.

Yêu “Nhạt

Yêu “Nhạt" nhưng “Lành"

Mình cố gắng nói ít đi, làm nhiều hơn. Kết quả là cách mình trả lời cho câu hỏi “Có yêu không?" Bởi mấy ai chấm điểm quá trình, cái cuối cùng chúng ta quan tâm chẳng phải là đích đến tròn, méo, vuông vức ra sao đúng chứ?

back to top