Ra giêng anh cưới em
2023-04-19 01:20
Tác giả: Quang Nguyễn
blogradio.vn - Anh hai lấy chị Na tin này lan truyền tưng bừng cả xóm nhỏ. Ai nấy tấm tắc ngợi khen “ôi sao, chúng đẹp đôi quá trời”. Cha mẹ tính tháng chạp làm lại cái nhà mới, không còn phải sống trong cái cảnh nhà dột cột xiêu những trận mưa giông để lại. Nhà có thêm người thêm rộn vang tiếng cười. Vậy là ra giêng đến mùa lúa xong cha mẹ sẽ tính chuyện cưới cho anh hai.
***
Sau những ngày mưa tầm tã cơn nắng cũng đã lên. Nắng xuyên qua giàn bí làm óng ánh những bông vàng mới nở. Nắng tràn xuống sân cho khô rốc cái nia thóc của bà. Thế là cơn bão đã đi qua, bão để lại những căn nhà tốc mái và những cành cây đổ ngã nằm xơ xác la liệt ở phía mấy ngõ đường.
Cha vắng nhà mấy ngày giông mưa trước dột sau, mẹ lấy thau hứng nước chẳng yên được giấc nằm. Nội ho sụt sịt ngồi bên bếp lửa sưởi ấm với gương mặt âu lo, mưa lớn cả gia đình đầy nét lo lắng hết đứng rồi lại ngồi. Bé Hà ngồi học bài bên ngọn đèn dầu le lói, trời nháy đỏ sấm sét ùng oàng nó giật mình khóc thét rồi chạy xuống bếp sà vào lòng của bà. Anh hai ngồi đó với cái mặt buồn hiu cứ nhìn trời rồi lắc đầu trong những nỗi sợ hãi.
Mẹ cứ đi xuống đi lên rồi mà thì thầm cầu cho trời mưa tạnh. Cha chưa về, cha còn ở ngoài đồng cắm câu, cả nhà cứ trông như trông cho trời yên mưa tạnh. Quá nửa đêm cơn mưa cũng đã nghỉ, những bụi chuối ở sau hè ngả nghiêng trong tiêu điều tơi tả và xung quanh bốn phía là tiếng ếch nhái rộ lên như bản nhạc giao hưởng mà nghe buồn não nề.
Nước ngập lênh láng làm tôi nhớ lại cái cảnh trận lũ lụt của năm nào đã qua đi từ thuở rất lâu, trong hồi ức là nỗi ám ảnh con nước lớn chẳng trôi khỏi trí nhớ của đứa bé ngây thơ khi mới vừa lên chín giúp cha mẹ dời đồ. Nắng lên rồi, những đàn gà con chạy lon ton trong vườn, chúng gáy vang ở trước cây rơm vàng cùng tiếng chim ríu rít chật chội phía bờ tre. Cha vác cuốc ra đồng, mẹ hái từng bông bí nấu canh. Bé Hà hân hoan đi đến trường. Nội sàng thóc miệng nhai trầu tóm tém. Anh hai cũng đang sửa sang lại mái nhà với tâm trạng phơi phới ngân nga vài câu hát. Mẹ đứng dưới giàn bí mà nói cười cùng bà.
“Công nhận mưa mấy ngày nay cây cối tươi tốt thật. Mấy đọt bí cũng ra xanh mơn, cái này mà hái luộc chấm mắm thì ngon hết sẩy. Để lát con ra chợ mua thêm mắm, vậy là chiều nay khỏi mua đồ ăn”.
“Ừa khỏi mua cá đi con. Đêm qua cha của đám trẻ nó đi cắm câu được cá nhiều lắm, đâu được tầm năm đến sáu con cá lóc to đùng, mình ăn cả ngày luôn còn không hết. Chỉ mua mắm về để chấm rau luộc thôi nghe bây, ngoài ra đừng mua thêm bất cứ gì nữa hết”.
Nội nói xong bà rồi vội vàng quay lưng đi, không quên dặn dò ở đó coi chừng kẻo gà đến ăn thóc. Anh hai từ trên mái nhà nói vọng xuống oang oang.
“Mẹ đi chợ nhớ mua bánh về cho con ăn nhé”.
Kèm với tiếng cười rộn ràng như nửa đùa nửa thật.
“Trời ơi! Mày bao lớn rồi hả hai? Có vợ người ta còn chê già ở đó mà bánh với trái. Nếu có mua thì tao chỉ mua vài cái bánh ít để út Hà đi học về ăn. Còn mày lớn rồi chứ còn nhỏ nhoi gì mà đòi ăn bánh hả con”.
“Con nói chơi vậy mà. Mẹ mua mắm cá lóc nhé con khoái nhất là loại mắm này. Món ruột của con đó”
“Ừa tao nhớ rồi. Còn mày cũng nên nhớ một việc quan trọng dùm tao cái đi thằng hai”?
“Ủa việc gì nữa vậy mẹ! Thì con đang sửa lại mái nhà đây”?
“Không ai nói chuyện đó đâu”
“Vậy chứ là chuyện gì”?
“Đi hỏi vợ chứ còn chuyện gì nữa. Nó còn quan trọng hơn cả cái việc bây sửa lại mái nhà đó”.
“Lại là hỏi vợ! Thôi con không đi đâu”.
“Bây chê bé Thủy, con nhà bà hai Lan sao Hai”? Nè! Người ta là con nhà đàng hoàng, bây mà chịu tới là người ta gả cho ngay thôi. Bên đó họ cũng ưng nhà mình rồi đó”
“Không phải con chê nhưng con chưa muốn lập gia đình ở ngay thời điểm này đâu”
“Cái gì mà chưa muốn nữa, đã hai mươi sáu tuổi rồi. Lấy đi để nội bây còn được uống ly rượu mừng nữa chứ”
“Thôi, mẹ đi chợ đi kẻo hết mắm là không có chiều nay ăn luôn”
“Xứ mắm mà lại sợ hết mắm! Thiệt là cái thằng này. Thôi, tao đi đây”.
Anh hai cười khoái chí vì đã thoát ra được cái đề tài lấy vợ mà mẹ thường đề cập mỗi ngày. Cứ mỗi lần gia đình giục phải đi cưới, anh thường lảng tránh sang chuyện khác hoặc đi khuất mọi người để chẳng còn ai nói đến. Cũng chẳng phải anh không chịu yên bề gia thất để có một mái ấm riêng như bao nhiêu người trai khác so với bạn bè cùng trang lứa trong xóm. Bởi vì anh quá nhút nhát, không chịu làm quen rồi ngỏ ý với bất cứ cô nào.
Mẹ hay nói “trai khôn tìm vợ chợ đông - gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân” muốn có được vợ phải miệng lưỡi và tìm nơi đông người, chứ đàn ông con trai mà cứ nấp trong nhà như con gà mái đẻ thì không ế đông cũng ế đặc suốt đời. Cũng chẳng phải anh chẳng có mối nào để dạm hỏi tiến tới, người ta mai mối không biết bao nhiêu nơi anh vẫn lắc đầu chẳng ưng. Họ cũng thường nói rằng “làm đàn ông con trai thì chớ nên quá kén chọn, kén mãi thành ra bây giờ chẳng có một cô nào để chung chăn chung chiếu. Gia đình chẳng ai biết đối tượng mà anh ưng ý là người như thế nào! Chỉ biết anh chưa từng quen ai ngay cả lúc đi bộ đội rồi ra quân trở về.
Ngày trước gia đình còn tưởng anh quen với chị Na con gái của bác Lý nhà ở bên kia sông. Chị Na đẹp người đẹp nết, ăn nói duyên dáng lại hết sức đảm đang được cha mẹ ưng thuận lắm. Ngày anh hai xa quê lên đường đi nhập ngũ, chị hay sang chơi cùng bé Hà rồi thăm hỏi đủ điều. Nhớ có lần mẹ bị bệnh, đích thân chị lái ghe đưa đến bệnh viện, rồi khi trở về chị sang chăm sóc như mẹ ruột của mình. Chị nấu nồi cháo cá lóc rau đắng nâng niu đút từng muỗng, rồi hái những lá xông để mẹ mau khỏi bệnh. Đến khi mẹ hết bệnh thì chị lại sang dạy cho bé Hà học đến mãi chập tối chị mới về nhà. Gia đình mến chị Na lắm, luôn ước ao nhà có được đứa con dâu như vậy. Có một lần mẹ hỏi chị Na.
“Cháu với thằng Bình quen nhau lâu chưa? Sao bác không nghe thằng Bình nó nói gì hết trơn vậy”.
“Dạ, cháu với anh Bình chỉ là bạn bè bình thường thôi bác. Không phải người yêu gì đâu”.
Chị ấp a ấp úng rồi ngại ngần trả lời.
Nhưng cha mẹ hiểu là do chị ngại nên mới nói thế thôi. Làm gì có chuyện bạn bè bình thường mà sang đây chăm sóc như là dâu trong nhà. Chưa nói đến là con gái mà đến nhà con trai thường xuyên như vậy chẳng phải người ta nói ra nói vào rồi mất duyên con gái đấy hay sao. Mẹ chỉ cười rồi khe khẽ gật đầu.
“Đúng là tuổi trẻ bây giờ cái gì cũng im lặng để cứ để trong bụng. Nhưng cũng phải cho người lớn biết để tính tới chuyện trăm năm. Nói thiệt chứ thằng nhà Bình nhà bác mà cưới được con thì phức đức của tổ tiên ba đời.”
Chị Na chỉ cười rồi quay mặt nơi khác trong nỗi thẹn chín đỏ. Chị cũng tránh né những câu như thế bằng cách đi ra trước sân chơi đùa cùng bé Hà. Thời gian sau này anh hai ra quân trở về thì gia đình mới biết, những gì trước đây chị Na nói là hoàn toàn có thật. Họ chỉ là bạn bè học cùng, hay nói đúng hơn chỉ là bạn thông thường hoàn toàn không liên quan đến tình cảm của trai gái.
Sở dĩ chị Na sang chơi nhà là vì anh hai đã đi xa không còn ai chăm sóc cho mẹ và nội. Cha thì suốt ngày ở mịt tuốt đồng bưng. Nội thì già yếu thường hay ốm đau mỗi khi trái trời trở gió. Bé Hà còn quá nhỏ không biết cách để chăm sóc tốt cho người bệnh. Vì thế nên chị sang đây nhằm thay thế anh hai mà chu toàn mọi việc. Vậy là cha mẹ thêm một phen hụt hẫng cứ tiếc ngắn tiếc dài và giục anh hai phải quen và lấy cho được cái người con gái ấy.
Nhưng tơ duyên là định mệnh của mỗi con người ai sinh ra rồi cũng sẽ có nơi để trao thân gửi phận, chẳng biết đóa hoa nào sẽ về chậu nhà mình. Được một người quen biết với mẹ giới thiệu rằng chị Na con của bác Lý, đã 26 tuổi rồi đến giờ vẫn chưa chịu lấy chồng mặc dù cũng có nhiều đám tới dạm hỏi nhưng cũng chỉ nhận lại từ những cái lắc đầu. Nghe xong mẹ mừng lắm! Ai còn xa lạ chứ người con gái này mẹ rành rẽ từ ngày anh hai đi bộ đội vắng nhà.
Niềm hy vọng của gia đình lại thắp lên như một ngọn lửa sáng rực ở đêm đen thăm thẳm. Mẹ giục anh hai phải sang nhà chị Na, dù gì cũng đã quen biết nhau nên việc tiến tới sẽ hết sức dễ dàng. Riêng anh hai vẫn im lặng và chẳng muốn ai nhắc tới chuyện này và thậm chí lại để ngoài tai hoặc lánh sang chuyện khác. Từ lúc anh hai trở về! Mỗi lần chị Na gặp bé Hà ở ngoài đường chị hay hỏi thăm rằng “anh Bình bây giờ đã có vợ rồi chưa”? Bé Hà mến chị lắm nên việc gì ở trong nhà cũng đều cho chị biết.
Buổi chiều thật yên bình, cha lại về với chiếc cuốc trên vai. Gia đình sum vầy bên mâm cơm ấm cúng. Cha nói với anh hai.
“Lớn rồi nên tìm nơi nào đó ưng ý để lập gia đình cho kịp với người ta. Chẳng lẽ cứ sống mãi thế này sao bây”.
“Tao thấy gái Na con bác ba nhà bên kia sông mà ưng ý quá trời quá đất. Bây mạnh dạn chịu sang đó thăm hỏi nói chuyện, may họ mà đồng ý tao với cha bây sẽ sang đó để cùng người lớn bàn bạc với nhau ngay. Đàn ông con trai mà nhút nhát như thế thì kiếm vợ ở đâu ra”.
Mẹ cũng xúi giục để nối tiếp cho lời cha.
“Chắc con nhà này nó muốn người ta phải đưa kiệu đi rước mới chịu hay sao đó. Mình là đàn ông người chủ động là mình kia mới phải chứ. Đời nào rồi mà cột lại đi tìm trâu”.
“Con thấy chưa đến lúc phải lập gia đình, khi nào con muốn chừng đó sẽ hối cha mẹ, sợ lúc đó sẽ không kịp để chuẩn bị vàng cưới” - anh hai bộc bạch rằng
“Những thứ đó tao đã chuẩn bị từ lúc bây đi bộ đội chưa về nữa kìa. Vì cứ nghĩ bây với con Na hai đứa yêu nhau và xác định cưới nên mới về đây để ra mắt gia đình, nào có ngờ…”
Mẹ bỏ ngang câu nói nhưng trong nhà ai cũng hiểu những câu từ phía sau. Cha thở dài rồi tiếp tục lên tiếng.
“Còn sớm gì nữa mà chưa chịu lập gia đình hả Hai. Đã hai mươi sáu tuổi đời rồi đó con. Bây nhìn đi trong cái xóm này lứa tuổi này người ta con bồng cháu bế hết rồi, không phải là một mà là hai đến ba con. Ngày xưa tao lấy mẹ bây là chỉ có 19 tuổi thôi đó con, cũng hạnh phúc êm ấm cho tới tận bây giờ”.
“Trễ lắm rồi chứ sớm gì nữa. Lo mà sang nhà bác Lý, thấy cái điệu bộ gái Na nó cũng ưng rồi đó, chỉ cần bây hé răng ra nói, ai giết, ai xé xác ai ăn thịt, tao với cha bây chịu cho”.
Nội im lặng nãy giờ để theo dõi cách phản ứng của anh hai. Bây giờ bà mới bắt đầu lên tiếng.
“Bà hay bệnh tật, sống được ngày nào hay ngày đó, chẳng biết ngày mai sẽ như thế nào. Bây giờ bà còn thì cháu cố gắng mà lấy vợ để bà tận mắt thấy và tận miệng uống ly rượu mừng để sau này yên xuôi mà nhắm mắt cũng thấy vui chẳng còn lưu luyến gì”
“Nhưng sao phải bắt buộc là con Na nhà bác Lý bên sông. Bộ người khác không được hay sao” - anh hai nói thẳng thắn
“Vì nó đã quen biết với bây rồi nên mọi chuyện cũng sẽ dễ dàng hơn. Huống gì gia đình đã biết tính nết của nó. Phải công nhận con nhỏ xinh đẹp, nết na thùy mị, ăn nói duyên dáng, lại có nghề thợ may, nghe đâu có nhiều nhà đến dạm hỏi mà nó chưa chịu đó con”. - Mẹ giải thích và không quên khen chị Na như một thói quen mỗi khi ngồi nhắc tới.
“Thì mẹ cha cũng thấy rồi đó! Nó không chịu bao nhiêu mối rồi thì con cũng vậy thôi chứ khác gì đâu”.
“Bây chưa thử thì sao biết nó không chịu. Cứ tới nhà người ta thăm hỏi rồi mạnh dạn nói chuyện rồi đi vào vấn đề chính, người ta đồng ý thì mình mừng, còn không được thì cũng đâu có sao đâu bây, mất mát cái gì, sợ cái gì bây. Trai lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng đó là chuyện hiển nhiên hết sức bình thường kia mà”.
Cha nói rồi gắp một đũa rau bí luộc chấm mắm bỏ vào trong chén vừa ăn vừa khen ngon.
Bé Hà hí hửng đưa mắt nhìn anh hai rồi nói cùng với nội.
“Con không chịu người khác làm chị dâu đâu. Con chỉ chịu chị Na mà thôi”.
“Con thì biết cái gì về chuyện của người lớn mà chịu với không. Út muốn có em bé để chăm đúng không? Vậy thì kêu anh hai sớm lấy chị Na đi rồi nhà mình sẽ có em bé. Út sẽ được lên chức cô. Mà không phải cô tầm thường đâu nghen, “cô Út” lận đó”. - Cha nói vui với bé Hà như thế.
Bé Hà khoái chí cười híp mắt nghiêng ngả từ câu nói của cha. Rồi cha kể về ngày xưa cha quen với mẹ và đi hỏi cưới như thế nào. “Hồi đó nhà ông bà ngoại lễ giáo lắm, con gái thì không được đứng gần cười đùa thân thiết với con trai chung xóm. Cha chăn trâu trên đất ruộng của ông ngoại, mẹ là người làm ruộng từ thuở bé nên suốt ngày chỉ gắn bó với cánh đồng.
Những lần đi chăn trâu khát khô họng, cha hay ghé lại xin chút nước mẹ mang theo để uống rồi dần dần quen biết sinh tình cảm lúc nào chẳng ai hay. Cái mùa lúa chín năm ấy cha giúp mẹ để gánh lúa về nhà! Lúc đang chuẩn bị trở về cha nắm tay của mẹ bị người ta nhìn thấy rồi về nói lại với nội. Bà sắm mâm cau trầu nhờ người mai mối và được ngoại đồng ý gả thế là đã nên duyên vợ chồng cho tới ngày hôm nay”.
Câu chuyện kết thúc mọi người cười nghiêng ngả! Bà nói thêm những kỷ niệm xa lắc từ hồi mẹ mới về làm dâu, và so sánh rằng cái tánh của con Na thiệt chu toàn đảm đang giống hệt như là mẹ. Thế cho nên ai cũng ưng thuận kể cả bà. Nội nói thêm rằng “có được những con dâu như thế đốt đuốc tìm không ra, nó còn quý hơn cả tài sản lớn lao, sống sao cho thuận hòa biết trước biết sau, cùng chung một dĩa muối chấm gừng. Đó mới là lẽ phải đã có từ bao đời”.
Anh hai cười, nụ cười thật bí ẩn. Nó bí ẩn như chính tánh tình của anh. Cho tới bây giờ gia đình chưa ai biết anh đã từng có trải qua một mối tình nào chưa? Vì có bao giờ nghe anh nhắc tới hay dẫn về nhà để ra mắt họ hàng. Anh cũng rất ít khi đi chơi.
“Vậy để ngày mai con sẽ qua sông để thăm nhà bác Lý”.
Mẹ nghe xong mừng rỡ, gương mặt ai nấy đều tươi tắn hiện rõ. Mẹ phải dặn thêm.
“Phải thật mạnh dạn lên để nói chuyện, nói sao mà cho họ đồng ý là bây đã quá thành công rồi. Rủi mới sang mà anh chị Lý có hỏi đi đâu thì bây cứ nói cháu sang để đi may áo, cần thiết ngày mai tao ra chợ mua cho vài thước vải để lấy đó làm cớ cho dễ dàng ăn nói”.
“Thôi con không cần đâu! Gia đình bác Lý kêu con sang chơi mà! Trước sau gì thì cha mẹ cũng sẽ sang bên đó cùng con thôi”.
“Ủa, là anh chị bảo mình sang đó chơi ư”?.
“Dạ đúng rồi đó cha”.
“Là sao bà? Thằng này nó làm tôi hoang mang quá đỗi, chẳng hiểu được cái gì cả”?
“Tôi cũng như ông thôi! Bây có yêu đương gì với con gái của người ta mà họ lại mời mình sang chơi”.
“Có chứ mẹ, nếu không thì ai mời sang để làm gì”
“Mà yêu bao giờ, sao cả nhà không ai biết hết vậy bây”.
“Trước ba tháng con đi bộ đội”.
“Ủa rồi gái Na nó nói cho gia đình nó biết hả bây”?
“Na không có nói, nhưng bác Lý vẫn biết”.
“Không nói mà sao lại biết?”.
“Thì cũng giống như câu chuyện của cha mới kể. Người ta thấy Na đến nhà mình rồi đồn nhau đến cả tai của bác Lý”.
“Vậy mà cả nhà chẳng ai biết gì hết, ngay từ lúc mới quen sao không nói để cha mẹ biết để mừng”.
“Nếu nói thì cha mẹ biết người ta như thế nào mà mừng, phải cho cha mẹ trực tiếp tiếp xúc và gặp mặt đã chứ”.
“Thằng này đúng là…”
Cả nhà cười trong nỗi vui mừng khôn xiết. Hóa ra chị Na cũng chịu lấy chồng là còn chờ đợi anh hai đi bộ đội trở về! Anh hai cũng từ chối hết mối này đến mối khác vì đã từ lâu có chị Na nhưng chẳng cho ai biết. Hèn gì cái ngày anh hai đi bộ đội, cái ngọn đèn nhỏ bên sông nhà của chị Na sáng mãi không chịu tắt.
Anh hai cũng chẳng chịu mở tiệc để chiêu đãi bạn bè trước lúc bước lên đường nhập ngũ. Anh chỉ nói ngắn gọn với cha mẹ đãi làm gì cho rình rang tốn kém, thôi thì cứ để anh đi chia tay cùng những người bạn.
Thế là đêm đó anh đạp xe đi để tạm biệt chị Na và hứa hẹn trở về bằng một cái đám cưới. Ngày họ chia tay nhau cái không gian nơi này sao hiu hắt quá đỗi. Chị Na nhớ thương nên thường xuyên biên thư để gửi đến cho anh hai. Chị cũng lo sợ anh sẽ đi cưới người con gái khác nên thường hỏi bé Hà về tình hình của anh giờ thế nào. Chiếc áo cô dâu và chú rể chị tự may lấy sẵn trong mấy năm chờ đợi, nay cũng đã sắp được mặc lên trong ngày trọng đại hạnh phúc của riêng mình. Những thứ sính lễ cưới hỏi mà cha mẹ đã chuẩn bị trước đó cho anh hai đến nay chẳng gọi là muộn màng.
Anh hai lấy chị Na tin này lan truyền tưng bừng cả xóm nhỏ. Ai nấy tấm tắc ngợi khen “ôi sao, chúng đẹp đôi quá trời”. Cha mẹ tính tháng chạp làm lại cái nhà mới, không còn phải sống trong cái cảnh nhà dột cột xiêu những trận mưa giông để lại. Nhà có thêm người thêm rộn vang tiếng cười. Vậy là ra giêng đến mùa lúa xong cha mẹ sẽ tính chuyện cưới cho anh hai.
© Quang Nguyễn - blogradio.vn
Xem thêm: Mình Yêu Nhau Đi, Anh Không Muốn Làm Bạn Em Nữa
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Tình yêu là chữa lành vết thương
Tình yêu không cần phải được biểu hiện qua những món quà hay những lời hứa hẹn, mà đơn giản chỉ là sự hiện diện, là sự thấu hiểu và sẵn lòng chia sẻ với nhau.
Ấm áp trà gừng
Bố gật gù khen hương vị trà gừng mẹ làm rất đặc biệt. Mà không phải mình bố cảm nhận như thế, cả ông bà nội, cả mấy chị em tôi đều cảm nhận rõ điều này. Đằng sau hương vị thơm ngon của trà gừng chính là sự quan tâm, yêu thương vô bờ của mẹ.
Vết sẹo trong tim
Em cứ nghĩ sau tất cả những chuyện đã xảy ra thì anh sẽ vì em mà thay đổi và càng yêu em hơn. Nhưng không, anh đã bỏ mặc em để vui bên người khác. Lúc ấy, chỉ có ba mẹ em ở bên cạnh em và em biết thật sự em đã sai khi yêu lầm người.
Hương biển
Anh nghe hương biển cứ thoang thoảng nhẹ nhàng trong gió, hương biển có mùi cá có mùi vị nồng nồng da diết có cả mùi nước mắm thơm thơm đậm đà ở ngôi làng gần đây bay đến.
Những con người trong nắng
Người ta rong chơi trên bao khắp con đường Chỉ có họ cứ lặng thầm trong nắng Chỉ có họ cứ miệt mài mải miết Kiếm tìm hoài những hạnh phúc gần xa
Ngửa đầu trông trăng, thấy trăng tròn vành vạnh
Thế mà, lúc ngẩng đầu lên, ánh mắt ta chạm phải ánh mắt nàng. Ta tưởng như thời gian ngừng trôi và cả thế giới hoàn toàn biến mất, chỉ còn ta và nàng. Không gian chìm trong sắc vàng đỏ, trở nên huyền ảo, vừa như thực lại vừa như mơ.
Giữa những câu chuyện đời
Khi ta trải qua những khó khăn, mất mát hay thành công, niềm hạnh phúc, ta thường nghĩ chúng là duy nhất. Nhưng kỳ thực, trong nhiều câu chuyện khác, những gì ta trải qua lại có thể phản chiếu một phần câu chuyện của người khác.
Sài Gòn ưu tư
Sài Gòn không thấy được nhiều sao như biển cát Không tìm được chỗ riêng tư để thả mình Không lắng nghe được đồng xanh ca tiếng hát Không có người tựa lên gối lặng thinh.
Cái tên
Tôi không biết Mai và Cường đã có cảm giác gì trong khi chịu đau đớn thể xác, nước mắt vốn dĩ để thể hiện sự đau đớn, và buồn tủi đó, liệu hai đứa nhóc đó đã cạn chưa. Tôi không hiểu, người ta chiến đấu không phải vì chiến thắng, họ chiến đấu vì khoảnh khắc họ cần sống.
Chuyện tình của cây
Nhưng cuối cùng, em nhận ra, mình chẳng thể trách, giận và ghét ai cả, bởi đó là Quy Luật của Cuộc Sống. Chúng ta không nên sống vì quá khứ, mà bỏ đi bao điều tốt đẹp do tương lai mang tới, phải không anh?