Phát thanh xúc cảm của bạn !

Nơi quê nhà mùa nước lũ

2016-09-23 01:16

Tác giả:


blogradio.vn - Ông nghĩ ngày các con trưởng thành ông sẽ chẳng thèm làm gì sất, đám con sẽ thay nhau lo cho ông bà. Rồi ông sẽ có một cuộc sống nhàn hạ. Chỉ còn vài năm nữa thôi, cũng không lâu lắm. Ông chẳng để ý gì đến cuộc đời của mình đã sang tuổi xế chiều từ lâu.

***

Ông Bốn ngồi vân vê hàm râu lóm đóm bạc ngắm nhìn lũ vịt đang lội bì bõm dưới hồ, mái tóc hoa râm phất phơ trước làn gió nhẹ. Hai ngày rồi gió nam thổi về liên tục khiến không khí oi bức. Mỗi ngày chỉ vào buổi sáng sớm và chiều tối ông mới dám ra vườn ngồi ngắm lũ vịt. Căn bệnh huyết áp mấy năm nay khiến ông không dám đương đầu với nắng mưa như thời trai trẻ. Mấy đứa con ông lúc nào về hoặc gọi điện đều nhắc cha ăn uống sinh hoạt điều độ. Chúng còn bảo ông bán lũ vịt đi cho khỏi vất vả nhưng ông không nghe. Nuôi vịt đã là kế sinh nhai của ông từ hơn mười năm nay. Từ khi hợp tác xã làm ăn sa sút, ông nghỉ làm cán bộ hợp tác xã và trở về làm ruộng. Khi ấy đám con của ông còn nhỏ, đứa nào cũng cần cái ăn cái học. Mấy sở ruộng lúa làm không đủ lo cho con nên ông đã tìm đến nghề nuôi vịt từ lúc đó. Mỗi vụ mùa thu hoạch lúa xong ông để dành phần thóc ăn, phần còn lại ông dồn hết cho chăn nuôi. Nhiều năm ông còn mua thêm vài chục tấn thóc mới đủ nuôi lũ vịt. Nuôi vịt khổ thì khổ thật, nhưng có đồng ra đồng vào, lợi nhuận cũng đủ chi tiêu cho gia đình. Rồi từng đứa con ông lớn dần.

Ông cảm thấy tự hào mỗi khi đi họp thôn hay họp mặt bạn bè, người ta nhắc đến tên ông như một tấm gương điển hình trong việc nuôi con ăn học. Cả cái xã này có mấy ai làm nông như ông mà cho cả ba đứa con đi đại học. Thằng Út năm nay học cùng lúc hai trường đại học, con chị nó thì đang học thạc sĩ. Người ta xì xầm chắc ông có của chìm từ thời Mỹ Ngụy nên mới nuôi nổi đám con, nhưng giờ họ lại cho rằng ông nuôi vịt trúng lớn nên đổ xô đi nuôi vịt. Thật ra khi làm rồi họ mới biết chăn nuôi cũng có lúc lời có lúc lỗ như những ngành khác. Mấy năm nay dịch cúm gia cầm cứ hoành hành làm cho ngành chăn nuôi trì trệ, có năm ông Bốn lỗ vài ba chục triệu, rồi mang nợ nần. Nhưng ông không buồn lo vì khoản nợ ấy lắm. Vài ba chục triệu thì có nhằm nhò gì so với số tiền ông nuôi bọn trẻ học đại học. Ông cười xòa – Rồi đến khi thằng út con ông học xong hai bằng đại học nó sẽ kiếm tiền như rác, lo gì chuyện không trả nổi số nợ ấy.

Ông lại vân vê hàm râu lóm đóm bạc nhìn lũ vịt cứ lặn ngụp trong hồ nước nhân tạo. Cái hồ ông xây bằng xi măng, mỗi ngày đều thay nước hai lần nên lúc nào cũng trong vắt. Mấy bầy vịt gần đây ông đều nuôi theo kiểu công nghiệp nên chúng chẳng biết cảm giác lặn ngụp kiếm ăn trong hồ nước mà dưới đáy toàn bùn đen. Vịt nuôi bằng thực phẩm công nghiệp phải sống trong môi trường thật sạch sẽ để khỏi bệnh – điều này ông học được từ những quyển sách khuyến nông, sách hướng dẫn kĩ thuật chăn nuôi của các tổ chức khuyến nông, các công ty cung cấp thức ăn gia súc, gia cầm.

 Nơi quê nhà mùa nước lũ

Giờ chỉ còn không tới một tháng nữa lũ vịt này sẽ cho trứng. Rồi bà Bốn sẽ rất thích cái cảm giác đếm tiền mỗi buổi chợ phiên – Ông Bốn nghĩ thầm - Đàn bà thì muôn đời vẫn là đàn bà, không chịu nổi một ngày thiếu tiền, dù đồng tiền chỉ là đi ngang qua tay bà ấy cũng thấy vui rồi.

Đang lúc ông Bốn nghĩ về người vợ đã sắp lục tuần của mình thì có tiếng xe máy vào sân. Đứa con gái lớn của ông đi làm về. Ông đứng dậy rảo bước vào nhà. Con bé lớn của ông giờ đã là cô giáo, lúc nào nó đi về cũng ăn vận tươm tất. Nó luôn có cách sống mẫu mực để làm gương cho học sinh. Có điều ông không hiểu là tại sao mãi mà nó không chịu lấy chồng. Hai tám tuổi – cái tuổi mà ngày xưa ông và bà có cả đàn con – vậy mà nó vẫn đi về một mình. Ông bà ngày nào cũng mong con gái đi lấy chồng hoặc có người yêu để ông hy vọng, nhưng hôm nào nó về nhà cũng chỉ một mình. Vừa về đến cửa là nó hét toáng lên như một đứa trẻ:

- Bố ơi, mẹ ơi, con gái về rồi nè!

Nó la lớn cứ như sợ không ai nghe thấy.

- Có gì cho ba không mà kêu lớn thế con gái? – Ông Bốn hỏi con.

- He he… Không có gì. Mẹ con đâu Ba?

- Mẹ con về thăm ngoại rồi. Cơm nấu rồi đó, con đói thì ăn đi.

- Dạ, cứ đợi mẹ về ăn luôn thể.

Nói rồi cô lẳng lặng vào phòng.

“Hôm nay con bé có vẻ không vui hay sao ấy? Nó vào phòng là chẳng thèm nói vọng ra như mọi ngày” – Ông Bốn nghĩ bụng nhưng vì muốn để con yên tĩnh nên không hỏi gì chỉ lẳng lặng ra vườn với lũ vịt.

Mấy ngày sau, cô con gái không còn đi về nữa, nó ở hẳn nhà chị, nó gọi điện về báo là ở cơ quan có lắm việc nên không tiện đi đi về về mất thời gian. Nó không về, căn nhà trở nên trống vắng quá. Căn phòng của nó im lìm một cách lạ lùng. Không có ai cho cái máy vi tính chạy vo vo, cho cái loa hát inh ỏi nữa. Tự nhiên ông Bốn thấy đám con của ông giờ cũng thành ít ỏi quá. Chẳng còn đứa nào ở nhà, đi ra đi vào cũng chỉ có ông với bà. Sinh một con hay sinh cả đám con thì khi về già cũng vẫn một mình. Ông nghĩ xem khi các con ông lập gia đình hết ông sẽ sống với đứa nào? Ông thích sông với cô giáo Đào – con ông vì tính nó chu đáo, nhưng ông ngại phong tục ông bà để lại – phải ở với con trai. Không biết sau này ông ở với đứa nào trong ba đứa con trai ấy. Mỗi đứa một tính cách, nhưng con trai thường hời hợt chuyện chăm lo gia đình. Thôi, cứ để khi nào ông không còn làm nổi nữa hẳn hay!

Giờ thì ông vẫn phải làm để nuôi thằng Út. Mấy đứa lớn đều có gia đình riêng, làm ăn cũng chẳng dư giả gì nên không giúp được ông trong chuyện nuôi thằng Út. Còn con Đào là giáo viên nông thôn lương ba cọc ba đồng cũng không thể cậy vào nó. Ông phải ráng nuôi vịt thêm ba năm, rồi ông sẽ nghỉ ngơi. Ông Bốn ngày ngày cứ ra ra vào vào với lũ vịt và nhắc mình như thế.

Trưa ngày thứ ba cô Đào gọi điện thoại về nhà gặp mẹ.

- Mẹ ơi! Có ba ở nhà không?

- Ba con đi mua thuốc cho vịt rồi. Có chuyện gì không?

- Trên mình có ai cho vay tiền không, con cần một số tiền lớn, vài ngày con trả lại liền.

- Bao nhiêu hả con? Chi vậy con?

- Khoảng hai mươi triệu. Mẹ nói ba hỏi xem có vay được không, nếu có mẹ gọi điện thoại cho con về lấy. Con có chuyện cần gấp, vài ngày con trả lại liền.

 Nơi quê nhà mùa nước lũ

Khi cô Đào tắt máy, bà Bốn bắt đầu suy nghĩ không biết con bé làm gì mà cần nhiều tiền thế. Bà lo con gặp chuyện, nhưng bà vẫn tin tưởng con tuyệt đối. Đợi ông Bốn về bà bảo ông đi hỏi vay tiền ngay. Số tiền đó đối với nhà khác thì chẳng có gì quan trọng, nhưng đối với gia đình nghèo như ông bà là cả một gia tài. Đi vay gấp vậy thì phải vay nặng lãi, nhưng con bé bảo chỉ vài ngày trả nên bà cũng an tâm phần nào. Đến chiều khi bà gọi điện, cô Đào về lấy tiền, bà gạn hỏi việc dùng tiền thì cô Đào chỉ lơ mơ là dùng để “làm ăn” gì đó. Cô bảo mẹ hãy chờ một thời gian cô làm xong rồi sẽ nói bà nghe. Bà Bốn chỉ còn nước chờ đợi chứ đừng mong moi được gì từ con bé một khi nó không chịu nói. Bà đứng nhìn con gái cười tươi đếm tiền rồi cho vào túi xách rời khỏi nhà.

Đúng hai ngày sau cô Đào về đưa tiền cho bố đi trả. Mấy cọc tiền thẳng tắp giúp bà Bốn nhận ra là tiền rút từ ngân hàng.

- Tiền con rút qua ngân hàng hay sao?

- Dạ.

- Con làm gì mà thu tiền nhanh vậy?

- Con cho người ta vay để lấy chênh lệch. Con chuyển qua ngân hàng rồi họ cũng chuyển trả qua ngân hàng.

- Lời nhiều không con?

- Không nhiều. Vậy nên con thu lại gấp, vì tiền mình vay nóng sợ rủi ro chứ tiền của mình thì để lâu lâu cũng không sao.

Bà nhìn cô Đào rút ra từ cọc tiền khoảng vài triệu cất vào túi trước khi đưa phần còn lại cho bố đi trả nợ. Bà nghĩ chắc con gái tìm được cách làm ăn tốt, con nhỏ thông minh nhanh nhẹn vậy thì chẳng bao giờ chịu sống khổ.

- Đợi mai mốt ngân hàng Chính sách xã hội cho vay lãi xuất thấp mẹ sẽ vay giúp con vài chục triệu để làm vốn – Bà Bốn tươi cười với con.

- Mẹ à, vay làm gì cho mang nợ. Con thấy càng vay càng mang nợ thôi vì có nhiều tiền thường lãng phí. Thà rằng mình tự tích góp còn hơn.

- Ừ, nhưng con không có vốn thì sao làm ăn?

- Khi nào cần con sẽ vay. Mẹ không phải lo.

Nói chuyện với bà một lúc, cô Đào lại đi. Cái nhà lại trống vắng. Mấy ngày nay các con của bà cứ đi đi về về không đứa nào chịu ở được một buổi. Con Đào giờ chưa có gia đình mà vẫn không chịu ở nhà thì sau này nó lấy chồng chắc rất ít khi về. Ông bà chỉ còn con Đào là năng ở nhà nhất mà giờ cũng thế. Bà cảm thấy buồn, nhưng thấy con bé làm ăn được bà lại vui. Cứ để cho nó kiếm tiền, chẳng bao giờ nó quên lo cho ba mẹ cả. Con nhỏ mà giàu có chắc ông bà sẽ sống sung sướng? Bà vừa nghĩ vừa lẳng lặng ra bếp nấu cơm chiều.

Cô Đào trở về căn phòng nhà anh chị, ngã lưng xuống chiếc nệm êm ái. Vậy là mọi chuyện đã giải quyết được phân nửa. Phần còn lại là phải lo làm trả nợ. Mấy ngày qua chạy đôn đáo khắp nơi để vay tiền, rồi lại lo làm thủ tục vay ngân hàng để giải quyết các khoản vay nóng khiến cho sức lực của cô sắp cạn kiệt. Chuyện trả nợ cô sẽ trả dần trong năm năm tới, giờ cô tự cho phép mình nghỉ ngơi. Cô lim dim mắt cảm nhận từng sợi cơ duỗi ra nhẹ nhàng, các khớp xương như rơi vào trạng thái không trọng lượng. Cô cố gắng tìm kiếm một giấc ngủ sâu để lấy lại sức.

 Nơi quê nhà mùa nước lũ

- Chưa ăn cơm mà ngủ sao cô giáo? – Chị hai đứng ngay giữa cửa phòng nói vọng vào.

- Dạ, lát nữa em ăn sau cũng được. Em buồn ngủ quá!

- Ừ, mấy bữa nay thấy cô đi suốt nên mặt mũi tệ quá. Da mặt cô xấu hơn trước nhiều. Cô nên nghỉ ngơi nhiều vào .

Chị hai nói rồi lẳng lặng bước ra, khép nhẹ cánh cửa cho Đào ngủ. Không gian trở nên tĩnh mịch khiến cho lòng người tự do lang thang nơi thế giới của suy nghĩ. Đào nhẩm tính đến việc trả nợ và tuổi thanh xuân của cô. Vừa rồi câu nói của chị hai khiến cô nghĩ đến tuổi tác của mình. Năm năm sau cô đã là bà cô ba ba tuổi – con số đó khiến cô khẽ rùng mình. Mấy ngày nay cô ra ngoài suốt ngày, mặt mũi lúc nào cũng trang điểm cẩn thận nên mọi người không nhận ra vẻ tìu tụy của cô. Cô ngồi dậy ra phòng sau rửa mặt. Cô muốn kiểm tra lại nhan sắc của mình. Ngồi trước gương soi cô mới thấy da mặt của mình trở nên tệ hại. Mụn nổi đầy trán. Gò má sần sùi nốt đỏ. Mí mắt dưới thâm quầng vì thiếu ngủ. Đúng là một nhan sắc tàn tạ. “Mình phải cố gắng mới được” – cô tự động viên mình trong khi bôi một lượng kem trị mụn lên da mặt.

Rồi cái mùa hè nặng nhọc đó cũng trôi qua, mùa thu lặng lẽ trở mình với những chiếc lá rơi và một phần tương lai của hai cuộc đời tuổi trẻ nhuốm màu vàng úa. Ông Bốn vẫn ngày ngày chăm sóc đàn vịt và hàng tháng đưa tiền cho cô Đào gửi vào tài khoản cho thằng Út ăn học. Ông vẫn chưa hay biết những chuyện đã xảy ra với con ông. Vụ hè thu lúa lại trúng lớn, giống lúa lai R1 mấy vụ liền đều có năng suất cao. Ông nhìn cái kho đầy ắp lúa cảm thấy phần thưởng dành cho sự vất vả của cả mùa vụ không đến nỗi nào. Chỉ tiếc một điều là giống lúa R1 cho gạo không ngon bằng một số giống khác. Nhưng ông cần nhiều thóc cho lũ lợn và gà vịt hơn là để ăn. “Mình sẽ bảo bà ấy mua ít lúa giống khác để ăn, có khó gì đâu?” – Ông tự bảo. Dạo này ông cảm thấy sức khỏe khá hơn nhiều và cuộc sống thật nhẹ nhàng. Ông nghĩ ngày các con trưởng thành ông sẽ chẳng thèm làm gì sất, đám con sẽ thay nhau lo cho ông bà. Rồi ông sẽ có một cuộc sống nhàn hạ. Chỉ còn vài năm nữa thôi, cũng không lâu lắm. Ông Bốn chẳng để ý gì đến cuộc đời của mình đã sang tuổi xế chiều từ lâu. Ông cũng chẳng ngờ cuộc đời còn nhiều nỗi thống khổ đang chờ ông!

Mùa đông tới với những cơn mưa đầu mùa nặng hạt. Ông Bốn lo lắng cho bầy vịt vào mùa mưa bão. Chúng đang đẻ nhiều trứng, mưa lụt thì thế nào cũng sẽ đẻ ít đi. Mất ngày ông mặc áo mưa che cho chúng một mái lều trên một khu gò đất gần nhà để khi nước lớn ông lùa chúng lên đó lánh nạn.

…Khi những cơn mưa dầm dề như trút cơn giận của bầu trời vào lòng đất và những sinh linh trên trần thế vẫn chưa tạo thành lũ lụt thì ông Bốn làm xong cái trại vịt. Vậy là những ngày sau ông có thể ngồi nhà nhìn đàn vịt, chờ đợi mùa nước lớn. Ông ghét cái lũ lụt của miền Trung bỡi sự tàn khốc và cái nghèo do chúng mang lại. Nhưng dù ông có ghét hay không thì năm nào chúng cũng ghé thăm, vậy nên ông cảm thấy khôn ngoan nhất là không nên than vãn mà hãy chuẩn bị mọi thứ để giảm thiệt hại đến mức thấp nhất. Ông chỉ có mỗi bầy vịt là phải lo, vì ruộng lúa mỗi năm làm có hai vụ nên đã gặt sớm. Cái kho lúa được ông sắp xếp chu đáo, đảm bảo lụt sẽ không làm ướt.

Một buổi chiều tạnh mưa ông sang chơi nhà chú Năm về thì nghe bà Bốn báo tin thằng Út gọi điện báo đang đau nặng, đòi ông vô thăm nuôi. Bà còn nói thằng Út đòi ba vào thành phố chứ không phải mẹ. Vậy nên ông phải sắp xếp công việc mai đi ngay. Trước khi đi ông gọi điện báo với cô Đào để cô về ở với mẹ vài bữa.

Chiều hôm sau cô Đào cùng vợ chồng thằng Hai về lúc ông đã khăn gói chỉnh tề. Ông đang chờ Đào về chở ông ra bến xe, giờ có cả ba đứa đưa tiễn thì thật vui. Ông đang căn vặn bà Bốn và cô Đào cách chăm sóc đàn vịt để chúng khỏe và đẻ nhiều trứng thì chị Hai lên tiếng.

- Có chuyện của thằng Út mà lâu nay chúng con giấu ba. Nhưng hôm nay nó gọi ba vô Sài Gòn nên giờ mấy đứa con phải nói cho ba nghe. – chị Hai bắt đầu thăm dò qua một lượt phản ứng của hai ông bà. Mấy anh chị từ khi được cô Đào kể nghe chuyện thằng Út và khoảng nợ đến nay không dám hé răng cho ba mẹ nghe vì ngại căn bệnh huyết áp của ông và bệnh yếu tim của bà. Nhưng giờ thấy không thể giấu được, nên mấy anh chị em quyết định nói cho ông bà Bốn biết tất cả trước khi ông Bốn đi thành phố.

- Ba mẹ phải thật bình tĩnh nghe con nói – chị Hai trấn tĩnh ông bà Bốn bỡi chị biết điều chị nói ra rất có thể khiến ông bà không sống nổi – Thằng Út chơi cá độ bóng đá, nhiều lần rồi, thua hơn năm chục triệu. Lần đầu một mình cô Đào biết, khoảng ba tháng trước. Mấy lần sau chúng con biết nhưng nó hứa là sẽ bỏ nên chúng con giấu ba mẹ vì sợ ba mẹ bệnh. Giờ nó gọi ba vào, chúng con lo nó lại tái phạm. Lần này nếu nó lại xin tiền trả nợ thì ba phải nhất quyết không cho vì mình nợ nhiều quá rồi. Phải để nó chịu khổ, để nó bị bọn xã hội đen uy hiếp một thời gian và tỉnh ra đã. Nếu mình lại trả nợ thay nó thế nào nó cũng tái phạm.

Trong khi chị Hai kể câu chuyện về thằng em út chị không quên thỉnh thoảng dừng lại trấn an cha mẹ.

Ông Bốn không còn tin nổi vào tai mình. Mắt ông hoa lên, tai ù đi như vừa nghe thấy tiếng bom nổ thời chiến tranh bên cạnh. Không ngờ thằng Út con ông lại trở thành một tay cá độ. Nó bỏ bê học hành chỉ lo chơi bời. Ông không hiểu tại sao mình sống cả đời phúc đức mà lại sinh ra một thằng con hư đốn như thế. Nó làm thế là làm mất danh dự của ông và cái nhà này. Máu như chạy ngược lên mặt trước khi ông kịp bình tĩnh lại. Dẫu sao ông chỉ còn thằng Út là phải dạy bảo, ông nhất định phải kiên cường để dạy nó nên người. Ông tự nhủ mình phải cố gắng làm gương cho bọn trẻ, đối mặt với chuyện gì cũng cần nhất là sự bình tĩnh. Ông cố gắng hít thật sâu cái không khí ngột ngạt vào lồng ngực để tìm lại sự tỉnh táo.

Đào quan sát cha mẹ từng cử chỉ để có thể chen vào khi cần thiết. Cô không ngờ sức chịu đựng của ông Bốn khá hơn cô tưởng. Trước đây cô chỉ sợ bệnh huyết áp của ông tái phát thì khó có thể lường được nguy hiểm. Cô đã nghe nhiều bệnh nhân huyết áp khi bị kích thích mạnh có thể đột quỵ dẫn đến tử vong hoặc tê liệt vĩnh viễn. Rồi giây phút lo lắng của mấy anh chị em cũng trôi qua khi mặt ông Bốn chuyển từ màu đỏ máu sang hồng hào. Bà Bốn vẫn ngồi trên võng không nói tiếng nào, có lẽ bà cũng đang cố gắng bình tĩnh cho ông Bốn yên tâm, bà sợ khi bà tỏ vẻ lo lắng ông sẽ bị tăng huyết áp.

Anh Hai ngồi yên lặng lắng nghe, thỉnh thoảng mới bổ sung vài chi tiết cho câu chuyện của chị Hai bớt gây sốc.

… Rồi ông Bốn đi Thành Phố mang trên vai là gánh nặng cuộc đời. Thỉnh thoảng xe dừng lại cho khách ăn uống hoặc làm vệ sinh, ông lại gọi điện thoại về cho bà biết hành trình của mình. Chốc chốc mấy đứa con gọi vào điện thoại cầm tay của ông để hỏi han tình hình. Chúng lo ông mệt, không chịu nổi chuyến xe đường dài, nhưng ông thì biết mình đủ khỏe để vật chết thằng Út nếu có nó ngay bên cạnh.

Khi vào đến thành phố, gặp thằng Út rồi, ông không còn thấy giận nó như trước. Dẫu thế nào nó vẫn là con ông, ông phải có trách nhiệm nuôi dạy đến khi nó trưởng thành. Từ trước đến giờ ông đã quá chủ quan khi tin rằng thằng Út con ông là đứa khôn ngoan, nhưng giờ ông biết nó vẫn là một đứa ngu dại. Ông chọn những lời lẽ thật khéo léo nói với thằng Út, để nó tỉnh ra. Nó phải ý thức được cái nghèo của gia đình và nỗi khổ của cha mẹ và anh chị vì số nợ mà nó gây ra. Phải khiến cho nó ăn năn, hối lỗi.

Trong khi ông Bốn nói với thằng Út hết nhẽ thì nó tỏ ra khá hiểu biết. Nó nhận ra cái sai mà nó đã làm và hứa sẽ không tái phạm. Nhưng lần này ông Bốn phải giúp nó chuộc lại cái xe máy nếu không nó không có phương tiện đi học.

Ông Bốn trở về quê với món nợ mà ông sắp vay để cho nó, ông thuật lại sự việc với gia đình và không quên bảo mọi người là ông tin nó đã tỉnh. Vậy là ông có thêm món nợ làm lớn thêm khoản nợ cho gia đình. Ông chỉ cầu nguyện cho thằng Út quên đi chuyện cá độ mà học hành chăm chỉ!

Nửa tháng sau, thằng Út lại thua cá độ bóng đá, nó cũng bỏ bê việc học luôn. Lần này thì quá sức chịu đựng, ông Bốn nhận thấy sau mọi chuyện thì ông bà và các con ông đều khổ trừ thằng Út. “Nó phải chịu trách nhiệm cho những gì nó làm” – câu nói của cô Đào trước khi đi làm ban sáng còn văng vẳng bên tai, ông Bốn thấy cô nói phải. Nhưng ông lại sợ nếu không giúp thằng Út lần nữa là vô tình đẩy nó vào đường trộm cướp. Ông đã xem trên phim những trường hợp bọn xã hội đen bắt ép con nợ làm việc cho chúng. Rồi ông nghĩ đến những kẻ đâm thuê chém mướn, lẽ nào ông lại có một đứa con như thế?! Cuối cùng ông quyết định dấu vợ con gọi điện cho một người cho vay nặng lãi…

 Nơi quê nhà mùa nước lũ

… Mưa, mưa như trút nước xuống làng quê nghèo và cánh đồng trũng. Mưa suốt ba ngày liền không ngơi nghỉ. Mới mờ sáng ngày thứ tư, khi ông Bốn tỉnh dậy đã thấy nước tràn ngập cánh đồng. Nước chảy qua sân như một dòng thác. Nước cuốn trôi mọi thứ mà người ta sơ ý bỏ quên ngoài nhà đêm qua. Đàn vịt ngoài chuồng kêu cạp cạp vì vui đùa với nước. Chúng vui mừng trong khi ông Bốn lo lắng hì hục kéo chiếc thuyền nan ra ngoài. Đặt thuyền xuống nước rồi ông lội sang chuồng lợn. Chuồng lợn xây cao nên không bị ngập nước, phải lùa bọn vịt lên gò đất có chiếc lều tạm trước rồi về chăm bọn lợn sau. Trong khi ông chống thuyền lùa đàn vịt bơi ngược dòng nước chảy thì có tiếng cô Đào và thằng Ba về. Có chúng về giúp bà dọn dẹp nhà cửa thì ông yên tâm lo cho lũ vịt. Ông vừa nghĩ vừa chống chọi với dòng nước dữ. Bỗng “xoạt” - lũ vịt bị nước lũ cuốn trôi ra cánh đồng rộng. Ông vội chống thuyền rủi theo lùa bầy vịt quay trở lại nhưng vô vọng, chúng càng bơi lại càng trôi ra xa. Nhìn dòng nước chảy xiết ông nghĩ phải lùa bầy vịt dạt vào gần mấy bờ rào. Nước chỗ gần bờ rào thường ít chảy xiết hơn. Khi ông luống cuống rút chiếc sào tre để quay thuyền thì chiếc thuyền lật úp. Ông cố lấy hết sức bình sinh để bơi vào một ngôi nhà gần đó. Nước chảy mạnh quá, với sức của ông thì không dễ gì bơi tới nơi. Ông bắt đầu la làng thật lớn để mọi người ra cứu và bơi xuôi dòng nước cho đỡ mệt. Ở rất xa kia có một bờ đất thật cao, ông sẽ cố bơi tới đó.

Trong nhà, nghe tiếng ba, cô Đào vừa gào khóc vừa lội ra ngõ. Nước đã ngập đến rốn cô. Cô không biết bơi nên chẳng có cách nào cứu ba chỉ biết nhìn ba bị nước cuốn trôi xa dần, xa dần…

Anh Ba bơi rất giỏi, nhưng khoảng cách hơn 500m không dễ đuổi kịp. Anh cũng biết mình bơi đến nơi sẽ không còn đủ sức để cứu, có thể chẳng còn nhìn thấy ba đâu nữa. Anh lao ra dòng nước, bơi xuống một nhà cách đó chừng 200m, mượn chiếc thuyền nhỏ và đuổi theo ông Bốn. Khi anh đến nơi thì ông Bốn chỉ còn thoi thóp bám vào một bụi cỏ lau cạnh bờ đất cao. Cứu được Ba, anh Ba chẳng nói nổi nên lời chỉ vừa gào vừa khóc “Ba bán vịt đi ba ơi! Ba nuôi làm gì để khổ thế này!”. Ông Bốn vượt qua ngưỡng cửa tử thần dần dần tỉnh lại. Sau cái lần chết hụt đó, ông ý thức được rằng con người khi đối diện với cái chết có một sức mạnh ghê gớm. Ông vẫn chưa muốn chết, ông rất tha thiết sống dù cuộc sống với ông giờ là bể khổ.

Cái tin ông Bốn bị nước cuốn trôi nhanh chóng truyền đến thành phố, nơi hai đứa con ông đang học. Hôm đó, cậu Út đang loay hoay lau chùi chiếc xe máy vừa được Ba cho tiền chuộc lại, thì con Năm bước vào.

- Ba bị chết hụt, mày có biết không? – Cô lớn tiếng hỏi thằng Út.

- Ba làm sao? – Thằng Út mặt mày tái mét.

- Ba lùa vịt bị nước lụt cuốn trôi.

- Trời, đã bảo ba đừng nuôi vịt nữa mà! – thằng Út có vẻ bình tĩnh hơn.

- Vì mày chứ ai, mày gây một đống nợ, ba và mấy anh chị không lo làm thì lấy đâu trả. Nuôi mày học hai trường đại học đã khổ lắm rồi, mà mày có chịu học cho đâu?

Cậu Út dần dần nhận ra chính cậu đã mang cái khổ về cho người thân, chính cậu đã gây ra tất cả. Chỉ vì thú vui nhất thời mà cậu đã đánh mất tất cả tương lai của mình và một phần tương lai của ba mẹ và anh chị. Cậu cảm thấy xấu hổ vì đã trót mang danh học hai trường đại học mà giờ chẳng theo nổi một trường.

- Em xin lỗi chị. - Cậu Út rơm rớm nước mắt.

- Trời, sao lại xin lỗi chị? Mày xin lỗi ba mẹ và các anh chị ở quê đấy!

Con chị nói rồi bước ra khỏi phòng trọ của thằng em...

© Nguyễn Thị Thùy Dương – blogradio.vn


Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em

Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em

Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.

Lá thư gửi đến thiên đường

Lá thư gửi đến thiên đường

Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.

Đắng cay

Đắng cay

Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân

Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi

Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi

Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.

Đơn phương yêu một người

Đơn phương yêu một người

Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.

Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?

Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?

Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?

Câu chuyện về một nhà thơ…!

Câu chuyện về một nhà thơ…!

Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.

Vì anh còn thương em

Vì anh còn thương em

Tất cả khiến anh lặng người, thơ thẩn vì mải mê đắm chìm trong quá khứ, trong nụ cười, ánh mắt em. Anh không muốn trở về với thực tại tàn khốc rằng chuyện tình mình đã kết thúc tự bao giờ, rằng anh đã mất em thật rồi.

Ai là bạn trong cuộc đời?

Ai là bạn trong cuộc đời?

Hãy để những ước mơ dẫn dắt bạn, vì chúng sẽ giúp bạn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống và cung cấp động lực để bạn tiếp tục tiến bước.

Ánh nắng chiếu

Ánh nắng chiếu

Anh nhớ em một ngày cuối hạ Cho tình yêu gọi giấc mơ về Anh nhớ em một tình yêu lạ Mà sao lòng anh vẫn còn yêu

back to top