Nhớ nhà mùa bão về
2021-11-08 01:20
Tác giả: An Nhiên
blogradio.vn - Một chút lắng lại cho vô vàn những kí ức tránh bão ngày trước cứ theo dòng cảm xúc mà ùa về. Hít một hơi thật sâu, nhắm mắt mơ màng cầu mong sao trời chóng sáng. Mưa tạnh dần. Cơn nước vơi đi để người lớn còn xới lại mảnh vườn gieo khóm rau mới. Lũ trẻ con í ới đến trường trên chiếc xe đạp, khúc khích cười như nắng hè giòn tan.
***
Sáng nay, gọi điện thăm nhà. Mẹ bảo qua nay mưa vẫn dầm dề chưa ngớt. Mới qua một đêm thôi, đã tràn băng cả cánh đồng trước nhà rồi. Hoa màu chìm trong nước. Mùa màng cận kề bà con lại thất thu. Cái ao cá bố mới thả được mớ hồi đầu năm.
Tháng trước gọi về cu cháu còn tíu tít khoe “Cá lớn được hơn bắp tay ông nội rồi o ạ”. Thế mà mưa mới qua ngày đã mấp mé mặt bờ cả một khúc. “Đàn cá được nước lớn men ra ngoài gần hết rồi, không biết Tết còn con nào mà ăn không? Bố tụi mày cứ nhấm nhứ nói chằng bờ ao lại với mấy cái lưới cũ mà chưa kịp”. Tiếng mẹ thở dài thườn thượt từ đầu dây bên kia vọng lại nghe rầu rĩ, xót xa.
Hơn chục năm nay, dường như tôi đã quen với tiếng thở dài ấy vào mỗi bận mưa bão tới rồi. Tiếng thở dài nghe não nề đầy bất lực xen lẫn tiếng gió rít và tiếng mưa rơi rào rạt qua điện thoại làm cảm xúc của tôi cũng chùng theo.
Có lẽ đó là nỗi buồn chung của những người con nơi xa như chị em tôi mỗi dịp quê nhà có thiên tai ập đến. “Sống ở đâu thì quen đó” nhưng cũng không tránh khỏi những trăn trở, lo âu. Cũng như người Sài Gòn sống trong mùa mưa vậy. Một trận nước xối xả đổ xuống trong vòng vài giờ đủ làm các con đường nội lẫn ngoại ô thành phố bị nhấn chìm trong dòng nước đục.
Bao năm nay, cái cảnh Sài Gòn vào điểm tan tầm khắp các ngả đường về nhà, người lẫn xe cứ thi nhau lội bì bõm qua khúc nông khúc cạn không còn gì xa lạ. Có người may mắn, vui vẻ về nhà bình an, có người không kìm được cơn cau có, mệt mỏi khi xe thì hỏng hóc. Người Sài Gòn ngại mùa mưa còn người miền Trung quê tôi sợ mùa bão lụt. Bao đời nay, vào tầm tháng 8 âm lịch đổ về sau các trận bão cứ thi nhau tới dồn dập, “bão chồng bão” là nỗi ám ảnh, lo sợ thường trực với bà con nơi ấy rồi.
Vẫn nhớ hồi còn bé ở quê, khi nghe loa phát thanh xã đưa tin bão sắp đổ bộ đất liền. Người lớn vừa làm việc vừa nghển cổ lắng nghe hướng đi của nó mà biết chừng liệu. Nếu tâm bão vào thẳng vùng mình ở thì phải chia nhau ra xắn tay vào lo các công tác phòng bị chu đáo.
Người thì xúm lại cột cái chái bếp cho chắc chắn để gió không quật bong mất. Người thì căng thêm vài tấm bạt cũ, phủ kín lên mớ đồ còn chất đống nơi xó nhà. Những chỗ ngói bị rạn từ mùa nắng lớn thì nay đàn ông phải bắc thang leo lên tìm và trét lại xi hoặc thay ngói mới vào. Đống củi phơi bấy nay chớm khô được mẹ kêu xếp gọn thành bó trong ngách cho gọn…Lũ trẻ con còn tuổi đến trường những ngày đó cũng bị gián đoạn việc học theo từng đợt mưa bão.
Nước đổ về mỗi lúc một nhiều nên hầu hết các ngả đường chỉ qua một đêm đã sắp thành một biển nước mênh mông, không ai dám qua lại. Một vài nơi nước cuộn xoáy thành dòng chỉ chực cuốn trôi cả người lẫn xe xuống điểm sâu. Thường những ngày đó, học sinh phải gác lại con chữ ở nhà ngồi chờ trời lắng hẳn rồi mới quay trở lại trường. Bão qua thì nỗi gian truân khác tới. Nước rút dần. Mặt đường trở nên trơn trượt và nhầy nhụa. Có những điểm do nước tụ lâu ngày làm đất nhão lún hơn cả gang tay. Bánh xe đảo vài vòng đã bết dày từng lớp bùn vàng xung quanh.
Những lúc như thế, chỉ còn cách vớ đại một cành cây ven đường rồi cố gạt bớt đám bùn bám nơi bánh xe để có thể đi tiếp. Thương hơn nữa khi đám bạn nào đó đi trúng vũng bùn trơn nhỡn. Bánh xe mất đà xoay ngang rồi trượt té sóng soài ra đường. Nước bùn bắn lên lấm lem hết cả quần áo và cặp sách. Lắm khi con đường đến trường cứ tựa như một cuộc vật lộn không cân sức cân lực.
Gian nan vất vả là thế nhưng thật tự hào vì hầu như đám trẻ con chúng tôi thời ấy vẫn đều đặn đến trường lớp mỗi ngày, vẫn chăm chỉ học hành với thầy cô, bè bạn.
Rất nhiều nỗi gian truân với bà con quê tôi nói riêng và toàn miền Trung nói chung mỗi mùa lũ lụt hay bão về. Nó trở thành nỗi ám ảnh bất biến trong tiềm thức mỗi người nơi ấy. Qua các thế hệ, lớp trẻ lớn dần lên, nửa đi học nửa đi làm xa nhà nhưng chỉ cần nghe tin quê nhà bão về thì vẫn không thể với bớt được nỗi lo như ngày trước. Bởi nơi đó vẫn còn gia đình, người thân, còn bạn bè, còn cội nguồn nuôi họ lớn khôn. Nhiều cung bậc cảm xúc đan xen vào nhau, đau đáu và thấp thỏm.
Có một khoảng thời gian mới xa nhà, đêm thiêm thiếp ngủ tôi mơ thấy tiếng gió rít bên tai, tiếng nước mưa rơi lộp độp, dồn dập trên mái nhà như đang nổi cơn thịnh nộ. Tiếng bước chân bố tất tả đi ra đi vào, ngó nghiêng mọi ngóc ngách của căn nhà xem chừng cửa nẻo. Tiếng mẹ í ới chị em mang thêm chậu, thêm nồi niêu, xoong, chảo ra rải đầy những chỗ ngói bị ủ dột đang nhiễu từng dòng nước dài xuống nền nhà.
Trong đêm, tiếng thét của gió nghe vồ vập hơn khi va vào đám cây cối trong vườn làm ngả nghiêng cả một khoảng. Những tia chớp loáng qua loáng lại như muốn xé vụn cả bầu trời khiến lũ trẻ con lâu lâu cựa người giật mình thon thót. Xuyên đêm gió cứ thốc mạnh vào bờ tường liên hồi nghe thình thịch. Giấc ngủ của bố mẹ cũng vì thế mà chập chờn, đứt gãy theo từng hồi.
Vùng tôi cái khổ mùa bão còn đỡ hơn phần nào bà con sát rạt nơi ven biển. Thay vì những cuộc sơ tán đồ khi nước biển dâng lên thì chỗ tôi lại nơm nớp với các dòng nước nơi thượng nguồn đổ về rồi nước từ các con sông, các hồ chứa dâng lên tràn cả ra bốn phía. Vào thời điểm đó, người ta xúm lại ở hết trong nhà, cố gắng bám trụ cho tới lúc mưa ngớt đi. Nước rút dần đủ an toàn thì mới ra ngoài.
Trong kí ức của tôi vẫn chập chờn hình ảnh nội ngồi trong góc nhà, miệng vừa nhai trầu tròm trèm nhưng thi thoảng không quên bật ra vài tiếng thở dài. Ánh mắt đăm chiêu, rầu rĩ khi bố mẹ đảo cái nhìn mơ hồ về nơi ao cá không còn rõ mặt bờ đất, rồi qua luống rau trước ngõ mới nảy mầm chưa kịp lớn đã thối úng nổi bập bềnh theo con nước. Xa xăm hơn là cánh đồng hoa màu sắp đến mùa thu hoạch thì nay nằm chìm giữa mênh mông nước đục ngầu... Lâu lâu tiếng thỏ thẻ ngây thơ của đứa em gái út tập chơi đồ hàng với búp bê cũng không ngăn nổi cảm giác ảm đạm của tiết trời.
Tôi đã từng lớn lên nơi vùng đất nhiều khó khăn như thế, từng chứng kiến những buồn khổ của ông bà, cha mẹ khi thiên tai ập đến càn quét mọi thứ. Bì bõm trong dòng cảm xúc có lúc huy hoàng có lúc bi thương giữa cái miền đất nhiều nắng to mưa lớn, khắc nghiệt như thế nên tôi càng hiểu hơn những trăn trở và vất vả của người dân quê mình. Để rồi bây giờ đi xa quay đầu nhìn lại, càng thấy thương và biết ơn những năm tháng ấy biết bao nhiêu. Thương vùng đất quanh năm oằn mình chống chọi thử thách mưa nắng. Thương người dân nghèo vẫn rất cần mẫn, chịu đựng và kiên cường.
Đêm nay, giữa tâm bão đang đổ về mỗi lúc một khốc liệt. Người thân ngoài đó vẫn đang cùng nhau gồng căng mình chịu sự cuồng nộ của gió mưa. Thì nỗi lòng của những người con xa quê khắp bốn phương cũng vì thế mà thêm rối bời, thấp thỏm. Một chút lắng lại cho vô vàn những kí ức tránh bão ngày trước cứ theo dòng cảm xúc mà ùa về. Hít một hơi thật sâu, nhắm mắt mơ màng cầu mong sao trời chóng sáng. Mưa tạnh dần. Cơn nước vơi đi để người lớn còn xới lại mảnh vườn gieo khóm rau mới. Lũ trẻ con í ới đến trường trên chiếc xe đạp, khúc khích cười như nắng hè giòn tan.
© An Nhiên - blogradio.vn
Xem thêm: Sau những ngày giãn cách, tôi thèm về nhà | Radio Tâm sự
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em
Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.
Lá thư gửi đến thiên đường
Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.
Đắng cay
Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân
Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi
Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.
Đơn phương yêu một người
Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.
Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?
Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?
Câu chuyện về một nhà thơ…!
Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.
Vì anh còn thương em
Tất cả khiến anh lặng người, thơ thẩn vì mải mê đắm chìm trong quá khứ, trong nụ cười, ánh mắt em. Anh không muốn trở về với thực tại tàn khốc rằng chuyện tình mình đã kết thúc tự bao giờ, rằng anh đã mất em thật rồi.
Ai là bạn trong cuộc đời?
Hãy để những ước mơ dẫn dắt bạn, vì chúng sẽ giúp bạn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống và cung cấp động lực để bạn tiếp tục tiến bước.
Ánh nắng chiếu
Anh nhớ em một ngày cuối hạ Cho tình yêu gọi giấc mơ về Anh nhớ em một tình yêu lạ Mà sao lòng anh vẫn còn yêu