Phát thanh xúc cảm của bạn !

Nhân vật "thức tỉnh" và thể loại bi kịch

2024-04-12 20:40

Tác giả: Lười Viết


blogradio.vn - Việc các tác giả xây dựng những nhân vật "thức tỉnh" có lẽ giúp người xem nhìn nhận khái quát về nhân vật sớm hơn, cũng tạo nhiều cảm xúc hơn khi xem, đọc kịch. Nhưng đồng thời cũng giúp bi kịch đi sâu hơn, khi những nhân vật đó đã hoàn thành "sứ mệnh" của mình.

***

Vào những giây phút cuối cùng của đời mình, Thúy, nhân vật chính của vở kịch “Bến Bờ Xa Lắc”, khi được chồng tha thứ vì đã ngoại tình cùng với câu nói “và từ mai gia đình mình lại như xưa em nhé!”, như sực tỉnh “Lại như xưa ư anh? như thế thì khủng khiếp lắm!” và trút hơi thở cuối cùng. Cái sự “như xưa” ấy, chính là việc Thúy trở lại làm một người vợ ngoan, người mẹ hiền, và là người luôn lỗi nhịp với cuộc đời.

Thúy không thể quay lại cuộc sống gia đình như ngày xưa với chồng con, cũng không thể chung sống hay chạy trốn với người tình. Có lẽ vì như vậy nên Thúy chết chăng, không còn một con đường nào cho Thúy?

Nhưng nếu không chết được thì sao?

Một người phụ nữ khác, Hạnh, đã tiếp tục đời sống gia đình nhưng không phải với ông Phương, chồng cô trong “Hãy Khóc Đi Em” khiến mình ám ảnh. Trước khi đọc vở kịch này, mình đã đọc “Trăng Nơi Đáy Giếng”. Câu chuyện gốc không có Hướng, người bạn của Hạnh thuở thiếu thời. Trần Thùy Mai xây dựng một thế giới kì ảo, thần tiên để giúp nhân vật thoát khỏi cơn đau khổ. Khi Hạnh phát hiện những người mình tin tưởng, nhất là người chồng, người mà cô coi như thần tượng đã lừa dối mình, cô được một cô đồng kết nối với thần linh và làm vợ của một vị thánh. Cô cũng chăm sóc cho những bức tượng thờ như chăm sóc chồng cũ của mình. Câu chuyện có yếu tố tâm linh, hay mê tín?

Nhưng khi đọc được kịch bản “Hãy Khóc Đi Em”, mình bị sốc khi tưởng tượng cảnh ông Phương mở tấm màn che, một hình người bằng rơm ngồi giữa những tô bún bò với những ruồi nhặng vo ve. Có lẽ cũng là bức tượng bằng rơm của một vị thần nào đó. Nhưng không có vị thần nào ở đây cả. Hình người bằng rơm, phải chăng là hình ảnh người chồng mới do Hạnh tự tưởng tượng ra, để tiếp tục bổn phận của người vợ, là chăm sóc cho gia đình. Không có tâm linh, không có mê tín, Hạnh trong “Hãy Khóc Đi Em” bị người ngoài và chồng cũ cho là đang sống cùng một người đàn ông khác, sự nghi ngờ lớn nhất là cho Hướng. Nhưng có lẽ vì Hạnh đã quen với cuộc sống của người đàn bà, quen với bổn phận chăm sóc gia đình và công việc phải giữ cho nhà cửa sạch sẽ, cơm canh ngon lành. Sự thức tỉnh của Hạnh, khác với Thúy, đã không có cái chết để giải thoát cô khỏi những bổn phận của người đàn bà với chồng mình, mặc dù chồng cô đã lừa dối cô. Nhưng nếu Hạnh không “có chồng mới”, thì chả lẽ cô lại sống cô đơn trong căn nhà rộng lớn cho đến ngày chết đi hay sao?

Nhân vật Hướng không có trong “Trăng Nơi Đáy Giếng”, nhưng xuất hiện trong “Hãy Khóc Đi Em” ngay từ hồi đầu tiên, với những lời thoại như nhắc nhở Hạnh và cả khán giả “có cái gì không ổn” ở Phương. Nhưng Hạnh lúc nào cũng tin tưởng chồng mình và cho rằng Hướng SAI (hoặc SAY). Trong những lần đưa ra bằng chứng để tố cáo Phương đang có vợ nhỏ, hay lúc Hạnh phát hiện ra bị bà Thu, Phương, Thắm “hợp tác” nhau lừa dối mình, Hướng luôn có mặt và đóng vai trò quan trọng. Nhưng đến hồi cuối cùng, khi Phương đến nhà và tra hỏi Hạnh về người chồng mới, đó không phải là Hướng, và Hướng đã không có mặt. Thật ra trước đó Hướng đã đến nói lời từ giã với Hạnh. Sự biến mất của Hướng khiến mình ngầm hiểu rằng đối với Hạnh, Hướng cũng không phải là một người đàn ông có thể làm chồng cô, có lẽ chính Hướng cũng biết như vậy nên đã đến từ giã. Hướng đã đi đâu? Không ai biết. Nhưng nhân vật này đóng một vai trò lớn trong việc giúp khán giả thấy ngay từ đầu rằng những biểu hiện ra vẻ yêu thương, biết ơn và miễn cưỡng của Phương là giả dối, có cái gì đó sai sai trong cuộc hôn nhân của Hạnh và Phương.

Sự từ giã của Hướng làm mình nhớ đến Chung trong vở “Cái Chết Được Che Đậy” của Nguyễn Huy Thiệp. Cũng là một người SAI. Khi biết được Chung đi lại với cô gái điếm tên Mơ, Xuân Lan không tiếc lời mắng chửi Chung vì cho rằng chính anh đã làm Mơ đau khổ đến mức tự tử. Xuân Lan né tránh những lời Chung nói về chồng mình, từ chối mọi gợi ý ngoại tình của Chung vì chỉ muốn có một cuộc sống bình yên, dựa trên những “quy tắc Hồng Mao”. Đến đây chắc khán giả cũng ngầm hiểu rằng người chồng của Xuân Lan, ông Đức cũng có gì đó không ổn. Nhưng có lẽ sự bình yên giả dối mà Xuân Lan giữ lấy cũng không còn tồn tại được bao lâu. Khi phát hiện ra chiếc dây chuyền mà Mơ nói rằng đó là vật mà bố cô tặng mẹ cô, giống hệt với chiếc mà chồng mình đã tặng mình, Xuân Lan đã chặn tất cả những lời nghi ngờ của con gái mình về việc bố nó có ngoại tình hay không.

Đến khi Chung gặp lại Xuân Lan để chào tạm biệt đi xuất khẩu lao động, Xuân Lan như bừng tỉnh và đến lúc này mới thốt lên “Vậy tôi còn là ai là người thân? Tôi ở lại với ai?” Hình như trước giờ, những người thân thuộc như chồng con, cho đến những người được kính trọng như ông bác sĩ Bảo hay Sư Trạch, không ai hiểu được Xuân Lan mà chỉ có Chung mới hiểu Xuân Lan mà thôi. Tất cả những thiện ý, những tình yêu thương mà Xuân Lan đã dành ra cho mọi người, đều đã quá lý thuyết và không phù hợp. Như trong giây phút cuối đời của Mơ, Xuân Lan, với những lời khuyên Mơ rằng thế gian vẫn đầy ắp tình yêu thương, Mơ nên quên đi tình yêu của mình với Chung vì chính tính yêu đó làm Mơ đau khổ, nên sám hối những tội lỗi của mình vì những tội lỗi từ đời nào đã khiến mình phải sống cuộc sống đó, nghĩ về tình yêu của cha mặc dù Mơ chỉ nhớ đến việc cha đã ruồng bỏ mẹ con mình. Chính vì đó mà đến gần cuối vở kịch, Xuân Lan đã thốt lên “Cuộc sống là những thiện ý được sắp xếp lại... Còn những thiện ý lại dẫn con người đến địa ngục… Vậy thì việc thủy chung với chồng của ta có ý nghĩa gì?”

Cuối cùng, cho dù Xuân Lan đã nhận ra không thể che giấu được sự bất ổn trong đời sống và niềm tin của mình, với chính mình, cô vẫn bị bỏ lại với những thiện ý và những quy tắc Hồng Mao. Khi đó, cũng là lúc Chung đến nói lời từ giã. Và vở kịch kết thúc bằng tiếng Xuân Lan gọi tên chồng mình giữa tiếng sấm chớp và gió thổi. Màn hạ. Không ai biết sau đó như thế nào nữa. Nhưng tiếng ơi vẫn vang vọng. Phải chăng Xuân Lan sẽ chết như Thúy khi biết tâm tình của mình đối với chồng không thể “lại như xưa”, hay sẽ như Hạnh, tiếp tục cuộc sống với một vị thần thánh hoặc một bức tượng, hoặc sống với chồng như sống với một bức tượng, với những quy tắc Hồng Mao.

Việc các tác giả xây dựng những nhân vật "thức tỉnh" có lẽ giúp người xem nhìn nhận khái quát về nhân vật sớm hơn, cũng tạo nhiều cảm xúc hơn khi xem, đọc kịch. Nhưng đồng thời cũng giúp bi kịch đi sâu hơn, khi những nhân vật đó đã hoàn thành "sứ mệnh" của mình. Sau khi họ biến mất, những nhân vật chính dường như cũng rơi vào một sự cô độc để rồi tự mình phải đưa ra cách giải quyết sau cùng.

Nhưng có bao nhiêu những lối thoát êm đẹp và trọn vẹn cho người phụ nữ trong những bi kịch gia đình? Nói vậy có hơi lạ tại ngay từ tên thể loại đã là bi kịch. Điểm chung có lẽ là do người phụ nữ đã không tự giải thoát mình khỏi bổn phận với gia đình, với sự bình ổn và những thiện ý. Họ từ chối sự thức tỉnh, có lẽ vì sau đó thì cuộc sống của họ chẳng thay đổi được gì. Nếu có một tờ đơn ly dị, họ sẽ đi về đâu trong cái cuộc đời mà “đàn bà không ai có thể sống được một mình.”

© Lười Viết - blogradio.vn

Mời xem thêm chương trình:

Chia Tay Anh Là Cách Em Yêu Chính Bản Thân Mình | Radio Tâm Sự

Lười Viết

Mình là người khiếm thính rất yêu thích văn học, kịch nói, giáo dục.

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Một mình trong đêm

Một mình trong đêm

Và cô cũng biết rất rõ cô không thể xa công việc, xa đồng đội, xa ước mơ của cô là đem lại cuộc sống bình yên cho mọi người, như ngày nào cô đã thề và đã hứa rất xúc động rất dũng cảm trước cờ Tổ quốc cờ Đảng thân yêu.

Viết cho em

Viết cho em

Em viết cho em những năm còn vụn vỡ Lúc tình yêu em tìm chẳng thấy đâu Trái tim em găm đầy mảnh dao nhọn Và em ước gì mình chưa từng thương ai

Ngày bố đi

Ngày bố đi

Nó bắt đầu biết giúp mẹ làm việc, cái mảnh sân đầy lá hôm nay đã được bàn tay vụng về nhỏ xíu đó quét gọn, đống chén bát chất đống đó đang dần dần được vơi đi, mấy bộ quần áo hình như mấy ngày chưa giặt cũng đã được nó đem đi sưởi nắng cùng dàn hoa thiên lý. Nó dần hiểu chuyện hơn.

Làm được 3 điều này, cuộc sống mới thật sự nhẹ gánh, vô cùng đơn giản nhưng ít ai nhận ra để thay đổi

Làm được 3 điều này, cuộc sống mới thật sự nhẹ gánh, vô cùng đơn giản nhưng ít ai nhận ra để thay đổi

Nếu sống với kiểu suy nghĩ này thì chắc chắn cuộc đời bạn sẽ là một chuỗi bi kịch.

Mẹ - thần tượng tỏa sáng trên sân khấu mang tên cuộc đời con

Mẹ - thần tượng tỏa sáng trên sân khấu mang tên cuộc đời con

Bản thân tớ cũng là người không thích những ai nói nhiều, vậy mà người sinh ra tớ lại nói rất nhiều. Mẹ nói luôn nói không ngừng, nhắc tôi từng chút một. Đôi khi tớ thấy khó chịu lắm nhưng một lúc sau suy nghĩ lại thấy mẹ nói thật đúng, tất cả những lời mẹ nói chỉ muốn tốt cho tớ.

Ước mơ mà không kèm hành động thì dù có cánh cũng không bao giờ bay tới đích

Ước mơ mà không kèm hành động thì dù có cánh cũng không bao giờ bay tới đích

Trong cuộc sống hiện nay, không phải ai cũng có ước mơ, hoài bão và bản lĩnh đương đầu với khó khăn. Vậy nếu không có được những yếu tố này thì ta sẽ trở nên như thế nào?

Khám phá tính cách nổi bật nhất của người thuộc 4 nhóm máu A - B - AB - O

Khám phá tính cách nổi bật nhất của người thuộc 4 nhóm máu A - B - AB - O

Tính cách nổi bật nhất, không lẫn đi đâu được của người thuộc 4 nhóm máu A, B, AB, O là gì?

Tiến bước về phía trái tim

Tiến bước về phía trái tim

Vê ra xa mẹ Đức nhưng trái tim cô luôn có bóng hình mẹ luôn ngập tràn tình yêu dành cho mẹ, cô xa nước Đức nhưng đất nước thứ nhất của cô luôn hiện diện trong bóng hình cô, từ mái tóc, đôi mắt, giọng nói và cả máu đang chảy trong cơ thể của cô nữa.

Lời hứa tháng mười (Phần 4)

Lời hứa tháng mười (Phần 4)

Huy nắm chặt điện thoại trong tay, trái tim đập vang dữ dội. Cô ấy khóc sao? Mộc luôn là cô gái cứng rắn, cậu chỉ thấy cô ấy khóc một lần duy nhất ở buổi sinh nhật bất ngờ hôm ấy. Chuyện gì đã khiến cô ấy phải khóc, càng nghĩ đến cậu cảm thấy càng lo lắng.

Con yêu ba nhiều lắm ba à

Con yêu ba nhiều lắm ba à

Ngày mẹ đồng ý kết hôn là ngày hạnh phúc nhất với ba, rồi ngày biết tin có con là ngày vui nhất của ba. Và ngày con chào đời lại là ngày đau buồn nhất của ba. Chưa bao giờ con thấy ba khóc trước mặt con và bà ngoại.

back to top