Phát thanh xúc cảm của bạn !

img bài dự thi Ngã vào ô trưởng thành

2020-04-13 01:27

Tác giả:


blogradio.vn - Những thằng con trai ở độ tuổi đôi mươi như tôi, chưa kịp lớn, thì đã ngã vào ô buộc phải trưởng thành.

Tôi sinh ra ở thành phố biển Bình Định, lớn lên trong tiếng ru hời của ngoại và những ngày sóng biển tấp vào bờ cát mà tò tò theo người lớn cạy cát đếm sao. Tuổi thơ tôi là chuỗi ngày chơi bắn bi, đá cầu với lũ bạn xóm trên; chờ má về mỗi buổi sáng chợ tan để nhận quà vặt; cũng không thiếu những trận đòn đau vì trốn ngủ trưa theo lũ bạn xóm chợ đạp chiếc xe đạp cuộc của anh Hai, chạy tuốt luốt ra ngọn hải đăng cách nhà cả mấy cây số.  

Năm tôi lên mười, cả nhà chuyển vào Nam sinh sống. Tôi nhớ mãi ngày hôm đó, má chỉ thông báo vỏn vẹn: “Nhà mình theo anh Hai vào Sài Gòn, con coi còn gì trong nhà không thì mang theo”. Vẫn đang đeo chiếc cặp sách trên vai, tôi chỉ kịp vào chọn trong đống đồ chơi má bỏ lại con thú bông tôi hay ôm ngủ, rồi theo chiếc xe đò vào Nam. Lòng tôi khi đó cứ mải rưng rưng theo nhịp xe chạy, thấy dải cát bờ biển lướt qua trước mắt mà nhớ ngoại quá chừng chừng!

truong-thanh-3

Nam tiến là bước ngoặt lớn của cả gia đình. Gom góp được chút tiền từ mảnh đất ở quê, ba má tôi đủ mua một ngôi nhà nhỏ ở khu kinh tế mới Bình Dương. Cả gia đình tập tành theo nhịp sống của người Nam, chỉ mỗi giọng nói là vẫn đặc quánh vị miền Trung, không sao thay đổi được. Tôi cũng không khi nào chối bỏ gốc gác quê mùa miền Trung của mình, bởi nó gắn liền với giọng ru của ngoại tôi qua bao năm tháng tuổi thơ xưa cũ. Tôi vẫn muốn giữ mãi, giữ mãi.

 Năm mười tám tuổi, tôi lên Sài Gòn trọ học.

Ngày tôi lên Sài Gòn, ba cho tôi hai trăm ngàn đồng dằn túi, ghim trong chiếc túi vải có đính kim băng của má, cứ dặn mãi tôi một câu “Khi nào cần lắm hẳn xài, nghen con!”. Tôi quảy gánh lên Sài Gòn, đem theo kì vọng của ba má, đem theo tiếng ru hời của ngoại, cả ước mơ đổi đời của thằng con trai mười tám tuổi mới chập chững vào đời.

truong-thanh-4

Sống với ba má, dù cũng không giàu có gì, nhưng tôi vẫn là con trai cưng, không phải lo cơm ăn áo mặc, không phải lo chi tiêu cân đo đong đếm, ba má tôi lo hết. Đã bao lần tôi thấy gần nửa đêm nhưng cây đèn dầu trước nhà vẫn sáng, má vẫn tần tảo bên chiếc máy may lạch cạch làm hàng cho khách. Cũng mấy lần, giữa đêm mắc tè, trở người dụi mắt chạy ra sau hè, tôi lại thấy ánh lửa lập lòe từ điếu thuốc của ba. Đến khi lên Sài Gòn, phải tự lập mọi thứ, thằng con trai ở độ tuổi đôi mươi như tôi, chưa kịp lớn thì đã ngã vào ô buộc phải trưởng thành.

Hành trình trưởng thành của tôi thật ra cũng như bao cậu sinh viên nghèo khác. Mỗi ngày chỉ ăn hai bữa chính, sáng thì mua gói xôi ổ bánh mì mười ngàn, nhịn đến tối ăn hộp cơm bột nở xin thêm bịch canh và rau xào. Thế là xong một ngày dài. Có những hôm, đếm trong người chỉ còn dăm ba đồng tiền lẻ, đủ mua gói mì tôm Miliket nấu nước sôi ăn qua bữa, hay chia cùng cậu bạn cùng phòng hộp cơm chả mười lăm ngàn thêm bịch cơm thêm. Bữa đói bữa no vậy, nhưng tôi vẫn chịu khó bắt xe buýt vé tháng đến trường không sót buổi học nào.

truong-thanh-2

Hai trăm ngàn ba đưa trước khi lên Sài Gòn tôi đã xài lậm từ lâu. Thế nên, tôi làm thêm qua đủ mọi nghề, từ vệ sinh máy, vệ sinh giày, phụ quán cà phê, đến bưng bê phục vụ, sửa máy tính dạo…để kiếm tiền sinh hoạt và học phí đỡ đần cho ba má ở nhà. Tôi còn nhớ như in có lần, cậu bạn học cùng rủ đi làm thêm đính nút chai cho người ta. Làm quần quật cả ngày, đính gần 1500 nút chai lên bức tường trang trí, cuối ngày, ông chủ trả cho ba mươi ngàn đồng chứ không phải một trăm năm mươi ngàn như đã hứa, không quên thêm vài câu giáo điều dạy dỗ cay độc. Hai đứa nhóc sinh viên tụi tôi cầm trên tay ba mươi ngàn đồng đó mà uất nghẹn, lại thân cô thế cô, không dám nói một lời, cứ thế ra về. Tối đó, tôi cầm ổ bánh mì không chấm sữa ăn mà nghẹn lòng ấm ức.

Lần đầu tiên, tôi bật khóc giữa Sài Gòn.

Một thằng con trai tuổi đôi mươi như tôi, lần đầu tiên bị cuộc đời quật một cú thật đau, phải ngồi khóc ngon lành như một đứa trẻ. Một mình. Đó cũng là khoảng khắc tôi nhận ra bản thân bắt buộc phải trưởng thành, không được dễ dàng gục ngã giữa cuộc đời.

Bất giác, khi đó, tôi nhớ ngoại da diết….

Mười năm sống tại Sài Gòn của tôi, đã có thêm vài ba lần tôi phải bật khóc vì hành trình trưởng thành khốc liệt quá. Cứ mỗi lần cuộc đời quật ngã tôi như vậy, tôi lại nhớ ngoại, nhớ biển, nhớ ba má ở nhà, nhớ tất cả về tuổi thơ vô tư vô lo của mình, tôi vẫn khóc nhưng để bản thân mạnh mẽ hơn, cố gắng hơn, kiên trì và bền vững hơn nữa.

truong-thanh-1

Ngày xưa, khi trong túi không còn đủ tiền mua ổ bánh mì không chấm sữa, tôi cứ lầm lũi cúi gằm mặt đi trên đường chỉ vì một hi vọng bé nhỏ, ngờ nghệch là lượm được dù là năm ngàn ai đó đánh rơi.

Hiện tại, khi đã cố gắng đủ đầy cho bản thân và gia đình, thấy một tờ tiền ai đó đánh rơi trên vỉa hè, tôi lại mỉm cười bước qua và cảm giác rất vui, sẽ có ai đó cần nó hơn tôi, như bản thân ngày xưa, sẽ rất may mắn khi lượm được tờ tiền trong lúc đói ăn đói mặc.

Trưởng thành là một hành trình khó nhọc và đầy chênh vênh. Cậu nhóc trong tôi ngày xưa cũng đã trưởng thành sau mỗi lần vấp ngã, gặp biến cố. Tim tôi đã gai góc, mạnh mẽ hơn và đã rất lâu rồi tôi không phải khóc và nhớ về ngoại nữa. Tôi vẫn nhớ ngoại, nhưng là trên tâm thế “Ngoại ơi, con đã đạt được những bước tiến mới, nỗ lực mới, thành công mới”, luôn dặn lòng phải ghi nhớ bản thân của ngày xưa đã bắt đầu như thế nào, nỗ lực ra sao để cố gắng hơn và trân trọng, yêu thương những người thân vẫn còn bên cạnh.

Trên bàn xoay số phận, nếu cuộc đời buộc bạn phải ngã vào ô trưởng thành, bạn vẫn chưa mất lượt, hãy đứng lên và bước tiếp, đích đến chỉ còn cách bạn một gang tay.

© Lê Đỗ Như Quỳnh – blogradio.vn

Xem thêm: Trưởng thành là khi đừng bao giờ gục ngã giữa cuộc đời

Bài tham dự cuộc thi viết. Để bình chọn cho bài viết này, bạn hãy nhấn like, share và để lại bình luận cảm nhận của mình. Thông tin chi tiết về cuộc thi, mời bạn tham khảo tại đây.

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

7 năm theo chủ nghĩa tối giản đã giúp tôi thoát khỏi hầu hết công việc nhà!

7 năm theo chủ nghĩa tối giản đã giúp tôi thoát khỏi hầu hết công việc nhà!

Ý nghĩa lớn nhất của lối sống tối giản là nó có thể giảm bớt gánh nặng công việc nhà và cho chúng ta nhiều thời gian hơn để làm những gì mình thích.

Ngọn nến được thắp lên

Ngọn nến được thắp lên

Anh nói có lẽ bây giờ người ta quá quen với những công nghệ kỹ thuật hiện đại, đã quá quen với những ánh sáng điện rực rỡ chói lòa và thông dụng nên đã quên mất những cảm xúc trong tim mình khi có ngọn nến được thắp lên. Và anh đã bật lửa châm vào nến ngay sau đó.

Về để thấy tết (Phần 2)

Về để thấy tết (Phần 2)

Phải chăng, chuyến này về, suy nghĩ nó đã chín chắn? Nó đã thôi hoài nghi về những người xung quanh nó, xoay quanh ba và cả gia đình của nó. Hay chính sự xô đẩy của xã hội khiến nó trân trọng về tình cảm gia đình của mình hơn?

Tuổi lênh đênh

Tuổi lênh đênh

Con gái ở tuổi đó như con thuyền lênh đênh trên biển khơi vậy, chính nó sẽ tự định hướng cho mình sẽ đi đâu, sẽ trôi vào bến bờ nào. Mà nhiều lúc nó cứ ương bướng tự nghĩ tự quyết chứ chẳng thèm nói cho ba mẹ biết, hay nghe theo ý kiến của ba mẹ của người lớn bao giờ.

Về để thấy tết (Phần 1)

Về để thấy tết (Phần 1)

Lúc đó, nhà vẫn là nhà, nhà có Liên, có ba và em trai của nó. Giờ với nó, cái đó không được gọi là nhà. Có thể nó vẫn sẽ về, nhưng về chỉ để nấu cho má bữa cơm, rồi lại đi. Đối với Liên, còn má mới còn gia đình, còn nhà để nó quay trở về. Còn lại, không đáng.

Số cuối ngày sinh Âm lịch tiết lộ sự giàu có, ai sở hữu cả đời gặp may mắn

Số cuối ngày sinh Âm lịch tiết lộ sự giàu có, ai sở hữu cả đời gặp may mắn

Mỗi số trong ngày sinh không chỉ là một ký hiệu, mà còn là một biểu tượng của năng lượng vũ trụ, ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời mỗi người.

Ai nói là tôi không thích cậu?

Ai nói là tôi không thích cậu?

Cũng không hiểu từ khi nào, tôi bắt đầu vô thức tìm kiếm bóng hình cậu ở bất cứ đâu. Tôi tự hỏi, có phải vì tần suất cậu xuất hiện trước mặt tôi quá nhiều, hay vì một cảm xúc lạ lẫm đang dần nảy mầm mà tôi không thể diễn tả?

Bạn có nhìn thấy mình ở những năm tháng sau này

Bạn có nhìn thấy mình ở những năm tháng sau này

Tôi đã từng suy nghĩ rất nhiều, tưởng tượng bản thân mình của những năm về sau sẽ như thế nào, nếu vẫn duy trì nếp sống như hiện tại, có lẽ thời gian mà tâm hồn tôi héo mòn, kiệt quệ cũng sẽ không còn xa nữa.

Tuổi thơ chung lối, thanh xuân ngược hướng

Tuổi thơ chung lối, thanh xuân ngược hướng

Tớ không nhớ rõ mình thích anh từ bao giờ. Có thể là từ một lần anh bất ngờ đưa tay ra kéo tớ chạy dưới cơn mưa đầu hạ. Có thể là từ một lần anh lặng lẽ nhường phần quà của mình cho tớ khi tớ khóc vì bị thua trò chơi. Hoặc có thể… tớ đã thích anh từ lâu lắm rồi, chỉ là đến một ngày, tớ mới chịu thừa nhận điều đó với chính mình.

Cậu còn ở Hà Nội chứ?

Cậu còn ở Hà Nội chứ?

Khi gió mùa đông bắc về, tôi càng cảm nhận rõ nét sự thiếu vắng của Cậu—như một nhịp điệu không còn vang lên trong bản hòa ca của cuộc sống. Hà Nội, với tất cả vẻ đẹp và nỗi nhớ, đã trở thành một phần tâm hồn tôi, nơi mà mỗi con phố, mỗi tiếng cười đều gợi nhắc về Cậu. Liệu rằng, trong những sớm mai se lạnh hay chiều hoàng hôn rực rỡ, Cậu có còn ở đây, lắng nghe những tâm tư của tôi giữa lòng thành phố này?

back to top