Hạnh phúc sẽ đến vào ngày mai cho những ai không gục ngã
2020-06-17 01:27
Tác giả: Hoa Tuyết
blogradio.vn - Hạnh phúc quý giá sẽ đến vào ngày mai nếu hôm nay đứng lên mạnh mẽ. Vào lúc đó tôi mãnh liệt tin rằng chỉ cần chúng ta có tình yêu và lòng dũng cảm thì hạnh phúc sẽ không bao giờ rời bỏ. Có thể hạnh phúc đang ở một nơi nào đó thật đẹp và những ai không gục ngã sẽ sớm có được thôi.
***
Sau bữa tối vất vả tôi cố gắng nhai vài miếng cơm rồi lại nôn ra hết. Tôi đang trong cơn nghén thì có tiếng điện thoại reo. Đầu dây bên kia em gái tôi nói:
“Alo. Chị à, em có chuyện này, chị phải bình tĩnh nghe em nói nhé”.
“Ừ, em nói đi”.
“Mai em lấy chồng”
Tôi ngồi bật dậy, nhìn lại dòng tên đang hiện trên điện thoại, giọng lập bập:
“Cái gì cơ, mày á? Mày lấy ai? Sao không nghe nói gì? Sao lại là mai?”
“Em lấy chồng Hàn Quốc vừa đi xem mắt hôm qua, người ta ưng rồi mai cưới luôn. Em gọi báo chị thôi vì vội quá nên cũng không tổ chức gì. Chị đang bầu chắc cũng không cần về, lại mệt thêm”.
Tôi đứng hình, ngơ ngẩn mất mấy giây không hiểu sao trong khoảnh khắc đó nước mắt tự nhiên trào ra. Tôi hỏi:
“Tại sao? Sao lại lấy chồng nước ngoài? Mày còn đang đi học mà?”
“Em thấy ở đây chẳng có tương lai, học ngành này ra trường cũng chả xin được việc. Đi xuất ngoại may ra còn có cơ hội”.
“Mày điên à sống ở đây có gì không tốt? Bố mẹ nói sao, cho tao gặp mẹ đi”.
“Mẹ à, sao mẹ để nó đi lấy chồng nước ngoài, học hành còn dang dở đi sang đó rồi sống thế nào sao mẹ không cản em”. Tôi nói liên tục không ngừng, đầu dây bên kia giọng mẹ buồn bã:
“Thì nó quyết định thế rồi, mẹ cũng chẳng nói được”.
Tôi lặng lẽ tắt máy, trong đầu miên man suy nghĩ. Con gái quê tôi vẫn có truyền thống đi lấy chồng nước ngoài với hi vọng đổi đời. Nước nào cũng được miễn không phải quê hương mình thì đều làm gia đình nở mày nở mặt, đều có hi vọng sống cuộc sống giàu sang. Cứ nhìn vào bề nổi thì hầu như nhà nào cũng có vẻ thoát cảnh chân lấm tay bùn, ít thì trang sức đeo đầy mình, nhiều thì xây được cho bố mẹ căn nhà khang trang. Nhưng nổi ít chìm nhiều, phần nổi ai cũng thấy, ai cũng mơ, còn phần chìm chỉ có người trong cuộc mới thấu. Cuộc sống xa quê có bao nhiêu phần sung sướng, đất khách quê người tìm sao được người tri kỉ. Người xa quê vì sĩ diện, vì không muốn người thân lo lắng mà chỉ trưng ra phần hạnh phúc, những nỗi buồn, những khó khăn họ biết tỏ cùng ai.
Ngổn ngang trong những lo lắng, cố gắng vớt vát để mong thay đổi quyết định của nó, tôi lại gọi về:
“Mày nghĩ lại đi, đừng chỉ nhìn vào những cái người ta muốn cho mày nhìn thấy. Có biết sống xa quê, một mình bên nhà chồng không người thân thích nó khổ thế nào không? Chưa nói đến cuốc sống vợ chồng cơm không lành canh không ngọt, gia cảnh người ta thế nào, vì sao mà phải về đây tìm vợ, rồi sang đó nó vũ phu, cờ bạc rượu chè phải làm thế nào? Ở đây còn có người thân, không sống được với chồng thì ra ngoài hay về với bố mẹ, sang đó rồi biết kêu ai?”
Tôi nói không ngừng, cố tìm lí lẽ khuyên giải, nhưng vô vọng:
“Em quyết rồi, chị đừng nói nữa sau này có khổ thì em tự chịu”.
Tôi tắt điện thoại, cổ họng như có cái gì nghẹn lại, đắng ngắt. Không biết có phải vì có em bé mà tôi trở nên nhạy cảm quá hay không, nhưng tôi cứ tin chắc rằng đây là một quyết định sai lầm. Tôi hiểu cái hào quang giả dối của việc lấy chồng nước ngoài đang bao phủ quá dày đặc ở làng quê nghèo của chúng tôi.
Tôi cũng hiểu mơ ước chân chính của những con người cả đời lam lũ vất vả, xoay đủ nghề vẫn không đủ sống với họ có lẽ đây là một cột mốc, một mục tiêu để hướng tới, là một niềm tin về tương lai hạnh phúc mà họ muốn bám vào, giống như “Hai đứa trẻ” hàng ngày ngóng chờ đoàn tàu chạy qua, chỉ để ngắm nhìn thứ ánh sáng rực rỡ được chiếu rọi. Dù biết nó sẽ sớm tắt lịm, để lại khung cảnh tối tăm đìu hiu như lúc ban đầu.
Gia đình chúng tôi từng trải qua những ngày tháng nghèo đói khốn khổ vô cùng. Chị gái học xong 12 không dám thi đại học vì sợ không đủ khả năng chi trả, anh trai học hết lớp 6 cũng nghỉ để cùng bố lênh đênh trên con thuyền nhỏ đánh bắt ngoài biển. Những ngày không có tiền đóng học khiến bản thân tôi có suy nghĩ sẽ nghỉ học để giúp đỡ gia đình, và cũng chính bản thân tôi đã từng có ý nghĩ sẽ đi xem mắt sau khi học xong lớp 12 với mong muốn được đổi đời và làm cho gia đình đỡ vất vả.
Nhưng thời gian trôi qua, chị gái và anh trai lập gia đình. Tôi học đại học, đi làm trên Hà Nội và cũng lập gia đình, em gái thi đỗ vào một trường Đại học và học hết năm đầu với học bổng trên tay.
Tôi đã nghĩ rằng mọi thứ thế là ổn, khó khăn rồi cũng qua, cả bốn chị em chúng tôi đều đã trưởng thành. Dù không giàu có nhưng cuộc sống vẫn dễ chịu, mỗi lần tụ họp gia đình lại rộn rã tiếng cười.
Vậy mà em tôi đứa em mà tôi luôn có tâm lí phải bảo bọc theo cách của riêng mình lại thông báo lấy chồng theo cách tôi không bao giờ nghĩ tới. Tôi hơn nó năm tuổi. Ngày chúng tôi còn nhỏ được đi chơi đu quay, tôi ngồi ôm chặt nó, bố mẹ bảo tôi nhát gan mà không biết rằng tôi ôm nó vì sợ nó ngã.
Ngày đầu tiên nó đi mẫu giáo, không phải mẹ mà là tôi chở nó đi, tôi khi đó vẫn là học sinh tiểu học đã nghỉ gần nửa buổi sang chỉ để ngồi cạnh nó trong lớp vì sợ nó khóc. Nó lên cấp 2, cấp 3 quen rất nhiều bạn, có nhiều bạn trai thích nó, tôi lúc nào cũng nơm nớp sợ nó sẽ mải chơi hư hỏng rồi bị bọn con trai lợi dụng. Đến năm đầu đại học, tôi chỉ ở cùng nó một thời gian ngắn rồi lấy chồng, tôi nghe cô chủ trọ nói lại nó chơi với những thành phần không tốt mà lo lắng rất nhiều.
Đứa em đó chẳng bao giờ có thể hiểu những suy nghĩ của tôi, bởi tôi không bao giờ nói nhiều và không giỏi thể hiện tình cảm. Giờ đây nó lại bóp nghẹn tim tôi với thông tin quá đột ngột, tôi sợ rằng nó đi sang đó sẽ khổ, tôi sợ chồng nó không tốt, tôi sợ lúc nó ốm đau, tôi sợ lúc nó mâu thuẫn với gia đình chồng. Sợ nhiều thứ lắm.
Ngày cưới của nó không có mặt tôi. Người chồng nước ngoài ở cùng nó mấy ngày rồi về nước. Nó lại thông báo mang bầu. Tim tôi lại thắt, thật dại dột. Sáu tháng sau nó đi sang với chồng, nó đi một mình. Vậy là giai đoạn vất vả nhất của người phụ nữ, nó sẽ phải trải qua một mình. Mà không, từ lúc đó nó sẽ phải một mình chịu trách nhiệm cho cuộc sống của nó, cho chính quyết định của nó, một mình. Tôi cứ nhìn cái hình dáng ấy và thấy nó thật cô độc.
Trước khi đi một tháng, nó lên Hà Nội làm giấy tờ. Hai chị em gặp nhau, nó đột nhiên nói:
“Hay là em không đi nữa nhỉ, tự nhiên em sợ, em không muốn đi”.
“Ừ, ở nhà đi, đừng đi nữa”.
Tôi đùa đùa, nhưng trong thâm tâm tôi mong nó thật sự nghĩ vậy, mong nó sẽ làm như vậy.
“Ở nhà đi làm rồi tự nuôi con, có khó khăn các anh chị giúp. Rồi sẽ có người đàn ông tốt chấp nhận thôi”.
“Chị hâm à”. – Nó cười to, nhưng trong khóe mắt đã đầy nước.
Tôi cúi mặt không dám nhìn thẳng vào nó. Con người ta là vậy, tôi tin lúc nó quyết định đi xem mặt là phút bốc đồng. Khi dần đối diện ngày đi tất cả những ngang ngạnh, những bồng bột hay thậm chí là một chút dũng khí cũng sẽ tan biến. Giống như khói bốc lên từ nồi nước sôi, nó bỏng rát và dày đặc lúc ban đầu không ai có thể chạm vào, nhưng lên cao dần sẽ nguội và tan đi. Nhưng còn thay đổi được gì nữa.
Ngày chia tay cũng đến, mọi người tiễn nó ở sân bay, chẳng ai nói gì. Có thông báo từ chuyến bay, nó quay lưng, bờ vai run nhẹ trong khoảnh khắc rồi ngay lập tức thẳng lên dứt khoát. Tôi lặng lẽ nhìn ra nơi những chiếc máy bay đang nằm im chờ đợi đằng kia, chẳng lâu nữa, sẽ có một chiếc máy bay chở em tôi bay thẳng lên bầu trời rộng lớn, bỏ lại hết những thứ còn dang dở để đến một vùng đất xa xôi trong sự hoang mang vô định.
Qua lời kể của nó thì tôi biết rằng đó cũng chẳng phải nơi phồn hoa như chúng ta thường hay gặp trên các bộ phim. Nó thật sự là chốn hoang vu với xung quanh ngút mắt là đất, là cây. Giả như nơi ấy đông đúc, sầm uất, có chăng sẽ làm con người bớt cô quạnh, nhưng mãi cũng chỉ thấy lác đác mấy ngôi nhà khiến không gian càng rộng lớn, con người thêm bé lại. Những gì tôi băn khoăn lo lắng lúc ban đầu không phải không có cơ sở, quả thật phải ở mức thế nào thì mới không thể lấy vợ trong nước, lấy cái mác ngoại quốc để đi tìm vợ.
Tương lai xán lạn đâu chẳng thấy chỉ thấy những ngày tăm tối sắp bắt đầu. Em tôi đến ngày sinh, hắn bỏ mặc nó ở nhà cho chị dâu chở đi bệnh viện. Hai chị em đường xá không rành nên đi lạc đường. Tôi ở nhà mà lòng như lửa đốt, khi đến nơi thì ối cạn, ngay lập tức được chuyển vào phòng cấp cứu. Tối đến tôi thấy tin nhắn: “Em sinh rồi, hai mẹ con khỏe, chị không phải lo”. Tôi thở phào, cũng không nói gì nhiều, chỉ bảo nó nghỉ ngơi, nhưng quả thật lúc đó tôi giận lắm, chỉ ước có thể trước mặt tên chồng vô tâm kia mà mắng cho một trận. Nhưng làm sao được chứ, tôi đâu có gặp được hắn, mà có gặp được cũng đâu có nói cho hắn hiểu được, cảm giác bất lực bao trùm.
Sinh con chưa đầy tháng, mẹ chồng bắt nó ra đồng làm việc. Trời đổ cơn mưa, nước mưa cũng vô tình như lòng người, cứ liên tục xối xuống, làm cho thân hình nó nhỏ bé, yếu đuối đến đáng thương đến đáng thương. Nó gầy đi nhiều.
Rồi sau bao ngày đấu tranh, nó cùng chồng cũng được dọn ra ngoài sống, những tưởng cuộc sống sẽ phần nào dễ chịu hơn. Nhưng ngờ đâu bất hạnh cũng chỉ bắt đầu. Chồng nó đi biệt, mấy ngày mới về một lần. Hắn bảo:
“Nói thẳng ra cô cũng vì tiền mới lấy tôi, vậy cũng đừng đỏi hỏi ở tôi sự quan tâm như một người chồng”.
Bầu trời như sụp xuống dường như một bức tường vừa mới được xây lên đã ngay lập tức bị đạp đổ, vỡ vụn trước mắt em tôi. Nó chất vấn:
“Anh đã không cần một người vợ, anh còn lấy tôi làm gì?”
Hắn cười, không nói gì và lại đi. Đến tận bây giờ, câu hỏi đó vẫn còn xoáy sâu trong tâm trí tôi, có thể anh ta không giàu có, nhưng anh ta cũng cần một gia đình chứ. Nếu không sao anh ta lại phải lấy vợ sinh con rồi bỏ bê hai số phận nhỏ bé đó, để cho họ tự chống chọi với nghiệt ngã cuộc đời?
Lấy chồng mấy năm mà nó không được về thăm nhà, và thực tế là cũng chẳng thể giúp đỡ gia đình như mục đích ban đầu. Chồng nó không còn đưa tiền chi tiêu trong nhà, nó tự đi làm để lo tiền học, tiền ăn, tiền thuốc men cho con, con ốm tự đưa đi viện, tự chăm con, tự chi trả viện phí. Một đứa ngoan cố và ngang ngạnh như nó học cách để nhẫn nhịn, học cách thỏa hiệp, nó đang cố gắng xây dựng một gia đình đúng nghĩa. Vậy mà, mặc cho những gì nó đang làm, hắn vẫn vô tâm chà đạp lên tất cả sự cố gắng của em tôi.
Hắn ta ngoại tình. Một người không đủ khả năng nuôi vợ con nhưng lại có khả năng ngoại tình. Không những thế hắn còn mặt dày xin tiền vợ, không xin được, hắn đã trộm lấy con heo tiết kiệm của đứa con và để lại dòng tin nhắn: “Tiền trong con heo là tôi lấy đi. Tôi sẽ trả lại cho cô sau”. Tôi vẫn cứ nghĩ những con người như thế chỉ tồn tại trong phim - một con người nhân cách xấu xa được vẽ lên chỉ với mục đích làm nổi bật nhân vật chính. Vậy nhưng nó thực sự tồn tại và hơn nữa còn tồn tại trong chính cuộc sống của em gái tôi.
Đã rất nhiều lần nó nói với tôi về mong muốn ly hôn, nó mệt mỏi và muốn được giải thoát. Nhưng nó không dám làm, bởi nó sợ gia đình thất vọng, sợ lỡ dở thanh xuân, sợ người đời đàm tiếu. Nó bằng lòng với cảnh “Có chồng hờ hững cũng như không” cho đến ngày chính miệng hắn nói:
“Chúng ta vẫn sẽ sống cùng nhau nhưng mỗi người có cuộc sống riêng, cô không được can thiệp vào chuyện của tôi. Khi nào con bé được 5 tuổi, chúng ta ly hôn”.
Vậy là một câu nói đã chấm dứt tất cả những hi vọng, những giấc mơ chưa kịp thành hình đã vội tan, hạnh phúc hư ảo sẽ không bao giờ trở thành sự thật. Hạnh phúc ai cũng muốn có, nhưng hạnh phúc là gì? Hạnh phúc vốn muôn hình vạn trạng, định nghĩa về hạnh phúc của mỗi người là khác nhau. Vì vậy trên con đường đi tìm hạnh phúc, chúng ta có thể có những lựa chọn sai lầm.
Nó đã chọn từ giã tuổi trẻ, buông bỏ hoài bão, đánh rơi cơ hội có được cuộc sống an yên ở quê nhà để đánh đổi tương lai mờ mịt mông lung nơi đất khách. Đó cũng là cái giá đắt mà nó phải trả cho những nông nổi bồng bột tuổi trẻ.
Tôi bảo:
“Về nước đi còn có gia đình, còn bố mẹ, còn anh chị”.
Nó cười:
“Chị nghĩ em dám về sao? Em không cần mặt mũi nhưng bố mẹ cần chứ. Một đứa như em, nói thẳng ra là đã bỏ quê để mong đổi đời, giờ lại mặt dày về nước với hai bàn tay trắng ư? Không đâu, em chẳng dám ngẩng đầu, giờ em chẳng còn con đường nào khác ngoài việc bám trụ lại mảnh đất này. Em sẽ cố gắng sống thật tốt ở đây”.
Tôi có thể nghe thấy trong giọng nói ấy chứa đựng cả những bi thương và bất lực, nhưng hơn hết chính là nghị lực, là sự kiên cường và quyết tâm. Cuộc sống của nó cho đến thời điểm đó không có màu hồng, nhưng chính vì sống trong gam màu tối mà nó càng thấu hiểu cuộc đời, điều đó giúp nó trưởng thành sớm hơn và mạnh mẽ hơn.
Tương lai của nó vẫn là do nó quyết định, nhưng lần quyết định này lại với một tâm thế khác, tâm thế của một người chủ động. Không chỉ chịu trách nhiệm về bản thân mà còn là trách nhiệm với cả thiên thần nhỏ bé của nó, nguồn sống của nó, hạnh phúc lớn nhất nó có được từ khi đến với mảnh đất ấy.
Ngày ra tòa của nó cũng đến, vì đã chuẩn bị tâm lý từ lâu nên mọi thứ diễn ra đều nhanh chóng và nhẹ nhàng. Nó gọi cho tôi, giọng nói đều đều bình thản:
“Thời tiết hôm nay thật đẹp chị ạ. Cảm giác thật là thư thái”.
Tôi nhoẻn miệng cười nhìn vào màn hình điện thoại phía bên kia, một gương mặc dù còn phảng phất nét buồn nhưng đôi môi cũng đang vẽ lên một đường cong. Đã lâu rồi nụ cười của nó không được tự nhiên như thế.
Vào lúc đó tôi tin vào một ngày không xa khi những chồi non bắt đầu nhú lên sau mưa bão, nó sẽ mạnh mẽ kiên cường không dễ gì quật ngã. Giống như em tôi, người con gái đã gần như bước vào cuộc đời với những vấp ngã to lớn hơn cả dáng người của nó. Nó sẽ hiểu hạnh phúc quý giá sẽ đến vào ngày mai nếu hôm nay đứng lên mạnh mẽ.
Vào lúc đó tôi mãnh liệt tin rằng chỉ cần chúng ta có tình yêu và lòng dũng cảm thì hạnh phúc sẽ không bao giờ rời bỏ. Có thể hạnh phúc đang ở một nơi nào đó thật đẹp và những ai không gục ngã sẽ sớm có được thôi.
© Hoa Tuyết – blogradio.vn
Xem thêm: Dành cả thanh xuân để yêu một người
Bài tham dự cuộc thi viết. Để bình chọn cho bài viết này, bạn hãy nhấn like, share và để lại bình luận cảm nhận của mình. Thông tin chi tiết về cuộc thi, mời bạn tham khảo tại đây.
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em
Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.
Lá thư gửi đến thiên đường
Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.
Đắng cay
Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân
Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi
Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.
Đơn phương yêu một người
Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.
Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?
Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?
Câu chuyện về một nhà thơ…!
Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.
Vì anh còn thương em
Tất cả khiến anh lặng người, thơ thẩn vì mải mê đắm chìm trong quá khứ, trong nụ cười, ánh mắt em. Anh không muốn trở về với thực tại tàn khốc rằng chuyện tình mình đã kết thúc tự bao giờ, rằng anh đã mất em thật rồi.
Ai là bạn trong cuộc đời?
Hãy để những ước mơ dẫn dắt bạn, vì chúng sẽ giúp bạn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống và cung cấp động lực để bạn tiếp tục tiến bước.
Ánh nắng chiếu
Anh nhớ em một ngày cuối hạ Cho tình yêu gọi giấc mơ về Anh nhớ em một tình yêu lạ Mà sao lòng anh vẫn còn yêu