Phát thanh xúc cảm của bạn !

Đường xa xa mãi

2023-12-04 04:55

Tác giả:


blogradio.vn - Anh cũng không nhớ bàn tay anh đã in dấu lên bao nhiêu công trình, bao nhiêu ngôi nhà. Anh không thể nhớ bàn chân anh đã đi qua biết bao vùng đất khác nhau, biết bao dự án lớn nhỏ khác nhau, anh chỉ biết cuộc sống của anh gắn liền với công việc từ đó.

***

Anh ngước nhìn phía trước. Mới ngày nào anh bước đến đây thì nơi đây còn là một bãi đất hoang vắng, cây cối lau sậy mọc um tùm, vậy mà thoắt cái thời gian trôi qua gần hai năm, bây giờ nó đã mọc lên một tòa nhà thật cao và thật to lớn như thế. Anh mỉm cười thấy nhẹ nhàng trong lòng, vậy là nhiệm vụ của anh cũng gần xong. Chỉ còn hơn tháng nữa là anh phải rời đi, đang có một dự án mới một công trình mới khác đang chờ anh, ở một nơi khác.

Có tiếng động sau lưng, anh quay lại, đó là thằng cu Toàn, sao hôm nay nó đến sớm vậy không biết.

- Con chào chú, chú thức dậy sớm quá vậy?

- Còn con sao đến sớm vậy hả, đã ăn sáng chưa?

- Con có mua theo bánh mì, chú ăn cùng con nhé.

- Không, chú cảm ơn, chú cũng có bánh mì trong kia rồi.

Anh nhìn nó ngồi chồm hổm bên một gò đất cao vừa ăn vừa nhìn xung quanh mà cứ nhớ đến hình ảnh anh cách đây mấy chục năm về trước. Ngày đó anh cũng đen nhẻm cũng mười mấy tuổi như nó bây giờ, cũng theo ba để học nghề và làm nghề luôn. Mà anh còn thảm hơn nó bây giờ nữa, là chẳng có ai chăm sóc cứ một mình anh thui thủi ngày đêm.

Cách đây mấy chục năm, anh là một thằng bé mười mấy tuổi. Lúc đó anh đang học lớp mười thì buộc phải nghỉ học vì gia đình anh chẳng còn khả năng cho anh học tiếp tục. Ba anh làm công việc phụ hồ chỉ đủ nuôi sống ba người trong nhà. Mà đâu phải công việc lúc nào cũng có lúc nào cũng liên tục, có những tháng không có công việc ba anh phải nghỉ không ở nhà, rồi cả nhà lại mong lại nhìn vào những đồng tiền ít ỏi buôn bán lặt vặt của mẹ anh ngoài chợ. Vì sức khỏe mẹ anh vốn rất yếu nên mẹ làm được gì là mẹ cứ làm, cũng may sao việc buôn bán của mẹ cũng thuận lợi, cũng đắt hàng nên trong nhà cũng có cái để ăn. Nhưng năm anh học lớp chín thì mẹ anh bệnh nặng, cần một số tiền rất lớn để chữa mà gia đình biết lấy đâu ra. Cuối cùng ba anh đành chấp nhận cầm cố ngôi nhà để có tiền lo cho mẹ, nhưng cũng chỉ giữ được mẹ lại khoảng hơn một năm là mẹ anh đi, mãi mãi rời xa ba con anh.

Ba anh trở nên trầm lặng và ít nói sau sự ra đi của mẹ, anh thấy tóc ba cứ mỗi ngày mỗi bạc nhiều hơn. Anh quyết định nghỉ học, anh muốn đi làm giống ba để tự lo cho bản thân mình. Anh nói với ba mong muốn đó, còn ba anh phải làm để còn trả nợ ngân hàng với số tiền đã lo cho mẹ để còn lấy lại giấy tờ ngôi nhà. Là tài sản duy nhất có giá trị, là nơi để hai ba con chui ra chui vào mỗi ngày và che mưa che nắng cho hai ba con.

Ba anh đồng ý.

Anh biết ba cũng rất mệt mỏi vì những khó khăn vất vả của cuộc sống gần như đã đeo bám theo ba suốt bao nhiêu năm qua. Mà sao nhiều lúc nghĩ lại anh thấy cái nghèo cứ như muốn bám riết gia đình anh vậy, không chịu rời đi. Gia đình anh lúc đó thuộc diện hộ nghèo nhất trong khu phố. Rồi từ ngày anh đi làm anh đã có thể tự lo cho mình từ những đồng tiền ít ỏi và nhỏ nhất. Lúc đó anh không sướng như thằng cu Toàn bây giờ vì người ta trả công cho anh theo ngày, và bởi vì anh còn quá nhỏ và đang học nghề, nên cứ đến công trường. Lúc đó anh nghe ba anh nói vậy, là làm việc ở công trường, là người ta sai gì là anh làm nấy. Anh giống như người phụ việc người giúp việc, là chân chạy việc cho mọi người ở công trường. Rồi ông chủ, anh gọi theo cách gọi của ba, đã chấp nhận cho anh vào làm vì anh năn nỉ dữ quá. Nhưng ông ta nói anh chưa đủ tuổi lao động và đang học việc nên chỉ trả công theo ngày, sau khi có thể làm vững và thành thạo rồi thì mới được tính lương tháng như những người khác. Anh nghe mà mừng đến chảy nước mắt vì anh cũng chỉ mong có vậy, vì lúc đó anh mới mười mấy tuổi, trong mắt mọi người anh là một đứa con nít không hơn không kém.

Cũng từ những ngày là con nít đó, anh đã có thể tự lo cho mình, không còn phụ thuộc vào ba để ba anh nhẹ gánh hơn và dành dụm được để chuộc giấy tờ nhà về.

Anh học nghề phụ hồ của ba và của mấy chú ở đó, nơi người ta gọi là công trường, được hơn sáu tháng là anh đã thạo việc. Nhiều khi anh nghĩ có khi nào mẹ anh đã linh hiển phù hộ cho anh không, vì ai cũng ngạc nhiên vì anh học và làm rất giỏi, rồi anh cũng được hưởng lương tháng giống ba anh và những người khác. Khi công trường đã hoàn thành xong thì cũng là lúc ông chủ ở đó giới thiệu anh cho một công trình khác. Mà khi anh đến nhận việc thì anh mới biết đó là một dự án rất lớn và người ta chỉ tuyển chọn những người có tay nghề chuyên môn cao mà thôi.

Lúc đó trong mắt mọi người anh đã là như vậy, là một người thợ không hề có bằng cấp không hề được đào tạo qua trường lớp, chỉ theo học lóm những bài học nhỏ nhất đến lớn nhất trong công việc. Từ một thằng bé chạy việc luân phiên cho mọi người, giờ đây anh đã rất chắc rất vững trong công việc rồi, và cao nhất là anh đã tràn đầy tự tin trước công việc.

Anh cũng không nhớ bàn tay anh đã in dấu lên bao nhiêu công trình, bao nhiêu ngôi nhà. Anh không thể nhớ bàn chân anh đã đi qua biết bao vùng đất khác nhau, biết bao dự án lớn nhỏ khác nhau, anh chỉ biết cuộc sống của anh gắn liền với công việc từ đó. Từ ngày anh được ông chủ của công trình đầu tiên nơi anh làm đã tốt bụng giới thiệu anh, cho anh môt công việc tiếp theo, và cứ theo ngày tháng anh dần yêu thích và đam mê với công việc. Từ một thằng bé mười mấy tuổi chỉ đau đáu và nặng lòng với suy nghĩ phải đi làm để có tiền tự nuôi sống mình, phải tự lập đi thôi chứ không thể là gánh nặng mãi cho ba mình. Anh đã trưởng thành đã lớn lên và bắt kịp với yêu cầu của công việc cũng rất nhanh.

Anh cũng không nhớ từ lúc nào người ta luôn ghi tên anh ở hàng đầu tiên, nghĩa là anh luôn rất đắt sô với những dự án, và anh cứ miệt mài như thế. Đó là chưa nói giờ đây ba anh cũng đã đi xa, cũng đã theo mẹ anh từ lâu, mà anh cứ rày đây mai đó chẳng có nơi nào ổn định. Còn ngôi nhà anh cứ đóng cửa như thế chứ chẳng cho ai thuê, rồi anh nhận ra cứ nơi nào anh đến thì đó là nhà. Mà anh cũng chỉ có một thân một mình, lại rất đơn giản trong chuyện sinh hoạt cá nhân nên ở đâu anh cũng có thể sống được.

Nắng đã lên rất cao rồi, xung quanh anh người ta đang khẩn trương vào việc, sáng nay anh phải đi kiểm tra tất cả các tầng. Mà dự án này cũng là dự án có bàn tay của anh đặt vào đầu tiên, anh bồi hồi nghĩ đến ngày anh phải xa nó. Cũng giống như tất cả những nơi anh đã đến và làm công việc của mình là xây dựng những ngôi nhà, có to có nhỏ có đẹp nhiều có đẹp ít thì anh vẫn tâm niệm một người thợ xây như anh phải làm hết cái tâm và làm hết sức mình. Vì anh thấy có nhiều nơi người ta xây sao mà chỉ có mấy năm sau là nhà cửa xuống cấp. Anh muốn những nơi có anh đến và đặt tay vào đặt cả niềm đam mê vào thì nơi đó phải được vững chắc thật lâu, phải được mọi người vui vẻ và hài lòng dù họ chẳng biết anh là ai.

Ngoảnh đi ngoảnh lại mà anh đã hơn bốn mươi rồi, cũng chẳng vợ con gia đình gì hết, cứ mê mải cứ miệt mài đôi chân trên khắp các ngả đường. Mà anh cứ cảm giác anh càng đi, anh càng làm, anh càng xây nhiều ngôi nhà khác nhau thì con đường phía trước của anh cứ như dài thêm ra mãi, con đường của một người thợ xây. Mà người ta đã khâm phục gọi anh như thế, là thợ chuyên môn có tay nghề cao dù anh chẳng có một mảnh bằng cấp nào để vắt vai. Cứ mỗi lúc tạm biệt một nơi này để đến một nơi khác thì anh lại thấy con đường của một dự án khác, của một công trình khác đang trải dài trước mắt, đang vẫy gọi anh phía trước. Và qua nhiều lần nhiều năm như thế, qua bao nhiêu vùng đất khác nhau như thế, anh thấy tự hào với công việc anh đang làm, anh thấy con đường của tương lai. Bây giờ anh đã chắc chắn nói được như thế, là con đường tương lai của anh cứ xa xa mãi, sẽ chẳng có điểm dừng. Mà anh chỉ dừng tạm thời vậy thôi để những ngôi nhà mới được mọc lên được mọc lên nhiều nữa, rồi anh sẽ lại bước đi, xa hơn, xa hơn nhiều nữa, cứ xa mãi xa mãi. Nên nhiều lúc anh thấy vui vì sự có mặt của mình ít nhiều đã ghi dấu trên nhiều vùng miền của đất nước.

Anh xúc động nhìn lên cao lần nữa, đã tạm biệt một thời còn ngơ ngác còn nhiều sợ sệt khi bước vào đời, khi bước vào nghề. Rồi anh còn vui vì được chỉ dẫn, được dẫn dắt nhiều em nhỏ khác cũng tiếp bước theo anh để học nghề, để sinh sống. Anh cũng hay tâm sự và nói hết những nỗi niềm của mình trong công việc cho các em ấy biết. Anh nói làm nghề nào cũng vậy, nếu mình không yêu thích, nếu mình không có đam mê thì sẽ không trụ lâu với nghề được đâu. Và làm nghề nào cũng cần có cái tâm cũng cần đặt vào đó lòng yêu thương thì mình mới mong tồn tại dài lâu được.

Anh đang đứng ở tầng cao nhất của tòa nhà. Rồi đây sẽ có hàng trăm con người đến đây sinh sống, họ cũng sẽ đón nhận niềm vui được về ngôi nhà mới giống như niềm hạnh phúc anh gởi lại cho họ qua từng viên gạch, qua từng bàn tay anh đặt vào khắp nơi của tòa nhà này. Với anh vậy là hạnh phúc trọn vẹn rồi, còn nhiều người hay hỏi anh chuyện riêng tư thì anh chỉ cười. Có lẽ cuộc sống của anh đã được định hình như vậy nên anh cứ sống và cứ theo mãi. Giống như những con đường anh đi và sẽ đi vào những ngày mai, cứ càng đi càng xa, cứ càng xa thì lại càng xa nữa, xa mãi. Mà sao anh lại thấy yêu rất rất yêu con đường anh đang đi, anh không biết nó sẽ dài đến đâu, anh không biết nó sẽ xa đến đâu, anh chỉ biết anh cứ bước. Và sau khi kết thúc những bước chân cũng là kết thúc một chặng đường một công trình hay một dự án, thì sẽ có rất nhiều niềm vui mới và niềm hạnh phúc mới của bao người được hiện diện.

Hơn một tháng nữa, anh phải rời đi rồi, nhưng công việc của anh là vậy, cuộc đời của anh là vậy, là những chuyến đi xa, và xa mãi trên những con đường.

© HẢI ANH - blogradio.vn

Mời xem thêm chương trình:

Cứ Bước Vào Trạm Nghỉ Chân Nếu Bạn Đang Mệt Mỏi | Blog Radio Chữa Lành

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Hè còn đến

Hè còn đến

Con đường mùa hè của đứa trẻ còn quê là xuống bếp, lên nhà rồi ra vườn, chạy ra đồng rồi lấm lem ra về. Quãng đường này tôi đã đi mòn mấy mùa hè trước và thêm mùa này nữa cũng coi như trọn vẹn thời học sinh.

Em ra phố

Em ra phố

Sáng nay cô ra phố, Bích Loan thấy nhớ nôn nao chiếc xe bánh mì và câu nói của mẹ, mình chuẩn bị ra phố thôi con, dậy đi. Bây giờ cô cũng đang ra phố đây, cũng con hẻm quen thuộc cũng những ngôi nhà những gương mặt quen thuộc của biết bao người, cũng con phố đã bên cô bao năm tháng ngày xưa, mà sao hôm nay cô thấy thân thương lạ.

Mẹ dạy con

Mẹ dạy con

Mẹ dạy con, dạy biết bao điều Mẹ dạy nhiều, con nhớ bao nhiêu? Lời mẹ dạy, con chẳng thèm giữ Vì lời mẹ cũng chẳng dễ nghe.

Trong 3 tháng tới, 4 con giáp này lội ngược dòng thành công, thu về nhiều tiền bạc lẫn chuyện vui, đặc biệt là chuyện tình cảm ngọt ngào

Trong 3 tháng tới, 4 con giáp này lội ngược dòng thành công, thu về nhiều tiền bạc lẫn chuyện vui, đặc biệt là chuyện tình cảm ngọt ngào

Ai cũng mong vận may của mình sẽ thuận buồm xuôi gió trong cuộc đời, đặc biệt là về mặt sự nghiệp, tài lộc. Ba tháng tới sẽ là khoảng thời gian may mắn đối với bốn con giáp này. Họ sẽ có những chuyển biến tốt hơn, sự nghiệp thăng tiến và họ cũng có thể đạt được sự giàu có bất ngờ. Hãy cùng xem 4 con giáp này sẽ tận hưởng vận may như thế nào trong những ngày tới nhé.

Vượt qua niềm đau

Vượt qua niềm đau

Tôi nhận ra anh cũng thích tôi giống như tôi đã thích anh vậy. Phải chi tôi đủ dũng cảm để nói ra hết mọi chuyện với anh thì giờ đây tôi không phải hối hận nhiều đến vậy.

Viết về tuổi 22 của chúng ta

Viết về tuổi 22 của chúng ta

Tuổi 22, nơi mà một người trẻ cảm thấy mình nhỏ bé giữa vũ trụ bao la của ước mơ và khát vọng, nhưng cũng không thể tránh khỏi áp lực thời gian và nỗi đau của sự thất bại.

Mơ

Chẳng hiểu sao những ngày đó cô có thể mơ những cái mơ lạ lùng như vậy, toàn là mơ những chuyện quá sức mình, vậy mà cũng mơ được. Vậy là thêm một lần mơ nữa vẫn cứ là mơ chứ cô không biến mơ thành thực được.

Top 5 dòng sách chữa lành đang được ưa chuộng

Top 5 dòng sách chữa lành đang được ưa chuộng

Hiện nay, 5 thể loại sách chữa lành được độc giả ưa chuộng gồm sách khám phá bản thân, phân tích hành vi, kỹ thuật giảm căng thẳng, phát triển kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp.

Lỡ như ta yêu nhau thật nhiều (Phần 4)

Lỡ như ta yêu nhau thật nhiều (Phần 4)

Mỗi người một nơi, không ở cạnh nhưng luôn nghĩ về nhau, trái tim của hai đứa trẻ ấy vẫn luôn hướng về đối phương. Người ta hay nói “Xa mặt cách lòng”, giá như nó đúng với câu chuyện này thì hay biết mấy, sẽ không có hai người yêu nhau mà ôm nỗi tương tư như thế.

Gia đình tôi có một thành viên mắt màu hổ phách

Gia đình tôi có một thành viên mắt màu hổ phách

Tôi nhớ mỗi tối nằm trong chăn ấm đều thiếp đi khi ngắm nhìn nó cuộn tròn ấm áp bên cạnh cái đèn ngủ bể cá giả sủi khí đưa đẩy những con cá nhựa lên xuống trong ánh sáng mờ màu xanh lam. Có lẽ đó là những năm tháng bình yên, vui vẻ nhất trong tuổi thơ của tôi và nó, cũng là những năm tháng mà tình bạn của chúng tôi gắn bó keo sơn nhất.

back to top