Phát thanh xúc cảm của bạn !

Dạy con ngưng hi sinh, dạy con biết thương mình!

2024-03-27 17:05

Tác giả: Châu Anh


 

blogradio.vn - Cha mẹ có thương con hay không? Chắc chắn là có. Nhưng nó không lớn đến nỗi cứ hi sinh và không mong nhận lại như mọi người hay lầm tưởng hoặc lảng tránh sự thật. Thực chất thứ họ cho đi là một tình thương có điều kiện chứ không hẳn là hi sinh.

***

Viết cho tôi, cho bạn, cho các bậc làm cha làm mẹ và cả những non nớt ngoài kia chưa kịp lớn đã phải vội trưởng thành.

Đôi dòng tâm sự của một đứa con đã và đang làm mẹ…

Trong cái tiết trời se lạnh hanh khô của miền nam tháng 12, Noel gần kề, đứa nhỏ năm nào giờ đã lớn, cũng chẳng còn cảm thấy quá háo hức với những cuộc vui, những ngày lễ sắp đến và đi qua. Nó ngồi trước màn hình máy tính, nhớ về mùa đông Hà Nội của 8 năm về trước - cái mùa đông dưới 10 độ C nhưng đâu đó vẫn còn ấm hơn lòng người. Năm đó, với tất cả sự cố gắng của một học sinh cấp 3, nó lọt vào đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh và cuối cùng được chọn để tham gia kì thi học sinh giỏi Quốc Gia. Bất ngờ, vui mừng, hạnh phúc xen lẫn tạo nên một mớ cảm xúc hỗn độn mà đến mãi những năm tháng sau này nó vẫn không thể nào quên được. Đối với những đứa con được sống trong một điều kiện bình thường đủ cha đủ mẹ, chuyện có thêm một vài phần thưởng bất ngờ từ sự cố gắng của mình chỉ đơn giản là niềm vui. Còn đối với nó khi đó - một đứa thiếu thốn đủ bề, cha tâm thần, một mình mẹ bươn chải để con cái có miếng ăn thì kết quả khi đó là nguồn động lực rất lớn để nó tiếp tục những tháng ngày học tập.

Nó lọt vào top 6 trường Chuyên, sáng học tối đi làm, năm đó 16 tuổi. Cực khổ, vất vả nhưng vì nó tin bản thân sẽ làm được cái mà người ta không thể. Rồi lịch trình ôn thi quốc gia dày đặc, đi làm thì vẫn phải đi, vì nó sợ nếu không làm liệu mẹ còn nuôi nó nổi không hay cũng phải đứt gánh giữa đường, dang dở tương lai dài đằng đẵng phía trước. Học nhưng vẫn được trả tiền qua mỗi buổi luyện thi, đi làm ở ngoài không đáng là bao, nhưng với sức của đứa nhỏ 16 17 tuổi khi đó, đã là tất cả những chuyện có thể làm để giúp đỡ gia đình rồi. Ngày nó mang tiền ôn thi về đưa mẹ và thông báo với mẹ rằng đã nhận được một vé đến Hà Nội để học chuyên sâu cho kì thi sắp tới, nó nghĩ mẹ sẽ vui nhưng nhận lại được chỉ là những lời trách móc từ mẹ. Tại sao lại không mang trọn số tiền ôn thi về? Tại sao chỉ có một nửa? Tại sao phải trích tiền đi Hà Nội để học tiếp làm gì, nhà mình nghèo đâu cần phải tham gia kì thi này kì thi nọ? Tiền học nhà trường cấp cho, mẹ đã tính toán hết rồi, giờ thiếu một phần, mẹ phải làm sao…? Và vô vàn những lời trách cứ mà khi tai ù đi, đầu óc trống rỗng, nó không còn nhớ nổi nữa.

Bạn biết không, cái cảm giác ấm ức, cái cảm giác đã cố gắng hết sức để phụ giúp gia đình, một chút sức lực nhỏ nhoi cuối cùng đã bị mẹ dập tắt hoàn toàn. Nó biết mẹ hi sinh nhiều, nên cố gắng giúp đỡ mẹ, nhưng những lời trách móc của mẹ làm nó hiểu, cái nó cố gắng vẫn không đủ so với cái mẹ cần. Nó thương mẹ, và nó ước mẹ đừng HI SINH, vì nếu không hi sinh thì chỉ cần nó cố gắng xíu xiu thôi mẹ cũng đã vui vẻ công nhận rồi. Đồng tiền khắc nghiệt, nó hiểu, và kí ức đó đã trở thành vết sẹo mà mãi về sau này không gì có thể xóa hết được, ngay cả tình yêu thương. Nó chọn giữ lại những điều không vui, viết ra những dòng này để gửi đến bạn đọc, mong các bạn khi lật giở từng câu chữ có thể thêm một phần nỗ lực để bớt đi những chông chênh trên con đường trưởng thành của các bạn. Và đối với những người mẹ, xin hãy chậm lại vài bước chân, để hiểu một chút nữa con mình…

Tại sao phải hi sinh?

Trong quan niệm của người Việt nói chung, tình yêu thương của cha mẹ là bất di bất dịch, như núi cao sông dài, không gì có thể thay đổi được, liệu có còn đúng không? Và cha mẹ hi sinh cho con không mong cầu bất cứ thứ gì từ con cái, liệu có phải là nhất quán toàn bộ xã hội hay không? Đối với tôi vẫn còn là một dấu chấm hỏi.

Mọi người hay bảo nhau rằng cha mẹ sinh con ra, chỉ mong con khỏe mạnh bình an, ngoài ra không mong cầu gì cả. Và sự hi sinh của cha mẹ, nhịn ăn nhịn mặc lo cho con cũng chằng cần hồi đáp từ con, miễn con sống vui là đủ. Tôi nghĩ không hẳn là vậy, bởi vì cá nhân tôi cảm thấy, mọi người đang nhầm lẫn giữa hi sinh với một tình thương có điều kiện.

Chúng ta định nghĩa về hi sinh trước nhé, hi sinh chính là “hiến tế” trong quan niệm của người xưa, ý kiến được góp nhặt từ góc nhìn của tiến sĩ Bùi Trân Phượng trong một chương trình mới phát sóng gần đây. Hi sinh trong chiến tranh là một mạng đổi lấy một góc trời bình yên cho đất nước, hi sinh theo nghĩa thực là một sinh mạng mất đi để mang lại một cái gì tốt đẹp, lớn lao hơn cho những người ở lại. Vậy tại sao lại thần thánh quá chuyện cha mẹ hi sinh cho con cái để vô hình chung tạo thành một quai gánh quá nặng nề trên vai những đứa con sắp và đang trưởng thành. Trong khi cha mẹ chỉ là một người quá đỗi bình thường có vui buồn sân hận, đâu thể cứ bất di bất dịch giữ một tình thương vô bờ trong giông bão. Thay vì hi sinh, tại sao chúng ta không gọi đó là trách nhiệm. Trách nhiệm của những người đã quyết định tạo ra, thai nghén, nuôi nấng và dưỡng dục con mình. Trách nhiệm của đấng sinh thành đối với một đứa nhỏ được bản thân mình chọn lựa sinh ra - và trách nhiệm của một cá thể hoàn toàn chủ động đối với một cá thể hoàn toàn bị động đến với cuộc đời này. Xin đừng gắn mác hi sinh!

Cha mẹ có thương con hay không? Chắc chắn là có. Nhưng nó không lớn đến nỗi cứ hi sinh và không mong nhận lại như mọi người hay lầm tưởng hoặc lảng tránh sự thật. Thực chất thứ họ cho đi là một tình thương có điều kiện chứ không hẳn là hi sinh. Muốn biết rõ đến mức độ nào, bạn cứ đi thử một vòng những người xung quanh và làm một bài kiểm tra nho nhỏ với một câu hỏi: ”Anh chị đã yêu con mình như thế nào?” Và kết quả tôi tin sẽ khiến bạn bất ngờ. Câu trả lời luôn luôn là: Tôi nuôi con tôi, vì con như thế này, không mong con thế này, chỉ mong con thế nọ…” Như vậy đã là có điều kiện rồi đúng không. Tại sao không nói tôi nuôi con đến lớn và từ lúc đủ tuổi chịu trách nhiệm trước pháp luật tôi đã không mong cầu gì từ con rồi. Đấy mới chính là yêu thương không điều kiện. Và hi sinh, mọi người vẫn có thể dùng nhưng mong hãy nhìn nhận và hạn chế lại. Thay vào đó chúng ta hãy lo cho con bằng trách nhiệm, cảm giác sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều, đối với người cho đi và cả người nhận được.

Trong các diễn đàn mà tôi theo dõi gần đây, có một vài chia sẻ của những bạn trẻ trong khoảng tầm 20-25 tuổi, cái độ tuổi không lớn không nhỏ nhưng đã có đầy đủ nhận thức và chập chững trên con đường trưởng thành: “Giá mà cha mẹ đừng hi sinh”. Một câu nói ngắn gọn, nhưng xót xa. Có thể khi mới bắt đầu nghe, có một bộ phận sẽ cảm thấy khó chịu vì tại sao đứng ở góc độ con cái mà có thể nói ra câu nói dường như phủ nhận hết mọi công sức của cha mẹ như vậy. Nếu không hi sinh cho con làm sao con đủ ăn đủ mặc, được một môi trường tốt để học tập và lớn lên. Nếu không hi sinh thì làm sao con có thể đứng đó và có đầy đủ nhận thức để nói ra những lời như vậy, tại sao không biết ơn…. Và vô vàn câu hỏi tại sao. Nếu thật sự các bạn là phụ huynh và đang đọc những dòng viết này và thực sự cảm thấy như vậy, tôi không chỉ trích các bạn vì tất cả những lý lẽ mà các bạn đưa ra là đúng, nhưng không hoàn toàn. Và xin các bạn hãy chậm lại một nhịp để nhìn nhận, thay vì tức giận, hãy cảm thông. Tại sao tôi gọi là cảm thông mà không phải là một từ ngữ hoa mỹ nào khác. Bởi vì cảm thông mới chính là cốt lõi của tình yêu thương, có cảm thông, có thấu hiểu mới có được tình yêu thương thật sự.

Các bạn có bao giờ thử hỏi tại sao mình hi sinh cho con nhiều như vậy mà con lại ước mình chưa từng hi sinh hay không? Một tâm lý rất đơn giản theo lẽ tự nhiên, người ta không muốn một sự việc nào đó đến với mình vì người ta thấy không thoải mái, hay chính xác là những cảm giác tiêu cực phát sinh mà cụ thể ở đây chính là nặng nề và áp lực. Nặng nề vì cha mẹ hi sinh nhiều quá, bỏ cả cuộc đời mình ra để ôm ấp nuôi nấng con mà không màng đến bản thân. Các bạn trẻ họ đang cảm thấy bản thân quá yếu ớt, vì quá yếu ớt nên phải nhận một tình thương vĩ đại như vậy để rồi chập chững bước vào cuộc đời, chập chững yêu, chập chững sống, và chập chững đối diện với bão giông, các bạn áp lực. Làm cách nào để có thể đáp lại tất cả tình thương mà người đi trước đã dùng cả mạng sống của họ để cho mình. Các áp lực đó được sinh ra rõ ràng từ tình yêu thương mà các bạn dành cho cha cho mẹ, nhưng khổ sở quá đúng không?

Thấy được những dằn vặt đó, những con người còn khờ dại non nớt kia phải bắt buộc lớn và trưởng thành với vô vàn trách nhiệm, gánh nặng và cả áp lực đồng trang lứa đang hiển hiện trong xã hội số ngày nay. Tôi chọn viết ra những dòng này, để các bạn hiểu rằng vẫn còn có tôi đồng hành trên con đường trưởng thành của các bạn. Mong những người đã và đang làm cha mẹ hãy dành một phần tâm tư đặt vào vị trí của con, và cũng mong cha mẹ hãy biết cách yêu bản thân và sống cho mình như cách đã dùng để yêu thương con. Để cha mẹ ngưng hi sinh, để con cái ngưng dằn vặt, để những đau khổ ngoài kia vơi bớt đi cho những bạn trẻ được sống cuộc đời của chính các bạn. Với hoài bão, với đam mê, và sống với một tình yêu thương không còn gánh nặng.

© Châu Anh - blogradio.vn

Mời xem thêm chương trình:

Một Ngày Nào Đó Em Sẽ Tìm Thấy Hạnh Phúc | Radio Tâm Sự

 

Châu Anh

Trưởng thành để thấy rằng bản thân mình vẫn còn khờ dại. Kiếp sống này có quá nhiều yêu thương sân hận, nhưng tôi chọn đứng ngoài để chia sớt những nỗi đau. Viết cho tôi, cho bạn và cho cả những non nớt ngoài kia chưa kịp lớn đã phải vội trưởng thành.!

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Là vì em yêu anh

Là vì em yêu anh

Em đã từng nghĩ rằng anh chỉ đến với em do cảm xúc nhất thời mà thôi. Chỉ sau vài tháng, anh sẽ nhận ra em không như những gì anh mong đợi thì anh sẽ tự rời xa em nhanh thôi. Vậy mà đã bao năm trôi qua, anh vẫn bên cạnh em như ngày nào.

Chuyện ngày mưa

Chuyện ngày mưa

Sau này lớn hơn chút thì tôi mới biết rằng, ai cũng có cuộc sống của riêng mình và người ta cũng không có quá nhiều thời gian để bận tâm đến bạn đâu; hơn hết bạn phải sống vì bạn chứ đâu thể để ý ánh mắt người ta nhìn mình được.

Đất và nước

Đất và nước

Nhưng nước ở đây, nước ở cái giếng nhà ông lại có thêm điều này nữa, đó là nước còn cho ông còn cho gia đình ông sự quyện chặt của tình thân của tình thương con người với nhau.

Mùa thu vắng em

Mùa thu vắng em

Vắng em rồi khung trời cũ quạnh hiu Anh thẫn thờ nhìn mùa thu vừa tới Nơi em đi là nơi xa vời vợi Nhớ em nhiều anh biết phải làm sao.

Người thầy đầu tiên

Người thầy đầu tiên

Khi nhận ra một đứa trẻ phát triển hành vi bị lệch lạc người ta sẽ tìm thấy nguyên nhân đầu tiên chính là bố mẹ đã không theo dõi, quan tâm sát sao và đúng thời điểm với con cái mình.

Hành trình cô độc của một bộ máy trên sao hỏa

Hành trình cô độc của một bộ máy trên sao hỏa

Chỉ có âm thanh của chính nó – tiếng bánh xe lăn trên cát, tiếng động cơ hoạt động – là những âm thanh duy nhất robot có thể nghe thấy. Trên hành tinh không sự sống này, robot trở thành kẻ độc hành trong vũ trụ rộng lớn.

Anh yêu Đất nước, anh yêu em

Anh yêu Đất nước, anh yêu em

Từ lời nói ngọt, từ nụ cười ánh mắt hay cả những cái nhíu mày khó coi của em đều khiến chàng trai trẻ bồi hồi, xao xuyến. Tình yêu anh dành cho cô ấy ngày càng lớn lên, chỉ đứng sau tình yêu anh dành cho tổ quốc.

Tự hào và yêu thương: những suy nghĩ về cộng đồng LGBT+

Tự hào và yêu thương: những suy nghĩ về cộng đồng LGBT+

Tại sao chúng ta không thể mở rộng lòng mình, chấp nhận sự đa dạng và yêu thương mọi người như họ vốn là? Nếu bạn đã từng yêu, bạn sẽ hiểu rằng tình yêu không có giới hạn, không có ranh giới. Vậy tại sao chúng ta lại đặt giới hạn lên tình yêu của người khác?

Đừng xấu hổ vì hoàn cảnh sinh ra ta

Đừng xấu hổ vì hoàn cảnh sinh ra ta

Bà không biết con có nhìn lại rồi dõi theo từng bước chân đi của bà không? Nhưng bà chỉ biết rằng bà vẫn âm thầm dõi nhìn theo con bước vào lớp học cùng với các bạn.

Mẹ còn trong trái tim con

Mẹ còn trong trái tim con

Mẹ còn trong trái tim con Còn trong hơi thở, mỏi mòn tháng năm Còn trong sâu kín nỗi buồn Còn trong vạt nắng chiều buông nhạt nhòa.

back to top