Phát thanh xúc cảm của bạn !

Cháo và kem Plan

2021-12-22 01:20

Tác giả:


blogradio.vn - Nó nhớ hồi nó mới học đại học năm đầu, nó than vu vơ là thèm cơm gà. Vậy mà ngoại lặn lội đi chợ mua đồ về làm cơm gà thật. Bà ngoại bây giờ thì không như vậy nữa. Cứ như thể mỗi năm qua đi, nó lại mất đi một chút của bà ngoại. Đó là lý do nó cố ép ngoại ăn.

***

Tô kem Plan để trong ngăn mát của tủ lạnh được hai ngày rồi. Mỗi lần nó mua cho bà ngoại ăn, bao giờ nó cũng kêu bỏ 5 cái kem Plan vào trong cùng một bì. Mặc kệ đã mấy lần bà ngoại kêu không được ăn nhiều trứng gà, không tốt đâu. Mặc kệ cho nó cũng nghĩ rằng ăn cùng một lúc quá nhiều trứng gà quả thật cũng không tốt lành gì. Nó từng đổ cả bốn cái trứng gà để ăn trưa. Ngán. Và sau vài ngày, nó thấy mình hơi thừa cân. Nhưng biết sao được. Nó đâu mua 5 cái kem Plan về để ngoại ăn cùng một lúc đâu. Bao giờ ngoại cũng sẽ để lại trong tủ lạnh ba, hoặc bốn cái để hôm sau ăn. Nó quá biết bà ngoại.

Ngoại có cái tật luôn khiến nó nổi điên lên cứ mỗi lần nó mua đồ ăn về. Ngoại ăn đâu vài muỗng, rồi sẽ than no. Kết quả là ngoại sẽ, hoặc là bỏ vào tủ lạnh để dành cho bữa sáng hôm sau, hoặc là sẽ lén nó đem đổ. Nó từng hét um lên với ngoại khi thấy ngoại đem đổ tô cháo vịt nó mua từ tối hôm trước. Rõ ràng là mới tối qua nó mua về, rồi ngoại ăn không hết, nên nó đành bỏ vào tủ lạnh. Rõ ràng là tô cháo không hư gì hết. Vậy mà ngoại nó nếm đúng một muỗng cháo đầu tiên, phán “Chua rồi!” rồi đem đổ nguyên tô cháo cho bà xách nước cơm heo. Nó tức không chịu nổi, bỏ lên nằm trên nhà trên. Hai bà cháu không nói với nhau nửa lời cho đến hai ngày sau. Nó lại lủi thủi đạp xe đi mua cháo về cho ngoại ăn đêm. Lần này, nó vừa trút cháo ra khỏi bì cho vào tô vừa “mát mẻ” với ngoại: “Ngoại mà không ăn hết là nhịn cháo từ giờ đó nhen! Con không bao giờ mua cháo cho ngoại ăn nữa đâu!”

Nó mua cháo cho ngoại ăn đêm ở tiệm này được bao nhiêu lâu rồi nhỉ? Nó nhớ từ hồi bà ngoại bị đau khớp không đi được hồi nó học đại học, nó đã mua cháo ở chỗ này rồi. Quán cháo gần trường đại học của nó. Bao giờ đi học buổi chiều về nó cũng ghé qua mua một tô mang về. Nhưng hồi đó ngoại còn khỏe. Ngoại không chỉ thích ăn cháo. Ngoại còn ăn những món khác. Ngoại còn ăn được bún bò. Nó nhớ có lần nó bắt ngoại ngồi ăn hết tô bún gần ba mươi ngàn. Thấy ngoại ăn hết, lòng nó như nở ra từng khúc ruột vậy. Còn có lần ngoại thèm ăn bánh mì. Nó đi mua bánh mì chỗ nó vẫn thường hay mua. Chỗ đó mắc, nhưng ngon. Hai bà cháu ngồi vừa coi ti vi vừa gặm bánh mì. Hôm nào đặc biệt, chẳng hạn như khi nó nhận được học bổng cuối kỳ, hay sinh nhật nó, hay những ngày lễ lạt thiên hạ tranh nhau ra đường ăn tiệm, nó cũng cố ý mua món đặc biệt cho ngoại, cốt sao cho cả nó và ngoại đều cảm thấy không bị lạc quẻ so với người ta, mà cũng để cho ngoại được ăn ngon.

Ngoại từng khen nức nở bún bò ở cái quán cách nhà nó ba con đường. Ngoại cứ kể mãi cái lần bà người thân họ hàng của ngoại bên Mỹ về chơi dẫn ngoại đi ăn bún bò ở chỗ đó. Thịt bò đầy tô ăn đến ngán thì thôi. Nước bún thì thơm nức mũi. Hồi xưa ngoại cũng từng mở hàng bún bò, nên món bún bò mà ngoại khen thì chắc chắn phải ngon miễn bàn. Nó mua được bún bò ở chỗ đó đúng ba lần. Trong bốn năm đại học. Giờ thì nó không mua nữa, kể từ cái lần cuối cùng nó mua tô bún gần năm chục ngàn về cho ngoại ăn mà ngoại chê dở. Ngoại ăn đúng nửa tô, rồi để cho chỗ bún còn lại “hóa đá” trong tủ lạnh. “Ngoại từng khen bún bò chỗ đó ngon mà?” nó cố ép ngoại ăn cho hết tô bún. “Mắc lắm đó. Con còn không dám ăn.” “Ai biểu mày mua làm gì?”. Ngoại bắt đầu giở bài ngang ngược như mọi khi. “Bây giờ tao già rồi, ăn uống không như trước nữa đâu. Đừng có ép. Không tao ói ra mày ráng mà dọn à!”

Từ ngày ngoại bị viêm khớp không đi lại được như ngày nào, bà cháu nó thỉnh thoảng lại hục hặc chuyện ăn uống. Người này thì cố ép người kia ăn bằng được, còn người kia thì cứ vô tâm đến phát bực. Nó nhớ hồi nó mới đậu đại học, ngoại mệt phải nằm viện hai ngày trời. Chị họ nó lên thăm về kể ngoại cứ một hai đòi về khi nghe chị kể nó ở nhà ăn toàn mì gói. Nó nhớ hồi nó mới học đại học năm đầu, nó than vu vơ là thèm cơm gà. Vậy mà ngoại lặn lội đi chợ mua đồ về làm cơm gà thật. Bà ngoại bây giờ thì không như vậy nữa. Cứ như thể mỗi năm qua đi, nó lại mất đi một chút của bà ngoại. Đó là lý do nó cố ép ngoại ăn. Ngoại phải ăn thật ngon, thật bổ, thật nhiều thì mới không bỏ nó như mẹ nó. Nó chỉ biết có ngoại. Và thứ duy nhất nó có thể làm, và muốn làm tốt là phải săn sóc miếng ăn cho ngoại. Vậy mà ngoại cứ như không hiểu? Mỗi lần bà cháu nó cãi nhau, là y như rằng ngày hôm sau cả làng xóm đều hay. Nhà nhỏ như cái ổ chuột. Sát vách nhau còn nghe rõ mồn một chuyện riêng tư thầm kín. Cứ mỗi lần nó bực dọc bưng lên cái tô đồ ăn ngoại đã cất vào tủ lạnh trước đó, ngồi trông ngoại ăn cho bằng hết, là thể nào bà ngoại nó cũng sẽ tru tréo lên: “Người ta già có con có cháu lo cho miếng ăn giấc ngủ. Người bằng tuổi tao là phải có người hầu kẻ hạ. Vậy mà giờ đây tao có một thân một mình, còn bị cháu nó nạt nộ bắt bẻ nữa!”. Nó đe ngoại: “Ngoại mà ăn không hết đem đi đổ là con sẽ không bao giờ mua gì nữa cho ngoại ăn đâu!” “Thì tao nhịn cũng được, tao gửi người ta mua đồ tao ăn, để người ta nói mày là đứa cháu hỗn với ngoại như gấu ngựa!”

Lần đầu tiên nó chứng kiến ngoại đổ nguyên cả tô cháo vịt nó mới mua tối hôm qua vào thau nước cơm heo, nó điên tiết nói với ngoại: “Con thề có chết con cũng không bao giờ mua cháo cho ngoại ăn nữa đâu!”. Khi ấy, nó ấm ức vô cùng. Nó nhớ lại tối hôm trước, ngoại mới nghe thấy tiếng nó de xe đạp vô nhà là hỏi: “Con có mua gì cho ngoại ăn không? Ngoại đói bụng quá!” - hoàn toàn mâu thuẫn với nét mặt bình thản đến đáng ghét của ngoại sáng hôm sau. “Ngoại có bị lẫn không vậy?”. Nó đổ dồn mọi uất ức vào cái nhìn hằn học của mình trút lên ngoại, khi ngoại quay lưng cầm cái tô đi vào nhà bếp rửa.

Bà chị bán cháo vịt ở quán đó nhớ mặt nó. Điều đó càng khiến cho nó khó chịu. Chị cứ mỗi lần gặp nó tới mua lại đon đả, “Vẫn như cũ hả em?” mà không cần nghe nó nói gì luôn. Có hôm chị đổ cháo đầy lút một bì luôn, vẫn không quên hỏi nó: “Em mua cho ai ăn mà bữa nào cũng mua vậy?” với nụ cười tỏ vẻ hào phóng. Nó khó chịu hơn nữa khi có một ngày, chị gọi nó vào trong quán hỏi thầm: “Em có thiếu quần áo không? Chị có đứa em mới cho bịch đồ nhiều quần áo lắm!”. Mặc cho nó cố cười để từ chối lịch sự nhất có thể, ngày hôm sau tới mau cháo, chị vẫn dúi nguyên vào tay nó bì đồ si đa tú hụ nào toàn quần jeans với áo thun mà nó không bận vừa. Tại sao nó lại cứ phải ngày nào cũng đi mua cháo ở quán này vậy chứ? Mỗi tối mà không ghé qua quán này, nó cứ thấy sao sao trong lòng. Như thể nó đang bỏ đói ngoại vậy. Gần hai năm từ hồi nó ra trường là hai năm ròng rã tối nào nó cũng đạp xe đi mua cháo. Nó cũng biết sợ, lỡ như có một ngày mình không phải đi mua như vầy nữa thì biết làm sao?

Trong thâm tâm, nó biết mình chẳng phải đứa cháu tử tế gì. Nó từng dùng không biết bao nhiêu từ ngữ độc ác để đốp chát lại bà ngoại. Nó biết như vậy là hỗn, là mất dạy, là không thể chấp nhận được dù có bào chữa bằng bất cứ cái cớ nào đi nữa. Nó tức giận, và mỗi khi tức giận, nó quên mất bà ngoại là người duy nhất trên đời này thương yêu và che chở cho nó vô điều kiện. Nó mua nhiều đồ ăn đêm cho ngoại, đến nỗi ngoại không ăn hết, đem bỏ vào trong tủ lạnh để hôm sau ăn, chẳng qua một phần là cũng vì nó ghét cái cảm giác phải đạp xe đi mua đồ ăn sáng cho ngoại vào bữa sớm. Từ hồi nó không kiếm nổi việc làm cho ra hồn sau khi ra trường, rồi đâm ra bất mãn, tối nào nó cũng phải uống thuốc chữa rối loạn lo âu mới mong đi ngủ được. Hai năm sau ngày tốt nghiệp, nó chưa bao giờ có được giấc ngủ sâu tự nhiên nào. Mỗi lần bị đánh thức giữa đêm vì tiếng ho khan của ngoại, nó không thể ngăn mình khỏi những ý nghĩ đen tối về tương lai của hai bà cháu nó. Thuốc khiến nó rất dễ bị kích động dù vui hay buồn. Nhưng thà như vậy còn đỡ hơn là trằn trọc cả đêm với nỗi sợ hãi ám ảnh dai dẳng chưa bao giờ buông tha nó. Nó nhớ cái hồi nó mới bị, đêm nào cũng la hét trong tức giận và sợ hãi tột độ mà chẳng thể nói với ngoại đang nằm rên rỉ vì cái lưng đau, nó luôn phát ngán mỗi khi ngoại nó thầm thì khấn vái: “Cầu trời lạy Phật, cầu xin các cô các bà các cậu tha cho cháu tôi, đừng phá cháu tôi nữa!”

Đợt này ngoại hình như hay quên. Sáng sớm nay, nó đang ngủ thì bị tiếng dép của ngoại đánh thức. Câu đầu tiên mà ngoại nói với nó như một quả bom nổ ngay giữa mặt nó. “Uả cháu tao đâu rồi? Con là ai mà ngồi đây?” Nó chết điếng người. Như thể người đang đứng trước mặt nó không phải là ngoại vậy. Ngoại đâu? Nó cũng muốn hét lên như vậy với người đối diện nó. Ngoại tôi đâu rồi? Nó lấy hết sức bình sinh lay mạnh người ngoại nó. Nó hét lên: “Con là ai đây? Ngoại bị sao vậy hả?” cho tới khi ngoại hỏi lại nó là ai lần thứ hai, nó nhận ra mình không còn đủ sức để la hét nữa. Nó đã hét khản cổ rồi. Cổ họng nó giờ đang bỏng rát. Người nó rã rời. Đây là những gì còn lại của hai bà cháu ư? Cái ngày mà nó sợ nhất đã đến rồi ư? Nó không cảm thấy nỗi đau đớn xé tim mà nó đã từng tưởng tượng mình sẽ cảm thấy. Nó nên cảm thấy nỗi đau ấy ngay lúc này, nhưng thay vào đó, điều nó muốn làm nhất lúc này lại là leo lên giường ngủ lại. Nó hậm hức lấy chân đá một cái vào giường ngoại nó. Tức giận. Tất cả chỉ có vậy. Phẫn uất. Hận. Tại sao chứ? Nó muốn nói thêm với ngoại câu gì thật độc ác, sao cho ngoại nghe thấy, để ngoại tổn thương như nó, hay hơn nó gấp trăm lần cho hả. Nhưng nó biết ngoại chẳng thể nghe nổi điều gì đó nữa. Nó để mặc cho bà ngoại lom khom cái lưng gù xuống nhà vệ sinh đi tiểu. Khi đang nằm trên giường, cố vục mặt vào cái gối quen thuộc để dỗ lại giấc ngủ, nó nghe thấy tiếng ngoại từ dưới nhà vệ sinh vang lên, như thể ngoại nó đang đóng kịch cho nó coi vậy: “À, sao giờ già rồi hay quên dữ vậy trời.”

Tô kem Plan ngoại ăn hôm qua đến giờ vẫn chưa đụng tới nữa. Nó đóng tủ lạnh lại, trước khi đạp xe ra khỏi nhà. Tối nay, ngoại ăn cháo không?

© Toàn Nguyễn - blogradio.vn

Mời xem thêm chương trình:

Blog Radio 447: Những giọt nước mắt của cha

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em

Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em

Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.

Lá thư gửi đến thiên đường

Lá thư gửi đến thiên đường

Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.

Đắng cay

Đắng cay

Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân

Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi

Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi

Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.

Đơn phương yêu một người

Đơn phương yêu một người

Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.

Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?

Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?

Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?

Câu chuyện về một nhà thơ…!

Câu chuyện về một nhà thơ…!

Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.

Vì anh còn thương em

Vì anh còn thương em

Tất cả khiến anh lặng người, thơ thẩn vì mải mê đắm chìm trong quá khứ, trong nụ cười, ánh mắt em. Anh không muốn trở về với thực tại tàn khốc rằng chuyện tình mình đã kết thúc tự bao giờ, rằng anh đã mất em thật rồi.

Ai là bạn trong cuộc đời?

Ai là bạn trong cuộc đời?

Hãy để những ước mơ dẫn dắt bạn, vì chúng sẽ giúp bạn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống và cung cấp động lực để bạn tiếp tục tiến bước.

Ánh nắng chiếu

Ánh nắng chiếu

Anh nhớ em một ngày cuối hạ Cho tình yêu gọi giấc mơ về Anh nhớ em một tình yêu lạ Mà sao lòng anh vẫn còn yêu

back to top